Chí Phèo
Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam (1917-1951). Người trí thức và nông dân nghèo là hình ảnh quen thuộc trong các tác phẩm của ông. Chí Phèo được xem là một kiệt tác của Nam Cao,kết tinh từ tài năng nghệ thuật, cái nhìn hiện thực sắc sảo, và cả tấm lòng nhân đạo của ông. Trong đó nhà văn đã khá thành công khi xây dựng diễn biến tâm trạng của nhân vật Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở cho đến lúc cầm dao tự tay kết liễu cuộc đời mình.
Chí Phèo là hình ảnh của người nông dân trước cách mạng bị chèn ép đến bước đường cùng phải chống trả bằng con đường lưu manh tội lỗi. Bản chất của Chí không phải là lưu manh côn đồ, chính nhà tù thực dân tiếp tay cho bọn cường hào ác bá biến một người nông dân lương thiện giàu lòng tự trọng trở thành con quỷ của làng Vũ Đại. Tưởng rằng Chí sẽ chết ở một nơi không ai quan tâm, nhưng dưới ngòi bút nhân đạo của Nam Cao Thị Nở xuất hiện, Thị đã làm được một điều mà cả làng không ai làm được đó là đánh thức phần người bên trong con quỷ dữ.
Thị Nở là một người xấu xí, dở hơi, ngẩn ngơ, ế chồng,lại có dòng giống mã hủi nên cả làng tránh xa thị như tránh xa một con vật gì đó rất tởm.
Cuộc gặp gỡ của Chí Phèo với Thị Nở là sự chung chạ do bản năng bị rượu đánh thức. Chính tình yêu tình người của thị đã đánh thức lương tâm làm người của Chí. Sáng hôm sau, như bao người say tỉnh rượu khác, Chí cảm nhận được chính xác cảm giác " miệng đắng lòng mơ hồ buồn","người thì bủn rủn, tay chân không buồn nhấc". Từ khi mãn tù trở về, đây là lần đầu tiên con quỷ dữ hết say và tỉnh táo. Có lẽ lâu lắm rồi hắn mới cảm nhận được sắc thái, âm thanh của cuộc sống xung quanh "tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!","có tiếng cười nói của người đi chợ", "anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá", "cuộc trò chuyện của người đàn bà bán vải ở chợ Nam Định về". Những âm thanh quen thuộc đó ngày nào chẳng có, nhưng hôm nay hắn mới nghe được vì đây là lần đầu hắn mới hết say và tỉnh táo.
Nhịp sống trở lại. Khiến hắn nghĩ về quá khứ xa xôi với ước mơ bình dị" hình như có một thời hắn ao ước có một gia đình nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải" ước mơ ấy tuy nhỏ bé nhưng cũng thật đau đớn, chua sót vì bao năm qua chưa bao giờ hắn thực hiện được. Hắn sống lại với hiện tại "hiện tại thật đáng buồn, hắn thấy mình đã già đi đến bên kia cái dốc của cuộc đời mà vẫn cô độc". Rồi hắn nghĩ đến tương lai cô độc với già nua và bệnh tật, và hắn lo và càng lo hơn nữa vì một nửa cuộc đời hắn từng trải cũng đủ để biết cô độc còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau. Điều gì làm thay đổi lương tâm của Chí? Vì cuộc gặp gỡ với Thị Nở, tình yêu của Thị, đúng nhưng chưa đủ, nhà văn còn phát hiện ra sự thay đổi của nhân vật thông qua trận ốm" trận ốm đã làm thay đổi tâm sinh lí của Chí Phèo".
Một cách tự nhiên, suy nghĩ của Chí lại hướng về Thị Nở khi thị bước vào lều với bát cháo hành. Không ngoa khi nói Thị xấu, xấu đến mức ma chê quỷ hờn,ấy vậy mà sự chăm sóc dành cho Chí sao mà ân cần, chân thật và bình dị đến vậy "thằng này hết ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên hằn thấy mắt ươn ướt". Đúng vậy, giờ đây bên trong Chí tồn tại nhiều cảm xúc khác nhau. Hắn ngạc nhiên vì cả làng đều căm ghét, sợ hãi và tránh xa hắn, nhưng thị lại không. Sau đó, hắn cảm động vỡ òa "hình như hắn khóc, đây là lần đầu tiên hắn được người khác chăm sóc mà lại bởi bàn tay của một người đàn bà". Vì trước giờ, muốn ăn thì hắn phải giành giật, cướp bóc và dọa nạt người khác. Nhìn bát cháo hành trên bốc khói thơm nức " hắn thấy lòng mình bâng khuâng và có chút gì đó như là ăn năn", người ta thấy ân hận khi mà không còn sức để ác nữa. Với hiện tại như lúc bây giờ, trong Chí tràn ngập nhiều niềm vui mới mẻ " hắn thấy lòng như trẻ con, muốn làm nũng với thị như đứa trẻ làm nũng với mẹ". Rồi theo một lẽ tự nhiên "hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao, Thị Nở sẽ mở đường cho hắn". Hắn khao khát về một gia đình hạnh phúc với Thị, đặt hết hi vọng vào Thị "Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao mọi người lại không thể được". Tình yêu, tình người của Thị đã làm Chí thức tỉnh. Cuộc gặp gỡ này không chiều theo thị hiếu tầm thường mà xuất phát từ khát vọng cao đẹp. Bản chất người Chí không mất đi mà chỉ ngủ mê trong lốt một con quỷ dữ.
Nhưng niềm vui của Chí chẳng kéo dài được bao lâu, con đường lương thiện của Chí bị khép lại trong vô vọng vì bà cô Thị Nở không cho phép lấy hắn "một thằng không cha, không mẹ chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ". Định kiến của bà cô thị Nở cũng chính là định kiến của xã hội phong kiến. Đối diện trước sự tàn bạo của xã hội, tình người thật mong manh, dễ tan biến. Đúng như thế, Chí lại bị cự tuyệt, một người đàn bà xấu xí đến cùng cực cự tuyệt, bị chính hi vọng duy nhất, khát khao cháy bỏng nhất cự tuyệt. Đau đớn tột cùng, Chí Phèo lại lôi rượu ra uống nhưng rượu vào lại càng tỉnh "hắn ôm mặt khóc nưng nức "Chí Phèo đau đớn vật vã, "hắn thoang thoảng thấy hơi cháo hành". Trong sâu thẳm lòng Chí,hắn ý thức được rõ nhất về nỗi đau của những con người sinh ra nhưng lại không có quyền làm người.
Chí Phèo quyết định trả thù kẻ đã làm mình ra nông nỗi này. Lúc đầu"hắn định đến nhà bà cô Thị Nở để giết cả nhà nó" nhưng hắn lại đến nhà Bá Kiến để đòi quyền làm người "Tao muốn làm người lương thiện", "Ai cho tao lương thiện","tao không thể lương thiện được nữa" rồi hắn rút dao đâm chết Bá Kiến. Hành động giết Bá Kiến không phải là hành động mù quáng do men rượu mang lại mà lúc này Chí đã nhận ra và thấm thía những tội ác của kẻ đã cướp đi nhân hình nhân tính của mình. Đây là hành động lấy máu rửa thù của người nông dân lao động.
Chí Phèo tự kết thúc cuộc đời mình vì hắn đã thức tỉnh hoàn toàn. Không thể trở về con đường lưu manh, rạch mặt,chém giết,lại càng không thể sống yên bình,lương thiện trong cái xã hội này gì không ai xem Chí là con người cả. Chí Phèo chết để giúp mình thoát khỏi kiếp quỷ dữ. Trước đây Chí Phèo sống như một con vật, nhưng Chí lại chết như một con người. Để trở thành người lương thiện, Chí đã trả giá bằng cả tính mạng của mình. Niềm khao khát lương thiện của người nông dân còn cao cả hơn cả tính mạng
Kết thúc tác phẩm là một tất yếu, thể hiện rõ ngòi bút nhân đạo của nhà văn Nam Cao, khát vọng làm người chân chính của con người lương thiện. Tác phẩm còn tố cáo cái xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời, không chỉ đẩy người nông dân lương thiện vào con đường lưu manh tội lỗi mà còn đẩy họ vào cái chết.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro