phân tích (4)
Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, cuộc đời và sự nghiệp của Bác là nguồn cảm hứng vô tận của thơ ca.
Có biết bao bài thơ đã ca ngợi Bác trong đó có nhiều bài đã đi vào đời sống tình cảm của nhân dân. Bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương đã thể hiện được những cảm xúc chân thành, tha thiết đối với Bác Hồ vô vàn kính yêu.
Viễn Phương – người nghệ sĩ và người chiến sĩ đã đứng trong đội ngũ chiến đấu để thực hiện lí tưởng cao cả của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Cuộc chiến đấu thắng lợi, từ khói lửa chiến tranh bước ra, nhà thơ ra Hà Nội – trái tim của cả nước để được viếng Bác.
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác.
Câu thơ không có bàn tay kĩ thuật gọt giũa câu chữ, cứ tự nhiên như lời nói thường nhưng đọc lên vẫn xúc động vì đây là tiếng nói tự đáy lòng của người con đi xa về bên cha. Câu thơ bằng lặng nhưng bên trong ẩn chứa một nỗi đau của sự mất mát.
Đến gần lăng, một không gian hiện ra trước mắt, lẫn trong sương sớm là “hàng tre bát ngát”. Quanh lăng Bác cả một rừng cây như hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam tươi xanh, các loại cây quen thuộc, quý hiếm trong Nam ngoài Bắc đều có mặt bên lăng Bác nhưng hình ảnh hàng tre vẫn đậm nét nhất trong tâm trí nhà thơ. Cây tre tượng trưng cho cuộc sống và tâm hồn người Việt.
"Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam.
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng."
Màu tre mãi mãi xanh tươi như sức sống bất diệt của dân tộc Việt Nam trước những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên và lịch sử. Hàngtre bên lăng ru giấc ngủ ngàn đời của Bác như thuở ấu thơ tre làm bạn với Người.
Bác nằm trong lăng, Bác vẫn sống mãi với non sông đất nước, Bác vẫn toả ánh sáng muôn đời:
"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ."
Mặt trời của tự nhiên đem lại sức sống cho muôn loài. Mặt trời thật đó gợi lên một sự liên tưởng và so sánh: Bác chúng ta cũng là một mặt trời, Bác đã soi đường dẫn lối cho nhân dân ta đi lên từ trong đêm tối nô lệ đến cuộc đời xán lạn của tự do độc lập.
Công ơn của Bác như trời biển, Bác ra đi để lại muôn vàn tiếc thương. Những dòng người nối dài như vô tận đến viếng Bác bằng tất cả tấm lòng thành kính, hình ảnh đó nhà thơ tưởng tượng như những tràng hoa kết lại để dâng lên Bác:
"Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân..."
Đến bên Bác, niềm xúc động trào dâng nhưng sao ta vẫn có cảm giác Bác vẫn nằm đó trong giấc ngủ thanh thản, ta nhẹ gót để Bác được yên giấc:
"Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền"
Trong giấc ngủ vĩnh hằng của Bác có trăng làm bạn. Trăng vốn là tri âm tri kỉ với Bác từ những tháng ngày bị đày đoạ trong nhà lao Tưởng Giới Thạch, đến những ngày gian khổ ở núi rừng Việt Bắc, trăng vẫn gần gũi: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ”.
Bài thơ kết thúc trong tâm trạng lưu luyến, nhớ mong. Ngày mai trở về Nam, xa Bác và nhà thơ muốn được hoá thân để được mãi mãi bên Bác:
"Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này."
“Muốn làm”... nỗi niềm mong ước hoá thành chim để hót, thành hoa để toả hương, hoà cùng muôn ngàn âm thanh, hương sắc của thế giới thiên nhiên quanh Bác. “Muốn làm cây tre trung hiếu...”, cây tre mang tính biểu tượng của lí tưởng và lời dạy của Bác: “Trung với nước, hiếu với dân”.
Bài thơ ngắn gọn, lời thơ tự nhiên, âm hưởng trầm lắng và giàu cảm xúc. Bài thơ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi lẽ trước hết đó là tiếng nói chân thành tha thiết của nhà thơ và của tất cả chúng ta đối với Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro