Untitled part
Đã từng nghe: "Thơ văn là tình cảm, là trái tim người viết". Một bài văn, một vần thơ hay sao có thể thiếu một mảnh tâm hồn tác giả cất giữ bên trong? Thơ Nguyễn Du là một minh chứng điển hình cho điều đó. Ai đã từng đọc thơ Tố Như mà chưa đến gần hơn với trái tim đa cảm ấy, chưa cảm nhận được "đôi mắt trông thấu sáu cõi và tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời". Một trong những tiểu biểu là "Đọc Tiểu Thanh kí", bài thơ không chỉ là tiếng khóc than cho số phận của nàng Tiểu Thanh tội nghiệp, mà nó còn là giọt nước mắt bi sầu của nhà thơ tự khóc cho chính bản thân mình.
Có nhiều ý kiến trái chiều về hoàn cảnh ra đời của bài thơ "Độc Tiểu Thanh kí" song căn cứ vào những gì còn lưu lại trong sử sách, ta có thể giả định rằng bài thơ được Nguyễn Du sáng tác trước khi đi sứ Trung Quốc. Có lẽ đó là một buổi trời chiều thoảng hơi buồn vươn vít, Tố Như tiên sinh lặng người bên song cửa sổ, đọc tập kí của Tiểu Thanh, bởi thế bài thơ ra đời tuy viết về nàng Tiểu Thanh nhưng lại mang những suy tư, trăn trở về thân phận của người tài sắc nói chung và của chính bản thân nhà thơ nói riêng. Cùng có một trái tim đa cảm, Nguyễn Du và Tiểu Thanh vượt qua mọi trắc trở không gian và thời gian để đến bên nhau, tạo nên một cuộc hội ngộ diệu kì giữa những tâm hồn đồng điệu:
"Tây Hồ hoa uyển tẩn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư."
Hai câu thơ đề đã làm bật lên hoàn cảnh gặp gỡ vô cùng đặc biệt, như đã nói đây chẳng phải một cuộc gặp gỡ nơi mặt đối mặt, Tố Như tiên sinh và Tiểu Thanh cô nương trò chuyện với nhau bằng tình cảm, bằng trái tim và tâm hồn qua từng vần thơ, từng câu chữ. Mở đầu bài thơ là một khung cảnh thiên nhiên ảo huyền, lung linh với non xanh nước biếc, ngập tràn hoa thơm cỏ lạ thoắt chốc hiện lên dưới bốn chữ "Tây hồ hoa uyển" song hỡi ôi ngay sau đó lại là chữ "tẫn" - một sự thay đổi đến tận cùng, đến triệt để khiến con người phải sững sốt, ngỡ ngàng. Vườn hoa Tây Hồ còn đâu nữa, giờ chỉ còn một bãi gò quanh hiu, xơ xác, người đẹp Tiểu Thanh tài sắc còn đâu nữa, giờ chỉ còn lại một nắm tro tàn. Một sự đối lập đến tàn khốc giữa quá khứ và hiện tại, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến cho trái tim thương cảm của cụ Nguyễn làng Tiên Điền khẽ nhói đau. Tuy nhiên trong bản dịch thơ, từ "tẫn" lại được thay bằng "hóa", nhẹ hóa đi vẫn chưa thể lột tả hết sự đổi thay khốc liệt mà thời gian mang lại. Hơn nữa trong câu thơ tiếp theo, bản dịch thơ lại tiếp tục đánh mất đi chữ "độc" và "nhất": "Thổn thức bên song mảnh giấy tàn", thêm một lần nữa làm giảm đi ý nghĩa của câu thơ. Thực chất, "nhất" là một và "độc" cũng tức một song nếu nhất là sô từ chỉ lượng thì "độc" lại là trạng từ chỉ tâm thé của nhà thơ. Đã "độc" lại còn thêm nhất, đã một mình nay lại càng cô đơn, việc dùng cùng một nghĩa qua hai từ khác nhau, Thanh Hiên như muốn nhấn mạnh sự cô đơn, lạc lõng song đồng thời cũng nhấn mạnh cả sự tương xứng của cuộc gặp gỡ này. Một trạng thái cô đơn gặp một kiếp cô đơn bất hạnh. Ngoài ra, câu thơ thứ hai còn có thể hiểu theo một nghĩa khác, "song" và "điếu", điếu phải gắn liền với song, song điếu tức cánh cửa sổ mở ra có thanh cài. Nhất không chỉ hiểu là một mà còn thể hiểu rằng còn xót lại ít ỏi. Vậy vâu thơ này cũng có thể dịch là một mình bên cửa sổ đến với những trang sách còn sót lại ít ỏi. Nhưng tuy có hiểu theo cách nào đi chăng nữa thì ý nghĩa của hai câu đề duy chỉ có một đó chính là sự đồng cảm của Nguyễn Du đối với nàng tiểu Thanh đáng thương.
Văn chương như một phép màu, đã trở thành chiếc cầu nối vượt cả không gian và thời gian đưa hai con người có chung một nhịp điệu tâm hồn lại gần nhau. Hai câu thơ như mở ra một thứ ngọai cảnh và tâm cảnh đặc biệt. Đó chính là cái khoảng khắc lắng đọng suy tư nhận khi ta gặp gỡ một con người, một số mệnh và cả lòng cảm thông phát xuất từ trái tim ta trước số mệnh đáng thương đó. Cái số kiếp bi thương đến nỗi cả son phấn là vật "vô tri vô giác" còn phải đau đớn, xót xa:
"Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phân dư."
"Son phấn" ẩn dụ cho sắc đẹp, "văn chương" ẩn dụ cho tài hoa nhưng chỉ vì một chữ "ghen" trong lòng dạ đàn bà mà phấn son vị chôn vùi, văn thơ bị thiêu đốt. Tiểu Thanh chết ở khoảnh khắc đẹp nhất trong đời người con gái, năm nàng bước sang tuổi 18, vườn hoa Tây Hồ không vươn bóng người, tuy có thiên nhiên bầu bạn nhưng Tieru Thanh cô nương vẫn sinh bệnh mà chết trong cô độc. Và dẫu người có mất đi nhưng oán hận vẫn còn ở lại, sự ghen ghét, vùi dập phũ phàng của người vợ cả đối với nàng vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai, sắc đẹp của nàng dù còn sống hay đã chết vẫn bị chôn vùi trong cô độc, tài hoa của nàng dẫu còn tại thế hay đã lìa đời vẫn bị thiêu đốt trong sự hoang vắng nơi Tây Hồ hoa uyển. Đây cũng chính là thái độ chung của toàn xã hội phong kiến, không chấp nhận nhưng con người tài sắc, cũng chính là cái nhìn về thuyết "tài – mệnh" của Tố Như tiên sinh: "Chữ tài đi với chữ tai một vần", tài và mệnh vốn là hai mặt trái của một đồng tiền, không cách nào cùng ngửa, không cách nào cùng tồn tại song song với nhau, Tiểu Thanh đã vô tình vướn vào hai tấn bi kịch thảm khốc ấy của đời người "Hồng nhan bạc phận", "Tài hoa bạc mệnh" là vậy:
"Rằng: Hồng nhan tự thuở xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu."
Càng tài hoa thì phận đời càng nagng trái, càng đẹp thì càng chuốc lấy khổ đau. Song bên cạnh triết lí đó lại còn mang một tầng nghĩa khác, "vẫn hận", "còn vươn", cụ Nguyễn làng Tiên Điền muốn ngợi ca, muốn khẳng định sự trường tồn, bất tử của cái đẹp, vì cái đẹp vẫn chưa khắc nào tàn phai, dẫu thiên nhiên có đổi thay theo năm tháng thì vẻ đẹp con người vẫn mãi trường tồn với thời gian. Chỉ qua bốn câu đầu của bài thơ thôi, lòng nhân đạo vô cùng sâu sắc của cụ Nguyễn Du đã hiện lên ngày một rõ nét, sự xót xa, thương cảm đến tộn cùng của ông cho những người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng vẫn không thoát được cái quy luật "hồng nhan đa truân", vẫn không thoát được cái lòng ghen ghét đố kị của nữ nhi trong thiên hạ:
"Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen."
Tại sao chứ, tại sao hết Tiểu Thanh rồi lại đến Kiều, đến người ca nữ đất Long Thành đều phải chịu chung một số mệnh dưới tay cái triết lí ấy? Cái triết lí ấy là do đâu mà ra, từ đâu mà thành, sao lại có thể tàn khốc và nhẫn tâm đến vậy với nhưng người con gái đẹp, không một chút tiếc ngọc thương hoa, đó là một câu hỏi mà nhà thơ luôn tự hỏi bản thân mình, hỏi xã hội hơn cả ông còn muốn hỏi cả đất trời:
"Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư."
Một câu hỏi oái oăm đến nỗi cả đấng cao xanh thông tuệ kia cũng chẳng tìm được lời giải đáp. Một câu hỏi khiến người ta dằn vặt, ray rứt đến nỗi hóa thành mối hận thù, vô lí và bất công đến thế người có sắc chỉ gặp bất hạnh, người có tại chỉ mãi sống trong nỗi cô đơn. Tất cả nỗi phẫn uất đó hóa thành mối hận cổ kim, xưa hận và nay vẫn hận, là mối hận muôn đời. Mối hận này vốn đã không còn riêng là mối hận truyền kiếp của mỗi nàng Tiểu Thanh mà còn là mối hận của tác giả, là mối hận khôn nguôi của những con người chung kiếp tài hoa bạc mệnh. Họ hận cái tư tưởng của xã hội thối nát này, hận tại sao không gian, thời gian đều đã đổi dời song cái bản chất của xã hội phong kiến vẫn chẳng bao giờ dời đổi. Có tài, có sắc nào phải lỗi của họ, họ bị oan, "kì oan" – một nỗi oan lạ lùng. "Phong vận kì oan ngã tự cư" tức ta tự coi như người cùng một hội với những kẽ mắc nỗi oan lạ lùng vì nếp phong nhã. "Ngã" – cái tôi, đây quả là một nét mới mẻ trong chủ nghĩa nhân đạo của Nguễn Du, từ thương người, ông thương cả chính bản thân mình, thương mình là một người có tài song cái tài của ông lại trở nên lạc lõng cô đơn giữa xã hội đương thời. Nguyễn Du không muốn chỉ mãi đứng nhìn nữa, cái tôi bạc mệnh, cái khát khao được tri âm bên trong ông đã thôi thúc ông chủ động kiếm tìm sự đồng cảm, thôi thúc ông khẳng định cái bản ngã, cái tôi của mình trong thơ ca - biểu hiện của sự phá vỡ tính phi ngã của văn học thời trung đại, biểu hiện của tư tưởng đi trước thời đại và giá trị nhân đạo sâu sắc trong thơ Tố Như.
Quả đúng như lời Mộng liên Đường chủ nhân Nguyễn Đăng Tuyển từng có lời bình: "Thúy Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm Truyện Thúy Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một, người đời sau thương người đời nay, ngời đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là một cái thông lụy của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy" Tình thương của Nguyễn Du cho Tiểu Thanh có lẽ cũng vì lẽ đó mà thành, Tố Nhưng thương người rồi lại tự thương chính mình từ đó lại sinh ra những nỗi băn khoăn, day dứt khôn nguôi:
"Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?"
Bởi Tiểu Thanh sau ba trăm nay, rốt cuộc cũng đã đợi được một Thanh Hiên tri âm rỏ lệ xót xa, tìm được chốn an ủi nỗi lòng, còn bản thân Thanh Hiên chẳng biết sau ba trăm năm nữa có đợi được một ai trong khắp đất trời bao la này xót thương, tưởng nhớ tới chăng. Bài thơ khép lại bằng một câu hỏi tu từ, một câu hỏi chẳng cần được hỏi đáp. Nguyễn Du là đang hỏi ai, ông đang hỏi tiểu Thanh hay đang hỏi chính mình. Câu hỏi cất lên da diết như đang bật khóc, như người hỏi đang cố níu lấy một chút hy vọng cuối cùng cho khát vọng được tri âm đang ngày đêm rạo rực. Ông như đã không còn chút hy vọng nào ở những con người ở chốn nhân gian lúc bấy giờ, ông muốn tìm về hậu thế nơi ba trăm năm sau, nơi có một người nào đó có thể hiểu cho nỗi lòng của ông, khóc thương cho ông như ông đã từng khóc Tiểu Thanh vậy. Mạnh dạn đưa tên mình vào bài thơ, Tố Như một lần nữa đánh tan tính phi ngã, một lần rồi lại một lần thể hieejnt ư tưởng tiếng bộ, quả là một hiện tượng hiếm gặp trong thơ Trung Đại. Từ "khấp", khóc được cụ Nguyễn làng Tiên Điền sử dụng ở hai câu cuối thật đắt. Bởi tiếng khóc là dấu hiệu mãnh liệt nhất của tình cảm, cảm xúc thương thân mình, thân người, nó đã bị đè nén rất lâu và giờ đây vỡ òa ra nức nỡ. Nó còn thừa tiếp và cụ thể hóa chữ điếu ở câu thơ thứ hai. Từng con chữ ông viết ra không chỉ bằng loại mực đơn thuần mà là mực được mài ra từ những giọt nước mắt Nguyễn Du xót xa cho Tiểu Thanh, băn khoăn cho bản thân không biết hậu thế về sau rồi ai sẽ cất tiếng khoc cho ông.
Có thể nói tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du là mênh mông vô hạn, vượt qua mọi không gian và thời gian. Xuyên suốt bài thơ là nỗi buồn, nỗi tiếc thương cho những con người tài hoa bạc mệnh song kết đọng lại bài thơ là dư vị của nỗi cô đơn của một người nghệ sĩ. Tố Như thấy mình lạc lõng ở hiện tại và đã tìm thấy một người tri kỉ ở quá khứ nhưng vẫ là chưa đủ đê khỏa lấp nỗi cô đơn trong lòng ông, ông vẫn mong ngóng một tấm lòng trong tương lai, hy vọng rằng rồi sẽ có một ai đó, một ai đó đến và tri âm với nỗi lòng này. Không phụ lòng Nguyễn Du, chẳng cần đến 300 năm, chỉ 200 năm sau Tố Hữu đã đến và thỏa lòng mong đợi của ông:
"Tiếng thơ lay động đất trời
Nghe như đất nước vọng lời mẹ ru
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày."
Quả không hổ danh Nguyễn Du – vị đại thi hào dân tộc, từng câu chữ ông viết nên đều tràn đầy cảm xúc, chạm đến trái tim độc giả, tinh tế và sâu lắng vô cùng. Bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luận, cùng nghệ thuật đối và kết hợp sử dụng khéo léo câu hỏi tu từ ngòi bút của ông viết nên "Đọc tiểu Thanh kí", mang theo dòng vận động nội tâm của cả tâm hồn ông: thương người, đồng cảm với người và thương mình. Tôi tin chắc rằng dẫu thời thế có đổi thay, thời gian, không gian có chuyển dời, cái tên Nguyễn Du vẫn sẽ mãi lưu danh sử sách, vẫn mãi được nhắc đến với lòng tôn kính và ngưỡng mộ vô bờ của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro