Phân tích bài thơ "Đàn ghi ta của Lor-ca" - Thanh Thảo
Khi một đất nước bị đặt ách thống trị bởi ngoại xâm, mọi người dân đều phải có nhiệm vụ đứng lên đấu tranh, giành lại độc lập tự do. Đối với tầng lớp văn nhân, thi nhân, họ có thể chiến đấu vũ trang hay dùng chính sở trường của mình – sáng tác văn học – để tạo nên những tác phẩm chất chứa tình yêu quê hương, đất nước, cổ vũ tinh thần tranh đấu. Một trong những nghệ sĩ đã trở thành biểu tượng không chỉ cho niềm say mê với nghệ thuật mà còn cho lòng yêu nước nồng nàn, chính là Lor-ca. Hình tượng vĩ đại của người nghệ sĩ ấy đã được Thanh Thảo khắc họa đậm nét qua bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca”:
“những tiếng đàn bọt nước
…
li-la li-la li-la…”
Thanh Thảo là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, được độc giả chú ý qua những tập thơ và trường ca viết về chiến tranh và thời hậu chiến. Với nỗ lực cách tân thơ Việt trong xu hướng đi sâu vào cái tôi nội cảm, thơ của ông giàu chất suy tư, phóng túng, mang đậm màu sắc siêu thực và tượng trưng. Bài thơ nổi tiếng của ông "Đàn ghi ta của Lor-ca" được trích từ tập “Khối vuông ru-bích” đã dựng lên bức tượng đài vĩ đại của người nghệ sĩ Lor-ca cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật và đất nước. Lor-ca, tên đầy đủ là Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca, là một tài năng sáng chói của văn học hiện đại Tây Ban Nha. Ông là một nghệ sĩ thiên bẩm, đa tài trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật như thơ ca, hội họa, âm nhạc… Bên cạnh vai trò một người nghệ sĩ, Lor-ca còn là một chiến sĩ nhiệt huyết, vừa đấu tranh chống phát xít và chế độ độc tài Phi-nô đê Ri-vê-a, vừa thúc đẩy công cuộc cách tân nền nghệ thuật già nua Tây Ban Nha. Lời đề từ: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” gợi đến câu thơ trong bài “Ghi nhớ” của chính ông: “Khi nào tôi chết, hãy vùi xác tôi cùng cây đàn dưới lớp cát”. Đó là sự khẳng định tình yêu của Lor-ca đối với quê hương, niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật và quan trọng hơn là lời nhắn nhủ của Lor-ca với thế hệ sau phải biết mạnh dạn chôn đi cái xưa cũ để vươn lên sáng tạo, đổi mới nghệ thuật.
Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” mang đậm chất thơ của thi phái tượng trưng – một xu hướng văn học dùng ấn tượng của giác quan để tạo nên những biểu tượng gợi sự liên tưởng phong phú – và màu sắc của chủ nghĩa siêu thực – một thế giới tồn tại trong địa hạt tâm linh. Mở đầu bài thơ, Thanh Thảo đã vẽ nên hình tượng người nghệ sĩ tự do, phóng khoáng trên con đường của chính mình:
“những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”
Xuyên suốt bài thơ là hình tượng “tiếng đàn”. Tiếng đàn ghi ta là một nét đặc trưng trong nền văn hóa Tây Ban Nha, đã có từ lâu đời và trở thành một nhạc cụ truyền thống. Do đó, “tiếng đàn” chính là phép ẩn dụ cho cuộc đời, tâm hồn của Lor-ca nói riêng và tầng lớp nghệ sĩ nói chung, bởi lẽ niềm say mê đối với nghệ thuật được thể hiện qua sự gắn bó chặt chẽ giữa nghệ sĩ với cây đàn dân tộc ấy. Dòng thơ “những tiếng đàn bọt nước” đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc vì đã tạo nên sự chuyển biến cảm giác – từ thính giác sang thị giác. “Tiếng đàn” được so sánh với “bọt nước” gợi cho chúng ta liên tưởng đến âm thanh cây đàn nổi lên rất tròn trịa, mang sức mạnh bất tử của nghệ thuật luôn vang ngân trong lòng người yêu nhạc. Thế nhưng, “tiếng đàn bọt nước” ấy cũng chính là số phận của người nghệ sĩ Lor-ca rất đỗi mỏng manh trước thời cuộc lúc bấy giờ. Màu đỏ trong “áo choàng đỏ gắt” thoạt đầu gợi cho ta nhớ đến môn đấu bò tót – một bản sắc văn hóa Tây Ban Nha. Màu đỏ ấy còn là màu của chiến tranh, màu máu của những con người Tây Ban Nha đã hi sinh anh dũng, trong đó có cả Lor-ca. Đối lập với cảnh tượng ấy là chuỗi âm thanh của cây đàn: “li-la li-la li-la”. Li-la cũng là tên một loài hoa ở xứ Tây Ban Cầm với màu tím tuyệt đẹp của nó. “Vầng trăng” là sắc đẹp huyền diệu của thiên nhiên, cũng là biểu tượng cho vẻ đẹp của nghệ thuật. Hai từ “chếnh choáng” diễn tả chính xác trạng thái cảm xúc của nghệ sĩ – Lor-ca đang say mê, chìm đắm trong nghệ thuật. Hành động “đi lang thang” thể hiện một phong thái rất tự do, ung dung của người nghệ sĩ. Dường như Lor-ca đang rải bước trên con đường tìm kiếm vẻ đẹp của nghệ thuật. Thế nhưng, tính từ “mỏi mòn” lại bộc lộ cảm xúc có phần chán nản, mệt mỏi của Lor-ca bởi lẽ ít có ai hiểu được mong muốn cách tân nghệ thuật, giải phóng đất nước của ông. Ông dường như ở trong tình cảnh “đơn thương độc mã”, không ai bên cạnh giúp sức. Qua khổ thơ đầu, Thanh Thảo đã khắc họa Lor-ca tuy đơn độc nhưng luôn mang trong mình một tình yêu mãnh liệt đối với nghệ thuật, với nhân dân và đất nước Tây Ban Nha.
Sau khi thể hiện cho người đọc thấy con người nghệ sĩ của Lor-ca thì đến khổ tiếp theo, Thanh Thảo đã phục sinh cái chết của Lor-ca – sự kiện đã thúc đẩy phong trào đấu tranh mạnh mẽ trong cả nước:
“Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du”
Trong nền cảnh Tây Ban Nha đầy hỗn loạn ấy chợt vang lên tiếng “hát nghêu ngao”. Đó là tiếng hát của con người yêu đời, yêu cuộc sống. Tất cả điều đó bất ngờ biến mất đi, thay vào đó là cảm giác “bỗng kinh hoàng” – sự ngạc nhiên đến sửng sốt, ngỡ ngàng – khi thấy bọn phát xít và độc tài lại ra tay sát hại người dân, lần này có cả người nghệ sĩ vĩ đại Lor-ca. Để diễn tả lại giây phút đầu bi phẫn ấy, Thanh Thảo đã sử dụng bút pháp tả thực “áo choàng bê bết đỏ”. Nếu như ở trên, màu đỏ là màu của chính chiếc áo choàng truyền thống Tây Ban Nha thì ở đây, màu đỏ lại chính là màu máu của Lor-ca. Thanh Thảo diễn tả bước đi của Lor-ca khi bị điệu về bãi bắn “như người mộng du”. Trạng thái “mộng du” chứng tỏ rằng Lor-ca phải sắp rời xa nhân thế mà lòng vẫn ngập tràn tình cảm dành cho nghệ thuật. Do đó, bước chân ông dường như có phần nặng nề bởi công cuộc cách tân vẫn còn dang dở, chưa hoàn thành. Cái chết của người nghệ sĩ vĩ đại đã trở thành động lực thúc đẩy nhân dân Tây Ban Nha đứng lên đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước. Qua đó, chúng ta có thể thấy Lor-ca nói riêng và tầng lớp văn nghệ sĩ nói chung đóng vai trò không hề nhỏ trong cuộc giải phóng dân tộc.
Không thể phủ nhận rằng Lor-ca là con người có ảnh hưởng sâu sắc đến nhân dân Tây Ban Nha cũng như nhân loại toàn thế giới. Cái chết đau thương của ông đã để lại cho người dân bao nhiêu tiếc nuối, ngậm ngùi:
“tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy”
Đoạn thơ tiếp tục được Thanh Thảo sử dụng nghệ thuật chuyển đổi cảm giác của thi phái tượng trưng: tiếng ghi ta đặt trong cấu trúc trùng điệp và được so sánh hoán dụ với các hình ảnh, sắc màu khác nhau. Màu nâu đặt cạnh hình ảnh chiếc ghi ta khiến chúng ta nghĩ ngay đến màu truyển thống của vỏ cây đàn vốn biểu tượng cho niềm say mê và khát vọng cống hiến cho nghệ thuật của Lor-ca. Bên cạnh đó, màu nâu còn tượng trưng cho đất đai nơi quê hương Tây Ban Nha thân yêu, còn là màu mang sắc thái buồn bã, tiếc thương một nhân tài. Chỉ bốn từ “tiếng ghi ta nâu” nhưng Thanh Thảo đã chất chứa trong đó bao nét nghĩa: đó là sự tôn vinh công lao của Lor-ca đối với nghệ thuật đất nước và cũng là sự bày tỏ nỗi xót xa khi mất đi một người nghệ sĩ vĩ đại của nhân loại. Câu thơ tiếp theo đã diễn tả những khát vọng vừa là của chung, vừa là của riêng bản thân Lor-ca. Bầu trời chính là không gian rộng lớn, bao la, tượng trưng cho nền hòa bình, tự do – mong muốn của mọi người dân Tây Ban Nha lúc bấy giờ. “Cô gái ấy”, phải chăng Thanh Thảo đang đề cập đến An-na Ma-ri-a – mối tình đầu rất đỗi chung thủy, son sắt của Lor-ca? Thật đáng thương cho một mối tình duyên không thành: Lor-ca phải hi sinh, Ma-ri-a cũng ở vậy mà không một lần lên xe hoa! Thanh Thảo đã gửi gắm vào dòng thơ nỗi khát vọng tình yêu lứa đôi cháy bỏng của Lor-ca, bởi lẽ ông mất khi tuổi đời còn khá trẻ, ngọn lửa tình yêu vẫn còn bùng cháy mạnh mẽ. Mặc cho sự ra đi ấy, ảnh hưởng của Lor-ca đối với nghệ thuật vẫn chưa chấm dứt. “Tiếng đàn” – biểu trưng cho nghệ thuật – được so sánh với “lá xanh biết mấy” – biểu trưng cho sức sống – đã khẳng định sức mạnh của nghệ thuật vẫn còn đó và sẽ luôn luôn bất tử chừng nào còn có người yêu nghệ thuật. Dòng thơ “tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan” được tạo ra bằng nghệ thuật nhân hóa có sức ám ảnh đặc biệt: âm nhạc đã thành thân phận, tiếng đàn đã trở thành linh hồn, sinh thể. Ý nghĩa của tiếng đàn trở nên cụ thể hơn, không còn là số phận nói chung mà là về nỗi đau, về cái chết của người nghệ sĩ. Âm thanh tròn trịa như “bọt nước” bất ngờ “vỡ tan” như tiếng khóc tức tưởi của nhân loại đối với Lor-ca, hay của chính Lor-ca đối với những khát vọng, lí tưởng chưa thể thực hiện. Tiếng đàn ấy vì thế mà đớn đau, tuôn thành dòng máu chảy, giống như nỗi đau của Thúy Kiều khi bị Hồ Tôn Hiến ép buộc đánh đàn:
“Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”
(Nguyễn Du)
Đoạn thơ đã diễn tả chân thật những cảm xúc của Lor-ca trước cái chết oan khuất và nỗi lòng của người dân trước sự ra đi của một con người vĩ đại.
Như chúng ta đã biết, Lor-ca là người tiên phong, lãnh đão cuộc cách tân nghệ thuật Tây Ban Nha. Thanh Thảo đã bày tỏ những tiếc nuối cho công việc ấy bị dở dang vì sự ra đi đột ngột của Lor-ca:
“không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng”
Dòng thơ đầu gợi nhắc cho chúng ta nhớ lại lời đề từ của bài thơ và cũng mang nhiều trường nghĩa. Vì tiếng đàn cũng là biểu tượng của nghệ thuật nên ở đây, Thanh Thảo đã khẳng định sức sống bất tử không thể hủy diệt của nghệ thuật, cái đẹp sẽ mãi tồn tại trong lòng người. Thế nhưng, câu thơ còn hàm ý về nỗi buồn của Lor-ca khi ý nguyện của ông không được thế hệ sau thực hiện. Cái chết của người nghệ sĩ trở thành hiện thực khi không có ai tiếp tục con đường cách tân của họ, khi công chúng đưa tài năng, tên tuổi của họ lên bệ thờ để rồi cản trở con đường sáng tạo nghệ thuật. Câu thơ sau với nghệ thuật so sánh, tượng trưng hóa cũng trở nên đa nghĩa. Phép so sánh “tiếng đàn” với “cỏ hoang” nhằm khẳng định sức lan tỏa mạnh mẽ của nghệ thuật nhưng lại không có người dẫn đường chỉ lối, giống như thứ cỏ dại kia tuy mọc lên nhiều mà chẳng có hàng. Ở hai dòng cuối, các từ ngữ được sắp xếp rất khéo léo : từ câu gốc có thể chia thành hai cụm “giọt nước mắt long lanh” và “vầng trăng trong đáy giếng”. Tác giả đã sử dụng nguyên lí cấu trúc gián đoạn để kết hợp hai hình ảnh đó, khiến chúng giao thoa vào nhau rất độc đáo. “Vầng trăng” không chỉ nói đến nghệ thuật mà còn ẩn dụ cho tâm hồn nghệ sĩ Lor-ca, vì thế tính từ “long lanh” gợi vẻ đẹp lung linh, biến ảo đã khẳng định: nơi đáy giếng sâu mà lũ giặc đã vứt xác Lor-ca, vẻ đẹp của tâm hồn và nhân cách Lor-ca vẫn tỏa sáng. Đó là sự chiến thắng và bất tử của nghệ thuật, của con người Lor-ca.
Sau khi thể hiện những khía cạnh về con người của Lor-ca cũng như vai trò lớn lao của ông đối với nhân dân Tây Ban Nha và thế giới, Thanh Thảo trình bày những suy nghĩ của mình về cách giải thoát của Lor-ca:
“đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái Di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la…”
Số phận của Lor-ca được gợi tả qua những hình ảnh mang tính chất tâm linh của chủ nghĩa siêu thực: “đường chỉ tay đã đứt” cho thấy số phận ngắn ngủi được đặt trong thế đối lập với sự rộng lớn của “dòng sông” thời gian “rộng vô cùng”. Nhà thơ diễn tả sự ra đi của Lor-ca là bơi sang ngang con sông, từ bờ sinh sang bờ tử, trên “chiếc ghi ta màu bạc”. Sự chuyển biến từ màu nâu sang màu bạc của cây đàn ghi ta biểu tượng cho sự cao khiết trong tâm hồn của Lor-ca cũng như thể hiện Lor-ca luôn gắn bó với nghệ thuật, cả khi đã chết. Hàng loạt những hình ảnh tượng trưng được tác giả sử dụng để lí giải cho cách giã từ và giải thoát của Lor-ca. Hình ảnh “lá bùa cô gái Di-gan” tượng trưng cho vẻ đẹp huyền bí, là vật hộ mệnh cứu rỗi cuộc đời, “trái tim” là biểu tượng của tình yêu lứa đôi. Lor-ca đã ném hai thứ đó vào “xoáy nước” của tai họa, định mệnh và “lặng im bất chợt” của sự ra đi vĩnh viễn. Qua đó, chúng ta thấy rằng Lor-ca chết mà lòng vẫn còn nhiều khát vọng vẫn chưa thực hiện, tình cảm vẫn còn nồng cháy trong tim. Bài thơ kết thúc với âm thanh “li-la” của tiếng đàn kết hợp với dấu ba chấm thể hiện sự bất tử của nghệ thuật, của Lor-ca. Đây cũng là cấu trúc cấy nhạc vào thơ nhằm ca ngợi và tượng niệm người nghệ sĩ vĩ đại Lor-ca với tất cả lòng kính trọng, tri ân.
Qua bài thơ, chúng ta thấy Thanh Thảo đã sử dụng hiệu quả những chất liệu văn hóa Tây Ban Nha – môi trường đã hun đúc, nuôi dưỡng tài năng của Lor-ca. Bên cạnh đó là những hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ độc đáo gợi nhiều chiều liên tưởng. Cấu trúc theo mô hình mở của khối vuông ru-bích cũng là điểm nổi bật trong nghệ thuật của bài thơ. Về nội dung, Thanh Thảo đã phục sinh được cái chết bi phẫn của Lor-ca, từ đó ca ngợi công lao của người nghệ sĩ anh hùng đối với đất nước Tây Ban Nha, khẳng định sự bất tử của ông trong lòng mọi người.
Nói tóm lại, bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” tuy không dài nhưng để lại trong lòng người đọc những dư âm tiếc nuối, xót thương trước sự nghiệp cách tân còn dang dở của Lor-ca, đồng thời tạc nên tượng đài Lor-ca như một nhà thơ thiên tài, một nghệ sĩ vĩ đại của Tây Ban Nha. Qua cách biểu đạt độc đáo, Thanh Thảo bày tỏ thái độ ngưỡng mộ và xót xa đối với người nghệ sĩ đại diện cho tinh thần tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật của thế kỉ XX bị giết hại một cách phũ phàng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro