Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

phân tích bạch đằng giang phú

Phân tích bài “Bạch Đằng Giang phú” của Trương Hán Siêu

Bài làm

Trên đất nước Việt Nam, dòng sông Bạch Đằng lịch sử là nơi tụ hội sức mạnh và chiến công dân tộc, chảy nối các thế hệ, thời đại, trở thành biểu tượng tinh túy của non sông: “Trăm con sông đều muốn hóa Bạch Đằng” (Chế Lan Viên).

Trong lịch sử văn học Việt Nam cũng có một dòng thơ Bạch Đằng một dòng thơ mà không ít thi nhân từng “quá giang” và qua thử thách giữa “luồng to sóng cả”, con thuyền thơ của họ được tôn vinh. Đó là Trần Minh Tông với Bạch Đằng giang, Trương Hán Siêu với Bạch Đằng giang phú, Nguyễn Sưởng với Bạch Đằng giang, Nguyễn Trãi với Bạch Đằng hải khẩu, Nguyễn Mộng Tuân với Hậu Bạch Đằng giang phú...

Bài Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu là một chiến tích thơ ca trên dòng thơ Bạch Đằng.

Bài Phú có hai nhân vật trữ tình. Nhân vật khách là sự phân thân của chính tác giả và nhân vật tập thể các bô lão địa phương. Nhân vật tập thể này, có thể là thật, là những người dân địa phương ven sông Bạch Đằng mà tác giả gặp trên đường vãn cảnh. Cũng có thể nhân vật bô lão là nhân vật có tính chất hư cấu, là tâm tư tình cảm của chính tác giả hiện thành nhân vật trữ tình. Do vậy, dưới hình thức đối thoại giữa khách và bô lão địa phương, bài Phú đã thể hiện những cảm xúc, suy tư của tác giả về đất nước, dân tộc, về đạo lí nhân nghĩa từ một dòng sông lịch sử.

Mở đầu bài Phú, nổi bật lên là hình tượng khách. Trong cuộc dạo chơi ngắm phong cảnh, nhân vật khách xuất hiện với cảm hứng bi tráng, hào hùng, với tư thế ung dung, phóng khoáng, tự hào. Đó là cảm hứng của con người có “tráng chí bốn phương”, dạo chơi phong cảnh không chỉ để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên mà còn nghiên cứu cảnh trí đất nước, bồi bổ tri thức. Đó là tư thế của con người với tâm hồn khoáng đạt, với hoài bão lớn lao:

“Nơi có người đi

Đâu mà chẳng biết

Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều

Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết”.

Cái tráng chí bốn phương của khách - cũng là của tác giả được gợi lên qua những địa danh. Có hai loại địa danh mà khách đã đi qua và dừng lại. Loại địa danh thứ nhất lấy trong điển cố Trung Quốc. Đây là loại địa danh tác giả “đi qua” chủ yếu bằng sách vở, bằng trí tưởng tượng như “sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương; chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt”. Những hình ảnh không gian to rộng: biển lớn (lướt bể chơi trăng), sông hồ (Cửu Giang, Ngũ Hồ), những vùng đất nổi tiếng (Tam Ngô, Bách Việt, Vân Mộng) đã thể hiện tráng chí bốn phương của khách. Loại địa danh thứ hai là những địa danh của đất Việt, với không gian cụ thể: cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng. Đây là những hình ảnh thật có tính chất đương đại, đang hiện ra trước mắt và được tác giả trực tiếp mô tả. Chính vì vậy, cảnh sắc thiên nhiên nơi tác giả dừng lại là cảnh thực, cụ thể. Cảnh hiện lên thật hùng vĩ, hoành tráng (“Bát ngát sóng kình muôn dặm, Thướt tha đuôi trĩ một màu”) song cũng ảm đạm, hiu hắt (“Bến lách đìu hiu, Sông chìm giáo gãy, Gò đầy xương khô”). Trước cảnh tượng đó, với một tâm hồn phong phú, nhạy cảm, tác giả vừa vui, tự hào vừa buồn đau, nuối tiếc. Vui trước cảnh sông nước hùng vĩ, thơ mộng (“Nước trời: một sắc - Phong cảnh: ba thu”), tự hào trước dòng sông từng ghi bao chiến tích. Buồn đau, nuối tiếc vì chiến trường xưa một thời oanh liệt nay trơ trọi, hoang vu, dòng thời gian đang làm mờ bao dấu vết.

Ngắm cảnh sông Bạch Đằng, nhân vật khách ngậm ngùi, nuối tiếc, “Đứng lặng giờ lâu”, trầm mặc trong những suy tư. Sự xuất hiện của các bô lão như là sự giải tỏa những băn khoăn của khách, đưa khách trở về với thực tại.

Các bô lão đến với khách bằng thái độ nhiệt tình, hiếu khách, tôn kính khách. Với tư cách là người đại diện cho dân địa phương rất có thể nhiều vị bô lão đã là chứng nhân của trận Bạch Đằng oanh liệt. Sau một câu hồi tưởng về trận “Ngô chúa phá Hoằng Thao”, các bô lão kể với khách về chiến tích “Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã”. Lời kể theo trình tự diễn biến tình hình. Ngay từ đầu, ta xuất quân với khí thế hào hùng: “Tì hổ ba quân, Giáo gươm sáng chói”, giặc cũng ra oai “tưởng tung roi một lần, quét sạch Nam Bang bốn cõi”. Tiếp đến, trận đánh diễn ra gay go, quyết liệt “thư hùng chửa phân”. Đó là sự đối đầu không chỉ về lực lượng mà còn là đối đầu về ý chí: ta với lòng yêu nước, với sức mạnh chính nghĩa, địch “thế cường” với bao mưu ma chước quỷ. Chính vì vậy trận chiến diễn ra ác liệt:

“ánh nhật nguyệt chừ phải mờ,

Bầu trời đất chừ sắp đổ”.

Những hình tượng thơ kì vĩ, mang tầm vóc của trời đất. Những hình tượng đặt trong thế đối lập: nhật nguyệt / mờ; trời đất / đổ, diễn tả một cuộc thủy chiến kinh thiên động địa.

Nhưng rồi cuối cùng người chính nghĩa chiến thắng, giặc “hung đồ hết lối”, chuốc nhục muôn đời:

“Đến nay nước sông tuy chảy hoài

Mà nhục quân thù khôn rửa nổi”.

Lời Phú của Trương Hán Siêu có cùng một ý với hai câu kết trong bài Bạch Đằng giang của Trần Minh Tông:

“ánh nước chiều hôm màu đỏ khé,

Tưởng rằng máu giặc vẫn chưa khô”.

Thái độ, giọng điệu của các bô lão trong khi kể về chiến công Bạch Đằng đầy nhiệt huyết, tự hào, là cảm hứng của người trong cuộc. Lời kể không dài dòng mà rất súc tích, cô đọng, khái quát nhưng gợi lại được diễn biến, không khí của trận đánh hết sức sinh động. Lời kể sử dụng những câu thơ dài ngắn khác nhau phù hợp với tâm trạng và diễn biến trận đánh. Những câu thơ dài gợi không khí trang nghiêm, dõng dạc: “Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã/ Cũng là bãi đất xưa thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao”. Những câu thơ ngắn gọn, sắc bén dựng lên khung cảnh chiến trận căng thẳng, gấp gáp: “Thuyền bè muôn đội/ Tinh kì phấp phới/ Tì hổ ba quân/ Giáo gươm sáng chói”.

Sau lời kể về trận chiến là lời suy ngẫm, bình luận của các bô lão, về chiến thắng sông Bạch Đằng. Lời suy ngẫm, bình luận đã chỉ ra nguyên nhân ta thắng, địch thua. Ta thắng giặc vì đất nước ta tồn tại từ ngàn xưa. Trời lại cho thế hiểm. Nhưng điều quyết định là ta có “nhân tài giữ cuộc điện an”:

“Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng,

Bởi Đại Vương coi thế giặc nhàn”.

Khẳng định vai trò, vị trí con người, Trương Hán Siêu đã gợi lại hình ảnh Trần Hưng Đạo với câu nói đã lưu cùng sử sách. Sử chép rằng: ngày 14 tháng 11 năm Đinh Hợi (1278), có người tâu về triều việc quân Nguyên đã tràn vào cửa ải sông Hồng ở mạn Phú Lương, vua Nhân Tông lo lắng hỏi Trần Hưng Đạo rằng: “Giặc đến thì làm thế nào ?”. Hưng Đạo ung dung trả lời: “Năm nay, giặc đến dễ đánh” (kim thiên, tặc nhàn). Câu nói của Hưng Đạo Vương là câu nói của người nắm chắc binh pháp, thấy rõ vai trò quyết định của con người. Theo binh pháp cổ, muốn thắng trong chiến tranh cần ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Bài Phú chỉ nói tới hai yếu tố là địa lợi (đất hiểm) và nhân hòa (nhân tài). Tuy nhiên, thắng giặc không cốt ở đất hiểm mà chủ yếu là đức lớn, là sức mạnh của con người. Khẳng định sức mạnh, vị trí của con người, đó là cảm hứng mang giá trị nhân văn và có tầm triết lí sâu sắc. Trong bài Bạch Đằng giang, Nguyễn Sưởng, một nhà thơ thời Trần cũng khẳng định vai trò quan trọng của con người trong chiến tranh:

“Sự nghiệp Trùng Hưng ai dễ biết,

Nửa do sông núi nửa do người”.

(Thùy tri vạn cổ Trùng Hưng nghiệp,

Bán tại quan hà, bán tại nhân).

Trong Bạch Đằng giang phú, Trương Hán Siêu khẳng định vai trò của con người có phần mạnh mẽ, sâu sắc hơn qua hai lời ca kết thúc bài phú.

Sau những suy ngẫm, bình luận là lời ca của các bô lão mang ý nghĩa tổng kết. Lời ca có giá trị như một tuyên ngôn về chân lí: bất nghĩa (như Lưu Cung) thì tiêu vong, anh hùng (như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo) thì lưu danh thiên cổ:

“Những người bất nghĩa tiêu vong,

Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”.

Để khẳng định sự vĩnh hằng của chân lí đó, tác giả dựa vào quy luật của tự nhiên: chân lí vĩnh hằng, bất biến như sông Đằng kia vĩnh hằng cứ đêm ngày “cuồn cuộn tuôn về bể Đông” theo quy luật tự nhiên muôn đời.

Lời ca của khách tiếp nối lời các vị bô lão ca ngợi sự anh hùng của “hai vị thánh quân” (Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông), đồng thời ca ngợi chiến tích của sông Bạch Đằng lịch sử nhiều lần đánh thắng quân xâm lược, đem lại nền thái bình cho đất nước:

    “Anh minh hai vị thánh quân,

Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.

     Giặc tan muôn thuở thanh bình,

Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao”.

ở hai câu cuối lời ca, khách vừa biện luận, vừa khẳng định chân lí: trong mối quan hệ giữa “địa linh” (đất thiêng) và “nhân kiệt” (người giỏi) thì “nhân kiệt” là yếu tố quyết định. Ta thắng giặc không chỉ ở “đất hiểm” mà quan trọng hơn là bởi dân tộc ta có “đức cao”, “đức lành”. Khẳng định “địa linh” bởi “nhân kiệt”, nêu cao vai trò và vị trí của con người; lời ca kết thúc bài Phú vừa mang niềm tự hào dân tộc vừa thể hiện tư tưởng nhân văn cao đẹp.

Bạch Đằng giang phú là tác phẩm tiêu biểu của văn học yêu nước thời Lí - Trần, là đỉnh cao nghệ thuật của thể Phú trong văn học Việt Nam.

Bài Phú đã thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc - tự hào trước truyền thống anh hùng bất khuất và truyền thống đạo lí nhân nghĩa sáng ngời của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm cũng thể hiện tư tưởng nhân văn cao đẹp qua việc đề cao vai trò, vị trí của con người.

Bạch Đằng giang phú có một cấu tứ đơn giản mà hấp dẫn, một bố cục chặt chẽ, một lối văn linh hoạt, khi sảng khoái hào hùng, khi trầm lắng thiết tha, khi tràn đầy cảm xúc, khi dồn nén suy tư. Với năng lực hồi tưởng tuyệt vời, với sự cảm nhận tinh tế, tác giả đã dựng nên những hình tượng nghệ thuật sinh động, vừa gợi hình sắc trực tiếp, vừa mang ý nghĩa khái quát, triết lí. Ngôn từ của bài phú vừa trang trọng, tráng lệ, vừa lắng đọng, gợi cảm.

Bạch Đằng giang phú là sự kết hợp tuyệt diệu giữa chính luận và trữ tình, giữa cảm hứng sáng tạo và tài năng nghệ thuật.

(Lã Nhâm Thìn)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: