9 câu đầu
"Đất nước" - hình tượng thiêng liêng mà quen thuộc, là đề tài muôn thuở và nguồn cảm hứng bất tận của nghệ thuật, thi ca. "Đất nước" hiện diện trong lời hát, tiếng ru hay làn điệu dân ca mượt mà, dịu ngọt. "Đất nước" làm rung động biết bao mê say xúc cảm của các thế hệ thơ Việt Nam, vì vậy, chân dung Tổ quốc được hiện lên muôn hình vạn trạng dưới những ngòi bút tài hoa. Trong số các tác giả, phải kể đến Nguyễn Khoa Điềm - một nhà thơ, một nhà chính trị. Có lẽ, nhờ những trải nghiệm cá nhân mà thi sĩ được nhào nặn trong những năm tháng đấu tranh vĩ đại của dân tộc, Nguyễn Khoa Điềm mang cho mình cảm xúc nồng nàn cùng suy tư sâu lắng về tư tưởng "Đất nước của Nhân dân". Với bản trường ca "Mặt đường khát vọng" ( viết năm 1971 tại chiến khu Trị-Thiên) , ông chọn điểm nhìn gần gũi, thân quen nhất để miêu tả hình dáng xứ sở, tự nhiên, bình dị mà không kém phần thiêng liêng, hào hùng. Tất cả những cảm xúc được dồn nén trong phần đầu đoạn trích "Đất nước" của tác phẩm
"Khi ta lớn lên ......... Đất nước có từ ngày đó"
Giọng điệu tâm tình thủ thỉ như lời kể chuyện cổ tích, câu thơ dẫn dắt ta đi tìm cội nguồn đất nước: "Đất nước có từ bao giờ?" - Lời thắc mắc chẳng phải mới nghĩ ra, mà bao đời nay vẫn không ngừng tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng. Bằng những chi tiết giàu sức gợi, Nguyễn Khoa Điềm có sự lý giải của mình: "Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi" - Đất nước có từ lâu rồi, từ khi ta còn thôi nôi, theo từng bước chân ta lớn, đất nước lớn lên cùng ta. "Đất nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa..." mẹ thường hay kể", tham vọng tìm tuổi Đất nước của nhà thơ thật khó có lời giải, bởi "ngày xửa ngày xưa.." là đơn vị đo thời gian trừu tượng, mông lung nhất, chẳng ai biết ngày xửa ngày xưa là từ bao giờ cả, chỉ biết nó rất xa xôi, đã trôi qua từ lâu, rất lâu. "Ngày xửa ngày xưa.." còn vẽ lên trong tiềm thức ta khung cảnh của những câu truyện cổ tích "mẹ thường hay kể": cô Tấm bước ra từ quả thị, Thạch Sanh tốt bụng cứu người, chàng Phù Đổng kiên cường bất khuất, hay những nhân vật chăm chỉ cần cù, người tiều phu chất phác, ông bụt đôn hậu cười hiền giúp đỡ biết bao nhân vật lương thiện,... Tất cả, tất cả thế giới thần tiên ấy cứ xuất hiện ám ảnh tâm trí ta mà một khi nghĩ đến thì thật khó dứt bỏ. "Ngày xửa ngày xưa" mở ra những câu truyện, thì dấu 3 chấm bỏ lửng ở cuối cụm từ lại khiến người ta cứ mãi suy tư. Người đọc hẳn phải hình dung mãi những hình tượng truyền thuyết cổ tích ấy, nhớ về cái thời tấm bé ầu ơ đòi bà, đòi mẹ kể truyện. Dưới ánh trăng vàng lặng tuyệt đẹp, chất giọng dìu dịu, hiền từ thổi hồn cho ước mơ trong lành của những đứa trẻ. Cổ tích là thế đó, đã là người Việt đâu thể thiếu bóng dáng Thạch Sanh, Thánh Gióng, Mai An Tiêm,... hồi nhỏ nghe và liên tưởng đến cuộc sống màu hồng với bao điều tốt đẹp, chân thiện mĩ lúc nào cũng chiến thắng, lớn lên thì hiểu, cổ tích là cả một nền văn học dân gian. Nó quá rộng lớn, quá hùng vĩ, mấy câu thơ đâu thể bao chứa cả một kho tàng văn hóa, Nguyễn Khoa Điềm bỏ lửng, trao chiếc chìa khóa để người đọc tự mình khám phá thư viện dân tộc khổng lồ kia. "Ngày xửa ngày xưa..." cứ ngân vang, da diết, đưa ta về với hành trình tìm câu hỏi phía ban đầu: "Đất nước hình thành như thế nào"
"Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc"
Nguyễn Khoa Điềm xác định thời khởi thủy của Đất nước, bắt đầu từ miếng trầu, rồi lớn lên cùng hàng tre dân tộc. "Miếng trầu là đầu câu truyện", một hình ảnh mộc mạc đậm chất dân gian lần nữa xuất hiện. Tưởng chừng những thứ xung quanh thân thuộc và bình dị ấy cứ mãi là điều hiển nhiên, chẳng ai ngờ bằng sự phát hiện của mình, Nguyễn Khoa Điềm khiến cho bao người lặng mình suy nghĩ. Vì đằng sau những câu chữ tự sự, là những mối qua hệ tình nghĩa truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Mỗi dịp cúng dỗ, lễ Tết, miếng trầu - quả cau luôn xuất hiện trên ban thờ tổ tiên, linh thiêng, trân trọng, trở thành biểu tượng cho tấm lòng thành con cháu gửi đến cha ông, hồn thiêng của tiền nhân. Bên cạnh đó, miếng trầu cũng chính là tình yêu e ấp thẹn thùng của đôi lứa thời xưa
"Miếng trầu có bốn chữ tòng
Xin chàng cầm lấy vào trong thăm nhà
Nào là chào mẹ chào cha
Cậu cô chú bác... mời ra xơi trầu"
Để rồi ta nhớ đến truyền thuyết "Trầu Cau" từ đời vua Hùng dựng nước xa xưa, ngợi ca tình nghĩa vợ chồng, anh em đằm thắm, sắt son - mối quan hệ thân nhân sâu sắc vẫn được lưu giữ trọn vẹn đến đời nay. Đôi lứa cũng bén duyên từ cành cau, lá trầu, đây cũng chính là cội nguồn sâu xa của Đất nước, nhân tố cho Đất nước cứ trường tồn, phát triển. Lịch sử đất nước còn vững bền nhờ bụi tre đánh giặc, khóm tre đầu làng giữ cuộc sống bình yên
"Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa...đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu?"
Cây tre kiên cường bất khuất, mà hiền hậu, bình yên. Tre như chính con người Việt Nam, chất phác giản dị, yêu hòa bình tự do, nhưng khi Đất nước lâm nguy, tre trở thành vũ khí, con người Việt Nam trở nên dũng manh, kiên cường, đánh đuổi tội ác ra khỏi bờ cõi dân tộc, bởi "Nòi tre đâu chịu mọc cong/ Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường"
Rồi tre lại hiền dịu như bản chất vốn có, tre mềm mại hóa thân thành vật dụng trong cuộc sống con người, "Cái kèo cái cột thành tên", câu thơ gợi nhắc đến những ngôi nhà bằng tre nứa của người Việt xưa, nhà bằng tre mà vững chãi, bên chặt, cũng là tổ ấm để "Xa là nhớ, gần nhau là cười", tre đôn hậu, thủy chung. Rồi từ đó, "cái kèo", "cái cột" được đặt thành tên con, bắt nguồn là từ tre đó, tre hiện diện trong mỗi nhịp sống của chúng ta, mà tre là Đất nước.
Nguyễn Khoa Điềm nối tiếp dòng suy tưởng để đến với hình ảnh người dân lao động trên mảnh đất quê hương, chẳng ai khác, là cha, là mẹ, là người cả đời ta kính trọng yêu thương. "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn", để có được tình cảm chân thành bên chặt ấy, cha mẹ thương yêu nhau từ chính những điều giản dị nhất, nhưng đẹp tuyệt. Đó là búi tóc của mẹ sau đầu, chẳng cầu kỳ lộng lẫy, chỉ gọn gàng giản đơn mà ý nhị, toát lên vẻ đẹp sâu trong tâm hồn, chân thực, đủ để làm cha xuyến xao.
"Tóc ngang lưng vừa chừng em búi
Để chi dài bối rối lòng anh"
Tình cảm gia đình cứ bình lặng như nồi nước ấm, chẳng nỡ xa nhau, cha mẹ đã sống như thế, gây dựng như thế, gắn bó mặn nồng để rồi họ bật lên câu ca dao như muối xát tâm can "Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau". Nhưng điều tưởng chừng giản đơn, mà lại là gốc gác sâu xa vun đắp cho hình tượng "Đất nước"
Vẻ đẹp tâm hồn còn thể hiện qua sự cần cù, chịu thương chịu khó của nhân dân ta. Với một đất nước nông nghiệp là chính thì gạo có vai trò vô cùng quan trọng. "Hạt gạo" hoán dụ cho nền lương thực của nước ta, dân được ăn no mặc ấm, Đất nước mới vững mạnh mà tiến lên. Nhưng để làm ra hạt gạo dẻo thơm trắng trong ấy đâu có dễ. Phải "xay, giã, giần, sàng", hàng loạt động từ liên tiếp cho thấy sự vất vả của người làm ra những hạt cơm ngọt bùi. Thắm trong từng hạt gạo nhỏ bé, là vị mặn của mồ hôi, vị đắng cay nặng nhóc, sự vất vả "một sương hai nắng" trên cánh đồng
"Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần"
Đó cũng là lời tác giả khéo léo nhắn nhủ đến thế hệ sau, cũng như truyền đạt đạo lý "uống nước nhớ nguồn" bằng cách tài tình và tinh tế. Để gieo trồng hạt thóc, người nông dân trân trọng từng tấc đất mình có được, làm ra với năng suất nhiều nhất có thể để giúp ích cho nước nhà, cho kinh tế nông nghiệp. Đối với họ, tấc đất là tấc vàng, họ yêu, quý, trân trọng, vì vậy họ sẵn sàng hiến dâng vì non sông đất nước, vì Tổ quốc thân yêu
Kết lại việc định nghĩa "Đất nước" trong đoạn đầu, tác giả khẳng định "Đất nước có từ ngày đó..." "Đất nước của Nhân dân" là thế, là những điều giản dị xung quanh, rất đỗi bình dị, thân thuộc, đất nước bắt nguồn từ nhân dân, do nhân dân lao động gây dựng nên, để chúng ta hôm nay được hưởng yên bình hạnh phúc. Dấu chấm lửng như một lời kết mở cho tương lai đất nước, "Đất nước có từ ngày đó..." ngày sau, ngày sau nữa, đất nước vẫn đang lớn lên, đang tiếp diễn song hành với thời gian, ngày càng vững mạnh, phát triển hay không phụ thuộc vào thế hệ sau này tiếp nối truyền thống cha ông. Không chỉ vậy, vì Đất nước rộng lớn, hùng vĩ, vì đất nước có từ rất lâu rồi, vì những điều giản đơn bình dị còn vô vàn trong thế giới xung quanh mà ta chưa kịp nhắc đến, vì định nghĩa Đất nước còn dài,... nên dấu ba chấm là rất nhiều những điều muốn nói nhưng không thể nói hết. Bên cạnh đó, nó còn tạo độ ngân vang, xa xăm, để chuyển đến đoạn tiếp của bài thơ
Cả đoạn thơ là cảm xúc thăng tiến: Từ "Đã có", "bắt đầu" rồi đến "lớn lên", từ đó khẳng định: Đất nước không xa xôi trừu tượng, mà là những gì gần gũi nhất thiên liêng nhất quanh mỗi chúng ta
Thành công của đoạn thơ là việc tác giả kết hợp thơ chính luận - trữ tình: vừa chặt chẽ vừa phóng túng. Sự phóng túng của cảm xúc làm cho đoạn thơ hiện lên dưới dạng 1 lời trò chuyện tâm tình khiến lời định nghĩa "Đất Nước" thoát khỏi khung khái niệm khô khan để trở thành cuộc trò chuyện thân mật mà tự do bay bổng. Dưới lớp sóng cảm xúc phóng túng là mạch ngầm chính luận chặt chẽ với một hệ thống lập luận : Hình tượng lớn Đất Nước được Nguyễn Khoa Điềm cảm nhận trên 3 phương diện chính: bề dài thời gian, bề rộng không gian,bề sâu văn hoá. Cả 3 phương diện này đều hút vào điểm sáng tư tưởng Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm được thơ hoá, trữ tình hoá nên giàu sức thuyết phục.Bên cạnh đó là sử dụng chất liệu dân gian: Văn hóa dân gian là văn hóa của nhân dân. Việc sử dụng văn hóa dân gian không chỉ là một thủ pháp nghệ thuật, 1 cách vận dụng sáng tạo truyền thống văn hóa dân gian của dân tộc mà còn là cách tư duy thấm nhuần quan niệm "Đất Nước của Nhân dân", là sự thể hiện sâu sắc cốt lõi ấy trong sự sáng tạo hình tượng thơ.
Chỉ với 9 câu thơ đầu, "Đất nước" đã mở ra cho người đọc hình dung ra một cách toàn diện nhất về nguồn cội của Tổ Quốc, hơn nữa, chất liệu văn hóa dân gian đã góp phần khắc họa và tô đậm những truyền thống cần được lưu giữ và phát huy của dân tộc. Những ai còn đang nhận thức mơ hồ về đất nước, nên suy ngẫm, cảm nhận, Qua "Đất nước" ta còn suy tư thêm về tương lai Tổ quốc, liệu có vững mạnh, lâu dài và trường tồn với thời gian?, thì như Bác Hồ nói "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các cháu"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro