Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phân tích 16 câu đầu

  Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng: "Thơ là thật tình kết tinh lại, ý thơ chỉ vang lên khi ánh mắt người nghệ sĩ bắt gặp nét đẹp của cuộc sống, trái tim họ thổn thức vì những cảm xúc mới lạ..." Điều này cũng thật đúng khi ta nói về Đặng Trần Côn. Bằng cả trái tim đầy ắp lòng nhân đạo của mình, Đặng Trần Côn cảm động trước nỗi đau mất mát của con người, nhất là những người vợ lính trong chiến tranh nên đã viết "Chinh phụ ngâm". Đoạn trích "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ" thuộc tác phẩm trên đã làm vấn vương tấm lòng người đọc khi tái hiện hoàn cảnh cô độc, nỗi nhớ thương da diết của người phụ nữ ước mơ hạnh phúc đoàn tụ, đặc biệt thể hiện rõ qua mười sáu câu thơ đầu:

 "Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước

..................................................................

Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng."

  "Chinh phụ ngâm" (lời than vãn của những người vợ có chồng đi đánh trận) ra đời vào khoảng thế kỷ VXIII, đầu thời Lê Hiển Tông, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân đổ ra quanh kinh thành Thăng Long. Triều đình cất quân đánh dẹp, nhiều trai tráng phải từ giã người thân ra trận. Từ đấy nhiều gia đình chịu cảnh chia lìa, kẻ ở người đi, không hẹn ngày gặp lại. Xót xa cho những phận người nhỏ bé là nạn nhân trong cái xã hội phong kiến mục ruỗng lụi tàn lúc bấy giờ, nhiều cây bút của văn học trung đại - trong đó có Đặng Trần Côn - đã chắp bút viết nên tuyệt tác. Trong khúc ngâm của Đặng Trần Côn có 476 câu thơ làm theo thể trường đoản cú. Sau được Đoàn Thị Điểm dịch ra chữ Nôm đã chuyển tác phẩm về thể thơ song thất lục bát, dùng âm điệu réo rắt, thiết tha của thơ dân tộc để góp phần thể hiện tình cảnh và tâm trạng của người vợ có chồng đi lính. 

  Sau khi tiễn chồng ra trận, người chinh phụ trở về bơ vơ chốn khuê phòng lạnh lẽo. Tâm trạng bồn chồn, lắng lo, đợi chờ của nàng được bộc lộ qua từng hành động và ngoại cảnh: 

"Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.

Ngoài rèm thước chẳng mách tin,

Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?"

  Người chinh phụ dạo bước trong hiên vắng, vừa đi vừa âm thầm đếm bước chân mình. Nàng dạo bước trong tâm trạng rối bời, những bước chân lặng lẽ của nàng chất chứa u sầu, đong đầy thương nhớ. Buổi đi dạo của nàng không còn vẻ ung dung, an nhàn mà thay vào đó là sự ngán ngẩm buồn chán. Nàng vừa đi vừa gặm nhấm nỗi cô đơn, lo lắng cho sự an nguy của chồng nơi biên ải xa xôi. Người chinh phụ hết dạo hiên lại ngồi cuốn rèm, buông rèm. Nàng buông rèm xuống, rồi lại kéo rèm nên. Những  hành động vô nghĩa ấy được lặp đi lặp lại trong vô thức. Nàng chẳng cần bận tâm mình đang làm gì bởi tâm trí nàng giờ đây đã dồn hết vào người chồng đang tòng quân. Đặng Trần Côn đã hết sức tinh tế khi sử dụng những từ ngữ "vắng", "thưa" như vẽ ra không gian trống trải, thưa thớt tình yêu, càng tô đậm sự lẻ loi, buồn bã của nhân vật trữ tình. Người chinh phụ không chỉ nhớ, thương, lo lắng cho chồng mà còn chờ đợi mong ngóng tin chồng. Nàng chờ mong chim khách báo tin người phương xa sẽ trở về để xoa dịu vết thương lòng song vẫn bặt vô âm tín. Nàng trỏ đèn, hỏi đèn mà như hỏi lòng. Nàng nhận ra càng hi vọng, mòn mỏi trông chờ thì nàng càng hụt hẫng. Không có chút tin tức nào gửi về từ ải xa, người ra chiến trận chỉ sợ lành ít dữ nhiều. Ngày sum vầy xa vời vợi, hi vọng đoàn tụ cũng theo thời gian dần trôi mà càng mong manh. Câu hỏi tu từ và điệp từ "rèm" lăp lại ba lần như đẩy nàng vào bế tắc. Thế mới thấy, vòng khói lửa của chiến tranh phi nghĩa giữa các tập đoàn phong kiến đã tước đoạt đi bao quyền hạnh phúc của con người. Chiến tranh phong kiến chia rẽ lứa đôi, khiến niềm tin của con người về tình yêu, hạnh phúc không còn giá trị. 

  Người chinh phục ngày nhớ đêm trông. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc bóng tối cô đơn tịch mịch bao trùm lấy nàng, nàng chỉ có thể làm bạn với bóng đèn. 

"Trong rèm dường đã có đèn biết chăng ?

Đèn có biết, dường bằng chẳng biết,

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.

Buồn rầu nói chẳng nên lời,

Hoa đèn kia với bóng người khá thương!

  Điệp ngữ bắc "đèn biết chăng"và"đèn có biết" khiến nỗi đau buồn thương nhớ của người chinh phụ càng thêm tha thiết day dứt. Trong tâm trạng đó, người chinh phụ đối diện với cây đèn dầu, mong được thấu hiểu, chia sẻ tâm tư. Hình ảnh "đèn dầu" từ lâu đã xuất hiện trong văn học dân gian cũng như văn học trung đại. Ca dao có câu "Đèn thương nhớ ai/ Mà đèn không tắt" để thể hiện nỗi nhớ nhung của người con gái đến người yêu. Thế nhưng đến với "Chinh phụ ngâm", ý nghĩa của ngọn đèn dầu không chỉ dừng lại ở đó. Đặng Trần Côn mượn hình ảnh cây đèn đang tàn dần để ẩn dụ sự trôi đi của thời gian, sự tàn lụi héo hon của kiếp người. Nhà thơ muốn nói: cuộc đời chỉ là kiếp hoa đèn mong manh dang dở. Chính vì vậy, vật vô tri vô giác là ngọn đèn đang cháy đến tàn bấc kia không những không thể đồng cảm với nỗi đau của người chinh phụ mà còn khiến nàng rơi vào tuyệt vọng khôn cùng. Hệ thống tính từ chỉ cảm xúc "buồn", "thương", "bi thiết" khắc họa rõ nét tâm trạng của nhân vật trữ tình. "Bi thiết" tức là bi thương, trong nghĩa Hán Việt còn có nghĩa là cắt, mài. Những suy tư, muộn phiền của người chinh phụ trong hoàn cảnh ấy biết giãi bày cùng ai? Người chinh phụ cảm thấy cô đơn tột cùng trong không gian mênh mông, trong thời gian đêm cứ dần trôi, nỗi buồn thương cùng cảm giác cô đơn bị nàng dồn nén, xúc cảm đau đớn như mài cứa trái tim nàng, khiến máu không ngừng cuộn chảy. 

  Cuối cùng ngọn đèn cũng lụi tắt, bỏ lại người chinh phụ cô quạnh trong đêm dài tịch mịch u sầu:

"Gà eo óc gáy sương năm trống,

Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên." 

  Người chinh phụ vì chờ đợi trông ngóng tin chồng mà năm canh dài nàng thức trọn năm canh. Âm thanh văng vẳng da diết trong không gian vắng lặng của tiếng gà gáy sang canh khiến người phụ nữ cô đơn, lẻ loi trở nên nhỏ bé, đáng thương. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh đẩy tâm trạng người chinh phụ lên một nấc thang mới, khiến nó đau đớn hơn, cô độc hơn, dày vò nàng hơn. Không chỉ có tiếng gà gáy khiến nàng trằn trọc, hình ảnh "hòe phất phơ" cũng khiến người chinh phụ lo âu, suy nghĩ. Vây quanh nàng bây giờ là những bóng dáng mập mờ lay động trong đêm, như ẩn như hiện, như có như không. Từ láy gợi hình phất phơ càng tăng thêm tính mơ hồ hư ảo của cảnh vật, của tin tức người chồng ngoài biên ải, của buổi đoàn tụ sum vầy trong mơ... Người chinh phụ trong thơ Đặng Trần Côn cũng giống như nàng Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ: "Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm, trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi." Đó là mong ước hết sức bình thường của một người vợ có chồng ra trận, song càng mong ước, nàng càng cảm thấy xa xôi. Nghệ thuật dùng từ của Đặng Trần Côn đạt đến đỉnh cao, động từ "rủ" cùng tính từ "phất phơ" gợi sắc thái u sầu, chán chườn, ủ rũ càng xoáy sâu vào nỗi buồn khổ của người chinh phụ. 

  Trong không gian vắng lặng, thời gian đi qua màn đêm, người chinh phụ ôm nỗi nhung nhớ, thấm thía về bi kịch của đời mình:

"Khắc giờ đằng đẵng như niên,

Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa."

  Cũng giống như nỗi nhớ của Kim Trọng dành cho Thúy Kiều: "Sầu đông càng lắc càng đầy/ Ba thu đọng lại một ngày dài ghê!", vắng chồng, cuộc sống người chinh phụ trở nên tẻ nhạt, buồn chán và nặng nề bởi những nhớ nhung đong đầy từng khắc, cô đơn bủa vây từng giờ. Những tháng ngày này, người chinh phụ cảm thấy bước đi của thời gian vô cùng chậm chạp. Từ láy "đằng đẵng" kéo dài thời gian, kéo dài nỗi buồn và tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ. Cách so sánh "Khắc giờ đằng đẵng như niên" ý nói thời gian như ngưng đọng. Một ngày không được đo bằng bao canh, mấy khắc mà được tính đếm bằng cả năm. Quả là "Một ngày không gặp tựa cách ba thu", nỗi buồn của người chinh phụ càng triền miên, không có hồi kết. 

  Người chinh phụ chán ghét thời gian trôi chậm, cố vùng thoát khỏi chuỗi ngày cô đơn, lẻ loi dai dẳng, nàng tìm đến hành động để tạm quên đi nỗi buồn:

"Hương gượng đốt, hồn đà mê mải,

Gương gượng soi, lệ lại châu chan.

Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,

Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng."

  Trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, ở đoạn trích "Thề nguyền", Kim Trọng cũng đốt hương để mùi hương trầm ấm làm chứng cho lời thề nguyền đính ước trăm năm. Người chinh phụ đốt hương, cũng bồi hồi nhớ lại lời hẹn ước năm nào. Mùi hương trầm đưa hồn nàng chìm đắm trong hồi ức ngọt ngào đẹp đẽ trước kia, để hồn nàng lạc đi tìm những kỷ niệm xa vời. Nhưng rồi người tỉnh, mộng tan. Càng tiếc nuối quá khứ tươi đẹp, người chinh phụ càng thấm thía bi kịch của hiện tại. Nàng trơ trọi, bơ vơ trước sự thật hiển nhiên rằng những mặn nồng trước kia không thể lấy lại được.

  Nhận thấy việc đốt hương không thể đem lại sự thanh thản trong tâm hồn, người chinh phụ tìm đến cách khác: soi gương. Trong chuỗi ngày mòn mỏi chờ đợi, người chinh phụ đối với việc tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng: "Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?". Nhưng đêm nay, mong muốn thoát khỏi nỗi buồn thương vô tận, nàng gượng gạo cầm gương lên soi. Nàng giật mình xót xa cho dung nhạn người phụ nữ trong gương. Nàng thương đôi mắt chứa chan u sầu, thương đôi môi chẳng thể cười nhạt, nàng khóc cho tuổi xuân héo tàn, cho dung mạo tươi thắm bị nỗi đau âm ỉ tàn phá. 

  Những giọt lệ nào có thể giúp cho nàng thoát khỏi tình cảnh bi đát này, cuối cùng, người chinh phụ tìm đến tiếng đàn. Tác giả sử dụng một loạt hình ảnh ước lệ: "sắt cầm", "dây uyên", "phím loan" tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng hòa hợp. Người chinh phụ lo sợ "dây uyên kinh đứt" báo điềm chẳng lành về người chồng ngoài chiến trường đang bặt vô âm tín của nàng. Chiến trường khốc liệt là thế, tàn nhẫn là thế, máu chảy đầu rơi, đầy oan hồn tử khí. Nàng lo sợ hạnh phúc vỡ tan, vợ chồng khó ngày gặp lại, bởi biết đâu hôm qua chia tay vừa mới, hôm nay đã âm dương cách biệt thì sao?

  Điệp từ "gượng" trong đoạn thơ cho thấy sự cố gắng gượng gạo, chán nản của người chinh phụ, nàng vẫy vùng trong nỗi cô đơn, nhưng rồi lại bị chính nỗi cô đơn bóp chặt. Những thú vui nàng tìm đến chẳng thể đem tới cho nàng niềm vui, ngược lại như kích thích nỗi sầu khổ trong lòng nàng. Ước mong đoàn tụ, sum vầy của nàng giản dị là thế, nhưng lại quá xa xỉ trong hoàn cảnh này. 

  Xuyên suốt mười sáu câu thơ đầu đoạn trích "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ" là sự kết hợp nhuần nhuyễn của tác giả giữa các biện pháp nghệ thuật như điệp ngữ, câu hỏi tu từ, ẩn dụ,... và các bút pháp ước lệ tượng trưng, tả cảnh ngụ tình. Tác giả đã có sự chọn lọc tinh tế các từ ngữ gợi hình, gợi cảm để miêu tả chi tiết và chân thật, cảm động từng cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình. Thêm vào đó là thể thơ song thất lục bát với âm điệu réo rắt, thiết tha, giàu tính nhạc cũng góp phần quan trọng thể hiện nội tâm người chinh phụ. 

  "Chinh phụ ngâm khúc" phản ánh một vấn đề nóng hổi của thời đại nhân dân. Tác phẩm là lời than thở triền miên da diết của người phụ nữ có chồng ra trận. Đoạn trích "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ" đã để lại trong lòng người đọc nhiều dư âm sâu sắc về nỗi buồn đau, nhớ thương day dứt khôn nguôi của người thiếu phụ nơi cô phòng ngóng trông người chồng ngoài chiến địa. Hơn ba trăm năm trôi qua nhưng tiếng lòng ấy còn tồn tại mãi, như nhắc nhở người đời về sự tàn khốc, thảm hại của chiến tranh đối với con người. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro