TLV số 6
Sức mạnh của tạo hóa là vô tận. Tạo hóa sinh ra tất cả mọi thứ và ràng buộc chúng lại với nhau bằng những sợi dây vô hình gọi là số phận. Tạo hóa sinh ra tự nhiên tươi đẹp, thơ mộng với bao điều kì thú, lại sinh ra những thi sĩ, những con người đa sầu, đa cảm luôn muốn đắm mình trong những giao cảm kì lạ được sinh ra do sự giao thoa đầy hữu ý hoặc vô ý của những cái tôi trữ tình với nhịp sống mạnh mẽ của tự nhiên. Xuân Diệu - một người luôn say trong bản giao hưởng tình yêu đầy mị hoặc được tấu lên bởi thiên nhiên thì không thể không nhắc tới. Và điều đó thể hiện khá rõ qua 13 câu đầu trong bài "Vội vàng" của ông, 13 câu thể hiện tâm hồn khao khát trần thế của nhà thơ.
Xuân Diệu là một nhà thơ lớn, một nhà văn hóa lớn, cũng là người có đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại, theo Hoài Thanh:"Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong tất cả những nhà thơ mới". Ông được mệnh danh là " Ông hoàng thơ tình" vì ông là nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân và tuổi trẻ với giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm thiết, kèm theo đó là một quan niệm sống mới mẻ với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. Và bài thơ "Vội vàng"cũng là một trong số đó, bài thơ được rút trong tập "thơ thơ", là một trong những bài thơ tiêu biểu của Xuân Diệu trước Cách mạng.
Không nói dong dài nữa , bây giờ chúng ta sẽ đi vào phân tích để thấy được tình yêu cuộc sống, trần thế tha thiết đó: Tôi muốn tắt nắng đi Cho màu đừng nhạt mất; Tôi muốn buộc gió lại Cho hương đừng bay đi. Đây là bốn câu thơ ngũ ngôn duy nhất trong bài, nhìn vào nó ta có thể thấy được những từ ngữ chỉ hành động như "tắt nắng", "buộc gió". Có phi lí không khi lại nghỉ đến chuyện lạ đời như thế? Trên đời có ai làm được chuyện nghịch thiên như thế đâu. Nắng, chúng ta chỉ có thể cảm nhận hơi ấm của nó mang lại qua xúc cảm của làn da, hay thấy nó thấp thoáng qua từng phiến lá mỏng rọi xuống đất...Còn gió, ta cũng chỉ cảm nhận được qua từng cơn mát lành hay cái lạnh đến run người mà nó mang lại chứ có cầm hay nắm được đâu mà "buộc" với "tắt". Ấy thế mà Xuân Diệu lại là người có cái ước muốn phi lí muốn chống lại tự nhiên đấy. Lại hỏi, Xuân Diệu muốn tắt nắng để làm gì? Ông muốn màu đừng nhạt mất. Muốn buộc gió để làm gì? Cho hương đừng bay đi. Lúc này, nắng, gió được tác giả hoán dụ để trưng cho thời gian. Tác giả muốn tắt nắng, buộc gió như một khao khát mãnh liệt về sự ngưng đọng của thời gian , muốn lưu lại khoảnh khắc tươi đẹp này mãi mãi. Đóa hồng vẫn vương màu đỏ thẫm và mùi hương của nó vẫn còn mãi trên cuộc đời này. (*Lại nói về chút cảm nhận của riêng tôi về nắng và gió. Nắng, thứ mang đến cho ta hơi ấm trong mùa đông lạnh giá, nhưng đến mùa hè, từng đợt nắng chói chang của nó làm ta phải kép đôi mi mình lại, làm mắt ta nhòe ra, cản trở ta tiếp nhận những sắc màu nguyên chất, sâu đậm của cuộc đời. Gió, gió mang đến cho ta những hương thơm mơn mỡn của từng phiến mạ xanh trên đồng, cho ta ngửi thấy mùi thơm từ buổi cơm chiều của mẹ, cho ta từng cơn mát lành xoa diệu tâm hồn... cho đến khi ta hoàn toàn chìm đắm trong nó thì gió lại đổi hướng, ra đi mang theo tất cả những si mê và để lại đây một sự hụt hẫn to lớn trong tâm hồn*) Bên cạnh sử dụng những từ ngữ oai nghiêm, mệnh lệnh, nhịp điệu dồn dập vì phải chạy đua với thời gian, Xuân Diệu lại sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ, điệp cấu trúc, từ "tôi muốn" như chỉ chính bản thân Xuân Diệu mà không phải ai khác. Ông muốn trực tiếp bộc lộ ước muốn, cũng như cái tôi trữ tình của mình mà không phải giấu diếm hay che đậy gì cả... Biết làm sao được khi Xuân Diệu, một người quá đổi yêu cuộc sống này, qua đổi yêu cuộc đời ngắn ngủi tràn ngập tư vị ngọt ngào này nên tham lam muốn đem hết mọi thứ về phía mình, không cho nó biến mất, ông muốn tự mình đứng lên chống lại tự nhiên để giữ lại hương sắc của cuộc đời.
Có lẽ với 4 câu thơ đầu, tác giả không chỉ thành công trong việc thể hiện được ước muốn trần thế của mình mà còn thành công khi khơi gợi lên sự tò mò cho rất nhiều người. Thiên nhiên trong tiết trời mùa xuân dưới tầm mắt hoặc giả trong tâm hồn của Xuân Diệu thật ra đẹp và hoàn mĩ đến cỡ nào mà khiến ông khao khát trần thế đến như vậy? Tôi cũng thật sự rất muốn biết mùa xuân ấy mị hoặc bao nhiêu so với mùa xuân trần thế mà tôi trãi qua trong 17 năm tuổi đời của mình. Và để thỏa mãn được sự tò mò đó, Xuân Diệu đã vẽ ra bức tranh mùa xuân tươi đẹp mà mình nhìn thấy, mình cảm nhận bằng tất cả sự say mê: Của ong bướm này đây tuần tháng mật; Này đây hoa của đồng nội xanh rì; Này đây lá của cành tơ phơ phất; Của yến oanh này đây khúc tình si; Trong bốn câu trên, tác giả lại một lần nữa sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ, từ "này đây" được lặp lại khá nhiều lần và phân bố ở nhiều vị trí khác nhau trong từng câu thơ tạo nên nhịp điệu vừa nhịp nhàng vừa hối hả như một sự đồng nhất với con tim của kẻ sĩ khi đứng trước khung cảnh mùa xuân đầy màu sắc. Xuân Diêu như hóa thành một đứa trẻ non nớt lạc vào vườn xuân, và yêu thích gọi tên những thứ mình thấy thú vị. Này đây, trong khoảng không gian xung quanh cuộc sống của ta, dưới ánh nhìn đầy thi vị của Xuân diệu - một con người khao khát trần thế mãnh liệt, thì đâu đâu cũng là cảnh đẹp, đâu đâu cũng mang trong mình sức hấp dẫn kì lạ, không cần phải tìm kiếm đâu xa xôi ngoài tầm với. Ngoài ra, song song với từ "này đây", từ "của" cũng được lặp lại nhiều lần như một cặp đôi không thể tách rời. Và có lẽ, nó như muốn ngầm khẳng định sự hữu ý trong những mối liên kết giữa những sự vật trong tự nhiên mà tạo hóa ban tặng. Tất cả như một phép liệt kê của Xuân Diệu về những thứ quý giá mà tạo hóa gieo rãi cho mùa xuân, cho cuộc sống này. Ong bướm lại ở trong tuần tháng mật, khoảng thời gian mận nồng dành cho những cặp vợ chồng mới cưới mà không phải một khoảng thời gian nào khác; hoa không phải là một cành hoa, một đóa hoa mà rộng lớn hơn là hoa trên nền đồng nội xanh rì, một màu xanh căng tràn nhựa sống; lá lại mọc trên một cành tơ nho nhỏ phất phơ giữa nắng xuân ấm áp; yến oanh thì lại say mê hót một khúc tình si. Tất cả như hữu ý, vạn vật mang xuân tình cùng gặp nhau, cùng nhau tấu lên một bản tình ca của mùa xuân tràn sức sống và số phận đã sắp đặt cho Xuân Diệu bắt gặp khoảnh khắc tươi đẹp đó để ông hoàn toàn chìm đắm và si ngốc trong nó. Các bạn thấy đấy, nếu Xuân Diệu không phải là một người đang say mãnh liệt trong "tình yêu" với trần thế của mình thì làm sao có thể cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp đầy xuân sắc, xuân tình này và đưa nó vào từng dòng thơ của mình một cách tinh tế như thế.
Đến đây, tôi có thể nói nói rằng Xuân Diệu là người rất giỏi trong việc dẫn dắt người đọc trôi theo mạch cảm xúc trong tác phẩm của mình và rất tài trong việc khơi gợi sự tò mò đến người đọc không? Tôi không biết bạn thế nào, nhưng đối với tôi, tội lại tiếp tục tò mò rằng liệu với bức tranh mùa xuân "diễm lệ" như thế có đủ hoàn mĩ để làm thỏa mãn cái tôi trữ tình đang thổn thức không ngừng vì mùa xuân ấy không? Và may thay, một lần nữa, Xuân Diệu đã thỏa mãn nghi vấn của tôi bằng 2 câu thơ tiếp theo: Và này đây ánh sáng chóp hàng mi; Mỗi buổi sáng thần vui thầm gõ cửa. Ở hai câu thơ này, với từ "và này đây", ta có thể cảm nhận được dường như với bức tranh mùa xuân mà Xuân Diệu vẽ ra để liệt kê những món quà của tạo hóa ở bốn câu trên chưa đạt đến 100% của sự hoàn mĩ, thì nay, đến với hai câu thơ này , và này đây một lần nữa, Xuân Diệu lại chấp bút tự họa thêm những nét vẽ cuối cùng để hoàn thành bức tranh mà ông cho là hoàn hảo nhất. "Hàng mi", một hình ảnh hoán dụ cho sự xuất hiện của bóng dáng con người, hình ảnh cuối cùng mà Xuân Diệu đã nhẹ nhàng đưa vào bức tranh của mình như một mảnh ghép quan trọng nhất, con người cùng tuổi trẻ đang dang tay đón nhận món quà đầy ý nghĩa mà tạo hóa đã sủng ái ban tặng . (*Thử hỏi, còn gì có thể đẹp hơn hình ảnh con người căn tràn sức sống của tuổi trẻ cuồng nhiệt khi đứng giữa tiết trời mùa xuân này nữa?*) "Mỗi buổi sáng, thần vui thầm gõ cửa", lúc này không gian trở nên hư ảo hơn với sự xuất hiện của từ "thần", nó không còn được miêu tả bằng từ "đẹp" nữa mà thay bằng "thiên đường", một thiên đường ngay trên mặt đất với bao niềm hạnh phúc kì thú. Với hình ảnh "ánh sáng chóp hàng mi"," thần vui gõ cửa" tác giả đã tinh tế lựa chọn khoảnh khắc thư thái nhất của con người là buổi sáng trước khi thức dậy để gợi nên một khung cảnh yên bình trong buổi sớm dưới khí trời mùa xuân ấm áp, như một lời khuyên nhẹ nhàng mà chân thành từ Xuân Diệu: " Hãy luôn sống lạc quan, yêu đời thì mỗi buổi sớm khi ta thức dậy niềm vui sẽ tự đến với ta". Lại nói, một không gian đáng sống như thế mà bắt tôi phải rời khỏi thì làm sao tôi đành lòng cho được. Huống chi là Xuân Diệu, một người luôn luôn có một ước muốn mãnh liệt muốn tận hưởng cuộc sống tươi đẹp này mãi mãi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro