Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phân tích 12 câu đầu và 8 câu cuối bài "Trao duyên".


Khi nhắc đến đại thi hào Nguyễn Du – một niềm tự hào của dân tộc thì ta không thể không nhắc đến tuyệt tác của ông: Truyện Kiều - một tác phẩm mang giá trị nhân đạo, giá trị nhân văn sâu sắc, đồng thời "Truyện Kiều" phản ảnh sinh động xã hội thời đại của tác giả, một xã hội mục nát bất công, nhẫn tâm dồn ép nhân dân vào bước đường cùng. Song tác phẩm này còn thành công ở giá trị nghệ thuật, nghệ thuật trong thơ đã lên đến đỉnh cao. Đặc biệt là nghệ thuật dẫn diễn tả tâm trạng nhân vật. Một trong những đoạn trích đặc sắc nhất về cuộc độc thoại nội tâm là "Trao duyên".

Duyên phận là của trời cho, không được cưỡng cầu và càng không nên ép buộc, nhờ vả. Thế nhưng Thúy Kiều trong đoạn trích "Trao duyên" đã cho mình cái đặc quyền đị "nhờ", "cậy" duyên như vậy. Tác giả đã phân tích tâm trạng chua xót, đầy đơn đau của Thúy Kiều khi phải trao mối duyên đầu của mình cho em gái là Thúy Vân để có thể trả nghĩa cho Kim Trọng. Một nghịch cảnh trớ trêu, bất hạnh.

Nguyễn Du đã chua xót khi khắc họa tâm trạng của Thúy Kiều lúc này:

"Cậy em em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa."

Chỉ với hai câu thơ nhưng biết bao chua xót và dằn vặt, biết bao nước mắt và đau đớn. Từ "cậy" được đặt lên đầu câu diễn tả hoàn cảnh ngặt nghèo, khó thưa, khó gửi của Thúy Kiều. Thúy Kiều nhờ cậy Thúy Vân giúp với tất cả niềm tin, hy vọng của mình. Cùng với từ "chịu", nó bao hàm luôn cả một sự miễn cưỡng, khiến cho Thúy Vân khó thể từ chối được. Vốn dĩ Thúy Kiều là chị nên thuở đời nào lại có chuyện chị đi "lạy" "thưa" em mình bao giờ? Nhưng trong hoàn cảnh này, nàng đã phải làm những việc tưởng chừng như nghịch lý như vậy.Mối duyên với chàng Kim là mối duyên trời cho, nhưng số phận của Thúy Kiều giờ nổi trôi, bấp bênh, nàng không muốn phụ chàng, nên đã muốn cậy nhờ em gái nối tiếp mối duyên dở dang ấy. Câu thơ như cứa vào lòng người đọc nỗi chua xót cùng cực. Từ "cậy" là điểm nhấn, là sự thành công về mặt ngôn ngữ của Nguyễn Du.

Trao duyên cho em đâu nào là để trút đi gánh nặng? Bao nhiêu kỉ niệm đẹp về mối tình đầu cứ liên tục ùa về. Nỗi đau khổ vì không giữ trọn lời đính ước với chàng Kim đã buộc Thúy Kiều phải nói thật, nói hết với em, phải giãi bày tất cả ể mong có thể nhận được một phần sự thông cảm từ Thúy Vân:

"Giữa đường dứt gánh tương tư

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề."

Thành ngữ "đứt gánh tương tư" có ý chỉ tình yêu dang dở. Tình cảm của Kiều với Kim Trọng chưa kịp tới hồi viên mãn thì sóng gió đã ập tới, đành phải dở dang, Kiều đau khổ biết mấy, nhưng đành ngậm ngùi trao lại cho em. Nàng dùng điển tích về "keo loan" để thể hiện ý định muốn Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng. Không những thế, nàng cũng bày tỏ sự ray rứt đối với em, đem "mối tơ" sâu đậm của nàng giờ đây biến thành một mối "tơ thừa" giao phó cho Thúy Vân, "mặc" cho Thúy Vân muốn chấp nối thế nào cũng được.

Từ "khi" được lặp lại ba lần diễn tả những khoảng thời gian khác nhau: " khi gặp – khi ngày – khi đêm" nhấn mạnh mối duyên tình sâu đậm vì có cả những vật minh chứng cho tình yêu "chiếc quạt - chén rượu thề". Với nghệ thuật liệt kê "ngày quạt ước", "đêm chén thề" những kỉ niệm đẹp đẽ ấy trở nên sống động hơn trong lòng Kiều.gợi cho người đọc nghĩ đến tình cảm sâu nặng giữa Kiều với chàng Kim, nhớ đến những kỉ niệm đẹp của hai người. Mối tình giữa Kim Trọng và Thúy Kiều là một mối tình trong sáng và đẹp đẽ nhất. "Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương", lời thề nguyện thiêng liêng ấylàm sao có thể dễ dàng chia lìa, xa cách như thế được. Vậy nên Thúy Kiều đã rất đau khổ, rất xót xa khi phải trao duyên cho Thúy Vân. Đây là nỗi đau đớn dằn vặt, đau đớn cho cuộc tình tan vỡ đồng thời cũng là nỗi xót xa, xót xa cho thân phận của chính mình.

"Sự đâu sóng gió bất kì

Hiểu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai."

Đến đây thì người đọc đã thực sự hiểu hết ý nghĩa của từ "cậy", nó không còn là nhờ nữa mà mang tính chất ép buôc, bắt buộc phải làm. Bởi sự "sóng gió" đó đã làm "đứt gánh tương tư". Thúy Kiều hiểu được hoàn cảnh, hiểu được nỗi đau của bản thân mình. Nàng cũng đã từng đem cân chữ "hiếu" và chữ "tình", liệu rằng: "bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn" và nàng đã chọn chữ hiếu để rồi phải phụ chàng Kim, chứ không thể phụ cha mẹ. Một người con gái yếu đuối, mỏng mang nhưng rất mực hiếu thảo. Thế là nàng đã gánh chữ hiếu thay cho chữ tình vậy thì ai sẽ thay nàng gánh chữ "tình" sâu nặng ấy? Nàng chẳng biết phải nhờ ai ngoài đứa em gái của mình, chhỉ có Vân mới là người có thể hiểu được hoàn cảnh của mình lúc này. Sợ chưa thuyết phục được em, Kiều đã dùng hết lý lẽ, sự tỉnh táo nhất của lí trí để trải lòng cùng em:

"Ngày xuân em hãy còn dài,

Xót tình máu mủ thay lời nước non.

Chị dù thịt nát xương tan

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây."

Thúy Kiều và Thúy vân đều đang "đến tuổi cập kề' nhưng nàng lại nhắn nhủ với Thúy Vân "ngày xuân em còn dài", có thể gánh tiếp mối duyên với chàng Kim, với người mà Kiều yêu thương. Để thêm thuyết phục, Kiều đã đem "tình máu mủ" ra để van xin em "thay lời nước non" cùng chàng, bởi "máu chảy ruột mềm" còn gì thiêng liêng hơn tình chị em gắng bó, ruột thịt. Khoảng thời gian tươi đẹp giữa nàng và Kim Trọng giờ chỉ còn là những kỉ niệm. Một sự chua xót đến đau lòng khi Kiều nhắc đến cái chết, một dự liệu chẳng lành hay là một cuộc đời sẽ chẳng bình an mà nàng sắp phải mang. Thúy Vân có thể giúp đỡ thì dù mai này có chết Kiều vẫn có thể "ngậm cười chín suối", yên lòng mà ra đi. Qua đây chúng ta thấy được tấm lòng, sự lương thiện, sống và yêu hết lòng mình của nàng Kiều.

Với thể thơ lục bát được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, đầy sáng tạo kết hợp với nhiều biện pháp tu từ, sử dụng sáng tạo thành ngữ dân gian và kết hợp tài tình ngôn ngữ bác học với ngôn ngư bình dân, Nguyễn Du đã khắc họa rõ nét tâm trạng dằn vặt, đau đớn khi phải hi sinh chữ tình để làm tròn chữ hiếu của Kiều, khiến hình tượng của nàng trở nên đẹp đẽ hơn trong lòng người đọc. Đồng thời, qua tác phẩm ta còn có thể thấy được sự yêu thương, cảm thông sâu sắc của Nguyễn Du dành cho nhân vật của mình. Thông qua việc thể hiện nỗi đau của Kiều khi phải trao duyên tình dang dở của mình cho em, "Trao duyên" mang đến độc giả cái nhìn chân thực về thời đại của tác giả, một thời đại mà con người bị đồng tiền làm băng hoại đạo đức, bị chính đồng tiền dồn ép tới đường cùng, không còn lối thoát.

"Đau đớn thay phận đàn bà,

Hỡi ôi thân ấy biết là mấy thân."

Kết thúc đoạn thơ, bi kịch càng được đẩy lên cao, Kiều đã hoàn toàn bất lực trước mong muốn níu kéo, cố gắng để trở về với tình yêu. Nhưng tất cả chỉ là quá khứ xa xôi, tương lai mờ mịt. Tiếng khóc than nghe sao não ruột, bao nhiêu ngậm ngùi trào dâng trong tâm trí Kiều. Giờ đây nàng mới thấm thía nỗi đau, mất mát, Kiều đã nhận ra được khoảng trống đáng sợ nhất là hạnh phúc mà nàng chỉ mới vừa có được.

"Bây giờ trâm gãy xương tan

Kể làm sao hết muôn vàn ái ân!

Trăm nghìn gửi lạy tình quân,

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!"

Lời đối thoại đã có sự chuyển hướng, Nàng quay sang nói với Kim Trọng, hay chỉ là bóng của Kim Trọng. Nguyễn Du đã dùng hình ảnh ước lệ thể hiện nỗi đau đột ngột, cái hạnh phúc của con người bỗng chốc đã bị tan vỡ, càng nhấn mạnh được cuộc đời bi kịch của nàng. Câu thơ giống như tiếng than xé lòng, một tiếng than não ruột về thân phận chính mình. Đối với người phụ nữ, đặc biệt là với Kiều, hạnh phúc quá mong manh, Kiều chưa kịp hưởng trọn hạnh phúc thì nó đã vụt mất. Nàng chưa kịp có một gia đình bên người mình yêu thì tai họa đã đến. "Trâm" và "gương" là biểu tượng của tình duyên ngày xưa, thế mà giờ "trâm" đã "gẫy" còn "gương" cũng đã vỡ "tan". Bao nhiêu kỉ niệm đẹp "muôn vàn ái ân" của Kim trọng dành cho nàng kể bao nhiêu cũng không hết mà giờ đây nàng đành phải phản bội khiến cho "sợi tơ duyên" ấy trở nên ngắn ngủi. Tuy trao duyên cho Thúy Vân nhưng Kiều vẫn cảm thấy có lỗi nên nàng lại gửi "trăm nghìn cái lạy" cho "tình quân" – người đã cùng nàng trải qua biết bao nhiêu kỉ niệm nồng say. "Ngần ấy thôi!" đã cho ta cảm nhận được nỗi tái tê, sự bế tắc, chua chát trong lòng Kiều. Bất giác nàng cất lên một câu hỏi như một lời oán trách:

"Phận sao phận bạc như vôi?
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng."

Trước nỗi đau đớn xót xa này, nàng chỉ trách thân phận "bạc như vôi". Lời than oán của Kiều không ai có thể trả lời được, có hỏi "trời trời không tỏ", có hỏi "đất đất không hay". Số phận của Kiều sẽ trôi dạt như những bông hoa đẹp thế mà những đành phải chịu "trôi" bị dập dùi trong dòng nước dơ bẩn, nhơ nhớp chảy xiết. "Nước chảy hoa trôi" hình ảnh ẩn dụ cho một mùa xuân đã qua, hoa rụng, tuyết tan, nghĩa là tuổi xuân đã chấm dứt. Những hình ảnh đó làm động lòng thương đến hết thảy chúng ta. Đối với Kim Trọng, nàng còn mặc cảm tội lỗi là chính nàng đã "phụ chàng". Chính tâm lí mặc cảm tội lỗi cao thượng đó khiến nàng chết chất trong tiếng kêu thương thấu trời:

"Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!"

Chỉ một câu thơ mà tên Kim Trọng được gọi đến hai lần. Nhưng với thán từ "ôi, hỡi" đã khiến cho câu thơ như tự vang lên tiếng khóc than, nghẹn ngào, mang theo lời "trăn trối" cuối cùng gửi đến Kim Trọng thay cho nàng Kiều. "Thôi thôi" là tiếng than tiếc rẻ, dằn vặt và cũng là tiếng nói xác nhận sự phụ bạc của mình. Câu thơ là một tiếng khóc nấc, một tiếng kêu xé lòng của Kiều trước nỗi mất mát quá lớn. Tuổi xuân vừa chóm, tình yêu vừa đượm men nồng thế mà giờ đây Kiều phải đối diện với một thực tế đau lòng. Tâm tư Kiều như bị dằn xé thành nghìn mảnh cùng với lời kêu cứu tuyệt vọng không lời đáp. Đoạn trích này là một bi kịch đầu tiên trong cuộc đời Kiều "từ đây "một lần nữa đánh dấu mốc thời gian cay đắng của cuộc đời Kiều. Ta như xót xa thay tấm lòng của nàng. Câu thơ như vỡ òa trong nước mắt cay đắng của cuộc đời Kiều. Tuy đoạn thơ đã kết thúc trong tiếng gọi của Kiều với Kim Trọng vẫn còn nồng nàn, tha thiết.

Lời thơ đã dứt mà lời thơ vẫn còn âm vang đâu đây. Những giọt lệ của Kiều hòa chung với những giọt lệ của Nguyễn Du. Với tài miêu tả tâm lí bậc thầy và bằng ngòi bút điêu luyện của đại thi hào Nguyễn Du, ông đã phán ánh rõ nên một xã hội phong kiến thối nát đã đẩy đưa số phận con người lâm phải vào bức đường cùng. Tác phẩm đã làm rung động biết bao trái tim người đọc từ hàng thế hệ nay. Đoạn trích: "Trao duyên" đã phác họa thành công bi kịch tình yêu của Kiều nhưng cũng ánh lên rực rỡ một nàng Kiều với một nhân cách cao đẹp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro