Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Sự lo sợ phập phồng 3

Lối lý luận này có vẻ giản dị và quyến rũ khiến cho chúng ta chú trọng đến. Nhưng nó lại đưa đến hậu quả là di chuyển điều bí mật về tinh thần bất an sang một chỗ khác. Vì ý tưởng rằng mình không có giá trị gì cả cứ tồn tại mãi được coi như một điều có thực đến nỗi chúng ta phải tự hỏi tại sao những người đó có khi lại có một sức khỏe bình thường. Nhưng trạng thái lo sợ của trẻ con cho ta biết những gì? Đứa bé chỉ tỏ ra lo sợ khi đứng trước những người lạ đi kèm, còn những đồ vật mới gây lo sợ cho trẻ chỉ đến sau người và tình thế nói trên. Nhưng đứa trẻ lo sợ trước một người lạ chỉ vì nó cho rằng người này đối với nó có ý xấu, vì nó cảm thấy mình quá yếu đối với người lạ, người này có thể mang lại cho nó một mối hiểm nguy đối với đời sống, an ninh và sự sung sướng của nó. Thực ra không làm gì có những đứa bé lúc nào cũng nghi ngờ, lúc nào cũng lo sợ mình bị tấn công và những sự tấn công này tràn ngập cả nhân loại. Đúng hơn đứa bé sở dĩ lo sợ khi đứng trước mặt người lạ là vì từ xưa tới nay nó chỉ quen nhìn một người mà nó yêu mến: đó là người mẹ. Sự thất vọng và buồn rầu của nó biến thành lo sợ; vậy sự lo sợ đó chính là sự khát dục không còn dùng được nữa và sự khát dục này vì không dùng được nữa nên phải biến thành lo sợ. Và không phải là ngẫu nhiên nếu chúng ta thấy trong sự lo sợ của đứa trẻ hình ảnh của sự lo sợ đầu tiên xảy ra trong lúc mình mới sinh, sự tách bạch đứa trẻ ra khỏi lòng người mẹ.

Chứng sợ đầu tiên nhận thấy ở đứa trẻ con là chứng sợ bóng tối và cô đơn; chứng đầu tiên còn tồn tại mãi trong suốt cuộc đời và cả hai chứng đều có một nguyên nhân chung nhau, đó là sự vắng mặt của người mẹ yêu dấu và chăm sóc nó. Một đứa bé lo sợ trong bóng tối hét lên nói với người cô ngồi trong phòng bên: "Cô ơi, cô nói cho con nghe đi, con sợ lắm." - "Cô nói lên thì có lợi gì cho con vì con có trông thấy cô đâu." Đứa bé trả lời: "Khi có tiếng người, cháu cảm thấy như trời sáng hơn." Vậy sự buồn rầu cảm thấy trong bóng tối biến thành sự lo sợ bóng tối. Vậy khi chúng ta nói rằng sự lo sợ trong bệnh thần kinh là một hiện tượng phụ thuộc và chỉ là một trường hợp đặc biệt của sự lo sợ thực sự thôi, chúng ta đã nói một điều không đúng: ngoài ra đối với đứa trẻ, trong sự lo sợ thực sự và sự lo sợ thần kinh có một điểm chung nhau: đó là ở cả hai nơi đều có một nguyên nhân. Sự khát dục đã không được đem dùng. Còn về nỗi lo sơ thực sự trẻ con có vẻ như chỉ có trong một mức độ không lấy gì làm nặng lắm. Trong tất cả những tình thế sau này có thể trở nên chứng sợ như đứng trên núi cao, đi cầu hẹp trên mặt nước, đi xe lửa hay đi trên tàu biển, trẻ em không tỏ vẻ lo sợ vì nó không biết. Đáng lẽ ra trẻ con phải nhận được bằng di truyền nhiều bản năng tự vệ hơn và như thế nhiệm vụ của những giám thị trông nom cho chúng khỏi bị nguy hiểm sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Nhưng trong thực tế nhiều khi trẻ không có tự lượng sức mình mà làm nhiều điều nguy hiểm, chính vì nó không biết thế nào là nguy hiểm. Nó chạy trên bờ nước, trèo lên cửa sổ, chơi dao kéo, đồ nhọn hay với lửa, nghĩa là tất cả những thứ gì nguy hại cho nó và làm cho mọi người lo sợ. Chính sự giáo dục đã làm cho lo sợ phát sinh bởi vì chúng ta không thể để cho chúng tự học lấy những điều đó bằng kinh nghiệm được.

Nếu có những đứa trẻ chịu ảnh hưởng của sự giáo dục phát sinh ra lo sợ này tới một mức độ làm cho chúng tự mình tìm được những sự nguy hiểm mà người lớn đã nói đến nhưng không bao giờ biết trước là nguy hiểm, chính là vì trong người chúng có một nhu cầu khát dục mạnh hơn hay vì chúng có thói quen thỏa mãn tình dục rất sớm. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy nhiều đứa trẻ sau này sẽ trở nên những kẻ tinh thần bất an bởi lẽ không có gì làm cho bệnh thần kinh dễ phát ra hơn là việc con người không đủ khả năng chịu đựng trong một thời gian dài hay ngắn của sự dồn ép khát dục. Các bạn hãy nhận thấy rằng, ở đây chúng ta chú trọng đến yếu tố cấu thành mà quan trọng chưa hề bị chúng ta phủ nhận. Chúng ta chỉ chống đối lại cái quan niệm, chỉ chú trọng đến yếu tố cấu thành thôi mà không để ý đến những yếu tố khác, rằng cho yếu tố cấu thành một địa vị quan trọng nhất ngay cả trong trường hợp yếu tố này chỉ giữ một vai trò phụ thuộc thôi hay không có liên can gì cả.

Bây giờ các bạn cho phép tôi tóm tắt những kết quả lượm được trong việc quan sát trạng thái lo sợ trong đứa trẻ: sự lo sợ của đứa trẻ con gần như không có gì chung với sự lo sợ thực sự, trái lại rất gần sự lo sợ bệnh thần kinh của người lớn. Nó bắt nguồn từ một sự khát dục không đem dùng, rồi chỉ vì không tìm được đối tượng để tập trung tình ái vào đã thay thế khát dục bằng một vật bên ngoài hay một tình thế mới.

Và bây giờ các bạn hẳn không bực mình khi nghe tôi nói rằng chúng ta chẳng cần gì học các chứng sợ nữa. Trong các chứng sợ này giống y những sự lo sợ của trẻ con: khát dục không được đem dùng luôn luôn biến thành một sự lo sợ thực sự và do đó bất cứ một sự nguy hiểm nào từ bên ngoài vào đều có thể trở thành một cái gì thay thế cho sự đòi hỏi của khát dục. Sự tương đồng các chứng sợ và sự lo sợ trẻ con chẳng có gì đáng cho ta ngạc nhiên cả vì những chứng sợ trẻ con không những chỉ điển hình cho những chứng sợ của người lớn mà còn là điều kiện phát sinh trực tiếp của những chứng này nữa. Bất cứ một chứng sợ nào trong bệnh náo loạn thần kinh của người lớn bao giờ cũng bắt nguồn ở một chứng sợ trẻ con và chỉ tiếp tục chứng sợ này ngay cả khi nó có một nội dung khác hẳn và có một tên khác. Hai chứng bệnh nói trên chỉ khác nhau về cách hoạt động thôi. Trong người lớn, muốn cho sự lo sợ trở thành khát dục, sự việc khát dục không được dùng đến trong một khoảng thời gian nào đó chưa đủ. Người lớn từ lâu đã biết tạm xếp khát dục ra một bên và dùng nó một cách khác. Nhưng khi khát dục là thành phần của một sự hoạt động tinh thần đã bị dồn ép thì người ta lại thấy một tình trạng giống như tình trạng của trẻ con khi chúng không phân biệt được giữa vô thức và ý thức. Chính nhờ sự thụt lùi về chứng sợ trẻ con này mà khát dục tìm được một phương sách tiện lợi để biến thành lo sợ. Chúng ta đã nói nhiều đến sự dồn ép nhưng bao giờ cũng để ý đến số phần của trạng thái tình cảm đi liền với sự biểu thị của sự dồn ép và mãi đến tận bây giờ mới biết được số phận đầu tiên của trạng thái tình cảm này là phải biến thành lo sợ mặc dầu trong trạng thái bình thường đặc tính của nó ra sao. Sự biến đổi của trạng thái tình cảm này là phần quan trọng nhất của sự hoạt động của sự dồn ép. Nói đến nó không phải dễ dàng gì vì chúng ta không thể khẳng định sự có mặt của những trạng thái tình cảm vô thức như chúng ta đã khẳng định sự có mặt của các sự phát biểu vô thức. Dù vô thức hay hữu thức thì bao giờ sự phát biểu cũng vẫn có những tính chất như nhau và chúng ta rất có thể nói đến cái gì đã tương ứng cho một sự phát biểu vô thức. Nhưng một trạng thái tình cảm bao giờ cũng là một sự hoạt động phóng điện và phải được quan niệm khác một sự phát biểu; chưa tìm cách phân tích và vạch rõ những tiền đề liên quan đến những hoạt động tinh thần, chúng ta chưa thể nói trong trạng thái tình cảm sự vô thức tương ứng với cái gì. Vì thế nên chúng ta không làm công việc đó ở đây, nhưng chúng ta muốn giữ nguyên cái cảm tưởng là sự phát triển của lo sợ gắn liền vào hệ thống vô thức.

Tôi đã nói rằng sự biến đổi của khát dục thành lo sợ hay nói cho đúng hơn sự phát hiện của khát dục dưới hình thức lo sợ là số phận đầu tiên dành cho khát dục bị dồn ép. Tôi muốn nói rằng đó không phải là số phận duy nhất và cuối cùng của khát dục. Trong bệnh thần kinh có khi xảy ra sự diễn biến làm ngăn trở sự phát triển của lo sợ và thành công việc này bằng nhiều cách khác nhau. Trong các chứng sợ, chẳng hạn người ta nhận thấy có hai giai đoạn trong sự diễn biến bệnh thần kinh. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn trong đó khát dục bị dồn ép và biến thành lo sợ trong khi lo sợ gắn liền vào một mối hiểm nguy bên ngoài. Trong giai đoạn thứ hai mọi sự đề phòng và bảo đảm được đưa ra để ngăn trở khát dục không cho tiếp xúc với mối nguy hiểm bên ngoài này. Sự dồn ép được coi như một mưu toan của cái tôi chạy trốn trước sự khát dục mà cái tôi coi như một mối nguy hiểm. Chứng sợ có thể coi như một trốn tránh chống với sự nguy hiểm bên ngoài lúc này đang thay vào chỗ của khát dục. Sự yếu kém của hệ thống phòng thủ đem dùng trong chứng sợ là ở chỗ cái thành trì rất mạnh ở bên ngoài lại không mạnh ở bên trong. Khát dục không thành công hoàn toàn trong việc đẩy lùi sự nguy hiểm ra ngoài. Vì thế cho nên trong các bệnh thần kinh khác mới có hệ thống phòng thủ khác chống lại sự phát triển có thể xảy ra của sự lo sợ. Đó là một chương mới rất hay trong tâm lý bệnh thần kinh, chúng ta không thể đề cập đến vấn đề này ngay được sợ nó sẽ dẫn ta đi rất xa, nhất là muốn hiểu được chúng ta cần có những điều hiểu biết đặc biệt sâu xa. Tôi chỉ cần thêm một vài câu vào những điều vừa nói. Tôi đã nói đến sự phản công của cái tôi để bảo vệ sự dồn ép với mục đích giữ cho sự dồn ép được tồn tại, nghĩa là để chống lại sự phát triển của sự lo sợ thường kèm theo sự dồn ép.

Chúng ta hãy quay trở lại các chứng sợ. Tôi đã trình bày là nếu chỉ tìm cách cắt nghĩa nội dung của các chứng sợ hay chỉ tìm xem đối tượng này hay đối tượng nọ hoặc trạng thái này hay trạng thái nọ sẽ trở thành đối tượng của chứng sợ thôi thì quả là một điều thiếu sót. Đối với chứng sợ thì nội dung của nó chẳng khác gì cái mặt trước của giấc mơ rõ ràng đối với chính giấc mơ. Người ta có thể công nhận rằng trong các nội dung của chứng sợ, có một vài đối tượng, đúng nhưng lời Stanleyfall nói, có thể trở thành đối tượng cho sự lo sợ công việc dự phòng gây ra. Giả thuyết này được xác nhận bằng sự kiện rằng rất nhiều đối tượng lo sợ này chỉ liên quan với sự hiểm nguy một cách tượng trưng thôi.

Như thế chúng ta đã rõ địa vị vô cùng quan trọng của vấn đề lo sợ trong tâm lý của bệnh thần kinh. Chúng ta biết rõ sự liên lạc chặt chẽ của phát triển lo sợ với những sự đổi thay của khát dục và hệ thống vô thức. Quan niệm của chúng ta tuy nhiên vẫn còn một lỗ hổng đó là chúng ta chưa thể xác định xem việc một sự lo sợ thực sự phải được coi như một sự phát biểu của bản năng tự bảo tồn của cái tôi do đâu mà ra.



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #tâmlý