Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Sự lo sợ phập phồng 2

Loại thứ ba đặt chúng ta trước một điều bí ẩn vì chúng ta không thể biết được giữa sự lo sợ này và sự hiểm nguy đe dọa người bệnh có những liên quan gì. Trong bệnh náo loạn thần kinh chẳng hạn, sự lo sợ đi liền với những triệu chứng náo loạn khác hay xảy ra trong bất cứ điều kiện kích động nào; thành ra trong khi chờ đợi một sự phát hiện tình cảm, chúng ta ngạc nhiên nhiều khi xuất hiện một sự lo sợ mà chúng ta không chờ đợi. Sau cùng lo sợ có thể xuất hiện mà chẳng cần điều kiện gì cả, y như một cơn sợ đột nhiên xuất hiện chẳng có một nguyên nhân gì. Trong những cơn sợ xuất hiện tự nhiên này chúng ta thấy chúng có thể bị phân tích ra được. Cả cơn sợ có thể xuất hiện bằng một triệu chứng duy nhất cường độ rất mạnh như run lẩy bẩy, choáng váng, hồi hộp, nghẹn ngào. Chúng ta không thấy trong sự lo sợ này tình cảm chung cho mọi sự lo sợ khác. Những trạng thái này phải được coi như lo sợ thực sự cả về phương diện chuẩn bị cũng như căn bệnh.

Đến đây có hai câu hỏi đột nhiên xuất hiện. Giữa sự lo sợ trong bệnh thần kinh trong đó sự nguy hiểm không giữ một vai trò nào cả, hay chỉ giữ một vai trò chẳng có nghĩa gì và sự lo sợ thực sự bao giờ cũng là phản ứng đối với một mối nguy thực sự có liên quan gì không? Phải hiểu sự lo sợ thần kinh đó như thế nào? Chúng tôi muốn trước hết không bỏ được nguyên tắc: mỗi khi có sự lo sợ xảy ra tất phải có một điều gì gây ra sự lo sợ đó.

Quan sát trong bệnh viện cho thấy một số yếu tố giúp ta hiểu được bệnh lo sợ thần kinh. Tôi muốn đem vấn đề ra thảo luận với các bạn.

A/Chúng ta không khó gì khi cho rằng sự lo sợ trong chờ đợi hay lo sợ tổng quát lệ thuộc vào một vài hoạt động của đời sống tình dục hay nói cho đúng hơn vào một vài sự áp dụng tính khát dục. Trường hợp giản dị và bổ ích nhất cho sự học hỏi là trường hợp của những người chịu kích động vô bổ, thấy thỏa mãn, như những người đàn ông trong thời kỳ đính hôn hay những người đàn bà có chồng bất lực, hay sợ có mang nên thường rút dương vật ra ngoài âm hộ trước khi xuất tinh. Trong những trường hợp này sự kích động khát dục biến mất nhường chỗ cho lo sợ hoặc lo sợ trong chờ đợi hoặc một cơn lo sợ có mang thường gây bệnh thần kinh lo sợ cho đàn ông và nhất là cho đàn bà và xảy ra nhiều đến nỗi mỗi khi đứng trước một người bệnh các bác sĩ thường bảo nhau nên nghĩ đến căn bệnh đó trước nhất. Làm như thế chúng ta có dịp quan sát rằng bệnh đó biến mất ngay một khi người chồng thôi không ngừng giao hợp trước khi xuất tinh như thế.

Theo chỗ tôi biết thì chính những bác sĩ ở ngoài môn phân tâm học cũng công nhận liên quan giữa sự ngưng giao hợp và bệnh thần kinh lo sợ. Nhưng có nhiều người sẽ cho rằng sở dĩ có những người ngưng giao hợp như thế là vì họ đã có sẵn mầm mống của sự lo sợ trong người từ lâu rồi. Lý luận này được cải chính ngay tức khắc bằng thái độ của người đàn bà mà hoạt động tình dục có tính cách tiêu cực, nghĩa là chịu theo hướng dẫn của đàn ông. Một người đàn bà càng có nhiều khí chất bao nhiêu càng thích giao hợp bấy nhiêu, càng có khả năng hưởng thụ tình dục bấy nhiêu và càng có phản ứng bằng hiện tượng lo sợ đối với sự bất lực và sự ngưng giao hợp của người đàn ông bấy nhiêu.

Sự tiết dục được nhiều bác sĩ khuyên nên dùng tất nhiên chỉ gây ra trạng thái lo sợ trong trường hợp sự khát dục không được thỏa mãn đã tăng lên đến một cường độ nào đó và không bị hủy bỏ vì những cái dùng để thay thế. Sự phát sinh ra trạng thái bệnh hoạn bao giờ cũng lệ thuộc vào những yếu tố chất lượng. Nhưng ngay cả khi không nói đến chuyện bệnh tật nữa mà chỉ nói đến tính tình thôi, những người tiết dục thường là những người tính nết bất định, nay lo sợ, nghi ngờ, còn những người bạo dạn, luôn luôn không bao giờ làm cái trò ngưng giao hợp bao giờ. Dù đời sống văn minh đã thay đổi những liên quan giữa đời sống tình dục và tính nết con người thế nào chăng nữa thì những liên quan đó cũng vẫn mật thiết hơn bao giờ.

Tôi chưa nói cho các bạn nghe về những quan sát xác định những liên quan này giữa khát dục và sự lo sợ. Chúng ta sẽ phải nói đến vai trò của một vài giai đoạn trong đời sống như tuổi dậy thì hay tuổi tắt kinh chẳng hạn trong việc phát sinh ra bệnh lo sợ, những giai đoạn này là thường làm tăng sự khát dục lên rất nhiều. Trong nhiều trường hợp khi bị kích động, người ta còn quan sát thấy sự dung hòa giữa khát dục và bệnh lo sợ và sự thay thế tình dục bằng sự lo sợ nữa. Từ những sự kiện này, chúng ta đưa ra hai kết luận: người ta có cảm tưởng rằng đó chỉ là sự tích lũy của sự khát dục bị ngăn trở không cho hoạt động và tất cả mọi sự diễn biến đã nhận thấy đều có tính cách cơ thể. Người ta không nhìn thấy sự lo sợ đã phát sinh ra như thế nào từ sự khát dục; người ta chỉ nhận thấy rằng khát dục đã vắng mặt và được thay thế bằng lo sợ.

B/Một điểm khác đã được sự phân tích bệnh thần kinh tâm lý nhất là bệnh náo loạn thần kinh cung cấp. Chúng ta đã biết là trong những bệnh này sự lo sợ chỉ xuất hiện cùng với các triệu chứng nhưng cũng có khi có một sự lo sợ không liên quan gì đến triệu chứng cả và xuất hiện dưới hình thức của từng cơn một hay trong một tình trạng thường trực. Người bệnh không biết tại sao họ lại lo sợ như thế và thường gán cho chứng sợ này cho sự lo sợ thông thường nhất: sợ chết, sợ bị điên dại, sợ động kinh. Khi phân tích sự lo sợ hay triệu chứng đi cùng với sự lo sợ người ta thường tìm ra nguyên do chính là vì dòng hoạt động của tinh thần bình thường không lưu thông và đã bị lo sợ thay thế. Hay nói rõ hơn chúng ta coi sự hoạt động của vô thức không chịu một sự dồn ép nào, phát triển bình thường cho tới khi đến ý thức. Sự diễn tiến này thường có một trạng thái tình cảm đi theo và chúng ta ngạc nhiên khi thấy rằng trạng thái tình cảm này trong mọi trường hợp đều bị dồn ép và thay thế bằng sự lo sợ dù đặc tính của trạng thái ấy ra sao mặc lòng. Cho nên khi đứng trước một trạng thái lo sợ náo loạn thần kinh, chúng ta có quyền cho rằng đồng bạn vô thức đi cùng với nó hoặc là một tình cảm cùng tính chất - như lo sợ, xấu hổ, ngượng ngùng - hoặc là sự kích động khát dục hoặc là một tình cảm đối nghịch, hung hăng như sự giận dữ ghê gớm hay bình thường. Vậy sự lo sợ tức là một món tiền thường được dùng để đổi lấy sự kích động tình cảm của nội dung của chúng đã bị sự phát biểu hủy diệt và dồn ép.

C/Một cuộc thí nghiệm thứ ba lấy trong những người bị ám ảnh, những người hầu như không bị lo sợ bao giờ. Khi chúng ta ngăn cản không cho những người bị ám ảnh làm những cử chỉ ám ảnh của họ hay khi chính họ tự ý thôi không làm những cử chỉ đó nữa, họ thường bị lo sợ xâm chiếm và nhiều khi phải làm lại những cử chỉ ám ảnh này. Đến đó chúng ta hiểu rằng lo sợ luôn luôn núp đàng sau những cử chỉ ám ảnh và những cử chỉ này được thực hiện chỉ vì người bệnh muốn tránh khỏi lo sợ. Vì thế nên trong bệnh thần kinh ám ảnh sự lo sợ không xuất hiện ra ngoài vì đã được các triệu chứng thay thế; và nếu chúng ta quay trở lại với bệnh náo loạn thần kinh, chúng ta cũng thấy tình trạng tương tự, kết quả của sự dồn ép: hoặc là một nỗi lo sợ thuần túy, hoặc một sự lo sợ đi kèm các triệu chứng hoặc là toàn thể các triệu chứng đầy đủ không có lo sợ. Như thế chúng ta có thể nói rằng, nếu những triệu chứng xuất hiện thì chỉ là vì chúng muốn ngăn cản không cho lo sợ xuất hiện và nếu không có chúng thì lo sợ thế nào cũng xuất hiện. Quan niệm này làm cho sự lo sợ trở thành trung tâm điểm của sự quan tâm của chúng ta đối với vấn đề có liên quan đến bệnh thần kinh.

Những điều quan sát của chúng ta liên quan đến bệnh lo sợ thần kinh đưa đến kết luận là chính sự di chuyển của khát dục ra ngoài con người thường ngày gây ra sự lo sợ chính là giai đoạn cuối cùng của sự diễn tiến của cơ thể. Phân tích bệnh náo loạn thần kinh và bệnh bị ám ảnh, chúng ta cũng đi đến kết luận như thế vì nó cho ta thấy rõ sự đi sai đường và sự lo sợ đều bắt nguồn ở sự từ chối không chịu can thiệp của các yếu tố tinh thần. Đó là tất cả những điều chúng ta biết về cách phát sinh ra bệnh lo sợ trong bệnh thần kinh; nếu những điều này có thể mơ hồ thì lúc này tôi chưa tìm ra con đường có thể đưa chúng ta đi xa hơn.

Còn một vấn đề khó giải quyết nữa là vấn đề quy định những liên quan về sự lo sợ thần kinh, bắt nguồn từ một sự hoạt động bất bình thường của khát dục và sự lo sợ thực hiện tương ứng với một phản ứng chống lại một mối nguy hiểm. Người ta tưởng rằng đó là những cái gì rời rạc, nhưng thực ra chúng ta không có phương tiện nào để phân biệt được hai loại lo sợ này.

Nhưng dây liên lạc đó hiện ra ngay khi chúng ta xét đến sự trái ngược giữa cái tôi và sự khát dục. Như chúng ta đã biết, lo sợ sở dĩ xuất hiện như một sự phản ứng của cái tôi và là dấu hiệu báo trước sự chạy trốn; trong sự lo ngại bệnh thần kinh chúng ta cũng có thể cho rằng cái tôi tìm cách chạy trốn để thoát khỏi sự đòi hỏi khát dục, coi sự hiểm nguy bên trong ngày càng khác mối nguy hiểm bên ngoài. Quan điểm này dẫn tới một kết luận: mỗi khi có sự lo sợ là phải có một sự kiện gây ra sự lo sợ đó. Nhưng sự giống nhau giữa hai loại còn đi xa hơn nữa. Cũng như gặp một mối nguy hiểm bên ngoài nào đó lo sợ thường tìm cách chạy trốn. Nhưng chính sự mưu toan chạy trốn này lại dẫn đến sự dừng chân lại để tìm cách chống cự, sự phát triển của sự lo sợ cũng bị ngưng lại bởi sự xuất hiện của các triệu chứng để rồi sau cùng nhường chỗ cho chúng.

Điều khó hiểu trong các liên quan giữa sự lo sợ và các triệu chứng nằm chỗ khác. Lo sợ có nghĩa là cái tôi chạy trốn trước khát dục, vậy mà chính sự khát dục lại gây ra lo sợ. Sự kiện này tuy không đập vào mắt người ta, vẫn là một sự kiện có thực; vì thế nên chúng ta đừng quên rằng khát dục của người nào đó cũng là một thành phần trong người đó và không thể chống lại người đó như một sự kiện từ bên ngoài vào. Điều chúng ta chưa hiểu rõ là sự sống động chung cho mọi nỗi lo sợ, là vấn đề tự hỏi xem trong khi hoạt động thì những nghị lực tinh thần đem dùng là những nghị lực nào và nghị lực này từ những hệ thống tinh thần nào đến. Tôi không thể hứa trả lời được các câu hỏi nói trên, nhưng chúng ta sẽ xem xét hai dấu vết khác nhau và đòi hỏi không chỉ nghiên cứu và quan sát trực tiếp hiến cho chúng ta một sự khẳng định cần thiết. Chúng ta sẽ xét đến vấn đề phát sinh ra sự lo sợ đối với trẻ con và vấn đề nguồn gốc của sự lo sợ trong bệnh thần kinh liên kết với các chứng sợ.

Trạng thái lo sợ luôn luôn xảy ra đối với trẻ con và thực khó biết, sự lo sợ của trẻ con có phải là một sự lo sợ thực sự hay chỉ là một sự lo sợ do bệnh thần kinh gây ra không. Chính thái độ của trẻ con cải chính sự khác biệt mà chúng ta dành cho hai loại lo sợ này. Một đằng chúng ta thấy có gì lạ lùng khi thấy đứa trẻ con tỏ ra lo sợ khi đứng trước người lạ mặt, trước những tình thế mới và những đối tượng mới. Chúng ta hiểu phản ứng này của chúng vì chúng yếu ớt và không biết nhiều. Vì vậy chúng ta cho rằng trẻ con lo sơ thực sự và khi ra đời chúng đã mang mầm mống của sự lo sợ này rồi với tính cách di truyền. Trẻ con chỉ lập lại thái độ của người cổ sơ và người mọi rợ, vì không biết rõ và không có cách tự bảo vệ, nên tỏ ra lo sợ trước những cái gì mới, trước những sự việc đối với những con người văn minh thì chẳng có nghĩa lý gì, đã trở thành quen thuộc và không hề làm cho họ lo sợ. Và tất nhiên những chứng sợ của trẻ con cũng có thể được coi như tương tự với những điều chúng ta thường gán cho những giai đoạn cổ sơ trong quá trình phát triển của người lớn.

Dù sao chúng ta không nên bỏ qua sự việc là không phải bất cứ đứa trẻ con nào cũng bày tỏ một nỗi lo sợ giống nhau, cùng một cường độ như nhau và đứa trẻ nào tỏ ra lo sợ trước bất cứ vật gì và tình thế gì đều là những đứa sau này sẽ mắc bệnh thần kinh. Vậy mầm mống bệnh thần kinh có sẵn trong người đứa bé cũng phát hiện dưới hình thức của một tính nết dễ dàng, lo sợ thực sự, trạng thái lo sợ xuất hiện như một trạng thái đầu tiên, và người ta kết luận rằng trẻ con cũng như người lớn đều tỏ ra lo sợ trước sức mạnh của khát dục chính là vì họ sợ bất cứ một cái gì. Quan niệm sự việc như thế chẳng khác gì phủ nhận rằng chính sự khát dục đã sinh ra lo sợ, và khi xét những điều kiện của một sự lo sợ thực sự, chúng ta sẽ tự nhiên đi đến kết luận là chính cái ý thức rằng mình bất lực, yếu ớt, không có giá trị gì cả mà trẻ con cũng như người lớn sau này mắc bệnh thần kinh, nói khác đi, chính ý thức này là nguyên nhân đầu tiên gây ra bệnh thần kinh, khi ý thức thay vì phải chấm dứt khi hết tuổi ấu thơ lại cứ tiếp tục tồn tại trong người lớn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #tâmlý