Nội dung rõ ràng là những ý tưởng tiềm tàng trong giấc mơ
Các bạn hẳn đã thấy sự khảo sát của chúng ta về những hành vi sai lạc đã không vô ích. Nhờ những cố gắng trên phương diện này chúng ta đã đạt được hai kết quả: một quan niệm về yếu tố của giấc mơ và một kỹ thuật giải thích giấc mơ. Về yếu tố của giấc mơ chúng ta biết là nó không xác thực, nó chỉ dùng để thay thế vào điều mà người nằm mơ không biết cũng như chúng ta không biết gì về khuynh hướng trong những hành vi sai lạc của chúng ta, chỉ có khác là người nằm mơ có sẵn trong đầu mình yếu tố đó nhưng không biết được. Chúng ta hy vọng có thể mở rộng quan niệm này ra đối với toàn thể giấc mơ, nghĩa là coi giấc mơ như là nhiều yếu tố tạo thành. Kỹ thuật của chúng ta là để sự liên tưởng này để rồi tìm ra xem nội dung vô thức của giấc mơ như thế nào.
Bây giờ tôi đề nghị thay đổi một chút về những danh từ đang dùng để cho sự hoạt động được tự do hơn. Đáng lẽ nói: ẩn náu, không biết được, không xác thực, chúng ta sẽ nói: vô thức hay không vào được trong tri thức của người nằm mơ. Cũng giống như trong những trường hợp quên tên hay những khuynh hướng phát sinh ra một hành vi sai lạc, trong giấc mơ chỉ có những cái gì không được ý thức trong một thời gian. Đối lập với tính cách vô thức giới hạn trong thời gian này những yếu tố của những giấc mơ và những hình dung dùng thay thế cho sự liên tưởng đạt được sẽ gọi là hữu thức. Danh từ này thực ra chưa ngụ ý rằng chúng ta đã có một hành động kỹ thuật nào đối với nó. Người ta quả không thể chê trách gì chúng ta khi chúng ta dùng chữ vô thức để diễn tả cho thực dụng và cho dễ hiểu.
Nếu chúng ta mở rộng quan niệm này từ một yếu tố đơn độc của toàn thể giấc mơ đến toàn giấc mơ, chúng ta sẽ thấy giấc mơ là một hình thức đã được sửa đổi của một biến cố vô thức và sự giải thích giấc mơ có mục đích tìm ra cái vô thức này. Từ nhận xét này, chúng ta có thể rút ra ba nguyên tắc mà chúng ta phải theo trong công việc giải thích:
1. Vấn đề tìm hiểu xem giấc mơ khác có nghĩa lý gì đối với chúng ta không có gì quan trọng. ý nghĩa này có thể rõ ràng hay khó hiểu, dễ hiểu hay mập mờ, cũng chẳng có gì quan hệ bởi lẽ ý nghĩa đó chẳng hình dung gì được cái vô thức mà chúng ta đang tìm (tuy nhiên sau này chúng ta sẽ thấy là nguyên tắc này cũng là ngoại lệ).
2. Công việc của chúng ta là gợi nhớ ra những hình dung có thể thay thế được chung quanh các yếu tố của giấc mơ mà không cần suy nghĩ, không cần tìm hiểu xem những hình dung này có chứa đựng cái gì đúng hay không, không cần tìm cách hiểu xem những hình dung này có đưa ta đi xa các yếu tố trong giấc mơ hay không và nếu có thì trong giới hạn nào.
3. Chúng ta hãy chờ cho tới khi nào vô thức đang ẩn náu, đang tìm đột nhiên xuất hiện giống như trong trường hợp chữ Monaco ở trên.
Bây giờ hẳn là chúng ta hiểu rằng chúng ta không hề cần biết người nằm mơ có thể nhớ lại giấc mơ đến giới hạn nào, đúng hay sai tới mức nào, bởi lẽ giấc mơ mà người ta nhớ lại không phải là điều chúng ta cần tìm. Nó chỉ là một hình thức thay thế được sửa đổi của cái mà chúng ta đang tìm nghĩa là dùng những hình thức thay thế khác do chúng ta gợi ra để làm cho cái vô thức trở thành hữu thức, tức là điều nhớ lại bị biến dạng một lần nữa và lần này tất cũng phải có nguyên do.
Công việc giải thích này chúng ta có thể làm đối với chính các giấc mơ của chúng ta cũng như đối với giấc mơ của người khác. Nhưng đối với giấc mơ của chính chúng ta thì chúng ta sẽ học được nhiều hơn bởi lẽ trong trường hợp này sự giải thích dễ chứng minh hơn. Ngay khi bắt đầu làm công việc này chúng ta đã gặp trở ngại. Chúng ta có thực nhiều ý kiến nhưng những ý kiến này hiện ra không rõ rệt. Chúng ta phải thử thách và lựa chọn. Đối với một ý tưởng chúng ta bảo: không được, ý này không phù hợp với giấc mơ, không dùng được; đối với một ý khác: khó hiểu quá đối với một ý thứ ba: chỉ có tính cách thứ yếu. Rồi ta nhận thấy rằng theo lối đó các ý tưởng hoặc sẽ bị bóp nghẹt hoặc là bị sa thải trước khi nó có thể trở nên rõ ràng. Vì thế cho nên một đằng người ta để ý quá nhiều đến sự hình dung đầu tiên, đến yếu tố của giấc mơ, một đằng người ta làm cho kết quả của sự liên tưởng rối bung lên vì có thành kiến về lựa chọn. Khi người ta để cho người khác giải thích giấc mơ của chúng ta thay vì tự làm lấy, quả là một lý do mới đã xuất hiện trong việc lựa chọn người giải thích. Có khi người ta tự nhủ: không, ý này khó chịu quá, tôi không muốn xét đến.
Tất nhiên những sự bài bác đó gây trở ngại cho công việc của chúng ta. Chúng ta phải đề phòng chống lại chúng: khi chúng ta tự giải thích, chúng ta phải cương quyết chống lại chúng, nhất định không nhượng bộ: khi giải thích hộ người khác, chúng ta bắt buộc họ phải theo một điều kiện thực chặt chẽ là không bỏ qua ý tưởng nào hiện ra trong đầu họ mà họ không nói ra cho ta biết dù rằng người kia cho rằng ý đó không liên hệ, khó hiểu, không liên quan gì đến các giấc mơ hay khó chịu không muốn nói ra. Người kia phải hứa là theo đúng quy tắc đó, những chúng ta cũng không nên nổi giận khi họ không giữ lời hứa. Có người cho rằng dù làm thế nào chúng ta cũng không thể thuyết phục đương sự, rằng họ phải để cho sự liên tưởng được tự do tung hoành, rằng muốn thuyết phục được họ chúng ta phải giảng giải lâu dài bằng cách chúng ta cho họ đọc thật nhiều sách vở hay tham dự các buổi nói chuyện. Làm như thế chúng ta sẽ vấp phải một sai lầm nghiêm trọng, và muốn tránh khỏi sai lầm này chỉ cần tự chủ là ngay cả khi chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào điều chúng ta nghĩ, chúng ta vẫn thấy nẩy ra những ý tưởng phê bình chỉ trích, và những sự phê bình này chỉ được gạt ra ngoài một thời gian sau đó thôi.
Thay vì bực tức trước sự khó bảo của đương sự, chúng ta có thể lợi dụng những cuộc thí nghiệm để tìm ra những bài học mới. Những bài học này càng quan trọng hơn lên khi chúng ta càng ít chờ đợi chúng. Công việc giải thích phải tiến hành mặc dù có những trở ngại và sự trở ngại này chính là những ý tưởng chống đối nói trên. Sự chống đối này không hề phụ thuộc vào quan niệm lý thuyết của người nằm mơ. Chúng ta còn học thêm được điều này nữa, đó là những ý tưởng chống đối không bao giờ đúng cả. Trái lại, những ý tưởng mà mình muốn kìm hãm bao giờ cũng là những ý tưởng quan trọng nhất, có tính cách quyết định nhất trong công việc đi tìm vô thức. Một sự chống đối loại đó chính là đặc điểm của một ý tưởng đi kèm.
Sự chống đối đó là điều mới lạ mà chúng ta tìm ra được những giả thuyết đưa ra không phụ thuộc gì vào những giả thuyết đó. Yếu tố mới này cho bài toán một sự ngạc nhiên không thể nói là dễ chịu. Chúng ta có cảm tưởng là nó phát hiện không phải làm dễ dàng công việc của chúng ta, có thể làm tê liệt những cố gắng của chúng ta để giải quyết vấn đề giấc mơ .Khảo sát một công việc rất ít quan trọng như giấc mơ, mà lại vấp phải những trở ngại lớn lao về kỹ thuật đến như thế. Nhưng trái lại những khó khăn đó khuyến khích chúng ta và cho ta thấy sự cố gắng không phải là vô ích. Bao giờ chúng ta cũng gặp khó khăn khi muốn từ những hình dung thay thế cho các yếu tố trong giấc mơ để đi sâu vào cái vô thức đang ẩn náu. Vì vậy chúng ta có quyền cho rằng đằng sau cái hình dung thay thế đó phải có một cái gì quan trọng. Vậy những khó khăn này có lợi ích gì nếu chúng ta tiếp tục giam hãm cái điều gì đang ẩn náu đó? Khi một đứa bé nhất định không mở bàn tay ra xem bên trong có gì thì nhất định là bên trong bàn tay đó có cái gì mà nó không có quyền giấu diếm.
Ngay lúc chúng ta đưa ra cái quan niệm về sự chống đối, chúng ta phải báo trước đó chỉ là một yếu tố luôn luôn thay đổi về số lượng. Sự chống đối có thể to hay nhỏ, nó sẽ luôn luôn ngăn cản công việc của chúng ta. Chúng ta có thể gắn liền sự kiện này vào những thí nghiệm đã làm trong việc giải thích giấc mơ. Vì thế có nhiều trường hợp chúng ta chỉ cần có một ý tưởng hay một số ít ý tưởng là cũng đủ đi từ một yếu tố của giấc mơ đến cái vô thức, nhưng trong nhiều trường hợp khác, chúng ta lại phải dùng không biết bao nhiêu ý tưởng và phải bác bỏ những ý kiến chống đối. Chúng ta có thể có lý khi cho rằng những sự khác biệt này là do sự chống đối mạnh hay yếu. Khi sự chống đối yếu ớt thì khoảng cách giữa các yếu tố giấc mơ và cái vô thức là rất ít; nhưng khi chống đối mạnh thì lập tức phát sinh ra những biến dạng của vô thức làm cho khoảng cách càng xa hơn.
Có lẽ đã đến lúc đem kỹ thuật này áp dụng vào một giấc mơ để xem những điều chúng ta chờ đợi vào kỹ thuật đó có đúng không? Được lắm, nhưng dùng giấc mơ nào bây giờ? Các bạn không thể nào tưởng tượng rằng sự lựa chọn đối với tôi lại khó khăn như thế. Tất nhiên là thế nào chẳng có những giấc mơ không bị biến dạng nhiều, có lẽ nên bắt đầu bằng những giấc mơ đó thì hơn. Nhưng những giấc mơ ít bị biến dạng nhất là những giấc mơ nào? Có phải là những giấc mơ hữu ý không lơ mơ như trong hai thí dụ đã nói cho các bạn nghe không? Không đâu. Phân tích ra người ta sẽ thấy là những giấc mơ đó biến dạng ghê gớm. Nếu bây giờ tôi chọn bất cứ giấc mơ nào thì các bạn lại thất vọng. Bởi vì có thể chúng ta sẽ nhận ra nhiều yếu tố khác nhau khiến cho công việc trở thành phức tạp quá không làm được. Nếu chép lại giấc mơ, ghi lại hết những điều xuất hiện dần dần thì bao nhiêu pho sách cũng chả đủ. Vì thế có lẽ chúng ta nên chọn giấc mơ ngắn. Đó là điều mà chúng ta sẽ làm trừ phi trong lúc làm việc chúng ta tìm được những giấc mơ ít bị biến dạng thì không kể.
Có một cách khác cũng có thể làm dễ dàng công việc của chúng ta. Thay vì khảo sát toàn thể giấc mơ, chúng ta chỉ xét từng phần nhỏ để xem sau khi áp dụng kỹ thuật của chúng ta vào những thí dụ sẽ đưa đến những kết quả gì?
a) Một bà kể lại rằng trong thời thơ ấu bà thường nằm mơ thấy là Đức Chúa trời đội một cái mũ ni nhọn bằng giấy. Làm sao hiểu được giấc mơ này nếu không có sự giúp đỡ của người nằm mơ? Có phải là thực chẳng có nghĩa gì không? Nhưng bà ta kể cho chúng ta nghe rằng hồi nhỏ trong bữa cơm bà ta thường bị bắt buộc phải đội cái mũ ni như thế để khỏi đưa mắt nhìn sang đĩa các anh chị xem bọn họ có được ăn nhiều hơn mình không? Như thế là giấc mơ hẳn không còn vô nghĩa lý nữa. Vậy cái mũ ni chính là dùng để che mắt khỏi nhìn ngang nhìn ngửa. Đó là một điểu chỉ có tính chất lịch sử được đưa ra một cách dễ dàng. Do đó sự giải thích trở nên rõ ràng. "Vì tôi tin rằng Đức chúa trời biết hết, nhìn thấy hết nên giấc mơ chỉ có nghĩa rằng dù đội mũ ni tôi vẫn biết hết nhìn thấy hết, người ta chẳng làm sao ngăn cản được". Nhưng thí dụ này có lẽ quá đơn giản
b. Một bà thân chủ bi quan kể chuyện lại rằng bà ta nằm mơ thấy có một vài người nói chuyện với bà không ngớt khen ngợi cuốn sách của tôi về "Những tiếng nhanh trí" (Witz). Rồi bà ta nói đến một "con sông đào" có thể là một cuốn sách nói đến sông đào hay một cái gì dính dáng đến sông đào.. bà ta không biết rõ .. loạn cả lên
Có lẽ các bạn cho rằng yếu tố "con sông đào" từ trên trời rơi xuống như thế sẽ rất khó giải thích. Tất nhiên là khó rồi nhưng không phải là không rõ ràng: trái lại không rõ ràng hay không giải thích được cũng đều do một nguyên nhân cả. Người nằm mơ không có ý niệm về con sông đào cả, tất nhiên về phần tôi, tôi không thể có điều gì để nói được. Nhưng sau đó, thực ra là ngày hôm sau, bà ta có một ý có lẽ đó dính dáng đến con sông đào. Thì ra đó là một gạch trí khôn mà ta đã được nghe. Trên chuyến tàu biển chạy đường Calais-Douvres một nhà văn nổi tiếng nói chuyện với một người Anh, người này nhắc lại câu: "Từ chỗ trác tuyệt đến chỗ lố bịch chỉ có một đường thôi". Nhà văn trả lời: "Đúng rồi, đó là bước Calais". Ý nhà văn muốn nói là theo ý của ông ta thì nước Pháp trác tuyệt còn nước Anh thì lố bịch. Nhưng bước Calais là một con sông đào trên bờ biển Manche. Các bạn sắp hỏi tôi có thấy gì liên quan đến ý này và giấc mơ không? Nhất định rồi và chính ý này đã cho chúng ta giải đáp bài toán. Có khi bạn ngờ rằng cái gạch trí khôn từ đó đã có từ lâu trước khi xảy ra giấc mơ. Ý này chứng tỏ sự bi quan của bà kia và sự bi quan này lại nấp sau một sự ngạc nhiên hết sức vô tình, do đó người ta mới hiểu tại sao ý tưởng đó lại xuất hiện chậm như thế và tại sao giấc mơ lại khó hiểu như thế. Liên quan giữa yếu tố của giấc mơ và nền tảng vô thức của yếu tố đó: yếu tố chỉ là một phần nhỏ vô thức, y như một ảo ảnh thôi, chính vì được tách rời ra khỏi tảng vô thức mà yếu tố giấc mơ trở thành không thể thiếu được.
c. Một người bệnh nằm mơ một giấc mơ khá dài: nhiều người trong gia đình ngồi chung quanh một cái bàn có một hình thù đặc biệt. Về cái bàn này anh ta nhớ lại là có lần đã trông thấy một cái bàn như thế tại nhà một người quen. Rồi những ý tưởng của anh cứ nối đuôi nhau mà ra; trong gia đình có hai cha con không hợp nhau lắm; anh thêm luôn rằng chính anh và ba anh cũng không hoà nhau như thế. Chính vì muốn chứng tỏ sự giống nhau này mà cái bàn hình thù đặc biệt xuất hiện trong giấc mơ.
Anh chàng này vốn quen với những sự đòi hỏi trong sự giải thích giấc mơ. Một người chưa quen sẽ ngạc nhiên khi thấy người ta để ý đến một chi tiết nhỏ nhặt như hình thù một cái bàn. Thực tế đối với chúng ta chẳng có chi tiết nào là nhỏ nhặt hay không quan trọng, chính nhờ sự tìm hiểu những chi tiết nhỏ nhặt đó mà chúng ta tìm được giải pháp cho các bài toán trong giấc mơ. Điều làm cho các bạn ngạc nhiên có lẽ là điều này: Tại sao người ta lại chọn cái bàn có hình thù đặc biệt để diễn tả ý tưởng :"trong nhà chúng ta sự việc cũng xảy ra giống như ở nhà kia". Nhưng bạn sẽ cắt nghĩa được ngay khi tôi cho bạn biết rằng cái gia đình đó là gia đình Tisbler (nghĩa là cái bàn). Khi cho các người thân trong gia đình ngồi xung quanh cái bàn, người nằm mơ đã xử sự như người trong chính gia đình này cũng tên là Tisbleer. Các bạn nên để ý là trong khi muốn giải thích một vài điểm trong giấc mơ nhiều khi mình cũng phải nói đến một vài điều có tính cách riêng tư. Đó chính là sự khó khăn lựa chọn. Đáng lẽ tôi phải thay giấc mơ này bằng một giấc mơ khác nhưng biết đâu trong thí dụ này tôi lại chẳng gặp một cái riêng tư hơn nữa
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro