Những khó khăn đầu tiên 2
Bây giờ cho tới khi có quyết định mới, chúng ta sẽ không tìm hiểu ý nghĩa của những giấc mơ nữa, nhưng sẽ tìm cách hiểu rõ những giấc mơ bằng cách dựa vào những đặc tính của nó. Nói về liên quan giữa giấc mơ và giấc ngủ, chúng ta đã nói rằng giấc mơ là một phản ứng đối với một sự kích động trong giấc ngủ, làm cho giấc ngủ không yên. Đó chính là điểm độc nhất mà môn Tâm lý học thực nghiệm có thể giúp đỡ chúng ta bằng cách hiến cho chúng ta bằng chứng rằng những sự kích động xảy ra trong giấc ngủ cũng xuất hiện trong giấc mơ. Chúng ta có nhiều công trình khảo sát về vấn đề này kể cả công trình Maury Vold đã nói trong những dòng trên, và mỗi người chúng ta có thể xác nhận điều đó dựa vào những kinh nghiệm cá nhân. Tôi đơn cử những thí nghiệm chọn trong những thí nghiệm cũ nhất. Chính Maury đã thí nghiệm ngay trên bản thân mình. Trong lúc ông ta ngủ có người cho ông ta ngửi nước Cologne: ông ta mơ thấy mình ở Cario kinh đô xứ Ai cập, trong tiệm Jean Maria Farina, rồi từ đó phát sinh ra bao nhiêu chuyện ly kỳ. Người ta bấm nhẹ vào gáy ông :ông luôn mơ thấy một miếng thuốc dán và đến ông thầy thuốc săn sóc ông trong lúc ông còn nhỏ. Người ta nhỏ lên trán ông một giọt nước: ông mơ thấy mình ở bên Ý mồ hôi ra như tắm và uống rượu vang Orvieto.
Điều đáng chú ý trong những giấc mơ do những sự kích thích gây ra sẽ xuất hiện rõ ràng hơn trong một loại giấc mơ khác. Đó là ba giấc mơ gây ra do một tiếng động của một chiếc đồng hồ báo thức (thí nghiệm của Hildebrant).
"Một buổi sáng mùa xuân, tôi đi dạo qua một cánh đồng đến một làng bên cạnh, thấy dân làng kéo nhau đi nhà thờ, quần áo đẹp, tay cầm cuốn kinh. Hôm đó là chủ nhật và có dự thánh lễ bắt đầu rồi, tôi quyết định vào xem lễ nhưng vì trời nóng quá nên tôi ngồi nghỉ trong nghĩa địa chung quanh nhà thờ. Vừa chăm chú đọc những dòng chữ trên mộ tôi vừa nghe tiếng người kéo chuông nhỏ sắp gióng lên để báo hiệu là buổi cầu kinh sắp bắt đầu. Lúc đầu chuông còn đứng im, nhưng sau đó những tiếng chuông lanh lảnh làm tôi tỉnh giấc. Thì ra chính chiếc đồng hồ báo thức đã vừa kêu lên".
"Một chuyện nữa: Hôm đó là một ngày mùa đông trong sáng. Tuyết rơi đầy đường, tôi định đi xe trượt tuyết nhưng phải chờ xe. Trước khi lên xe, tôi phải sửa soạn lại áo ấm, đem lò sưởi theo. Rồi tôi ngồi vào xe, lại phải chờ nữa cho đến khi ngựa bắt đầu đi. Ngựa bắt đầu đi, tiếng nhạc vang lên nghe rất khó chịu làm tôi tỉnh giấc. Thì ra lần này cũng vẫn là cái đồng hồ báo thức lanh lảnh".
"Thí dụ ba: tôi nhìn cô người làm mang một chồng đĩa từ bếp theo hành lang vào phòng ăn. Chồng đĩa quá cao, tôi chỉ sợ không giữ thăng bằng thì vỡ hết. Tôi bảo chị ta nên cẩn thận. Lần nào chị cũng trả lời là chị quen rồi. Nhưng tôi vẫn nhìn chị ta bằng con mắt e ngại. Quả nhiên chị vấp ngã, đĩa rơi xuống đất kêu nghe kinh khủng. Nhưng tôi có cảm tưởng như đó không phải là tiếng đĩa vỡ, nhưng là một tiếng gì kéo dài mãi như tiếng chuông. Lúc tỉnh dậy, tôi mới thấy đó là tiếng chuông đồng hồ báo thức".
Những giấc mơ này thực đẹp, đầy ý nghĩa, có mạch lạc hẳn hoi. Vì thế nên chúng ta chả có gì trách chúng được. Chúng có đặc điểm chung là bao giờ cũng kết thúc bằng một tiếng chuông đồng hồ báo thức. Thế là chúng ta thấy rõ một giấc mơ đã phát sinh ra như thế nào. Nhưng chúng ta còn biết một vài điểm khác nữa. Người nằm mơ không nhận ra tiếng chuông đồng hồ báo thức (không có trong giấc mơ) nhưng mỗi lần hễ nghe tiếng chuông là ông ta thay tiếng chuông bằng một thứ tiếng khác và giải thích theo một lối khác. Tại sao? Không trả lời được. Người ta có thể cho rằng đó là một cái gì hết sức võ đoán. Nhưng tìm hiểu một giấc mơ tức là tìm hiểu xem tại sao người nằm mơ lại chọn tiếng động này chứ không chọn tiếng khác để giải thích sự kích động làm cho bừng tỉnh dậy. Người ta có thể hỏi Maury rằng nếu trong giấc mơ người ta thấy rõ ràng sự kích động là sự nào thì người ta không thể hiểu tại sao sự kích động này lại xuất hiện dưới một hình thức không liên can gì đến tính chất sự kích động cả? Vả lại trong những giấc mơ của Maury người ta thấy nhiều biến cố kỳ lạ gắn liền vào sự kích động như trong trường hợp ngửi nước Cologne, những biến cố này không thể cắt nghĩa được.
Các bạn cần để ý rằng chính trong các giấc mơ có sự bừng tỉnh dậy di theo mà chúng ta có thể nhìn thấy ảnh hưởng của những kích động làm tan giấc mơ. Trong nhiều trường hợp khác sự việc khó khăn hơn nhiều. Không phải lúc nào nằm mơ người ta cũng tỉnh dậy ngay, và khi sáng dậy nhớ lại giấc mơ làm sao người ta biết được sự kích động nào đã gây ra giấc mơ? Có một lần nhờ một trường hợp đặc biệt tôi tìm ra được một sự kích động âm vang thuộc loại này. Một buổi sáng tại Tyrol tôi tỉnh dậy sau khi nằm mơ rằng Đức giáo hoàng vừa từ trần. Tôi đang tìm hiểu ý nghĩa của giấc mơ đó thì bà vợ tôi đột nhiên hỏi: "Sáng nay anh có nghe tiếng chuông ở khắp các nhà thờ không?" "Không, tôi không nghe thấy gì hết, tôi ngủ rất say". Nhưng sự kích động làm cho mình nằm mơ có tần số nào mà sau đó người nằm mơ tỉnh dậy không hề hay biết gì về sự kích động đó? Tần số này có thể rất cao mà cũng có thể không cao. Khi không có cách nào để biết được có kích động hay không thì không làm sao biết được tần số đó. Vả lại chúng ta chẳng cần thảo luận về giá trị của các sự kích động bên ngoài, bởi vì những sự kích động này chỉ có thể cắt nghĩa được một phần nào trong giấc mơ thôi chứ không cắt nghĩa toàn thể giấc mơ.
Nhưng không thể vì thế mà chúng ta có quyền bỏ rơi thuyết này, một thuyết có phát triển sâu rộng. Vấn đề tự hỏi xem nguyên nhân nào làm cho giấc ngủ không yên và làm cho người ta nằm mơ không phải là vấn đề quan trọng. Nếu nguyên nhân không phải là một sự kích động từ bên ngoài thì có lẽ là một sự kích động từ bên trong do giác quan gây nên. Quan niệm này được người dân thành phố tin tưởng rất nhiều. Chúng ta chẳng thường nghe nói rằng những giấc mơ thường do bao tử gây nên hay sao? Nhưng khổ nỗi là trong trường hợp này nữa có thể rằng có một sự kích động nội tâm xảy ra trong ban đêm nhưng sáng ra không còn để lại dấu vết gì nữa và do đó không chứng minh được. Tuy vậy chúng ta không muốn tỏ vẻ lơ là vối những thí nghiệm cho rằng những giấc mơ thường gắn liền với những sự kích động bên ngoài. Không ai phủ nhận rằng trạng thái của các cơ quan nội tâm có ảnh hưởng đến các giấc mơ. Người ta không thể bỏ qua sự liên quan giữa một vài giấc mơ với việc nước tiểu chất đầy trong bàng quang hay sự kích động các cơ quan sinh dục của phụ nữ. Từ những trường hợp rõ ràng này người ta qua những trường hợp khác chứng tỏ rằng những sự kích động bắt nguồn từ các cơ quan nội thể quả có ảnh hưởng tới các giấc mơ và những sự xảy ra trong giấc mơ chính là sự phác hoạ, sự thành hình, sự giải thích những sự kích động đó.
Scherner đã khảo cứu nhiều về các giấc mơ, đặc biệt nhấn mạnh đến sự liên quan giữa những sự kích động nội thể này và những giấc mơ. Ông đã cho chúng ta nhiều thí dụ rất hay để chứng minh ý kiến của mình. Ví dụ như khi ông ta nằm mơ thấy hai hàng em bé xinh trai tóc nâu, đứng trước mặt nhau trong thái độ đấu tranh, nhảy xổ vào đánh nhau, ông nghĩ rằng đó là hai hàm răng. Sự giải thích này được xác nhận sau đó vì khi tỉnh dậy ông đã phải đi nhổ một cái răng dài hơn những cái khác. Khi người ta nằm mơ thấy một hành lang dài, ngoằn nghèo chật hẹp thì người ta nghĩ ngay đến một sự kích động trong ruột. Cách cắt nghĩa này không phải là không có lý. Chúng ta có thể chấp nhận ý kiến của Scherner cho rằng giấc mơ thường hình dung cơ quan gây ra sự kích động bằng những đồ vật giống cơ quan đó.
Vì thế chúng ta không công nhận rằng những sự kích động nội thể có thể ảnh hưởng tới các giấc mơ y như những sự kích động từ bên ngoài vào. Khổ một điều, sự giải thích đó cũng bị lý lẽ như đối với những sự kích động bên ngoài bài bác. Trong rất nhiều trường hợp sự giải thích bằng sự kích động bên trong không chứng minh được và không chắc chắn. Chỉ có một vài giấc mơ làm cho người ta nghi rằng có một sự kích động bên trong cũng như bên ngoài chỉ cắt nghĩa được một phần nào giấc mơ chứ không cắt nghĩa được toàn thể.
Tuy nhiên chúng ta cần để ý đến một điểm đặc biệt của những giấc mơ do sự kích động bên trong gây nên. Giấc mơ không gợi lại sự kích động nguyên vẹn mà thay đổi đi, bằng một sự ám chỉ xếp loại dưới một hình thức nào đó, thay thế bằng một sự kích động khác. Chúng ta phải để ý đến những sự biến dạng đó trong những giấc mơ tiếp diễn, bởi vì làm như thế chúng ta có nhiều hy vọng hiểu được tính chất thực sự của các giấc mơ. Khi chúng ta làm một hành động nào đó trong một trường hợp nào đó, đâu có phải khi trường hợp đó không có nữa thì hành động của chúng ta bị triệt tiêu luôn. Vở Macbeth chẳng hạn được viết trong trường hợp đăng quang của một ông vua đầu tiên quy tụ trên đầu mình ba vương miện củaba nước. Nhưng có phải trường hợp triệt tiêu hết nội dung của vở kịch đâu, có phải trường hợp đó đủ cắt nghĩa được giá trị cao cả của những bí ẩn của vở kịch không? Có thể là sự kích động bên trong và bên ngoài tác dụng đến người nằm ngủ chỉ dùng để mở đầu cho giấc mơ thôi chứ không hề cho chúng ta biết gì về tính chất thực sự của nó.
Tính chất chung kia của các giấc mơ, tính chất đặc biệt tinh thần của chúng rất khó hiểu và không đưa ra một chỗ dựa nào cho một cuộc khảo sát sau đó. Thường thường những biến cố trong giấc mơ hiện ra dưới hình thức thị giác. Những sự kích động có thể giải thích được sự kiện này không? Có đúng là chúng ta đã bị kích động trong mơ hay không? Nhưng tại sao giấc mơ lại xuất hiện dưới hình thức thị giác trong khi những sự kích động vào mắt lại rất ít khi gây nên giấc mơ? Hay là chúng ta nằm mơ thấy nói chuyện hay nghe diễn văn làm sao chứng minh được rằng trong khi ta ngủ những tiếng nói chuyện hay tiếng động đã đập vào tai ta? Tôi cương quyết gạt bỏ giả thuyết này.
Nếu đặc tính chung cho mọi giấc mơ không giúp gì cho chúng ta trong việc cắt nghĩa các giấc mơ thì biết đâu chúng ta lại chẳng may mắn hơn khi xét đến các sự khác biệt giữa các giấc mơ. Thường thường các giấc mơ lộn xộn, khó hiểu, không có ý nghĩ gì; nhưng cũng có những giấc mơ đầy đủ ý nghĩa, rõ ràng. Chúng ta thử xem xét những giấc mơ này có cắt nghĩa được giấc mơ kia không? Tôi kể cho các bạn nghe một giấc mơ hợp lý do một thanh niên kể lại cho tôi nghe: "Trong lúc đi dạo phố tôi gặp ông X và đi với ông một quãng đường, rồi sau đó tôi vào một tiệm để ăn cơm thấy có hai người đàn bà và một người đàn ông đến ngồi ngay vào bàn tôi. Tôi bực mình không thèm nhìn họ nhưng rồi sau cũng nhìn và thấy họ là những người rất lịch sự". Sau đó người kể chuyện nói rằng chiều hôm đó anh ta quả có đi phố thực và có gặp ông X.. thực. Nhưng phần kia giấc mơ không do những điều nhớ lại trực tiếp nhưng gắn liền vói một biến cố xảy ra trước đó ít ngày. Và đây là một giấc mơ cùng loại của một bà. Chồng bà ta hỏi: "Mình có cần phải căng lại dây cho cái đàn dương cầm không?" Bà ta trả lời: "Vô ích, vì còn phải thay cả da bọc nữa". "Giấc mơ này gợi lại một câu chuyện của hai vợ chồng buổi chiều hôm đó. Hai giấc mơ ngắn ngủi cho ta biết những gì? Chúng ta có thể tìm thấy trong giấc mơ những giai đoạn gắn liền vào các biến cố đó. Nếu đó là kết quả của tất cả các giấc mơ thì đó là điều đáng kể lắm rồi. Nhưng sự thực không phải như thế vì điều chúng ta vừa nói chỉ áp dụng cho rất ít giấc mơ. Trong đa số trường hợp chúng ta không thấy có ý nghĩa gì liên quan đến biến cố xảy ra trong khi thức và không hiểu những yếu tố nào gây nên những giấc mơ khó hiểu và vô nghĩa đó. Chúng ta chỉ thấy rằng chúng ta lại đứng trước một vấn đề mới. Không những chúng ta cần biết giấc mơ có những ý nghĩa gì, chúng ta còn cần biết là trong những trường hợp nào những giấc mơ rõ ràng đầy ý nghĩa, tại sao và vi mục đích nào mà chúng ta lại thấy trong giấc mơ những biến cố vừa xảy ra trong ngày".
Chắc các bạn cũng như tôi thấy chán nản trong công việc khảo cứu như thế. Dù chúng ta có để hết tâm trí vào một vấn đề cũng chẳng có ích gì một khi chúng ta chưa biết hướng công cuộc khảo cứu của chúng ta về phía nào. Tâm lý học thực nghiệm chỉ hiến cho chúng ta một số rất ít những dữ kiện về vai trò của các sự kích động bên ngoài dù những dữ kiện đó rất quý báu đối với chúng ta. Triết học chẳng có thể cung cấp cho cái gì khác hơn là thái độ khinh thường vì công việc của chúng ta bị coi chẳng có lợi ích gì cho tri thức hết. Sau hết chúng ta không muốn vay mượn gì các khoa học thần bí. Lịch sử và sự không ngoan của các dân tộc dạy chúng ta rằng những giấc mơ có ý nghĩa, có tính chất quan trọng, báo trước được tương lai nhưng đó là điều rất khó chấp nhận vì không chứng minh được. Chính vì thế mà những cố gắng đầu tiên của chúng ta đã không đưa lại kết quả gì, như nước chảy qua cầu
Nhưng trong khi không chờ đợi, chúng ta lại được giúp đỡ từ một hướng khác đến, một hướng chưa bao giờ ngờ tới. Tiếng nói, một thứ tiếng không bao giờ có tính cách ngẫu nhiên cả, như sự kết tinh của tất cả những điều hiểu biết của loài người, tiếng nói mà người ta phải dùng một cách rất thận trọng biết có "những giấc mơ trong khi thức": đó là kết quả của trí tưởng tượng, những hiện tượng rất phổ thông, có thể xảy ra đối với những người đau ốm mà bất cứ ai cũng khảo sát được bằng chính bản thân mình. Điềm đặc biệt ở đây là tuy được gọi là "những giấc mơ trong khi thức", những giấc mơ đặc biệt này lại không có tính chất nào chung cho những giấc mơ thực sự cả. Đúng như tên gọi, chúng không có liên quan gì đến giấc ngủ. Những giấc mơ trong khi thức này không có một chút gì liên quan đến tính chất chung thứ hai trong các giấc mơ thực sự vì không hề có những biến cố, không hề có những ảo tưởng mà chỉ có những hình dung thôi: người ta biết rằng mình tưởng tượng, người ta không hề trông thấy mà chỉ suy nghĩ thôi. Những giấc mơ này thường xảy ra ở tuổi dậy thì, trong thời niên thiếu, biến mất khi đứng tuổi, rồi lại xảy ra lúc tuổi già. Nội dung của những giấc mơ, kết quả của sự tưởng tượng này thường có những lý do rất rõ ràng. Đó là những khung cảnh về uy quyền, những ham muốn về tình ái của người mơ mộng được thoả mãn.Đối với những người trẻ tuổi thì đó là những giấc mơ về tham vọng; đối với những đàn bà thích có những thành công về tình ái thì đó là những giấc mơ về tình ái. Nhưng luôn luôn người ta gặp những nhu cầu về tình ái đằng sau những giấc mơ của đàn ông: những sự thành công và những hành vi anh hùng của những người mơ mộng đều tập trung vào những sự thành công về tình ái, có mục đích nhằm đạt được sự thán phục và lòng yêu của người đàn bà. Ngoài những tính chất đó ra những giấc mơ trong khi hình ảnh có nhiều hình thức khác nhau và chịu nhiều hậu quả khác nhau. Có những cơn mộng bị bỏ rơi và bị thay thế bằng những giấc mơ khác; có những cơn mơ được giữ lại, phát triển mạnh mẽ và trở thành những câu chuyện dài dằng dặc và biến đổi theo những biến cố của cuộc đời. Người ta có thể cho rằng chúng ta đi theo cùng với thời gian và in dấu vết của thời gian như là bằng chứng của những tình trạng mới. Chúng là đề tài cho các tác phẩm thi văn thường thay đổi, biến hoá các giấc mơ trong khi thức này thành những trạng thái rồi đặt vào trong các tiểu thuyết, truyện ngắn, hay kịch bản. Bao giờ người mơ mộng cũng là nhân vật chính trong tác phẩm đó dù xuất hiện dưới hình thức của chính mình hay dưới hình thức của một nhân vật tạo nên.
Những giấc mơ trong khi thức này sỡ dĩ được gọi như thế là vì những sự liên quan với đời thực chúng không có thực hơn gì những giấc mơ chính thức. Có thể rằng cả hai loại đều được gọi là những giấc mơ vì cả hai đều có căn bản trên một tính chất tinh thần nào đó mà chúng ta chưa biết và đang tìm kiếm. Cũng có thể là cái danh từ chung người ta dùng để gọi chúng chẳng có gì quan trọng đáng chú ý. Đó là tất cả những vấn đề chỉ được giải đáp trong những phần sau thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro