Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chống đối và dồn ép

Muốn có một ý niệm đứng đắn về chứng bệnh thần kinh, chúng ta cần có nhiều kinh nghiệm mới và đây là hai cuộc thí nghiệm rất đáng chú ý, gây nhiều tiếng vang trong thời kỳ phát hiện.

Thí nghiệm thứ nhất: Mỗi khi chúng ta trị bệnh cho một người nào, người đó thường chống cự lại rất dữ đội trong suốt thời kỳ điều trị. Câu chuyện khó tin nhưng có thực. Nếu chúng ta không nói điều đó cho gia đình người bệnh biết, họ sẽ cho rằng ta muốn kéo dài thời kỳ trị bệnh ra. Chính người bệnh chống cự lại rất dữ dội tuy không biết là mình chống cự và khi chúng ta làm sao để người bệnh nhận ra là họ chống cự lại chúng ta tức là chúng ta đã thành công khá lớn. Các bạn thử nghĩ xem: người bệnh đau khổ quá nhiều vì bệnh mình làm cho người chung quanh đau khổ theo, hy sinh biết bao nhiêu công của thời giờ để được khỏi bệnh, người đó có lý do gì để phản kháng lại bác sĩ muốn chữa cho họ khỏi? Họ sẽ cho là thái độ chống đối đó thực vô nghĩa lý mỗi khi bạn cho họ biết việc đó. Vậy mà chẳng còn điều gì đúng hơn là sự chống đối đó nữa, còn thiếu gì những người đau răng chống đối dữ dội lại nha sĩ khi thấy đưa đồ nhổ răng vào gần mồm.

Sự chống đối của người bệnh xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhiều khi rất tế nhị, khó nhận ra. Người ta không tin cậy ông thầy thuốc, nhiều khi còn đề phòng ông ta nữa. Trị bệnh thần kinh chúng ta cũng dùng kỹ thuật như trong việc giải thích giấc mơ. Chúng ta yêu cầu người bệnh tự quan sát và nói cho chúng ta nghe những điều họ cảm thấy theo thứ tự xuất hiện trong óc họ: tình cảm, ý tưởng, kỷ niệm. Chúng ta yêu cầu họ tự nhiên nói ra những điều mình nghĩ hay cảm thấy, chứ đừng ngập ngừng vì những điều đó khó nghe, khó nói, hay cho là không quan trọng hay vô nghĩa. Chúng ta bảo họ là đừng ngập ngừng gì, đừng nghe theo những lời chỉ trích bên trong và nếu họ làm theo đúng lời chỉ dẫn của chúng ta thì bệnh họ sẽ chóng khỏi hơn. Kinh nghiệm trong việc giải thích giấc mơ đã cho ta biết là chính trong những kỷ niệm, những điều nghi ngờ lại chứa đựng nhiều vật liệu giúp cho chúng ta tìm được vô thức.

Kết quả thứ nhất thu lượm được trong quy tắc cơ bản này là lấy ngay sự chống đối của người bệnh để chống lại người bệnh. Người bệnh dùng đủ mọi cách để không nghe theo lời bác sĩ, sẽ nói rằng không cảm thấy gì hết, không có một ý tưởng, một tình cảm hay một kỷ niệm nào, hay nếu có cũng chẳng biết rõ như thế nào. Nhưng dần dần người bệnh nhượng bộ trước những đề nghị của chúng ta, tự tố cáo bằng cách lặng im thật lâu trong khi đang nói chuyện, rồi rút cục thú nhận rằng mình biết những điều không thể nói ra được l>

Khó lòng tìm thấy một người bệnh nào lại không dành riêng cho mình một khoảng nào đó trong tinh thần, làm cho việc trị bệnh không len lỏi vào đó được. Một thân chủ rất thông minh của tôi trong suốt một tuần liền đã giấu không cho tôi biết là anh ta có nhân tình, khi tôi trách anh về điều đó, anh trả lời là anh tưởng rằng đó là việc riêng của anh. Tất nhiên việc trị bệnh bằng phân tâm học không thể chấp nhận điều giấu giếm đó. Ví dụ như bây giờ chúng ta tuyên bố rằng, cảnh sát trong ngày nào đó sẽ không bắt một người nào đó ở hai nơi trong thành Viên chẳng hạn, rồi đi tìm bắt một người tội phạm đang ẩn náu trong thành phố. Tên tội phạm sẽ trốn ở đâu nếu không phải là ở một trong hai nơi nói trên. Tôi tưởng rằng tôi có thể dành một quyền hạn như thế cho một người thân chủ của tôi khi cho rằng người này có thể giữ được lời hứa và không nói cho người khác biết những điều cần giấu vì lý do bí mật nghề nghiệp. Thân chủ này rất hài lòng về công việc trị bệnh. Tôi không hài lòng như anh ta và không bao giờ dám làm lại một thí nghiệm như thế nữa.

Những người bị ám ảnh thường viện cớ lương tâm và nghi ngờ để gây khó khăn trong việc trị bệnh, Những người bị náo loạn thần kinh thường làm hỏng công việc trị bệnh bằng cách nói ra những điều không ích lợi gì cho công việc trị bệnh, có khi còn làm sai lạc công việc này nữa. Tôi không hề muốn đưa các bạn đi sâu vào những chi tiết trong kỹ thuật trị bệnh. Tôi chỉ cần nói rằng, mỗi khi chúng ta thành công trong việc ép buộc người bệnh làm theo lời trong một phạm vi nào đó thì sự chống đối lập tức được chuyển sang một địa hạt khác. Lúc đó sự chống đối sẽ có tính cách tri thức dùng những tài liệu lý luận, những sự khó khăn, sai lầm mà người ta tưởng đã tìm ra trong lý thuyết của chúng ta. Từ miệng người bệnh chúng ta sẽ được nghe lại tất cả những lời bài bác mà các nhà khoa học nhất loạt đưa ra phản đối chúng ta. Đúng là một trận bão trong một ly nước. Nhưng người bệnh chịu khó nghe chúng ta nói, hướng dẫn bài bác họ, chỉ cho họ những tài liệu họ cần tham khảo. Họ sẵn sàng trở thành thân hữu của môn phân tâm học với điều kiện là môn này đừng động đến họ, đến cá nhân của họ. Trong sự chống đối đó có một ý muốn cho chúng ta đi xa dần nhiệm vụ chính. Vì thế nên chúng ta phải chống đối lại thái độ đó. Những người bị ám ảnh dùng một phương pháp đặc biệt trong việc chống đối. Người bệnh để yên cho chúng ta phân tích, không tỏ vẻ phản đối khiến cho đã có lúc chúng ta có cảm tưởng đang thành công, nhưng rồi cuối cùng chẳng đạt được một kết quả gì. Lúc đó mới thấy sự chống đối núp sau sự nghi ngờ. Người bệnh tự nhủ: "Những điều này thật hay, thật đẹp tôi chẳng muốn gì hơn là tiếp tục, nếu những điều đó đúng tôi sẽ khỏi bệnh. Nhưng có lẽ không đúng, mà một khi tôi tin là không đúng thì bệnh tôi chẳng khỏi được." Tình trạng này có thể kéo dài lâu cho tới khi chúng ta tấn công thẳng vào sào huyệt sự chống đối và lúc đó mới là giờ phút quyết liệt.

Sự chống đối có tính cách trí thức không lấy gì làm quan trọng, có thể chiến thắng được dễ dàng. Nhưng còn sự chống đối khác khó chiến thắng hơn. Đáng lẽ gợi lại những kỷ niệm, người bệnh lại đưa ra những luận điệu thái độ trong cuộc sống để chống lại bác sĩ và phương pháp trị bệnh. Khi người bệnh là đàn ông, anh ta thường dựa vào những sự giao thiệp với người cha mà địa vị đã bị ông bác sĩ thay thế: đưa ra những luận điệu về sự ham muốn được độc lập, lòng tự ái vượt cả người cha, không muốn tỏ lòng biết ơn người cha, người bệnh dùng những luận điệu này để phá ông bác sĩ không cho ông làm được công việc trị bệnh. Người ta có cảm tưởng rằng người bệnh thích làm cho ông bác sĩ thất bại, bực mình hơn là muốn khỏi bệnh. Nếu người bệnh là đàn bà thì họ hay dùng những lời nũng nịu âu yếm để xiêu lòng ông bác sĩ, nhiều khi tình cảm đối với ông bác sĩ có đượm màu tình ái. Khi khuynh hướng này đạt tới một mức độ nào đó, người bệnh không quan tâm gì đến tình thế hiện tại nữa, không còn nghĩ đến bệnh trạng, quên hết những điều cam kết trong khi trị bệnh. Ngoài ra lòng ghen tuông, sự thất vọng của người bệnh khi thấy ông bác sĩ tỏ vẻ lạnh lùng với mình cũng ngăn trở công việc trị bệnh tiến hành đều đều.

Những sự chống đối này không đáng bị kết án hoàn toàn. Chính sự chống đối nhiều khi cũng chứa đựng nhiều tài liệu quan trọng về đời sống người bệnh và do đó cũng giúp nhiều cho bác sĩ nếu ông này biết hướng dẫn khéo léo. Chỉ có điều là trong lúc đầu bao giờ những sự chống đối này cũng có hại cho sự trị bệnh. Đó chính là sự phát triển của cái tôi mà người bệnh dùng để chống lại những sự thay đổi do sự trị bệnh có thể gây ra. Những đặc điểm của cái tôi này xuất hiện dưới những điều kiện của bệnh thần kinh và là phản ứng đối với căn bệnh; chúng ta có thể cho là chúng tiềm tàng trong người bệnh vì nếu không có bệnh thì không bao giờ chúng xuất hiện tới mức độ đó và với cường độ đó. Sự xuất hiện của các chống đối này không làm hại gì đến hiệu quả của sự trị bệnh. Nhà phân tâm học biết trước là thế nào cũng có chống đối, thế nào chúng cũng xuất hiện và chỉ không hài lòng khi không làm cho chúng xuất hiện với một sự rõ ràng mong muốn và làm cho người bệnh hiểu được tính chất của sự chống đối đó thôi. Sự hủy bỏ những sự chống đối đó chính là công việc cần thiết phải làm, nếu làm được thì chúng ta đã thành công một phần.

Người bệnh lại lợi dụng bất cứ một cơ hội nào để thôi không cố gắng nữa, cơ hội này có thể là một tai nạn bất thần xảy ra trong lúc đang chữa, một biến cố bên ngoài làm người bệnh chú ý đến, một vẻ thù nghịch của người chung quanh đối với bệnh, một bệnh khác xảy ra làm cho bệnh thần kinh nặng thêm, hoặc một sự tiến bộ khả quan trong việc chạy chữa. Các bạn cứ thêm vào những điều trên, những điều vừa nói là các bạn có ngay một bản kê khai không phải là đầy đủ, nhưng khá đúng về mọi phương tiện chống đối xảy ra trong lúc bệnh. Nếu tôi nói nhiều chi tiết về vấn đề như thế lại chỉ cốt để chứng minh rằng những kinh nghiệm của chúng ta trong việc khảo cứu các sự chống đối là nền tảng cho quan niệm sống động của chúng ta về bệnh thần kinh. Breuer và tôi đã bắt đầu chữa bệnh thần kinh bằng thôi miên: người bệnh đầu tiên của Breuer chỉ được chữa chạy trong tình trạng bị thôi miên, tôi cũng làm theo ông ta. Phải nhận là chữa như thế dễ dàng hơn, dễ chịu hơn, mất ít thì giờ hơn, nhưng kết quả đạt được không chắc chắn, không được lâu. Vì thế nên tôi bỏ không dùng thôi miên nữa và hiểu rằng nếu cứ tiếp tục dùng thôi miên thì không sao hiểu được tính cách sống động của những bệnh này. Vì thôi miên nên bác sĩ không thấy có sự chống đối. Dồn sự chống đối đi, thôi miên sẽ có một môi trường hoạt động rộng rãi hơn, và sự chống đối nấp sau môi trường đó không làm sao tiến tới được y như sự nghi ngờ trong bệnh thần kinh bị ám ảnh. Vì thế nên tôi có thể nói rằng môn phân tâm học chỉ ra đời khi người ta bỏ không dùng thôi miên nữa.Nhưng dù có cho sự chống đối là quan trọng chăng nữa, chúng ta cũng nên dành chỗ cho nghi vấn và không nên quá vội vàng trong việc công nhận sự có mặt của các sự chống đối. Cũng có những trường hợp bệnh thần kinh mà sự liên tưởng chẳng làm được gì; cũng có khi những lời bài bác của chính người bệnh đáng được chúng ta để ý, chúng ta có thể đã lầm khi cho những lời bài bác này là những sự chống đối. Tuy nhiên tôi phải nói rằng lý luận được như thế không phải dễ dàng gì. Chúng ta đã có dịp quan sát con bệnh của chúng ta trước và sau khi những sự chống đối này xuất hiện. Cường độ của sự chống đối luôn luôn thay đổi trong thời gian trị bệnh; cường độ này tăng lên khi chúng ta tới một chủ đề mới, đến tột đỉnh khi chủ đề này đến chỗ xây dựng rồi sau đó giảm dần khi chủ đề đã làm xong. Ngoài ra, trừ phi vì vụng về trong kỹ thuật, chúng ta chưa hề gợi cho người bệnh chống đối chúng ta hết mình.

Trong suốt thời gian trị bệnh, người bệnh thay đổi nhiều lần thái độ chống đối. Khi chúng ta đưa họ được đến một điểm nào đó làm cho họ ý thức được một phần nào những vật liệu chứa đựng trong vô thức của họ là họ chống đối mạnh nhất; nếu trước đó họ có hiểu hay chấp nhận một điều gì thì lúc đó họ cũng bỏ hết; trong sự chống đối tột đỉnh này nhiều khi họ tỏ ra ngu xuẩn. Nhưng nếu ta giúp họ thắng được sự chống đối đó, họ sẽ lấy lại được bình tĩnh và lại hiểu được. Vậy thái độ phê bình chỉ trích của họ không có tính cách độc lập mà chỉ là một phương tiện phụ trong tình cảm của họ do sự chống đối hướng dẫn. Nếu có điều gì không hợp lý, người bệnh sẽ tìm mọi cách chống đối, nhưng nếu có điều gì hợp lý, người bệnh lại chấp nhận một cách dễ dàng. Chúng ta cũng thường làm như thế, nhưng sở dĩ trong người bệnh sự lệ thuộc của ý chí vào tình cảm này xuất hiện rõ ràng như thế chính là vì chúng ta đã dồn chúng vào cứ điểm cuối cùng của chúng.

Chúng ta làm sao giảng được sự kiện người bệnh dùng đủ mọi cách chống lại sự hủy bỏ các triệu chứng bệnh và sự tái lập tình trạng bình thường của một hoạt động tinh thần? Những động lực chống lại sự thay đổi tình trạng này cũng như là những động lực đã gây ra tình trạng đó. Chúng ta có thể dùng những kinh nghiệm đạt được trong việc phân tích các triệu chứng để tái lập sự hoạt động tinh thần lúc các triệu chứng mới xuất hiện. Sau quan sát của Breuer chúng ta biết rằng, sở dĩ các triệu chứng căn bệnh xuất hiện là vì sự hoạt động tinh thần không đạt được mức độ bình thường để có thể trở thành hữu thức. Triệu chứng chỉ xuất hiện để thay thế những cái gì chưa hoàn thành. Do đó chúng ta có thể xác định được vị trí của tác dụng của động lực gây ra triệu chứng đó. Chắc phải có một sự chống đối mạnh mẽ không có sự hoạt động tinh thần tiến vào được ý thức: Vì thế cho nên sự hoạt động này phải có tính cách vô thức và với tính cách vô thức đó nó còn xuất hiện dưới hình thức một triệu chứng. Nhưng sự cố gắng biến vô thức thành hữu thức cũng gặp sự chống đối. Chúng ta gọi sự hoạt động gây ra bệnh thần kinh xuất hiện dưới hình thức một sự chống đối này là sự dồn ép.

Bây giờ chúng ta phải hình dung xem sự dồn ép này ra sao? Đó là điều kiện trước nhất để hợp thành một triệu chứng và từ trước tới nay chúng ta chưa từng thấy một cái gì tương tự. Lấy thí dụ một sự thúc đẩy, một hoạt động tinh thần có thể biến thành một hành vi: sự thúc đẩy này có thể bị gạt ra một bên, bị bỏ đi hay bị lên án. Vì thế nên nghị lực của nó bị rút đi, nó trở thành bất lực, chỉ còn sót lại trong tinh thần như một kỷ niệm thôi. Mọi quyết định mà sự thúc đẩy là đối tượng đều phải tiến hành dưới sự kiểm soát hữu thức của cái tôi. Nhưng khi sự thúc đẩy đó bị dồn ép thì sự việc xảy ra khác hẳn. Nó sẽ giữ nguyên nghị lực nhưng không để lại đằng sau một kỷ niệm nào cả, sự dồn ép sẽ hoạt động mà không chịu sự kiểm soát của ý thức. Sự so sánh này không giúp ta tiến gần đến sự hiểu rõ tính chất của sự dồn ép.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #tâmlý