Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Câu đối phúng điếu


Năm 1893, ông Lê Bảo thường gọi là Hoe Báu, người huyện Nam Đàn, là bộ hạ của tướng Cao Thắng trong nghĩa quân Phan Đình Phùng, đã phục kích giết được tên Một Phiến để trả thù cho chủ tướng đã bị hắn bắn chết. Lê Bảo bị bắt rồi bị giặc chém đầu. Phan Bội Châu đã làm câu đối điếu:
Nhất trận phục hồi thiên địa huyết (Một trận đánh làm sôi máu cả trời đất)
Đơn đao cát đoạn cổ kim sầu (Một nhát dao chém phắt - người anh hùng - xưa nay ai cũng phải đau buồn)
Năm 1900, nhân một người làng có bố vợ mất, vì nhà đó không có con trai chống gậy, con rể phải gánh trọng trách nhiệm đó, Phan Bội Châu làm giúp cho người này đôi câu như sau:
Nữ tắc viết vô, thiên lý khởi ưng vô thống hận (Con gái bị coi như không, nhưng lẽ trời há lại không đau xót)
Tử tuy vân bán, nhân tình tuy khả bán ai tư (Con rể tuy là phần nửa, mà người ai lại nửa sầu thương)
Phan Bội Châu có đôi câu đối phúng điếu Vương Thúc Quý như sau:
Sổ thập xích thô sơ thông, ảm đạm thiên thai, thượng ức biệt thời đinh chúc ngữ -(Đã mười năm, tin tức chẳng rõ, ảm đạm chân trời, còn nhớ nói lời đinh ninh hồi chia biệt)
Tiền lục nhật phí âm cương đáo, thê lương vũ ảnh, ná ham qui hậu đạm trường sinh (Sáu hôm rồi, tin buồn thình lình đến, mưa gió thảm thê, khốn nỗi cảnh tình làm đứt ruột người về)
Những câu đối khóc vợ:
1 - Câu đối khóc bà vợ cả:

Tình cờ đông khách năm châu, hơn 20 năm chồng có như không, cố đứng vững mới ghê, nuốt đắng ngậm cay tròn đạo mẹ
Khen khéo giữ nền bốn đức, gần 70 tuổi sống đau hơn thác, thôi về mau cho khoẻ , đền công trả nợ nặng vai con
2 - Câu đối khóc bà vợ lẽ:

Có chồng mà ở goá, mấy chục năm tròn, ơn trời gặp hội đoàn viên, vội bỏ đi đâu ? Trao gánh nặng nề về phần chị cả
Vì nước phải liều mình, biết bao bạn cũ, cõi phật đưa lời trân trọng, thiêng thời phải gắng, chung lòng hăng hái với thầy tôi
Câu đối viếng bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901)
Hai chục năm đầu gối tay kề, nghĩa vợ tình chồng gương sáng mãi;
Mấy bạn hiền bút nghiên khuya sớm, sân Trình cửa Khổng bảng vàng tươi.
Trong câu đối này vế trên của Phan Bội Châu, vế dưới của Vương Thúc Quý

Câu đối của Phan Bội Châu làm để viếng Tôn Trung Sơn. Dùng cách chơi chữ đảo trật tự vị trí từ ngữ.
Nhất nhân thiên cổ (Một người đã khuất nghìn năm)
Thiên cổ nhất nhân (Nghìn năm mới có một người)
Tôn Trung Sơn sinh năm (1866 - 1925), Quê ở Huyện Hương Sơn, Tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông bắt đầu hoạt động chính trị từ những năm 90 thể kỷ XIX. Ông nêu lên cương lĩnh của chủ nghĩa Tam dân: dân tộc, dân quyền và dân sinh. Năm 1911 ông lãnh đạo cách mạng Tân Hợi, cuộc cách mạng dân chủ tư sản ở Trung Quốc, đánh đổ sự thống trị 267 năm của nhà Mãn Thanh, kết thúc chỉnh thể phong kiến hơn hai nghìn năm, lập nên nước cộng hòa dân chủ tư sản. Trải qua gần 40 năm đấu tranh gian khổ, khó khăn, nhiều lần thất bại, ông đã từ chủ nghĩa cải lương chuyển sang chủ nghĩa tam dân cách mạng. Cuối cùng chịu ảnh hường của cách mạng Tháng mười và Đảng cộng sản Trung Quốc.
Câu đối phúng điếu Ngô Đức Kế (1879 - 1929):
Ngô Đức Kế người làng Trảo Nha, thuộc tổng Đoài, huyện Thạch Hà, phủ Hà Thanh, tỉnh Hà Tĩnh (nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm Chủ bút báo Hữu thanh của Hội Công thương tương tế ở Hà Nội, đồng thời sáng tác thơ vǎn. Trên báo Hữu thanh, ông đã viết một số bài "đả kích thơ văn lãng mạn và quyết liệt bài xích nhóm Nam Phong (đứng đầu là Phạm Quỳnh). Ngô Đức Kế qua đời năm 1929 tại Hà Nội, nhân dân gọi ông là Ngô Nhân Tổ (người cụ tổ họ Ngô) hoặc gọi là Ngô Việt Hành (hành tinh đất Ngô - Việt). Phan Bội Châu có gửi đôi câu đối phúng điếu như sau:

Chân mây góc biển gần ba chục xuân thu, duyên gặp gỡ chẳng bao lăm, tình già trẻ, nghĩa anh em, hợp hợp ly ly, trách nỗi trời xanh trêu trớ quái
Gió Á mưa Âu giữa hai mươi thế kỷ, chuyện buồn cười còn lắm nhỉ, cảnh tự do, miền cực lạc, phi phi thị thị, thấy tuồng mặt trắng nhố nha ma.
Câu đối điếu Phan Văn Trường (1876 - 1933):
Tự tùng phân thủ, lục tải dư tương ức đán tương văn, vọng Ba-lê, vọng Tây-cống, chuyển vọng Đông-kinh, thiên hải thương mang, thùy lão lệ;
Tổng cá thương tâm, bách niên trung đồng sinh nghi đồng tử, khốc Tây-hồ, khốc Tập-xuyên hựu khốc phu tử, giang sơn tịch mịch, mãn bi phong.
Dịch:

Sáu năm cách mặt, nhớ nhau mà ít được gặp nhau, trông Ba-lê, trông Tây-cống, rồi trông ra Đông-kinh luôn, mấy giọt lụy già, mênh mông trời biển;
Một kiếp thương tâm, sống vậy nên cùng nhau chết vậy, khóc Tây-hồ, khóc Tập-xuyên, nay lại khóc huynh ông nữa, một luồng gió thảm, bát ngát non sông.
Phan Văn Trường sinh tại làng Đông Ngạc – Hà nội, nay là thôn Đông Ngạc, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Ông là một nhà luật học đặc biệt xuất sắc. Bằng tinh thần tích cực học hỏi, ông đã tích lũy cho mình những kiến thức luật từ chính quốc và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ luật học tại Đại học Sorbonne với đề tài nghiên cứu "Lược khảo về Bộ luật Gia Long". Năm 1933, ông ra Hà Nội để thăm gia đình và thị sát tình hình chính trị ở Miền Bắc nhưng ông ngã bệnh và qua đời.
Câu đối viếng Phiếu Mẫu đất Hà Lam:
Bà Cử Lệ, nhũ danh là Nguyễn Thị Hướng, con gái đầu của Tri phủ Thăng Bình Nguyễn Đức Hoan. Dù góa bụa khi còn rất trẻ nhưng bà không những thủ tiết thờ chồng mà còn tham gia hầu hết các phong trào cách mạng, làm rạng rỡ cho cả quê hương mình lẫn quê hương chồng, được người đời xưng tụng là "Phiếu mẫu". Bà mất vào ngày 2 tháng 3 năm 1939, thọ 81 tuổi. Phan Bội Châu lúc này đang bị an trí ở Huế, có gửi một câu đối vào viếng:

Hận ngã bất vương tôn, quốc sĩ vị thường thanh cựu nhãn
Phùng nhân đàm Phiếu mẫu, tuyền đài thượng đãi bạch sơ tâm
Cử nhân Hồ Ngận dịch:

Giận mình không phải vương tôn, quốc sĩ lắm phen nhìn mặt trắng
Gặp ai cũng khen Phiếu mẫu, tuyền đài còn đợi tỏ lòng son
Câu đối hiện còn treo ở ngôi từ đường của gia đình tộc Nguyễn tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam
Câu đối viếng cụ hoàng Nho Lâm Đặng Văn Thụy:
Lục bào hoàng bảng dĩ yên tai, vãng sự hưu đề, thán tức triết nhân vong, như thỉ đạo thành tam đại cổ
Ngân biển tất xa vinh dã phủ, khách triều chính trướng, thê lương di trạch tại, mãn doanh kim thượng nhất kinh tân
Nghĩa là:

Áo xanh bảng vàng qua rồi sao? Chuyện cũ đừng nhắc lại! Thương tiếc nhà hiền triết mất đi, thời gian tên bắn, mới đó mà đã thành người tam đại
Biển bạc xe son thú chăng nhỉ? Nước triều đang dâng mạnh, đau buồn công đức để lại: kho đầy vàng, còn sách mới một pho
Câu đối khóc Nguyễn Văn Vĩnh của cụ Phan Bội Châu bằng cả chữ Hán lẫn chữ Việt gửi từ Huế ra Hà Nội khi biết tin Nguyễn Văn Vĩnh qua đời: "Ngày tôi mới về Huế, được gặp ông chủ báo Trung Bắc Tân Văn vào Huế thăm tôi cùng một xe hơi với tôi đi Cửa Thuận. Xe nhà ông, ông cầm lấy lái. Nhân duyên xa lạp chưa trải bao nhiêu mà đường lối Bắc Nam chốc thành vĩnh biệt. Tôi đau cảm quá nên có mấy hàng chữ điếu ông:
Duyên tương tri nhớ trước 10 năm, xe tự do chung lái, sóng biển vui tai, mộng hồn há lẽ hững hờ, quang cảnh còn in mây Thuận Tấn!
Tài bác học trỗi trong hai nước, đàn ngôn luận phất cờ, làng văn nở mặt, công nghiệp tuy còn lở dở, thanh âm từng dạt gió BaLê!"
Câu đối viếng Tăng Bạt Hổ (có thuyết khác nói câu này của Ngư Ông Đặng Thái Thân):
Quân khởi kỳ sinh tác hí ư thời da? Đề binh thập nẫm, khứ quốc trấp dư niên; kí khốc ư Xiêm, kí khốc ư Hoa, kí khốc ư Nga, hốt hốt nhiên đại khốc ư Đông; thuỳ giáo tư nhập thu phong, hướng ngã thần kinh mai hiệp cốt
Ngã bất tri tử chi vi hà vật dã! Độc thư ngũ châu, kết giao sổ thập bối; hoặc chiến dĩ thiệt, hoặc chiến dĩ bút, hoặc chiến dĩ não, đoan đoan đích trực chiến dĩ thiết, yếu đắc huyết lưu ôn đới, vi ngô hoàng chủng thụ hồng kỳ
Huỳnh Thúc Kháng dịch như sau:

Người há sanh làm giỡn với đời sao? Cầm binh một độ, bỏ nước hai mươi năm; đã khóc với Xiêm, đã khóc với Tàu, đã khóc với Nga; đùng đùng sang khóc lớn bên Đông; ai dè gió phất trời thu, nắm cốt về chôn thành đất Huế
Ta chả biết chết là cái gì vậy! Đọc sách năm châu, kết giao vài chục bạn; hoặc đánh bằng lưỡi, hoặc đánh bằng bút, hoặc đánh bằng não; khăng khăng chỉ độc đánh bằng sắt; thề quyết máu trôi đất nóng, cờ đào rõ mặt giống da vàng
Tăng Bạt Hổ tên thật là Tăng Doãn Văn, tự là Sư Triệu, hiệu Điền Bát, bí danh Lê Thiệu Dần, sanh năm Mậu Ngọ (1858), tại làng An Thường, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Ông sang Trung Quốc tìm Lưu Vĩnh Phúc (chỉ huy quân Cờ Đen). Nghe tin Lưu đang chỉ huy quân đội ở Đài Loan, ông sang Đài Loan gặp Lưu cầu viện, nhưng không được. Ông lại sang Xiêm gặp dư đảng cần vương của người Việt ở đó. Năm 1905, ông đến Hải Phòng, rồi đi theo thuyền buôn tới Hương Cảng. Từ Hương Cảng đi tàu thuỷ đến Thượng Hải, từ đó đi tàu thuỷ Nhật đến Kobe (Thần Hộ). Từ Kobe đi xe đến Yokohama (Hoành Tân).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: