Phân biệt Civil law và Common law
Cộng đồng quốc tế hiện nay có hơn 200 quốc gia và mỗi nước đều có pháp luật riêng để điều chỉnh hoạt động của cư dân và các mối quan hệ bên ngoài. Những hệ thống luật pháp của các quốc gia khác nhau có thể tập trung thành các hệ thống lớn, trong đó phải kể tới Civil law (Dân luật) và Common law (Thông luật).
Civil law là hệ thống pháp luật có lịch sử lâu đời nhất và cũng có ảnh hưởng nhiều nhất đến các hệt thống luật pháp khác. Hệ thống này thường được gọi là hệ thống Dân luật (Civil law) hay hệ thống Luật lục địa (Continental law), đây cũng là hệ thống được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay.
Hệ thống Civil law xuất hiện từ năm 450 Tr.CN khi La Mã áp dụng hệ thống luật được ghi trong "12 Bảng Luật". Nhưng sự kiện có ý nghĩa nhất trong lịch sử phát triển của hệ thống Civil law là công tác pháp điển (chọn lựa, sắp xếp, đơn giản hóa) luật pháp La Mã dưới thời hoàng đế Justinian (483-565)…Sau khi được pháp điển, bộ luật mới ra đời được mang tên Corpus Juris Civilis, ban hành năm 534.
Khi những bộ tộc Đức (Giecmanic) xâm lược các đế quốc phía Tây châu Âu, một số quy định của luật La Mã đã được thay thế bằng luật bộ tộc Đức. Tuy nhiên dân chúng của đế quốc La Mã vẫn sử dụng luật La Mã vì luật Đức không căn cứ vào yếu tố lãnh thổ mà căn cứ vào yếu tố cá nhân. Giáo hội công giáo cũng góp phần quan trọng vào việc duy trì luật pháp La Mã vì giáo luật được xây dựng theo luật La Mã.
Vào thời trung cổ, khi tìm được nguyên văn bộ luật Corpus Juris Civilis, các học giả bắt đầu nghiên cứu giải thích, hiện đại hóa những nội dung luật cũ cho phù hợp với xã hội thời đó. Việc nghiên cứu truyền bá bộ luật này đầu tiên bắt nguồn ở các trường đại học vùng Bắc Italia mà trong đó nổi tiếng là Đại học Bologna, sau đó mở rộng ra các trường đại học ở châu Âu như Paris, Prague, Oxford, Heidelburg, Copenhagen.
Đến thế kỷ 16 và 17, trung tâm luật học được chuyển đến Pháp và Hà Lan. Với tinh thần khoa học sáng suốt và ý thức quốc gia, giới luật học châu Âu đã tập trung nỗ lực để xây dựng nền luật pháp quốc gia theo tinh thần của luật La Mã cũ, mà theo họ không phải do một quyền lực cao siêu nào đặt ra, mà chỉ là những lẽ phải tự nhiên (Universal law of nature).
Đặc điểm chung của hệ thống Civil law là các bộ luật đều căn cứ theo luật La Mã, nhất là những phần nói về nghĩa vụ và cấu trúc của luật. Hai bộ luật nổi tiếng nhất thuộc hệt thống Civil law là bộ Luật dân sự Napoleon của Pháp năm 1804 và Luật dân sự Đức năm 1900.
Vài nét sơ lược về bộ Dân Luật của Pháp:
- Được đề cao và mô phỏng ở Bỉ, Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Châu Mỹ Latinh, Châu Phi, Đông Dương...
- Phản ánh những tư tưởng cơ bản của cuộc Cách Mạng Pháp Năm 1789: quyền tư hữu quyền tự do ký kết hợp đồng và gia đình theo chế độ phụ hệ.
- Cố ý phá vỡ chế độ phong kiến bằng cách hạn chế diện tích đất đai mua bán di chúc và thừa kế.
- Rõ ràng, trong sáng, dễ đọc và dễ hiểu với tất cả mọi người.
- Bộ luật đưa ra những nguyên tắc tổng quát chứ không đưa ra những quy định cụ thể do các nhà làm luật nhận thức trước họ không thể dự liệu tất cả các khả năng xảy ra.
Vài nét sơ lược về bộ Dân luật của Đức:
- Được đề cao và mô phỏng ở các nước như: Áo, Tiệp Khắc, Hy Lạp, Hungari…
- Căn cứ sát bộ luật Corpus Juris Civilis về tinh thần cũng như cách sắp xếp.
- Văn phong chính xác và kỹ thuật, sáng chế ra nhiều thuật ngữ đặc biệt về pháp lý để sử dụng trong luật, khái niệm và định nghĩa được sử dụng một cách có hệ thống, nhất quán. Các nhà làm luật sử dụng cách tham chiếu lẫn nhau giữa các điều luật giúp bộ luật trở nên ngắn gọn, thống nhất, hợp lý.
- Mang tính chuyên môn cao.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng Civil law cũng phục vụ trong vai trò nền tảng cho pháp chế xã hội chủ nghĩa. Trong đó, các nguyên tắc pháp lý dựa trên các nguyên tắc luật chung của Civil law và sự bổ sung các ý tưởng của chủ nghĩa Marx-Lenin.
Trong khi đó, Common law – pháp luật thông lệ khởi nguồn ở nước Anh. Một hệ thống pháp luật mới được thiết lập từ năm 1066 khi người Norman chinh phục nước Anh, nhưng không thể nói pháp luật thông lệ đã hình thành năm 1066. William the Conqueror, thủ lĩnh cuộc chinh phục, đã không hủy bỏ các tập quán và hệ thống tòa án địa phương. Các tòa án này vẫn tiếp tục áp dụng thông lệ từ trước của họ, không có bộ luật nào chung cho toàn vương quốc. Tuy nhiên, nhà vua có thành lập một số tòa án hoàng gia tại thủ đô Wetsminster. Thẩm quyền của các tòa án này lúc đầu rất hạn chế nhưng về sau được mở rộng đến mức các tòa án địa phương mất tác dụng. Quy định của các tòa án Hoàng gia trở thành luật chung cho cả vương quốc và được gọi là luật thông lệ.
Luật thông lệ bắt nguồn từ quyết định của tòa án. Do đó, xuất xứ truyền thống của luật thông lệ là các án lệ chứ không phải luật do cơ quan lập pháp ban hành. Truyền thống dựa trên án lệ lâu đời đến nỗi khi luật thông lệ biến thành một các quy định tố tụng cứng nhắc và máy móc, nhà vua đã không chấn chỉnh bằng cách ban hành luật mới mà lại thành lập một tòa án mới. Và các nguyên tắc bền vững của luật chung đã được tạo ra bởi tòa án do vua Henri II (1133 – 1189) thành lập. Đó là tòa án tài chính (Court of Exchequer) để xét xử các tranh chấp về thuế. Tòa án thỉnh cầu phổ thông (Court of Common Pleas) đối với những vấn đề không liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhà vua và tòa án Hoàng đế (Court of the King’s Bench) để giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi hoàng gia. Nguyên thủy, Tòa án Hoàng đế có thẩm quyền kiểm tra sự lạm quyền của chính nhà vua, từ đó hình thành ra nguyên tắc căn bản của luật chung là sự tối thượng của pháp luật (Supermacy of the law). Ngày nay nguyên tắc này không phải chỉ áp dụng cho nhà vua mà mọi hành vi của chính quyền đều có thể bị đưa ra xét xử trước tòa án.
Hệ thống Common law ngày nay bao gồm Thông pháp và luật công bình.
Luật thông lệ có thể nhìn thấy rõ ở luật Anh, Mỹ. Đế quốc Anh mang luật thông lệ sang tất cả các thuộc địa. Luật thông lệ đã được tiếp nhận ở nhiều nước nhưng thành công nhất là ở các quốc gia nơi người định cư châu Âu chiếm số đông và áp đặt luật lệ của họ lên người bản địa. Thực tế đó xảy ra ở Úc, Anh, Canada, Niu Zilân và Hoa Kỳ (trừ bang Lousiana đã có luật thành văn trước khi trở thành một bang của Hoa Kỳ). Ngày nay, Ấn Độ là nước đông dân nhất theo luật thông lệ. Còn ở Hoa Kỳ, do Hoa Kỳ giành độc lập sớm nên luật thông lệ tại đây phát triển tách biệt với luật thông lệ ở Anh và các nước thuộc Khối Thịnh Vượng Anh.
Về cơ bản, hệ thống Dân luật (Civil law) coi trọng văn bản quy phạm pháp luật và đề cao luật La Mã trong việc hình thành các bộ luật ngày nay. Trong khi đó, đặc điểm nổi bật của hệ thống Thông luật (Common Law) là dựa trên phán quyết theo tập quán của toàn án với cơ sở là các án lệ - tập hợp các vụ việc đã được xét xử của cơ quan tư pháp trong quá trình xét xử.
Hệ thống Civil law sử dụng một hệ thống điều tra khi xét xử trong khi Common law sử dụng hệ thống xét xử có đối chọi, vai trò của luật sư trong tố tụng là rất quan trọng. Trong một vụ án, luật sư các bên là người làm sáng tỏ các tình tiết, thẩm phán chỉ đóng vai trò lắng nghe và phán xét. Do đặc điểm này mà chứng cứ viết được Civil law coi trọng và chứng cứ lời nói được Common law coi trọng khi xét xử.
Một đặc điểm quan trọng khác khi phân biệt hai hệ thống là ở Civil law có sự phân chia rõ ràng thành Công pháp (gồm các ngành luật như Luật Hiến pháp, luật hành chính, luật hình sự…) và Tư pháp (luật dân sự, luật thương mại…).
Tại các quốc gia Dân luật, lập pháp được coi là nguồn chính của luật. Theo mặc định, các tòa án phải dựa trên cơ sở của các điều khoản của các bộ luật và đạo luật để đưa ra các phán quyết của mình nhằm có giải pháp cho từng vụ việc cụ thể. Các tòa án vì thế có lý do lớn để trên cơ sở các nguyên tắc và quy tắc chung của luật, đưa ra tương tự luật từ nội dung của các điều khoản luật định để lấp kín các khiếm khuyết của luật và để đạt được sự chặt chẽ. Ngược lại, trong hệ thống Thông luật, các vụ việc là nguồn chủ yếu của luật, trong khi các đạo luật chỉ được coi là sự thêm vào trong thông luật và vì thế chỉ được diễn giải hẹp hơn.
Common law và Civil law còn khác biệt về sự ràng buộc có hiệu lực của các tiền lệ. Tòa án trong hệ thống Dân luật có nhiệm vụ chính là quyết định các vụ việc bằng cách áp dụng và giải thích các quy tắc tiêu chuẩn pháp luật, nghĩa vụ tuân theo tiền lệ pháp không được áp dụng vào các tòa án Dân luật. Còn tòa án trong hệ thống Thông luật không chỉ quyết định các vấn đề tranh cãi giữa các bên liên quan, mà còn đưa ra hướng dẫn làm sao để giải quyết các vụ án tương tự trong tương lai do đó phán quyết của tòa án tạo ra nền tảng cho việc giải thích pháp luật.
Về phương pháp tư duy, thẩm phán bên Dân luật, như ở Pháp, khi đưa ra kết luận cho vụ án, họ tìm một điều luật thích hợp từ trong một bộ luật rồi lập luận và giải thích để áp dụng điều luật kia vào sự kiện đang xem xét. Sau khi xem những giải thích đã có trước kia về một điều luật mà thấy có liên quan thẩm phán ghép sự kiện vào điều luật ấy.
Các thẩm phán ở Hệ thống Thông luật suy tư theo một qui trình có ba giai đoạn: phân tích những sự kiện của vụ việc đang xem xét với những thứ tương tự trong các vụ án đã có trước kia để rút ra một nguyên tắc tổng quát, gói ghém nguyên tắc kia lại để đưa ra một điều luật khả dụng (do không có các đạo luật thanh văn chính thức), áp dụng điều luật vừa khám phá vào nội dung xét xử. Có thể thấy rõ hệ thống Common law đề cao vai trò của tòa án trong sáng tạo pháp luật.
Đối với việc xét xử, trong hệ thống Dân luật, thẩm phán giữ vai trò quyết định còn trong hệ thống Thông luật, ban bồi thẩm giữ vai trò quyết định. Cùng với hiến pháp, các bộ luật, và án lệ, thì quyết định của bồi thẩm đoàn là một trong những nguồn của luật pháp. Ở Hoa Kỳ, Bồi thẩm viên là những công dân có đủ năng lực, từ 18 tuổi trở lên, được lựa chọn ngẫu nhiên trong dân chúng tại địa phương nơi tiến hành xử án.
Về việc đào tạo thẩm phán, tại một số quốc gia theo Dân luật, các thẩm phán được đào tạo và thăng tiến một cách độc lập với các luật sư (thí dụ ở Pháp có trường chuyên nghiệp dành cho thẩm phán), trong khi tại các quốc gia theo Thông luật các thẩm phán thường được chọn lựa từ các luật sư (tại tòa) có tài năng và danh tiếng. Tại Anh, luật gia trẻ không thể trở thành thẩm phán ngay sau khi học luật xong mà chỉ những luật sư thực hành có kinh nghiệm (ít nhất 10 năm) và được kính trọng mới được bổ nhiệm làm thẩm phán.
Trên đây là những nét khái quát để phân biệt hai hệ thống pháp luật Common law và Civil law. Trong xu hướng toàn cầu hoá hiện nay, việc nắm bắt và hiểu biết về các hệ thống pháp luật trên thế giới có một ý nghĩa thiết thực trong đời sống của mỗi chúng ta, giúp chúng ta nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật, văn hoá, cách sống của mỗi dân tộc khác nhau, tạo điều kiện giao lưu quốc tế và đối thoại với đồng nghiệp nước ngoài.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro