Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phải chuẩn bị Hôn phối về mặt tinh thần và tôn giáo làm sao cho phải đạo ?

Phải chuẩn bị Hôn phối về mặt tinh thần và tôn giáo làm sao cho phải đạo ?

Lm Phaolô Nguyễn Ngọc Thử

Nguyên Giáo sư Giáo Luật ÐCV Long Xuyên  

THƯA:

1. Công Ðồng Vatican II (GS.5), Tông huấn "Cộng đồng gia đình, Familiaris Consortio" (số 66 và 67) và can. 1063 thống nhất vạch ra một chương trình chuẩn bị hôn phối, xác định các mục tiêu, chỉ định các người chịu trách nhiệm và chỉ rõ nội dung của việc chuẩn bị. - Mục tiêu cốt yếu của hoạt động này là hoàn thành mỹ mãn việc chuẩn bị thích hợp để giáo dục và thực hiện các hôn phối Kitô hữu sắp làm và giúp đỡ các gia đình đã cử hành hôn phối, được thành thục và hoàn hảo mỗi ngày một hơn. - Các người trách nhiệm hàng đầu là các mục tử linh hồn hành động theo qui định của Giám Mục (can. 1064) có sự cộng tác của cộng đồng giáo xứ (can. 1063 mở đầu và GLGHCG 1632). Các chủ thể thụ động là các tín hữu, cách riêng là các người sửa sọan thành hôn và các người đã thành hôn rồi. Ðành rằng không được đánh giá thấp sự cần thiết và tính bắt buộc của việc chuẩn bị này, nhưng việc bỏ qua không chuẩn bị hay từ chối trốn tránh việc chuẩn bị không nhất thiết là một cản trởû thành hôn, cho nên các mục tử không vì lý do việc thiếu chuẩn bị (vd. Không học giáo lý, giáo trình mình soạn quá nhọc nhằn) mà từ khước hay hoãn lại hôn phối (FC. Số 66, 10). - Nội dung của việc chuẩn bị sẽ được xem liền sau đây trong số 2.

2. Việc chuẩn bị hôn phối gồm bốn giai đọan có tính tổng quát, tính cá nhân, tính phụng vụ và tính hậu hôn phối.

2. 1. Chuẩn bị tổng quát (can. 1063, 10).

Ðó là việc giảng thuyết và huấn giáo (giáo lý) cho trẻ em, thanh niên và người lớn, nói về ý nghĩa hôn phối có đạo, về nghĩa vụ cha mẹ và về nghĩa vụ vợ chồng. Có thể dùng các phương tiện truyền thông xã hội trong việc chuẩn bị này. Ðây là việc chuẩn bị xa, bắt đầu từ tuổi thiếu nhi trong sư phạm khôn ngoan của gia đình dạy cho con em tự khám phá mình là tạo vật có đời sống tâm lý giàu có phức tạp, có nhân vị riêng của mình, có sức mạnh và sự yếu đuối riêng của mình. Ðây là thời kỳ mỗi người nhận ra giá trị nhân bản của mình trong quan hệ với người khác và trong quan hệ xã hội. Việc tự biết đó là quan trọng để tạo tính tình của mình, để làm chủ và sử dụng các tật hư tính tốt của mình, để biết đánh giá đúng và giao dịch với người khác phái. Ðối với người Kitô hữu, thời kỳ này đòi sự giáo huấn thiêng liêng và giáo huấn giáo lý, dạy cho biết hôn phối là một ơn gọi và một sứ mệnh, như tu triều hay tu dòng vậy, tuy ơn gọi hôn phối là chung hơn. Việc trung tâm của sự chuẩn bị này là dạy cách thích hợp ý nghĩa của cơ chế hôn phối và bí tích hôn phối. - Thiết nghĩ nên tán rộng thêm. Việc giáo huấn tổng quát và chung này cần phải khôn ngoan, nghĩa là phải lựa nơi, lựa lúc, lựa cử tọa và lựa lời mà nói trong cách trình bày thận trọng, kẻo làm hại hơn là làm lợi. Nên tổ chức nhóm thanh niên thanh nữ gần tuổi kết hôn để dạy (CÐ/Vat. GS. 49, 52). Về nội dung, sẽ gồm bản chất, sự trang nghiêm và bí tích tính, sự liên hệ giữa luật đạo và luật đời, về các đặc tính duy nhất và bất khả đọan tiêu, về sự thánh thiện của phép hôn hối (chớ không phải là một việc phàm tục do đam mê tạo thành), về các thứ ngăn trở, về bổn phận vợ chồng và cha mẹ, phần hồn phần xác, trong đời sống tự nhiên và siêu nhiên, về tội lỗi phạm đến phép hôn phối và đời sống hôn nhân (Cđ/Vat. AA1; GS 48-49; Cđ/ÐD. 253, 255, 256). Vào cuối thời kỳ chuẩn bị xa này, và trước khi bắt đầu thời kỳ học giáo lý hôn phối, là thời kỳ nam nữ quen nhau. Vai trò của cha mẹ trong thời kỳ này như thế nào? Ngày xưa, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, cha mẹ định sao con nghe vậy, vì đầu cao hơn cổ, áo mặc không qua khỏi đầu. Nhưng ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên. Ngược lại có khi quá đáng, lớp trẻ lấy nhau bất chấp cha mẹ, giao hôn bất cáo tông đường. Luật trung dung là cha mẹ và con cái thông cảm và thảo luận để mọi người được bằng lòng. Nhưng nên nhớ tuy con cái vì chữ hiếu sẽ tôn kính và vâng phục cha mẹ trong việc hợp ý mình, nên bậc cha mẹ chỉ có quyền khuyên bảo chớ không có quyền bắt buộc hay cấm đoán con cái kết hôn. Việc kết hôn phải được tự do, tự nguyện (Bộ luật Dân sự của nước CHXHCN Việt Nam, 1995, điều 35). Lập trường của Giáo Hội thế nào về vai trò của cha mẹ? Các thế kỷ đầu Giáo Hội đòi có phép của cha mẹ, nhưng không bao giờ đặt đó làm điều kiện để thành phép hôn phối (tuy có nhà cầm quyền có đạo xin như vậy, nhưng Công đồng Trentô không nhất trí, x. DS 1813). Giáo luật hiện hành nói rõ là đối với hôn phối của con cái vị thành niên, khi cha mẹ không hay biết hoặc có lý để không đồng ý, thì muốn chứng hôn cha sở phải có phép của đấng bản quyền sở tại nơi hợp pháp (can. 1071, §1, 60) (Lật ngược lại là nói con cái trưởng thành làm hôn phối mà cha mẹ không hay biết hoặc không đồng ý, vẫn thành phép và hợp pháp). Con cái vị thành niên có ý qua mặt cha mẹ hay cãi cha mẹ khi các ngài có lý do hệ trọng để không đồng ý, thì có thể có lỗi nặng. Ngược lại, khi con cái có lý do hệ trọng hơn (vd. Sợ giữ mình không nổi), thì không vâng lời cha mẹ lúc đó chắc là không có lỗi gì.

2. 2. Chuẩn bị cá nhân gần (can. 1063, 20).

Ðó là việc học giáo lý hôn phối để thành hôn, một việc chuẩn bị trực tiếp và sát cạnh việc cử hành hôn phối, được thực hiện cụ thể và cường độ trong các ngày tháng cuối của thời kỳ chuẩn bị và để làm lễ hôn phối. Ðó là việc chuẩn bị thiêng liêng cho các người hứa hôn bước vào cuộc đời hôn nhân, ý thức về sự thánh thiện và các bổn phận mà phép hôn hối đặt để cho họ. Chuẩn bị đời sống lứa đôi, cập đôi, liên-nhân-vật giữa một nam và một nữ, cần được phát triển, đào sâu vấn đề phái tính vợ chồng và việc sinh sản có trách nhiệm, việc sinh lý, việc giáo dục con cái, việc tề gia vv... Tùy học thức và trình độ của các đương sự, linh mục sẽ dạy giáo lý hôn phối này có tính sư phạm tâm lý chớ không phải khảo hạch. Bởi đó bắt buộc vì là cần thiết cho đức tin và đời sống đạo, như lớp giáo lý chuẩn bị cho việc xưng tội, rước lễ, thêm sức vậy. Có sách giáo lý hôn nhân (vd. của linh mục Trọng Thu). Cách thức dạy phải khôn ngoan và dè dặt trong lời nói và cử chỉ, kẻo sinh gương mù. Nên dạy nam nữ chung thì tiện hơn.

2. 3. Chuẩn bị phụng vụ (can. 1063, 30).

Ðó là việc tập nghi thức lễ hôn phối và học ý nghĩa của việc hôn phối giữa đôi nam nữ là dấu hiệu sống động của mầu nhiệm hiệp nhất và yêu thương phong phú giữa Ðức Kitô và Giáo Hội (Ep 5,21), mà họ sẽ sống cách thiết thực. Có việc cử hành phụng vụ, vì hôn phối là một khế ước có tính xã hội và cộng đồng về mặt tự nhiên và có tính Giáo Hội và bí tích về mặt tôn giáo. Việc cử hành đơn sơ nhưng trang trọng theo luật lệ của các vị có thẩm quyền lập ra. Cũng cần chú ý đến các yếu tố xã tắc dân tộc và văn hóa địa phương.

2. 4. Giáo dục hậu hôn phối (can. 1063, 40).

Chuẩn bị hôn phối là cần thiết. Nhưng sau lễ thành hôn, cũng cần thiết giáo dục trường kỳ để sống tốt đời sống gia đình (x. can. 1128). Các vợ chồng trẻ cần được giúp đỡ liên tục để họ giữ gìn cách trung thành khế ước hôn phối ngõ hầu giữa lòng gia đình họ sống đời sống thánh thiện và trọn hảo hơn.

KẾT:

Làm việc gì muốn có kết quả thành công phải chuẩn bị tốt. Chuẩn bị càng chu đáo thì thành công càng chắc chắn và tốt đẹp. Nói cách chung là vậy, phương chi cách riêng cho đời sống hôn phối là việc trăm năm tồn tại như trái đất già có râu dài vậy. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: