Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Cinemaroom - Write

Đề tớ chọn là "căn bệnh".

ᅳᅳᅳᅳᅳᅳᅳᅳᅳᅳᅳᅳᅳᅳᅳᅳᅳᅳᅳᅳ

Không, em không thích linh lan nữa, em không thích nắng, em không thích gió heo may, em không thích cả cỏ xanh. Một người đã chết đâu được quyền thích điều chi.

Tôi gặp em lần đầu vào một ngày hạ dưới cái nắng Chu. Em là Uyên Thư, nhỏ hơn tôi một tuổi, giống như cái tên của mình, em thông minh lắm. Thư có mái tóc đen dài, đôi mắt nâu hơi dẹt với hai gò má cứ đo đỏ hồng. Khoác trên mình bộ đồng phục Chu, em đẹp biết mấy.

Tôi chuyển từ một ngôi trường ở Sài Gòn tới Chu Văn An vào giữa năm lớp mười một, các bạn cùng lớp có vẻ không thích tôi lắm. Không khó hiểu khi tôi là đứa khá lầm lì và ít nói.

Thư dịu dàng và dễ thương lắm! Em giúp tôi thích nghi với cuộc sống nơi đây. Em kể về em, về những đoá linh lan em trồng, về những bài văn thơ trong tập lưu bút của bố. Và về Hà Nội.

Thư kể cho tôi nghe về một Hồ Tây gợn sóng trên chiếc logo trường, về một Văn Miếu cổ kính từ ngàn đời, về một Thăng Long trải qua bao thăng trầm như thế. Rồi có một hôm bỗng em hỏi tôi:

- Sài Gòn của anh thì sao?

Sài Gòn của tôi thì sao? Tốt nghiệp lớp mười hai, tôi và Thư vẫn giữ liên lạc, chúng tôi nói chuyện, gọi điện hỏi han nhau gần như là mỗi ngày. Lên đại học, em mới đồng ý lời tỏ tình của tôi, học hết năm nhất thì Thư chuyển qua sống cùng trọ với tôi. Lúc ấy tôi đã ngỡ rằng những năm tháng bình yên sẽ cứ thế trôi mãi.

Bỗng một hôm, nhà tôi có chút chuyện, phải về Sài Gòn gấp. Thư chuẩn bị cho tôi ít đồ, chút quần áo cần thiết, cũng không quên dặn tôi đi đường cẩn thận. 

- Khi trở về, phải nói cho em biết Sài Gòn của anh có những gì đấy!

Tôi cười, tạm biệt em. Trên chuyến tàu về quê, tôi đưa mắt nhìn về phía xa, tôi đã rời Hà Thành lúc nào không hay, bản thân có chút trầm tư. Có lẽ là nghĩ ngợi, có lẽ là mang chút nhớ nhung, hay rằng tôi đã yêu một Hà Thành, như yêu em từ lúc nào chẳng hay.

Về được một hai ngày, tôi vẫn gọi cho em, chúng tôi vẫn chuyện trò, em khoe tôi về bữa tối em tự nấu mà chẳng cần tôi giúp phụ. Đến ngày thứ ba, em lỡ của tôi ba cuộc điện thoại, đến ngày thứ tư, em lỡ mất tám cuộc. Tôi gọi cho cái Thanh - bạn thân của em, nhưng chỉ nhân lại là cái lắc đầu. Lát sau, Thanh gọi lại cho tôi, giọng con bé hoảng hốt và gấp gáp: "Em vừa gọi cho bố mẹ nó, nó không có về nhà, trọ cũng chẳng thấy đâu mấy hôm nay, em báo cảnh sát rồi, anh về ngay đi!"

Tôi chưa kịp nói lời nào, cũng chưa kịp hỏi gì Thanh, con bé đã cúp máy, đầu óc tôi căng lên và mọi thứ như muốn nổ tung. Tôi lao vào phòng lấy đồ nhét vào túi xách, cái cảm giác lo lắng bồn chồn ban nãy đã biến thành hoảng loạn. Chỉ kịp giải thích vài câu với bố mẹ, tôi đã chạy tới bến tàu. Trên đường đi, tôi cứ nhìn khoảng trời xế chiều, nhìn mãi, nhìn cả những cơn gió như cố vượt tôi mà lao về phía trước.

Tôi gọi cho Thanh, con bé không bắt máy. Mọi thứ xung quanh tôi như nhão nhoét, tôi vò đầu, cắn môi tới bật cả máu. Tôi liếc trái. Tôi liếc phải. Từng thớ da tấc thịt tôi như tróc dần ra. Nhanh tới nỗi không kịp hàn lại. Tôi điên mất. Cơ mặt tôi còn chẳng thể tự làm chủ mà đờ ra, thỉnh thoảng giật vài cái. Đôi đồng tử tôi căng lên và hằn rõ những mạch máu trong tròng trắng mắt.

Ở trong cái viễn cảnh ấy, tôi biết chẳng thể tưởng tượng ra nổi điều gì tốt đẹp. Tôi như muốn nổ tung, tự mình cuộn vào hàng bánh xe của chiếc tàu.

Tiếng bánh xe xình xịch cuốn theo từng thanh âm tôi, từng lời tôi gằn ra, từng tiếng tôi nức nở. Rồi tôi lại như chết lặng. Trên chuyến tàu vắng, vài người nhìn tôi, nhưng tôi chẳng còn tâm trí gì mà để ý. Tàu chạy. Chạy như xuyên vào trái tim tôi. Chạy càng nhanh. Tim càng chết.

Về căn trọ nhỏ của mình, tôi thấy Thanh ở đấy, con bé bật khóc khi nhìn thấy tôi. Thanh nhìn tôi và nói:

- Em vừa gọi cho nó, nhưng chỉ có tiếng đạp phá đồ đạc, tiếng quát lớn, rồi im lặng.

Trong cái tình cảnh ấy, chúng tôi biết rõ điều tồi tệ gì đang xảy ra. Cả hai chỉ có thể ngồi đó, chờ đợi một vài tia hi vọng. Tôi cứ ngồi cạnh bệ cửa sổ, nhìn cây linh lan với tán lá xanh và to. Tôi nhớ đến em. Tôi nhớ em. Cảm xúc trong tôi lúc này hỗn loạn, tôi không biết phải làm gì, chỉ có thể ngồi chờ đợi màn đêm dần mất.

Khoảng hơn hai tuần sau, cảnh sát mới thông báo rằng đã tìm thấy em. Tôi, Thanh và bố mẹ em bắt vội cái xe để đến. Tim tôi lúc ấy như nhảy sổ ra ngoài, hai tay như mất khống chế mà cứ bấu vào nhau. Xe cứ đi. Gặp đèn đỏ lại dừng. Thời gian như chạy trước. Tôi sợ. Nhỡ đâu chúng tôi chẳng đến kịp. Và em sẽ lại đi mất. Dừng chân ở bệnh viện cảnh sát, bố mẹ em bật tung cửa ra bước vào. Hai người xô tới hỏi thông tin về em, rồi chạy nhanh tới thang máy.

Lúc tôi và Thanh lên tới nơi, em đang ở trong vòng tay của mẹ. Em và bà đều khóc rất nhiều, Thanh chạy tới rồi nức nở. Tôi đứng bên giường, cạnh bố em, trong lòng tôi vỡ oà. Em ở đây trước mắt tôi rồi.

Đến khi bản thân bình tĩnh lại, tôi mới để ý tới những vết thương trên người em. Những vết bầm tím, vết sẹo dài, có nơi còn ứa máu thấm đẫm sang miếng băng gạc. Tôi xót xa nắm lấy bàn tay em, cố mỉm cười an ủi nhìn em.

Những ngày sau đó cảnh sát tới và lấy lời khai, em ban đầu cũng có chút hợp tác mà kể lại. Dù rằng sức khoẻ tinh thần của bản thân vẫn chưa bình phục, Thư vẫn cố gắng làm việc hết mình. Em cứ ngồi trong phòng bệnh cả ngày trời mà nhìn ra cửa sổ, có hôm còn chẳng động tới chút cơm nào. Thư không nói chuyện với ai, chỉ thi thoảng nói vài lời với điều dưỡng và khai báo cảnh sát. Em như sợ hãi mọi thứ, khi bóng đêm buông xuống, em lại đập phá đồ đạc và nức nở. Việc ngủ cũng trở nên khó khăn với Thư, có lẽ em sợ rằng nếu mình chợp mắt, em sẽ lại bị bắt đi. Hay đôi khi cảnh sát ghé tới, em gào thét và không muốn nói chuyện.

Những dấu hiệu của trầm cảm xuất hiện ở em ngày càng nhiều. Em cào vào những vết thương hở khiến chúng ứa máu, cậy móng tay của mình ra. Chúng tôi không biết phải làm thế nào, chỉ có thể gọi chuyên gia tâm lý tới để tư vấn. Mọi thứ diễn biến xấu hơn, em chỉ có thể uống thuốc để dịu bớt cơn bệnh.

Em được đưa về nhà khi những tổn thương vật lý đã không còn quá nhiều. Tôi thấy em luôn đưa mắt nhìn những cây linh lan sắp bước vào độ nở hoa. Thấy tôi, Thư trầm xuống, đôi mắt ngân ngấn lệ. Em cất tiếng hỏi tôi, làm tôi vừa vui, lại như chết lặng.

- Có phải trái tim của em thối rữa rồi không?

Những ngày sau đó, em không chịu ăn, chỉ uống chút nước. Thư gào thét và nói rằng dạ dày của mình đã bị những tên bắt em móc lấy mất. Em đập phá đồ đạc khi có ai an ủi em. Em sợ hãi màn đêm và chẳng thể ngon giấc. Em nức nở khi thấy những tấm lá linh lan cứ héo mòn.

- Chúng úa tàn như hai lá phổi của em vậy.

Thư từng thích những ngày nắng, từng thích tiếng tí tách của hạt mưa, từng thích cái bay bổng của gió lớn. Đã từng. Giờ em chỉ cuộn mình trong chiếc chăn, chỉ cắn đầu ngón tay tới bật máu, chỉ đờ đẫn nhìn thời gian trôi hoài. Em nói tôi nghe, rằng giờ em chỉ một là tấm hồn đơn sắc.

- Không, em không thích linh lan nữa, em không thích nắng, em không thích gió heo may, em không thích cả cỏ xanh. Một người đã chết đâu được quyền thích điều chi.

Chẳng phải một hay hai ba lần tôi nghe em nói, rằng em đã chết rồi. Rằng trái tim em đã héo mòn, cơ thể đã bong tróc, từng khớp xương em đã gãy vụn. Em nói mình cảm nhận sự mục nát cơ thể từ bên trong, mùi thối rữa của bản thân.

Em nói em chỉ còn là một linh hồn lạnh lẽo đeo bám người thân của mình.

Thư nói rất nhiều.

- Em sợ rằng rồi dây thanh quản của mình cũng sẽ trơ đứt.

Thậm chí em còn nói bản thân bị kẻ khác điều khiển khi chẳng ít lần em muốn nhảy ra từ cửa sổ, đánh mắng mọi người. Mọi việc chỉ thực sự vỡ lẽ khi bác sĩ tâm lí nói chuyện với em, Thư nôn ra thuốc trầm cảm sau khi uống, em nói mình không thể tiêu hoá chúng, chúng đốt cháy cổ họng em. Em nói về tình trạng bản thân, về nỗi ám ảnh của em. Hễ chút, em quay qua nhìn tôi.

- Em cảm thấy nỗi đau ấy là sự trừng phạt của Chúa. Em giống như một kẻ tội đồ vậy.

Sau vài buổi khám, câu trả lời của bác sĩ chắc chắn với tôi, với Thanh, với cả bố mẹ em. Là Cotard - Hội chứng xác sống biết đi.

Thời gian sau đó của em, nếu được phép đặt tên, tôi sẽ gọi nó là những tháng ngày nuôi chim. Thư bị nhốt trong một phác đồ điều trị nghiêm ngặt, trị liệu, thuốc, theo dõi và cưỡng ép. Em như con chim nhỏ được người ta bắt nhốt, bắt vui bắt khoẻ.

Em dần còn chẳng nhận ra khuôn mặt của mình, của tôi, hay của ai khác. Em nói rằng tất cả chỉ là những linh hồn lạc lõng đánh mất trái tim, nhận trao nhau chút hơi ấm của tình thân.

Và đôi khi tôi không biết, những ngày tháng trôi đi, tôi ở lại đây chăm sóc em vì lí gì? Tôi đớn đau trước từng hơi thở nặng nhóc của em, phải chăng chỉ là cảm xúc của một người bình thường trước một số phận sắp tàn úa. Hay rằng tôi ở đây chỉ là để chuộc lại lỗi lầm khi đã bỏ em một mình. Trái tim tôi có lẽ thực sự giống như lời em nói, hay tôi phải chăng còn chẳng là tôi nữa.

Hôm ấy tôi ngồi cạnh em, em cứ hướng mắt nhìn những cây linh lan bên bệ của sổ.

- Em tưởng lá đã héo rồi chứ?

Lúc ấy, như có mầm sáng thắp lên trong lòng tôi. Tôi đến bên em, nắm lấy đôi bàn tay xanh xao.

- Anh đã tưới nước và bón phân cho nó, cây linh lan khó chăm, càng khó làm nó sống vực lại. Giống như em vậy, nhưng nó vẫn đón nắng, vẫn đón mưa, vẫn đợi chờ những ngọn gió. Và nó vẫn sống.

Em im lặng nhìn những nụ hoa đang đón gió hè, đón ánh trăng đã lên cao.

Tôi mỉm cười với em, dắt em thay đồ. Thư mặc lại chiếc áo trắng với cái váy nhỏ, bộ đồng phục thấm đẫm những kí ức của một Chu Văn An. Tôi cũng thay bộ đồng phục, dắt em ngồi lên xe, đi tới hồ Gươm. Chập sáng thứ sáu mùa hè, một Hoàn Kiếm với những cánh bồ câu hiện trước mắt chúng tôi. Tôi dắt Thư đi qua những con phố cổ, rảo bước dọc đường phố cũ, ghé qua hồ Gươm, ghé tới nhà hát lớn. Bầu trời từ một màu xanh xám dần hửng nắng, em đưa tay ra đón lấy cái nắng đầu hạ mà nhìn tôi.

Chúng tôi đưa nhau qua Hoàng thành Thăng Long, hùa theo những cánh bồ câu trắng bay. Tôi đưa Thư tới một hồ Tây lộng gió, với tay hứng những bông hoa muồng vàng tươi. Cả hai dừng chân dưới cái nắng Chu, đi vòng quanh sân trường, lướt nhìn một kí ức đã qua. Tôi nhìn em, như thấy một Uyên Thư tuổi mười sáu, cô bé lớp 10A1 ngày nào bám theo tôi vào câu lạc bộ. Em cũng nhìn tôi, không nói lời nào. Nắng chiếu vào đôi mắt Yhư, như rọi sáng lại cả trái tim em.

Chúng tôi không chỉ sống, mà còn sống lại những ngày tháng trong trẻo đẹp nhất của thuở thiếu thời.

- Em không phải một linh hồn hay một lớp da trống rỗng, Thư ạ, em là em, là con người còn sống, còn hứng trọn ánh nắng ban mai này.

Tôi nói tiếp.

- Sài Gòn của anh có chợ Bến Thành, có nhà thờ Đức Bà, có Bến Nhà Rồng. Có một Hoàng Minh lớn lên, mang một tình yêu, một nỗi nhớ em về tận Sài Thành, chất chứa mãi không thôi.

Mái tóc của em đung đưa trong gió, em không nói gì suốt đường về. Tôi chỉ thấy em tự mình uống thuốc, rồi lại ngồi trên chiếc giường nhỏ. Đôi mắt em nhìn hoài cây linh lan, nơi nụ hoa đã sắp chớm nở.

Ý nghĩa của hoa linh lan, chính là một hi vọng thuần khiết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro