Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần 1

     Bản người Mông A Dín trên núi Vềnh Sang, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc nằm lẫn cả vào trong mây, quanh năm mờ mờ sương phủ. Người xuôi lên A Dín phải leo qua tám chín tầng cây, đường dốc ngửa mặt. Có khi chân trước bước lên đã chạm ngay vào lồng ngực, ngựa đi cũng chùn lòng, ì ra không chịu chạy. Mà có mấy ai buồn lên cái nơi heo hút này đâu. Người A Dín, cứ thế sống quanh quanh chỏm núi Vềnh Sang cao vút, cần lắm mới chịu xuống thung lũng, men theo người Tày dưới ấy đi chợ huyện hay vào ủy ban, bởi vì chẳng thuộc đường. Gì chứ người A Dín chỉ thạo đường rừng, đường núi thôi.
Người Mông ở Mèo Vạc sống chung với đá. Có cái nương trồng ngô, đá chiếm lấy bảy tám phần. Bà con trồng được một vụ ngô, trong mấy tháng phải gùi đất vun gốc không biết bao nhiêu lần. Núi đá vừa trơ vừa dốc, mưa một trận là mấy gùi đất vất vả lắm mới mang lên được lại trôi sạch. Thế mà vẫn phải sống. Người xưa đã thế rồi, không xuống xuôi ở được, như thế là tranh đất của người ta, mà mình ở không quen, không sống được. Vậy nên người Mông A Dín cũng như bao bản khác ở Mèo Vạc, ở Đồng Văn, vẫn cứ làm nhà trên đá, cấy cày trên đá, ăn với đá, ngủ cùng đá mà lớn lên. Và chết, tìm một hốc đá đủ lớn, đặt người vào đấy, lấy đá lấp xung quanh. Đá ôm người chết vào lòng, che cho hồn ma người chết khỏi vất vưởng khắp nơi.
Trẻ con trên núi Vềnh Sang học hành cũng không đến nơi đến chốn, ở bán trú dưới điểm trường xã bên đến hết tiểu học thì thôi, cốt cho biết tính toán bó củi này bán bao nhiêu tiền, gùi ngô kia đổi được bao nhiêu gạo là được. Học đến hết lớp chín có mỗi bốn đứa, sau lại ba đứa nghỉ ở nhà, có mỗi Lầu Mua Mí nhà Lầu Văn Kênh đi học phổ thông dân tộc nội trú tít bên Đồng Văn, ăn ở dưới ấy cả mấy tuần mới về một lần.
Lại nói, Mua Mí học giỏi lắm, được nhận cái học bổng gì gì đấy của huyện mới được học tiếp vào cấp ba, chứ nhà nó nghèo, ăn chẳng đủ ăn, mặc chẳng đủ mặc, cố cho nó hết lớp chín đã vắt kiệt sức bố nó rồi, lấy đâu ra tiền cho học cao hơn.
Nhà Mí nghèo thật. Mẹ nó theo người ta sang bên kia làm ăn, lại phải nộp cho hai cái vòng bạc dành dụm mãi mới được đi. Mấy năm đầu còn nhờ người này người kia đem về cho mấy đồng, chứ về sau thì mất tăm. Tính đến nay đã mươi năm có lẻ, bố con nhà Mí vẫn thui thủi vào ra, chờ mẹ nó về. Nhiều người bảo mẹ nó lấy chồng Tàu rồi ở luôn bên ấy rồi, nhưng bố nó đâu có nghe. Lầu Văn Kênh không cưới vợ mới cho có người nấu cám lợn, nấu mèn mén đỡ đần, quanh quẩn nuôi bốn chị em Mí lớn tướng.
Lầu Mua Mí nếu không học hành giỏi giang, có khi cũng đã theo con Mùa nhà bên cạnh lấy chồng từ lâu, lại hai nách cắp hai con, quanh năm sặc sụa khói bếp ám hương mèn mén, đượm mùi gỗ thông. Mà có khi cũng chẳng đến mức ấy. Người đẹp như Mí, má phinh phính hồng như trái đào hái trên đỉnh Vềnh Sang, môi cong đỏ lựng như bông gạo nở bung dọc miền biên ải, bắp tay bắp chân tròn lẳn duyên dáng, lại được màu da trắng hoa mận sáng bừng, phải gả vào nhà có ăn có mặc mới xứng.
Thằng Pao nhà giàu nhất bản, có kiềng bạc đầy cổ, có trâu lợn đầy chuồng, đã ngấp nghé để ý Mí từ lâu, nhưng Mí không đồng ý, nó đành bảo thôi, thi thoảng vẫn cứ trêu Mí làm Mí bực mình. Người bản ai cũng bảo Mua Mí chẳng thèm lấy nó đâu, thằng nhà giàu mà thất học, xấu xí bặm trợn, suốt ngày trốn xuống núi theo bọn trai hư người Tày dưới ấy đi trêu gái xuôi. Mua Mí phải lấy người xuôi, trắng trẻo, có học thức, làm cán bộ tít thành phố, có nhà to ở thị xã, có con chó béc giê to kếch sù canh cổng mới xứng đôi, dân bản bảo thế.
Nhưng Mua Mí không nghĩ thế. Hoặc ít nhất là không nghĩ xa đến thế. Mí phải học thật giỏi đã, để nhà nó bớt nghèo, để cho các em nó được ăn no hơn, mặc ấm hơn, học hành đầy đủ hơn. Nó chưa muốn lấy chồng, cũng không muốn lấy chồng bằng cái tiêu chuẩn cao vút lên mây như vậy.
***
Hôm Mua Mí thu dọn mấy bộ váy áo cũ cho vào túi với cái cặp đầy sách vở chuẩn bị xuống trường nhập học hồi lớp mười, nó đi gặp Dình. Dình học cùng cấp hai bán trú với Mí, cũng giỏi ghê đấy, nhưng không học tiếp lên nữa. Nhà Dình có cái quán con con bán muối, cá khô hay mấy thứ giống giống thế, nó phải nghỉ ở nhà để trông hàng.
Mí vẫn luôn cười cái tính của Dình. Con trai của núi mười lăm mười sáu tuổi rồi, vẫn cứ thẹn thùng như con gái. Đi học với Mí gặp bọn trai lớn người Dao, chúng nó hò Dình đánh nhau, Dình sợ rúm người toàn để Mí phải dắt tay chạy phăng phăng xuống dốc. Con trai của núi mười lăm mười sáu tuổi, dáng lại cứng cáp như cành bạch đàn bên rừng Tua San, người lại dẻo dai như dây khâu tẩu trên núi Thôm Tạy, thế mà vẫn nhát. Cứ hơi đi gần Mí là mặt lại đỏ bừng như con gà trống vẫn thường gáy trên bản A Dín, nói năng nhát gừng chẳng nên câu. Cái hôm Mí cầm tay Dình chạy trốn bọn trai Dao, lúc cách xa chúng nó rồi, Mí dừng lại thở, tay vẫn nắm chặt tay Dình. Thế mà Dình lại giằng ra, chạy biến mãi lên phía trước, không cả đợi Mí. Hôm ấy hai đứa giận nhau, vì Dình nỡ phụ công Mí.
Dình đi tìm Mí, là để cho nó cây bút máy Thiên Long bố Dình đi lấy hàng dưới xuôi mua được. Cây bút máy mà Dình yêu quý, chăm chút từng tí một. Hồi trước mang nó đến lớp, đứa nào cũng trầm trồ khen đẹp, khen nét mượt, nét xinh. Cây bút máy Dình luôn tự hào, bây giờ Dình lại mang nó tặng cho Mí. Hai đứa gặp nhau trên đỉnh Vềnh Sang mây cuốn, Mí chạy một mạch lên đến nơi, thấy Dình đang ngồi đần mặt mân mê cây bút. Nhìn thấy Mí, nó lại đỏ mặt, dúi cây bút máy vào tay Mí, lắp bắp vài câu dặn dò: "Mí xuống dưới đấy nhớ học thay cả phần tao đấy. Tao... tao tặng Mí cây bút, coi như là... quà chia tay." Mí còn đang ngơ ra, đã thấy Dình lao xuống dốc, chẳng kịp để Mí nói câu nào hay nhắc Dình chạy chậm thôi không ngã. Mí cũng lao theo, vừa chạy vừa nghe trống ngực dồn dập, chẳng biết là vì chạy nhanh hay vì gì nữa.
Mà cũng có thể là vì cây bút máy đấy. Từ ngày Mí biết đi đứng, biết nói cười, chưa ai tặng Mí bất cứ thứ gì cả. Chỉ có bố mẹ cho Mí yêu thương, nhưng mẹ đi mất rồi, bố ở lại chắt chiu mãi cũng chỉ đủ cho Mí đi học, chứ chưa tặng Mí được món đồ gì cả. Mí ở trên đời này được mười lăm năm rồi, mới có một người, lại là đứa con trai chơi thân với Mí từ lâu, tặng cho một món quà. Dù nó là đồ cũ thôi, nhưng như thế với Mí lại càng đáng quý. Như thế có nghĩa là Dình đặt cả sự trân trọng, chăm chút của mình vào tay Mí rồi đấy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #dântộc