Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 11: Chuyện cũ ở Xuân Nhật yến

Tóm tắt:

Muốn bình yên thì không có tự do, cần tự do thì phải chịu chút nguy hiểm

"Bang!"

"Lý nào lại vậy!" Hoàng đế hung hăng vỗ bàn một cái: "Ngự y do triều đình phái đi cũng dám đánh! Đúng là quá quắt!"

Dường như hắn vô cùng tức giận, hít thở mấy hơi mới miễn cưỡng lấy lại bình tĩnh: "Không có ai truy cứu à? Mấy kẻ bạo dân đó thế nào rồi?"

"Bẩm Hoàng Thượng, đám bạo dân đó theo luật đúng là đáng chém, nhưng... Lúc trong thành, tình hình khẩn cấp mà lại có nhiều người tham gia, pháp không trách chúng, nếu phạt hết sẽ dễ gây nên bạo động. Thế nên... chỉ lưu đày hai người cầm đầu, còn đám còn lại thì thả về nhà."

Hoàng đế ngay lập tức nổi giận. Chu Tốn thấy thế thì nói với hắn: "Hoàng Thượng."

"... Trẫm không sao." Hoàng đế nói: "Sau đó thì sao?"

"Nhờ Trâu Thái y cố gắng hết sức khống chế bệnh tình, lại thêm đã hết mùa nên dịch bệnh cũng dần dần ổn định."

"Tiền xây dựng y quán có đến được nơi đó không?"

Hà Thái y nói: "Y quán đúng là đã được xây, nhưng..."

"Rất vắng vẻ?"

Hà Thái y hơi kinh ngạc nhìn Chu Tốn: "Chuyện này... sao Chu công tử lại biết?"

Chu Tốn nói: "Với chuyện lớn như dịch bệnh thế này mà dân chúng ở địa phương vẫn tin vào Đại Vu, không chịu chạy chữa. Thế thì sao có thể mong ngày thường họ sẽ đến y quán khám bệnh? Mấy y quán đó vẫn có thầy thuốc ngồi khám mà không biến thành chỗ ở của đạo sĩ đã là chuyện tốt hiếm có rồi."

Hà Thái y cười khổ.

"Thà tin Đại Vu, tin phù chú, tin vào ông trời cũng không chịu tin thứ thuốc thật sự có thể cứu mạng mình..." Chu Tốn thản nhiên nói: "Dù có phái thêm thầy thuốc đến cũng vô ích."

Hà Thái y nói: "Đúng thế, người bệnh không chịu uống thuốc, chúng ta cũng không thể bóp má họ rồi đổ thuốc vào miệng được."

"Người nhà của Chương Ngự y đâu?" Hoàng đế đột nhiên hỏi: "Giờ họ thế nào rồi?"

"Bẩm Hoàng Thượng." Hà Thái y trả lời: "Sau khi Chương Ngự y qua đời, người nhà ông đã về quê rồi. Con trai Chương Ngự y mất sớm, dưới gối chỉ còn một đứa cháu gái. Đứa bé ấy đi theo ông từ nhỏ, cũng hiểu được chút y thuật."

"Chỉ có một đứa cháu gái..." Hoàng đế thở dài: "Chương Ngự y hy sinh vì việc công, truy tặng cho ông ấy đi. Tiểu Lý Tử, ngươi sắp xếp một chút. Còn cháu gái của ông ấy, đưa cho nàng ta thêm chút tiền, quan tâm một chút."

Tiểu Lý Tử nhận lệnh, đang muốn rời đi thì Chu Tốn lại nói: "Hoàng Thượng, một bé gái mồ côi ở nông thôn, lẻ loi cô độc như thế thì cuộc sống hẳn cũng không quá tốt. Nếu một bút tiền của phi nghĩa đột nhiên rơi xuống, chỉ sợ sẽ khiến người khác ngấp nghé."

"Ngấp nghé?" Hoàng đế hơi hoang mang: "Đây là tiền do ta... trẫm ban thưởng, cũng có người dám cướp?"

Chu Tốn cười cười, khuôn mặt có vẻ lạnh lẽo: "Trên đời này đâu phải chỉ có một cách để cướp đoạt tài sản của một đứa trẻ mồ côi. Có rất nhiều cách hợp pháp để chiếm lấy số tài sản đó, ví dụ như... cưới gả. Cháu gái Chương Thái y lẻ loi một mình ở nông thôn, chưa chắc đã làm chủ được hôn sự của mình. Nếu tông tộc nàng ta coi trọng cái khoản "của hồi môn" này, cấu kết với người ngoài gả nàng cho tên ất ơ nào đấy thì cuộc đời sau này sẽ không do nàng ta làm chủ nữa rồi."

Hoàng đế trợn mắt há hốc mồm.

Chu Tốn thấy biểu cảm không dám tin này của Hoàng đế thì thầm nhủ trong lòng.

... Hoàng đế đây là bị phỏng đoán tối tăm của cậu dọa à?

Giống như lời Ngũ Vương gia đã nói, đã là thứ cỏ dại mọc ở khe đá thì vĩnh viễn sẽ không thể trở thành một đóa hoa tươi sáng, mềm mại và ấm áp như Chu Thải.

Hoa tươi không cần tranh giành gì cũng có ánh nắng, mưa móc và gió nhẹ. Còn cỏ dại thì phải liều mạng mới có thể sinh trưởng được trong khe đá.

"Vẫn là ngài suy nghĩ chu toàn!" Hoàng đế vỗ tay một cái: "Thế này đi, Tiểu Lý Tử, ngươi sai mấy người đáng tin đến quê nhà của Chương Ngự y, cầm tín vật của trẫm đi tìm nàng ta, hỏi xem nàng ta muốn ở lại quê nhà hay trở lại kinh thành. Nếu đã từng học y thuật rồi thì cho nàng ta đến Thái y viện làm y nữ đi, mua cho nàng ta một tiểu viện để ở. Rồi làm cho nàng ta cái gì nhỉ... hộ khẩu..."

Chu Tốn nhắc nhở: "Nữ hộ."

Hoàng đế: "Đúng đúng đúng. Làm cho nàng ta một cái hộ khẩu riêng, đừng để nàng ta chịu ấm ức. Nếu muốn gả cho người ta thì cũng phải xem xem cái nhà đó làm người thế nào. Nàng ta là trẻ mồ côi của liệt sĩ, đừng quá bạc đãi. Nếu nàng ta sống không tốt thì mặt mũi của triều đình ta xem như mất hết, ngay cả trẻ mồ côi của liệt sĩ cũng không chăm sóc được."

Tiểu Lý Tử nhận lệnh. Hoàng đế nói với Hà Thái y: "Ngươi lui xuống đi. Còn chuyện dịch bệnh, trẫm sẽ bàn bạc lại với Chu tiên sinh."

Hà Thái y: "Vâng."

Hoàng đế: "Tự ngươi cũng về suy nghĩ xem có sáng kiến gì không. Trẫm thấy vừa rồi ngươi lên tiếng, hẳn là cũng có chút ý kiến về chuyện này. Nghĩ kĩ rồi thì ngày mai khi đến bắt mạch bình an có thể nói với trẫm."

Hà Thái y thụ sủng nhược kinh: "Cái này... Vi thần tầm thường, sao có thể..."

Hoàng đế xua tay: "Trong y thuật thì các ngươi mới là chuyên gia, suy nghĩ của các ngươi là chuyên nghiệp nhất, với việc chữa bệnh thì trẫm nên nghe lời các ngươi. Nhưng hoạt động cụ thể ra sao vẫn do trẫm quyết định. Ngươi suy nghĩ cho kỹ, cũng có thể để các đồng liêu trong Thái y viện cùng nghĩ lại. Đến khi đấy ý kiến của ai được đón nhận thì trẫm sẽ thưởng thêm cho người đó. Ngươi đi đầu, trẫm cũng thưởng thêm cho ngươi."

Hà Thái y dập đầu thật sâu: "Hoàng Thượng chiêu hiền đãi sĩ, vi thần tất không phụ sứ mệnh."

Hà thái y mang đầy lòng cảm động rời đi. Trong Ngự Thư Phòng chỉ còn lại Chu Tốn và Hoàng đế.

"Ha ha." Chu Tốn nghe thấy tiếng cười nhỏ của Hoàng đế: "Không hổ là tôi, ném nồi mà cũng ném quen tay đến vậy."

Chu Tốn: ...

"Tiên sinh, cảm ơn ngài." Hoàng đế quay đầu nói với cậu: "Tôi... thực sự không nghĩ đến những trường hợp thực tế này, suýt chút nữa đã hại người ta rồi."

Chu Tốn: ...

Hoàng đế: "Chúng ta bù trừ cho nhau, song kiếm hợp bích, vô địch thiên hạ!"

Hoàng đế giơ tay ra như muốn vỗ tay với cậu, Chu Tốn nói: "Liên quan đến Tây Châu, thảo dân có một ý tưởng..."

Hoàng đế: "Sao ngài lại tự xưng là thảo dân? Thảo dân không dễ nghe gì cả, vẫn cứ xưng 'ta' đi thôi."

Chu Tốn: ...

"Phái thầy thuốc có thể cứu được người Tây Châu trong nhất thời, nhưng không thể làm thế cả đời được. Đối với dịch bệnh, cần để thầy thuốc trị phần ngọn, cũng cần cách để trị tận gốc." Chu Tốn kiên nhẫn nói: "Gốc rễ của chứng bệnh này, chính là sự mê tín của dân chúng với Đại Vu."

Hoàng đế: "Tiên sinh nói rất có lý. Để trẫm phái người chém đầu đám Đại Vu đó."

Chu Tốn: ???

Hoàng đế: "Đám đó không phải tự xưng có vu thuật bất tử à, vậy để chúng chém đầu thị chúng, xem chúng có chết được hay không! Phi, kẻ lừa đảo họa loạn nhân gian, một đao chém chết chúng là lời cho chúng rồi!"

Chu Tốn: ...

Hoàng đế: " Muốn bình yên thì không có tự do, cần tự do thì phải chịu chút nguy hiểm*, lời này là..."

(*): Một câu nói của Lỗ Tấn trong 二月十九日在香港青年会讲, trích từ tác phẩm 知堂回想录 của Chu Tác Nhân – em trai ông.

"Làm thế thì quá cực đoan. Nếu khi bình thường, cực đoan chút cũng không sao. Nhưng giờ đang ở trong dịch bệnh, thứ quan trọng nhất vẫn là ổn định lòng dân." Chu Tốn nói: "Chuyện bệnh dịch không thể kéo dài hơn nữa, phải mau chóng chữa khỏi mới tốt. Nếu dân bản xứ đã mê tín, vậy thì phải lấy độc trị độc thôi."

Hoàng đế: "Lấy độc trị độc bằng cách nào?"

"Nói mấy phương thuốc và cách trị liệu đều chứa tiên lực, là vật chứa vu thuật. Chủ yếu là phải khiến dân chúng nghe lời chữa bệnh. Còn y quán thì phái thêm người đến trông chừng đi, đừng để các thầy thuốc bị thương nữa. Còn việc công bố phương thuốc, Đại Vu là lệ làng, phép vua thua lệ làng, vẫn cần sự giúp đỡ của Đại Vu."

Hoàng đế yên lặn trong chốc lát rồi nói: "Nhưng phải làm sao để khiến Đại Vu hỗ trợ đây? Tôi nói ngài nghe, tôi nghi bá tánh địa phương chống đối thuốc thang như vậy, chắc chắn không thể thiếu việc bọn họ ngầm đổ thêm dầu vào lửa ở bên trong..."

Chu Tốn: "Vậy thì phải tìm ra nhược điểm của họ, đầu tiên thì ra tay với lợi ích quan trọng nhất của họ, sau lại phái thích khách đi ám sát, buộc họ phải hợp tác với triều đình."

Hoàng đế: ??

"Tiên sinh, không phải ngài nói như thế quá cực đoan à?"

Chu Tốn cười cười.

"Nếu trước khi làm chuyện gì đều phải chu toàn mọi mặt thì sẽ không làm nên bất cứ chuyện gì. Đã có chuyện cần làm, tất phải có chút cực đoan ở trong."

Hoàng đế giơ ngón tay cái lên: "Tốt!"

Tiếp đấy, hai người bàn xem làm thế nào để phổ cập khoa học và giáo dục ở địa phương. Hoàng đế ghi tất cả nội dung nói chuyện lại, bùi ngùi nói: "Quả nhiên, học y không cứu được người Tây Châu. Tri thức chính là sức mạnh."

(*): Câu 1. Một câu nói của Lỗ Tấn, gốc là "Học y không cứu được người dân Trung Quốc."

Chu Tốn nhìn về phía hắn: ?

Hoàng đế nói: "Hai câu trên đều không phải do tôi nói."

Chu Tốn: "Câu phía sau là ai nói?"

"Quý ngài Bacon*."

(*): Francis Bacon, Tử tước St Alban đệ nhất, Lãnh chúa Verulam đệ nhất, (22 tháng 1 năm 1561 – 9 tháng 4 năm 1626) là một triết gia và chính khách người Anh, từng giữ chức Tổng chưởng lý và Lãnh chúa Thủ tướng Anh dưới thời Vua James I. Bacon lập luận về tầm quan trọng của triết học tự nhiên, được hướng dẫn bởi phương pháp khoa học, và các tác phẩm của ông vẫn có ảnh hưởng trong suốt cuộc Cách mạng Khoa học.

Chu Tốn: "..." Một lúc sau, cậu thầm ghi nhớ cái tên kỳ lạ này vào lòng.

Hoàng đế rất tán thành với kết quả của buổi thảo luận hôm nay, sang hôm sau liền cho gọi Nội các đến họp, cùng thương thảo quốc gia đại sự.

Chu Thải cũng nằm trong đám đại thần tham dự cuộc họp. Theo lý thuyết, chuyện ở Tây Châu là do y phụ trách.

Khi Hoàng đế đi, Chu Tốn đang ở trong rừng đào ngoài Ngự Thư Phòng. Cậu ngửa đầu, nhìn những cành cây đã sắp rụng hết hoa kia.

Cuối xuân đầu hè, hoa đào đã nở hết từ lâu, chỉ còn mấy cây trổ vài bông hoa tàn trái mùa. Chu Tốn nhìn chúng, bỗng nhớ đến một câu chuyện xưa.

Một buổi Xuân Nhật yến.

Một buổi Xuân Nhật yến... khiến cho anh cậu Chu Thải và Ngũ Vương gia quen biết nhau.

Đó là chuyện thời niên thiếu của cậu. Nhớ kỹ lại thì tuy chỉ mới là chuyện của bảy năm trước, nhưng khi nhớ lại, ngỡ như đã qua cả đời.

Một năm ấy, cậu mười hai tuổi, Chu Thải mười lăm tuổi. Ngũ Vương gia khi đấy cũng là một thiếu niên, gã đến Giang Châu vui chơi, tri châu thiết tiệc khoản đãi.

Vương gia rất thích phong nhã. Gã nghe nói Giang Châu Chu gia có một tài tử, phong lưu tuấn tú không ai bằng.

"Ở thành Giang Châu cũng có tài tử bực ấy ư? Bản Vương ngược lại muốn xem y có gánh nổi cái tiếng tài tử ấy không."

Thế là gã nổi lòng hiếu kĩ, nói với tri châu muốn gặp Chu Thải một lần.

Tri châu vui vẻ đồng ý, ngày hôm sau thì phát danh thiếp khắp nơi, tổ chức Xuân Nhật yến. Yến hội được tổ chức ở rừng đào ngoài thành. Rừng đào như rực lửa, đẹp đẽ vô cùng,

Chu Thải mặc bạch y, quân tử như ngọc. Cậu mặc thanh y, đi theo sau lưng anh trai.

Chủ đề của buổi Xuân Nhật yến là vịnh đào. Người tham gia làm xong một bài thì đưa cho gã sai vặt chép lại, không đề tên, chỉ để họ rồi dán lên một tấm gỗ.

Vuong gia sẽ chọn ra một bài thơ từ tấm gỗ này, chủ nhân của thơ sẽ là người đứng đầu buổi hôm ấy.

Chu Tốn cũng viết một bài. Cậu không chờ được đến phút cuối cùng, vì mẫu thân tái phát bệnh cấp tính nên chạy về.

Hôm sau, khi cậu đang bưng thuốc lên cho mẫu thân thì thấy người trong phủ vui mừng hớn hở. Có người bảo, hôm qua lúc yết bảng, Vương gia nhìn trúng một bài thơ, là tác phẩm của Chu công tử.

Đây cũng là lần đầu tiên Chu Thải và Ngũ Vương gia gặp nhau.

--------------------------------------------------------------

ReK: Theo kinh nghiệm đọc truyện của tui thì dễ ông Thải kia nhận vơ lắm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro