Ông sáu dân
Ông sáu dân
"Thời gian, theo quy luật khắc nghiệt của nó, sẽ xòa mờ đi tất cả; nhưng cũng còn một quy luật khác, mạnh mẽ không kém: có những điều, những con người mà thời gian, ngược lại, sẽ chỉ soi sáng thêm lên, vừa ngày càng rõ ràng, rỡ ràng, vừa như mãi còn bí ẩn, như ngọn núi kia, càng đứng ra xa mới càng đo được hết tầm cao và chiều sâu". Nguyên Ngọc viết như vậy nhân ngày giỗ đầu ông Sáu Dân, một "nén hương lòng" thắp lên để tưởng nhớ Ông.
>> Mới đó, nén hương lòng của những người gắn bó với ông, cảm phục thương nhớ ông vừa thắp lên đã lại đến ngày Giỗ lần thứ hai của ông. Quy luật khắc nghiệt của thời gian đang làm tăng thêm sự nuối tiếc vô hạn và nỗi day dứt: "giá như lúc này mà có ông Sáu Dân"!
Và đó cũng chính là lý do để nói về "hiện tượng Võ Văn Kiệt".
Vì, người ấy, "con người mà thời gian sẽ chỉ soi sáng thêm lên, vừa ngày càng rõ ràng, rỡ ràng, vừa như mãi còn bí ẩn". Sự tinh tế và sự bén nhạy của đôi mắt nhà văn đã diễn đạt được những cảm nhận và suy nghĩ của nhiều người có dịp gần gũi với ông Sáu Dân.
Còn trong suy tư của một nhà trí thức Việt Nam sống ở nước ngoài có một đôi lần gặp ông, thì vấn đề được đặt ra lại là: "Tại sao ông Sáu Dân để lại nhiều tình cảm đặc biệt nơi người trí thức? Chỉ đứng trên lĩnh vực trí thức mà thôi, câu trả lời là: Tại vì, ở cương vị quyền hành, ông đã biết nhìn và nhận người trí thức như vậy. Và tại vì, ở cuối đời, khi chỉ còn cây bút và hai bàn tay không, ông đã làm nhiệm vụ của một người trí thức-một người trí thức như thế ".
Với vị giáo sư đang giảng dạy tại Đại học Paris ấy, anh Cao Huy Thuần, thì "một người trí thức như thế" là người "không đánh mất khả năng tự phê phán, để biết tự mình khai phóng, tự mình đổi mới, tự mình phát triển, tự mình mở cửa cho tiến bộ-để trật tự và ổn định không đồng nghĩa với bất biến, ù lì ".
Vào dịp kỷ niệm 69 năm cuộc khởi nghĩa Nam kỳ lịch sử, ngày 23.11.2009 cũng là ngày kỷ niệm 87 năm ngày sinh của ông Sáu Dân, chúng tôi về Vũng Liêm, quê ông, quê hương của cuộc khởi nghĩa lịch sử mà ông là người chỉ huy cuộc nổi dậy gồm hơn trăm người tấn công đồn Băc Nước Xoáy (bờ sông Măng Thít đoạn xã Tân An Luông và Hòa Thạnh hiện nay).
Thăm lại ngôi nhà của ông Bảy, bà Tám, ông anh và bà chị liền kề với Chín Hòa-Sáu Dân, càng giục giã thêm một suy ngẫm: do đâu mà một người nông dân chân đất thứ thiệt ở miệt vườn Nam bộ này lại trở thành một Võ Văn Kiệt? Càng thêm ngạc nhiên và thêm suy ngẫm về một con người "tự làm ra mình trong cuộc sống, trở thành một trí thức xứng với danh hiệu ấy" như cách nói của Việt Phương.
Trong một số năm của thập kỷ 90 thế kỷ XX bắt cầu sang thập kỷ đầu của thế kỷ XXI có dịp được làm việc với ông, cảm nhận được sức hút kỳ lạ từ dòng tư duy của ông, ngạc nhiên về những đột phá bất thần trong những ý tưởng của ông, xúc động thú vị trong cách ứng xử của ông để hiểu về ông, nhưng cho đến khi bàng hoàng về sự ra đi đột ngột của ông, lắng lại trong nỗi đau mất mát thật phi lý khiến không sao kìm được những day dứt xót xa, mới vỡ ra rằng, còn nhiều điều phải suy ngẫm về con người ấy : Võ Văn Kiệt là một hiện tượng cần phải được tiếp tục khám phá.
Đúng là, "càng đứng ra xa mới càng đo được hết tầm cao và chiều sâu" của con người ấy. Để giải mã được "hiện tượng Võ Văn Kiệt", đòi hỏi thời gian, tâm huyết và trí tuệ. Không phải nhằm tụng ca một cá nhân, nếu thế thì vô bổ! Mà là để lần tìm ra quy luật hình thành một tính cách, một bản lĩnh. Để làm gì?
Để tin rằng, khi nhu cầu của cuộc sống chín muồi, tất yếu xuất hiện được nhân vật đáp ứng nhu cầu ấy. Để tin rằng, nền văn hiến dân tộc hun đúc từ khí thiêng đất nước mà ông cha ta bằng mồ hôi và máu đã tạo dựng và gìn giữ, ngọn nguồn sức sống bất tận của khối quần chúng nhân dân bình thường và vĩ đại, sẽ sản sinh ra con người như vậy. Đương nhiên, phải kiên nhẫn diệt sâu cắn lá phá mầm, vừa biết vun gốc và làm mát rễ. Như vậy là phải có thời gian. Thời gian là ân huệ trong sự nghiệt ngã.
Còn ngay bây giờ, nếu chỉ cần một từ thôi để nói về Ông, thì đó là "DÂN". Yếu tố DÂN là chìa khóa để giải mã "hiện tượng Võ Văn Kiệt". Vì, nói đến dân tộc, trước hết và sau cùng là phải nói đến "dân". Nói đến sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là nói đến sự gắn bó, thông cảm, tin tưởng và khoan dung giữa những "người trong một nước phải thương nhau cùng" trong tự tình dân tộc vốn trầm tích trong tâm hồn Việt Nam, truyền thống Việt Nam.
Cũng vì vậy, phải đau đớn mà nhìn nhận rằng, truyền thống tốt đẹp đó từng bị rạn nứt, thậm chí có lúc bị băng hoại trong môi trường chiến tranh kéo dài. Khi ngôn ngữ của gươm giáo, súng đạn tạo nên chất men say, có khi là vô thức ở những người sử dụng nó, sẽ có sức tàn phá vượt khỏi mọi dự kiến, mọi mong muốn. Nguy hiểm nhất là các thế lực bên ngoài đều biết khai thác, tận dụng một bộ phận những đám đông, vì nhiều lý do, đã trở thành lực lượng hậu thuẫn cho chúng. Những thân phận ấy bị hút vào cơn lốc "giống như những chiếc lá mà giông bão cuốn lên, tan tác mọi ngã, rồi tự rơi xuống"1.
Ông Sáu Dân là người hiểu ra rất sớm để có cái nhìn thấm đẫm tính nhân văn về "những chiếc lá trong cơn giông bão" ấy mà mạnh dạn đưa ra những giải pháp, những quyết sách. Thẳng thắn đặt ra những vấn đề gai góc và nhạy cảm này ông hiểu rằng sẽ gặp những lực cản không nhỏ và dai dẳng. Điều này dễ hiểu. Ở những quãng sông nước chảy xiết, nhất là ở những khúc ngoặt, váng bẩn sẽ nổi lên nhiều, nhưng dòng sông vẫn chảy. Khi tư tưởng đã đi vào cuộc sống, được nhân dân đón nhận, tư tưởng sẽ biến thành sức mạnh quét sạch những rào cản.
Nhờ coi trọng dân, chân thành lắng nghe ý chí và nguyện vọng của dân, khởi động và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân mà có được tầm nhìn vượt xa lên phía trước .
Với tầm nhìn ấy, Sáu Dân thường đưa ra những ý tưởng mang tính đột phá có sức gợi mở lớn trên những vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối nội và đối ngoại. Mà "đột phá" được là vì biết tắm mình trong biển cả nhân dân, học được từ dân tính năng động sáng tạo để bồi đắp cho trí tuệ của mình khiến cho trí óc không bị xơ cứng vì những công thức cũ kỹ cứng nhắc, những giáo điều ẩm mốc đã bị cuộc sống vượt qua. Để có cái đó, phải ra sức mở rộng dân chủ, xem đó là điều kiện tất yếu để có đoàn kết, động lực quyết định của phát triển.
Có phát huy dân chủ mới phát hiện và quy tụ được hiền tài, làm bừng nở trí tuệ và tài năng của mỗi người Việt Nam trong và ngoài nước, trước hết là của thế hệ trẻ, nguồn sinh lực của Tổ quốc. Có vậy mới tìm ra được giải pháp cho mọi tình huống. Cho nên, khái niệm Dân trong khối óc và trái tim của ông gắn làm một với dân chủ.
Từ cuộc sống nhẫn nại và quyết liệt của đồng bào mình, ông tiếp thu những nét thâm thúy và mộc mạc hòa quyện trong sự thông tuệ dân gian thấm đẫm chất văn hóa. Cùng với cái đó là những cố gắng tự làm giàu trí tuệ của mình bằng sự học hỏi và lắng nghe chuyên gia, những trí thức mà ông thật lòng quý trọng. Đó là suối nguồn bất tận làm nên một nhân cách văn hóa Võ Văn Kiệt, vừa có sự dung dị nhưng không kém sâu lắng, vừa bộc trực, hồn nhiên nhưng không thiếu phần minh triết và tế nhị trong ứng xử, trong quyết sách, những điều thể hiện một tầm vóc Võ Văn Kiệt.
Bình sinh, những ý tưởng của ông Sáu Dân từng gây được ấn tượng mạnh cho những ai đang ưu tư về vận nước, cho những trái tim biết rung động với những ngang trái của cuộc đời, những đầu óc dám vượt qua những hạn hẹp trói buộc của định kiến để không chịu dẫm chân lên những lối mòn quen thuộc, hướng suy nghĩ vào những tìm tòi, những tháo gỡ.
Ngẫm nghĩ chuyện này, bỗng nhớ lại trong một trang viết, Phạm Văn Đồng gợi lên một hình ảnh thú vị về Hồ Chí Minh gặp Các Mác: "Có thể Các Mác vui lòng nhắc lại một câu nói mà tôi luôn luôn ghi nhớ trong ký ức của mình: "Tôi đã gieo những con rồng và tôi đã gặt được những con bọ". Thật có đúng như vậy, song cũng có những con rồng..."2. Phải chăng Võ Văn Kiệt-Sáu Dân là một trong những sản phẩm xứng đáng, "một con rồng" theo cách nói của C.Mác và Phạm Văn Đồng, với hạt giống cách mạng Các Mác và Hồ Chí Minh đã gieo?
Quả là cuộc đời còn quá nhiều con bọ, nhưng nhờ có những học trò ưu tú của Các Mác, của Hồ Chí Minh, những người như Sáu Dân, khiến cho người ta tin được rằng : lý tưởng của Các Mác và Hồ Chí Minh là cao cả và vĩ đại, sự nghiệp của Hồ Chí Minh và dân tộc của Người, nhất định đi đến thắng lợi. Mà đi đến thắng lợi được là nhờ vào tầm nhìn và bản lĩnh của người lãnh đạo hiểu sâu sắc ý chí và nguyện vọng của dân, biết tiếp nhận từ dân nguồn sức mạnh bất tận để bồi bổ cho trí tuệ và năng lực của mình, để do đó mà có đường lối đúng, giải pháp đúng.
Với tầm nhìn ấy, ông sòng phẳng đặt ra câu hỏi: "Những kinh nghiệm quốc tế vừa qua càng chỉ rõ thêm rằng nếu chỉ dùng đối đầu và bạo lực để giải quyết những thù hận thì chỉ đẻ ra thù hận. Nếu dùng cách cảm hóa để giải quyết thù hận thì thì có thể triệt tiêu được thù hận và tạo ra sức mạnh càng ngày càng dồi dáo hơn. Nếu cứ còn chia rẽ do hận vì bại, kiêu vì thắng, thì có ích gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế?"3.
Trong một bài viết nhân kỷ niệm 87 năm ngày sinh của ông, Nguyễn Trung, nguyên là trợ lý của ông trong nhiều năm, cho biết: "Có lần anh Sáu tự nhiên thốt lên giữa phòng làm việc của chúng tôi: Mỗi năm đến dịp kỷ niệm ngày 30 Tháng Tư, có nhiều người vui chắc cũng sẽ có người buồn, dù mấy thập kỷ đã qua... Rồi đột nhiên anh đặt ra câu hỏi: Có thể định ra một ngày nào đó hàng năm tổ chức một ngày lễ cầu siêu toàn quốc cho mọi vong linh trong chiến tranh của đất nước được không nhỉ?
Vào một dịp khác, trong không khí liên quan đến ngày lễ Rằm tháng Bảy, anh Sáu lại nêu ra câu hỏi này giữa chúng tôi. Anh cho đấy còn là một cách ôn cố tri tân, đời đời khắc cốt ghi xương bài học đại đoàn kết dân tộc...".
Luôn có mặt rồi bám trụ nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến đấu cùng với đồng bào, đồng đội, đồng chí của mình, điều ấy đã hun đúc nên trong Sáu Dân một đức tính rất quý của người cách mạng là hết sức quan tâm đến những con người mà ông hàng ngày gặp gỡ. Ông biết cách chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của từng con người trong nhiều tầng lớp nhân dân, những người ông có dịp gần gũi và cả những người ông chưa từng gặp gỡ.
Chính đức tính đó khiến cho nhiều giải pháp trong chủ trương chính sách ông đưa ra có được sự thấu tình đạt lý, chinh phục được lòng người. Do cảm nhận được về những con người đang cùng ông chia ngọt sẻ bùi, đã cưu mang giúp đỡ ông, rồi con người ở nhiều cảnh ngộ khác nhau với cách biểu tỏ lòng yêu nước, thương nòi không giống nhau, thậm chí có khi rơi vào những tình huống éo le, khó xử mà ông từng chứng kiến, khiến cho ông thấm thía hơn ý nghĩa "đoàn kết đồng thời có nghĩa là phải khoan dung" trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tình cảm ấy, tư tưởng ấy dẫn dắt, chỉ đạo cách ứng xử của Võ Văn Kiệt trong rất nhiều trường hợp làm xúc động lòng người, giàu sức thuyết phục mà mọi người đã biết. Những ứng xử ấy, về khách quan, mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Song Sáu Dân không định làm "chính trị", mà là những ứng xử tự nhiên bộc trực rất dung dị, chân tình trong phong cách quen thuộc của ông. Đó là ứng xử giữa con người với con người, những con người bình thường "có tấm lòng" với nhau.
Đem tấm lòng chân thành và cởi mở để đến với những con người mà ông muốn tiếp xúc, để rồi khi nằm xuống, cuộc đời nhớ đến ông như nhớ tới "một người con ưu tú nhất của đất nước, một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng vào bậc nhất trong thời kỳ mới, một con người bình thường mà phi thường"4..
Và rồi trong sự phong phú và đa dạng của cuộc đời, cũng có người nhớ tới ông "như nhớ tới một con người đi chân đất, một con người mà chỉ với một lời cam kết có tính chất cội nguồn, đã vượt qua được mọi trở ngại trong guồng máy khắc nghiệt được bảo vệ bằng những giáo điều xơ cứng, để giữ mãi cho mình được mối liên hệ hồn nhiên với đông đảo những con người làm nên cái mảnh đất ngàn năm của ông"5.
Chính với "những con người làm nên cái mảnh đất ngàn năm của ông ", những người thân thiết cùng một chiến hào với ông, những người chiến sĩ luôn đi tiên phong trong những cam go ác liệt nhất của cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù, những đồng chí, đồng đội, đồng bào chí cốt, từng chia bùi sẻ ngọt với ông, cũng như với những người "chỉ đến với cuộc cách mạng như một sự gặp gỡ trên đường đi tìm một lời giải chung cuộc cho đời sống" 6 tình cờ gặp ông, rồi cả với những người hôm nao còn ở trên trận tuyến phía bên kia, nay vì những lý do không giống nhau, đã tìm đến ông, hay có khi chính ông chủ động tìm đến họ, để góp một tiếng nói, một nỗi niềm...đã hình thành nên một một mối quan hệ thân tình, cởi mở với Võ Văn Kiệt, mối quan hệ giữa người với người.
Tính bền vững của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chỉ có được khi biết xây đắp trên mối quan hệ giữa người và người đó. Mà muốn thể phải hiểu con người, phải tin ở con người, phải biết khơi dậy ngọn lửa ấm trong từng con người có khi đã nguội lạnh hoặc bị vùi lấp trong sự nghiệt ngã đến phi lý của chiến tranh, đặc biệt là của cái hố sâu giả tạo về cuộc đối đầu của cái gọi là "ý thức hệ" giữa những người có cùng một dòng máu Việt Nam chảy trong huyết quản.
May mắn thay, cái gọi là "ý thức hệ" ấy đã được nhìn nhận lại với cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thông qua tại Đại hội VI của Mặt trận với sự khẳng định: "...đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới..."7. Đây là một bước quan trọng có ý nghĩa đột phá về tư duy nhằm xây dựng khổi đại đoàn kết dân tộc. Võ Văn Kiệt là người hết lòng cổ vũ cho bước đột phá đó.
Về mặt này, Võ Văn Kiệt là người học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh, bằng hành động thực tế đã thấm nhuần và thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống: chắt chiu, trân trọng gìn giữ và phát huy từng cá nhân con người. Phải coi trọng từng cá nhân con người mới có thể xây đắp nên khối đại đoàn kết dân tộc. Chính vì hiểu con người, quan tâm đến con người, Võ Văn Kiệt biết dành những ưu tư của mình về một số nhân vật lịch sử đang bị hàm oan cần phải được nhìn nhận lại để trả về cho họ tính công minh của lịch sử.
Đảm bảo tính công minh lịch sử cũng chính là một nhân tố hết sức quan trọng đến việc tạo dựng niềm tin, chinh phục lòng người để gắn kết họ lại trong sự nghiệp cao cả. Bởi lẽ, là nhân vật lịch sử thì họ đã đi được vào lòng công chúng, sự hàm oan của họ do sự ấu trĩ của nhận thức, sự khiếm khuyết của tư duy hoặc do sự áp đặt một chiều của lối độc quyền tư tưởng một thời sẽ làm xói lở thậm chí hủy hoại niềm tin của xã hội về chính nghĩa, về sự đòi hỏi xóa bỏ bất công.
Lịch sử chỉ xảy ra một lần, nhưng cách nhìn nhận và đánh giá thì tùy thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp. Song sự đánh giá đúng sai lại có tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của thế hệ đang sống muốn gửi gắm niềm tin của mình vào tính công minh của lịch sử. Khi người ta tin rằng, cuối cùng rồi lịch sử sẽ trả về cho con người sự phán xét công minh, thì đó là điểm tựa rất quan trọng để người ta tin vào chính nghĩa, tin vào chân lý, để bằng niềm tin đó mà chỉ đạo hành vi của mình trong cuộc sống hôm nay.
Có điều ấy bởi lẽ, trong cuộc sống, không phải lúc nào cái thiện cũng thắng cái ác, chính nghĩa có lúc bị lu mờ, thậm chí bị tước bỏ! Thì lịch sử đầy rẫy những hôn quân, bạo chúa lộng hành đấy thôi! Những cặn bã sâu mọt cũng có lúc chiếm lĩnh thế thượng phong, khiến cho nhiều bậc thức giả phải ngậm ngùi. Khi một người từng làm nên lịch sử như Nguyễn Trãi mà vẫn phải chịu hàm oan thảm khốc thì đâu chỉ "anh hùng di hận kỷ thiên niên".
Sức tàn phá của nó ghê gớm hơn nhiều. Nó lung lạc niềm tin vào chính nghĩa, đầu độc bầu không khí xã hội. Và khi lịch sử trả về cho người anh hùng dân tộc vị thế đúng như ông đã tạo dựng nên bằng bản lĩnh và tài năng của mình, thì lịch sử cũng trả về cho con người, cho công chúng niềm tin vào cái đúng, cái tốt và cái đẹp.
Những cái đó góp phần quan trọng xây đắp nên nền tảng tinh thần của đời sống xã hội mà Nghị quyết của Đảng từng khẳng định khi bàn về văn hóa. Chính là vì cái nền tảng ấy, vì cuộc sống của ngày hôm nay mà Võ Văn Kiệt bàn đến chuyện đã qua, chuyện lịch sử. Đó là một ứng xử văn hóa, một tính cách văn hóa.
Cũng vì thế, đã có lần ông phàn nàn với người có dịp gần gũi ông sao không cho ông biết sớm về "sự kiện Nguyễn Mạnh Tường", nhà trí thức lớn đã từng có những hàm oan vô lối do sự ấu trĩ cực đoan một thời.
Duyên do là sau khi đọc lại bài phát biểu của luật sư Nguyễn Mạnh Tường tại Câu lạc bộ Đoàn Kết Hà Nội năm 1955 và bài phê phán truy chụp rất ác ý nhà trí thức ấy, ông băn khoăn "tôi nhớ, năm 1994, lúc ấy tôi còn giữ trách nhiệm Thủ tướng Chính phủ, và lúc ấy giáo sư Nguyễn Mạnh Tường vẫn còn ở Hà Nội, lúc ấy anh cũng đã ở trong Tổ Tư vấn của Thủ tướng, sao anh không nói kỹ với tôi về chuyện của ông ấy, để ít nhất, tôi cũng có thể đến thăm và biểu tỏ tấm lòng của mình, một sự xin lỗi về những gì đã xảy ra cho cuộc đời và sự nghiệp của một trí thức tiêu biểu như ông ấy"!
Cũng tương tự như vậy, một buổi chiều ở Đà Lạt cuối năm 2006, sau khi làm việc với mấy kiến trúc sư về vấn đề quy hoạch trùng tu, sửa chữa và tôn tạo cảnh quan đô thị của thành phố cao nguyên độc nhất vô nhị này, ông đưa ra yêu cầu với người cùng đi với ông trong chuyến khảo sát ấy: "này mình muốn đi thăm một người mà nghe nói vì do đọc và giữ một bài phát biểu của mình mà rồi bị lôi thôi mãi, anh ấy chắc ở không xa đây mấy, cậu với mình đi đến thăm anh ấy một lúc đi". Ý định ấy không thực hiện kịp vì chỉ còn có một tiếng nữa phải bắt đầu cuộc gặp lãnh đạo tỉnh theo kế hoạch đã vạch ra từ trước khiến ông rất băn khoăn.
Cùng với những hành động, những ứng xử cụ thể như vậy, bằng những trải nghiệm trong thực tiễn khắc nghiệt và sống động của một người đứng mũi chịu sào ở những nơi gian khó nhất, Võ Văn Kiệt đặt ra những suy tư về những bài học được rút ra từ thự tiễn khắc nghiệt và sống động đó: "Kinh nghiệm lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng có rất nhiều trường hợp, một giải pháp từng bị coi là chệch hướng trong một thời gian dài, nhưng sau này lại thấy là đúng. Nhiều giải pháp coi là đúng hướng thì lại vấp phải ách tắc, thất bại". Vì thế ông Sáu Dân thẳng thắn đặt câu hỏi: "Vấn đề thực ra có thể là rất cụ thể và sòng phẳng: trên chặng đường trước mắt, thế nào là hướng và thế nào là chệch?".
Những người từng gần gũi với ông Sáu Dân chắc có thể khẳng định rằng những trăn trở cỡ như vậy trong ông không hề là chuyện hiếm hoi, mà là thường trực trong tâm hồn ông. Đó là tâm hồn của người chiến sĩ cách mạng từng vào sinh ra tử, tính mạng đôi lúc như treo trên ngọn chỉ mành, chỉ nhờ những ngẫu nhiên bí ẩn và may mắn cộng với bản lĩnh của một người có "thần kinh thép" mới thoát hiểm được. Và đó cũng là tâm hồn rất nhạy cảm.
Việt Phương, một người bạn gần gũi với anh Sáu Dân, cùng với nhận xét đã dẫn ra ở trên, đã nói về điều này như sau: "Giàu kinh nghiệm sống, giàu kinh nghiệm người. Và anh Sáu Dân là một người cả tin, dễ trao sự tin cậy của mình. Người từng trải ấy vẫn có sự ngây thơ. Đó là một nét dễ thương của con người và một nhược điểm của người lãnh đạo".
Trong cuộc sống riêng tư của mình, ông âm thầm chịu đựng những nỗi đau thầm kín, và rồi, bản lĩnh của ông càng vững vàng bao nhiêu, nghị lực của ông càng mạnh mẽ chừng nào thì sự chịu đựng của ông càng phi lý chừng ấy. Trong bài viêt vừa dẫn, Nguyễn Trung thuật lại: "Một lần vào buổi chiều gặp anh, tôi chợt thấy bàn tay phải của anh bỗng nhiên phải băng sơ sơ lại. Tôi hỏi thăm, anh Sáu trả lời một cách gượng gạo "À, mình bị té ấy mà!..". Tôi biết ngay là anh giấu tôi một chuyện đập bàn đập ghế gì đó và đang âm thầm chịu đựng một mình".
Có những giọt nước mắt người đời không trông thấy, mỗi người trong cuộc sống riêng tư hiếm ai tránh khỏi điều ấy, và ông Sáu Dân cũng không là một biệt lệ. Khác chăng là ở bản lĩnh và nghị lực phi thường của ông để cho những bi kịch cá nhân, khi tâm hồn [chưa] được thanh thản" vì "những nỗi đau khôn nguôi" không ảnh hưởng đến trọng trách ông đang gánh vác.
Câu chuyện của ông, một lão tướng cách mạng ở tuổi 85, kể cho một người bạn vong niên kém ông đến hơn một giáp, khiến anh ta khi kể lại vẫn không nén được xúc động: "...một con người vào sinh ra tử, luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió của những thử thách khốc liệt, chứng nhân của những biến động cách mạng dữ dội nhất của đất nước, góp phần khá quyết định vào những tình thế ngặt nghèo, biến nguy thành an, biến bại thành thắng thế mà giờ đây cứ phải phân trần với mình về một quyết định riêng tư, rất riêng tư mà thật ra, bằng bản lĩnh của ông, quyền lực của ông, quyết định ấy có thể phải được thực hiện trong chốc lát". Có lẽ chuyện riêng tư ấy cũng không nên nói ra đây ngoài điều mà báo chí đã từng đăng tải.
Trong bức thư "Kính gởi Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ Vĩnh Long" viết ngày 13.9. 2001 có đoạn: "... tôi có một hoàn cảnh riêng khá đặc biệt, người vợ quá cố của tôi và hai con tôi lại nằm xuống tại một đoạn sông Sài Gòn, không tìm được xác do giặc Mỹ sát hại (1966). Những nỗi đau không nguôi gần 30 năm, và từ đó tôi có một nguyện vọng: Khi tôi qua đời được hỏa táng và rải tro xuống đoạn sông Sài Gòn để trọn nghĩa thủy chung, đúng với lời hẹn ước ban đầu, đó cũng là truyền thống thủy chung của dân tộc. Vậy là đúng đạo lý của con người bình thường. Nếu có một thế giới nào đó ở phía bên kia, thì tôi sẽ gặp lại vợ con tôi, còn không- chắc là không- thì tâm hồn cũng được thanh thản".
Trong cuốn nhật ký, ngày 10.8.2008 ông ghi: "Tôi tưởng tượng như người vợ quá cố và hai con tôi đang mong đợi tôi ở thế giới bên kia, cũng có nghĩa tại nơi chia ly ở dòng sông này, nay là ngày sum họp". Giờ đây con cháu ông xem những dòng đó lời nguyện ước thiêng liêng ông đã di chúc lại cho cuộc đời.
Và rồi ngày 11.1.2009, tại đoạn sông Sài Gòn chảy qua địa phận Củ Chi này, nơi người vợ thân yêu của ông cùng hai con, một gái một trai hy sinh khi chiếc tàu khách chở họ bị máy bay Mỹ bắn chìm, gia đình ông đã thực hiện di nguyện của Ông. Anh Thanh Nam, con trai ông và chị Hiếu Dân, con gái ông và những người thân của ông trong gia đình đã rải tro và rắc hoa xuống dòng sông nhân ngày giỗ lần thứ 43 của bà Trần Kim Anh, người vợ yêu quý của ông.
Nhưng, cũng như ông đã viết: "Tôi biết là khi tôi nằm xuống, tôi không còn là của riêng tôi, cũng không là của riêng gia đình tôi", vì vậy tro mà hôm nay gia đình ông rải xuống dòng sông là tro của những di vật thiêng liêng gần gũi với ông được hỏa táng cùng với bức chân dung lớn của ông đã đặt tại chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử (Quảng Ninh) sau lễ cầu siêu nhân 49 ngày mất của ông vừa được rước về.
Ngồi trên chiếc canô trở về sau khi đã hoàn thành di nguyện của người đã mất, cụ Trần Quang Hiến, anh ruột của bà Trần Kim Anh kể với chúng tôi: "Út lớn" là tên thường gọi trong nhà của cô em tôi. Mẹ cháu Hiếu Dân hiền dịu và thương yêu chồng con nhất mực. Trong vườn nhà tôi có một cái ao sen. Mỗi lần chồng về thăm, hai vợ chồng lại ra ngồi giặt áo bên bờ ao sen ấy".
Chao ôi, "giặt áo bên bờ ao sen", những cứ muốn thầm hát lên câu ca dao cổ mặn mà đằm thắm để khỏi phải nhiều lời nói lên vẻ đẹp cảm động ấy:
"Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà..."
Hình ảnh kia càng đẹp rạng rỡ và đằm thắm bao nhiêu càng giúp hiểu thêm nỗi đau thầm lặng mà ông phải nuốt vào lòng trong hơn hai thập kỷ mà mãi cho đến hai năm cuối đời, ông mới có thể dứt khoát. Trang, người chiến sĩ bảo vệ gắn bó với ông Sáu Dân trong nhiều năm, thì thào cảm động chỉ những cánh hoa được rải xuống dòng sông đang vương bụi tro vừa rắc từ tay Hiếu Dân, mặc cho nước giữa dòng chảy xiết vẫn cứ quây tụ lại xoay tròn ở phía trái gần sát bờ : "Chú có nghĩ là chú Sáu đang đoàn tụ với cô và các anh chị sau hơn bốn mươi năm chờ đợi không? ".
Sao lại không nghĩ được! Phải nghĩ như vậy. Cuộc sống có những ẩn số mà lời giải còn nằm phía trước. Với những ai sống trung thực với cuộc đời và với chính mình thì đều có thể cảm nhận-mà cũng chỉ cần chân thành cảm nhận-những dấu ấn tâm linh ghi đậm những khắc khoải suy tư, những day dứt tâm niệm, những dằng xé phán xét và những phút thanh lọc tâm hồn để hướng về cái thiện, cái đẹp, cái tốt mà đón nhận những ân huệ của cuộc đời.
Một di nguyện thiêng liêng như thế, lại được những tấm lòng nhất mực kính yêu ông thực hiện, sao lại không xoa dịu được nỗi đau của một người đã dành trọn đời mình cho dân cho nước. Vả chăng, "khoa học có thể hoạt động không cần tới tâm linh. Tâm linh có thể tồn tại không cần tới khoa học. Nhưng con người, để trở nên hoàn thiện, thì cần phải có cả hai"8.
Đúng vậy, mỗi lần đứng trước mộ ông tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với hai chậu sen kín đáo gợi những kỷ niệm xao động lòng người, dưới tấm bia luôn có hoa tươi của những người tưởng nhớ đến ông, người vẫn sống mãi trong lòng họ càng trào dâng một nỗi niềm thương nhớ!
Nhìn lên tấm bia khắc ghi hình ảnh ông và người vợ thương yêu của ông, bà Trần Kim Anh, cả hai như đang thanh thản đón nhận niềm ưu ái chân thành và cảm động của cuộc đời dành cho họ, cuộc đời mà họ đã từng yêu thương và trọn vẹn cống hiến.
Khi một người đã biết sống hết mình với cuộc đời như ông Sáu Dân, một cuộc đời tuyệt đẹp với những khúc tráng ca oai hùng trên mọi trọng trách trong sự nghiệp của Đảng, của dân và cũng không thiếu khúc bi ca trong cuộc sống riêng tư thì đó là điều dễ hiểu. Mà nghiệm ra, càng không thể tránh khỏi những giọt nước mắt người đời không trông thấy, sẽ càng làm cho hình ảnh vĩ nhân gần gụi hơn với cuộc sống con người.
Chính suy tư này đã giục giã những người từng may mắn gần gũi, than thiết làm việc trong những năm cuối đời của ông tổ chức lễ cầu siêu cho ông tại chùa Hoa Yên trên mảnh đất thiêng Yên Tử mà hiện nay linh vị của ông được đặt tại gian thờ tổ dưới bệ thờ Tam Vương quanh năm hương khói.
Hôm rồi "hành hương" về chốn đất thiêng, đến thắp hương trước Tháp Tổ, nơi đặt xá lợi Phật Hoàng Trần Nhân tông mà cứ miên man day dứt về một ý trong "Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh" : "Người ta thấy Điều Ngự đệ nhất tổ [tức Trần Nhân Tông] đến ở chùa Hoa Yên thì bảo là Ngài xuất gia. Ta biết rằng - Ngài lúc bấy giờ đã xem thiên hạ là công. Trong nước vô sự, nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, chưa được an tâm... Cho nên nhằm được ngọn Yên Tử là núi cao nhất, phía Đông nhìn về Yên Quảng, phía Bắc liếc sang hai tỉnh Lạng, dựng lên ngôi chùa, thời thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm. Thật là một vị Vô lượng lực Đại thế chí Bồ Tát"!*
Giải thích về lý do nói trên trong việc lên Yên Tử của vị Vua anh hùng đã từ bỏ ngai vàng về nơi núi cao mây phủ này để chuyên nghiên cứu về Phật học, trở thành vị Tổ thứ nhất của dòng Thiền Trúc Lâm chắc là còn nhiều tranh cãi. Nhưng cái ý tứ nhằm đưa đến sự giải thích đó thì thật đáng suy ngẫm.
Đừng quên rằng ở trong cái thế kẹt của vị trí địa-chính trị trứng chọi với đá thì nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và thường trực ý thức cảnh giác giữ nước là điều mỗi người Việt Nam phải thường trực ghi xương khắc cốt. Bình sinh ông Sáu Dân luôn thường trực ý thức ấy và không ngừng khuyến cáo những người có trách nhiệm không được một thoáng lơ là điều ấy. Chắc rằng từ đất thiêng Yên Tử, đôi mắt của ông Sáu Dân học theo ông cha, có dịp nhìn bao quát núi sông, đất nước, để càng thêm nhớ thêm thương nhân dân mình.
Càng siêu thăng tịnh độ, ông càng hiểu rõ về nhân dân mình mà vì họ, ông đã cống hiến trọn cuộc đời oanh liệt và nhân ái của mình. Tư tuởng của ông, vì vậy, sẽ sống mạnh mẽ trong nhân dân mà vì họ ông đã hiến dâng trái tim và khối óc của mình. Và vì thế, tuy trái tim ông đã ngừng đập nhưng tư tưởng và hoài bão của ông vẫn sống động trong đời sống dân tộc, trong lòng của nhân dân. Hàng triệu triệu trái tim đang đập theo mạch sống của dân tộc và của thời đại càng thương nhớ ông và hiểu rõ hơn sức mạnh giục giã của tư tưởng và hoài bão của Sáu Dân. Chính vì thế mà cuộc đời vẫn cảm nhận được nhịp đập của trái tim "Sáu Dân trong lòng Dân". Vì khi đã ở được trong lòng Dân thì trở thành bất tử!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro