Ông Dính về làng
Lại một mùa đổ ải. Những luống cày hôm qua đất còn bạc phếch sau bao ngày phơi nắng, chiều nay đã sôi xèo xèo như tôi vôi khi bác nông giang khơi những nhát cuốc cho nước từ máng tràn vào ruộng. Tháng Chạp vẫn có những ngày nắng đẹp. Nắng cuối đông thật hiếm hoi và ấm áp . Ai ai cũng tất bật với công việc, tranh thủ những ngày giáp Tết.
Nước từ sông Thái Bình cuồn cuộn tràn vào cửa con sông thủy lợi. Rồi từ đó dâng lên các mương máng, lên lỏi vào từng thửa ruộng. Khu ruộng chiều trũng chỉ trong một ngày mà nước ngập túp cả luống cày. Trông xa chỉ còn thấy những bờ thửa , cỏ phất phơ vàng úa. Trên đồng, mạ đã đến lịch cấy đông, ấm chân xanh rờn .
Cả làng đổ ra đồng. Người lớn thì tất bật tát nước, gánh phân, cày bừa, nhổ mạ . Trẻ con như chúng tôi thì phụ việc với cha mẹ, cũng lội bì bõm bùn nước cả ngày, cuối buổi lại chăn trâu cắt cỏ. Phải chịu khó làm thì mới được người lớn cho đi chợ Tết .
Lại sắp Tết, với trẻ con là bao ngày tháng mong chờ. Chúng tôi ngày ấy mong ghê lắm, đếm từng ngày một trên tờ lịch, còn mở cho cong queo cả mép cuốn lịch để xem mấy tờ đo đỏ liền nhau nằm ở chỗ nào. Và năm nào cũng vậy, như một lời hẹn, cứ khoảng một tuần trước Tết làng tôi lại nhộn nhịp hẳn lên. Tranh thủ sau giờ làm đồng về, đã có vài nhà dựng cây nêu, treo cờ và xén hàng găng trước ngõ. Bọn thiếu nhi chúng tôi giáp Tết sẽ có một buổi tập trung quét dọn đường làng ngõ xóm cho sạch sẽ tinh tươm.
Những người làm đồng bận rộn là thế nhưng thoáng thấy bóng xe ô tô đỗ ở tỉnh lộ ngay lối rẽ xuống con đường dẫn vào làng là ai cũng ngóng. Người cấy, người nhổ mạ dừng hết, đứng thẳng lên mà hóng, mà đoán xem ai xuống xe, người nhà ai về ăn Tết. Ngày ấy, đường về huyện còn rải đá lổm nhổm, xe chạy bụi cuốn mù mịt. Cả ngày chỉ có một chuyến xe khách trên tỉnh đi về thôi. Thôi thì nhồi nhét đủ thứ cùng với người trên xe, ai chen được cái vé là may lắm rồi, có lần thấy khách còn ngồi cả trên nóc xe nữa. Bây giờ kể lại như những câu chuyện cũ lớp trẻ khó mà hình dung ra được.
Trời chiều, cả đồng cứ mải miết cấy cày. Không ai thấy xe dừng đỗ. Thế nhưng từ phía lối rẽ vào làng có một nhóm bốn , năm người đang dắt díu nhau đi xuống. Nhà ai về Tết đông thế nhỉ . Rồi lại đứng ngây ra mà hóng và đoán già đoán non. Bỗng tiếng ông Ban thợ cày oang oang gióng lên:
- Gớm, đoàn ca nhạc Trung ương của nhà ông Dính về làng phục vụ Tết chứ còn nhà ai nữa .
Mà đúng thế, ông Ban tinh thật, ông Dính về làng. Cái dáng đi kia không lẫn vào đâu được. Ông đi đầu và kéo theo sau cả một nhóm người . Họ đi chầm chậm, có ba người bám vai nhau theo hàng dọc rờ rẫm từng bước. Một người gù gập xuống như cõng cái ba lô trên lưng. Ông Dính đi đầu, cứ bước một bước lại xoay tròn cả người như bác tài xế xoay vô lăng , xong lại lấy đà bước thứ hai và xoay tiếp như thế. Bàn chân ông thì dẹo sang hai bên, đôi dép cao su mỏng dính, mòn vẹt cũng xoay đi xoay lại đủ bấy nhiêu vòng theo nhịp bước. Có tiếng gọi với từ ruộng lên:
- Đoàn chèo đã về đấy bác Dính ơi.
Ông Dính cùng mấy người cũng đáp lại vui vẻ :
- Bà con làm đồng vui quá nhỉ, nhanh nhanh còn nghỉ đi chợ Tết chứ.
Rồi họ lại dịch chuyển chậm chạp, nói cười rôm rả. Lũ trẻ trâu thi nhau chỉ trỏ. Có đứa quần xắn ống thấp ống cao còn đi ngay đằng sau đoàn ông Dính, bắt chước điệu bộ xoay xoay dặt dẹo, bám vào nhau , gù gập lưng xuống rồi cười nghiêng ngả. Người lớn cũng có người cười phụ họa, cũng có người giơ cái roi cày lên dứ dứ đe nẹt. Cả đoàn ấy chắc có ông Dính là sáng mắt nhất, ông ngoái lại và cười rất tươi với mấy đứa trẻ trâu trong làng. Tôi cũng lấy làm lạ về ông Dính lắm. Vào người khác, có lẽ họ đã gióng lên mà mắng mỏ hoặc tỏ thái độ khó chịu với cái cách chớt nhả, bắt chước ác ý của mấy đứa trẻ ranh kia. Thế mà ông Dính vẫn vui cười với chúng là sao nhỉ. Tôi chăn trâu ở bờ mương cạnh đường nên có dịp nhìn kĩ những người đi cùng ông. Họ ăn mặc giống nhau thật. Không phải giống nhau ở màu sắc hay kiểu dáng mà ở cái sự rách rưới và chắp vá. Quần áo thì lếch thếch, chiếc khăn đen quấn trên cổ cũng nhăn nhúm xộc xệch như sắp rơi ra. Họ đi ríu lại bên nhau như những con cò ốm sợ gió bão. Nhìn những bước đi xiêu vẹo , tôi thật không sao hiểu nổi với những bước chân ấy mà họ có thể đi được khắp nơi . Đã mấy chục năm rồi , quê tôi ngày ấy còn nghèo lắm cho nên cũng chẳng mấy ai bận tâm đến cách ăn mặc của đám bạn cùng ông Dính về làng. Chỉ biết rằng cứ giáp Tết, năm nào ông ấy cũng kéo theo vài người bạn kiểu này về. Và căn nhà tranh vách đất cuối xóm tôi lại nhộn nhịp hẳn lên dưới ánh đèn dầu.
Buổi tối hôm ấy, chúng tôi lại được tụ tập nghe kể chuyện . Những câu chuyện đưa chúng tôi đi khắp mọi miền của đất nước . ông Dính say sưa kể về những buổi ông cùng bạn bè đi hát xẩm ở bến tàu bến xe, hội đình hội đám và cả những nơi mà khách nước ngoài đến nữa. Bọn trẻ chúng tôi ngồi nghe như nuốt từng lời. Bởi lứa tuổi chúng tôi ngày ấy cả làng mới có mấy chiếc xe đạp, có ông nhà giầu thi thoảng mới đem ra đi , khi về lại lau lọt nửa ngày cho bóng loáng rồi treo vào trong buồng kín . Làm gì được biết đến đi ô tô hay xe lửa cho nên lũ chúng tôi chỉ hóng ông Dính về Tết để nghe chuyện thôi. Ông ấy giống như một ông tiên trong cổ tích đem về cho chúng tôi cả một kho truyện lạ . Sán lại ngồi gần vào chỗ ánh đèn, lúc này tôi mới có dịp nhìn kỹ những người bạn của ông . Họ đều đã già , da nhăn nheo, có người không nhìn rõ ,có người đã mù cả hai mắt . Hành trang của họ chỉ gói gọn trong cái bị cói gần đứt quai và chiếc nón mê. Họ kể là cứ ngày nối ngày lên tàu hát xẩm và xin ăn, cũng không ai nỡ đuổi họ xuống. Gần cuối năm thì hỏi đường, xin đi nhờ mà về đến ga xe lửa của tỉnh. Còn từ đấy về làng tôi thì họ dắt díu nhau đi bộ, mỏi chân quá lại ngồi nghỉ ven đường. May sao hôm nay lại gặp được hai bác đánh xe bò cho đi nhờ đến gần chục cây số. Mấy ông được ngồi xe , phấn khởi lôi nhị ra kéo, ca xẩm suốt dọc đường. Bác xe bò thấy còn hơn cây số nữa thương tình lại cho bò chở quá thêm một quãng . Chẳng nào lúc chiều không có ô tô đỗ mà thấy mấy ông bà rẽ xuống lối vào làng là thế. Nhưng năm nào cũng vậy, ông Dính kéo dăm người về ở nhà ông qua mồng ba Tết mới đi, những hơn một tuần chứ có ít đâu. Quê tôi ngày ấy còn nghèo, nhà ông lại càng khó khăn, chật chội. Ấy vậy mà thấy ông đem cả một mâm khách về, bà Mỡ vợ ông vẫn tíu tít chào hỏi và chạy ra tận cổng dắt vào. Rồi bà quây ổ rơm , trải mấy cái chiếu cũ ra tìm mấy cái chăn chiên mỏng cho họ nằm tạm trong mấy ngày ở lại đây. Tôi cứ nghĩ đến nhà mình chỉ được ăn cơm trắng hết ngày mồng hai, sang mồng ba Tết là cạo khoai nấu độn với cơm thì nhà ông bà ấy lấy gạo đâu đãi ngần ấy con người cả một tuần mới lạ. Hơn nữa, họ chẳng phải thân thích hay dây mơ rễ má gì mà vợ chồng ông ấy lại quý hóa, cưu mang. Thật không sao hiểu nổi trong khó khăn , đói nghèo mà sự tử tế vẫn hiển hiện như cổ tích ngày cuối năm, ngay trong căn nhà rạ nhỏ bé, ngay trong những con người tưởng chừng chẳng làm nên tích sự gì như vợ chồng ông Dính. Và từ khi có mẻ khách của ông về, căn nhà mái rạ ba gian lúc nào cũng rôm rả tiếng nói cười. Mấy ông bà có hai người bị nặng tai nên họ nói với nhau to lắm, cứ là cả xóm nghe thấy .
Nghe chuyện say sưa mà chúng tôi không biết trời đã khuya. Bố mẹ sang gọi cả bọn trẻ mới lục tục trở về chui vào ổ rơm, đắp cái chăn chiên và không quên trùm chiếc chiếu lên nữa . Về nhà tôi mới nhớ là lúc ở bên nhà ông Dính, cả đám bạn của ông ấy cũng ngồi trong ổ rơm quây quần với chúng tôi, hơi ấm ổ rơm đã kéo người dân quê lại gần nhau hơn trong những ngày đông tháng giá . Các ông bà lặng ngồi bó gối nghe ông Dính kể chuyện, thỉnh thoảng mới chêm vào một hai câu. Ai cũng rất gần gũi và hiền hậu.
Đến tối ngày thứ hai, chúng tôi lại sang nhà ông chầu hẫu nghe chuyện . Tôi ngồi cạnh ông cụ bị mù, thấy ông luôn nhướng mặt mình về phía ông Dính . Tôi mạnh dạn hỏi :
- Ông ơi , ông quê ở đâu mà Tết không về nhà ?
Nghe tiếng tôi hỏi ông hơi buồn thì phải . Tôi thấy tôi cúi đầu xuống và nói dường như chỉ đủ cho tôi nghe :
- Ông không có nhà để về cháu ạ .
Tôi ngơ ngác và thảng thốt , bởi trong suy nghĩ hồn nhiên của tôi lúc ấy ai mà chẳng có nhà và Tết thì ai mà chẳng về nhà nhỉ. Qua ánh đèn dầu loang lổ, khuôn mặt ông cụ càng thêm khắc khổ và chùng xuống đầy vẻ tội nghiệp . Tôi lặng im sau câu nói của ông và không dám hỏi gì thêm nữa . Giờ nghĩ lại tôi mới thấy mình ngày ấy thật vô duyên, đúng là trẻ con chẳng biết gì cả. Hôm nay, bọn trẻ bỏ hết các trò trốn tìm, lại tụ tập ở nhà ông từ sớm. Thằng Nước đến trước tôi, nó chen được vào cạnh ông Dính , thế là nó cứ lái câu chuyện để ông kể theo hướng nó thích. Tôi chưa kịp hỏi câu nào thì nó đã bắt vào :
- Ông ơi , ông kể chuyện ngày xưa ông nhìn thấy Tây cho cháu nghe đi .
Thế là ông Dính kể . Ông bảo ngày xưa ông gặp Tây cũng không nhiều lắm bởi vì chủ yếu ông đi hát ở các bến tàu bến xe . Có hôm ông cùng mấy người bạn đang ngồi say sưa hát thì thấy cộp cộp tiếng giày đinh. Ông chưa kịp ngẩng lên thì một đoàn lính Pháp súng ống lưỡi lê đã chạy sầm sập qua trước mặt . Rồi tiếng súng nổ đoàng đoàng . Ông và mấy người bạn chỉ còn biết ngồi co rúm lại cạnh nhau sợ hãi . Có người bảo lính tây đang đuổi theo một cán bộ Việt Minh rải truyền đơn ở bến tàu . Cũng có lần thấy đường phố nhốn nháo, mọi người gánh hàng bảo nhau chạy cho nhanh kẻo Pháp đi tuần đấy , nó thì cướp hết bánh trái mất. Nhưng với ông thì việc quan ba Pháp có đi qua trước mặt ông cũng không chạy và không thể nào chạy kịp . Ông vẫn ngồi đó kéo nhị . Hôm ấy chỉ có một người bạn đi cùng ông , người này mắt kém không nhìn thấy đường . Hai người ngồi đó như hai cái cây khô. Một đoàn lính Pháp đi qua chỉ trỏ vào ông và bạn ông rồi cười hô hố . Có tên còn đá văng cả chiếc mũ rách rưới có vài đồng xu lẻ. Ông cúi mặt xuống không hát nữa . Khi tiếng giày đinh đã đi xa ông và người bạn mới rờ rẫm nhặt lại chiếc mũ rách và những đồng tiền xu lấm lem đất cát. Nhưng ô hay, sao trong mũ lại có hai cái kẹo màu xanh . Đang đói, ông đánh liều ăn một chiếc còn đưa cho người bạn mù một chiếc . Nó mới ngọt và thơm làm sao, hai người tỉnh hẳn sau cơn đói .Bạn ông lúc ấy mới đánh tiếng:
- Kẹo ở đâu mà ngon thế ông , hình như là kẹo Tây thì phải.
- Đúng đấy, kẹo Tây ông ạ , chắc của một người Tây tử tế .
Ông bảo có lẽ đấy là mối thiện cảm duy nhất mà ông dành cho lính Tây hồi đấy .Bởi ông biết trong những người lính Tây sang đây cũng có người họ phải xa gia đình, nhớ vợ con , nhớ quê hương lắm nhưng họ vì bị ép phải ra đi thôi, âu cũng là số phận của con người. Mấy đứa trẻ con chúng tôi cùng chẹp miệng, hít hà như vừa được ăn vì cũng thèm kẹo Tây lắm chứ. Nghe chuyện được một lúc thì bác Rực cùng xóm xách cái điếu cày sang. Vừa đến đầu sân bác đã oang oang:
- Biết ông chả hút thuốc lào nên tôi cầm theo cái điếu , nhưng cái anh này lại ưa nhả khói nghe đàn nhị đấy ông xẩm ơi.
Ông Dính đon đả:
- Gì chứ khoản ấy có ngay phục vụ bà con xóm láng , khỏi lo bác ơi.
Mời bác Rực ngồi xong, ông chỉ thằng Ninh con trai thứ hai của ông hạ cho cây nhị treo trên bức vách phía trước mặt . Thằng Ninh nhón chân cẩn thận hạ cây nhị xuống , ông đỡ lấy rồi ngồi vào chiếc giường tre bên cạnh . Ông không đàn nhị ngay mà sẽ vuốt cây nhị cả một lượt rồi ông thổi vào bầu nhị vài hơi nhè nhẹ , mắt hướng về phía bác Rực:
- Thế quan bác hôm nay muốn tôi phục vụ bài gì nào ?
Bác Rực cười ha hả:
- Cái đấy tùy ông thôi, tôi thì bài nào cũng hợp với thuốc lào cả , cứ là say như điếu đổ món xẩm của ông đấy.
- Thế thì chúng ta lại làm một bài tự biên nhỉ .
Rồi ông đưa tay kéo nhị , bàn tay gầy guộc xương xẩu nhưng điêu luyện làm sao. Một âm điệu du dương, trầm bổng réo rắt vang lên trong căn nhà nhỏ , mọi người như chìm vào thế giới của âm thanh vừa quen vừa lạ thật khó tả. Và ông xẩm Dính say sưa thả hồn mình vào những lời những giọng điệu ngân nga nhấn nhá trong lời kể của bài hát xẩm. Bọn trẻ chúng tôi thì không thích nghe xẩm lắm vì thấy nó ỉ ôi thế nào ấy, nhưng nhìn bàn tay ông đưa đi đưa lại nhẹ nhàng như múa, lướt trên cây nhị và giọng hát say sưa cùng khuôn mặt ông như giãn ra sao thấy cuốn hút lạ thường. Bác Rực hít một hơi dài thuốc lào rồi phả khói lên mãi . Một lúc sau, với ánh mắt mơ màng bác Rực nhìn ông Dính , rồi nghiêng hẳn người về phía ông có vẻ quan trọng lắm:
- Tôi là tôi mê tài nhị và giọng ca của ông lắm nhưng một năm chỉ có dịp tết chúng ta mới gặp nhau . Tôi đang nghĩ làm thế nào để cho dân làng dịp gần Tết này cùng vui với tiếng nhị tiếng đàn mới phải chứ ông nhỉ .
Rồi bác vỗ đùi đánh đét một cái :
- À phải rồi ,tối 27 tháng chạp này làng ta có buổi lễ tổng kết cuối năm. Hay là mời ông nhân dịp này ra sân đình làm mấy bài chầu văn cho bà con khí thế, vừa là sắp đón xuân năm mới vừa là được nghe tiếng nhị tiếng đàn còn gì bằng nữa.
- Thế là tối ngày kia bác nhỉ , vâng tôi chả mấy khi có dịp về , mà lại gặp được đông đủ bà con trong đợt cuối năm như thế này thì còn gì vui bằng , hát một bài chứ hát mười bài , hát cả đêm tôi cũng sẵn lòng.
Mấy người bạn của ông cũng nói chêm vào :
- Đúng ! Đúng rồi đấy , chúng tôi tuy kém cỏi nhưng hát chầu văn với đàn nhị nếu được bà con chiếu cố, chúng tôi sẵn lòng phục vụ , chỉ sợ bà con lại mất thời gian thôi.
Ông Rực hăng hái hẳn lên :
- Thôi được rồi , thế này nhất định sáng mai tôi phải bảo ông đội trưởng đội sản xuất bố trí cho bà con làm vài cái đèn măngsông chiếu sáng để nhân tiện đội văn nghệ của thôn biểu diễn một số tiết mục cây nhà lá vườn , nếu được các bác góp vui nữa thì còn gì bằng .
Thế là bản hợp đồng miệng về suất diễn của nhóm ông Dính đã được bác Rực ký nhanh gọn như vậy đấy. Và bỗng nhiên câu chuyện chuyển sang một hướng khác ngoài sự mong đợi của chúng tôi . Đang từ nghe hát chầu văn rồi chúng tôi lại chưa hình dung được ông Dính và mấy người bạn mù của ông biểu diễn văn nghệ ở sân đình vào tối ngày kia nữa chứ . Lúc đầu chúng tôi không thích bác Rực sang chơi lắm , nhưng sau mấy câu trao đổi của bác với ông Dính, chúng tôi chẳng đứa nào bảo đứa nào đứng cả dậy vỗ tay rôm rốp . Tối hai bảy Tết được xem văn nghệ ở đình rồi. Chúng tôi không biết câu chuyện giữa bác Rực với ông Dính tiếp theo như thế nào nữa , cả một lũ nhảy cẫng lên , kéo nhau ra khoảng sân đất trước nhà ông rồng rắn vui như là xem hội . Ông Dính và những người bạn của ông cười ngặt nghẽo trước đám trẻ hàng xóm , tiếng cười rộn rã của chúng như đem Tết về trước nhà ông vậy.
Cho đến tận bây giờ sau bao nhiêu năm cuộc đời , tôi đã từng đi xem nhiều hội diễn văn nghệ , cả những cuộc thi hoành tráng với những ca sỹ thành danh nhưng tôi không thể nào quên được buổi biểu diễn ở đình làng năm ấy. Bọn chúng tôi kéo ra đình tôi rất sớm . Bọn trẻ tranh nhau ngồi ở phía trước, người lớn đứng phía sau . Chẳng làm gì có ghế , chỉ lót dép mà ngồi xuống nền sân gạch. Được cái sân đình cũng sạch sẽ , người đến đông như xem hội . Ai cũng háo hức vì sắp được nghe những lời ca tiếng hát của thanh niên phụ nữ thôn nhà sau những tháng ngày làm việc vất vả. Mấy anh chị thanh niên không biết đã mượn đâu được hai chiếc đèn măng sông sáng rực đem đến . Chúng tôi xúm xít lại khi thấy hai thanh niên lực lưỡng đứng vào bơm khí cho đèn sáng lên . Trẻ con người lớn ai cũng hớn hở hóng chờ . Sau mấy tiết mục hát của đoàn thanh niên và phụ nữ trong làng là tiết mục chúng tôi chờ đợi nhất đã tới . Khi tấm màn gió hoa vừa kéo lên , tất cả trẻ con người lớn đều vỗ tay không ngớt .
- Ông Dính kìa , ông Dính kìa chúng mày ơi , chúng mày ơi !
Bọn trẻ chúng tôi nhảy lên vỗ tay đôm đốp như được mẹ chia quà. Tôi nhận ra ngay dáng người nhỏ thó nhưng gương mặt thì rạng rỡ ánh với ánh mắt linh hoạt của ông cụ hàng xóm . Vẻ mặt ông chưa bao giờ vui đến thế . Điều đặc biệt hôm nay không phải cây nhị đen bóng ông cầm trên tay mà đó là ở bộ quần áo trên người ông Dính. Một bộ quần áo tôi chưa nhìn thấy ông mặc một lần nào. Chắc mọi người cũng lạ lẫm như tôi nên ai nấy đều trố mắt ngạc nhiên nhìn không chớp. Ông mặc chiếc áo the thâm , quần trắng, đội khăn xếp chỉnh tề như các cụ bô lão ngày xưa chuẩn bị họp làng. Ngồi cạnh là ông lão mù, người bạn đi về cùng ông hôm trước . Ông cụ không mặc áo the đội khăn xếp nhưng cũng vận bộ quần áo nâu khá tươm tất giản dị . Ông Dính nhìn cả sân người một lượt rồi cất tiếng rành rọt :
- Thưa bà con làng xóm , hôm nay thật vui vẻ ấm áp biết bao khi được có mặt trong một ngày hội văn nghệ của làng ta tổng kết năm cũ, đón chào xuân mới . Tôi sung sướng lắm vì chưa bao giờ được hát cho bà con nghe trong một dịp vui hiếm có như thế này . Chỉ có điều giọng của tôi giờ không còn khỏe , có gì mong bà con lượng thứ .
Nói rồi ông cúi người xuống thay cho lời chào .
Tiếng đàn nhị của ông cất lên thánh thót ngân nga, tôi đã nghe nhiều lần nhưng có lẽ chưa bao giờ tôi thấy hay đến thế , nhất ca từ dân dã , vần điệu trong lời hát của ông :
Ta về ta tắm ao ta
Dẫu rằng trong đục ao nhà vẫn hơn
Ra đi từ thuở còn son
Khi về đã có cháu con đầy đàn
Quên sao được lúc cơ hàn
Xa quê vẫn nhớ muôn vàn yêu thương
Tết này về lại quê hương
Bao nhiêu nỗi nhớ tình thương dạt dào
Chân trời góc bể nơi nao
Tình quê như thể máu đào trong tôi
Dù đi góc biển chân trời
Quê hương yêu dấu là nơi ta về...
Có người bảo ông Dính học ở đâu mà nhiều bài hay thế nhỉ . Nhưng lại có người nói ông ấy tự biên tự diễn thôi làm gì có học qua trường lớp nào đâu, hát xẩm xưa nay vẫn thế mà . Bọn trẻ chúng tôi trố mắt ngạc nhiên trước bài hát ứng tác ngay trên sân khấu của ông xẩm làng ta. Thế mà lâu nay chúng tôi cứ nghĩ việc đi học của chúng tôi đã là khó, là ghê gớm lắm rồi cơ đấy. Thầy dạy , sách viết , về nhà đọc nhai đi nhai lại mãi chưa thuộc. Giờ mới biết mình thua ông xẩm không hề biết chữ. . Rồi càng nghe càng thấy mình chẳng là gì so với cái sự giỏi giang của ông xẩm Dính . Tôi còn đang miên man suy nghĩ mà không biết ông đã hát tới bài thứ mấy rồi . Cánh màn sân khấu của làng khép lại , tôi vẫn còn ngơ ngác trong cái thế giới hồn nhiên của trẻ thơ , trong sự ngưỡng mộ của cả làng trước nghệ nhân hát xẩm xin ăn một đời phiêu dạt, và sự khâm phục của lớp học trò như thế hệ chúng tôi nghĩ về việc học trên đời . Rồi mọi người vỗ tay rào rào , chạy ùa lên bá vai bá cổ ông Dính như những người thân lâu lắm mới gặp. Ông chỉ ngồi đó và cười thật hiền. Trong tâm hồn mỗi đứa trẻ làng tôi hôm ấy đều có sự thay đổi, dường như lũ trẻ thấy mình lớn dần lên từ những bài hát xẩm và sự từng trải của ông xẩm làng mình . Buổi văn nghệ của làng khép lại trong dư âm đặc biệt từ một nghệ nhân đặc biệt. Mọi người ra về trong niềm hân hoan khó tả, trong cái lâng lâng của những ngày sắp đón năm mới nơi làng quê nghèo yêu dấu của chúng tôi. Và trong tâm hồn non nớt của những đứa trẻ chúng tôi lúc ấy dường như đều có một ước muốn thật ngây thơ, thật mỏng manh nhưng có lẽ cũng thật lớn lao đó là : mình sẽ được mọi người ngưỡng mộ yêu quý như đã từng yêu quý ông Dính .
Mồng ba Tết. Đất trời đã vào xuân . Cây cối hai bên đường đua nhau nảy chồi non lộc biếc . Những chú chim chiền chiện bay lên rồi lại chao xuống trên cánh đồng báo hiệu một mùa xuân ấm áp đã về. Ông Dính và mấy người bạn lại dắt díu nhau đi trên con đường làng hướng ra tỉnh lộ. Vài người đi làm đồng vui vẻ chào ông Dính cùng những người bạn :
- Các bác đi mạnh khỏe may mắn nhé , khi nào có dịp lại về chơi với chúng tôi, mong các bác lắm đấy .
Mấy cánh tay gầy giơ lên vẫy vẫy , ông Dính một tay bám vào cây bạch đàn, một tay giữ quai cái mũ vải, nói vọng xuống:
- Vâng , chúc bà con làng ta mạnh khỏe làm ăn phát đạt, hẹn dịp cuối năm chúng tôi lại về hát với hội làng nhé .
Mấy đứa trẻ chăn trâu chúng tôi chỉ biết đứng ngẩn người ra nhìn theo những con người gầy gò với những bước đi xiêu vẹo . Họ lại tiếp tục hành trình của người hát rong trong một ngày đầu xuân tạm biệt quê hương tôi . Biết bao giờ mới đến Tết , có hội văn nghệ làng chúng tôi lại mới được nghe hát, nghe những câu chuyện từ khắp phương trời theo chân ông Dính về quê đây nhỉ.
***
Bẵng đi đến sáu, bảy năm sau , chúng tôi lớn lên mỗi người một một ngả. Cùng lứa tôi ngày ấy, đứa thì đi bộ đội trên tận biên giới phía Bắc, đứa thì đi xây dựng khu kinh tế mới . Tôi cũng đi làm ăn xa nhà chỉ đến tết mới về . Vào dịp cuối năm 1984, do công việc bận rộn tôi không thể về quê ăn Tết. Ở công trường hầu như anh em công nhân về nghỉ hết. Đội chúng tôi được phân công trực. Không được về quê , nằm co ro trong lán, đến bữa cũng có bánh chưng, giò chả đủ cả nhưng mấy anh em đều lặng lẽ. Có cái gì đó rất trống vắng trong lòng , vừa buồn tủi nhớ nhà vừa mong chóng hết Tết để công trường nhộn nhịp trở lại . Khổng hiểu sao trong những lúc như thế trong tôi lại hiện lên cảnh ông xẩm Dính dắt díu bạn nghèo về làng ăn Tết năm xưa .
Gần cuối năm sau tôi được về quê . Con đường vào làng giờ đây đã đổi khác rất nhiều . Lớp sỏi đá gập ghềnh ngày xưa đã được thay bằng một con đường đổ bê tông to đẹp , hai bên là hai luống hoa đủ sắc màu của hội phụ nữ thôn trồng và chăm sóc chu đáo cẩn thận . Quê tôi trong một vài năm trở lại đây đã đổi mới nhiều.
Tôi bước trên đường làng và miên man nghĩ về một thời gian khổ của bà con , cả những năm tháng tuổi thơ thiếu thốn của chúng tôi nữa , tất cả vẫn còn mới như là hôm qua vậy. Gặp rất nhiều người lớn và trẻ con, ai cũng chào hỏi nhau tay bắt mặt mừng với những người đi xa quê ăn tết như tôi. Nhưng tôi chợt nhận ra hình như trong mình còn thiếu một cái gì đó chưa thể nghĩ ra ngay lúc này được. Tối hôm ấy , ngày hai mươi sáu tết, trong ánh lửa bập bùng của nồi bánh chưng tôi nghe mẹ kể chuyện về hai năm qua tôi sống xa nhà . Năm nay bố tôi gói bánh sớm đón con trai về , có bánh chưng liên hoan tất niên cho thêm phần không khí . Biết tôi chưa cập nhật được hết tin tức hai năm qua của làng xóm, mẹ tôi kể không biết bao nhiêu là chuyện. Những câu chuyện cứ nối tiếp nhau cho tới gà gáy sang canh. Nào là ai ốm đau, ai đã mất , con nhà ai lấy chồng lấy vợ ...hết chuyện họ hàng đến chuyện làng nước xa gần . Nhưng tôi vẫn thấy thiêu thiếu cái gì ấy. Chợt nhớ ra tôi, cắt ngang lời của mẹ trong tiếng reo tí tách của củi lửa và tiếng sôi ùng ục của nồi bánh chưng:
- Mẹ ơi, thế năm nay ông Dính có về quê không nhỉ?
Mẹ tôi ngừng hẳn lại, nhìn tôi ngập ngừng một lúc.
- Sao thế mẹ?
Tôi thấy giọng mẹ trùng xuống:
- Ông ấy đi rồi , đi sau tết ông năm ngoái , nhẹ nhàng lắm , cả làng ai cũng thương .
Tôi lặng người . Mới một cái tết xa quê mà điều mong muốn của tôi đã không bao giờ trở lại .Mẹ tôi tiếp tục câu chuyện bằng một giọng buồn rầu : Năm ngoái ông Dính về có một mình thôi . Cũng là vào dịp gần tết như thế này ông mới về nhưng mà về rất đặc biệt chứ không như mọi khi . Ông về bằng xích lô con ạ . Chiều 26 tết có một chiếc xích lô rẽ từ đường lớn vào làng. Ở xa không nhìn rõ nhưng đến gần thì thấy người ngồi trong thùng đồ nhỏ thỏ mặc áo the thâm đội khăn xếp là ông Dính.Ông không giơ tay vẫy chào mọi người như mọi khi, chỉ gặp ai đi ngang qua thì thấy ông cười và gật đầu chào. Ai cũng bảo năm nay ông Dính sang thế , thuê hẳn xích lô chở tận về nhà cơ à.
Tối đến mọi người vẫn sang chơi nhưng riêng bọn trẻ con thì chúng không tụ tập đông như ngày xưa nữa . Chỉ có một vài đứa chạy qua sân thấy người lớn ngồi nói chuyện và không có tiếng đàn nhị của ông Dính nên chúng lại tản đi chỗ khác . Một điều khác lạ mọi người nhận thấy là năm nay ông Dính không đem những người bạn về quê như những năm trước . Khi được hỏi ông kể : Trong số bạn bè của ông có người đã đi xa mãi mãi , cũng có người tìm được quê hương bản quán mà về , có người thì vào trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh , tôi cũng mừng cho họ lắm . Năm nay tuy không rủ được các bạn cũ về nhưng tôi đã rủ được một người cũng là bạn năm xưa, bạn thân nữa là đằng khác. Bà đấy về đây làm bạn với bà Mỡ nhà tôi để sớm tối có nhau , nương tựa lúc tuổi già . Biết đâu mai này tôi đi xa , hai bà lại bầu bạn với nhau vui đáo để ấy chứ nhỉ. Mọi người còn đang ngơ ngác thì ông đã gióng vào gian buồng nhà trong:
- Bà cả đâu rồi , ra chào hỏi bà con xóm láng một tiếng nào . Tôi đã về đây rồi , bà cứ ra cho vui vẻ .
Từ gian trong, một bà cũng đã nhiều tuổi bước ra , dáng đi của bà vẫn còn khỏe mạnh nhanh nhẹn nhưng vẻ mặt có chút gì đó gượng gạo. Bà chào mọi người và ngồi xuống mép chiếu . Mọi người đều ngơ ngác . Vì trước nay chưa bao giờ gặp bà về cùng ông Dính cả.
Mọi ánh mắt đổ dồn về phía ông . Lúc ấy ông mới hắng giọng rành rọt:
- Tôi xin giới thiệu với bà con xóm giềng đây , chính là bà cả của tôi , mẹ cháu Thi,cháu Ninh . Ngày xưa chúng tôi gặp nhau trên một chuyến tàu, tôi hát xẩm còn bà ấy bán hàng rong . Cũng hoàn cảnh thiếu thốn như nhau cả .Sau đó làm bạn với nhau và sống phiêu bạt khắp nơi . Hai cháu lúc ấy còn nhỏ cũng líu nhíu như gà vịt . Tôi và bà ấy tay xách nách mang tha lôi chúng nó đi khắp nơi, vẫn là bán hàng rong và hát xẩm . Đến khi thằng anh lên năm lên bẩy thì chúng tôi cũng vì khó khăn quá mà chia tay nhau. Bà ấy để lại hai đứa cho tôi, lên khu Chàng Chũ làm mướn rồi ở lại đấy . Còn ba bố con tôi đem nhau về quê . Chắc các bác còn nhớ chứ , năm ấy làng ta cũng còn đói deo đói dắt , tôi về đây xin từ cây tre nắm rạ nhờ bà con làng xóm dựng tạm túp lều che mưa che nắng .Cũng mấy lần tôi lên tận Chàng Chũ Bắc Giang bảo bà ấy về nhưng bà ấy đã có cuộc sống ổn định ở trên ấy nên không muốn về nữa . Tôi đành ngậm ngùi trở lại với cảnh gà trống nuôi con , may sao lại được bà Mỡ làng ta cưu mang ba bố con tôi từ những ngày cơ hàn ấy . Bà Mỡ ngày đấy cũng đã lỡ thì , mắt kém , cũng đã chấp thuận về ở với bố con tôi . Được bà ấy thương tình trông nom giúp đỡ , may mà cũng qua được những năm tháng vất vả khó khăn . Sau này khi hai cháu lớn lên cũng được bà ấy chăm lo cho và được học chữ nghĩa chứ không mù chữ như tôi. Bố con tôi biết ơn bà ấy lắm . Gần đây, tôi lại có dịp lên Bắc Giang ca xẩm cho một đám hội đình. Không biết trời đất xui khiến thế nào mà bà cả nhà tôi cũng đến xem hội . Bà ấy bảo không biết là tôi đến hát đâu , cứ tưởng là mời diễn viên chèo ở đâu cơ nhưng bà cũng muốn nghe hát chèo và hát xẩm cho nên đến xem bằng được . Không ngờ lại gặp tôi trên chiếu hát của làng làng . Hỏi ra tôi mới biết bà ấy giờ đây cũng vất vả . Ông chồng sau đã mất lâu rồi, đứa con chung thì bỏ nhà đi nhiều năm nay không tin tức gì. Hai con chồng đi xây dựng vùng kinh tế mới cũng bảo đón bà vào nhưng vì tuổi đã cao bà cũng không muốn đi đâu nữa nên sống một mình đến dăm bảy năm nay . Tôi thấy cũng thương tình , mới bảo bà về với các con đi , chúng nó cũng trông mong bà lắm đấy , dẫu sao cũng tình mẹ con núm ruột của mình. Giờ chúng nó cũng lớn cả rồi không còn vất vả gì đâu . Bà ấy cũng e ngại lắm , bởi ngày bé đã bỏ chúng nó mấy chục năm trời , giờ quay lại thì mặt mũi nào . Tôi thấy vậy liền bảo thằng Thi viết thư, đánh tiếng mời mẹ nó về còn thằng Ninh nó cũng đã sắp ra quân rồi . Về đây sớm tối mẹ con có nhau , tình ruột thịt sao mà có thể dễ dàng quên đi được .Chắc thằng anh nó cũng nguôi ngoai, nói chuyện với thằng em rồi nên cả hai đứa đã sắp xếp một chuyến về thăm mẹ và nói chuyện với bà để mẹ con gặp nhau . Mừng mừng tủi tủi, bà ấy cứ khóc mãi, anh em nó phải động viên bà ấy mới thôi . Thôi thì chẳng qua cũng do cuộc sống khó khăn đưa đẩy mà như vậy cho nên bố con tôi cũng thông cảm cho bà ấy hết cả rồi.
Nhưng còn một điều trở ngại nhất bà ấy mãi mới dám nói ra , đó là với bà Mỡ nhà tôi bây giờ . Tôi sở dĩ không nói đến điều ấy ngay từ đầu bởi vì tôi rất hiểu bà Mỡ . Bà đã hy sinh cho bố con tôi cả cuộc đời này, chúng tôi không có con chung nhưng hai đứa con của tôi đều coi bà ấy là người mẹ của chúng từ trước đến nay , lúc nào cũng yêu quý kính trọng .Với một người như thế , tôi nghĩ rằng bà sẽ thông cảm cho bà cả . Chính vì vậy tôi không đặt thành vấn đề bởi niềm tin của tôi từ trước đến nay là như thế. Bà cả đã mãi mới dám nói ra nhưng hai con tôi đều quả quyết rằng Dì Mỡ sẽ luôn rộng cửa đón, mẹ không phải lo điều ấy . Khi thấy hai đứa con trai nói như vậy , bà cả như trút được gánh nặng trong lòng . Bà ấy bảo rằng mẹ già rồi không biết lấy gì để trả ơn cho dì con bởi mẹ đã không làm tròn bổn phận của mình để mẹ con dưới quê phải gánh vác bao nỗi vất vả cực nhọc lâu nay , giờ mẹ lại còn về tài sản không có , rồi sống chung một mái nhà có khi lại đem thêm nỗi phiền não thêm cho dì ấy.Thể theo nguyện vọng của bà cả khi thằng Thi về chuyện trò với bà Mỡ, bố con tôi lại được một phen bất ngờ. Chả ai như bà Mỡ nhà tôi , bà ấy nghe thằng Thi trình bày xong cười bảo: thế còn đợi đến bao giờ nữa, hai đứa chúng mày lên đón mẹ về luôn tết này cho vui cửa vui nhà. Chúng tao biết còn sống với con cháu bao lâu nữa đâu . Tính bà ấy trước giờ mau mắn thế đấy , quả là một người đàn bà bao dung hiếm có mà ông trời đã trao cho bố con tôi. Nào là nuôi con chồng lâu nay không hề kêu ca tính toán . Tôi thì xa nhà quanh năm chỉ có ba mẹ con đánh vật khó nhọc với nhau . Giờ lại còn một bà khác về ở chung nhà với cảnh thân già ốm đau đến nơi. Thế mà bà ấy vui vẻ như đón chị gái mình không bằng . Bố con tôi thật không biết lấy gì để trả ơn tấm lòng của một người như thế , thôi thì trời cao ban phúc ban phần cho tôi một người vợ thật tốt , tôi luôn ghi nhớ tấm chân tình của bà ấy trong cuộc đời bố con tôi.
Câu chuyện mẹ kể đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác vì sự tử tế hiền lành của ông Dính và bà Mỡ . Ông bà nghèo khó nhưng hiền lành bao dung thì ai cũng biết rồi. Nhưng riêng việc trở về của bà cả thế này thì mọi người không thể ngờ tới . Bởi trước nay ông Dính vẫn chỉ kể bà cả bị lạc mất tích chứ không hề nói bà cả bỏ ba cha con ông trong lúc khó khăn như thế . Rồi sự bao dung của bà Mỡ cũng nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người . Mấy bà trong làng thì mắt tròn mắt dẹt kháo nhau rồi ra vào ngấm nguýt: Cái ngữ ấy vào tôi thì chỉ có lót lá lôi ra khỏi cửa chứ đừng có bén mảng . Bỏ chồng bỏ con lúc cơ hàn già rồi lê xác về đây làm gì. Còn mấy ông thì vừa khề khà nước chè vừa trêu chọc nhau : Chúng ta thế mà kém ông Dính hết , Tết này vui đáo để. Bôn ba khắp nơi gần cuối đời lại còn tìm được cả bà cũ về cho đám đàn ông làng mình lác mắt ra nhé . Thế đấy, cuộc đời mà không ai hình dung giờ đây anh Thi , thằng Ninh tìm được mẹ ruột .Cả nhà ông Dính đoàn tụ , bà Mỡ thì vui vẻ như đón được ruột thịt về nhà vậy . Hàng xóm ai cũng xôn xao, cũng có người nói ra nói vào nhưng chủ yếu là chúc mừng cha con ông Dính và cảm phục bà Mỡ.
Mẹ tôi bảo tết năm ngoái, nhà ông Dính kẻ ra người vào tấp nập . Vợ chồng anh Thi ở trong miền Nam cũng về một ngày sau đó , hai đứa cháu nội khỏe khoắn nhanh nhẹn líu ríu gọi bà. Chúng lấy làm lạ vì nhà lại có những hai bà nội hẳn hoi . Lúc chúng không biết phân biệt thế nào quay ra hỏi bố , hỏi ông .Ông Dính xoa đầu và nhắc các cháu cứ gọi bà nội cả , bà nội hai cũng không sao, cả nhà ai cũng cười vui vẻ.
Sau tết năm ấy , người ta không thấy ông Dính đi hát xẩm nữa . Khoảng mùng 10 tết trở ra thì thấy hai bà vợ của ông có vẻ gì đó rất lo lắng. Anh Thi và vợ con mới lên tàu được hơn chục ngày lại thấy anh trở về . Ninh cũng vừa ra quân .Hóa ra ông Dính ốm . Ông không ăn hơn tuần rồi đi nhẹ nhàng trong một buổi chiều xuân ấm áp . Trước khi đi mấy hôm ông có bảo bà Mỡ gọi bác Rực sang nói chuyện . Bác Rực sang nói chuyện động viên cả buổi nhưng ông vẫn không đi bệnh viện . Ông bảo : tôi bây giờ như cây đã khô hết nhựa , bác sĩ người ta cũng chán chẳng chữa nữa đâu. Bệnh của tôi , tôi biết chứ . Hôm nay bác sang đây tôi chỉ có mấy lời này xin gửi lại bác và bà con hàng xóm nhờ bác chuyển lại cho . Ấy là chuyện tôi có cây đàn nhị đã gắn bó với tôi cả một đời . Tôi quý nó lắm , không phải chỉ vì nó là cái cần câu cơm của tôi và gia đình mà bởi tất cả thăng trầm cuộc đời tôi gắn với cây nhị này rồi. Đi đâu, ở đâu tôi cũng có cây nhị bên mình. Tôi biết mình sắp đi xa , con trai thì cả hai đứa không đứa nào để ý đến đàn hát cả . Cuộc đời tôi dù ở chân trời góc biển phiêu bạt muôn nơi nhưng lúc nào tôi cũng nhớ về quê hương bản quán .Giờ sắp đi xa , tôi cũng chẳng làm được gì cho quê hương mình từ trước đến nay , tài sản của tôi chỉ là cây đàn nhị đã cũ và tình yêu với gốc gác quê mình. Tôi xin nhờ bác gửi lại cho cây nhị này cho đội văn nghệ của thôn, là món quà tặng duy nhất của tôi cho làng quê mình để mong mỗi dịp lễ hội, đình đám tiếng nhị được vang lên góp vui cho con người và đồng đất quê ta là tôi mãn nguyện rồi. Nói xong, ông cẩn trọng, nhẹ nhàng nâng cây nhị nâu bóng bằng cả hai bàn tay gầy guộc run run trao cho bác Rực . Bác Rực cũng đưa tay đỡ lấy với tất cả sự trân trọng và niềm xúc động chân thành :
- Vâng, tôi và bà con làng xóm xin ghi nhận , luôn yêu quý và nhớ mãi tấm lòng và tình cảm của ông với quê mình .
Buổi gặp gỡ ấy được bác Rực kể lại sau khi ông cụ đã ra đi . Bà con làng xóm ai ngồi nghe cũng ngậm ngùi nhớ thương người hát xẩm gạo cội của làng.
Nghe câu chuyện mẹ kể , tôi thấy tiếc nuối vì tết năm trước không được về quê ăn tết và đã bỏ lỡ một cơ hội cuối cùng được gặp ông cụ. Sự tiếc nuối trong tôi còn là cả một niềm nhớ nhung cảm phục . Chúng tôi đã mấy chục tuổi đầu , học qua bao nhiêu áng thơ văn , nghe biết bao nhiêu lời ca khúc hát nhưng tình yêu quê hương bằng xương bằng thịt , bằng cả sự đôn hậu chân thành gần gũi thì có lẽ ông cụ Dính đã truyền lửa cho bọn trẻ con chúng tôi từ ngày ấy.
Trước khi lên đường vào Nam công tác , tôi đã ghé thăm nhà văn hóa to đẹp của thôn mình . Trước tủ kính trưng bày những hiện vật của người con quê hương, tôi đứng lặng hồi lâu ngắm cây đàn nhị nâu bóng mà thấy như cả một bầu trời kí ức tuổi thơ lại ùa về . Hình ảnh ông Dính đang bước đi liêu xiêu trên đường làng với cây nhị trên vai , tươi cười giơ tay vẫy chào bà con trên cánh đồng quê ngày giáp Tết vẫn luôn hiện hữu trong tôi.
Hải Dương, ngày 12 tháng Chạp năm 2023.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro