Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tết tóc

"Đố anh biết, em đẹp nhất khi nào?
Là khi em tết tóc."

Có những đốm sáng lập lòe trong đêm đen, tôi ngỡ rằng đấy là đom đóm nhưng chỉ là những ngọn đèn dầu bé nhỏ trong mỗi căn nhà.

Khu tôi sinh sống không quá rộng lớn, chỉ là những căn nhà vuông lập bằng mái ngói xám bám bụi nối san sát nhau, hiếm lắm mới có nổi cây cổ thụ to còn lại là những bãi cỏ sớm khô khốc.

Nhà tôi là duy nhất hướng ra sông, người ta vẫn hay đùa với bố tôi rằng, "Nhà anh là duy nhất trong khu này hướng ra sông, khác biệt ghê à."

Tôi sinh ra là con của nhà nòi, mà nòi ở đây làm nhà nông. Hằng ngày cuốc đất trồng rau, khi thì cấy mạ phơi thóc nữa. Hồi tôi lên tám trong khu có người mới chuyển đến, nghe thằng Sướng nói là nhà hai bố con. Đứa con gái nhìn lạ lắm.

Lạ thế nào nhỉ, nó tên Thúy tròn bảy tuổi, gương mặt tròn như mảnh trăng, không được xinh lắm nhưng được cái có mái tóc dài lại thẳng tuột. Nó quấn tôi cực, cũng chả hiểu vì sao nhưng hễ thấy tôi dắt trâu ra đồng thì lại chạy tới, túm vạt áo nâu mà kéo kéo.

Mấy thằng cu trong khu cứ hay trêu Thúy, gọi nó là "con bò đốm", vì trên người Thúy nổi bật nhất không phải là làn da ngăm đen so với những đứa con gái khác, trên đó còn có những đốm trắng loang lổ to nhỏ.

Thúy khóc đến mờ cả mắt, nó cứ ngồi bó gối úp mặt xuống đùi, không ngẩng lên. Tôi thấy mấy thằng cu cứ trêu chọc bèn hắng giọng, quát "Sư bố chúng mày, trêu nó làm chi, về mà phụ giúp bố mẹ". Có thằng nhỏ con như chuột nhắt lên tiếng "Không phải việc của mày, thằng có nhà quay ra mặt sông, đừng tưởng thế là ngon rồi hống hách."

Tôi bực quá, vứt trâu quên không buộc vào cọc chạy xộc tới đánh chúng nó tới tấp. Đang vật nhau trên bãi cỏ nghe thấy Thúy khóc to, ngẩng lên thì thấy thằng con nhà bà Lúa giật dây buộc tóc của Thúy ném ra xa. Tôi vội cầm dép ném vào nó, ai ngờ trúng mắt, nó bảo "Tao về mách mẹ, mày chết đòn."

Lúc chúng nó rời đi, tôi quay lại mới thấy Thúy rưng rưng chứ không còn nức nở. Tóc nó xõa dài, chạm đất, màu nắng dường như cứ bám chặt lấy mái tóc mượt mà, Thúy bảo "Chúng nó đánh anh, tí nữa lại về mách láo anh bị đánh đòn thì khổ."

Tôi không nói gì, vừa thương vừa buồn cười trước Thúy. Ngồi xuống cạnh nó, nhẹ bảo "Tóc dài quá, xõa ra thế khó chịu, để Thắng tết cho"

Thúy xinh đẹp, tóc tết hai bên trông rất được. Tôi ngỡ ngàng, sửng sốt, hơi ngượng ngùng, nhìn chằm chặp Thúy. Nước da có những đốm trắng lại làm nó khác biệt, tóc tết hai bên chẳng khiến nó xinh hơn mà trông hệt như mấy cô mặc áo bà ba vải voan lụa đủng đỉnh xem hội.

Chiều hôm ấy, tôi bị bố đánh một trận tơi bời vì làm lạc mất trâu còn gây gổ với thằng con nhà bà Lúa.

Vài ngày khác, khu tôi quyết định giết một con trâu già, vì nó sắp chết không bán được nhiêu tiền thôi thì làm một bữa bún ăn cho no cái bụng.

Tôi ngồi gần Thúy, thấy Thúy ăn bún ngon lành và thấy cả mái tóc được tết gọn giống như hôm ấy, tôi bèn hỏi "Ai dạy tết tóc đấy, trông rất xinh."

Thúy bảo là bố dạy nhưng ông tết xấu lắm nên tự nó học rồi tết, nó bảo vì Thắng khen xinh nên tết. Tôi lẳng lặng cười, hai chúng tôi cứ vậy mà thân, đến cả thằng Thịnh Cùi nói rằng sớm mai lại thấy Thắng yêu Thúy thì cả làng ăn cỗ to.

Đúng thật, tôi yêu Thúy. Lúc nhận thấy thứ tình cảm này là lúc tôi mười bảy tuổi. Đủ tuổi ăn học, đi làm trên thành phố rồi. Hai tháng sau, bố nói tôi sẽ lên tỉnh thi đại học, phải học cao sau này mới kiếm cơm được. Tôi đồng ý, trước hôm đi một ngày có hẹn Thúy ra bờ sông, ngồi thưởng gió.

"Thắng đi lên tỉnh có về không? Thúy nghe bác Thuấn bảo lên đấy là không về". Tôi cười xòa, gật đầu rập cái. Từ hồi đấy đến giờ Thúy vẫn giữ nguyên việc tết tóc, vừa bảo tóc dài rất quý khi tết vào càng đẹp, vì thế nên thích. Tối hôm đấy, chúng tôi không nói gì nhiều, chỉ là có hứa hẹn. Nhúng tôi không nói với Thúy là thích nó, chỉ bảo khi thi xong kiếm ngay việc rồi về thăm nó, Thúy nghe vậy vui lắm, cứ như con chim nhỏ hót líu lo.

Sau đó tôi rời đi. Thấm thoát đã gần hai năm, công việc sớm cũng khấm khá, ông chủ bao ăn ở tiền lương dư giả có thể đem về biếu bố mẹ. Tôi chọn một ngày nắng đẹp bắt chuyến tàu rồi trở về quê.

...

Khu tôi sống vẫn vậy, vẫn nhỏ hẹp nhưng lại ấm cúng. Tối sau khi dùng bữa mới thấy thằng Thịnh Cùi và thằng con nhà bà Lúa cầm bình rượu đợi ở sân lớn sau khu.

Chúng tôi tán ngẫu nhiều, thằng Thịnh Cùi giờ làm thợ rèn trông tướng tá béo tốt lắm, nó có một thằng cu rồi vợ ngoan ngoãn làm thêu dệt, một tháng cũng đủ cho cái ăn cái mặc. Còn thằng Nhít con nhà bà Lúa được hưởng hẳn mấy tấc đất, nó khai quật trồng cây lấy quả, thu về bội tiền lại thuê người làm cuộc sống nhàn hẳn.

Chợt thằng Thịnh Cùi nói về Thúy. "Thắng này, cũng hai năm rồi mày còn nhớ con Thúy không?", tôi lẩm bẩm quên thế nào được, thế mà thằng Nhít cười to như sấm. Nó hỏi sao không sang tìm Thúy, tôi bảo rằng việc hiếu đặt lên đầu, về thăm cha mẹ rồi mới tính chuyện sau.

Thằng Thịnh Cùi khà khà vài tiếng, lè nhè nói Thúy nó lấy chồng rồi. Sau khi tôi đi được bốn tháng, nó được gả cho cậu ấm con ông Lý làng bên. Đám cưới to lắm, có mấy mâm liền, còn có cổng hoa lớn bằng cổng đình.

Tôi như chết đứng, cám giác trời vốn oi bức mà lòng lại lạnh như băng. Thúy không đợi tôi như tối hôm ấy đã hẹn, Thúy không đợi tôi về nói rằng sẽ cưới em làm vợ.

Thằng Thịnh Cùi nói tiếp, nó bảo cuộc sống của Thúy gần đây khổ lắm. Lúc đi chợ thấy mặt mũi bầm dập, thân thể gầy gò đi nhiều. Người đồn rằng cậu ấm nhà ông Lý cười nó về là bị nó thả bùa yêu, chứ ai lại cưới một "con bò đốm".

Sáng sớm, Thắng đợi ở chỗ cây dừa lối gần vào chợ, vì thằng Nhít bảo Thúy hai đi sớm mua thịt lợn ngon. Quả đúng thật, tôi đã gặp Thúy. Em gầy đi nhiều, lớp vải lụa màu xanh nhạt ôm trọn lấy cái sự gầy nhom yếu ớt. Tóc Thúy vẫn dài, không còn tết hai bên nhưng vẫn bện dài thẳng tuột.

Thấy tôi Thúy sững người, mấy vết đốm trắng trên người cứ lấp lánh trước bình minh. Hai mắt Thúy trố to, miệng cứ hiện lên xuống nét cười buồn. Tôi không cười nhìn Thúy, chỉ cùng em đi vào chợ và giữ tư thế cách xa khoảng một bước rưỡi. Coi như giúp em tránh khỏi sự đàm tiếu của thiên hạ.

Thúy bảo "Giờ Thắng mới về, quá muộn để tuổi xuân của Thúy đợi". Tôi hỏi nhỏ, âm lượng mang nét hơi vui "Em sống tốt, gả vào nhà phú ông giàu có Thắng vui còn không kịp. Chỉ tiếc không đến dự đám cưới của em." Thúy cười cúi mặt, dường như ánh mắt em long đong lấy nước mắt, nhưng em không khóc. Chỉ là đi trước tôi, rẽ vào mua thịt rồi lại đi tiếp.

Tôi mời em vào quán bún dì Tam, em bảo muốn ăn bún mà hồi trước cả xóm cùng ăn. Tôi bèn vui vẻ đặt liền hai bát, Thúy từ tốn, điềm đạm hơn nhiều, tôi nhận thấy nét đẹp của em có phần nồng thắm hơn, ngay cả những đốm trắng ấy cũng khiến em thêm nổi bật. "Hương vị giống quá nhỉ, hệt như tối đấy chúng mình cùng ăn."

Thúy cười, nhưng nụ cười em cứ méo xệ xuống. Về sau nước mắt thi nhau rơi xuống, tôi hoảng vội lấy khăn lau mặt cho em. Nơi cổ Thúy có vết bầm lớn, thêm nơi cổ tay hẵng còn đỏ thậm. Tôi vội hỏi là ai đánh em, Thúy lắc đầu cố giằng tay khỏi tôi, quay mặt không cần lau mặt.

Tôi bắt em nhìn thẳng mắt mình, lòng càng có chút thương xót. Không ngờ thằng Thịnh Cùi nói thật, em sống không tốt, không hạnh phúc, vậy sao em lại phải lấy con nhà ông Lý.

Thúy tránh mặt tôi suốt cả bốn ngày, đến lúc tôi phải trở về thành phố cũng không thấy nổi hình bóng em đâu.

Trước khi đi có dặn thằng Thịnh Cùi giúp, nhờ nó gọi điện báo tôi về Thúy. Trong một năm tôi nghe chỉ toàn điều xót xa, công việc như hố sâu cứ hút tôi không lối thoát, tôi không về quên được để tìm em.

Thằng Thịnh Cùi bảo, ngày tôi lên phố Thúy bị đồn tình nồng ý mật vời gã trai phố, ông Lý nghe vậy bèn bắt người hầu đánh Thúy giữa sân nhà. Thằng con trai tức chồng Thúy còn giựt tóc em, lôi ra cổng đánh thêm trận nữa mãi đến xế chiều mới lôi vào nhà.

Thịnh Cùi bảo bố Thúy là một con nợ, nợ ông Lý tiền vay để thuê người xây nhà, lúc ấy bí quá bèn bán cô con gái. Thằng con trai ông Lý mới đầu hứng thú vì bảo Thúy đặc biệt liền bắt cưới ngay, nhưng giờ đời em ngọc nát hương tan rồi.

Tôi bảo Thịnh Cùi nói với bố Thúy sẽ trả nợ nốt cho ông, bằng lòng thêm sẽ về quê đem Thúy lên huyện tố cáo nhà Lý ông, rồi cưới Thúy.

Trong một năm, tôi sắp xếp việc ổn định lại được kì phép một tuần. Về đến quên đã thấy Thịnh Cùi ra đón, nhưng mắt nó hốt hoảng kéo tôi chạy nhanh đến nhà Lý ông. Trong sân có nhiều người, Thúy thì đang bò quằn quại dưới chân Lý ông khẩn cầu thảm thiết.

"Con lạy ông, con xin ông. Con của con là của anh Xuân là cháu nhà họ Lý. Con xin ông đừng vứt bỏ mẹ con con." Lý ông hừ lạnh một tiếng định vút roi quất mạnh, tôi liền xông tới đỡ Thúy đứng dậy. Có tiếng xôn xao, có tiếng chửi bới, tôi mặc kệ.

Cha con nhà Lý mặt đanh lại, thằng Xuân xông ra định đấm tôi một cú nhưng bị Thúy ngăn cứ vùng vằng một hồi mới thôi. Tôi giờ để ý, mái tóc Thúy bị rối tung. Không phải vì gió, nó không còn dài nữa, một túm tóc dài hẵng còn tết nằn trên sân gạch đỏ. Thúy nhìn tôi, mặt em hốt hoảng rồi ẩy tồi về, em bảo chuyện nhà họ Lý tôi không có quyền can thiệp.

Thúy về với Thắng, Thắng sẽ lo cho mẹ con Thúy, không để Thúy chịu đau khổ. Thắng hứa sẽ cưới Thúy, sẽ giúp Thúy thoát khỏi nhà Lý ông. Những người nghe thấy lại được trận xôn xao, bàn tán chẳng dứt nhưng tiếng chửi của Lý ông rất to.

Thằng Xuân nhào kéo Thúy về, "Nó là vợ tao, là người của nhà họ Lý, mày là thằng quèn không có quyền cướp nó về". Thúy khóc, khóc gào thảm thương rồi ngồi bệt xuống đất. Hai tay bưng mặt khóc càng lớn, mặc kệ tiếng Xuân chửi tiếng Lý ông quát, Thúy khóc rưng rức khóc đến nỗi em ngất lịm đi.

Chiều tối, nhà Lý im lìm nhưng thằng Xuân cũng không cho qua chuyện. Nó uống say lại đem Thúy ra đánh, nó bảo con trong bụng là của tôi, vì thế phải đánh cho chừa thói bẩn. Tôi không biết chuyện gì xảy ra, chỉ biết sáng sớm người làng báo Thúy sảy thai, mất đứa con rồi.

Hai hôm bị nhốt trong phòng Thúy bấy giờ mới thất thần đứng trước hiên nhà, miệng trắng bệch, tóc nhẫn tủn mủn. Gương mặt hốc hác như sắp chết, em nhìn thằng Xuân đang tưới hoa cứ vậy chằm chằm. Đợi lúc chạy nhào đến đánh nó túi bụi, tôi ở gần đấy cứ gào ngoài cổng. Thúy cầm bình tưới đập mạnh vào Xuân, như thể phải giết chết nó.

Lý ông không có nhà, tôi bèn đạp cổng xông tới cản Thúy thì liền bị em ẩy ra, cầm bình đập trúng đầu khiến choáng. Thúy gằn từng tiếng "Mày giết con tao, mày giết con tao" sau đó cứ đập Xuân, cho đến khi Xuân bất tỉnh trên trán xuất hiện máu, Thúy mới dừng lại.

Lý ông biết tin chạy lên báo quan huyện nhất định xem xét tống khứ Thúy vào tù. Tôi ra sức thanh minh, Thịnh Cùi cũng giúp nhưng chả biết quan huyện ăn bao nhiêu tiền của Lý ông, phạt tước ruộng của nhà em thuộc về nhà Lý coi như bồi thường. Thương tình cho kẻ điên mất con, xóa tên Thúy khỏi gia phả trả về nhà bố đẻ.

Tôi tức, xót cho em. Thịnh Cùi ngăn tôi lại, nó bảo giờ không làm được gì nếu còn to chuyện e rằng Thúy sẽ bị phạt nặng hơn. Về nhà bố ruột, ông khóc ròng nhìn con gái, đau đớn quá qua đời sau một tháng.

Tóc Thúy không còn dài, mái tóc là nét đẹp của phụ nữ giờ mất rồi nhưng tôi vẫn thấy em đẹp. Thúy cười cười vỗ tay khi thấy tôi đến, hệt như hồi tôi thấy em bám lấy mình, hồ hởi và phấn khích lắm.

Tôi chải tóc cho em, em liền hỏi nhẹ giọng tựa gió bay.

"Đố anh biết, em đẹp nhất khi nào?
Không phải khi mặc áo gấm, cài trâm
Không phải đi hài, búi tóc
Không phải giá y đỏ rực
Đố anh biết, em đẹp nhất khi nào?"

Tôi từ tốn đáp lại.

"Em đẹp nhất vào chiều hôm ấy
Không cần áo gấm, cài trâm
Không cần đi hài, búi tóc
Không cần giá ý đỏ rực
Em đẹp nhất là khi tết tóc."

Thúy chợt khóc, nhưng em khóc không thảm thiết chỉ là lặng lẽ, cô đơn. Tôi ở đây đã gần hai tháng, công việc trên phố tạm gác lại, có nói với bố mẹ sẽ cưới Thúy làm vợ.

Chiều hôm ấy tôi sang nhà em, thấy Thúy mỉm cười tươi tắn vận một bộ quần áo giản đơn màu nâu nhạt, tóc bây giờ ngắn đi nhưng đôi mắt vẫn còn nồng nàn nhìn tôi. Thúy kéo tay tôi, chẳng nói gì chỉ là nhìn tôi thật lâu.

"Thúy, nhanh thôi. Ngày mai, Thắng sẽ cưới Thúy. Cho Thúy thấy hạnh phúc, không để Thúy lo âu."

Thúy lại mỉm cười, khuôn mặt có những vệt đốm phát sáng, tôi hay gọi là đom đóm, giống như vệt sáng hy vọng. Thúy là niềm hy vọng của tôi...

Thấm thoát đã năm năm, hôm nay trời nắng đẹp. Tôi tản bộ trên đường làng được làm lại láng mịn, Thịnh Cùi từ sau đi tới cầm lấy chai rượu, gương mặt cũng già rồi, giống tôi, già giống hệt tôi.

Cỏ cây mọc đã dày, hoa quả trên đĩa vẫn được Thịnh Cùi thay thường xuyên. Tôi đặt bó hoa cúc trên bia mộ Thúy, em ra đi khi còn rất trẻ, khi tình mình vẫn còn chưa phai, em ra đi sẽ chẳng quay lại, bỏ mặc tôi ở lại với tịch mịch sương đông.

Tôi hứa cưới Thúy, khi em mất trên danh nghĩa là vợ tôi. Cả đời này sẽ mãi vậy. Lúc em ra đi đau đớn lắm, ba mành vải vắt trên trần nhà, thân em cứng đờ cứ lơ lửng giữa không trung.

Tôi chỉ kịp đeo trên tay em chiếc nhẫn cưới, không cầu kì những trọn vẹn ý niệm.

...

Có những đốm lửa lập lòe sáng trong đêm đen, tôi ngỡ rằng đấy là đom đóm nhưng chỉ là những ngọn đèn dầu bé nhỏ trong mỗi căn nhà, nhưng không phải vậy, tôi đoán rằng là Thúy những vệt đốm trắng lập lòe như hy vọng, Thúy là niềm hy vọng của tôi.

Tôi chải tóc cho em, em liền hỏi nhẹ giọng tựa gió bay.

"Đố anh biết, em đẹp nhất khi nào?
Không phải khi mặc áo gấm, cài trâm
Không phải đi hài, búi tóc
Không phải giá y đỏ rực
Đố anh biết, em đẹp nhất khi nào?"

Tôi từ tốn đáp lại.

"Em đẹp nhất vào chiều hôm ấy
Không cần áo gấm, cài trâm
Không cần đi hài, búi tóc
Không cần giá ý đỏ rực
Em đẹp nhất là khi tết tóc."

Hoàn văn
14/7/2019
_mộc_

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #oneshot