[Oneshot] LƯU
Một tay anh mơn trớn phím đàn, tay kia kẹp lấy điếu thuốc nhỏ. Từ đầu chí cuối người đốt thuốc chẳng thèm rít lấy một hơi, để tàn thuốc xám như tro nằm chỏng chơ trên dãy phím trắng. Mấy tờ giấy kẻ khuông nhạc im lìm trên chiếc bàn con bên cạnh. Đèn dầu lạc tù mù khiến anh thấy nhơ nhớ đèn Hoa Kỳ, nhưng chỉ một lát anh đã vội gạt ý nghĩ đó ra khỏi đầu. Có gì để nhớ nữa đâu!
Tay anh nhịp nhịp, ấn chết một phím thật lâu rồi buông ra. Tiếng dương cầm lãng đãng vọng vang trong căn phòng chật hẹp, mãi một lúc mất hút vào tiếng ếch nhái rỉ rả. Anh lại ngó sang đồng hồ quả lắc. Chuông vừa điểm không lâu, giờ là mười hai giờ lẻ bảy.
Lưu vẫn chưa về.
Du tiếp tục dán cái nhìn trống rỗng vào bộ phím dương cầm thêm mấy chục phút nữa. Tận khi chuông đồng hồ lại điểm báo một giờ sáng anh mới thôi kiên nhẫn, dúi điếu thuốc đã tàn vào cái gạc mẻ bằng sành, khoác áo ra ngoài.
Thành phố mùa mưa. Hết dầm dề rồi rả rích, rồi đến mưa bụi. Tiết trời luân chuyển, bây giờ đến kỳ mưa đêm. Du đi gấp, chỉ đội nón chứ không mang dù theo, mới ra đến đầu ngõ áo khoác đã ướt hết. Trong ngõ tối mù, ra đến phố mới thấy lưa thưa đèn điện. Phố nhỏ, đèn kém sáng. Màu vàng dìu dịu hắt bóng lên từng đợt mưa bay. Lấp lóe, như những hạt kim loại rơi mau; sáng rồi vụt tắt, như ánh sao sa trên nền trời đen thẳm.
Du đi dưới mấy mái hiên lụp xụp, tay đút trong túi quần, mặt đăm chiêu. Ra khỏi phòng trà, trễ cỡ nào Lưu cũng không ngồi xe kéo. Mọi hôm hát xong cô thường đi bộ một quãng đến tiệm hoành thánh gần đó, làm thực khách cuối cùng, chịu ăn đồ rẻ và mặn, xong xuôi mới kiếm xe về gác trọ.
Ăn uống rồi đi về không tới một tiếng đồng hồ. Dạo này mưa dầm, Lưu về khuya hơn nhưng cũng chưa bao giờ quá nửa đêm. Vậy mà nay, một giờ rồi. Lúc Du đến, tiệm hoành thánh đã đóng cửa. Rồi anh biết tìm cô ở đâu? Tự nhiên, Du ước gì mình chịu ở yên chờ Lưu về. Viết mấy nốt, chơi vài bản, nghĩ chút chuyện, chép đôi dòng vào cuốn sổ tay cũ, làm đủ thứ việc chán ngắt trên đời như đó giờ anh vẫn thường hay.
Tự nhiên ước vậy thôi, chứ Du vẫn đến phòng trà tìm Lưu theo dự tính. Anh đến ngay lúc cô được một người thanh niên xa lạ đỡ lên xe kéo, rồi hai người trao nhau cái ôm trong bóng đêm. Anh lờ mờ nhận ra nét cười trên môi Lưu. Lớp má hồng của cô hình như đậm lên, màu loang ra cả đáy mắt.
Người kia cao và gầy, mặc com lê thời thượng, tóc chải bảy ba.
Chậc. Cũng một thời như thế.
Du tặc lưỡi, lắc đầu, trở gót. Đêm nay chắc lại thức trắng viết nhạc. Có một bản mà để dang dở hoài, mấy ai kiên nhẫn viết xong đâu.
...
Hồi lúc còn là công tử, Du được ba má mua cho cây dương cầm rồi đi học nhạc, cũng tới nơi tới chốn lắm. Anh viết nhạc từ lúc mười sáu, hai tháng nữa là tròn bảy năm cầm bút kẻ khuông. Quãng đó đêm nào anh cũng ra vào phòng trà, vũ trường, viết nhạc tặng giọng ca mình ưa. Không ngờ, nhà Du giàu có nhờ buôn bán, cũng lụn bại vì chuyện bán buôn. Ba má mất, anh cố giữ lại cây dương cầm, làm thuê làm mướn mưu sinh, rồi viết nhạc thành nghề tay phải. Nhạc anh được nhiều người chuộng lắm nhưng anh không thích chúng như mấy bản viết trước kia. Âmm điệu cứ ngày một não nề, ca từ thì nhuốm đen, không thấy đâu thanh cao, nhã nhặn như xưa nữa.
Lúc Du tuyệt vọng với ngón nghề sinh mạng, anh gặp Lưu.
Một dạo, thấy thèm cảm giác đê mê khi rít một hơi thuốc dưới ánh đèn mờ ảo trong tiếng hát du dương, anh tìm đến một phòng trà ọp ẹp, thưa khách. Lưu hát ở đó. Đêm anh đến là đêm đầu tiên cô đứng trên sân khấu xướng ca. Giữa lúc những xa hoa, thời thượng len vào từng ngóc ngách thành phố và cuộc đời, sự ngô nghê, nhút nhát và lối ăn mặc của Lưu khiến cô trở thành cái chấm lạc lõng, không sáng cũng không tối, mờ mờ, tỏ tỏ, có khi tắt ngúm, muốn lụi tàn.
Ngày ấy đứng trên sân khấu, Lưu mặc áo dài đen, mái tóc suông xõa đến eo được kẹp lại gọn gàng. Đội thêm cái nón lá, tay xách cái giỏ đan, kêu Lưu ra bến xe đứng chờ chuyến là đúng bài. Du nghĩ cô từ dưới quê lên, về sau mới biết cô vốn là tiểu thư đài các, nhà gia giáo. Nhưng, cũng như anh, là đã từng.
Lưu lọt vào mắt anh, rồi lọt cả vào tâm tưởng khi anh viết nhạc. Dần dà, bóng dáng Lưu đậm nét trong từng nốt đen nốt trắng. Lúc anh trao Lưu chiếc phong bì đơn độc, không hoa không hương, thứ gói bản nhạc đầu tiên anh viết cho cô, Lưu cười đáp lễ rồi xin phép mở ra coi. Đọc ca từ một lúc, Lưu đột nhiên bật cười. Cô chỉ vào tờ giấy, hỏi anh, chắc anh nhìn tôi lâu lắm mới biết tôi quen nhăn nhó. Rồi, chắc ngày nào anh cũng đi nghe tôi hát mới nhìn ra có mấy bữa tôi không ủi áo dài.
U sầu một nét mày cau,
Thướt tha tiếm cả lụa nhàu khoác lên.
Nết na ai vẽ mà nên,
Bão bùng mưa gió chẳng hoen cốt ngà.
Du nhớ mình đã viết vậy.
Anh đề tên Vĩnh Bảo trên mỗi bản nhạc, còn Lưu lấy nghệ danh là Xuyên. Nhạc anh viết gửi cô như đo ni đóng giày, chỉ chất giọng thanh thoát, huyền hoặc mà não nề ấy mới xướng ra được thần tình trong từng câu chữ. Hai cái tên bắt đầu xuất hiện cùng nhau trên mặt báo. Lưu trở nên nổi tiếng, còn Du vẫn ẩn mình sau cái danh Vĩnh Bảo, tiếp tục vừa đốt thuốc vừa viết nhạc mỗi đêm.
Một ngày, khi mới từ ngoài phố về, Du bắt gặp Lưu ngồi trước cửa nhà mình, mặt gục vào đầu gối. Anh bất ngờ đến hoảng. Không biết làm sao cô biết nhà mình, càng không hiểu vì sao cô ngồi đây, kế bên còn có cái vali nhỏ. Cô ngủ gật. Lúc Du lay cô dậy, Lưu dụi mắt cười ngờ nghệch, hỏi anh cho cô tá túc được không. Một hai đêm thôi, rồi cô tranh thủ kiếm chỗ ở khác, chớ chỗ cũ không cho nợ tiền trọ nữa, người ta mới đuổi cô sáng nay.
Anh hỏi, tiền đi hát đâu hết trơn rồi. Mắt Lưu mông lung, giọng nhẹ hẫng. Cô kể anh nghe chuyện mình nuôi người tình ăn học, chuyện anh ta sa vào cờ bạc rồi bỏ đi để cô gánh hết nợ nần. Cô kể chuyện người ta đến tận nơi sống tìm cô đòi nợ, chuyện cô vét cạn túi để trả, rồi chuyện cô túng tới nỗi ba tháng nay không còn một đồng để trả cho chủ nhà.
Du khoanh tay, thở hắt, trầm ngâm:
- Lưu không sợ tôi làm gì Lưu hả?
Lưu tái mặt, im lặng không nói tiếng nào. Tay cô bấu vào đầu gối một lát rồi chầm chậm thả ra, tự giễu:
- Tôi có còn cái gì để mất đâu...
Lưu giữ lời. Hai ngày sau cô kiếm được chỗ trọ khác, dọn đi ngay.
Chỗ đó, sát vách phòng Du.
...
Lúc Du về tới đầu ngõ cũng là lúc xe kéo chở Lưu ngừng lại. Cùng phương nhưng nẻo về trái ngược, có khi, đâu ai quan tâm đích đến nữa.
Du ướt nhẹp, lầm lũi. Theo sau anh là Lưu, người vẫn ưa mặc áo dài, tóc xõa ngang eo để đêm đêm đi hát. Lưu bước nhanh lên, bắt chuyện. Cô hỏi anh đi đâu mà khuya thế. Du trả lời, đi bắt trăng. Cái câu nghe không giống ai, cũng không ai muốn giống vì khó hiểu quá. Lưu than thở, trời mưa tầm tã như vầy, làm gì có trăng mà anh đòi bắt. Du lặng đi, không biết nghĩ gì mà độ một phút sau mới đáp. Tiếng anh vang vang trong con ngõ sâu và hẹp, như hút hết bóng tối rồi đổi thành một màu xám tro như tàn thuốc lá.
Cũng mong manh như thế, cũng dễ vụn như thế.
Không phải không có trăng đâu, mà hồi nãy trăng mới rụng, vỡ làm đôi mất rồi.
Du mở khóa phòng, vào trong rồi chốt cửa ngay trước mặt Lưu. Lưu đứng bên ngoài ngơ ngẩn, mặt buồn xo, hụt hẫng. Cô muốn hỏi lắm, rằng Du ơi, nếu từ đầu đã không có trăng thì cái gì vỡ đây?
Câu hỏi bật lên từ cõi lòng quạnh quẽ của Lưu, dâng đến cuống họng thì dừng lại. Du biết ý cô hay sao, mà vừa vào anh đã đàn một trong số những bài anh viết cho riêng Lưu. Cô lẩm nhẩm hát theo, nhưng tiếng đàn còn da diết hơn tiếng hát. Lưu lờ mờ hiểu ca từ Du viết, lờ mờ hiểu cung bậc, nốt ngân. Càng hiểu, cô càng không dám lấn át tiếng đàn của Du.
Có quá nhiều thứ để lắng lo, để sợ hãi khi muốn bắt đầu một cái gì đó ngỡ quen mà lạ. Như là một mối quan hệ. Như là, việc vá lại một mảnh hồn tàn.
Con thuyền mơ bến xa xôi,
Có hay bờ đã đơn côi đợi chờ.
Im nghe bờ gảy dây tơ,
Thuyền ơi thuyền ở thuyền đừng vội đi.
Đôi ta gặp gỡ làm chi,
Trăm năm một nỗi sinh li thương hoài.
...
Du không buồn ra ngoài cả tuần nay. Anh muốn ở nhà, quanh quẩn với mấy đợt ho. Bụng mỏi, phổi đau, chắc do mắc mưa nhiều nên sinh bệnh. Anh cũng lười chơi đàn, mỗi lần kê ngón tay lên mép phím vuốt ngược vuốt xuôi, lòng anh lại trống rỗng.
Gác trọ ọp ẹp, ẩm thấp. Đêm đêm khi lạnh lùng vây kín, Du cuộn người trong chăn thẫn thờ chờ đợi tiếng mở khóa cửa. Mấy âm lạch cạch thôi cũng đủ khỏa lấp cả ngày dài. Nhưng kêu gặp người, anh cố chấp không gặp. Nếu đổi ý, người Du muốn gặp cũng không phải Lưu mà là người thanh niên lạ hoắc mặc com lê đêm nào.
Nhân tình thì đường đường chính chính nắm tay dưới đèn, tội tình gì mà kéo nhau ôm ấp trong tối đen.
Du cười mỉa.
Người ta ra sao vẫn hơn anh. Hai mươi ba tuổi, chỉ biết rúc sâu vào trang giấy, lấy nghệ danh che đi danh tính thật và quá khứ đầy tiếc nuối, đau thương. Nói Du là kẻ ăn mày dĩ vãng cũng đúng, bởi chưa bao giờ Du muốn dứt mình ra khỏi chuyện xưa. Nói Du là người căm sợ tháng ngày đã qua cũng chẳng sai, lắm khi anh ước mình sinh ra đã nghèo, hoặc giàu thì giàu đến cùng số tận mộ.
Hai mấy tuổi, mớ bảy mớ ba, người ta cao sang quyền quý, nhìn lại mình chẳng có gì ngoài bút và viết, ngoài xác thân còm cõi ngày ngày gồng lên gánh những nỗi không đáng.
Nên, không biết là mỉa ai, hay mỉa mình.
...
Du nhận tin Lưu rời đi vào một sớm mai, trời xam xám âm u và mưa phùn giăng như tơ lất phất.
Lạnh lẽo mà dịu dàng.
Như bàn tay người cuối cùng cũng đến gõ cửa phòng anh, trả cho anh xấp giấy ố vàng chép hết tình ca một thuở. Tình ca, mượn điệu mà hát chữ tình, lại không dám mượn điệu ấy tỏ tường cùng nhau. Du hời hợt với cảm xúc đang cuộn lên, còn Lưu thì hổ thẹn. Ngày trước là ngược hướng nhưng cùng đích đến, bây giờ cùng lối đi nhưng mất hút nẻo về.
Xuyên bốc hơi giữa lòng phố thị. Vĩnh Bảo gác bút không sáng tác. Nét mày nhẹ cau năm cũ biệt bóng. Cái chữ "vĩnh" thì ra chỉ đúng một lúc. Qua giây phút ngắn ngủi đó, thiên thu cũng mỏng tựa sương sớm mai, nắng lên vụt tan biến.
Đời người đâu dễ dài lâu
Tình mình nào có đậm sâu
Tiếng yêu nát cả lụa nhàu
Cho còn tiếc hận ngày sau.
Những ngày về sau, phố thị nườm nượp cỡ nào cũng không lưu luyến nổi bước chân Du. Bao bóng hồng lướt qua mải miết, sau cùng, chỉ còn mình anh với cây đàn đơn độc và những đêm trăng say mềm ngoài song cửa, rũ mình dưới mưa.
Những đêm đi bắt trăng không còn. Xe kéo mất, phòng trà đổ. Người thanh niên com lê ngày đó, thỉnh thoảng Du vẫn gặp anh ta trên phố, lúc đi bộ, lúc ngồi trong xe hơi bít bùng như ngục giam. Có lần anh ta đến tìm Du, một mình như bao ngày, hỏi Du vì sao Lưu biến mất.
Tiệc tàn, ai biết vì sao Lưu đi. Tình tan, ai biết vì sao lưu luyến.
Đèn trên phố sáng rực. Con ngõ bé xíu bị ánh sáng trắng đoạt đi những mù mờ dịu dàng ngày cũ. Tiếng mưa thôi êm đềm mà ồn ã, vỗ mạnh vào giấc say, lay Du dậy giữa đêm hoang hoải.
Mười hai giờ lẻ bảy.
Lưu không về.
Một tay Du mơn trớn những phím đàn, tay còn lại kẹp điếu thuốc nhỏ, hát nghêu ngao...
HẾT
Cần Thơ,
08.11.2019
Lê Bình Chi
Nghuệch ngoạc trưa hôm nào đó quên rồi, với mấy mươi phút đêm nay, vậy cũng ra được hai ngàn mấy chữ. Vậy mà mình nghĩ nó ngắn hơn.
"Lưu" có vẻ không giống truyện, mà giống tản văn có cốt truyện. Cô Lưu trong truyện, trong ý mình, là nguồn cảm hứng của người sáng tác nhưng được nhân cách hóa. Cổ vụt đến vụt đi, đến do đồng điệu tâm hồn, đi lại không ai hay, thình lình, bất chợt. Sau khi Du dựa vào Lưu mà sáng tác, thì Lưu trở thành một phần trong tạo phẩm của Du, và người đàn ông mặc áo com lê chẳng qua là kẻ thưởng thức. Lưu đi, hứng cạn, Du không sáng tác, người hâm mộ đến hỏi cũng là lẽ dĩ nhiên.
Thật ra chính mình cũng mông lung lắm. Ý tưởng ban đầu là chuyện tình yêu thuần chất, bối cảnh xưa cũ, không hơn, nhưng càng viết lại càng bẻ hướng, không ngờ được. Bản thân mình hiện tại cũng đang chìm trong hoàn cảnh hứng đến hứng đi, nên viết vậy thôi...
Còn vòng lặp ấy, đến phút cuối cùng mình mới nghĩ ra. Ai đó đoán cho mình vui với!!! 'v'
Ừm, không đoán cũng không sao, mọi người thấy "Lưu" dịu dàng là mình mừng. Đó giờ mình viết dịu dàng chứ không phải bi đâu.
Dạo này dùng "lụa nhàu" hơi nhiều hị hị =v=
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro