III.
"Giữa đàng, ai đã muốn thôi
Ai gieo tiếng dữ cho rồi, ai đi."
Sau khi khỏi bệnh, Trương Nghĩa bắt đầu nấu rượu mang lên chợ bán, bao giờ cũng về nhà khi trời đã tối mịt. Những hôm trời đổ mưa to không đi được, chồng tôi ngồi thu lu trong một góc nhà đọc đi đọc lại quyển sách đã cũ mèm. Cu Đản chơi một mình với mấy món đồ được cậu ba Quân đẽo cho khi trước. Thỉnh thoảng nghĩ ra điều gì vui thích, nó lại phá lên cười. Quay sang bắt gặp gương mặt đen sì của thầy, thằng bé sợ điếng người, mang đồ chơi bỏ vào hộp giấu dưới gầm giường. Ngày qua ngày, tiếng cười trong ngôi nhà của chúng tôi thưa dần rồi tắt hẳn.
Có lần tôi nhân lúc mặt mũi chàng tươi tỉnh, lựa lời phân giải, rằng thuở vắng chồng tôi hay trỏ bóng mình trên vách để con trẻ khỏi tủi phận không cha. Không ngờ chàng nghe rồi chỉ mím môi cười nhạt, khinh khỉnh như thể vừa xem một vở tuồng rất vụng. Những lời tôi toan nói ra đến bờ môi lại phải nuốt vào, nghèn nghẹn trong cổ họng.
Tháng bảy có giỗ của thầy tôi. Tôi dắt con cùng lên chợ mua ít đồ về thắp hương cho thầy. Cu Đản cứ sà vào hàng bánh mứt, mắt hấp háy nhìn những thức quà đủ màu xanh đỏ. Anh hàng mứt trêu: "Cô Thục mua cho cháu đi, lần nào cháu đi với cậu ba lên chợ cũng được mua rất nhiều quà đấy!". Mấy hàng bên cạnh nói chen vào: "Đúng rồi! Ai không biết còn tưởng cậu ba mới là thầy đẻ thằng Đản!". Thấy tôi nhíu mày, họ cụp mắt quay sang chỗ khác. Tôi mua vội mấy đồng bánh gio rồi nhanh chóng dắt con về, gió trên đê thổi mạnh làm mắt tôi cay cay mãi, mấy ngọn cỏ cứ châm chích vào chân. Tôi chỉ ở một buổi, biết họ đặt điều đã thấy khó chịu ngứa ngáy trong lòng, huống hồ chồng tôi ngày nào cũng phải nghe đến mòn tai chuyện vợ mình trắc nết mà không cách gì xác nhận thực hư. Lòng tin giữa những kẻ chung chăn gối nào phải là sắt đá, trách sao mỗi lúc một mòn?
Nhưng giá như một lần người cho tôi được nói...!
Khi mẹ con tôi về đến, Trương Nghĩa đã ở nhà. Tôi mang bánh bày ra đĩa, nấu thêm một mâm cơm rồi rồi đặt lên bàn thờ, cung kính thắp hương, lầm rầm khấn mời thầy về. Điều hối tiếc lớn nhất trong lòng thầy thuở sinh thời là không biết đứa con trai duy nhất còn sống hay đã chết, nhưng tôi biết đi đâu để trả lời được cho thầy? Thôi thì, mong thầy sống khôn thác thiêng, phò hộ cho gia đình con được yên ấm, để chồng con thay anh cả làm con trai mà trọn hiếu với thầy! Tôi khấn vừa xong thì Trương Nghĩa bước đến, tôi mừng rỡ đốt liền ba cây hương đưa cho chàng. Chàng chỉ gật đầu rồi nhắm mắt, dâng hương lên cao quá trán, lẩm nhẩm gì trong miệng. Tôi ngó ra sân, vẫy gọi con vào thắp hương cho ông ngoại. Cu Đản hăm hở chạy đến, bị chồng tôi ngăn lại, nó ngây thơ hỏi:
- Ông ngoại của Đản mà?
Tôi tưởng ý chồng bảo con còn nhỏ nên cứ phiên phiến là được, bèn giải thích pha chút tự hào:
- Đản biết giỗ ông từ năm trước đấy!
Không ngờ chồng tôi đáp, giọng như đang đe dọa:
- Từ nay về sau không được đứng trước bàn thờ ông nữa.
Tôi thảng thốt, quai hàm như bị ai bóp chặt. Trương Nghĩa lại lạnh lùng nói tiếp:
- Dắt nó ra ngoài, tôi có chuyện muốn nói với thầy.
Tôi tự trấn an mình, dỗ con ra sân tiếp tục trò chơi ban nãy. Chợt nhớ mâm cỗ nhỏ còn thiếu ấm chè, tôi vội đi pha rồi mang vào nhà, không ngờ nghe được câu mà chồng tôi đang nói khẽ:
- Thầy ạ, thằng Đản là nỗi nhục!
Chiếc ấm trên tay tôi rơi xuống đất, nước sôi tạt vào chân mà tôi chẳng thấy đau.
Trương Nghĩa quay sang nhìn tôi, nét mặt thoáng ngỡ ngàng. Tôi giương đôi mắt phẫn nộ nhìn ông ta qua làn sương mờ mịt:
- Ông có gì không hiểu thì hỏi tôi, không vừa lòng thì đánh tôi, cớ gì ở đây dằn vặt vong linh của thầy tôi?
Người trước mặt tôi như hóa đá, tôi nghe tiếng mình mà ngỡ như của ai xa lạ:
- Ông đâu phải biết tôi ngày đầu, sao lại nghĩ thằng Đản là con của cậu Quân?
Nước mắt cứ thi nhau tuôn khiến tôi không thấy rõ mặt chồng, chỉ nghe từng tiếng rít qua kẽ răng:
- Tôi ước gì có thể chứng minh nó là con hoang để đường hoàng mà viết thư thôi vợ!
Tôi lấy hết sức lực tát ông ta một cú mạnh như trời giáng rồi vùng chạy ra ngoài.
Gió từ sông thổi lên lồng lộng làm tóc tôi rối bời. Tôi mặc kệ, cứ gào khóc thật to cho thỏa cơn ấm ức. Từng gương mặt lướt qua trong đầu, là nụ cười hiền của mẹ chồng tôi, là khóe môi cong cong ngày đầu tôi gặp chồng, là đôi mắt thầy tôi vuốt mãi mới khép mi, là muôn mặt những kẻ lạ quen trên chợ huyện... Phải chăng tôi đã quá ngây thơ, không biết miệng đời có thể cay độc thế nào? Tôi biết rửa làm sao cho sạch, để chồng tôi xóa mối nghi ngờ, để con tôi một lần được nhận cha? Thầy tôi ở suối vàng có biết nỗi oan của con gái, hay cũng đang nhục nhã không dám về với tổ tiên? Phải chăng thân đàn bà lúc bụng mang dạ chửa côi cút một mình mà trót nhận sự giúp đỡ của người khác cũng là có tội?
Tôi cứ khóc cho đến khi mệt lả, bầu trời cũng nhá nhem. Sắp đến giờ cơm chiều, chắc là con tôi đang đói lắm! Nhưng về nhà rồi mẹ con tôi biết sống tiếp thế nào đây? Tôi nhìn những cơn sóng nhẹ vỗ vào bờ đê, chợt nhớ chuyện ai kể ở làng bên có đôi nhân tình dan díu bị người ta dìm chết, tự dưng thấy rờn rợn, lại thấy hay hay. Người ta nói từ lúc đấy đến giờ không ai nhìn thấy họ nên chắc họ không oan ức gì. Bây giờ, nếu tôi chết rồi hiện hồn về báo oán, hẳn là mọi người sẽ tin tôi trong sạch chứ, sẽ cho con tôi một danh phận rõ ràng chứ? Ý nghĩ ấy như đốm lửa không ai thổi mà cứ lớn dần lên, tôi bước đi như người mộng du, cảm giác lành lạnh do nước phủ vây dâng lên từng chút, đến chân, đến đùi, rồi ngang ngực. Vẳng đâu đó có tiếng ai gọi "Thục ơi", nhưng tôi không nghe rõ, cứ tiến về phía trước. Lớp bùn dưới đáy sông cuộn lấy chân tôi như muốn bảo tôi hãy tan vào trong nó, rồi mặt sông sẽ lại phẳng lặng thôi. Bỗng từ sau vang lên tiếng kêu xé lòng:
- Mẹ! Mẹ đừng bỏ Đản!
Ngoảnh lại nhìn, thấy con, tôi liền sực tỉnh, tìm cách quay lại vào bờ. Chẳng ngờ hụt chân, cả người tôi chìm trong biển nước. Nước xộc vào mũi, vào miệng, tôi cố vùng vẫy, tìm chỗ bám víu trong vô vọng. Tôi cứ thế chìm dần...
Trong đầu tôi hiện ra hình ảnh đứa con bé bỏng của tôi đang òa khóc vì bị người ta đánh mắng. Không... Không được! Dẫu tủi nhục đến mực nào, ngày nào tôi còn sống, đừng hòng ai đụng đến con tôi! Tay chân tôi quờ quạng mãi mà không bám được vào hòn đá hay nhánh cây nào cả.
Có tiếng ai hò vẳng lại phía cuối sông:
"Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng?"
Tôi không thể chết! Tôi không muốn chết!
***
Tôi tỉnh lại giữa một căn phòng vừa lạ vừa quen.
Mở mắt ra nhìn thấy cậu ba Quân, tôi thét lên như gặp ma, kéo chăn lùi sát vào góc giường. Cậu nhìn tôi trân trối:
- Mày té đập đầu xuống đáy sông nên giờ mất trí rồi à Thục?
Tôi cố nhớ lại chỉ thấy đầu rất đau, miệng lắp bắp:
- Cậu cứu con, con mang ơn cậu. Nhưng mà... nhưng mà... con ở đây, người ta sẽ lại độc mồm...
- Độc mồm thế quái nào nữa? – Cậu cười khẩy. – Giờ làng trên xóm dưới có ai không biết cái Thục chết oan?
Hóa ra, cậu ba âm thầm cứu tôi rồi giấu biệt. Cậu còn cho người xõa tóc rũ rượi hàng đêm ở bờ sông, khiến ai nấy cũng tin tôi hàm oan mà chết.
- Người đó... có phản ứng gì không? – Tôi hỏi bâng quơ.
- Nó khóc rống rồi lập đàn tế mày suốt mấy ngày đêm, miệng không ngừng kêu lớn là đã hiểu lầm mày, đòi sống đòi chết xin mày trở về với nó.
Hình dung dáng vẻ ấy trong đầu, không biết phải cười hay phải khóc, tôi tìm chuyện nói tránh đi:
- Cậu đang ăn chay hay sao mà miệng mồm không chua ngoa nữa? Con tưởng con nghịch dại thế này sẽ bị cậu mắng một trận to.
Ánh mắt cậu công tử con quan nhìn tôi rất lạ kỳ. Hồi lâu, cậu bước ra ngoài, đến cửa mới bỏ lại một câu:
- Cậu đợi mày khỏe đã.
***
Nằm trên giường bệnh, tôi cứ nghĩ mông lung mãi. Con tôi còn bé quá mà mẹ nó chẳng biết làm sao để gia đình mình đoàn tụ. Mấy lần tôi ngỏ ý muốn về nhà vì giờ chồng tôi đã rõ tâm vợ trinh bạch thế nào, cậu ba liền gạt phắt đi:
- Nó tin mày oan vì mày nhảy sông tự tận để tỏ lòng. Giờ nó biết mày còn sống, khác nào bảo nó nghĩ mày giả oan giả ức?
Cậu nói cũng có lý. Tốt hơn hết là để mọi người xem con Thục đã chết rồi, để chồng tôi nhớ về vợ với tất cả yêu thương trọn vẹn không gợn chút hoài nghi. Duyên vợ chồng nếu vẫn còn ắt ông trời sẽ có cách để chúng tôi trở lại bên nhau, không kiếp này thì kiếp khác. Đợi một thời gian nữa mọi việc lắng xuống, tôi sẽ tìm cách đón cu Đản về. Nghĩ thế, tôi thấy vơi ít phần tủi thẹn, yên lòng ở lại trong ngôi nhà nhỏ mà cậu ba chuẩn bị ở ngôi làng cách chốn cũ rất xa.
Thấm thoát, mấy tháng đã trôi qua. Tôi nhớ con đến cháy lòng, bèn lén về thăm, chỉ đứng trông từ xa thôi cũng thỏa. Sụp nón che mặt vì sợ gặp người quen, tôi lội hết mấy cánh đồng, mái ấm thân thương thuở nào đã thấp thoáng giữa những rặng tre. Nép mình trong chỗ khuất, nhìn ra thấy con nhỏ đang ngồi một mình ngoài sân, tôi cắn chặt môi để không lên tiếng gọi. Con tôi đã cao thêm, tóc cũng dày hơn, da thịt hồng hào thơm như lúa non giờ đã sạm đi chút ít vì cháy nắng. Tôi muốn bước đến ôm con vào lòng mà hôn hít nhưng cố kiềm lòng, tay bấu vào lá tre, bị cứa một đường đau điếng. Khi ngó lại, sân nhà cũ của tôi đã có bóng người đàn bà nào xa lạ.
Chồng tôi từ trong nhà sải bước ra, đôi trai gái nhìn nhau mỉm cười, ánh mắt đong đầy tình ý.
Hóa ra là vậy!
Mọi sự băn khoăn từ bấy đến nay bỗng trở nên sáng tỏ.
Tôi nén cười đến vai run bần bật.
Nào tình sâu nghĩa nặng, nào chung thủy sắt son. Người khiến tôi mang tiếng lăng loàn hóa ra chỉ để che đậy chuyện thay lòng đổi dạ!
***
Tôi không nhớ mình làm cách nào trở về nơi mình đang sống. Tôi bước đi trên đường mà không thấy sức nặng của đôi chân, nhúng tay vào nước mà không biết là ấm hay là lạnh. Ngồi bệt trên nền đất, lưng tựa vách, tôi cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi xem rốt cuộc tại sao lại đến nỗi này. Đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện thường tình, nếu ông ta có người nâng khăn sửa túi buổi đường xa thì cứ đưa về, sao phải gây chuyện đến nhà tan cửa nát? Hay vì cô gái kia hoa nhường nguyệt thẹn, bên gối nhỏ to không cam làm lẽ, không muốn sống cùng với con chồng? Như thế... bé Đản của tôi làm sao sống ở ngôi nhà ấy được? Lúc con tôi đau, con tôi đói, làm sao ả ta biết xót thương?
Hết tưởng tượng này đến suy nghĩ khác kéo đến trong đầu, tôi không biết mình đã ngồi như thế bao lâu. Cậu ba Quân đến, hốt hoảng thấy tôi như cái xác, lôi tôi dậy, nhưng tôi không đứng vững, cứ lả đi. Cậu để tôi tựa vào lòng, khẽ hỏi:
- Thục! Nói cậu nghe, có chuyện gì?
Tôi cố hết sức níu lấy vạt áo cậu, thành khẩn van nài:
- Cậu tìm mọi cách giúp con đón con của con về. Con lạy cậu!
Nói ra rồi như trút được gánh nặng ngàn cân, tôi ngất đi trong tiếng gọi đầy lo lắng của cậu ba. Mơ màng nhớ lại, tôi đã từng nghe tiếng gọi thê lương ấy giữa bốn bề sông nước.
***
Tôi không buồn hỏi cậu ba đã làm gì để mang cu Đản về cho tôi. Sáng hôm ấy tôi nghe tiếng con trẻ gọi lanh lảnh ngoài sân, vội vã chạy ra, chân nọ cứ quấn chân kia. Mẹ con tôi ôm nhau mừng mừng tủi tủi.
- Mẹ không được bỏ Đản đi nữa, mẹ hứa đi!
- Ừ, mẹ hứa! – Tôi vùi vào tóc con hôn hít.
Quãng thời gian đầu, mẹ con tôi sống nhờ bạc và thức ăn, đồ dùng cậu ba Quân tự mình mang đến. Căn nhà này cậu dựng ngoài nơi ở cho mẹ con tôi còn có một góc nhà kho cho cậu. Mỗi lần cậu đến chỉ nói bâng quơ vài câu với tôi rồi rúc vào chốn ấy, cu Đản đi tìm cậu thì hai người một lớn một nhỏ không ra khỏi cửa suốt từ sáng đến chiều, tôi có bưng cơm đến, cậu cũng bảo đặt ngoài cửa rồi cậu sẽ dùng. Tôi lại ủ rượu, làm nem mang lên chợ bán, dần dần đã đủ tiền mua gạo mua thịt nấu luôn phần của cậu. Tôi tự xem đó như một cách trả lại cái ơn mà cậu đã đùm bọc mẹ con tôi, dẫu chẳng thấm vào đâu. Đôi lần cậu ra khỏi kho mà ngồi ăn trên nhà chính, gắp một đũa bỏ vào mồm cậu lại đùa:
- Người xưa tần tảo nuôi chồng ăn học đến ngày đỗ đạt còn mày nuôi cậu luyện tay nghề đến lúc thành danh. Chừng thành ông chủ lớn có xưởng điêu khắc mở khắp kinh đô, cậu sẽ cho mày vẻ vang hơn cả bà Trạng nguyên, Thục nhé!
Tôi đã quá quen với những câu cợt đùa của cậu nên chỉ cười trừ, nhưng cu Đản thì tò mò ra mặt:
- Bà Trạng là vợ ông Trạng nguyên hả cậu?
- Ừ! To lắm! Giàu lắm đấy!
- Đản cũng muốn làm Trạng nguyên, Đản cưới vợ đẹp về hầu mẹ!
Tôi há hốc mồm, nhìn con rồi lại quay sang nhìn ông chủ cũ:
- Cậu đã dạy gì cho nó? – Giọng tôi ít nhiều đe dọa.
- Mày yên tâm! Cậu cam đoan thằng Đản lớn lên sẽ thông minh, tháo vát, hào hoa phong nhã y như cậu vậy. – Cậu nhăn nhở cười đầy kiêu hãnh.
Mắt tôi cụp xuống khi nghe đến hai chữ "hào hoa". Lòng tôi đã bị cái sự phong lưu của đàn ông biến thành gỗ đá, tôi không muốn sau này con tôi lại khiến một cô gái nào phải khóc một đời.
- Đản muốn lớn lên giống cậu, chỉ thương mỗi mẹ thôi! – Con tôi nói như reo.
Cậu ba tít mắt cười hưởng ứng. Tôi thở hắt ra, gắp thêm thịt vào chén con rồi ăn vội cho xong.
***
Chớp mắt mà một năm đã trôi qua, cậu ba Quân giã từ mẹ con tôi để mang tượng đá lên kinh đô bán. Ông bà lý giờ cũng không phản ứng gay gắt như xưa nhưng cậu vẫn muốn chứng minh mình có thể tự tạo dựng việc làm ăn nên trò nên trống. Cu Đản cứ bám lấy chân cậu chẳng cho đi, cậu phải dỗ dành:
- Đản ngoan nào! Để cậu đi, chừng nào giàu to cậu sẽ mua một xe mứt hồng về cho mày ăn thỏa thích!
- Thật ạ? Cậu hứa đi! – Đản vui mừng ôm cổ cậu.
- Cậu mày có nói dối bao giờ? – Cậu ngoéo lấy ngón tay út của con tôi, cam kết một lời chắc nịch. – Nhưng mày cũng phải hứa với cậu một điều!
- Điều gì ạ?
- Có thằng nào bén mảng đến đây mày phải dọa nó chạy mất, không được để mẹ mày lấy chồng khác, phải đợi cậu về, hiểu không?
Tôi dúi bọc vải vào tay cậu:
- Nem con gói đấy. Cậu mang theo đi đường cho đỡ rỗi mồm kẻo nói linh tinh!
Cậu nhăn nhở cười mấy tiếng rồi bước lên xe rời đi. Con trai tôi vừa vỗ ngực vừa la với theo inh ỏi:
- Cậu cứ yên tâm! Đản sẽ giữ lời hứa! Đản là đàn ông mà!
Tôi nhìn theo xe ngựa khuất dần phía cuối đường, tiếng lộp cộp vó ngựa gõ trên đá như lẫn trong lời cậu nói hôm báo với tôi cậu muốn ra đi:
- Sau bấy nhiêu năm, mày vẫn nghĩ cậu là kẻ đào hoa chắc?
***
Cu Đản sắp lên năm, tôi gửi con lên học với ông thầy đồ trên huyện. Trước đó thằng bé đã được cậu ba Quân dạy cho ít chữ nên học nhanh hơn chúng bạn, rất hay được thầy khen. Mỗi lần như thế, nó về đến nhà chân chưa chạm ngõ tiếng đã rộn ràng khoe với mẹ khiến mọi nhọc nhằn của tôi như tan biến hết. Đời tôi xem như chẳng còn gì nữa, chỉ mong con trẻ có một tương lai tươi sáng, ngẩng mặt nhìn đời.
Thương mẹ, thằng bé càng lớn càng ngoan. Ngoài những khi đi học và đọc sách, nó phụ tôi mọi việc trong ngoài. Mang nặng không than, té đau không khóc, tôi xót con ôm vào lòng dỗ thì bị nó đẩy ra:
- Cậu ba nói Đản là nam nhi, phải mạnh mẽ để bảo vệ mẹ!
- Nhưng mà mẹ là mẹ của Đản, Đản khóc với mẹ thì không có gì hổ thẹn, hiểu không? – Tôi vuốt tóc con.
Được lời như cởi tấm lòng, trang nam nhi trong vòng tay tôi trở về làm cậu bé con, mắt bỗng hoe hoe đỏ:
- Đản nhớ cậu ba quá... Khi nào cậu mang mứt hồng về mẹ nhỉ?
Tôi phì cười, lại không biết trả lời câu hỏi ấy thế nào nên chỉ siết chặt con hơn một chút rồi đặt một nụ hôn lên trán trẻ. Nó đi học nghe bạn bè kể về thầy mẹ mà không nhớ con người bội bạc ấy, hẳn là may...!
Những lúc rỗi việc, Đản còn thích trò đẽo đá. Tay nó còn nhỏ và yếu nên chẳng ra hình thù gì rõ rệt nhưng tôi vẫn khen lấy khen để. Có một hôm con khoe với tôi một bức tượng nhỏ tạc một đôi nam nữ đứng cạnh nhau, sau lưng còn viết hai câu thơ nhỏ.
- Mẹ có biết hai câu này có ý gì không? – Con trai tôi hào hứng.
- Đây là tên mẹ, phải không? – Tôi trỏ vào một chữ học được lúc ở phủ ông lý.
- Đúng ạ! Còn đây là tên của cậu ba! – Cu Đản chỉ vào chữ đầu tiên dòng bên cạnh.
Tôi biết. Tôi cũng đã thấy bức tượng thế này, hai câu thơ giông giống như vậy ở nhà kho mà không dám hỏi. Ngồi bên cạnh, con trai nhỏ của tôi hăm hở đọc to:
"Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro