Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

On NLCB

Ôn tập môn Kinh tế chính trị Mac-Le Nin

Câu 9: Hàng hóa là gì ? Phân tích 2 thuộc tính của hàng hóa, tính 2 mặt của lao động sản xuất hàng hóa ?

1. Hàng hoá và hai thuộc tính của hàng hoá

Hàng hoá là sản phẩm của lao động có thể thoả mãn nhu cầu nào đó của con người và dùng để trao đổi với nhau. Sản xuất hàng hoá ra đời là bước ngoặt căn bản trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, đưa loài người thoát khỏi tình trạng "mông muội", xoá bỏ nền kinh tế tự nhiên, phát triển nhanh chóng lực lượng sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế của xã hội

Trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội, sản xuất hàng hoá có bản chất khác nhau, nhưng hàng hoá đều có hai thuộc tính:

a) Giá trị sử dụng.

Giá trị sử dụng là công dụng của sản phẩm có thể thoả mãn nhu cầu nào đó của con người, ví dụ: cơm để ăn, xe đạp để đi, máy móc, nguyên, nhiên vật liệu để sản xuất... Vật phẩm nào cũng có một số công dụng nhất định. Công dụng của vật phẩm do thuộc tính tự nhiên của vật chất quyết định. Khoa học kỹ thuật càng phát triển, người ta càng phát hiện thêm những thuộc tính mới của sản phẩm và lợi dụng chúng để tạo ra những giá trị sử dụng mới. Giá trị sử dụng chỉ thể hiện ở việc sử dụng hay tiêu dùng. Nó là nội dung vật chất của của cải. Giá trị sử dụng là phạm trù vĩnh viễn.

Giá trị sử dụng nói ở đây với tư cách là thuộc tính của hàng hoá, nó không phải là giá trị sử dụng cho bản thân người sản xuất hàng hoá, mà là giá trị sử dụng cho người khác, cho xã hội thông qua trao đổi - mua bán. Trong kinh tế hàng hoá, giá trị sử dụng là vật mang giá trị trao đổi.

b) Giá trị hàng hoá:

Muốn hiểu được giá trị phải đi từ giá trị trao đổi. Giá trị trao đổi là quan hệ tỷ lệ về lượng mà giá trị sử dụng này trao đổi với giá trị sử dụng khác. Nếu gạt giá trị sử dụng của sản phẩm sang một bên, thì giữa chúng chỉ còn một cái chung làm cơ sở cho quan hệ trao đổi. Đó là chúng đều là sản phẩm của lao động. Chính hao phí lao động ẩn giấu trong hàng hoá làm cho chúng có thể so sánh được với nhau khi trao đổi.

Giá trị hàng hóa là lao động xã hội của người sản xuất hàng hoá kết tinh trong hàng hoá. Chất của giá trị là lao động, vì vậy sản phẩm nào không có lao động của người sản xuất chứa đựng trong đó, thì nó không có giá trị. Sản phẩm nào lao động hao phí để sản xuất ra chúng càng nhiều thì giá trị càng cao.

* Mối quan hệ giữa hai thuộc tính

Giữa hai thuộc tính của hàng hóa luôn có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau. Trong đó, giá trị là nội dung, là cơ sở của giá trị trao đổi; còn giá trị trao đổi là hình thức biểu hiện của giá trị ra bên ngoài. Khi trao đổi sản phẩm cho nhau, những người sản xuất ngầm so sánh lao động ẩn giấu trong hàng hoá với nhau. Thực chất của quan hệ trao đổi là người ta trao đổi lượng lao động hao phí của mình chứa đựng trong các hàng hoá. Vì vậy, giá trị là biểu hiện quan hệ xã hội giữa những người sản xuất hàng hoá. Giá trị là một phạm trù lịch sử, gắn liền với nền sản xuất hàng hoá. Nếu giá trị sử dụng là thuộc tính tự nhiên thì giá trị là thuộc tính xã hội của hàng hoá.

Như vậy, hàng hoá là sự thống nhất của hai thuộc tính giá trị sử dụng và giá trị, nhưng là sự thống nhất của hai mặt đối lập. Đối với người sản xuất hàng hoá, họ tạo ra giá trị sử dụng, nhưng mục đích của họ không phải là giá trị sử dụng mà là giá trị, họ quan tâm đến giá trị sử dụng là để đạt được mục đích giá trị mà thôi. Ngược lại, đối với người mua, cái mà họ quan tâm là giá trị sử dụng để thoả mãn nhu cầu tiêu dùng của mình. Nhưng, muốn có giá trị sử dụng thì phải trả giá trị cho người sản xuất ra nó. Như vậy, trước khi thực hiện giá trị sử dụng phải thực hiện giá trị của nó. Nếu không thực hiện được giá trị, sẽ không thực hiện được giá trị sử dụng.

2. Tính hai mặt của lao động sản xuất hàng hoá

Sở dĩ hàng hoá có hai thuộc tính: giá trị sử dụng và giá trị là do lao động sản xuất hàng hoá có tính hai mặt. Chính tính hai mặt của lao động sản xuất hàng hoá quyết định tính hai mặt của bản thân hàng hoá. C. Mác là người đầu tiên phát hiện ra tính hai mặt của lao động sản xuất hàng hoá. Đó là lao động cụ thể và lao động trừu tượng.

a) Lao động cụ thể

Là lao động có ích dưới một hình thức cụ thể của những nghề nghiệp chuyên môn nhất định. Mỗi lao động cụ thể có mục đích riêng, đối tượng riêng, phương pháp riêng, phương tiện riêng và kết quả riêng. Mỗi lao động cụ thể tạo ra một loại giá trị sử dụng nhất định. Lao động cụ thể càng nhiều loại càng tạo ra nhiều loại giá trị sử dụng khác nhau. Các lao động cụ thể hợp thành hệ thống phân công lao động xã hội. Cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, các hình thức lao động cụ thể ngày càng đa dạng, phong phú, nó phản ánh trình độ phát triển của phân công lao động xã hội. Lao động cụ thể là một phạm trù vĩnh viễn, là một điều kiện không thể thiếu trong bất kỳ hình thái kinh tế - xã hội nào. Cần chú ý rằng, hình thức của lao động cụ thể có thể thay đổi.

b) Lao động trừu tượng

Lao động của người sản xuất hàng hoá, nếu coi là sự hao phí sức lực nói chung của con người, không kể đến hình thức cụ thể của nó như thế nào, thì gọi là lao động trừu tượng. Lao động trừu tượng chính là lao động hao phí đồng chất của con người. Lao động bao giờ cũng là sự hao phí sức lực của con người xét về mặt sinh lý. Nhưng không phải sự hao phí sức lao động nào về mặt sinh lý cũng là lao động trừu tượng. Lao động trừu tượng chỉ có trong nền sản xuất hàng hoá, do mục đích của sản xuất là để trao đổi. Vì vậy, xuất hiện sự cần thiết phải quy các lao động cụ thể vốn rất khác nhau, không thể so sánh được với nhau thành một thứ lao động đồng chất, tức lao động trừu tượng. Lao động trừu tượng tạo ra giá trị làm cơ sở cho sự ngang bằng trong trao đổi. Nếu không có sản xuất hàng hoá, không có trao đổi thì cũng không cần phải quy các lao động cụ thể về lao động trừu tượng. Vì vậy, lao động trừu tượng là một phạm trù lịch sử riêng có của sản xuất hàng hoá.

* Nhận xét: ở đây không phải có hai thứ lao động khác nhau mà chỉ là lao động của người sản xuất hàng hoá, nhưng lao động đó mang tính hai mặt: vừa là lao động cụ thể, vừa là lao động trừu tượng.

Việc phát hiện ra tính hai mặt của lao động sản xuất hàng hoá có ý nghĩa rất to lớn về mặt lý luận; nó đem đến cho lý thuyết lao động sản xuất một cơ sở khoa học thực sự, giúp ta giải thích được hiện tượng phức tạp diễn ra trong thực tế, như sự vận động trái ngược: khối lượng của cải vật chất ngày càng tăng lên, đi liền với khối lượng giá trị của nó giảm xuống hay không thay đổi.

Tính hai mặt của lao động sản xuất hàng hoá phản ánh tính chất tư nhân và tính chất xã hội của người sản xuất hàng hoá. Trong nền kinh tế hàng hoá, sản xuất như thế nào, sản xuất cái gì là việc riêng của mỗi người. Họ là người sản xuất độc lập, lao động của họ vì vậy có tính chất tư nhân và lao động cụ thể của họ sẽ biểu hiện của lao động tư nhân. Đồng thời, lao động của mỗi người sản xuất hàng hoá, nếu xét về mặt hao phí sức lực nói chung, tức lao động trừu tượng, thì nó luôn là một bộ phận của lao động xã hội thống nhất, nằm trong hệ thống phân công lao động xã hội, nên lao động trừu tượng là biểu hiện của lao động xã hội.

Câu 10: Hãy trình bày công thức chung của tư bản và những mâu thuẫn trong công thức chung của tư bản ?

1.Công thức chung của tư bản

Tiền là hình thái giá trị cuối cùng của sản xuất và lưu thông hàng hoá giản đơn đồng thời cũng là hình thức biểu hiện đầu tiên của tư bản.

* So sánh hai công thức:

Cả lưu thông hàng hoá giản đơn và kinh tế tư bản chủ nghĩa đều sử dụng tiền tệ.Tuy nhiên trong mỗi hình thái này,tiền có vai trò và vị trí khác nhau:

- Tiền trong lưu thông hàng hoá giản đơn vận động theo công thức: H-T'-H'.

- Tiền trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa vận động theo công thức: T-H-T'.

So sánh hai công thức trên có thể thấy những điểm sau:

Điểm giống nhau của hai công thức lưu thông nói trên là đều cấu thành bởi hai yếu tố hàng và tiền: đều chứa đựng hai hành vi đối lập nhau là mua và bán; đều biểu hiện quan hệ kinh tế giữa người mua và người bán.

Điểm khác nhau giữa hai công thức đó là: Lưu thông hàng hoá giản đơn bắt đầu bằng hành vi bán (H-T) và kết thúc bằng hành vi mua (T-H'), điểm xuất phát và điểm kết thúc đều là hàng hoá, tiền chỉ đóng vai trò trung gian, mục đích là giá trị sử dụng. Ngược lại, lưu thông của tư bản bắt đầu bằng hành vi mua (T-H) và kết thúc bằng hành vi bán (H-T'), tiền vừa là điểm xuất phát, vừa là điểm kết thúc, còn hàng hoá đóng vai trò trung gian..., mục đích của lưu thông tư bản là giá trị, và giá trị lớn hơn. Tư bản vận động theo công thức T-H- T', trong đó T'= T + t; t là số tiền trội hơn được gọi là giá trị thặng dư và ký hiệu bằng m. Còn số tiền ứng ra ban đầu với mục đích thu được giá trị thặng dư trở thành tư bản.

Như vậy, tiền chỉ biến thành tư bản khi được dùng để mạng lại giá trị thặng dư cho nhà tư bản.

T-H-T' được gọi là công thức chung của tư bản; vì mọi tư bản đều vận động như vậy nhằm mục đích mang lại giá trị thặng dư.

2. Mâu thuẫn của công thức chung của tư bản

Nhìn bề ngoài, hình như lưu thông tạo ra giá trị và giá trị thặng dư. Như vậy: Lưu thông có tạo ra giá trị và làm tăng thêm giá trị hay không?

Ta hãy xem xét các trường hợp trao đổi cụ thể sau để thấy rõ mâu thuẫn trong công thức chung của tư bản

- Nếu mua - bán ngang giá, hàng hoá có thể bán cao hơn hoặc thấp hơn giá trị. Nhưng, trong nền kinh tế hàng hoá, mỗi người sản xuất đều vừa là người bán, vừa là người mua. Cái lợi mà họ thu được khi bán sẽ bù lại cái thiệt khi mua hoặc ngược lại. Trong trường hợp có những kẻ chuyên mua rẻ, bán đắt thì tổng giá trị toàn xã hội cũng không hề tăng lên, bởi vì số giá trị mà những người này thu được chẳng qua chỉ là sự ăn chặn, đánh cắp số giá trị của người khác mà thôi.

- Nếu xét ngoài lưu thông tức là tiền để trong két sắt, hàng hoá để trong kho thì cũng không sinh ra được giá trị thặng dư.

Như vậy là giá trị thặng dư vừa sinh ra trong quá trình lưu thông, lại vừa không thể sinh ra trong quá trình lưu thông, vừa sinh ra ngoài lưu thông, lại vừa không sinh ra ngoài lưu thông. Đó chính là mâu thuẫn của công thức chung của tư bản. C. Mác là người đầu tiên phân tích và giải quyết mâu thuẫn đó bằng lý luận về hàng hoá sức lao động.

Câu 11: Thế nào là giá trị thặng dư ? Hãy trình bày 2 phương pháp bóc lôt giá trị thặng dư của CNTB - Giá trị thặng dư siêu ngạch là gì ?

1.Giá trị thặng dư

Mục đích của sản xuất tư bản là giá trị thặng dư. Để có giá trị thặng dư, nhà tư bản phải mua được hàng hoá sức lao động và sử dụng nó trong quá trình tạo ra giá trị thặng dư

- Quá trình nhà tư bản tiêu dùng hàng hoá sức lao động và tư liệu sản xuất để sản xuất giá trị thặng dư có hai đặc điểm:

Một là, công nhân làm việc dưới sự kiểm soát của nhà tư bản

Hai là, sản phẩm làm ra thuộc sở hữu của nhà tư bản.

- Quá trình sản xuất giá trị thặng dư là quá trình sản xuất ra giá trị vượt khỏi điểm mà tại đó đã tạo ra một lượng giá trị mới ngang bằng giá trị sức lao động.

- Giá trị thặng dư là giá trị mới do lao động của người côngnhân tạo ra ngoài giá trị sức lao động, là kết quả lao động không công của công nhân cho nhà tư bản. Cho nên, C.Mác viết: "Bí quyết của sự tự tăng thêm giá trị của tư bản quy lại là ở chỗ tư bản chi phối được một số lượng lao động không công nhất định của người khác"

- Sở dĩ nhà tư bản chi phối được số lao động không công ấy vì nhà tư bản là người sở hữu tư liệu sản xuất. Còn người công nhân phải bán sức lao động vì họ không có tư liệu sản xuất.

- Quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa trước hết là quá trình lao động, là chung cho mọi xã hội, đồng thời là quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư, là cái riêng (đặc thù) trong đó người công nhân bị nhà tư bản thống trị, sản phẩm làm ra không thuộc về anh ta mà thuộc nhà tư bản.

2.Hai phương pháp sản xuất giá trị thặng dư

Mục đích của các nhà tư bản là sản xuất ra giá trị thặng dư tối đa, vì vậy, các nhà cittư bản dùng nhiều phương pháp để tăng tỷ suất và khối lượng giá trị thặng dư. Khái quát có hai phương pháp để đạt được mục đích đó là sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối và sản xuất giá trị thặng dư tương đối.

a) Sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối

Trong giai đoạn phát triển đầu tiên của sản xuất tư bản chủ nghĩa, khi kỹ thuật còn thấp, tiến bộ chậm chạp thì phương pháp chủ yếu để tăng giá trị thặng dư là kéo dài ngày lao động của công nhân.

Giá trị thặng dư được sản xuất ra bằng cách kéo dài ngày lao động trong điều kiện thời gian lao động tất yếu không thay đổi, nhờ đó kéo dài thời gian lao động thặng dư gọi là giá trị thặng dư tuyệt đối.

Các nhà tư bản tìm mọi cách kéo dài ngày lao động, nhưng ngày lao động có những giới hạn nhất định. Giới hạn trên của ngày lao động do thể chất và tinh thần của người lao động quyết định. Vì công nhân phải có thời gian ăn, ngủ, nghỉ ngơi, giải trí để phục hồi sức khoẻ. Việc kéo dài ngày lao động còn vấp phải sự phản kháng của giai cấp công nhân. Còn giới hạn dưới của ngày lao động không thể bằng thời gian lao động tất yếu, tức là thời gian lao động thặng dư bằng không. Như vậy, về mặt kinh tế, ngày lao động phải dài hơn thời gian lao động tất yếu, nhưng không thể vượt quá giới hạn về thể chất và tinh thần của người lao động.

Trong phạm vi giới hạn nói trên, độ dài của ngày lao động là một đại lượng không cố định và có nhiều mức khác nhau. Độ dài cụ thể của ngày lao động do cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản trên cơ sở tương quan lực lượng quyết định. Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đòi ngày lao động tiêu chuẩn, ngày làm 8 giờ đã kéo dài hàng thế kỷ.

b) Sản xuất giá trị thặng dư tương đối

Việc kéo dài ngày lao động bị giới hạn về thể chất và tinh thần của người lao động và vấp phải cuộc đấu tranh ngày càng mạnh mẽ của giai cấp công nhân. Mặt khác, khi sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển đến giai đoạn đại công nghiệp cơ khí, kỹ thuật đã tiến bộ làm cho năng suất lao động tăng lên nhanh chóng, thì các nhà tư bản chuyển sang phương thức bóc lột dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động, bóc lột giá trị thặng dư tương đối.

Giá trị thặng dư được tạo ra bằng cách rút ngắn thời gian lao động tất yếu trong điều kiện độ dài của ngày lao động không đổi, nhờ đó kéo dài tương ứng thời gian lao động thặng dư, được gọi là giá trị thặng dư tương đối.

Làm thế nào để có thể rút ngắn được thời gian lao động tất yếu? Thời gian lao động tất yếu có quan hệ với giá trị sức lao động. Muốn rút ngắn thời gian lao động tất yếu phải giảm giá trị sức lao động. Muốn hạ thấp giá trị sức lao động phải giảm giá trị những tư liệu sinh hoạt thuộc phạm vi tiêu dùng của công nhân. Điều đó chỉ có thể thực hiện được bằng cách tăng năng suất lao động trong các ngành sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt thuộc phạm vi tiêu dùng của công nhân hay tăng năng suất lao động trong các ngành sản xuất ra tư liệu sản xuất để sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt đó.

Nếu trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản, sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối là phương pháp chủ yếu, thì đến giai đoạn tiếp sau, khi kỹ thuật phát triển, sản xuất giá trị thặng dư tương đối là phương pháp chủ yếu. Lịch sử phát triển của lực lượng sản xuất và của năng suất lao động xã hội dưới chủ nghĩa tư bản đã trải qua ba giai đoạn: hợp tác giản đơn, công trường thủ công và đại công nghiệp cơ khí, đó cũng là quá trình nâng cao trình độ bóc lột giá trị thặng dư tương đối.

* Hai phương pháp sản xuất giá trị thặng dư nói trên được các nhà tư bản sử dụng kết hợp với nhau để nâng cao trình độ bóc lột công nhân làm thuê trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản. Dưới chủ nghĩa tư bản, việc áp dụng máy móc không phải là để giảm nhẹ cường độ lao động của công nhân, mà trái lại tạo điều kiện để tăng cường độ lao động. Ngày nay, việc tự động hoá sản xuất làm cho cường độ lao động tăng lên, nhưng dưới hình thức mới, sự căng thẳng của thần kinh thay thế cho cường độ lao động cơ bắp.

3. Giá trị thặng dư siêu ngạch

Cạnh tranh giữa các nhà tư bản buộc họ phải áp dụng phương pháp sản xuất tốt nhất để tăng năng suất lao động trong xí nghiệp của mình nhằm giảm giá trị cá biệt của hàng hoá thấp hơn giá trị xã hội của hàng hoá, nhờ đó thu được giá trị thặng dư siêu ngạch.

Xét từng trường hợp, thì giá trị thặng dư siêu ngạch là hiện tượng tạm thời, xuất hiện và mất đi. Nhưng xét toàn bộ xã hội tư bản thì giá trị thặng dư siêu ngạch là hiện tượng tồn tại thường xuyên. Theo đuổi giá trị thặng dư siêu ngạch là khát vọng của nhà tư bản và là động lực mạnh nhất thúc đẩy các nhà tư bản cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, tăng năng suất lao động, làm cho năng suất lao động xã hội tăng lên nhanh chóng. C. Mác gọi giá trị thặng dư siêu ngạch là hình thức biến tướng của giá trị thặng dư tương đối, vì giá trị thặng dư siêu ngạch và giá trị thặng dư tương đối đều dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động (mặc dù một bên là dựa vào tăng năng suất lao động cá biệt, còn một bên dựa vào tăng năng suất lao động xã hội).

Sự khác nhau giữa giá trị thặng dư siêu ngạch và giá trị thặng dư tương đối còn thể hiện ở chỗ giá trị thặng dư tương đối do toàn bộ giai cấp các nhà tư bản thu được.

Xét về mặt đó, nó thể hiện quan hệ bóc lột của toàn bộ giai cấp tư sản đối với toàn bộ giai cấp công nhân làm thuê. Giá trị thặng dư siêu ngạch chỉ do một số các nhà tư bản có kỹ thuật tiên tiến thu được. Xét về mặt đó, nó không chỉ biểu hiện mối quan hệ giữa tư bản và lao động làm thuê, mà còn trực tiếp biểu hiện mối quan hệ cạnh tranh giữa các nhà tư bản.

Từ đó, ta thấy rằng giá trị thặng dư siêu ngạch là động lực trực tiếp, mạnh nhất thúc đẩy các nhà tư bản cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, hoàn thiện tổ chức lao động và tổ chức sản xuất để tăng năng suất lao động, giảm giá trị của hàng hoá.

Câu 12: Trình bày quá trình tuần hoàn và chu chuyển của tư bản ?

1.Tuần hoàn của tư bản

* Các giai đoạn vận động của tư bản:

Tư bản luôn luôn vận động, trong quá trình vận động mới tạo ra giá trị thặng dư. Phân tích

sự vận động theo công thức chung của tư bản (T- H- T') có thể chia quá trình vận động của tư bản

làm ba giai đoạn sau:

- Giai đoạn thứ nhất: Nhà tư bản xuất hiện trên thị trường với tư cách người mua, thực hiện

hành vi T - H. Giai đoạn này diễn ra trong phạm vi lưu thông, H ở đây bao gồm tư liệu sản xuất

(TLSX) và sức lao động (SLĐ). Từ tư bản tiền tệ đã chuyển thành tư bản sản xuất, trong đó T -

SLĐ là yếu tố quyết định việc tạo ra giá trị thặng dư và chuyển tiền thành tư bản. Quá trình này có

thể trình bày theo công thức sau:

TLSX

T - H

SLĐ

- Giai đoạn thứ hai: Nhà tư bản tiêu dùng các hàng hoá đã mua, tức là tiến hành sản xuất.

Kết quả nhà tư bản có được một hàng hoá có giá trị lớn hơn giá trị tư bản ban đầu (giá trị lớn hơn

giá trị các yếu tố sản xuất ra hàng hoá đó). Giai đoạn này diễn ra trong phạm vi sản xuất, từ tư bản

sản xuất lại có sự chuyển hoá thành tư bản hàng hoá. Đây là giai đoạn tạo ra giá trị thặng dư. Có

thể trình bày quá trình này theo công thức sau:

TLSX

T - H ... SX ...H'

SLĐ

( H' có chứa giá trị thặng dư)

- Giai đoạn thứ ba: Nhà tư bản trở lại thị trường với tư cách là người bán hàng hoá, thực hiện hành vi H' - T'. Giai đoạn này diễn ra trong phạm vi lưu thông, tiến hành trao đổi theo đúng quy luật giá trị, nhà tư bản cũng thu về được giá trị thặng dư. Cuối cùng tư bản hàng hoá lại quay trở về hình thái ban đầu là tư bản tiền tệ. Mục đích của sự vận động của tư bản đã được thực

hiện.Quá trình này có thể biểu hiện bằng công thức: H' - T'

Tóm lại, tuần hoàn của tư bản là sự vận động của tư bản qua ba giai đoạn, chuyển qua ba hình thái thực hiện ba chức năng để trở về hình thái ban đầu với giá trị tăng lên.

Công thức tổng quát của tuần hoàn của tư bản là:

TLSX

T - H ... SX ... H' - T'

SLĐ

- Công thức tuần hoàn của từng hình thái tư bản:

+ Tuần hoàn của tư bản tiền tệ (viết gọn): T - T'

+ Tuần hoàn của tư bản sản xuất: SX ... H' - T' - H ... SX

+ Tuần hoàn của tư bản hàng hoá: H' - T' - H ... SX ... H'

Trong đó, tuần hoàn của tư bản tiền tệ là phiến diện nhất nhưng cũng đặc trưng nhất cho sự vận động của tư bản. Một mặt nó che giấu quan hệ bóc lột, mặt khác lại phản ánh rõ mục đích, động cơ vận động của tư bản. Sự vận động của mỗi hình thái chỉ phản ánh hiện thực tư bản chủ nghĩa một cách phiến diện, do đó phải xem xét đồng thời cả ba hình thái mới nhận thức được đầy đủ sự vận động thực tế của tư bản và bản chất của tư bản.

2. Chu chuyển của tư bản:

* Khái niêm: Tuần hoàn của tư bản lặp đi lặp lại một cách định kỳ gọi là sự chu chuyển của tư bản.

- Theo Mác: Tuần hoàn của tư bản khi được coi là một quá trình định kỳ chứ không phải là một hành vi cá biệt thì được gọi là vòng chu chuyển của tư bản.

- Nghiên cứu chu chuyển của tư bản là nghiên cứu tốc độ vận động của tư bản

- Nghiên cứu chu chuyển của tư bản là nghiên cứu sự thay đổi của tư bản về mặt lượng, sự tăng thêm về lượng.

- Những tư bản khác nhau chu chuyển với vận tốc khác nhau tuỳ theo thời gian sản xuất và lưu thông của hàng hoá

* Những nhân tố ảnh hưởng đển chu chuyển của tư bản:

- Tốc độ vận động của tư bản phụ thuộc vào thời gian chu chuyển và số vòng chu chuyển của tư bản.

- Thời gian chu chuyển của tư bản là thời gian từ khi tư bản được ứng ra dưới một hình thái nhất định cho đến khi thu về dưới hình thái ban đầu có kèm theo giá trị thặng dư. Là thời gian tư bản thực hiện được một vòng tuần hoàn (một chu kỳ vận động). Bao gồm có: thời gian sản xuất và thời gian lưu thông.

- Thời gian sản xuất là thời gian tư bản nằm trong lĩnh vực sản xuất, gồm có thời gian lao động, thời gian gián đoạn lao động và thời gian dự trữ sản xuất.

+ Thời gian lao động là thời gian người lao động sử dụng tư liệu lao động tác động vào đối tượng lao động để tạo ra sản phẩm. Là thời gian duy nhất tạo ra giá trị và giá trị thặng dư cho nhà tư bản.

+ Thời gian gián đoạn lao động là thời gian đối tượng lao động hoặc bán thành phẩm chịu sự tác động của tự nhiên, không cần tác động của con người hoặc tác động không đáng kể.

+ Thời gian dự trữ sản xuất là thời gian tư bản đã sẵn sàng làm điều kiện cho quá trình sản xuất nhưng chưa đưa vào sản xuất. Bộ phận tư bản này gọi là bộ phận tư bản ở hoá (các yếu tố sản xuất đã được mua, dự trữ, để chờ sản xuất, chưa thực sự được sử dụng). Đây chính là điều kiện cho sản xuất được liên tục.

Thời gian gián đoạn lao động và thời gian dự trữ sản xuất không tạo ra giá trị và giá trị thặng dư nên rút ngắn thời gian này có ý nghĩa quan trọng đối với nhà tư bản.

- Thời gian sản xuất dài hay ngắn là do tác động của nhiều yếu tố như:

+ Tính chất của ngành sản xuất, các ngành khác nhau có thời gian sản xuất khác nhau.

+ Vật sản xuất chịu sự tác động của quá trình tự nhiên dài hay ngắn. Thời gian này có thể

ứng dụng khoa học kỹ thuật để rút ngắn. Ví dụ: dùng các loại giống ngắn ngày, dùng chất phụ gia

trong xây dựng,...

+ Năng suất lao động và trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật.

+ Dự trữ sản xuất đủ, thiếu hay thừa.

- Thời gian lưu thông là thời gian tư bản nằm trong lĩnh vực lưu thông, bao gồm cả thời gian mua và thời gian bán. Trong thời gian này tư bản không làm chức năng sản xuất do đó không tạo ra giá trị và giá trị thặng dư. Thời gian lưu thông phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó ba yếu tố chủ yếu là:

+ Tình hình thị trường xấu hay tốt.

+ Khoảng cách thị trường xa hay gần.

+ Giao thông khó khăn hay thuận lợi, phương tiện giao thông hiện đại hay thô sơ.

- Số vòng chu chuyển của tư bản:

Các tư bản khác nhau có tốc độ vận động khác nhau do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như ta đã nghiên cứu ở trên. Để so sánh tốc độ vận động của các tư bản, người ta tính số vòng chu chuyển của các tư bản trong cùng một thời gian nhất định, thông thường là một năm.

Công thức: TGn

n =

TGα

Trong đó:

n - Số vòng chu chuyển của tư bản

TGn - Thời gian trong một năm (ngày, tháng)

TGα - Thời gian chu chuyển của một tư bản nhất định (ngày, tháng)

Câu 13. Trình bày nguyên nhân ra đời và những đặc điểm kinh tế cơ bản của Chủ nghĩa Tư bản độc quyền.

1. Nguyên nhân hình thành chủ nghĩa tư bản độc quyền

Theo Lênin "... tự do cạnh tranh đẻ ra tập trung sản xuất và sự tập trung sản xuất này, khi phát triển tới một mức độ nhất định, lại dẫn tới độc quyền".

Quá trình trên đã diễn ra do những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

- Một là, sự phát triển của lực lượng sản xuất dưới tác dụng của tiến bộ khoa học - kỹ thuật,đã dẫn đến hai xu hướng

+ Làm xuất hiện những ngành mới, ngay từ đầu, nó đã là những ngành có trình độ tích tụ cao, đó là những xí nghiệp lớn, đòi hỏi những hình thức kinh tế tổ chức mới.

+ Làm cho năng suất lao động và do vậy là giá trị thặng dư tăng lên, mở rộng khả năng tíchlũy, thúc đẩy sản xuất lớn. Các xí nghiệp lớn xuất hiện và quyền lực ngày càng tập trung vào những công ty này.

- Hai là, cạnh tranh tự do đã tác động mạnh mẽ đến tích tụ và tập trung tư bản và dẫn đến những hệ quả

+ Một mặt, buộc các nhà tư bản phải cải tiến kỹ thuật, tăng quy mô tích lũy;

+ Mặt khác, đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp nhỏ, trình độ kỹ thuật kém hoặc bị các đối thủ mạnh hơn thôn tính, hoặc phải liên kết với nhau để đứng vững trong cạnh tranh. Vì vậy, xuất hiện một số xí nghiệp tư bản lớn nắm địa vị thống trị một ngành hay trong một số ngành công nghiệp.

- Ba là, khủng khoảng kinh tế lại càng làm cho nhiều xí nghiệp nhỏ và vừa bị phá sản; một số sống sót phải đổi mới kỹ thuật để thoát khỏi khủng hoảng, do đó thúc đẩy quá trình tập trung sản xuất. Tín dụng tư bản chủ nghĩa mở rộng., trở thành đòn bẩy mạnh mẽ thúc đẩy tập trung sản xuất.

- Bốn là, những xí nghiệp và công ty lớn có tiềm lực kinh tế mạnh tiếp tục cạnh tranh với nhau ngày càng khốc liệt, khó phân thắng bại, vì thế nảy sinh xu hướng thỏa hiệp, từ đó hình thành các tổ chức độc quyền.

2. Đặc điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản độc quyền

Có thể khái quát một số đặc điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản độc quyền như sau:

a) Sự tập trung sản xuất và các tổ chức độc quyền

- Tích tụ và tập trung sản xuất cao dẫn đến hình thành các tổ chức độc quyền, đặc trưng kinh tế cơ bản của chủ nghĩa đế quốc. Tích tụ và tập trung sản xuất: sản xuất với quy mô lớn, tập trung trong tay một số ít xí nghiệp.

Độc quyền: là một khái niệm để chỉ hành động của kẻ mạnh khi nắm trong tay lực lượng kinh tế kỹ thuật chủ yếu đủ sức chi phối những kẻ yếu hơn.

Tổ chức độc quyền: là liên minh giữa những nhà tư bản lớn để tập trung vào trong tay một phần lớn (thậm chí toàn bộ) sản phẩm của một ngành, cho phép liên minh này phát huy ảnh hưởng quyết định đến quá trình sản xuất và lưu thông của ngành đó.

- Bản chất của độc quyền: Độc quyền trước hết là tư bản tập thể, gốc vẫn là tư nhân (vẫn trên cơ sở chiếm hữu tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất). Vì thế đây là một sự cải biến về quan hệ sản xuất kéo theo sự biến đổi trong phân phối lợi nhuận và tổ chức quản lý, do đó mở rộng quan hệ sản xuất TBCN cho phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất.

b) Tư bản tài chính và bọn đầu sỏ tài chính

- Tích tụ, tập trung tư bản trong ngân hàng dẫn đến sự hình thành các tổ chức độc quyền trong ngân hàng. Từ chỗ làm trung gian trong việc thanh toán và tín dụng nay do nắm được phần lớn tư bản tiền tệ trong xã hội, ngân hàng đã trở thành người có quyền lực vạn năng chi phối các hoạt động kinh tế - xã hội.

- Các tổ chức độc quyền ngân hàng cho các tổ chức độc quyền công nghiệp vay và nhận gửi những số tiền lớn của các tổ chức độc quyền công nghiệp trong một thời gian dài, nên lợi ích của chúng xoắn xuýt với nhau, hai bên đều quan tâm đến hoạt động của nhau, tìm cách thâm nhập vào nhau.

Quan hệ đan xen giữa hai loại tư bản đó đã hình thành một loại tư bản mới gọi là tư bản tài chính. Tư bản tài chính là sự thâm nhập và dung hợp vào nhau giữa tư bản độc quyền trong ngân hàng và tư bản độc quyền trong công nghiệp.

- Bọn đầu sỏ tài chính thực hiện sự thống trị của mình bằng "chế độ tham dự". Thực chất của chế độ tham dự là nhà tư bản tài chính lớn hoặc một tập đoàn tài chính, nhờ nắm được số cổ phiếu khống chế mà chi phối được công ty gốc hay "công ty mẹ", rồi công ty mẹ chi phối các công ty phụ thuộc hay các "công ty con", các công ty này lại chi phối các "công ty cháu" v.v...

c) Xuất khẩu tư bản

Xuất khẩu tư bản là mang tư bản đầu tư ở nước ngoài để sản xuất giá trị thặng dư nơi sở tại.

- Xuất khẩu tư bản trở thành phổ biến

- Xuất khẩu tư bản thường được thực hiện dưới hình thức đầu tư

- Việc xuất khẩu tư bản, về khách quan cũng có những tác động tích cực đến nền kinh tế các nước nhập khẩu, như thúc đẩy quá trình chuyển kinh tế tự cung tự cấp thành nền kinh tế hàng hoá, thúc đẩy sự chuyển biến từ cơ cấu kinh tế thuần nông thành cơ cấu kinh tế nông - công nghiệp.

- Tuy nhiên những mặt trái của xuất khẩu tư bản cũng rất lớn. Nếu các nước nhập khẩu tư bản không có chiến lược phù hợp, không có tính toán đầy đủ và cẩn thận thì rất dễ rơi vào sự phụ thuộc đối với các nước cung cấp tư bản.

d) Sự phân chia thế giới giữa các liên minh độc quyền quốc tế

- Xuất khẩu tư bản tăng lên tất yếu dẫn đến việc phân chia thế giới về mặt kinh tế, nghĩa là phân chia lĩnh vực đầu tư tư bản, phân chia thị trường thế giới.

- Cuộc đấu tranh giành thị trường tiêu thụ, nguồn nguyên liệu và lĩnh vực đầu tư có lợi nhuận cao ở nước ngoài ngày càng trở nên gay gắt. Những cuộc đụng đầu trên trường quốc tế giữa các tổ chức độc quyền quốc gia có sức mạnh kinh tế hùng hậu lại được sự ủng hộ của nhà nước "của mình" và các cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa chúng tất yếu dẫn đến xu hướng thoả hiệp, ký kết hiệp định để củng cố địa vị độc quyền quốc tế dưới dạng cácten, xanhđica, tờrớt quốc tế.

e) Sự phân chia lãnh thổ thế giới giữa các cường quốc

- Lợi ích của việc xuất khẩu tư bản thúc đẩy các cường quốc tư bản đi xâm chiếm thuộc địa

- Đối với tư bản tài chính, cả những nguồn nguyên liệu có thể tìm được cũng rất quan trọng, do đó tư bản tài chính có khuynh hướng mở rộng lãnh thổ kinh tế và thậm chí cả lãnh thổ nói chung.

- Chủ nghĩa tư bản phát triển càng cao, nhu cầu nguyên liệu càng lớn, sự cạnh tranh gay gắt thì cuộc đấu tranh để chiếm thuộc địa càng quyết liệt.

- Do tác động của quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản, các đế quốc ra đời muộn hơn đấu tranh đòi chia lại thế giới. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) và lần thứ hai (1939-1945), và những xung đột nóng ở nhiều khu vực trên thế giới.

Từ năm đặc điểm trên đây có thể rút ra kết luận rằng, chủ nghĩa đế quốc về mặt kinh tế là sự thống trị của chủ nghĩa tư bản độc quyền; về mặt chính trị là sự xâm lược nước ngoài, là hệ thống thuộc địa nảy sinh từ yêu cầu kinh tế của chủ nghĩa tư bản độc quyền.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #akira#hello