ký ức
Làn khói trắng từ hơi thở của tôi theo gió chầm chậm bay lên cao. Nó trông như muốn hoà vào những đám mây trên bầu trời trước khi dần dần phai nhoà đi. Tôi nhoài đến, cả người vươn ra, với về phía trước. Bàn tay phải xoè ra hết cỡ rồi co chặt lại thành nắm đấm. Điếu xì gà đang bị kẹp giữa ngón trỏ và giữa rơi xuống đất. Tàn thuốc đỏ văng tung toé. Và rồi như vậy, trong tay tôi chẳng còn gì.
Từ trên cao, những đám mây trắng thong dong tiến xuống và hướng về phía chân trời đang ửng hồng. Chúng trông như muốn cuốn lấy hơi khói thuốc của tôi trước khi dần dần trôi đi mất.
Trong một thế giới giả tưởng nơi con người biết bay, có lẽ tôi đã tung mình ra khỏi ban công tầng hai căn nhà bố mẹ để lại mà bay theo những đám mây trắng. Tôi muốn biết chúng sẽ đi đâu, về đâu: liệu có dừng lại trong phút chốc để cuốn lấy hơi thở của ai, hay cứ thế trôi dạt đến mãi mãi.
“Những đám mây trắng bay ngang qua dòng suối chảy xiết.”- Có giọng nói trong veo, lanh lảnh như tiếng chuông gió ngân nga bên tai tôi. Nhưng nó không đến từ đâu trong căn biệt thự vắng lặng. Nó đến từ chính trong tôi, từ một miền xa lạ mà tôi không nhớ tên.
Tôi đã định đắm mình vào trong vùng đất của suy tưởng. Tôi đã định đi tìm nguồn gốc của giọng nói ấy, lần mò lại nó giữa vô vàn những mảnh ký ức vụn của mình - những mảnh ký ức vụn như tấm gương bị ai vô tình đập vỡ. Nhưng rồi túi quần rung lên. Điện thoại đổ chuông rần rần. Và như vậy, tôi bị ném ra khỏi thế giới trong đầu.
Mặt trời vừa mọc trên bầu trời cố đô Kyoto cổ kính, già cỗi. Dẫu đã ngắm cảnh này rất nhiều lần, song chưa bao giờ nó ngưng đem lại cảm giác thanh mát trong lòng một người. Hệt như dòng nước ngọt lành gột rửa qua tâm hồn tôi.
Chuông điện thoại vẫn đang rú rít ầm ĩ. Vì không lưu ai vào danh bạ, tôi chẳng rõ đây là số lạ hay quen. Tôi quyết định không bắt máy.
Nhiều khả năng cuộc gọi chỉ là một sự nhầm lẫn về các con số. Bởi thứ nhất, dịch vụ dọn nhà tôi thuê không đi làm sớm thế này. Thứ hai, bác sỹ tâm lý của tôi luôn nhờ thư ký gửi mail xếp lịch hẹn. Và cuối cùng, không ai lại đi gọi điện cho một nhà văn mắc hội chứng hikikomori nửa vời nếu đó chẳng phải biên tập viên của anh ta.
Nhưng thời hạn nộp bản thảo của tôi còn cách hôm nay cả tháng nữa. Huống hồ là bác Seiji - người mà nhà xuất bản đã giao phó tôi cho – không thích nói chuyện quan trọng qua điện thoại. Ông là kiểu người đã cũ. Cái kiểu mà cứng nhắc và tin rằng 'lũ trẻ' sẽ không chịu nghiêm túc nếu không bàn bạc công việc mặt đối mặt, kém theo hai ly trà nóng đặt ở giữa. Mà bất kỳ cuộc gọi nào đến vào cái giờ này, chắc chắn là một cuộc gọi khẩn.
Túi quần tôi rốt cuộc đã ngừng rung. Không gian trong căn biệt thự lại lần nữa trở về với sự câm lặng bất di bất dịch thường ngày của nó. Ấy là cho đến khi cái điện thoại đổ chuông hồi thứ hai.
Sự bực bội dâng lên trong lòng khi tôi áp nó bên tai rồi bấm nhận cuộc gọi theo thói quen. Thật khó chịu khi phải giao tiếp chỉ để nói rằng ai đó đã bấm nhầm số. Thế nhưng, thay vì một cuộc trò chuyện diễn ra ngay tức thì, bên tai tôi lại là tiếng thở đều đặn của một người. Không biết nên mở lời làm sao, tôi đờ ra trong khoảnh khắc - một khoảnh khắc yên tĩnh lạ lùng kéo dài.
“ Moshi moshi, cho tôi hỏi đây có đúng là số điện thoại của Kishita Aran không?”- Người ở đầu dây bên kia cuối cùng cũng lên tiếng. Giọng anh ta trầm mà ấm, dày như tấm chăn bông tôi hay đắp vào mùa đông. Người này gọi đúng tên tôi.
“ Vầng, tôi là Kishita Aran đây.”
“ A-Aran, tớ...tớ là Ten đây. Fujitsu Ten. Khi bé chúng ta từng chơi với nhau khi còn bé... Miyama Kayabuki. Cậu còn nhớ chứ?” – Lúc này thì giọng anh ta lại run run, mừng rỡ như thể vừa tìm được món đồ quý giá.
“ Không.”
Người đàn ông này đang nói về cái gì thế nhỉ?
Mùa hè. Tôi chẳng nhớ mùa hè nào cả. Song tôi biết Miyama Kayabuki. Đó là một ngôi làng cổ cách trung tâm Kyoto tầm năm mươi cây số mà muốn đi đến phải tốn ngót nghét tám mươi phút ngồi xe buýt Tôi hình như đã nhìn thấy và biết về Miyama Kayabuki qua báo điện tử, qua mạng xã hội hay qua quyển tạp chí du lịch cũ. Còn lại thì cái tên Ten thì chưa lọt vào tai tôi bao giờ, nếu đó là không tính đến lời giới thiệu ban nãy.
Ở đầu dây bên kia, tôi nghe một tiếng thở dài. Kế đó, vẫn với chất giọng vừa rồi nhưng kèm theo một điệu bộ uể oải hơn gấp bội, Fujitsu Ten lại nói tiếp, trước khi tôi kịp ngắt điện thoại.
“ Làm ơn khoan hãy cúp máy. Ông Kishita này, tôi là một fan bự của tác phẩm ông xuất bản năm ngoái. Những truyện ngắn ‘Trong cánh rừng xanh', 'Dưới bầu trời rộng lớn' và ‘Bên dòng suối nhỏ trong lành' là món ăn tinh thần ưa thích nhất của tôi đấy ạ.”
Con người này thật kỳ quặc: ở cái cách mà anh ta chuyển vai từ người bạn cũ sang một độc giả đang hâm mộ tôi. Nhưng thế thì có sao? Dù gì đi chăng nữa, những điều này cũng chẳng liên can gì đến tôi.
“ Ừ cảm ơn ông. Tôi viết chúng cho trẻ con.”- Tôi đáp. Miệng thản nhiên buông ra một lời nói dối trắng trợn. Thú thực thì ba truyện ngắn trên của tôi ban đầu chỉ là bài tập về nhà mà ông bác sĩ tâm lý giao cho.
Quả là buồn cười khi truyền thông tung hô những đoạn văn lủng củng, câu từ cẩu thả mà tôi viết như thể đó là tuyệt phẩm của thời đại. Hôm trước khi đang lướt mạng, tôi có tình cờ đọc được một bài báo viết về bộ ba truyện ngắn mình viết.
“ Các tác phẩm hay về lòng nhân ái và tình bạn.” - Họ viết.
“ Truyện ngắn mang theo ý nghĩa nhân văn tuyệt vời để giáo dục trẻ con.” - Vài cư dân mạng cho hay.
Kỳ thật chính tôi còn chả nhớ ra được mình đã viết gì trong ba tác phẩm đó. Mọi chuyện bắt đầu bằng việc ông bác sĩ tâm lý Nakahara Toshiro già khú đế đọc vài bài nghiên cứu mới. Trong đó cho rằng nếu bệnh nhân có thể bằng cách nào đó ghi chép lại những giấc mơ dữ dội, vụn vặt xuất hiện trong các lần chợp mắt cực kỳ hiếm hoi của mình, phép màu sẽ xuất hiện và giúp người đó chiến thắng chứng bệnh mất ngủ lâu năm. Tất nhiên, ông già Toshiro đã thử cách trị liệu kia trên người tôi như chuột bạch. Và thế là một xấp bản thảo viết bằng chì bấm trên giấy notebook dày gần hai trăm trang được viết ra.
Các giấc mơ từng ám ảnh một con người đã trôi tuột vào trang giấy. Cũng nhờ đó mà y có thể quên chúng đi hoàn toàn. Toshiro khuyên tôi đừng đọc lại những gì mình đã viết.
Khi xấp bản thảo được hoàn thành vào năm ngoái cũng là khi hai phép màu lần lượt xuất hiện. Điều thứ nhất, là tôi bắt đầu ngủ được hơn bốn tiếng mỗi ngày - một dấu hiệu đáng mừng sau gần mười năm kể từ khi tốt nghiệp cấp ba, ngày nào tôi cũng phải chật vật từng giây chỉ để chợp mắt được trong chốc lát.
Cái thứ hai - thứ mà đến giờ tôi vẫn chưa rõ nó có thật là phép màu hay không – đó là con của cô thư ký làm cho Toshiro, đã vì một lý do củ chuối nào mà lại đọc được bản thảo tôi viết. Con bé cực kỳ thích những câu chuyện kia đến mức đem chúng kể cho đứa bạn thân – trùng hợp thay chính là cháu của Sugimura Seiji, một biên tập viên kỳ cựu của nhà xuất bản sách Shueisha. Mọi chuyện xảy ra tiếp theo sau đó với tôi mơ hồ hệt một giấc mộng buổi trưa hè. Bên chỗ Shueisha chia bản thảo dài ngoằng ban đầu của tôi ra làm ba và đặt tên cho chúng.
Trước khi bản thân kịp nhận ra, quyển tuyển tập ba truyện ngắn đầu tay của tôi đã lấp đáy kệ vô số các hiệu sách trải dọc theo chiều dài nước Nhật. Thật là có đôi khi trong đời, hay lại không bằng hên.
“ Ông Kishita, ông Kishita. Ông có còn đang nghe tôi nói không vậy?”
Bị Fujitsu Ten gọi tên từ bên kia màn hình điện thoại, tôi trở về với thực tại. Có ai từng nhận xét tôi là một kẻ có đầu óc trên mây. Cứ hở ra một chút, lập tức tôi sẽ bắt đầu trôi tuột ra khỏi hiện thực mà tiến vào miền suy tưởng. Song trách tôi sao được, khi cái thế giới mà con người đang sống mới thật nhàm chán làm sao.
Không thứ gì có ý nghĩa cả. Sự tồn tại của các vì sao, hệ mặt trời, trái đất đều chỉ là một vòng tuần hoàn của vũ trụ và con người là thứ sản phẩm phụ nhỏ bé, vô giá trị của nó. Một vài tỷ năm nữa, khi hệ mặt trời lụi tàn hay trái đất nổ tung, sẽ chẳng còn thứ gì chứng minh con người đã từng tồn tại. Thậm chí, chẳng kẻ nào biết đến Saito Takamori đã là ai, làm gì.
Khi sự thật là như vậy, thì những gì tôi làm trong đời có khác nào dấu chân in trên cát ngày gió lộng. Khi sự thật là như vậy, tất cả ý nghĩa ta gán cho sự vật hay sự việc đều thực vô giá trị. Khi sự thật là vậy, thì mọi chuyện con người đang làm, chỉ đơn giản là giết thời gian trong khi chờ thời gian giết mình.
Khoan đã, tôi lại đi quá xa rồi.
“...Vậy nên ông Aran, ông đi Miyama Kayabuki với tôi một chuyến nhé. Ông hãy ra Takashimaya ở phố trung tâm rồi tôi sẽ đón ông, được chứ?”
Người này đã và đang nói về cái gì kia chứ?
“ Được rồi. Hẹn gặp ông ở đó, ông...”
“Fujitsu Ten.”- Anh ta nói trước khi cúp máy.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro