inu
1.
Tôi thu xếp công việc, chỉnh sửa vài văn bản rồi chuyển giao lại cho cấp dưới làm nốt. Toàn bộ hồ sơ, tài liệu gần như đều đã hoàn thành từ hôm qua, chỉ là còn dăm bảy dự án nhỏ lẻ vẫn chưa được kiểm duyệt. Tôi gửi đơn xin nghỉ phép cho giám đốc, anh ấy cười cười, hỏi tôi rằng có phải cuối cùng đã có người yêu hay không nên nhân dịp lễ mới cùng nhau rong ruổi du lịch một chút. Tôi gãi đầu gãi tai, đến cuối mới phủ nhận, bảo rằng lâu lắm rồi tôi không về nhà, dạo này sức khỏe của mẹ cũng không tốt nên muốn thời gian này ở bên cạnh chăm sóc mẹ nhiều hơn. Anh ấy vỗ vai tôi, rồi chậc lưỡi, giọng anh tự nhiên rất buồn, nói với tôi còn có mẹ thì hãy yêu thương mẹ một chút. Đừng để như anh, mãi mãi vùi đầu trong công việc mà quên mất gia đình.
Tôi có hơi chột dạ. Những năm tháng qua, hình như tôi đã vô tâm với mẹ nhiều thật nhiều.
2.
Tôi ngồi trên xe khách chạy thẳng về Nghệ An. Thực ra vài năm trước tôi có gom góp chút tiền, mua một chiếc ô tô để thuận tiện đi lại trong mấy ngày mưa gió, nhưng đen đủi thế nào vài hôm trước chị phó phòng mượn đi thế là xe bị trầy xước khá nặng, tôi ngậm ngùi mang xe đi sửa. Cho nên hôm nay đành cố chịu khổ một bữa, dù sao trước đây cũng từng đi qua rất nhiều lần xe khách, hoài niệm một chút cũng rất tốt mà.
Gần về đến nhà, làng quê hiện ra rất đẹp. Tôi rất thích ngắm nhìn màu xanh mát rượi của đồng lúa, rất thích ngắm màu trời buổi xế trưa, một chút nắng tô điểm trên nền xanh thẳm và những cánh cò chao qua lượn lại, chỉ cần nhìn thấy và được thưởng thức chúng, tự nhiên những mỏi mệt của công việc cũng biến đâu mất. Tôi mở cửa sổ xe, hít hà không khí thơm mùi lúa chung quanh, cái sự bình yên đến nhẹ nhàng này rốt cuộc sau nhiều năm cũng đã có thể tìm lại. Quê nhà là thân thuộc, là nơi mà tất cả những thứ xấu xa đều có thể vứt bỏ ngoài xã hội chỉ để tìm về. Tìm về một nơi gọi là nhà.
Sáng nay tôi có điện cho mẹ, bảo rằng tôi sẽ về sớm, nên cơm nước có thể từ từ nấu. Dù sao tôi cũng muốn san sẻ bớt cho mẹ vài ba bữa cơm canh đạm bạc, để cho mẹ hiểu rằng kể cả tôi không thể làm gì quá nhiều thì ít nhất cũng có thể vì mẹ mà bỏ chút công sức.
3.
Tôi về đến trước ngõ đã thấy bóng mẹ từ phía xa. Mẹ mặc áo nâu và đi dép cao su cũ, gương mặt xem ra rất lo lắng. Có lẽ vì tôi bảo mười giờ sẽ về tới, nhưng gặp chút trục trặc trên đường nên muộn tầm nửa tiếng. Chắc mẹ lại lo tôi gặp chuyện. Tính cách mẹ tôi vốn xưa nay như vậy, rất chật vật, rất thương con, nhưng lại rất hay bất an. Nhìn mẹ gầy gò, nhìn mẹ từ xa bóng in dài trên mặt đất, lưng còng còng, tóc đã mỏng đi không ít, lòng tôi nhói lên từng cơn đau đớn đến lạ. Hóa ra đi hết cả đời, gặp được bao nhiêu người, cũng không thể tốt bằng mẹ.
Tôi ôm mẹ, ôm một cái thật là lâu, thật là chặt. Mẹ rơi nước mắt, lệ tôi cũng tuôn ra thành dòng. Lâu ngày không gặp, đâm ra hai mẹ con mừng mừng tủi tủi. Thực sự những lúc ấy chỉ muốn ngàn lần nói một câu yêu mẹ, nhưng cứ có gì đó chặn lại ở họng tôi cũng không thể lên tiếng.
Đôi khi chính là như thế này, yêu thương không phải lúc nào cũng có thể kể ra bằng lời lẽ, căn bản tôi thương mẹ, mẹ thương tôi, như vậy là đủ cho một nụ cười.
5.
Tôi phụ mẹ nấu ăn trong bếp, thực ra cơ bản mẹ đã làm xong từ nãy, nhưng vẫn còn chút việc tỉ dụ như xào đỗ hay xào mề gà nên tôi làm nốt coi như đỡ mẹ. Mẹ lúc đầu không nghe, cứ giục tôi vào nghỉ trong phòng, nhưng tôi cứ nhây mãi nhây hoài, thế là mẹ cũng chịu thua.
Giữa trưa hơn mười một giờ rưỡi, tôi tính dọn cơm ra cái mâm mây giữa nhà ngồi ăn cho mát. Mẹ tôi ngồi trên tràng kỉ, tay ve vẩy cái quạt nan. Tôi đã mấy lần đề cập chuyện lắp điều hòa để mùa hè cho mát, nhưng mẹ không nghe, cứ bảo không cần. Thực ra tôi vốn biết mẹ nghĩ cho tôi, nghĩ rằng tôi vừa đi làm được tầm hai năm có lẻ, tiêu nhiều tiền cho đồ đạc ở nhà quá lại sợ tôi không đủ chi tiêu hàng tháng ở Hà Nội. Nghĩ thôi, tôi lại thấy thương mẹ hơn một chút rồi.
" Con mời mẹ ra ăn cơm, để lâu quá nguội mất. "
" Đợi lát đi con, thằng Khiêm sắp đi câu cá về rồi. Nó mới điện bảo mẹ chờ nó, đừng ăn vội. Thật tình, cái thằng nhóc này, đã ai ăn mất phần cơm nó đâu. "
" À, vâng... "
Tôi cứ dạ vâng nửa vời. Trong tâm trí của tôi vào khoảnh khắc ấy, cái tên Khiêm vừa lạ lại vừa quen. Tôi cố gắng lục lọi trong đống kí ức đã bám bụi thuở bé, cuối cùng cũng nhận ra được cậu em trai năm ấy. Cậu em mà tôi đã dùng cả tính mạng để đánh đổi. Cậu em mà dùng một chữ thương là không sao nói hết.
6.
Khiêm là con trai của cậu út. Cha nó mất từ hồi thằng bé mới sáu tuổi, khi ấy cậu tôi sau một lần đi thương lượng vụ đất đai trên tỉnh bị xe tải cán chết. Mợ tôi vốn không phải người chung tình, vừa hết khó cậu thì bỏ theo người đàn ông khác, nghe nói cũng là một tên buôn gỗ khá giả trên thành phố. Cái con đàn bà ấy, nguyền rủa mấy cũng không rửa hết nỗi hận trong lòng.
Từ dạo đó Khiêm sống với bác cả, cũng không rõ là từ lúc nào đã chuyển về sống với mẹ tôi. Vốn mồ côi, lại được họ hàng chăm sóc nên thằng nhóc thương anh em trong nhà dữ lắm. Chắc nó nhìn thấy mẹ lủi thủi một mình hoài, nó xin sang ở cùng cho có người tâm sự. Nghe mẹ tôi bảo, thằng bé học giỏi, lại rất ngoan. Linh hồn cậu trên trời cũng coi như được an ủi.
7.
" Chị về khi nào ấy ạ? "
Thằng bé đứng rửa tay sau nhà, tiện thể mới hỏi tôi vài ba câu. Năm nay nó học mười hai, thế mà nhìn đã phổng phao không khác gì mấy anh thanh niên ngoài Hà Nội. Cậu tôi vốn rất đẹp trai, thằng bé hưởng gen của cha nó nên cũng rất tuấn tú. Tôi thích nhìn em rửa mặt hoặc khuân vác thứ gì đó, rất đàn ông, lại rất mộc mạc đúng chất. Ôi thôi, suốt những ngày tháng bôn ba công việc nơi thủ đô rộng lớn, chứng kiến bao kẻ nhuộm tóc xanh đỏ vàng, cuối cùng tôi cũng tìm thấy hình ảnh người đàn ông mà tôi yêu thích - cũng chính là người tôi tự hào nhất.
" Chị về lúc trưa. Dạo này học hành có tốt không? "
" Cũng bình thường à chị. Không giỏi, không dốt, nhưng lại được cái em chăm chỉ á. "
" Ừ thế tốt, cố học cho giỏi. Muộn rồi, ra ăn cơm đi em. "
Tôi gật đầu, coi như thằng em này không tệ, nó cố gắng như thế về sau kiếm được chút công việc, kiếm tiền đủ sống là ổn thôi. Tôi nhìn trời đã ngả vàng đượm, nắng cũng ngày một gay gắt mới nhắc em dọn cơm ăn rồi còn nghỉ một lát. Đột nhiên, khi vừa mới quay vào bếp, thằng bé gọi tôi lại, cũng không rõ là việc gì.
" Chị? "
" Ừ, Khiêm gọi chị có chuyện gì? "
" Chị có nhớ em không? "
Tôi xoa đầu em, cười nhẹ. Thằng bé này của tôi, vốn dĩ rất thích hỏi những câu lạ hoắc, tôi cũng không tàn nhẫn đến mức phớt lờ nó. Dĩ nhiên là tôi không quên được cái đứa nhóc bám riết theo tôi thuở sáu bảy tuổi này.
" Quên sao được. Quên cái đứa năm nào suýt chết vì rớt xuống ao á? Vớ va vớ vẩn. "
Tôi không hiểu Khiêm nghĩ gì, chỉ là trong vô thức, cảm tưởng bản thân rất quan trọng với nó.
8.
" Chị chị, em đưa chị đi coi chỗ này vui lắm. "
Thằng bé giắt tay tôi, chạy một quãng khá xa. Tôi vốn không biết Khiêm muốn đưa mình đi đâu, nhưng chắc chắn là một nơi thú vị. Chúng tôi chui qua những bụi cọ, luồn qua những cái hang be bé bên đường, cũng chạy như bay trên những cánh đồng lúa. Cuối cùng gặp ngay trước mắt là bãi đất trống cạnh đình làng. Khiêm nom rất hớn hở, gương mặt lại đầy mồ hôi. Thằng bé ngốc, bao giờ cũng là thằng bé ngốc.
Bao nhiêu kí ức ùa về từ những tháng năm xưa cũ. Những ngày còn bé Khiêm để chuồn chuồn cắn rốn, rồi đau đớn đến òa lên nức nở, báo hại tôi đêm ấy mất ngủ ngồi dỗ dành nó, cứ bảo không sao không sao hết, thế mà nó chả tin. Những ngày tôi cùng nó chơi ô ăn quan, thua hết ván này sang ván khác, xong đó vay mượn, có hôm tôi ức phát khóc, vứt hết đấy không chơi nữa. Đợt ấy tự ái, tôi giận Khiêm tròn một tuần. Những ngày chúng tôi làm diều, sau đó hớn hở chạy ra đây. Chơi được một lúc lâu ơi là lâu, đến cuối cùng cánh diều mắc trên cây đa, cả hai đứa không ai lấy được, rồi đổ lỗi cho nhau. Hậu quả nhận lại là òa lên khóc tức tưởi, cũng vì vậy mà bị no đòn đến chết đi sống lại từ cây roi dâu của cha tôi.
" Nhiều hoài niệm nhỉ? "
" Em đã bảo chỗ này vui mà. "
" Hồi đó đáng yêu nhỉ? Chị nhớ ngày xưa ghê. "
" Em cũng nhớ lắm đó. Hồi đó chị hai chỉ thương mỗi Khiêm à, giờ thì không biết thương bao nhiêu người rồi cơ. "
9.
" Sang năm, em định thi đại học hay về học nghề kiếm sống? "
Chúng tôi ngồi trên bờ sông, thi thoảng đưa mắt dòm ra phía xa xôi. Đám trẻ làng thi nhau đùa giỡn, có đứa đứng trên những gò cao, thi nhau nhảy xuống sông rồi cười khoái chí. Cứ mỗi lần nghe một tiếng ùm, tôi lại sởn gai ốc, hồi xưa Khiêm nó cũng vì nghịch dại như vậy nên mới suýt chết. Tôi lo rằng trong đám nhóc ấy có đứa bị chuột rút thì tính mạng nó cấp bách biết bao nhiêu.
" Em cũng chưa biết, để xem tiền nong thế nào đã. "
Thằng bé là một đứa trẻ ngoan, nó biết gia đình dạo này túng thiếu nên mới khó xử đến vậy. Tôi vốn nghĩ nếu dự án lần này thành công hơn một chút, tôi sẽ kiếm thêm tiền nuôi em học đại học, nhưng cũng không biết sao.
10.
" Chị về Hà Nội rồi, em có nhớ chị không? "
Thằng bé không trả lời tôi, nó đưa tay ra với lấy những viên đá nằm cận kề dòng sông rồi liệng đi thật xa. Hiếm lắm tôi mới thấy nó trông buồn tẻ đến như vậy. Đôi mắt Khiêm đỏ rân, đôi môi lại mấp máy điều gì đó không thể diễn đạt bằng câu chữ. Rồi em đứng dậy, quay lưng đi, trước đó có bảo tôi rằng :
" Em sẽ nhớ chị nhiều lắm. Vậy nên nếu chị có đi, cũng đừng chào tạm biệt. Cái câu nói li biệt ấy, em vốn không thích nghe. "
Thằng bé này từ trước tới nay rất giỏi làm tôi cảm động. Rời Nghệ An về Hà Nội tôi chẳng biết ngày tháng sau này sẽ tẻ nhạt đến mức nào nữa.
Vài hôm sau, tôi về thủ đô làm việc. Khiêm không ra tiễn, nó chỉ nhờ mẹ tôi gửi dùm một lá thư.
11.
Những ngày tháng sau này dường như rất bận bịu. Tôi không có đủ thời gian ăn tối, cũng không rảnh rỗi đi shopping. Một tuần dài bảy ngày cũng chỉ vùi đầu trong công việc, thậm chí việc ngủ cũng không thể điều độ như trước. Mãi đến hôm qua, khi tình cờ dọn dẹp đống tài liệu trên giá sách, tôi mới nhìn thấy lá thư của Khiêm.
Chị hai.
Em không biết rõ chị có thương em nhiều hay không, cũng không biết rõ chị quan tâm em nhường nào. Nhưng chị à, em thì yêu quý chị lắm đó.
Nên là chị ơi, sau này chị có người yêu rồi, cũng đừng quên em nhé. Bao giờ chị mệt mỏi quá, có thể về nhà, có thể tâm sự cùng em.
Em thương chị nhiều thật nhiều.
Em Nghệ An thương chị Hà Nội, nhiều hơn một chữ thương.
♡ Kim Hữu Khiêm là tên Hán Việt của Yugyeom, gọi Khiêm cho nó Việt hehe.
♡ fic này mình viết nhảm thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro