[Rêver Crew] Test Write
Đề 1: Bà của bạn là một trong những người trải qua cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử loài người. Nhưng thay vì những câu chuyện chiến tranh thấm đẫm bi thương thì bà luôn miêu tả hình ảnh một nghệ sĩ vĩ cầm mãi luôn lưu giữ trong tâm trí của bà. Từ những buổi biểu diễn tới những câu chuyện đời thường. Dù chẳng biết tại sao nhưng bạn cứ nghe, chẳng hỏi tới mối quan hệ của bà và người nghệ sĩ ấy. Cho tới ngày tháng cuối đời, bà kể bạn nghe đoạn kết câu chuyện tình của người nghệ sĩ ấy. Thay vì chất giọng đầy yêu thương và trìu mến thì bạn chỉ thấy một cảm giác day dứt cũng như đau buồn trong chất giọng của bà. Tới cuối cùng thì người nghệ sĩ ấy và cô gái trong câu chuyện ấy cũng đã gặp lại nhau.
-oOo-
Quê hương luôn là nơi mà người ta muốn quay trở về. Sự thân thuộc, gần gũi của nơi này tạo cho ta cái cảm giác an toàn mà ít đâu có được, thoải mái và dễ chịu hơn nhiều so với sự xô bồ của thành thị.
Hôm ấy là một ngày hơi se se lạnh, mùa thu vừa sang giòn rụm như trái táo, dù vẫn còn vương chút nắng của mùa hè nhưng lại không chói chang và oi ả, chỉ nhẹ nhàng chảy qua kẽ lá chiếu xuống mặt đường. Tôi ngồi trên xe, đai an toàn cọ vào cổ hơi khó chịu, tôi lấy tay kéo ra một chút thì ba nhắc là sắp tới đoạn đường xóc rồi nên lại để yên đấy. Mẹ ngồi ở ghế phụ lái đấm nhẹ vào tay ba, bảo là không sao đâu, ba nó cứ khó tính quá. Ba không nói nữa, làm ra vẻ đang giận dỗi mẹ vì bênh tôi, nhưng sau đó lại phì cười ngay khi thấy tôi không dám làm càn nữa vì vừa đi qua ổ gà.
Xe đi qua cao tốc, rẽ vào một đường khác dẫn đến vùng ngoại ô của một tỉnh lẻ. Hồi xưa ở đây là mặt trận chính của một cuộc khởi nghĩa, mưa bom bão đạn dội vào, dù đã được cải tạo lại nhưng trông vẫn có chút hoang tàn sau chiến tranh. Ba tôi nói rằng mình đã được qua đây từ thời chiến đến thời bình nên thạo đường lắm, nhưng tôi không tin lắm, vì trận chiến diễn ra trước cả khi ba ra đời kìa.
Đi thêm một đoạn nữa làm hết đường xi măng, chuyển sang đoạn mà tôi ngán nhất mỗi lần về quê - đường đất. Ổ gà ổ vịt thì đầy rẫy, xe có lách thế nào cũng phải trúng vài ba cái, xóc nảy lên, tôi lại say xe nên cái cảm giác háo hức sắp gặp lại bà nội cũng không thắng được sự cồn cào trong bụng, đồ ăn từ sáng cứ trào lên tận cổ, phải cố lắm mới không cho ra hết.
"Con không sao chứ? Túi đây."
Mẹ tôi quay xuống, lấy từ trong balo ra một tập túi bóng đưa cho tôi nhưng tôi lắc đầu bảo không cần, bởi vì còn một chút nữa thôi là đến nhà bà rồi và tôi muốn cái cảm giác được "vượt qua bản thân". Mẹ biết, nhưng vẫn nhét mấy cái túi vào ghế sau rồi mới quay lên cười cười. Đầu tôi còn đang ong ong và răng thì cắn chặt lại nên không nói gì được, chỉ ôm bụng tựa lưng vào ghế xe, tự nhủ là sắp tới rồi.
May sao, sau khi xe nảy lên một lần nữa và cua gấp, tôi đã thấy bà đang đứng ở ngoài sân tưới cây chờ gia đình tôi. Nhà bà không lớn lắm, chỉ đủ ở nhưng sân lúc nào cũng đầy hoa và rau cỏ, bà bảo bà thích chăm hoa và không muốn mất nhiều tiền mua rau hằng ngày, chắc do thời chiến đã rèn cho bà tính tiết kiệm, còn tại sao bà thích hoa thì tôi cũng chẳng rõ, chỉ thấy ba bảo là người có tâm hồn nghệ sĩ thường yêu cái đẹp, mà tôi lại không hiểu "tâm hồn nghệ sĩ" là cái gì.
"Bà ơi!"
Tôi chạy vội xuống xe, sà ngay vào lòng bà. Mẹ vừa xách túi hoa quả vừa nhắc "Con chào bà chưa?", tôi mới nói thêm "Con chào bà ạ", thế là bà vừa vỗ lưng tôi vừa khen tôi giỏi. Trẻ con mà, ai chẳng thích được tán dương, tôi vui vẻ hôn chụt một cái lên má bà rồi chạy ra giúp ba mẹ mang đồ vào nhà để thể hiện là mình còn giỏi hơn nữa.
Cái cảm giác thân thuộc lâu rôi mới có lại này khiến tôi phấn chấn hẳn ra, cũng một thời gian rồi nhà tôi chưa về đây, tại tôi vừa có đợt thi cử còn ba mẹ thì bận công việc. Đừng tưởng bài vở cấp 1 thì dễ nhé, đề cương nào cũng dài dằng dặc và khó thuộc lắm, phải học thì mới hiểu được. Nhưng giờ thì xong rồi, tôi có thể nghỉ xả hơi sau mấy tuần vất vả, nghĩ tới thôi là vui rồi.
Không biết là do tôi đang phấn chấn hay do ba mẹ tôi đặc biệt làm mấy món ngon nhưng bữa cơm hôm ấy ngon hơn hẳn mọi ngày. Bà cứ bảo là phải ăn nhiều lên thì mới lớn được, rồi xới cho tôi tới 2 bát. Bình thường ở nhà mỗi bữa tôi chỉ xơi được có lưng cơm thôi, bằng này ăn không nổi, ngắc ngứ mãi mới hết được nửa bát thứ 2. Mẹ bảo tôi không cần cố, thế là tôi bỏ dở luôn, uống tí canh cho bớt cảm giác nghẹn ứ ở cô họng.
Ăn xong, mẹ dọn bát đũa xuống bếp. Tôi cũng giúp, nhưng đến khi rửa bát thì ba bảo hôm nay chỉ cần làm đến thế thôi, còn lại để ba nên lại chạy lên nhà. Bà tôi đang ngồi nghỉ, tay cầm quạt phẩy nhẹ vì quạt điện gió mạnh quá, bà lại dễ bị lạnh còn ngồi không thì nóng. Năm nay mùa xuân ngắn hơn nhiều so với bình thường, gần như là chuyển trực tiếp từ đông sang hè nên người già dễ đau ốm, bà không muốn làm nhà tôi phải lo nên cũng chịu khó giữ gìn sức khoẻ lắm.
Tôi chạy ra, sà vào lòng bà.
"Bà ơi bà, hôm nay con hộ ba mẹ nhiều việc lắm luôn!"
"Giỏi, giỏi, con muốn thưởng gì nào?"
Chỉ chờ bà hỏi như vậy, tôi đáp lại ngay: "Con muốn nghe bà kể chuyện! Bà kể cho con nghe đi!"
"Được rồi."
Và bà bắt đầu kể. Giọng bà hơi ồm và trầm, pha chút khàn khàn của người cao tuổi. Tôi cũng không biết phải miêu tả thế nào cho đúng, nhưng nó khác với mẹ khi kể chuyện, nghe ấm và êm tai hơn nên bà vẫn là nhất.
"Ngày xưa, cái thời mà vẫn còn chiến tranh, bà phải lên phố để học. Lúc đấy nhà mình cũng thuộc dạng khấm khá hơn một tí, dù vậy vẫn nghèo lắm, nhưng bà cụ với ông cụ thì muốn bà ăn học đầy đủ nên đưa lên trên thành thị. Ở quê đói kém lắm, chẳng có trường nào đâu, mà có thì thì dân ở đây cũng chẳng có mấy ai đi học được. Do thiếu học nên mọi người ở đấy bị bọn thực dân bóc lột kinh lắm, người ta chỉ muốn có đủ cái ăn sống qua ngày cũng khó, chẳng nghĩ đến việc thêm gì vào đầu trong khi bụng còn trống không. Chỉ có ông bà cụ là nhận ra được muốn cái bụng đầy thì không được có cái đầu rỗng, nên chắt chiu từng tí một cho bà đi học. Cũng may, nếu không thì đã chẳng có được bây giờ - cơm ăn áo mặc đầy đủ và chẳng phải lo lúc nào mưa bom sẽ dội xuống đầu mình."
"Rồi khi bà lên phố, bà học ở một trường nhỏ thôi. Làm gì có tiền mà học trường lớn, được đi học là tốt lắm rồi. Bà phải đi làm thêm để phụ tiền, lương trên thành phố nhỉnh hơn một tí so với nông thôn nên nếu dành dụm thì vẫn còn một ít gửi về nhà. Hồi đấy bà làm bồi bàn, hát rong, phụ bếp, bán ve chai, cứ có thì giờ là bà làm, làm được cái gì thì hay cái đấy, ngày chỉ được ngủ có dăm tiếng rồi lại phải dậy đi học. Vất vả, nhưng thế mới đủ ăn, không thì có mà chết đói. Được cái bà có học nên người ta thuê nhiều, chỉ tội không có đủ thời gian. Trẻ mà, làm việc gì cũng khoẻ, ăn uống ngủ nghỉ cũng không khó khăn như bây giờ nên dễ sống hơn, dù phải lo nhiều việc nhưng vẫn gọi là ổn."
Tôi nằm ra trên ghế, gối đầu lên đùi bà, vừa để bà xoa lưng cho vừa nghe tiếp.
"Rồi bà gặp được một cậu nhóc cùng tuổi. Cậu ta khoẻ, mặt mày sáng lạn, hát hay và đặc biệt là biết chơi vĩ cầm. Hồi đấy bà với cậu ta ở cùng phòng, bởi vì nếu sống trong kí túc xá thì không thể linh động giờ giấc và bị bọn thực dân quản thúc kinh lắm, sinh hoạt phải theo bọn nó, không thì bị phạt. Cả hai đứa chẳng ai giàu sang gì, gia tài lớn nhất của cậu ta cũng chỉ có mỗi cây vĩ cầm kia thôi, tiền phòng trọ lại đắt nên phải chia nhau thì mới có chỗ ở, một mình không kham nổi. Bất đắc dĩ, nhưng cũng vui, vì câu ta chẳng có vẻ gì là lưu manh mà còn thuộc dạng thư sinh và gần như chẳng quan tâm tới gì ngoài đàn hát và sách vở. Mỗi lần cậu ta cầm cây vĩ cầm lên là phải dính chặt suốt ít nhất 1 tiếng, cứ kéo hết bài này tới bài khác, từ mấy bài nổi tiếng của nhạc sĩ nước ngoài đến nhạc đang nổi trong nước. Nhìn cậu ta say mê lắm, như thể chẳng có gì tồn tại ngoài cậu ta và cái đàn ấy, có lúc còn quên ăn quên ngủ, chẳng để ý tới giờ giấc gì, bị chủ trọ nhắc suốt mà có chừa đâu."
"Được cái hồi đấy bà cũng mê nhạc, thế là được cậu ta giới thiệu vào đoàn hát cậu ta đang làm cho luôn. Vui lắm, ai cũng hoà đồng và giúp đỡ nhau. Nói là đoàn hát, nhưng đúng hơn thì phải là đoàn nghệ thuật cách mạng, bởi vì ngoài đàn hát ra thì còn kịch và chiếu bóng, nội dung là ủng hộ Đảng và kêu gọi cách mạng. Lương không nhiều, đa số tiền đoàn kiếm được quyên góp hết cho đồng bào chống giặc, nhưng chẳng ai than phiền mà còn tự hào lắm. Bà cũng vui, người ta khen nhiều và ủng hộ cũng nhiều lắm, trong cái cảnh bần cùng ấy có được chút sắc màu từ nghệ thuật cũng hay..."
Phần sau tôi không nghe được nữa. Ma lực từ giọng bà khiến hai mi mắt tôi nặng trĩu và đầu óc thì mơ hồ dần, cứ thế thiếp đi mất. Hình như tôi có tỉnh một lần lúc được ba bế vào giường, nhưng đang mơ màng nên cũng chẳng rõ lắm, mà có thì cũng chỉ hơi hé mắt rồi lại ngủ luôn. Tôi có mơ gì đó thì phải, nhưng nó thuộc loại ngủ dậy là quên ngay nên đến lúc ngồi nhớ lại thì trong đầu tôi chẳng sót lại hình ảnh nào.
Lúc tôi mở mắt ra thì đã là sáng hôm sau. Không muộn lắm, mới có 8 giờ nhưng cả bà và ba mẹ đều đã dậy hết cả rồi. Bởi vì tối qua tôi ngủ sớm, nên so ra thì hôm nay tôi đã say giấc nồng khá lâu và điều này làm tôi thấy hơi uể oải. Ngủ quá giấc, hẳn là thế, nhưng việc đó cũng không ngăn được tôi bật dậy khỏi giường vệ sinh cá nhân và ăn sáng rồi chạy đi chơi với mấy đứa nhóc cùng tuổi bên hàng xóm. Do tính ham chơi hay mau quên của trẻ con, hoặc cả hai, nên tôi quên sạch chuyện hôm qua mất rồi.
Trẻ con ở quê thân thiện và chân chất lắm, lại cho đủ trò mới lạ, ít nhất là với một đứa lớn lên ở thành thị như tôi nên chúng tôi hôm nào cũng đùa với nhau đến tận trưa khi ba mẹ mấy đứa gọi về ăn cơm.
Mãi đến 2 hôm sau, tôi mới chợt nhớ ra câu chuyện của bà. Thế là lúc đi chơi với mấy người bạn mới, tôi cứ cố để không quên đi nó, rồi lại mất tập trung mà thua liên tiếp mấy trận liền. Bọn nó cũng bắt đầu thấy chán, bởi vì đứa bét bảng lúc nào cũng là tôi và bọn nó chẳng cần sợ việc sẽ thua cuộc, thứ sẽ kích thích bọn nó cố gắng hơn. Thế là hôm ấy bọn tôi tan sớm, còn tôi thì về nhà với tâm trạng nửa thất vọng vì mình cứ lơ đãng nửa mong chờ bà kể nốt chuyện cho mình.
"Rửa tay rôi vào ăn cơm đi, ba mẹ làm xong hết rồi."
"Vâng ạ."
Lúc tôi chạy vào bếp, thấy bà đang đang ở đấy. Nồi canh sôi lục bục trên kiềng, hơi nước bốc lên đọng lại thành giọt trên vung rồi men theo lối của những hạt trước chảy tới mép, rỉ ra ngoài, lại gặp thành nồi nóng nên sôi thêm lần nữa, làm vung bật lên, nước bắn ra. Bà vội mở nắp kiểm tra xem canh đã được chưa rồi để nó kênh lên, có chỗ cho hơi nước thoát ra, đồng thời giảm nhỏ lửa và lấy muôi thử. Chắc là vừa vị rồi nên lần này bà tắt hẳn bếp, cho canh ra cái bát tô to để sẵn bên cạnh và mang nồi niêu bẩn vào bồn rửa.
"Bà để con bê ra cho bà."
Tôi nói, rồi nhanh nhảu nhấc bát canh lên sau khi đã rửa tay xong xuôi. Nhưng bát nóng quá, tôi lại vô ý nên cầm thẳng vào thành bát, thế là vội đặt nó xuống tồi đưa tay cầm vào tai. Mẹ với bà bảo làm thế sẽ đỡ nóng, nhưng tôi chẳng thấy khá hơn tí nào cả, dù vậy vẫn cứ làm theo để ra vẻ giống người lớn và thành thói quen luôn.
Canh trong bát sóng sánh, may sao chỉ tới gần miệng bát thôi chứ không trào ra ngoài, nếu không mẹ sẽ lại nói tôi vì tội hậu đậu mất. Bà thấy thế cũng chỉ mang ra một đôi lót tay để cầm cho đỡ nóng chứ không giúp. Sau này tôi mới hiểu được bà làm như thế là để giúp tôi rèn một chút tự lập, vì nếu cứ hở ra là làm hết việc cho thì mai sau chẳng làm được cái gì gì ra hồn, còn lúc trẻ con thì tôi chẳng quan tâm đến mấy thứ đấy, chỉ xin bà rồi dùng miếng lót đệm giữa tay với bát, bê ra ngoài.
Đúng như mẹ nói, chỉ còn mỗi món canh là vừa được mang ra, còn lại đều đã sắp sẵn trên mâm rồi. Mẹ đang xới cơm, còn ba thì chia bát đũa. Đồ ăn vừa làm xong còn nóng hổi, hơi nước mờ mờ bốc lên trông ngon mắt lắm. Chắc do chơi mệt nên hôm nay tôi ăn nhiều hơn, hoặc do mấy hôm ở đây được bà "huấn luyện" mỗi bữa phải hết khẩu phần gấp rưỡi mọi ngày nên tối đấy tôi ăn hết nhẵn 2 bát, cùng với cả rau lẫn thịt, đủ chất đủ phần.
Lại một lần nữa, với sự đáng trí của mình, tôi quên khuấy đi vụ bảo bà kể chuyện cho. May sao lúc dọn dẹp xong thấy bà ngồi ngoài sân hóng gió thì lại chợt nhớ ra, thế là lau vội hai tay còn ướt vì vừa rửa bát xong vào quần rồi lại chạy ra với bà.
"Bà ơi! Bà kể chuyện cho con tiếp đi, chuyện hôm nọ ấy!"
"Bà tưởng con không thích nghe, thấy chán quá nên mới ngủ quên mất chứ?"
Nghe bà hỏi, tôi chỉ cười trừ, nhưng cũng không biết phải giải thích thế nào. Nếu nói do chuyện hay quá nên nghe mà thiếp đi lúc nào không hay thì nghe cứ như tôi đang cố bao biện và có chút gì đó nịnh nọt nữa, dù sự thật đúng là như vậy nhưng tôi vẫn không thích lắm, nó cứ kì kì làm sao ấy. Cũng may là bà hiểu cho tôi, không hỏi nữa mà vỗ vỗ vào chỗ bên cạnh bà, ý bảo tôi ngồi xuống đó.
Hôm nay trời quang, gần như không có mây nên có thể thấy mặt trăng tròn vành vạnh và những ngôi sao lấp lánh bên cạnh giống như một viếc bánh quy được rắc đường xung quanh và đặt trên tấm nhung đen tuyền, trông thật ngọt ngào và bắt mắt với lũ trẻ.
Ánh trăng phủ lên mặt đất một lớp voan mỏng, trắng mờ nhưng gần như trong suốt, khiến cho màn đêm trở nên huyền ảo hơn. Cây cỏ tắm mình trong sương đêm, giọt nước li ti đọng trên lá phản chiếu lại ánh trăng ngà trên trời, làm cho mặt đất cũng được rải đầy sao. Tôi không giỏi miêu tả và đôi khi tôi cảm thấy những lời ví von của mình vụng về hoặc sến sẩm quá mức, nhưng khi thấy cảnh thế này, thật khó để không khen ngợi vài câu.
"Hôm nọ bà kể cho con đến đâu rồi nhỉ?"
Bà hỏi, nhưng tôi lắc đầu bảo không nhớ. Phần sau câu chuyện tôi vẫn nghe được, nhưng mơ mơ màng màng không rõ ràng lắm, mà cũng không chắc chắn là đến đoạn nào. Bà ngẫm nghĩ một lúc, rồi quyết định bỏ qua phần trước và bắt đầu với một câu chuyện mới, hay đúng hơn là những hồi ức cũ của bà, và tất nhiên, nhân vật chính vẫn là bà và cậu chàng kia.
"Hồi đấy bà với cậu ta học cùng trường, bởi vì chẳng có mấy sự lựa chọn và hợp túi tiền nhất cũng chỉ có chỗ đấy thôi. Nhà trọ khá xa, cách trường phải mấy cây số, nhưng chỗ trọ gần thì đắt và chật kín hết rồi nên bất đắc dĩ vẫn phải ở đấy. Bà với cậu ta xoay xở mãi mới mượn được cái xe đạp thồ, cái hồi xưa người ta hay dùng để chở hàng hoá phục phụ quân sự ấy, nhưng bánh bị hỏng không đi được đường đất gập ghềnh nữa và chủ cũ có xe mới rồi nên cho mượn. Cậu ta bảo đạp xe này qua núi đá thì khó chứ đi trên đường lớn như ở thành phố thì vẫn dùng tốt, nhưng thực ra là lúc nào đạp cũng suýt ngã mấy lần liền. Bình thường thì cậu ta đèo bà đến trường và đoàn hát bằng con xe đấy, nhưng cũng có mấy hôm lịch làm việc của cậu ta với bà trùng nhau, hồi đấy ai cũng phải làm đủ loại việc để kiếm sống chứ có mỗi một nghề thì không đủ cái ăn, thì cậu ta lại nhường bà đi còn mình thì cuốc bộ."
Tôi ngồi nghe nhưng đầu vẫn nghĩ vẩn vơ. Dù tai vẫn hoạt động tốt để không bỏ sót chi tiết nào trong câu chuyện vủa bà nhưng mấy con đom đóm đã thu hút sự chú ý của tôi, nó làm tôi không hoàn toàn tập trung được. Người nghệ sĩ vĩ cầm mà bà kể kia cũng ga-lăng đấy. Mới hôm nọ mẹ vừa giải thích cho tôi ga-lăng nghĩa là gì, sử dụng để nói về cậu kia có vẻ hợp, nhỉ?
Tôi lén ngước lên nhìn bà, chỉ thấy bà cười mỉm, hai mắt nheo lại, gần như là nhắm, và mái tóc bạc trắng hoà vào ánh trăng. Trông bà có cái vẻ phúc hậu và hiền hoà của người già, do đó mà mọi người toàn khen bà đẹp lão, và tôi phải công nhận như vậy thật.
"Có hôm bà đi học muộn vì ở chủ quán bà làm giở trò, bà ta bắt bà phải ở lại làm việc lâu gấp rưỡi bình thường vì hôm đấy khách phàn nàn với bà ta về quán. Chỗ đấy xập xệ và đồ ăn thì chẳng ngon, lúc nào cũng cố độn giá lên cao chót vót và bán hàng không chất lượng nên thường bị đánh giá kém và mất khách dần, còn bà chủ thì cứ đổ vạ cho nhân viên. Kiểu người phổ biến của tầng lớp tư sản thời bấy giờ ấy mà, các chủ đa phần đều thế, bà cũng quen rồi nên chỉ im ỉm làm nhanh nhất có thể, thế mà vẫn muộn học. Theo lịch thì hôm nay cậu kia sẽ đèo bà lên trường rồi lái xe đến chỗ làm, vì hôm đấy cậu ta không có tiết và giờ vào lớp của bà sớm hơn giờ làm của cậu ta một tí, vừa đủ để đi từ trường tới chỗ đấy, còn khi nào tan học thì cậu ta lại đến đón bà luôn. Bà cứ nghĩ là cậu ta đi trước rồi, vì lúc bà về đến nhà thì đã quá giờ hơn 20 phút, trên đường về bà còn nhẩm tính xem nên xin giáo viên thế nào và cố hình dung ra đường đến trường ngắn nhất, may thì muộn một tiết, còn xui thì phải quá nửa tiết hai mới vào lớp được."
"Nhưng cậu ta vẫn ở nhà. Lúc bà về, cậu ta thậm chí không trách móc mà còn hỏi han, bảo là sợ bà bị làm sao mà bỗng dưng về muộn thế. Vì việc giờ giấc của hai đứa đều gấp gáp nên bà luôn cố để đúng hẹn, nếu không thì ảnh hưởng tới cả hai, mà hôm nay lại như thế, cậu ta bảo là lo lắm, rồi giục bà vào nhà lấy sách vở đi học luôn. May sao nhờ thế nên hôm đấy bà vẫn đến lúc gần hết tiết, giáo viên tổng kết lại kiến thức nên nói chung cũng không thiệt nhiều."
Kể đến đây, bà cười nhẹ, hẳn là vui lắm. Có vẻ bà không nhận ra ánh mắt lén lút của tôi, nên biểu cảm tự nhiên hơn, hoặc bà không thể giấu được vẻ trìu mến khi nghĩ đến những hồi ức ấy.
Đôi khi tôi sẽ để ý đến những tiểu tiết dễ bị người khác bỏ qua, cái thói ấy có lúc khiến tôi thành một đứa nhạy cảm quá mức và hơi khó tính khi người khác làm sai, nhưng nhiều khi cũng giúp tôi phát hiện ra những điều nhỏ nhặt đáng yêu. Hôm nay là ví dụ điển hình.
"Thôi muộn rồi đấy, con vào ngủ đi, sáng mai còn dậy sớm để về nữa."
Nghe bà nhắc, tôi ngoái đầu lại nhìn đồng hồ treo trong phòng khách. Đã gần 10 giờ rồi, tôi bất ngờ vì thời gian trôi nhanh quá, thế mà tôi cứ nghĩ còn sớm cơ. Dù có chút tiếc nuối, nhưng tôi vẫn phải vào nhà để đi ngủ. Tôi, ba và mẹ ngủ chung một phòng, năm ngoái ba đã đổi sang cái giường to hơn để cả nhà được thoải mái. Ba bảo bà bị mất ngủ, sợ tôi ở cùng buổi tối thì ngủ khó nên để bà một mình một phòng.
Ngày xưa nghèo nên nhà chỉ có một phòng khách, một phòng bếp với một phòng ngủ, phòng còn lại là kho để đồ, bây giờ được cải tạo lại thành phòng ngủ thứ hai cho gia đình tôi mỗi khi về quê. Bà bảo bà ở đây từ nhỏ, không muốn phá đi để xây cái mới nên ba cũng không định sửa lại cả nhà, chỉ mua thêm mấy chậu cây về để ngoài vườn cho có thêm chút sinh khí, bà ở một mình cũng đỡ cô đơn.
Đáng lẽ nhà tôi sẽ ở đây thêm 2 ngày nữa, nhưng bỗng dưng ba có một cuộc họp quan trọng vào ngày mai, cũng may là diễn ra và 10 giờ nên ba bảo cứ ở nốt tối nay rồi sáng mai về sớm là được. Từ nhà tôi về đến quê phải đi xe 4 tiếng, có thể lâu hơn nếu tắc đường, nếu mình ba đi rồi về thì tốn công quá nên cả nhà đành rút ngắn thời gian ở quê lại một tí. Ba hứa lần sau sẽ sắp xếp để về bù, tại lúc mẹ thông báo trông tôi buồn ra mặt và cái vẻ tiếc nuối đấy khiến mọi người thấy có lỗi.
Tối hôm đấy tôi ngủ không ngon giấc. Tôi vẫn muốn nghe bà kể chuyện tiếp, cái cảm giác tò mò chưa thoả mãn ấy khiến tôi trằn trọc một lúc lâu sau khi lên giường. Mẹ bảo tôi ngủ đi, nhưng tôi không làm được, bụng tôi quặn lại và cứ nghĩ đến phần tiếp theo của câu chuyện. Tôi nghĩ mình sẽ ngủ bù trên xe sau, như vậy vừa không bị thiếu giấc vừa giảm khoảng thời gian tôi phải chịu đựng cơn say của mình.
Tôi nghĩ thế, rồi lại trở mình nhưng vẫn cố làm nhẹ nhàng nhất để ba mẹ không tỉnh giấc. Việc phải giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài khiến cả người tôi mỏi nhừ, nhưng lại sợ ba mẹ sẽ mắng nếu không ngủ mà cứ trằn trọc nên chẳng dám làm gì hơn. Tôi nghĩ là mình ngủ được vào tầm hơn 12 giờ, như vậy đã là quá muộn với một người đi ngủ sớm như tôi rồi.
Mong sao sáng mai đến muộn hơn chút nữa, để tôi có thể ở lại đây lâu hơn, một chút thôi cũng được.
.
Lần này tôi lại về quê, nhưng khác với khi còn nhỏ khi mà bây giờ người cầm lái là tôi. Chiếc xe đã lăn bánh phải gần ba thập kỉ đã được thay bằng một con mới hơn, xịn hơn và cũng rộng hơn, để đủ chỗ cho cả nhà mang quà cáp và đồ dùng cá nhân về quê thay vì lúc nào cũng phải tính toán sao cho nhét vừa vào cái cốp xe bé tí và còn phải để thêm đồ vào ghế sau thì mới đủ diện tích.
Dù còn nợ kha khá, nhưng tôi vẫn lo được cái xe này trước tuổi ba mươi để chở ba mẹ đi đây đi đó cho tiện. Giờ tôi có công việc ổn định rồi, không còn là con bé lớp 4 chỉ phải lo ăn với học như trước nữa nên hiểu là có những thứ cần phải đầu tư cho bản thân và gia đình, mua xe là một khoản chi tiêu lớn nhưng cần thiết và tôi nghĩ mình nên mua ngay khi có khả năng, hoặc là trước khi phải đổ tiền vào thứ khác.
Năm nay tôi vẫn chưa lập gia đình, nhưng ba mẹ không giục vì họ hiểu tôi muốn tập trung vào kiếm sống nuôi bản thân và ba mẹ trước rồi mới tới gia đình của riêng tôi. Thật ra một phần cũng vì tôi lười, cứ nghĩ đến cảnh bây giờ đang tự do mà bỗng dưng lại chồng con rồi tay xách nách mang nào là bỉm sữa, nào là đồ đạc ra ra vào vào bệnh viện từ lúc ốm nghén đến khi đi để rồi các lần con ốm con đau thì đúng là chán thật. Dù biết là có người để chia sẻ cùng cũng tốt và tôi vẫn tin là con người nhất định phải có tình yêu, nhưng giờ chưa phải lúc.
Con đường đất ngày xưa nay đã được bên chính quyền quyết định cải tạo, dải nhựa đường và sơn vạch kẻ, biển báo cũng đầy đủ nên trông sạch sẽ và khang trang hơn hẳn. Bệnh say xe của tôi giảm dần và gần như mất hẳn sau khi học lái xe nên cũng không còn sợ đoạn này như hồi nhỏ nữa, nhưng có đường đẹp đi thì vẫn sướng hơn mà, đúng không?
Chắc chỉ có mỗi nhà bà tôi là không thay đổi. Nói là y như xưa thì không hẳn, mấy tháng trước ba đã thay vài chậu hoa ngoài sân và trồng thêm cây thường xuân để nó leo lên cổng, nhưng chung quy thì vẫn không có gì quá khác biệt với ngày trước. Bà vẫn sống ở đấy một mình nên tháng nào nhà tôi cũng sắp xếp để về ít nhất một lần, có hôm ngày đi ngày về, khá mệt nhưng cũng vui.
Căn nhà nhỏ hiện ra sau một khúc cua gấp, cái dây leo bám quanh cổng vào và một số cái rủ xuống nhưng không đủ dài để chạm vào nóc xe. Lần này không như những dịp trước, tôi về vì sức khoẻ bà chuyển xấu do thay đổi thời tiết. Tuần trước bà bị ngã trong bếp, bác sĩ bảo do tụt huyết áp nên ba mẹ phải ở lại chăm sóc, tôi còn công việc nên về thành phố rồi cuối tuần có thời gian là lại lên luôn. Bà chỉ có một mình, may mà hàng xóm phát hiện, chứ không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa. Lúc nghe tin, cả nhà tôi sợ chết khiếp, tôi bỏ cả việc còn làm dở ở công ty để về xem tình hình bà thế nào. Cũng may là giao thông thuận lợi hơn nên nhà tôi không mất quá nhiều thời gian như trước, lúc đến nơi thì bà cũng được đưa lên bệnh viện rồi.
Tôi đỗ xe vào góc sân, mở khoá cửa rồi đi ra. Vừa bước ra khỏi xe là gió lạnh lùa vào làm nhiệt độ giảm mạnh, tôi lại không nghĩ là trên quê lạnh thế này nên mặc có mỗi cái áo phông, rùng mình một cái rồi mới mở cốp xe xách cái balo ra. Hành lí lần này không nhiều, tôi về ngắn ngày nên chỉ mang mấy bộ quần áo với thuốc men cho bà, nhét vừa đủ trong một cái balo du lịch cỡ thường, một mình tôi cũng mang vào được, không cần người khác phải giúp.
Mẹ ra đón tôi, bởi vì lần này bà không ra được. Tôi chào mẹ rồi mang thẳng đồ đạc vào phòng cất. Xong việc, tôi kéo rèm lên, mở rộng cửa sổ để thông khí cho đỡ bí bách, ngay trên bệ cửa là mấy cây sen đá bà trồng nên không dám làm mạnh, lúc chống tay để đẩy cánh cửa cũng phải lựa chỗ không có chậu. Xong việc, tôi cầm túi thuốc sang phòng bà, vừa đi vừa kiểm lại danh sách xem đã đủ các loại mà bác sĩ bảo chưa.
"Con chào bà ạ."
Lúc tôi vào, bà đang ngồi dựa vào thành giường, đệm lưng bằng một cái gối lớn dùng lâu lắm rồi và đang được mẹ đút cháo cho. Ba bên cạnh lấy một viên con nhộng ra khỏi vỉ, rót nước ấm từ bình giữ nhiệt vào ly rồi để sẵn lên cái tủ đầu giường, bao giờ bà ăn xong thì uống.
"Bà chào con."
Bà đáp lại, nhưng nghe giọng bà yếu và khàn hơn nhiều so với lần trước. Chắc vì bệnh cảm cúm khi chuyển mùa thôi, tôi cố nghĩ như vậy và tránh việc phải chấp nhận là bà đã già đi nhiều. Tất nhiên, sinh - lão - bệnh - tử là thứ con người không thể tránh khỏi, nhưng ai lại mong người thân của mình già nhanh chứ.
Bà ho khan mấy tiếng, mẹ vội lấy cốc nước ấm và chỉnh lại khăn quàng cổ cho bà. Tôi đặt túi thuốc xuống bàn, các hộp bìa cứng va lộp cộp và nhau và tự dàn đều ra cho phẳng với mặt bàn, có góc hộp chọc vào túi bóng làm nó sắp rách đến nơi. Tôi lấy mấy cái vỏ đã hết nhẵn bỏ vào thùng rác rồi xếp thuốc mới lên kệ, việc bà phải uống nhiều dược phẩm để duy trì sức khoẻ như thế khiến tôi thấy buồn và thương bà lắm.
Lúc tôi về đến nơi thì đã là hơn 4 giờ nên ngồi hỏi thăm sức khoẻ bà một lúc là phải ra chợ mua đồ chuẩn bị bữa tối, mẹ tôi còn dặn làm mấy món mềm mềm để bà còn ăn được. Hôm đó tôi đứng bếp, cũng may mà thức ăn dễ làm và tay nghề nấu nướng của tôi vẫn còn ổn. Ba bảo bà hôm nay tôi về nên cố ăn một tí, nhưng bà cũng chỉ ăn được 2 miếng đậu và uống tí canh cho ấm bụng. Ăn xong thì tôi chủ động dọn dẹp và rửa bát, ba mẹ vẫn tiếp tục chăm sóc bà, dù sao thì việc này ba mẹ khéo hơn tôi và tôi luôn cố gắng giúp được nhiều nhất có thể.
Lúc tôi làm xong thì mẹ bảo bà ngủ rồi, nhưng khi đi ngang qua phòng bà thì tôi vẫn nghe thấy tiếng gọi khe khẽ, bảo mình vào trong. Tôi có thể chắc chắn đó là giọng của bà chứ không phải nghe nhầm, mở cửa ra thì mới biết bà chưa ngủ, không biết là tại chưa muốn hay chưa ngủ được.
"Vào gần đây đi con."
"Vâng."
Dù không hiểu bà gọi tôi và làm gì nhưng tôi vẫn kéo cái ghế nhỏ được xếp gọn vào dưới bàn uống nước ra bên cạnh giường và đỡ bà ngồi dậy khi bà định chống tay nhổm lên nhưng không thể. Rồi bà bảo bà khát nước, thế là tôi pha ít mật ong ấm, mẹ đã mua một lọ để sẵn trong bếp nên lúc nào cần thì chỉ việc hoà một ít vào nước là được.
Tôi bóp vai cho bà, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu vì qua lớp áo nhung dày cộp thì bà gần như chẳng cảm nhận được gì cả. Dù vậy thì bà vẫn khen tôi giỏi, rồi còn kể rằng hồi nhỏ tôi cứ thích lấy lòng bà như vậy để được nghe mấy câu chuyện từ ngày xửa ngày xưa của bà. Cũng tại vì chúng ngọt ngào và cuốn hút với một đứa trẻ mới lớn như tôi lúc đó, chưa hiểu gì về ái tình và tò mò với mọi thứ, cũng nhờ nó mà dù bây giờ vẫn chưa lập gia đình nhưng tôi chưa bao giờ mất niềm tin vào tình yêu.
"Con còn thích nghe bà kể chuyện không?"
Bỗng dưng, bà hỏi, làm tôi dang cúi đầu thật thấp để đấm bóp phần gần xương cụt của bà phải ngước lên nhìn, đơ người mất 2, 3 giây vì câu hỏi bất ngờ, nhưng sau đó cũng trả lời: "Có ạ, lúc nào con cũng thích."
"Kể cả khi đó là một câu chuyện buồn?"
"Tất nhiên ạ."
Tôi không hiểu ý bà lắm, nhưng vẫn khẳng định việc mình thích nghe. Trên mặt bà ngoài những vết chân chim in hằn thì còn ẩn chứa cảm xúc gì đó, có lẽ là đau buồn, hoặc là day dứt, hoặc cả hai. Dù không biết bà định nói gì với mình, nhưng tôi biết là bà đang cần chia sẻ, và tôi thì luôn sẵn sàng lắng nghe.
Nhưng sự thay đổi đột ngột này khiến tôi hơi bất ngờ. Nếu trước đây, mỗi khi kể chuyện cho tôi, giọng bà trìu mến và ấm áp bao nhiêu, thì giờ nó buồn tủi và nuối tiếc bấy nhiêu. Hẳn là về điều gì đó còn dang dở, không thể tiếp tục hoặc đã vĩnh viễn mất đi, dù thế nào thì cũng thật đáng buồn.
"Con có nhớ cậu nghệ sĩ vĩ cầm mà bà hay kể với con không?"
"Có ạ."
Tôi vẫn còn nhớ y nguyên từng câu chuyện về cậu ta, bởi vì bà lúc nào cũng kể về người ấy với vẻ nhung nhớ nên hẳn là quan trọng lắm. Đến giờ tôi mới nhận ra, mình chưa biết gì về mối quan hệ giữa bà và người ấy ngoài việc hai người là bạn cùng phòng và đồng nghiệp tại đoàn hát, mà tôi cũng chưa từng hỏi về điều này trước đây. Kì lạ, bởi vì nếu gắn bó với nhau tới như thế thì chỉ dừng lại ở tình bạn là không đủ, nhưng tôi không nghĩ xa hơn nữa mà tập trung vào câu chuyện của bà.
"Bà với cậu ta đã có tình cảm với nhau. Sau những sự kiện, những lần đi diễn và cả những ngày chung sống, bà với cậu ta đã thực sự thành một cặp. Đó là điều mà ai cũng đã đoán ra từ trước, nhiều người chúc mừng bà với cậu ấy lắm, mấy anh chị trong đoàn hát còn bảo bao giờ cưới thì sẽ diễn miễn phí cho cơ mà."
Kể đến đấy, bà bất giác cười nhẹ, nhưng sau đó lại là cái vẻ đau buồn như trước, thậm chí nét tang thương còn đậm hơn.
"Sau đó mấy hôm, khi bọn thực dân xảy ra xung đột với các cường quốc khác, bọn nó bắt lính ở các vùng thuộc địa đi để làm bia đỡ đạn. Cậu ta cũng trong nhóm được "tuyển chọn" đi "nghĩa vụ tình nguyện", bị bọn nó bắt nhốt chờ ngày lên tàu sang bên châu Âu." Bà hít sâu một hơi, nhưng không khí lạnh như cứa vào phổi và làm cho bà lại ho thêm mấy cái nữa. "Cậu ta không chịu, cậu ta tìm cách bỏ trốn, nhưng cuối cùng thì vẫn không thoát khỏi tay bọn thực dân được. Bà không bị đưa đi, bởi vì hồi đấy người ta trọng nam khinh nữ nhiều, cho rằng phụ nữ yếu đuối chẳng làm được tích sự gì và không thèm ngó ngàng tới. Đoàn hát bị giải thế, vì nhiều thành viên phải đi tòng quân và bọn nó phát hiện ra bọn bà truyền bá tư tưởng cách mạng bằng cách đấy."
"Đó cũng là khoảng thời gian bà phát hiện ra mình có thai. Lúc đấy cảm xúc lẫn lộn lắm con ạ, vừa vui vì mình sắp được làm mẹ, vừa lo sau này không cho nó ăn học đầy đủ được, vừa sợ nó sinh ra sẽ không có bố. Bà đâm ra mất ăn mất ngủ, bà cụ khuyên mãi mới quyết định không bỏ, bởi vì thời ấy lao động chân tay nhiều, có được cũng chưa chắc đã giữ được, mà giữ được thì chưa chắc đã nuôi được. May sao mấy năm bà ở thành phố cũng quen biết được một số người, chuyện tiền nong túng thiếu quá vẫn xoay xở được, không thì đúng là không biết phải sống thế nào nữa."
"Và rồi, mấy tháng sau, bà nghe tin quân khởi nghĩa phá đồn địch và giải phóng tù nhân. Lúc đấy bà muốn hưởng ứng phong trào đấu tranh lắm, ai mà chẳng khao khát tự do, làm sao sống nổi dưới cái ách thống trị tàn bạo này được. Nhưng cái thai to quá, đi lại còn khó khăn, ba con còn làm bà ốm nghén nên lo cho mình còn chưa được, đành lực bất tòng tâm. Bà thấy bảo trong số người được giải phóng có cả cậu ta, tức là ông nội con ấy, và đúng là 3 hôm sau, ông con tìm về. Ông bảo ông sẽ đi theo nghĩa quân, dù phải xa mẹ con bà, nhưng vậy còn hơn là cứ để mẹ con bà trong cái cảnh tù túng như vậy. Lúc biết tin bà có mang, ông đã khóc, đấy là lần đầu tiên mà thấy ông như vậy, nhưng vẫn cố dằn tiếng nức nở trong họng xuống để từ biệt mẹ con bà. Bà cũng khóc, nhưng vẫn để ông đi, dù chưa chắc là sẽ có ngày quay trở lại."
Bà đang phải nhớ về một kí ức đau khổ lắm, trông bà như sắp sụp đổ đến nơi và cố gắng thở thật đều để điều hoà lại cảm xúc. Tôi không có thói quen ngắt lời người khác khi đang kể chuyện, nên dù muốn nói gì đó an ủi bà cũng không biết mở lời từ đâu. Tôi muốn bảo bà không muốn thì không cần kể hết, nhưng lời nói đến cổ họng thì mắc nghẹn lại, không xuống cũng không lên được, còn bà tiếp tục nói:
"Điều ấy đã trở thành sự thật. Có một lần, khi thương binh của nghĩa quân trở về để dưỡng thương trước khi tiếp tục xông pha chiến trận, bà được một đàn anh trong đoàn hát ngày trước báo tin ông mất rồi. Ông đã hy sinh rất anh dũng, mọi người đều ghi nhận công lao và tinh thần bất khuất của ông. Anh kia kể rằng dù trong mưa bom đạn pháo, ông vẫn luôn giúp mọi người có tinh thần để tiếp tục kháng chiến, lúc thì hát, lúc thì nhảy, hay ngâm vài vần thơ để khích lệ anh em trong đoàn. Ông lạc quan lắm, luôn tin vào chiến thắng của nghĩa quân, của dân tộc, đến khi hy sinh vẫn hô to khẩu hiệu của Đảng lãnh đạo, nhờ thế mà anh em càng có thêm niềm tin để tiếp tục kháng chiến."
Giờ thì tôi hiểu tại sao bà luôn kể về những kí ức tươi đẹp của bà, chứ không phải là những cuộc chia ly hay đau thương mất mát, dù cuộc chiến tranh mà bà phải trải qua được mệnh danh là trận chiến đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Bà mạnh mẽ đến vậy, nếu là tôi, chưa chắc tôi đã vượt qua được nỗi đau ấy, thế mà bà vẫn có thể tích cực, lạc quan và một mình nuôi nấng ba tôi đến bây giờ.
Chẳng ai thích phải xa người mình thương cả, nhưng đôi khi, hoàn cách không cho phép chúng ta đặt cảm xúc cá nhân lên đầu. Vì đại nghĩa, nhiều lúc phải chấp nhận hy sinh, nhưng đổi lại chắc chắn là trái ngọt. Tôi có được ngày hôm nay một phần là nhờ ông, nhờ bà và nhờ cả các thế hệ đi trước nữa.
Bà sụt sùi, và tôi cũng bật khóc theo. Tôi không biết là mình đã ngồi đó đến mấy giờ, tôi cứ xoa lưng và lau nước mắt cho bà. Tôi thấy má mình âm ấm và hai mắt nhoè đi, hẳn là tôi cũng đang khóc, nhưng tôi không quan tâm tới việc ấy lắm mà chỉ lo cho bà. Bà đã mất quá nhiều, giờ đây, khi phải nhớ lại những tổn thương đã từng trải qua, cảm xúc lại trào lên như cơn thuỷ triều muộn, sóng dồn dập và nước dâng cao, cuối cùng là vỡ oà.
Cậu ấy ra đi ở tuổi đôi mươi.
Quá trẻ, nhưng đã sống một đời thật rực rỡ.
.
Một năm sau hôm ấy, bà mất.
Tôi ngồi trong nhà, quỳ trước di ảnh của bà, lạy ba cái rồi thắp hương. Nhan khói bay lên, cuộn tròn lại thành từng xoáy nhỏ trắng mờ rồi tan biến, chỉ còn mùi hương là vương lại. Mẹ ngồi bên ngoài tiếp khách, ai nấy đều tỏ ra thương tiếc, công ty tôi gửi tặng một vòng hoa lớn để trước lối vào, còn ba thì lo thủ tục làm lễ cho bà. Thầy được mời về vừa niệm kinh, vừa dùng một cặp gỗ gõ xuống bàn, rồi lấy thêm nhan thắp vào bát, miệng vẫn lẩm nhẩm đọc một bài cầu siêu bằng ngôn ngữ mà tôi không hiểu được.
Tôi đã khóc đến sưng cả mắt và giờ cần giữ bình tĩnh để làm lễ, nhưng khi nhìn thấy nụ cười trìu mến quen thuộc trên di ảnh của bà, sống mũi tôi vẫn cay cay. Tôi chưa từng tưởng tượng đến một ngày mình sẽ thiếu bà, đúng hơn là không dám, và tôi lại tự hỏi tại sao bà có thể mạnh mẽ đến mức sống tốt sau khi ông ra đi. Thật đáng khâm phục, những người phụ nữ thời chiến ấy, bởi vì đôi khi ở lại hậu phương ngày ngày mong ngóng tin chồng tin con còn cần nhiều dũng khí hơn trực tiếp ra tiền tuyến chống giặc.
Đôi lúc, khi tôi ngủ thiếp đi vì mệt, tôi sẽ thấy hình ảnh một cô gái độ 20 đi cùng một cậu chàng cùng tuổi. Cô ấy cười tươi lắm, nụ cười hạnh phúc và mãn nguyện, như thể vừa làm được điều gì đã mong chờ từ lâu và giờ không cần phải lo nghĩ gì nữa.
Tôi đoán cô gái kia là bà, còn cậu chàng là ông. Thật ra cũng không chắc, vì tôi chưa từng được thấy ảnh ông bà thời trẻ lần nào, nhưng chắc chắn là rất đẹp đôi.
Họ đứng trong nắng mai, nơi dương quang ngập tràn và cùng tiến bước về nơi nào xa xôi lắm, có lẽ là điểm kết thúc, nhưng có thể là điểm bắt đầu. Dù vậy, một điều tôi dám khẳng định đó là họ sẽ đi cùng nhau, bây giờ và sau này, mãi mãi không tách rời nữa.
"Con này, con không được sang đây sớm đâu nhé. Hãy tìm một người con yêu thương và yêu thương con, đừng bao giờ nghi ngờ tình yêu, bởi vì đó chính là tình cảm thiêng liêng nhất mà con người có thể có được."
"Bà thương con."
.
.
.
——❖——
.
.
.
Đề 7: Viết một câu chuyện kể về một nhân vật rơi vào vòng lặp và phải sống đi sống lại vào ngày mà họ cảm thấy đau khổ nhất (ngày người thân của họ mất đi, ngày họ bị xâm phạm tình dục...), không giới hạn số lượng chữ.
-oOo-
Nhật kí của Emalyn Albert.
Ngày 4 tháng 5 năm 2023.
Trời quang, có nắng nhẹ.
Hôm nay tôi đã đi chơi với bạn trai. Không phải là một buổi hẹn hò lãng mạn, chỉ đơn giản là ra công viên giải trí, nhưng nó phù hợp với những người ưa không khí náo nhiệt và thích sự cởi mở như tôi và anh. Evrin luôn biết cách làm tôi cảm thấy vui, anh tinh tế và chu đáo hơn bất cứ ai tôi từng quen trước đây. Thật tuyệt vì đã hẹn hò với anh, rất đáng giá cho một lần cược cả danh dự ra để tỏ tình.
.
Ngày 5 tháng 5 năm 2023.
Trời mưa nhỏ xen với nắng, có cầu vồng.
Nay tôi trên đường từ chỗ làm thêm về thì trời đổ mưa. Tôi đang định chịu ướt một tí để ra bến xe bus thì Evrin tới. Anh bảo thấy tôi quên mang ô nên đến đưa, sợ tôi bị ướt, tiện thể đưa tôi đi ăn gì đấy cho ấm bụng vì nay nhiệt độ giảm mạnh. Cuối cùng thì thay vì lên một chuyến xe về thẳng nhà, bọn tôi ra quán pizzza mới mở gần đấy đánh chén một bữa no say. May sao lúc ra khỏi quán thì trời tạnh rồi, nắng len giữa những ánh mây chảy xuống mặt đất, còn có cả cầu vồng. Một ngày tuyệt vời, tôi còn đang bực mình vì chút nữa là phải đội mưa thì gặp cảnh thế này, sao mà giận được nữa đây...
.
Ngày 6 tháng 5 năm 2023.
Trời nhiều mây, không có sao.
Tôi không chắc là ghi ngày 6 có đúng không, vì chỉ vài phút nữa là sang ngày 7 và chắc lúc viết xong cái này thì cũng quá 12 giờ rồi. Nhưng chắc ghi vậy cũng không sao, nhật kí mà, có mình tôi đọc nên có sai một tí cũng chẳng ai bắt bẻ được gì. Tất cả là tại Evrin, tôi và anh gọi điện cho nhau suốt từ 9 giờ nên tận khuya tôi mới viết được. Đáng ra tôi sẽ đi ngủ luôn, nhưng vẫn không bỏ được thói quen viết nhật kí nên phải mò dậy cầm bút. Evrin bảo tôi nên đi ngủ sớm, nhưng chính anh cũng đang thức tới tận gần sáng để hoàn thành cho xong bài luận tốt nghiệp của mình. Tôi không thèm chấp, đồ tiêu chuẩn kép đáng ghét.
.
Ngày 7 tháng 5 năm 2023.
Sáng sương mùa dày đặc, chiều có gió lạnh.
Hôm nay tôi không liên lạc được với Evrin. Tôi lo phát sợ, không biết anh gặp chuyện gì rồi. Bình thường bọn tôi không ngày nào không gặp nhau, không phải trực tiếp thì cũng là gọi điện, nhưng nay anh bỗng dưng bặt vô âm tín, không online mạng xã hội, cũng không nghe máy của tôi. Ban đầu tôi hơi tức vì nghĩ anh bơ tôi, nhưng sau đó lại thấy lo lắng hơn. Không biết chuyện gì đã xảy ra rồi?
.
Ngày 8 tháng 5 năm 2023.
Trời bão.
Evrin đòi chia tay với tôi.
Tôi không hiểu, tôi đã làm gì sai, hay có gì không vừa ý anh. Mới hôm kia, bọn tôi còn gọi điện với nhau tới tận khuya, vậy mà anh bỗng biến mất rồi quay lại với bất ngờ như thế này. Rõ ràng không phải một trò đùa, anh đang nghiêm túc, và đùa như vậy thì cũng quá đáng rồi. Tôi đã bị lừa? Rằng thật sự anh không phải người ân cần như vậy, Evrin thực chất là một tên khốn chuyên đi lừa gạt tình cảm của người khác, còn tôi thì cứ đâm đầu tin tưởng anh như một con ngu?
Tôi không kiểm soát được ngôn từ của mình. Ngay khi về nhà, tôi kiểm tra điện thoại thì thấy anh đổi hết chủ đề đoạn chat, avatar và chế độ trên mạng xã hội. Anh gần như phủi bỏ toàn bộ quan hệ với tôi, xoá hết ảnh chung và cũng không lưu lại bất cứ kỉ niệm nào. Điều duy nhất vớt vát lại là anh chưa chặn tôi, nhưng tôi cũng không còn đủ dũng khí để nhắn tin cho anh nữa và rõ ràng anh biết chuyện này, nên việc chặn là thừa thãi và chẳng cần tốn công làm gì. Tôi đã khóc rất nhiều, hét lên những tiếng mà tôi còn không ngờ được là mình có thể phát ra âm thanh như thế, và vùi mình vào chăn gối mãi đến tận gần tối. Giờ thì họng tôi cháy rát và không nói rõ ràng được, ngay lúc đang viết đoạn nhật kí này, nước mắt tôi vẫn rơi lã chã và làm mờ vài chữ, nhưng thế thì có sao chứ?
Tôi không biết phải làm gì bây giờ nữa...
.
Ngày 9 tháng 5 năm 2023.
Trời xanh, nắng đẹp.
Thật kì lạ. Tôi đã hồi sinh. Tôi không biết đây có phải mơ không, nhưng hình ảnh Evrin với con dao vừa từ tay anh ấy đâm thẳng vào cổ họng tôi vẫn rõ như in trong đầu, quá chân thực so với một giấc mơ. Tôi không chắc, nhưng hẳn là ông trời thấy tôi chết oan uổng quá nên mới cho thêm một cơ hội nữa đi. Phần ngày 9 tháng 5 trong nhật kí lần trước tôi viết biến mất và điện thoại cũng hiện là ngày này đên tôi đoán mình đã sống lại đúng cái hôm mình chết. Lần này tôi sẽ tránh thật xa Evrin, tôi sẽ cẩn thận hơn...
.
Ngày 9 tháng 5 năm 2023.
Trời xanh, nắng đẹp.
Tôi hồi sinh. Một lần nữa. Lần này thì tôi chắc chắn là mình không mơ, nhưng điều này cũng quá phi thực tế rồi. Không những một mà là hai lần, là sống lại đấy! Lần trước, tôi đã đặt vé xe rời khỏi thành phố này và về quê với bố mẹ ngay sau khi định thần lại, nhưng khi đứng chờ thì bị đẩy xuống đường ray. Vẫn là Evrin. Hắn ta quyết tâm giết tôi, tôi bắt đầu thấy sợ suy nghĩ này và cố lục lại kí ức để xem mình đã đắc tội gì với hắn mà khiến hắn hận thấu xương thế, nhưng hoàn toàn không có. Tôi không thể gọi hắn là "anh" hay "người yêu" được nữa, tôi ghê tởm hắn, chẳng ai lại yêu được người sẽ giết mình. Đến giờ tôi vẫn nhớ rõ tiếng răng rắc khi đoàn tàu cán qua tay tôi, tiếng phanh kin kít và tiếng còi inh ỏi khi nó không dừng lại kịp, mùi máu hoà lẫn với mùi khét do bánh tàu ma sát với đường ray. Tôi phải đổi phương án, phải tìm cách trốn đi mà không bị phát hiện mới được.
.
Ngày 9 tháng 5 năm 2023.
Trời xanh, nắng đẹp.
Lần thứ 3. Tôi bắt đầu hoài nghi rằng đây là siêu năng lực hay vòng lặp. Tôi lại chết, nhưng lần này là do Evrin xông vào nhà và nhấn chìm tôi vào bồn tắm xả đầy nước. Tôi quên khuấy mất việc hắn có chìa khoá nhà tôi, khi còn yêu, tôi tin tưởng hắn vô điều kiện và cho hắn quyền được tự do vào nhà mình để tiện dọn dẹp và chuẩn bị nhiều thứ, có hôm tôi đi học rồi đi làm luôn nên đến tận tối muộn mới về, hắn sẽ chuẩn bị bữa tối cho tôi. Cũng hơn 1 năm từ ngày tôi giao chìa khoá và hắn chẳng lấy gì cả, ngược lại còn mua thêm nhiều thứ cho tôi. Giờ thì tôi biết niềm tin của mình đặt sai chỗ rồi, nhưng hối hận thì không kịp nữa. Lúc viết nhật kí thì tôi đang trên taxi, tôi không dám dùng phương tiện công cộng nữa mà phải gọi xe đến tận nhà đón mới yên tâm. May sao tôi an toàn lên đường, dù tốn tiền gấp 3 lần đi tàu điện nhưng tính mạng vẫn quan trọng hơn cả.
.
Ngày 9 tháng 5 năm 2023.
Trời xanh, nắng đẹp.
Tôi nghĩ rằng mình không thể chết, nhưng tôi phải chết, ngày 9 tháng 5 năm 2023 phải là ngày tôi rời xa nhân gian, và Thần CHết đến đón tôi đi phải là Evrin. Nó chính là vòng lặp. Không còn nghi ngờ gì nữa.
Evrin rõ ràng điên rồi, hắn ta bằng mọi giá cũng phải giết tôi. Hắn thậm chí sẵn sàng lái xe đâm thằng vào chiếc taxi mà tôi ngồi, chỉ để khiến tôi phải chết. Tôi chẳng còn hứng đâu mà kể về việc mình đã chết thế nào sau khi trải qua thời khắc sinh tử tới 4 lần. Cái chết không còn đáng sợ, nhưng đau vẫn là đau. Quá tam ba bận rồi đấy.
Tôi định gọi cho bạn tới, nhưng Evrin luôn nhanh hơn một bước. Lần duy nhất có người đến kịp là khi tôi gọi cho cô bạn sống ở chỗ chỉ cách nhà tôi 1 con đường tới, cô ấy nửa tin nửa ngờ nhưng may sao vẫn sang để an ủi tôi. Evrin đã ra tay với cả cô ấy, rồi tới tôi. Giờ thì tôi không còn dám nhờ bất cứ ai tới giúp nưa, tôi sợ liên luỵ tới họ, ít nhất hãy để một mình tôi chịu cảnh khốn cùng này thôi.
Tôi nghĩ tôi đang dần bị cô lập. Tôi sợ mọi thứ, sợ những người khác cũng cố giết mình, rồi cuối cùng nỗi sợ hãi ấy chuyển thành hận thù mà đích đến cuối cùng là Evrin. Tôi đã làm gì hắn để hắn nhất định phải hại tôi thế này chứ?
.
Ngày 9 tháng 5 năm 2023.
Trời xanh, nắng đẹp.
Tôi dần mất niềm tin vào cuộc sống. Chẳng ai còn hy vọng khi biết chắc là mình sẽ chết cả. Hẳn là một lúc nữa Evrin sẽ tới giết tôi, nhưng tôi cứ ngồi trong phòng và chẳng nghĩ ra cách gì để trốn thoát. Quá tuyệt vọng. Tôi sẽ tự sát.
.
Ngày 9 tháng 5 năm 2023.
Trời xanh, nắng đẹp.
Vẫn không được.
Tôi muốn kết thúc vòng lặp nay càng nhanh càng tốt.
...
Ngày 9 tháng 5 năm 2023.
Trời xanh, nắng đẹp.
Tôi không còn đếm số lần mình chết nữa. 10 lần? 15 lần? Hay 20? Hoặc nhiều hơn nữa, nhưng con số ấy không còn quan trọng.
Tôi không còn thiết sống nữa.
...
Ngày 9 tháng 5 năm 2023.
Trời xanh, nắng đẹp.
Lần này tôi sẽ không là kẻ bị giết nữa.
...
Ngày 9 tháng 5 năm 2023.
Trời xanh, nắng đẹp.
Tôi điên rồi, giống như Evrin.
Tôi đã giết hắn, trước khi hắn kịp động vào tôi. Con dao của tôi đã nhanh hơn Evrin. Thật khó để kết thúc mạng sống của một gã đàn ông khoẻ mạnh, mạng hắn ta dai nhanh nhách và cứ ú ớ mấy tiếng không rõ nghĩa, nó khiến tôi phân tâm. Cuối cùng thì tôi vẫn sống lại, dù không bị giết và cũng không bị tổn thương gì, và cảm giác rất khác so với khi hắn giết tôi. Hẳn đây là chìa khoá.
Tôi nghĩ mình đã khám phá ra điều rất thú vị.
Đây sẽ là lần cuối tôi viết nhật kí.
_____________________________
Nhật kí của Evrin Hadeon.
Ngày 4 tháng 5 năm 2023.
Trời quang, có nắng nhẹ.
Tôi đã đưa bạn gái đi chơi. Công viên giải trí không phải điểm hẹn hò lí tưởng của các cặp đôi ưa sự lãng mạn, nhưng Emalyn thì thích sự sôi động và tiếng reo hò khi lên một trò chơi mạo hiểm hơn là ngồi nhâm nhi tách cà phê bên bếp củi. Em ấy bảo như vậy cứ như người già ấy, tuổi trẻ thì phải nhiệt huyết lên chứ.
Lẽ ra tôi nên vui vẻ cả ngày, nhưng đến tối, chút hạnh phúc của tôi lại tắt ngấm.
Bệnh trầm cảm của tôi ngày càng nặng. Bác sĩ bảo đây là trầm cảm cười, nó nguy hiểm hơn so với trầm cảm thường vì khó phát hiện nếu người bệnh không chủ động nói ra hoặc những người xung quanh không để ý đến những điểm bất thường nhỏ nhặt của bệnh nhân. Không biết Emalyn có biết không nhỉ? Tôi đã giấu rất kĩ rồi.
Tối nay, tội lại bắt đầu phát bệnh. Không đau đớn hay nổi mẩn khắp người như những bệnh khác, nhưng khiến người ta khổ sở hơn gắp trăm lần. Nó làm tôi nghĩ quẩn, về việc bản thân có thực sự xứng đáng với những gì mình đang được hưởng không, hay về những khiếm khuyết và yếu điểm của bản thân, giống như tự dùng mũi dao chọc ngoáy vào vết thương chưa mọc da non ấy. Tôi sẽ như vậy mỗi khi tôi thực sự thấy hạnh phúc, bởi vì tôi không nghĩ mình có quyền hạnh phúc và sợ rằng cái hạnh phúc ấy chỉ là do mình tự ảo tưởng ra. Nhưng tôi không muốn nói, tôi sợ nếu biết mình như vậy, một người hoạt bát như Emalyn sẽ không còn yêu tôi nữa và bắt đầu xa lánh tôi. Emalyn, giống như tên của em, là ngôi nhà bình yên nhất mà tôi có thể đặt chân tới. Dù ích kỉ, nhưng tôi thật sự không muốn mất em.
.
Ngày 5 tháng 5 năm 2023.
Trời mưa nhỏ xen với nắng, có cầu vồng.
Emalyn quên ô ở nhà. Vẫn là cái thói đãng trí ấy, sáng nay tôi đã nhắn tin bảo có khi tí nữa trời mưa rồi mà khi đến nhà vẫn thấy ô treo cạnh giá để giày. Tôi phải vội chạy ngay đến chỗ làm của em thì mới kịp, may mà em chưa ra cái quyết định nông nổi là đội mưa về. Trên đường đi, gió lạnh thổi tới báo hiệu sắp mưa lớn, nó làm tôi rùng mình mấy cái liền và có ý định mời Emalyn đi ăn món gì ấm ấm cho bữa trưa này luôn. Thế là vừa rời khỏi chỗ làm của em, bọn tôi đến thẳng nhà hàng, tôi mới được thằng bạn giới thiệu cho chỗ này 2 hôm trước nên mới dám đưa em đi, tôi sợ em ăn không ngon miệng.
Emalyn luôn nói tôi chu đáo, nhưng thực chất không phải vậy. Tôi sợ, lúc nào cũng lo lắng việc mình sẽ trở thành gánh nặng cho người khác nên phải cẩn thận từng li từng tí một. Tôi chấp nhận việc đây là một triệu chứng của trầm cảm cười, nhưng nếu nó khiến em vui, vậy thì có sao?
.
Ngày 6 tháng 5 năm 2023.
Trời nắng, đến gần tối có mây.
Tôi phải tranh thủ ít thời gian lúc chiều tối để viết nhật kí. Đêm nay sẽ là một đêm không ngủ đây, tôi phải làm bài luận văn giảng viên đã hướng dẫn để hoàn thành đồ án tốt nghiệp. Emalyn hẹn tối nay gọi nhưng chưa chắc là đã được, tôi phải tập trung nếu không muốn trượt, mai là hạn chót rồi mà bây giờ tôi mới hoàn thành bài tập tốt nghiệp của mình. Cũng do chủ đề quá rộng mà tôi thì là người cầu toàn, tôi sẽ không chịu được nếu thấy bài của mình còn thiếu phần này hay phần kia nên cứ sửa đi sửa lại, hơn nữa tôi muốn cầm trên tay tấm bằng giỏi thay vì phải ở lại thêm một năm nữa.
Trời hôm nay nắng đẹp. Thật kì lạ, vì rõ ràng hôm qua còn gió to và mưa. Chắc là bình yên trước cơn bão chăng?
Thôi cũng muộn rồi, đành để mai viết tiếp vậy.
.
Ngày 7 tháng 5 năm 2023.
Sáng trời có sương mù, chiều gió mạnh.
Tên khốn đó đã cướp công của tôi. Bài luận mà tôi tốn cả tháng để hoàn thành, hao tâm tổn sức đến mức quên ăn quên ngủ bị hắn mang đi trắng trợn. Hắn ta lấy máy của tôi khi tôi làm bài trong thư viện trường hôm qua, copy hết rồi gửi giảng viên trước, vậy là mọi người đều cho rằng tôi mới là kẻ đi ăn cắp.
Bất công quá, tại sao cứ phải ép tôi và cảnh như thế này nhỉ?
Cổ tay tôi đã chằng chịt vết rạch và gần như không còn khoảng trống để đặt dao vào nữa. Gần đây áp lực từ việc học hành và cha với dì khiến tôi mất ngủ thường xuyên, kèm theo đó là lo âu và rối loạn ăn uống. Gia đình tôi từ xưa đã thế, tôi đoán một phần lí do tôi bị trầm cảm là do họ, và việc kể lại những gì họ đã làm với tôi từ thuở thơ ấu thì quá lâu và tôi đã làm cả chục lần rồi. Bệnh càng nặng thì khẩu vị tôi càng khó chiều - lúc thì ăn hết 1 gói kẹo đường trong vòng nửa giờ mà không thấy ngán, lúc thì cho tận 2 cái pizza vào bụng mỗi bữa trưa và bữa tối chỉ vì không thể ngừng ăn, lúc lại chẳng nuốt nổi mẩu bánh mì nào. Việc đó khiến sức khoẻ tôi sa sút, nhưng vẫn cố hết sức để hoàn thành bài tập lần này, bởi vì nó là bài tốt nghiệp. Nếu trượt thì tôi sẽ phải học lại một năm và tốn thêm bao nhiêu học phí, chắc chắn không xong với ba và dì. Họ muốn ép tôi bỏ học, cố lắm tôi mới lên được năm cuối mà cuối cùng lại ra nông nỗi này, họ chắc chắn sẽ không bỏ qua cho đâu. Tôi lo em sẽ phát hiện ra nếu tôi cứ như vậy. Tôi sợ đến mức đôi khi nảy sinh ý định trốn tránh tất cả, để tới miền cực lạc mà tôi sẽ chẳng phải lo được lo mất nữa.
Còn sống thật là khổ cực. Bị buộc chặt bởi xích sắt bốn phương tám hướng, khẽ động một cái sẽ trầy da chảy máu (*). Emalyn đã luôn là lí do duy nhất khiến tôi sống được đến bây giờ. Nhưng tôi khiếm khuyết nhiều quá, tôi không xứng đáng với em. Tôi luôn mong điều tốt nhất đến với em, mà tôi thì không đủ tư cách. Đã không ít lần tôi nghĩ về điều này, kể cả khi đang vui cười với em, tôi vẫn canh cánh trong lòng về một ngày em sẽ ở bên một gã tốt hơn tôi. Tôi chưa từng từ bỏ được suy nghĩ bản thân kém cỏi, nhưng cũng không đủ dũng cảm để thừa nhận điều đó một cách trực tiếp. Hèn thật. Tôi đã sợ việc em rời xa tôi, nhưng bây giờ, tôi sợ việc em bất hạnh khi ở cùng tôi hơn.
Nhưng cuối cùng thì tôi vẫn yên em, yêu nhiều lắm. Tôi không thể để em một mình, hoang mang về việc tại sao tôi bỗng dưng lại bỏ đi như vậy. Không sớm thì muộn, sẽ có người nói cho em về bệnh tình của tôi, và em sẽ tự trách bản thân vì sao không chú ý đến tôi hơn một chút, thậm chí không mảy may nhận ra điểm khác thường nào của tôi. Chỉ tưởng tượng thôi cũng khiến ruột gan tôi thắt lại, trân bảo của tôi, báu vật của tôi, không thể trở nên đau khổ như vậy chỉ vì một kẻ như tôi được.
Ít nhất phải cắt đứt mối quan hệ này trước.
.
Ngày 8 tháng 5 năm 2023.
Trời bão.
Tôi chia tay với Emalyn.
Giờ thì không còn gì phải bận tâm nữa.
.
Ngày 9 tháng 5 năm 2023.
Trời xanh, nắng đẹp.
Tôi đã tự sát. Tôi thực sự đã làm điều đó, chắc chắn là vậy, Nhưng khi mở mắt ra và thấy mình đang ngủ quên trên bàn học, cổ tay vẫn lanh lặn, tĩnh mạch xanh ngắt nổi lên do mấy nay không ăn uống đầy đủ, nhưng nó vẫn còn ấm, vẫn lưu thông máu và có mạch đập. Như thể những gì tôi vừa làm chỉ là một giấc mơ, dù tôi dám chắc là không phải, nhưng việc như tái sinh thực sự có thể xảy ra sao?
Được rồi, tôi sẽ thử lại.
...
Ngày 9 tháng 5 năm 2023.
Trời xanh, nắng đẹp.
Tôi thực sự đã sống lại.
Dù đã thử tự sát bằng mọi phương thức, nhưng tôi không chết được. Điều này khiến tôi phát điên, không thể chết, không thể trốn khỏi thế tục, cứ bị buộc chân mãi ở cái chốn này. Tự tôi đã cắt đứt sợi dây duy nhất giữ tôi lại với nhân gian, nhưng cuối cùng thì lại không thể rời đi, bị cầm tù một cách ép buộc. Tại sao cứ phải khiến tôi khổ sở đến không còn đường lui rồi cưỡng chế tôi ở lại? Tại sao lại bắt tôi phải lựa chọn ra đi nhưng lại không cho tôi bỏ xa nơi này?
Emalyn của tôi, tôi vẫn yêu em, và hẳn là em cũng vẫn còn đau buồn vì mảnh tình vừa dứt hôm qua, hay đúng hơn là "ngày hôm qua của em". Tôi cảm tưởng tôi đã xa em lâu lắm rồi, tôi cứ nghĩ mình sẽ ổn thôi, nhưng thực tế thì ngược lại. Tôi không thể sống thiếu em, và có lẽ là khi chết cũng vậy.
Hay là, tôi đưa em đi cùng?
.
Ngày 9 tháng 5 năm 2023.
Trời xanh, nắng đẹp.
Có phát hiện mới. Tôi sẽ chết nếu giết Emalyn, nhưng giống như khi tự sát, tôi sẽ lại hồi sinh. Nhưng cảm giác rất khác, giống như là có ràng buộc giữa chúng tôi, liên kết hai linh hồn, khiến cho đôi ta không thể tách rời.
Đúng rồi, đôi ta.
Ta là một cặp, trước, nay và sau này đều như thế. Ta không thể sống thiếu nhau, cũng như không thể chết thiếu nhau. Ta sẽ mãi mãi bên nhau, vì tình ta là vĩnh cửu, là bất biến, không gì có thể thay thế được. Tôi phải có nàng, nàng sẽ cứu rỗi tôi, rồi tôi và nàng sẽ cùng nhau đến chốn vĩnh hằng.
Tôi yêu em, và em cũng như vậy.
Một lần nữa, Emalyn, liệu em có đồng ý cùng tôi xuống tận cùng của địa ngục không?
.
Ngày 9 tháng 5 năm 2023.
Trời xanh, nắng đẹp.
Emalyn đã cố trốn tránh tôi. Tôi không hiểu tại sao lại như vậy, rõ ràng lần trước em vẫn bình thường mà. Như thể em đã biết trước tôi sẽ đến, sẽ đón em đi, nên mới làm như vậy. Hoặc có thể chỉ là sự thay đổi diễn biến quá khứ vì thay vì tự hại mình, tôi lại nhắm vào em. Nhưng em vẫn lơ là lắm, chẳng lường trước được là trong dòng người hối hả ở trạm tàu điện lại có tôi, đứng đó, nhìn em say đắm, rồi tiễn em về nơi mà tôi sẽ đến sớm thôi.
Và rồi, tôi lại tỉnh dậy.
Vẫn là cảm giác đó. Gần đến rồi, lần nữa thôi.
...
Ngày 9 tháng 5 năm 2023.
Trời xanh, nắng đẹp.
Theo tôi đoán, có lẽ Emalyn cũng có khả năng giống tôi. Gọi là "siêu năng lực" thì quá cao quý với nó, vì nó giống như một lời nguyền hơn. Lần này em mới là người giết tôi, dù đã đoán già đoán non là em cũng biết, hoặc cũng có thể hồi sinh nhưng việc em mới là kẻ ra tay thì tôi không lường trước được. Có lẽ Emalyn đã phát điên, giống tôi, và dám làm những chuyện cuồng loạn nhất chỉ để thoát khỏi cái vòng lặp này. Từ lần trước nữa, khi mà em tự sát, tôi đã ngờ ngợ, nhưng đến bây giờ thì chắc chắn rồi.
Cảm giác rất khác, so với việc tự sát hay sát hại em. Chìa khoá đang ở rất gần rồi, tôi đã tìm được mảnh ghép cuối cùng, giờ là thời khắc chấm dứt cho chuỗi ác mộng này.
Đây sẽ là trang nhật kí cuối cùng mà tôi viết.
_____________________________
Hôm nay trời nắng đẹp. Evrin ngồi trên một cái sopha cũ mèm bị vứt xó từ thuở nào, da bọc ngoài mủn ra và mút đệm bên trong bị chuột gặm nham nhở. Quá hợp với cái không gian đổ nát của bãi phế liệu này, Evrin nghĩ, vẫn mân mê cái mề đay trong tay.
Hắn cậy nhẹ, cái mề đay mở ra, bên trong là ảnh một cô gái. Cô ta cười tươi, cái kiểu cười ngây ngô và hồn nhiên, khuôn mặt chứa chan niềm vui sướng và dù là trong ảnh vẫn thấy được là tràn đầy nhựa sống. Cái kiểu cười này Emalyn sẽ không thể có được nữa, bởi vì trong cô ta chẳng còn đọng lại giọt cảm xúc gì nữa cả ngoài sự điên dại và khoái cảm khi gần chạm được đến chìa khoá để giải thoát cho bản thân. Nếu những lần đầu, khi Evrin giết cô, trông cô có cái vẻ sợ hãi và tuyệt vọng tột cùng, thì đến khoảng lần thứ 7, cô không còn biểu tình gì nữa, và lần thứ 13 thì chính cô là người kết liễu bản thân. Đến lần thứ 20, vẻ mặt của Emalyn có cái vẻ điên dại và cuồng loạn, cô không giấu được sát ý trong đôi mắt luôn ẩn chứa ý cười trước lần đầu tiên biết đến lời nguyền này.
"Mày đến sớm đấy."
Evrin ngước lên, là Emalyn. Nhìn như cô chẳng mang gì cả, đơn thương độc mã đến, không vũ khí, cũng không có ý định chống cự. Cô trông vô hại đến mức nếu người ngoài nhìn vào sẽ không nhận ra cô ta đã trải qua những gì, nhưng Evrin thì hiểu rõ cô gái trước mặt sẽ là người kết liễu mình, chỉ một chút nữa thôi.
"Mày biết từ lúc nào rồi?"
Emalyn hỏi một cách cục cằn. Cô không còn xưng anh-em dù cô bé hơn Evrin 2 tuổi, Emalyn cảm thấy không nhất thiết phải tôn trọng kẻ đã khiến mình ra nông nỗi như thế này. Lòng cô dậy sóng, dư âm của việc giết Evrin lần trước vẫn còn đọng lại và cô muốn xông nên bóp chặt lấy cái cổ kia, hoặc cứa con dao lam giấu kín trong túi áo vào cổ tay, hoặc bất cứ nơi nào có động mạch đi qua trên người hắn ta. Tuyệt bảo nhất chắc là một phát ngay tim, Emalyn nghĩ vậy, và ngón tay cô hơi nhúc nhích. Emalyn đang cố kiềm lại cơn kích động, nhưng vẫn không thể kiểm soát tất cả.
Evrin thấy ngay chi tiết nhỏ đấy, hắn luôn là một kẻ nhạy cảm đến đáng ghét, thích chú tâm đến những tiểu tiết vụn vặt mà bình thường chả ai lại nghĩ đến chứ đừng nói là để ý tới nó.
"Mới đây thôi, cái lúc em giết tôi ấy."
Evrin trả lời với giọng thản nhiên hết sức. Hắn ta chẳng có vẻ gì là dằn vặt vì đã khiến Emalyn phát điên tới nỗi phải ra tay với hắn, hắn coi đó là lẽ đương nhiên và đổ hết mọi lỗi lầm cho cái gọi là "số phận", dù chính hắn mới là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng hiện tại của Emalyn.
Emalyn không nói ngay. Cô đang cố giữ bình tĩnh trước cái điệu bộ dửng dưng của hắn, dù nó khiến cô phát ốm và ghê tởm. Emalyn chưa từng thấy Evrin với thái độ này, lúc trước thì hắn ân cần, khi chia tay thì hắn lạnh nhạt còn lúc giết cô thì hắn trông man rợ và hoang dại như một con thú chứ không phải con người. Nhưng cô chẳng còn bất ngờ nữa, cô đã ngán đến tận cổ tên khốn ấy và chỉ muốn kết thúc cho nhanh thôi.
"Để xem những phỏng đoán của tao có đúng không nhé. Mày cũng như tao, mắc vào vòng lặp này và không biết cách thoát ra, nhưng đến lần trước thì mày đã tìm được chìa khoá để giải quyết vấn đề rồi. Tao với mày, sống phải có nhau, chết cũng phải có nhau. Tức là, nếu chỉ có tao hoặc mày chết thì cả hai sẽ cùng trở lại điểm bắt đầu, cho đến khi ta cùng rời bỏ nhân thế cùng một lúc."
Emalyn giải thích một cách dễ hiểu, cô chẳng còn tâm trạng đâu mà nói mấy lời ẩn ý như Evrin, thậm chí cô muốn kết thúc cuộc trò chuyện này ngay để vào việc chính nhưng Evrin thì không. Hắn ta cứ cố kéo dài thời gian, và nếu hắn không kết liễu cô khi cô kết liễu hắn thì mọi cố gắng đến ngày hôm nay cuối cùng cũng thành công cốc.
Khi Evrin nghe đến đây, môi hắn câu lên như thể vui thú lắm. Giả thiết của Emalyn đã đúng, cô hiểu nhanh hơn hắn tưởng, Evrin cứ nghĩ mình mới là người phải giải thích cơ. Hắn ta từ từ lấy hai khẩu súng giắt bên hông ra và ném một khẩu về phía Emalyn, nhưng không phải là thẳng vào cô mà là xuống đất, để nó trượt dài một đoạn rồi dừng lại ở ngay mũi chân cô. Không như Emalyn, một người không bao giờ nghĩ đến việc làm hại ai, Evrin đã có ý định tự sát từ lâu rồi, đó là lí do hắn luôn thủ sẵn vài khẩu súng vì hắn nghĩ kết thúc bằng thứ này sẽ nhanh và không đau đớn bằng các cách khác. Ở Mỹ, việc sở hữu súng là hợp pháp nên hắn chẳng vi phạm điều luật nào cả.
Emalyn nhặt khẩu súng lên, cô nhìn Evrin và bắt chước cách hắn lên đạn. Cô chưa từng nghĩ có một ngày mình phải dùng đến thứ này, nhưng giờ thì khẩu súng trong tay bỗng có một loại mị lực khiến Emalyn muốn giương nó lên, nhắm thẳng vào đầu Evrin, rồi bóp cò.
"Có lời nào muốn nói trước khi chết không?"
"Không. Nhưng câu hỏi thì có." Emalyn trả lời, nhưng mắt cô vẫn không rời khỏi khẩu súng trên tay. "Mày bị trầm cảm, đúng không?"
"Sao em biết?"
Emalyn thích thú khi thấy sự bất ngờ cùng hoài nghi trong ánh mắt của Evrin, dù hắn không biểu lộ ra mặt, nhưng đôi mắt của hắn vẫn không thể nói dối được. Cô nói tiếp: "Khoảng lần thứ 5 hay thứ 6 gì đó bị giết, trước khi mày tìm đến, tao đã tới chỗ bác sĩ tâm lí. Tao thấy tao bắt đầu có những suy nghĩ kì lạ, tao sợ tao sẽ điên như mày tới mới tới. Bác sĩ chuẩn đoán tao bị PTSD - rối loạn căng thẳng sau chấn thương, nhưng khi bà ta hỏi tao có gặp sự kiện gì chấn động không thì tao không trả lời được. Tất nhiên, chẳng ai lại tin một kẻ bảo mình bị PTSD do bị giết cả, nên bà ta ra ngoài một lúc để xem lại tài liệu về các bệnh có triệu chứng gần giống với PTSD, và trong lúc ở đấy một mình, tao thấy bệnh án của mày."
Emalyn cười khúc khích, cô vẫn nhớ từng câu từng chữ trong tờ giấy ấy, gần như lúc nào cô cũng nghĩ về nó, và về việc mình đã ngu ngốc thế nào khi không nhận ra những dấu hiệu rõ ràng của một kẻ tâm thần ở Evrin.
Gió rít lên, lùa vào khu phế liệu, lướt trên mặt đấy rồi cuốn lấy bụi và cuộn lại thành từng xoáy nhỏ. Emalyn ho khan, cô đưa tay lên che mũi và nheo mắt lại để bụi không bay vào, nhưng Evrin thì làm như không có chuyện gì xảy ra. Hắn vẫn ngồi đấy, nắm chặt báng súng và nhìn chằm chằm vào Emalyn.
"Giờ thì, cái gì muốn biết cũng đã biết rồi, nên kết thúc thôi nhỉ?"
Gần như ngay khi Emalyn nói câu đó, cả cô và Evrin đều cử động. Hắn ta đứng dậy, từ từ đi về phía Emalyn và cô cũng làm điều tương tự, chỉ là theo hướng ngược tại, tức đi tới gần Evrin.
Khi mà họng súng của hắn đặt ngay bên thái dương Emalyn và cô cũng hướng cái vật bằng kim loại lạnh ngắt trong tay mình vào bên cạnh đầu hắn, cô đã nghĩ, nếu mình chết đi, những người ở lại sẽ cảm thấy thế nào nhỉ? Không như Evrin, cô vẫn có cha mẹ, có bạn bè, và cô thực sự yêu quý họ chứ không sợ hãi hay cố tỏ ra thân thiện như hắn. Emalyn đã thu xếp mọi thứ trước khi đến đây, sẽ không ai biết lí do thực sự cô chết, còn toàn bộ tài sản mà cô tiết kiệm suốt mấy năm nay sẽ gửi về cho ba mẹ. Căn hộ, xe, đồ đạc trong nhà, Emalyn đã nhắn với ba mẹ là bán hết đi để lấy chút tiền, bởi vì cô sống riêng và nếu cứ vứt đấy thì chúng cũng sẽ hỏng và mục nát hết. Không còn gì phải lo nghĩ cả, cùng lắm thì ba mẹ và bạn bẽ sẽ khóc thương vài ngày sau đám tang, rồi họ sẽ lại quay trở về cuộc sống thường nhật, và cảnh sát có vào cuộc thì cũng chỉ đưa ra được kết luận là tự tử đôi thôi.
Buồn cười thật, phải tự tử đôi với kẻ mình hận. Đến khi về tới cõi vĩnh hằng rồi, Emalyn vẫn bị dính với Evrin.
Tiếng cách giòn giã vang lên bên tai Emalyn, đồng nghĩa với việc Evrin vừa mở chốt an toàn. Cô cũng làm theo, ban nãy lúc mân mê khẩu súng, Emalyn đã tìm chỗ và cách mở chốt rồi. Dù cô chưa từng dùng, cũng chưa từng tìm hiểu về vũ khí, nhưng cô cũng không phải một đứa ngu tới mức không đoán được một số bộ phận mà hình dạng thể hiện rõ chức năng của nó.
Và rồi, Emalyn nhắm mắt, để cho ý thức của mình sau đấy chỉ còn một khoảng trắng.
Hai đoá hồng nở rộ, cùng một lúc, và cánh hoa vương vãi trên mặt đất nhiễm đầy bụi trần.
Emalyn ngã xuống, đập mạnh vào nền xi-măng nhưng cô không thấy đau. Điều cuối cùng cô nghe thấy là tiếng nổ súng và điều cuối cùng cô nhìn thấy là Evrin cũng như mình. Hẳn trông cô bây giờ đáng sợ lắm, hai mắt đỏ quạch và trợn ngược, máu nhuộm đỏ cả mái tóc và khuôn mặt, miệng há hốc kinh hoàng, hoặc cũng có thể là cái vẻ thanh thản như vừa trút bỏ được gánh nặng với nụ cười yếu ớt đang dần héo đi, giống như Evrin ở ngay đối diện.
Cuối cùng thì cũng kết thúc rồi.
Cuối cùng thì cũng chết được rồi.
Cuối cùng cũng được giải thoát rồi.
Cuối cùng...
_______________________
(*) Trích Thất Lạc Cõi Người - Dazai Osamu.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro