Chap 3 - 9: Chớm mưa
-Mắt thâm quầng – Hân hỏi Phong đang gục lên bàn mệt mỏi – Có chuyện gì à?
-Không.
-Nhìn rất là có đấy!
-Chậc! – Cậu ấy tặc lưỡi, xoay đầu sang phía cửa sổ - Chuyện thường ngày ở phố huyện ấy mà.
-Là chuyện gì? Mẹ hay bố cậu?
-Cả hai.
-Tinh thần bác gái ổn chứ?
-Lần này ông già cương quyết không về, nên chẳng biết mẹ còn định khóc tới bao giờ.
-… Cậu nói chuyện thẳng thắn với mẹ xem.
-Vô ích! Những lúc này mà tớ mở miệng thì mẹ tớ chỉ gào lên đòi bố về thôi. Thà cứ để khóc chán, đập chán.
Hân nhìn vẻ thiếu ngủ lờ đờ của Phong, thấy bức bách vô cùng. Có ai trong gia đình đó hiểu thế nào là quan tâm Phong không?
Con bé xin số bố Phong từ Quang.
-Cháu chào bác. Cháu gặp bác một lúc được không ạ?
-Ai vậy?
-Cháu là Hân, bạn của Phong ạ. Lần trước, bác có gặp cháu ở nhà…
-Ừ, có việc gì không cháu?
-Cháu sẽ nói khi chúng ta gặp trực tiếp thưa bác.
-Cháu có thể nói qua điện thoại cũng được.
-Đây không phải chuyện có thể nói qua điện thoại thưa bác.
-… Nếu là chuyện gia đình bác thì gia đình bác sẽ tự giải quyết, cháu không phải phiền lòng đâu.
-Nhưng gia đình bác có giải quyết được gì đâu? Chỉ mình Phong đấy chứ.
-Cháu…
-Cháu vô lễ hay không có tư cách xen vào, nhận xét ấy cháu chỉ tiếp nhận từ một người cha làm tròn trách nhiệm với gia đình. Mong bác có thể cho cháu chút ít thời gian, không vì gia đình thì cũng vì người vẫn gọi bác là bố.
-Cháu nói chuyện không giống một đứa trẻ lắm nhỉ?
-… Vậy bác có nhận thấy con mình cũng phải lớn hơn tuổi rất nhiều không?
-Thôi được – Tiếng thở dài hắt qua điện thoại – Bác sẽ nhắn tin cho cháu địa chỉ khách sạn bác đang ở. Khi nào tới thì chờ bác ở quán cà phê dưới sảnh.
-Vâng! Cháu chào bác.
Đóng máy lại, con bé nghĩ tới bờ vai run rẩy của Phong, nó biết nó đang làm một việc đúng đắn.
Người đàn ông có cái tôi quá lớn tiến về phía nó một cách chậm rãi, cổ lủng lẳng máy ảnh.
-Bác định đi đâu ạ?
-Ừ, bác định chụp vài bức ảnh phố phường cho triển lãm cuối năm nay.
Lúc này mà ông ấy còn chụp ảnh được sao?
-Bác có thể về nhà và làm những việc trước giờ Phong thay bác làm được không ạ?
Bố Phong hơi khựng, rồi mỉm cười ngồi xuống:
-Bác còn chưa ngồi xuống mà. Cháu có vẻ nóng vội nhỉ?
-Vì cháu không thể bình tĩnh với một người có thể vác máy ảnh và giá đỡ nặng trĩu quanh năm, nhưng gia đình nhỏ bé thì lại không.
Bố Phong cười khẩy, điệu cười giống hệt Nguyên, vẫy tay gọi đồ uống:
-Cháu còn quá bé để có thể hiểu được chuyện gia đình bác.
-Phong cũng còn quá bé để thay bác làm người đàn ông trong nhà.
-Cháu nghĩ vậy à? Cháu uống gì nữa không?
-Cháu đủ rồi.
-Cho tôi một nâu đá. – Bố Phong nói với phục vụ rồi quay lại tiếp chuyện con bé – Hai bác chưa bao giờ bắt nó gánh vác gia đình, và nó cũng không hề gánh vác được gia đình này.
-Cháu không nói tới kinh tế thưa bác. Cháu nói tới vấn đề tình cảm. Các bác cãi vã, luôn là Phong đứng ra dàn xếp mọi chuyện, và thái độ phó mặc mọi chuyện cho Phong từ em vợ bác cũng đủ để cháu biết không chỉ một lần Phong làm những việc người lớn nên làm.
-Có thể cháu nói đúng. Nhưng như thế thì sao? Chính nó tự mình đứng ra làm mọi chuyện, không ai ép. Vì nó chín chắn nên…
-Bác thật vô trách nhiệm. – Hân ngắt lời đầy tức giận.
Bố Phong hơi bất ngờ nhưng rồi bình thản rút trong ví ra bức ảnh Trong mưa khổ nhỏ, chỉ vào mình trong ảnh:
-Cháu có biết tại sao bác lại như vậy không?
-… Không ạ.
-Đây là ngày người duy nhất bác yêu trong cuộc đời này ra đi. – Ông lôi thêm bức ảnh một người phụ nữ ra.
-Đây là…
-Khi mẹ Phong lừa bác để có thai, bác và cô ấy đang yêu nhau. Vì Phong mà hai người không thể tới với nhau. Bác kết hôn với mẹ Phong, còn cô ấy ở vậy cho tới khi ra đi. – Bố Phong đưa ngón tay theo viền bức ảnh – Bác có lỗi với cô ấy rất nhiều.
-Phong có biết bác yêu người khác?
-Trẻ con thường rất nhạy cảm. Nó biết từ khi còn rất nhỏ. Mà ta cũng không hiểu sao nó lại chụp bức ảnh này khi biết rõ lí do ta đau khổ.
-Vậy mà bác thản nhiên khóc cho người phụ nữ khác trước mặt con trai mình?
-Tình cảm là thứ khó che giấu cháu ạ.
-Cháu không quan tâm. Chỉ có nỗi đau của bác là đáng nói, còn của vợ bác, con bác thì không? Dù bác gái không đúng nhưng bác ấy yêu bác và cũng đau khổ rất nhiều. Còn Phong nữa, dù không yêu vợ thì Phong cũng là con trai bác, bác phải nghĩ cho cậu ấy chứ.
Bố Phong nhấp một ngụm cà phê rồi đặt tách xuống:
-Vậy cháu tới để chất vấn bác về gia đình bác?
-Không. Cháu chỉ mong bác làm điều mà một người cha nên làm.
-Tình cảm giữa bác và nó chẳng dư dả như cháu nghĩ đâu. Nó rất ghét ông bố này.
-… Phong rất giống bác, cả ngoại hình lẫn cử chỉ. Cháu không nghĩ đó là biểu hiện của ghét.
-… Bác không có nghĩa vụ duy trì một gia đình không bao giờ có được hạnh phúc.
Tay Hân bấu chặt đầu gối.
-Chỉ có thằng Phong nuôi ước mơ hão huyền đó thôi, nhiều năm nay nó duy trì rất tốt, nhưng cũng tới lúc nó tỉnh ngộ rồi.
Không thể nhịn được nữa, Hân đứng bật dậy, nhoài người qua bàn, tát thẳng mặt bố Phong chát một cái.
-Cháu xin lỗi vì tát một người đáng tuổi bố mình, nhưng bác là đồ hèn. Nếu bác không muốn níu kéo thì làm ơn tự mình cắt đứt đi. Chính vì hai bác không dứt khoát nên Phong mới phải khổ sở duy trì thay – Con bé thở dốc, ngồi phịch xuống – Đây không phải chuyện của cháu, nếu không bác đã hứng thêm một cốc nước nữa vào mặt.
Hân đặt tiền lên mặt bàn, đeo túi lên vai:
-Bác là người thứ hai dạy cháu rằng không phải người đàn ông nào cũng có thể làm cha. Cháu không muốn lãng phí thời gian ở đây nữa. Cháu xin phép.
Vậy ra đây là câu trả lời cho ánh mắt dày vò Phong dành cho bức ảnh, là lí do Phong ghét trời mưa, là căn nguyên việc Phong không thích chụp ảnh con người? Vậy mà như Phong không phải việc của ông ta. Hân muốn chạy tới ôm Phong, nói rằng con bé cũng ghét bức ảnh ấy, nói rằng cậu ấy tuyệt vời ngay cả khi không sinh ra từ tình yêu.
Con bé tới nhà Phong, bấm chuông nhưng không ai ra mở cửa, cổng không khóa. Thấy xe máy mẹ Phong ngoài sân, Hân hơi chột dạ, chạy vội vào trong nhà.
Đồ đạc văng tung tóe trên sàn. Tiếng khóc vọng ra từ phòng bố mẹ Phong. Nghe thấy tiếng cửa mở, mẹ Phong nói khi vẫn vùi đầu xuống gối:
-Con không mang bố về đây, mẹ sẽ chết cho con xem.
Người phụ nữ này làm gì vậy? Bà ta là con nít lên ba chắc? Tại sao Phong phải làm nghĩa vụ ấy trong khi đó là chồng bà ta? Con người này… Hân tức giận lao về phía bếp, vớ lấy con dao. Con bé tiến về phía mẹ Phong, nắm lấy cổ tay bà ta, giật mạnh, lôi ngược cơ thể nằm dài trên giường. Nó dí cổ tay bà ta dính lên thành giường, cắm thẳng con dao xuống đệm, sát đùi bà. Mẹ Phong hốt hoảng:
-Cháu làm gì vậy?
-Giúp bác hoàn thành tâm nguyện.
-Tâm… tâm nguyện?
-Chẳng phải bác muốn chết sao? Cháu sẽ giúp. – Hân trợn mắt lên.
-Cháu… điên à?
-Phải, và cháu không ngại giúp kẻ nhát chết như bác dứt khoát hơn đâu.
-Cứu… - Mẹ Phong định hét thì Hân bịt chặt miệng lại.
-Bác sẽ không kịp chờ người tới đâu. Mà chẳng phải bác muốn chết lắm sao?
Cặp mắt lộ ra phía trên bàn tay Hân giãn nở đồng tử, rõ ràng đang sợ chết khiếp. Con bé dùng ngón tay mân mê những vết rạch:
-Bác cũng khá khéo léo đấy! Bác sĩ nói vết rạch rất vừa tầm, không chạm vào động mạch chủ, có thể mất máu nhưng không chết được. Chắc đúc rút kinh nghiệm từ nhiều lần dùng cái chết đe dọa người khác đây.
Hân rút con dao ra khỏi đệm, lia từ phía dưới lên tới cổ mẹ Phong:
-Vậy, lần này cháu cắt sâu hơn một chút nhé? – Mẹ Phong run như cầy sấy, Hân làm tới luôn – Hay cháu rạch một đường ở cổ nhỉ?
Nước mắt tràn ra từ đôi mắt đang trợn trắng nhìn xuống con dao, đầu lắc nguầy nguậy. Con bé phá lên cười như điên dại:
-Bác sao thế? Chẳng phải bác muốn chết sao?
Mẹ Phong lắc đầu liên tục.
-Vậy thì sẽ không thêm một lần nào cháu thấy bác chơi trò tự tử nữa, được chứ?
Bác gái gật đầu lia lịa. Con bé cười khẩy, thu dao lại, đứng dậy cạnh giường:
-Nếu bác có ý định tự tử, cháu sẽ tới dứt khoát thay bác. Nhưng bản mặt tái mét lúc này nói rằng bác sẽ chết già chứ không chết vì tự tử đâu.
-Cháu… tại… tại sao…
-Vì cháu khinh thường bác. – Hân đặt con dao xuống mặt bàn - Vì bác là một người mẹ ngu ngốc.
-Cháu…
-Láo toét? Biết làm sao? – Hân nhún vai – Cháu có thói quen cho người khác những điều xứng đáng với họ.
-Ta không ngu ngốc.
-Một kẻ dùng sinh mạng để uy hiếp con trai làm thay mình, một kẻ mù quáng yêu một gã đàn ông không xứng đáng, một kẻ không muốn gia đình tan vỡ nhưng lại không ngừng giày vò nó. Bác nói bác không ngu ngốc?
-Ta… ta không cần một con ranh con dạy đời.
-Tùy! Cháu chẳng cần bác tiếp thu, nhưng cháu mong bác nghĩ tới con trai mình dù chỉ một chút.
-Ta luôn nghĩ cho nó.
-Bằng cách bắt cậu ấy giàn xếp những cuộc cãi vã của hai vợ chồng bác? Bằng cách khiến cậu ấy thù ghét bố mình? Hay bằng cách giúp cậu ấy lúc nào cũng nơm nớp lo sợ mẹ mình sẽ chết?
Mẹ Phong trợn mắt lên rồi cúi gằm mặt xuống.
-Bác nghĩ mình đáng thương lắm? Phong thương bác vì bác là mẹ cậu ấy, cậu ấy chẳng thể làm gì khác. Nhưng xin lỗi, với cháu thì bác chỉ đáng khinh thôi.
-Cháu thì biết gì? Cháu không hiểu ta yêu bố Phong nhiều như thế nào đâu.
-Cháu không muốn hiểu và cũng không cần thiết phải hiểu. Bác nên tự mình hiểu thì hơn. Nhiều năm qua níu kéo bác trai như thế, bác có ngày nào hạnh phúc không? Hay lúc nào cũng sợ mất chồng? Có ngày nào bác thấy mình được yêu? Hay chỉ chạy theo van xin tình cảm? Rõ ràng đó là một người không xứng để bác yêu.
Mẹ Phong rủ vai xuống.
-Còn người yêu bác nhiều hơn bất cứ ai trên đời này thì luôn bị bác ép buộc, đe dọa bằng cái chết. Bác có chỗ nào là một người mẹ?
Bà vẫn không nói gì, chỉ cúi gằm. Con bé thở dài:
-Phong chưa bao giờ dịu dàng với ai như với bác. Cháu mong bác đừng lãng phí sự ân cần đó.
Con bé cầm con dao ra khỏi phòng khi thấy người phụ nữ đó òa khóc. Nó dừng lại ở cửa:
-Nếu bác thực sự muốn chết, cháu chẳng ngại giúp. Nhưng cháu vẫn hi vọng trước đó bác có thể làm tròn trách nhiệm với Phong, người thực sự yêu thương bác.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro