Bánh chưng
Mỗi đất nước, mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán riêng biệt. Vào những dịp lễ quan trọng họ đều có các món ăn cổ truyền, dân gian khác nhau như: lễ Tạ Ơn của Mĩ thì có gà tây, của Pháp thì có các loại bánh phô mai, pudding đặc sắc,… Cũng như bao đất nước khác, Việt Nam ta vào ngày Tết cổ truyền thì có món bánh chưng. Một món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cơm của người Việt dịp Tết. Từ xưa đến nay, bánh chưng luôn là món ăn dân tộc gắn liền với nền văn hóa của người Việt Nam.
Chiếc bánh chưng đã có từ rất lâu đời, từ nghìn năm trước đây. Tương truyền, do vua Hùng thứ sáu tuổi già sức yếu nên muốn truyền ngôi vua cho các hoàng tử. Ngài nói với các hoàng tử ý định của mình và hứa sẽ trao ngôi cho người dâng lên lễ vật mà vua Hùng thấy đặc sắc và có ý nghĩa nhất. Trong khi các hoàng tử khác sai người lên núi xuống biển tìm các món ngon vật lạ thì chỉ có hoàng tử Lang Liêu- người con thứ mười tám của vua Hùng không biết phải làm thế nào. Vào buổi đêm, khi đi ngủ, Lang Liêu đã mơ thấy vị thần Nông, thần đã nói cho Lang Liêu biết phải làm bánh từ gạo nếp, từ muôn vị cuộc sống. Khi tỉnh dậy, Lang Liêu đã bắt tay vào làm. Chàng làm ra được bánh dày tượng trưng cho trời, chiếc bánh chưng tượng trưng cho đất. Đến ngày, các vị hoàng tử khác đem đủ các sơn hào hải vị dâng cho vua cha, chỉ có Lang Liêu là mang hai thứ bánh đơn giản tới. Thấy vậy, vua Hùng đã đến nếm thử bánh của Lang Liêu, thấy bánh ngon và có ý nghĩa nhất nên đã chọn lễ vật của Lang Liêu và truyền ngôi cho chàng. Từ đó, bánh chưng đã được ra đời. Bánh chưng tượng trưng cho đất, có hình dáng vuông vức, đẹp mắt. Nhân bên trong là thịt mỡ với đậu xanh, nhân bên ngoài là những hạt nếp chắc mẩy được gói cẩn thận bằng lá dong và luộc chín. Bánh chưng có vị ngọt ngọt, bùi bùi như hương vị của trời đất hòa vào nhau. Một hương vị mà Tết không thể thiếu.
Ngày nay, việc nấu bánh chưng vào dịp Tết đã như một thông lệ. Cứ đến Tết cổ truyền thì người người, nhà nhà lại gói bánh chưng. Để làm ra một chiếc bánh chưng hoàn hảo không phải đơn giản. Bước đầu tiên để gói bánh là phải chuẩn bị các nguyên liệu: lá dong, phải chuẩn bị lá tươi xanh, có nhiều kích cỡ, gạo nếp thì nên chuẩn bị loại nếp cái hoa vàng là ngon và thích hợp để gói bánh chưng nhất, thịt ba chỉ , đậu xanh, hành, muối và dây lạt để buộc bánh chưng cùng một cái nồi to, gạch kê và củi lửa để luộc bánh chưng. Chuẩn bị xong thì ta sẽ bắt đầu vào khâu sơ chế. Rửa sạch lá dong là việc đầu tiên, sau đó tước bỏ cuống lá, cắt đầu và đuôi sau cho đẹp rồi cuộn lại cho hết nước, lau khô lá. Gạo nếp đãi sạch rồi đổ vào thúng cho khô hẳn. Đậu xanh thì phải bóc hết vỏ nếu có, ngâm cho nở rồi nấu chín, giả nhuyễn. Gạo nếp trước khi gói phải xóc với muối, thịt ba chỉ thfi rửa sạch thái lát và ướp gia vị để khi nấu lên sẽ dậy mùi thơm, ngon hơn. Sau khi sơ chế xong thì ta sẽ bắt đầu gói bánh chưng. Ngày trước ông bà ta gói bánh chưng thuần túy bằng tay, nhưng bây giờ đã có khuôn để gói bánh được vuông vắn và dễ dàng hơn. Đầu tiên cần phải xếp ba lớp lá dong dưới khuôn, xếp hình chữ thập. Tiếp đó là cho lớp gạo đầu tiên vào và san đều, sau lớp gạo là một lớp đậu cũng san đều và đặt thịt ba chỉ vào giữa để làm nhân. Cuối cùng là thêm một lớp đậu và một lớp gạo nữa. Khi gói cần chú ý không để nhân hở ra ngoài, sau khi gói bánh xong phải nắn bánh cho vuông rồi mới lấy dây lạt buộc vào bốn góc. Những chiếc bánh chưng được coi là đạt tiêu chuẩn khi phần gạo và nhân bánh được nằm vuông vắn trong lớp lá, đồng thời lớp lá không được quá mỏng hay rách vì khi luộc ruột bánh sẽ bị bung ra ngoài. Gói bánh xong, ta sẽ bắt đầu vào công đoạn luộc bánh. Phải chuẩn bị gạch kê nồi đầu tiên, kê ba chồng gạch nhỏ rồi đặt nồi lên ba góc đã kê. Xong xuôi thì ta sẽ xếp bánh vào nồi, nên xếp bánh dọc vì cách xếp này vừa tiết kiệm diện tích vừa giúp cho bánh chín đều hơn. Sau khi xếp bánh vào thì mới cho nước vào nồi và nhóm củi lửa. Người ta thường luộc bánh chưng với lửa lớn từ 8-12 giờ. Bánh chưng cần luộc lâu để chín đều và mềm thơm. Trong quá trình luộc, thi thoảng phải kiểm tra lượng nước trong nồi, nếu nước gần cạn cần đổ thêm nước nóng để đảm bảo nước luôn ngập bánh. Không được đổ nước nguội vì làm vậy sẽ hỏng bánh. Sau khi luộc bánh xong, vớt bánh ra ngoài rửa qua nước để sạch lớp mỡ dính trên vỏ. Rửa bánh xong phải xếp bánh ngay ngắn trên một mặt phẳng và lấy một mặt phẳng khác đè lên trên để ép hết nước trong bánh ra ngoài, chỉ nên ép khoảng hai đến ba giờ nếu không bánh sẽ bị méo. Cuối cùng cần nắn bánh sao cho vuông và đẹp mắt. Bánh chưng để bảo quản thì cần để ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Bánh chưng rất ngon nếu được chế biến và thưởng thức đúng cách. Bóc bánh ra, màu bánh phải màu xanh lá dong, nếp phải mềm và chín tới mới ngon. Lớp vỏ bánh dính chặt và thơm mùi gạo nếp, mùi lá dong, đỗ bở tới quyện với thịt lợn và hành tươi tạo nên hương vị độc đáo và riêng biệt. Cắt bánh, chúng ta có thể dùng luôn dây lạt, tùy cắt làm mấy khúc. Bánh chưng thường được ăn với củ kiệu hoặc dưa muối. Khi đói chỉ cần ăn một miếng bánh chưng là no cả bữa rồi! Trong một miếng bánh chưng có đầy đủ chất đạm, chất béo, chất bột đường, chất xơ, canxi, kẽm, sắt nên có thể cung cấp đủ năng lượng cho một buổi ăn. Bánh chưng có rất nhiều loại : bánh chưng ngũ sắc, bánh chưng gấc, bánh chưng cốm, … Bánh chưng tuy có nhiều loại khác nhau nhưng lại có cùng một ý nghĩa đó là tượng trưng cho trời đất, nhắc nhở con người hãy ghi nhớ mảnh đất mà mình đang sinh sống, trồng trọt và chăn nuôi. Đồng thời bánh chưng còn thể hiện lòng biết ơn, lòng thành kính đối với cha ông, tổ tiên, những thế hệ đi trước, tôn vinh nền văn hóa lúa nước của người Việt Nam thuở sơ khai. Bánh chưng là loại bánh truyền thống lâu đời của người Việt Nam, là biểu tượng của tinh hoa ẩm thực dân tộc.
Bánh chưng vẫn luôn là món ăn gắn liền với truyền thống văn hóa của nười Việt Nam. Dù sau này có rất nhiều loại bánh từ nước ngoài du nhập vô nước ta nhưng vẫn không thay thế được nét riêng của bánh chưng. Nó là một thứ bánh hoàn hảo không thể thiếu trong dịp lễ Tết của toàn dân tộc Việt Nam. Vì vậy chúng ta cần gìn giữ và phát huy món ăn dân tộc này. Đồng thời khi có dịp thì ta cũng có thể quảng bá, giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết đến món bánh chưng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro