nu bo khoai
1. VÌ MỘT CÁI CHUÔNG CHÙA, PHẢI CẮN MỘT CÁI CHUÔNG GIÓ
Trong chùa Dư Âm trên núi Thượng Phương có một cái chuông lâu đời, tương truyền những khi tế tự, nếu thần linh giáng xuống ngôi chùa cổ này thì cái chuông không ai gõ mà tự ngân vang lên.
Sở San ăn không ngồi rỗi, có hào khí, có cốt cách, lại lắm tiền nhiều của, bình sinh thú nhất là chuyện kết bạn và ngao du sơn thủy.
Y sống ở một vùng cách núi Thượng Phương chừng hai trăm bảy mươi dặm, chưa một lần nghe nói đến chùa Dư Âm, nhưng số mệnh đã kéo y lại với nó, chỉ bởi tính thích kết giao bằng hữu và đi chơi xa đã ăn sâu vào máu, hệt như Ngô Cương ở lại cung trăng chặt quế đến mãn kiếp hay như Hứa Tiên khăng khăng nghe lời Pháp Hải. Sở San có một người bạn hoạt bát sôi nổi tên là Nhạc Khải. Một hôm y lặn lội đi hơn trăm dặm đến thăm người bạn này.
Tới nơi thì Nhạc Khải đã lên vùng núi Thượng Phương chơi với Cao Vãn Tức. Sở San liền lặn lội tìm theo; cuối cùng, không chỉ gặp được Nhạc Khải vui vẻ vô tư mà còn làm quen với Cao Vãn Tức suốt ngày mặt ủ mày chau, cộng thêm cả một người bạn mới kết giao của họ là Lâm Túy.
Lâm Túy là người khi không cười thì giống một món đồ sứ tinh xảo thanh nhã, nhã đến mức dùng để cắm hoa cũng cảm thấy là quá lỗ mãng, khi cười thì người say trông vào tự nhiên tỉnh rượu như vừa uống trà thanh, người nóng trông vào mát rượi chẳng khác nào được uống một cốc nước giải khát.
Lâm Túy là một nam tử, nhưng luôn gợi cho người ta cảm giác ngọt ngào tươi mát.
Sở San chẳng hiểu tại sao, y bình sinh kết giao vô số, có đủ mọi bạn tốt, nhưng hễ một giờ nửa khắc không gặp được Lâm Túy là người cứ ủ ê ỉu xìu.
Lâm Túy thường xuyên vắng mặt, Sở San cũng không thể suốt ngày lẽo đẽo theo Cao Vãn Tức, chỉ có Nhạc Khải thi thoảng cùng y bách bộ hay uống rượu. Vì vậy Sở San cứ ngơ ngẩn khắp nơi như du hồn lang thang đến sáng bạch canh năm vẫn chưa nhớ về. Một hôm đang đi lung tung trong phố như thế thì chợt nghe thấy tiếng chuông ngân vọng ở một đỉnh núi đằng xa. Người qua đường đều chắp tay niệm Phật, Sở San lần mò theo tiếng chuông, lên được tới chùa Dư Âm.
Vùng núi Thượng Phương mấy năm nay rất nhiều tai kiếp, người lên Dư Âm tự thắp hương cầu khấn do đó càng đông đảo.
Khói hương nghi ngút, Sở San dụi mắt lia lịa, nước mắt giàn giụa như nhai phải ớt cay, y bèn tìm một chỗ ít đèn nhang để ghé vào.
Lúc ấy tình cờ có mấy người khách cãi cọ với sư sãi trong chùa, nhân lúc không ai để ý, Sở San bèn đi thẳng vào nội điện, thấy đặt cái chuông cổ khổng lồ, trông còn to hơn cả cổng chùa. Đằng sau chuông, khói nhang dày đặc hệt như đám cháy vừa dập lửa, Sở San vừa quệt nước mắt vừa liếc lên bức tượng Cưu thần trên bàn thờ, Cưu thần trông hết sức hung dữ, mặt như Dạ xoa La sát bị sét đánh trong một đêm tối đen.
Sở San kinh ngạc, á thần kiểu gì mà bộ dạng như vậy? Chợt nghe từ cái chuông vọng ra âm thanh nho nhỏ ngân nga,
Sở San thầm nghĩ, Cưu thần hiển linh chắc? Chuông khánh thì phải treo lên giá chứ nhỉ? Sao hôm nay lại đặt ở đây? Y nổi tính nghịch ngợm của tuổi trẻ, bèn gõ thử lên chuông hai phát rồi chăm chú lắng nghe, bên trong chuông cũng dội ra hai tiếng khe khẽ.
Sở San nghe thật kỹ, hình như ruột chuông có người? Y đắc chí gõ thêm vài lần nữa, tự nhủ: mấy tên hòa thượng giả thần lộng quỷ lừa người lấy tiền, "chuông không gõ tự reo" quái gì, chẳng qua có "người mình" nấp bên trong mà thôi!
Y gõ gõ thêm đôi ba lần, cũng không màng đợi xem phản ứng của cái chuông đã chán nản bỏ đi luôn, bụng bảo dạ: chẳng nên phá việc làm ăn của người ta, tuy vậy phải gọi Lâm Túy, Nhạc Khải và Cao Vãn Tức đến chứng kiến phát hiện của mình, oai ra phết!
Mấy phát y gõ trước khi đi đã khiến một nhà sư luống tuổi chú ý. Nhà sư này có đuôi mắt dài thật dài, như dùng một sợi dây vô hình kéo lên đến tận mấn tóc.
Sở San về đến "Phi Lôi Tiểu Trúc". Phi Lôi Tiểu Trúc là căn tịnh xá mà mấy người bọn họ thường tụ tập họp mặt. Y đi qua cái cầu vồng nhỏ, không nghe thấy tiếng cười nói, biết là các bạn chưa về, trong lòng rất thất vọng.
Giàn phong linh treo trước cửa Tiểu Trúc reo lên lanh canh.
Thình lình có tiếng người nói sau lưng Sở San, "Thí chủ! "
Y ngoái đầu nhìn, gặp ngay một đôi mắt xếch kéo dài từ Thái dương huyệt lên đến tận tóc mai, người có đôi mắt ấy là một hòa thượng.
Sở San chưa kịp nói gì, đột nhiên có hai thanh dùi sắt xọc lên khỏi mặt cầu, xuyên thấu qua gan bàn chân y.
Sở San rú vang đau đớn, hòa thượng tung mình lại gần, quạt song chưởng vào người y.
Sở San lâm nguy bất loạn, chắn hai tay trước ngực, đương nghĩ chưởng lực đối phương cũng không có gì lạ, thình lình chưởng tâm cùng đau nhói, thì ra đã bị hai mũi kim chích gần như trong suốt xuyên thủng!
Sở San gào to, nhịn đau bay lên. Hòa thượng phất tay áo, kim nhọn hắt ra tá lả, cắm chi chít vào mình Sở San.
Sở San lăn tòm xuống khe.
Dưới đó đã có hai nhà sư đón lõng. Sở San vừa chạm nước, đôi chân đã bị họ chém đứt. Y chưa kịp chống cự, hai tay cũng bị giới đao chặt lìa. Y há miệng gào la, nhà sư mắt xếch liền móc chân vít lấy Sở San, tay trái bóp hàm, tay phải thò vào mồm y rút luôn lưỡi ra.
Tiếng la thảm thiết của Sở San biến thành âm thanh tắc nghẹn, mồm miệng lõng bõng những máu.
Đúng lúc đó, đằng xa có người hỏi:
- Vừa rồi là tiếng kêu của Sở San phải không?
- Sở San, Sở San, Sở San! Huynh ở đâu?
Ba nhà sư đưa mắt nhìn nhau, cùng ấn dúi Sở San xuống lòng khe rồi hụp cái đầu trọc rẽ nước bơi đi như con lươn.
Ba người đi đến.
Họ nhận ra cầu bị hỏng, nước khe loang máu. Hai người trong bọn liền bay xuống, tìm được Sở San mang lên.
Mới chỉ một lúc không gặp nhau thôi mà Sở San đã mất tay, mất chân, không còn ra hình người nữa.
Y muốn nói, nhưng không thành tiếng, muốn giãi bày, nhưng không viết được.
Y còn ý thức, song y cũng hiểu rất rõ rằng chút ý thức cuối cùng ấy sắp tiêu tan vĩnh viễn.
- Sở San, ai làm cho huynh ra thế này?
- Ai đã hại huynh, Sở San?
Họ ôm Sở San vào nhà.
Khi đi qua ngưỡng cửa, Sở San thình lình há miệng, ngoạm luôn một chiếc chuông gió trong giàn phong linh đang đung đưa, cố ngậm lấy bằng cái mồm tươm nát, rồi ngật đầu tắt thở.
Ba người, người đã vào trong người còn bên ngoài, cùng đứng sững lại, nhìn máu ùng ục thoát ra khỏi miệng bạn và chiếc chuông gió hoen máu trên môi y.
2. PHONG LINH CÓ BÍ MẬT GÌ?
Ba người nhìn dòng máu câm lặng và chiếc chuông gió câm lặng, cùng không nói năng gì.
Một lúc lâu sau, Nhạc Khải rít qua kẽ răng:
- Y chết rồi!
Cao Vãn Tức và Lâm Tuý chẳng nói chẳng rằng.
Nhạc Khải thốt lên đầy kích động:
- Y bị người ta sát hại, kẻ đó là ai?
- Phong linh, Cao Vãn Tức nói.
Nhạc Khải ngớ ngẩn hỏi lại:
- Phong Linh ư?
Cao Vãn Tức kiên nhẫn giải thích:
- Chỉ cần tìm được ý nghĩa của phong linh là sẽ tìm ra hung thủ.
Nhạc Khải kinh ngạc hỏi:
- Phong linh có ý nghĩa gì kìa?
Cao Vãn Tức trầm ngâm thở dài.
Lâm Tuý thình lình chen vào, chỉ cộc lốc một chữ:
- Chuông, rồi bổ sung thêm, cái chuông trong Dư Âm tự đó.
Cao Vãn Tức hỏi:
- Vì sao lại là chuông trong Dư Âm tự?
Bàn tay vẫn chắp sau lưng nãy giờ của Lâm Tuý thình lình chìa ra một vật, đó là một bàn tay đứt, chưởng tâm bị xuyên thấu, các ngón đều co quắp, riêng ngón trỏ và ngón cái quặp lấy một viên niệm châu.
Lâm Tuý nói rành mạch:
- Khi các huynh xuống cầu vớt Sở San, tôi nhặt được bàn tay này bên bờ khe.
Giọng y trong vắt:
- Trước khi bị chặt tay, Sở San đã bắt được một hạt châu, trước lúc chết, huynh ấy lại cắn lấy quả chuông gió. Các huynh nghĩ xem, chẳng liên quan với sư sãi Dư Âm...
Nhạc Khải nóng nảy:
- Chúng ta đến chùa Dư Âm!
- Không được, Cao Vãn Tức nói.
Nhạc Khải gần như nhảy chồm lên:
- Chẳng lẽ để Sở San chết oan vậy sao?
Cao Vãn Tức thở dài:
- Không phải không đi, mà là không thể đi như thế này được. Vì nếu đi thế này, bọn hoà thượng đó sẽ phủi tay không nhận, mình thành ra đánh rắn động cỏ mất rồi.
Lâm Tuý hỏi:
- Hai huynh có biết gần đây đã xảy ra những chuyện kinh khiếp gì ở mấy hương trấn phụ cận không?
Nhạc Khải lắc đầu.
Cao Vãn Tức nói:
- Mấy tháng nay, số phụ nữ tử tế và con gái nhà lành mất tích phải đến sáu bảy chục người. Huyện lệnh được báo liền phái mười mấy vệ sai bổ khoái đi điều tra mà chẳng tìm ra manh mối gì.
Nhạc Khải hầm hầm tức giận:
- Cái đồ cẩu quan tham công trạng lười công việc, hám tiền hám của, khốn kiếp!
Cao Vãn Tức cười, mặt y vốn dĩ cau có ủ rũ nên cái cười thành ra méo mó:
- Tên tham quan ấy tên là Nhạc Lượng Phương, đồng tông với anh, dân chúng đều gọi hắn là Ngạc Ngư Vương(vua cá sấu), ăn thịt người không nhả xương. Thằng con trai bảo bối nhà ấy cũng chẳng ra cái giống gì!
Nhạc Khải cáu tiết chửi:
- Tôi phỉ nhổ vào! Dám cùng họ với tôi!
Cao Vãn Tức hỏi Lâm Tuý:
- Vì sao tự nhiên cậu nhắc tới những vụ án đàn bà con gái mất tích ấy?
Lâm Tuý đáp:
- Tôi đi đường nghe kể, trước khi mất tích, phần lớn bọn họ đều có đi xem bói, xem đồng hoặc tử vi, toàn bị phán là tai nạn sắp đến. Họ bèn lên chùa Dư Âm cầu thần phù hộ, kết quả là người có lòng thành thì thoát nạn, còn những người khác...
Lâm Tuý ngừng lời, khuôn mặt sáng sủa thông minh thoáng ưu tư.
Cao Vãn Tức tiếp lời:
- Kết quả là bọn họ và a hoàn đều biến mất.
Lâm Tuý nhận xét:
- Tôi nghi ngờ vấn đề nằm ở Dư Âm tự.
Nhạc Khải sửng sốt:
- Lẽ nào... lẽ nào... các huynh đang nói... Dư Âm tự là chủ mưu bắt cóc phụ nữ nhà lành, Sở San phát hiện ra bí mật đó, nên...
Lâm Tuý ngắt lời:
- Chúng tôi không biết.
Cao Vãn Tức nói:
- Nếu muốn biết thì đi dò la.
Lâm Tuý chua chát:
- Dư Âm tự rất có thực lực. Họ đóng góp kha khá cho Nha huyện và Châu phủ, từ trên xuống dưới đều lo lót kín kẽ rồi. Vì vậy không thể tra xét công khai được, nhược bằng ngấm ngầm...
Cao Vãn Tức cũng cười:
- Ngấm ngầm dò la, ngoài cậu ra thì còn ai thích hợp nữa.
Lâm Tuý cười duyên dáng, nét cười của y, đến phụ nữ kiều diễm trông thấy cũng phải tự thẹn rằng mình dung tục:
- Anh nhận ra à?
Cao Vãn Tức nhướng mắt, hai đầu mày châu vào nhau như mặt con lân giả người ta thường múa trong các lễ hội:
- Nhận ra từ lâu rồi!
Nhạc Khải ngơ ngác hỏi:
- Nhận ra cái gì?
Lâm Tuý hất chiếc mũ nho sinh xuống, thả buông mái tóc dài, mỉm cười dịu dàng:
- Nhận ra tôi là con gái.
3. GẶP GỠ TRONG CHÙA
Lâm Tuý xách chiếc giỏ trúc đựng đầy nến thơm, gót sen nhỏ xinh, hàng mày thanh thanh, chóp mũi cao nhọn trông như chấm ngọc dưới nắng. Đàn ông đến lễ Phật tưởng như trời rủ lòng thương cho mình hữu duyên gặp được người con gái này. Phụ nữ thì ngưỡng mộ và ghen tị sao không cho mình được đẹp bằng ba phần mười nàng.
Lâm Tuý dừng bước, ngước nhìn ngôi chùa lừng lững như một con thú khổng lồ đang ngoác cái mõm to trên đầu bậc cấp.
Nàng lại cúi đầu xuống, nhẹ nhàng cất bước, lên hết bậc cấp thì vào đến Thần điện.
Nàng lấy nến thơm ra, sắp đầu nén hương cho bằng rồi đến lò châm lửa. Thình lình một giọng già nua gọi theo:
- Nữ thí chủ!
Lâm Tuý hé mắt nhìn, trông thấy một hoà thượng trọng tuổi nhưng ngũ quan còn cân đối đẹp đẽ, đi theo bên cạnh là hai tiểu sa di. Nhìn phục sức và nghi biểu là biết địa vị lão rất cao, nàng chắp tay đáp:
- Đại sư có gì chỉ dạy?
Nhà sư nói:
- Trên mặt nữ thí chủ lởn vởn đầy yêu khí. Nếu không kịp thời mời phương trượng sư huynh lập đàn trừ yêu thì e rằng khó tránh khỏi kiếp nạn.
Lâm Tuý cả kinh:
- Ôi...
Nhà sư đẹp lão nghiêm chỉnh đáp:
- Nữ thí chủ cứ bình tâm. Bần tăng là Thiên Đao, phó trụ trì chùa Dư Ấm.
Lâm Tuý ồ lên:
- Quý tự có ba vị đại sư Thiên Nhận, Thiên Đao, Thiên Tâm, gọi chung là Dư Âm tự Tam danh, được coi là Phật sống của vạn nhà, người người đều kính trọng. Được đại sư chỉ vẽ cho đường sáng thì tiểu nữ không phải lo ngại nữa rồi.
Thiên Đao đại sư bảo:
- Mời theo ta.
Lâm Tuý theo Thiên Đao lên nội điện, hương khói mù mịt xộc vào tận đây, vì tranh tối tranh sáng lại thêm lửa đèn nhập nhoè, cảnh trí thành ra hỗn độn, không trông rõ vật gì với vật gì cả.
Thiên Đao trầm giọng:
- Quỳ xuống!
Không gian Phật điện vừa trang nghiêm khó tả vừa tà ma phiêu hốt, kỳ quặc như thể gà mái gáy tiếng gà trống vậy.
Lâm Tuý quỳ xuống.
Thiên Đao ra lệnh:
- Ngẩng đầu lên.
Lâm Tuý y lời. Khói hương dập dờn.
Thiên Đao chỉ dẫn:
- Nhìn thẳng vào thần tượng.
Lâm Tuý nhìn thấy trong hương khói lờ mờ một chiếc cánh xoè, và dần dần là một con chim giận dữ mỏ dài mắt xanh. Nàng đang kinh ngạc quan sát, chợt đầu gối hẫng một cái, nền nhà nứt toác.
Lâm Tuý tuy kinh ngạc nhưng đã có chuẩn bị, vội phất tay áo phải, một thanh đoản kiếm phóng ra, đâm xuyên lên xà gỗ trần nhà, nàng uốn cổ tay níu lấy sợi xích bạc mỏng mảnh ở chuôi kiếm, lấy đà bật mình lên, mái tóc đen tung bay.
Thiên Đao tức giận quát:
- Quả nhiên là đến làm loạn! Rồi lão rút soạt ra một thanh tỵ đao, đâm ngược lên theo.
Lâm Tuý định nhoài mình xuống phản kích, chợt nghe trên xà nhà có tiếng gió rít, liền vội vàng hạ xuống, chưa kịp lắc tránh, mắt đã tối sầm, tai lùng bùng, không nhìn thấy gì nữa.
Nàng khua đoản kiếm, một tiếng "keng" phát ra, nghe chừng va phải một vật cứng bằng kim loại, nàng lập tức hiểu ra mình đã bị chụp vào trong chiếc chuông khổng lồ.
Chiếc chuông tiếp đất kêu rổn rảng. Thiện nam tín nữ ngoài điện và những du khách ngoài chùa đều nghe thấy, tưởng rằng Cưu thần hiển linh giáng uy, liền lớn tiếng niệm kinh theo lời hướng dẫn của hoà thượng, cứ lệ ở đây, khi chuông tự reo thì phải niệm thật to, càng to càng lắm phúc, vì vậy ai nấy sang sảng đọc kinh, vô hình trung vùi lấp tạp âm trong nội điện.
Thiên Đao cười ha hả:
- Nữ bộ khoái mà tên tướng quân Đảm Đại gì đó phái đến, hoá ra cũng chỉ thế mà thôi!
Một người lướt tới, chính là hoà thượng mắt xếch dài, đằng sau có hai hoà thượng mang giới đao. Lão cười:
- Nhị sư huynh, thả câu lần này tóm được một mỹ nhân ngư hả!
Đây hẳn là Thiên Tâm, nhân vật thứ ba của Dư Âm tự.
Hai huynh đệ nhìn nhau cười, chợt nghe thấy tiếng bụp bụp, cửa song thủng ra, hai bóng người nhảy vào, lăn mấy vòng rồi bật dậy, chính là Nhạc Khải và Cao Vãn Tức.
Nhạc Khải rút ra đôi đồng giản, cười ha hả:
- Các ngươi tác ác đa đoan, cơ cảnh hơn người, đáng tiếc hãy còn sơ sót một việc.
Thiên Đao lạnh lùng hỏi:
- Việc gì?
Nhạc Khải thong thả đáp:
- Đại Đảm tướng quân phái nữ bộ khoái đến tra án chỉ là tung hoả mù, ta - Tiếu kiếm Lãnh huyết Nhạc Khải mới là lực lượng chính!
Lãnh Huyết là một trong Thiên hạ Tứ đại Danh bộ nức tiếng thuở xưa. Nhạc Khải được gọi là Tiếu kiếm Lãnh huyết vì thường đóng bộ ngây ngô trong Lục phiến môn, thực ra trinh sát và phá án rất tinh minh, xuất thủ thần tốc, năng lực hơn người, hành sự nhanh gọn như Lãnh Huyết trước đây vậy.
Thiên Tâm tức giận hỏi:
- Cứ cho ngươi là Tiếu kiếm Lãnh huyết đi, thì sao đây?
Nhạc Khải vung cặp giản:
- Thì sao? Người và tang vật đều đã đủ, nay bắt về quy án!
Y chưa dứt lời, hai nhà sư đứng bên Thiên Tâm đã múa đao hợp kích, đao phong như gió, đao quang như chớp. Nhạc Khải giật lui thì sẽ lãnh đao vào lưng, dấn bước thì sẽ hứng đao vào ngực, không tiến không lui thì sẽ bị chém vào đầu và hông, nhảy cao hụp thấp cũng sẽ lìa tay tan chân.
Nhưng Nhạc Khải không đứt tay, chân cũng không mảy may ảnh hưởng.
Đôi giản của y rạch phá đao quang, xén tay một hoà thượng, và xén đầu hoà thượng còn lại.
Thiên Đao sửng sốt kêu lên:
- Ngươi, ngươi dám giết người...
Nhạc Khải cười hi hi:
- Ta là người do Đại Đảm tướng quân phái đến, có kim ấn lệnh phù, có thể tiền trảm hậu tấu, xử quyết triệt ác!
Đột nhiên, tiếng gió rít lên sau lưng y, thì ra Thiên Tâm nhân cơ Thiên Đao đấu khẩu với Nhạc Khải đã lén vòng ra sau lưng y xuất chưởng.
Nhạc Khải hụp thấp, Thiên Tâm đánh trượt, liền xoay chưởng thế nện xuống dưới.
Nhạc Khải chưa kịp mắng Thiên Tâm giở trò ám toán, đã nghe lão bảo:
- Có giỏi tiếp ta hai chưởng thử xem! Nhạc Khải thấy đối phương dùng tay không, cho rằng mình dùng vũ khí là không được công bằng, nên giắt hai thanh giản sấm sét vào thắt lưng, dùng tay không tiếp ứng.
Chưởng hai bên sắp chạm nhau, Nhạc Khải chợt thấy cặp mắt xếch kia ánh lên gian ác, kế đến một tia sáng loé trước mặt mình, rồi chưởng tâm đau dội lên, vụt nhớ tới hai lỗ thủng ở lòng bàn tay Sở San, tính thu chưởng về không kịp nữa, y cố gắng khép song thủ đẩy ra!
Bùng, bùng! Bốn chưởng giao kích, Chưởng trung thích của Thiên Tâm đâm vào lòng bàn tay đối phương chưa được ba phần đã bị chưởng lực hùng hậu của y đẩy ngược lại, đâm thủng lòng bàn tay lão, thòi ra cả đằng sau.
Thiên Tâm đâu ngờ đối phương có chưởng công cương mãnh như thế, thấy lòng bàn tay đau nhói, lão luống cuống rút lui.
Nhạc Khải định chửi đối phương là ám toán vô sỉ đê hèn, chợt sau lưng lại nổi lên tiếng gió.
Nhạc Khải rút phắt đôi đồng giản, ra tay sau mà chế ngự trước, bắt chéo đôi giản sau lưng ngăn được một đao. Không ngờ tỵ đao của Thiên Đao có khiá cong, vẫn đâm được vào bả vai trái của y.
Nhạc Khải hự lên đau đớn, cố gắng phẩy song giản lại, cắm luôn vào ngực và sườn Thiên Đao.
4. SỰ THAY ĐỔI TRONG CHUÔNG CỔ
Thiên Đao khựng lại, vuốt mặt, tướng mạo đẹp đẽ trở nên rúm ró. Lão thở hồng hộc, khò khè gọi:
- Sư huynh... rồi ngã quỵ.
Đột nhiên, khói um trên bàn thờ chụp xuống Nhạc Khải.
Cưu thần hung dữ thình lình bay lên, đập thẳng đôi cánh sắt xuống. Cao Vãn Tức hét to:
- Cẩn thận!
Nhạc Khải bắt chéo đôi giản, cố gắng chuẩn bị tấn công, song le tả chưởng bị kim châm, xương bả vai lại bị đao chém, không nắm nổi nữa, giản bên trái bị hất bay.
Nhạc Khải thét lên, giản bên phải đột nhiên nứt vỡ ngay trên tay.
Những mấu giản bắn vù vù về phía Cưu thần.
Cưu thần mở rộng đôi cánh, quét sạch các mấu giản. Nhạc Khải nhân cơ nhảy ra khỏi vòng chiến, băng về phía chiếc chuông. Cao Vãn Tức lướt đi trên cao, thét to:
- Đừng lo, ta tiếp ứng với đệ đây...
Đoạn vung chưởng đẩy bình một cái.
Vào lưng Nhạc Khải.
Nhạc Khải rú lên, ngã sấp mặt, ộc máu. Y giãy giụa gượng dậy, lại ộc máu, khó khăn lắm mới thốt ra được:
- Ngươi... không phải là người... Nói được đúng năm từ ấy, lại hộc máu liên tục.
Cưu thần chậm rãi bỏ mặt nạ bằng sắt ra, để lộ cái đầu bóng loáng, chính là Thiên Nhận, trụ trì chùa Dư Âm. Thiên Nhận cười bảo:
- Y là người chứ, y là Cao Vãn Tức, nghĩa tử của Huyện thái gia Nhạc đại nhân.
Cao Vãn Tức thở dài:
- Tất cả các thổ hào ác bá, dâm tăng loạn trọc đều do quan lão gia điều khiển. Ta được nghĩa phụ phái đến kết giao với các ngươi, cốt làm rõ việc Đại Đảm tướng quân phái người đến điều tra vụ phụ nữ nhà lành mất tích.
Thiên Nhận nín cười:
- Cao nhị thiếu gia chắc không liệt lão nạp vào loại dâm tăng đấy chứ.
Cao Vãn Tức cười khẩy:
- Mở chùa chiền cưỡng đoạt đàn bà, oa trữ đồ nhơ nhớp làm bẩn thánh địa Phật môn, không phải dâm tăng thì là gì?
Thiên Nhận làm ra vẻ mặt nghiêm chỉnh:
- Những mỹ nữ bắt được là chia đều giữa Huyện thái gia và tệ tự. Cao nhị thiếu nói vậy là nặng lời quá. Huống hồ, thiếu gia báo cho chúng ta biết có người đến phá mà cứ bàng quan đứng xem, khiến nhị sư đệ mất mạng, tam sư đệ bị thương, cũng thật...
Cao Vãn Tức cười nhạt:
- Nếu không có ta, dễ ngươi cầm giữ được tên họ Nhạc này đấy chắc? Chưa nắm được chín phần mười thành công, ta không bao giờ xuất thủ.
Trên trục xà nhà chợt có tiếng rin rít liên hồi, chiếc chuông khổng lồ bỗng được kéo lên nửa thước, một đạo kiếm quang phóng xẹt tới, trước khi Thiên Nhận kịp có bất kỳ hành động nào, ánh kiếm đã đâm xẹt vào ngực lão! Kế đó, một bóng dáng mảnh mai lăn ra.
Cao Vãn Tức gầm vang giận dữ, lăng không bay lên, xuất liên tiếp mười sáu chưởng, mỗi chưởng kích ra, Lâm Tuý đều kịp thời tránh được. Chưởng lực đánh thủng mười bảy lỗ trên nền đá cứng, sau lỗ thứ mười tám, Lâm Tuý áp sát vào tường bật mình lên, lúc thu song chưởng lại, tay trái đã lấy xong một thanh đoản kiếm trên xà nhà, tay phải thu hồi thanh đoản kiếm cắm trên mặt Thiên Nhận.
Cao Vãn Tức thấy Lâm Tuý thu hồi song kiếm, không dám truy kích nữa mà giật lùi mấy bước, nín thở chờ đợi, nghiến răng nghiến lợi bảo:
- Thì ra ngươi đúng là Nữ bộ khoái của Đại Đảm tướng quân!
Lâm Tuý cười rất xinh:
- Đại Đảm tướng quân phái Nhạc Khải đi xong, chưa thật yên tâm về cái tính bộp chộp sơ suất của tên Tiếu kiếm Lãnh huyết này nên sai ta đi trông chừng.
Cao Vãn Tức thở dài:
- Ta cứ tưởng không ai nâng nổi cái chuông to này lên.
Lâm Tuý lắc đầu:
- Ta cũng không nâng được, nhưng trước khi bị chuông chụp ta đã kịp bắn phi kiếm vào trục treo và ghim dây tời, chuông chỉ úp hờ, ta ở bên trong vẫn điều khiển được.
Đôi mắt trong sáng thông minh của nàng chăm chăm dõi vào Cao Vãn Tức:
- Khi Sở San đến chùa này, trong chuông có người đúng không? Chắc y vô tình phát hiện ra bí mật đó nên bị các ngươi giết để bịt miệng.
Cao Vãn Tức nhăn mặt:
- Ngoài song chưởng của ta ra, ngươi đừng hỏi gì hết.
Hắn đột ngột múa tay lên như cánh bướm, bay lên hụp xuống loạn xạ.
Hai mắt Lâm Tuý sáng rực lên hai mũi kiếm.
Bất luận đôi tay múa may ra sao, mắt nàng cũng vẫn theo sát, kiêu ngạo, trong sáng và lanh lợi.
Cao Vãn Tức thét lớn, quyết định ra đòn sát thủ.
Đúng lúc sắp bổ xuống thì nghe sau lưng có tiếng kêu, hắn giật thót ngoái cổ nhìn, Nhạc Khởi đang vừa kêu vừa xoay trở. Bỗng họ Cao cảm thấy dưới sườn mình mọc ra hai vật.
Chuôi kiếm.
Chuôi kiếm dính liền với hai sợi xích bạc con con.
Một đầu dây bạc nằm trong đôi tay mảnh dẻ của Lâm Tuý.
Chuôi kiếm đã ở trước ngực, vậy mũi kiếm... nghĩ tới đây, hắn chợt nghe một cơn đau nhói ùn ùn tràn tới choán hết thần trí, cuối cùng ngã ngửa ra.
Bên đối phương chỉ còn Thiên Tâm đôi bàn tay đẫm máu và hai tên tiểu sa di chân cũng mềm nhũn run lẩy bẩy. Phía ngoài Phật tử vẫn niệm kinh không ngớt, trong điện khói hương nhạt dần, Nhạc Khải rên rẩm:
- Thì ra cô là...
Lâm Tuý lại cười. Nụ cười khiến Tiếu kiếm Lãnh huyết bần thần, quên cả cơn đau.
Hết
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro