Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 2.

Kể từ ngày hôm ấy, Na Uy buộc phải ngay lập tức trở về với công việc tẻ nhạt của mình. Anh thừa nhận rằng anh có hơi ích kỉ và muốn ghép lại lịch sử hào hùng của Vương quốc từ đống tài liệu. Nhưng tất nhiên, nguyên nhân chính vẫn là đống biên bản cuộc họp mà cấp trên vừa gửi cho anh để sắp xếp. Thỉnh thoảng, giữa những giờ làm việc bận rộn của mình, anh lại tìm đến nơi trú ẩn của Emil... Đứa trẻ ấy giờ đây đã ngày càng quen thuộc với anh hơn, sẽ bộc lộ sự vô tư, hồn nhiên của trẻ thơ trước mặt anh mà không hề dè dặt. Em ấy thậm chí còn thoải mái gối đầu lên đùi anh, thở từng hơi đều đặn và thi thoảng còn phát ra vài tiếng gừ gừ, rên rỉ thật khẽ như mèo con lúc ngủ.

—Cậu và thằng bé ấy có quan hệ tốt thật. —Có một lần ở Na Uy xảy ra tình huống khẩn cấp, anh cần phải rời đi, đành tạm thời đưa Emil về kí túc xá và gặp người gác cửa. Ông ta trầm tư nhìn anh chằm chằm rồi nói. —Trước đây thằng bé ấy cứ như một con nhím, khi chạm vào, gai nhọn khắp người lại phóng ra, dần dà chẳng ai muốn để ý tới nó huống hồ gì là chơi cùng. Than ôi, thật đáng xấu hổ! Một đứa trẻ ngoan, tốt bụng và dễ thương  nhưng thật không may... à, tất cả những ai từng trải qua chiến tranh đều sẽ mắc phải một số vấn đề tâm lí, cái gì... rối loạn sang chấn chăng?

—Là chấn thương tâm lý.

Na Uy bình tĩnh lắng nghe rồi quay người tránh ánh mắt của ông. Anh hiếm khi cố tưởng tượng Emil trông như thế nào trước khi gặp anh. Có thể trí tưởng tượng đã cạn kiệt của anh không đủ để vẽ ra một câu chuyện cảm động, hoặc có chăng chính anh cũng không chịu nổi trước những đau khổ mà em phải chịu đựng. Anh bất chợt nhớ lại cái đêm đầu tiên gặp em: Nếu anh không phát hiện ra em thì có lẽ em đã phải đứng co ro dưới mái hiên cả hàng giờ, chịu đựng cái lạnh buốt cho đến khi bị tuyết lông ngỗng nuốt chửng, biến thành một tảng băng, và lặng lẽ hoà vào màu trắng vô tận. Nhưng nếu ta đi xa hơn một chút, ta sẽ đến với con phố huyên náo, đầy ắp các loại đồ ăn thức uống nóng hổi, tận hưởng hơi ấm của lửa và ngắm nhìn những chùm pháo hoa tuyệt đẹp nở rộ trên trời.

Na Uy cau mày. Anh dường như đã ngửi thấy mùi thuốc súng trộn lẫn với băng, tiếng lửa cháy ầm ĩ và tiếng nổ vang vọng khắp nơi. Sau đó, những tạp âm ấy trở thành tiếng gầm rú thảm thiết rồi tan vào trong tiếng súng mờ ảo.

Để thường xuyên đến thăm Emil, Na Uy đã cố dành nhiều thời gian cho công việc hơn. Lúc đầu, anh chỉ cần dùng phấn để che đi quầng thâm mắt nặng nề của mình và vượt qua cả ngày bằng một cốc espresso lớn, nhưng ngay sau đó, sức khoẻ tinh thần của anh trở nên tồi tệ đến mức anh thường ngủ quên trong các cuộc họp.

—Đừng quá sức như thế, mắt cậu thâm và sưng tấy lên cả rồi, cậu nên nghỉ ngơi sớm đi. —Đan Mạch lo lắng nhìn bàn tay cầm bút không ngừng thoăn thoắt viết của Na Uy, xoa xoa thái dương rồi ngả lưng xuống chiếc ghế bông trong phòng họp. —Anh đã phải sắp xếp biên bản cuộc họp ba ngày chỉ trong một buổi chiều, sau đó lại bị gọi đến một cuộc họp khác. Ngay cả Thuỵ Điển tham công tiếc việc cũng không chăm chỉ được bằng cậu... ngủ quên ngay trong lúc họp...

—Tôi không có. —Thuỵ Điển bình tĩnh tiếp lời. —Tôi chỉ đang hoàn thành nhiệm vụ được giao thôi. —Đan Mạch mỉm cười vỗ vai Thuỵ Điển, nghịch ngợm lấy kính của anh mà đặt lên sống mũi của mình. —Vậy là tham công tiếc việc rồi, đơn giá kính của cậu cao quá đấy. Đừng bắt đôi mắt của mình làm việc quá sức thế chứ, Thuỵ Điển của tớ.

Na Uy nhắm mắt lại một chút, khẽ thở dài rồi thản nhiên đổ thêm mực vào bút, tiếp tục công việc ghi chú nhưng chưa hề nghe thấy gì. Ba người gần đây đều rất bận rộn, và mặc dù Đan Mạch, Thuỵ Điển có đang khá hơn vì yêu nhau đi chăng nữa thì bọn họ cũng buộc phải nghiện cà phê trầm trọng để hoàn thành được hết mớ việc này. Ai cũng đều mệt mỏi cả. Vậy nên ta cần hoàn thành công việc càng sớm càng tốt, sau đó để mọi người về nhà sớm và ngủ trưa.

Thế là Na Uy ngước lên, khẽ mỉm cười và trả lại cuốn sổ đã sao chép cho Đan Mạch. Anh không bận tâm rằng đầu ngón tay của anh bị chữ viết ướt làm ố một chút đen, và nó cũng nhòe trên móng tay anh. Anh vừa lấy một cuốn sổ mới ra, gần như ngay lập tức quay lại trạng thái làm việc tập trung cao độ. —Không sao đâu, tôi khá thích sắp xếp những thứ này. Các cậu cứ nghỉ ngơi cho khoẻ đi.

Thành thật mà nói, Na Uy không thích ngồi vào bàn làm việc với các tài liệu. Nhưng anh ấy mong muốn hoàn thành công việc trong ngày của mình một cách hiệu quả, như vậy mới có thể lẻn ra ngoài và cùng Emil dạo chơi trên chiếc xe đạp cải biên của Thuỵ Điển.

Không khí lạnh ve vẩn trên từng lọn tóc họ, phủ lên lớp áo quần một tầng sương giá. Emil sẽ lại giấu nhẹm nửa khuôn mặt mình sau lớp khăn choàng dày sụ, chỉ để lộ đôi mắt tròn xoe, tím biếc như hoa oải hương, và cả người em trở nên nhỏ bé đến nhường nào khi được bao trùm trong chiếc áo khoác quá cỡ của Na Uy.

Na Uy sẽ luôn mang theo một ít sữa nóng ngọt ngào đủ để xua tan đi cái lạnh. Rồi họ sẽ đỗ xe đạp vào một góc khuất, tựa lưng vào nhau và thưởng thức hương vị của làn sữa. Khi may mắn, họ có thể chiêm ngưỡng một bầu trời quang đãng hiếm thấy, không khí trong lành thoang thoảng mùi cỏ non cùng những người tuyết đáng yêu mà lũ trẻ đắp ven đường. Những con chim đậu trên cành vui vẻ sà xuống đất ăn những vụn bánh mì Emil rải.

Rồi họ cùng nhau ngồi trên hàng ghế gỗ nhỏ, Emil sẽ lại vùi đầu thật sâu vào ngực Na Uy, hưởng thụ hơi ấm toả ra từ chiếc áo khoác dày của anh. Không ai nói gì cả, chỉ lặng lẽ nhìn mây trôi trên bầu trời. Thỉnh thoảng, Emil lại ghé sát tai anh, rù rì kể một câu chuyện cổ tích được mây dệt nên bằng chất giọng non thơ.

—Hãy nhìn đám mây kia, nó là một chú chim ướt cánh. Ngày nọ, chú bắt gặp bé mèo con...

Dù trải qua chiến tranh và có một quá khứ bất hạnh nhưng trí tưởng tượng độc đáo của trẻ em vẫn thấm nhuần trong Emil. Đôi khi Na Uy cảm thấy năm năm bị chiếm đóng kia chỉ là một vấp ngã ngỏ của Vương quốc, và anh sẽ lại tiến về phía trước miễn là bụi bặm được dọn sạch. Nhưng anh hiểu rõ rằng vết thương chiến tranh không thể dễ dàng xóa bỏ. Có bao nhiêu nụ cười gượng gạo đằng sau nụ cười ngây thơ của em ấy chứ?

Càng tiếp xúc với Emil, anh càng không thể nhìn thấu được em.

Một ngày nọ, bằng cách nào đó mà Đan Mạch đã kéo Thuỵ Điển theo anh đến thăm Emil. Anh chàng nhiệt tình ấy thậm chí còn vô tư nhấc bổng em lên một cách thân mật quá mức. Nhưng thứ anh nhận về lại là tiếng hét đầy hoảng sợ cùng sự vùng vẫy kịch liệt từ Emil, em để mặc bản thân bị rơi xuống ở độ cao một mét và làm vỡ cả tấm kính sau lưng. Cả người em run rẩy khôn xiết, ôm chặt lấy những mảnh thuỷ tinh sắc nhọn và cứ thế nằm co ro trên đống đổ nát lấp lánh. Máu đỏ túa ra từ bàn tay, nhưng em vẫn cắn chặt cổ áo để không phát ra âm thanh nào, nhưng những tiếng nức nở vỡ vụn lại cứ thoát ra.

Sự việc đó đã để lại những vết sẹo kinh hoàng trên bàn tay Emil, chúng dần dần nhạt đi bởi khả năng chữa lành đáng kinh ngạc của người trẻ, hoà lẫn với vô số vết sẹo khác do chiến tranh để lại. Thuỵ Điển cảm thấy tội lỗi và cho rằng sự xuất hiện của mình đã khiến Emil sợ hãi nên đã dùng thời gian nghỉ ngơi của mình để làm một con cá voi bằng gỗ tặng cho em ấy và nhờ Na Uy thay mình xin lỗi. Đan Mạch cũng không khá hơn là mấy, anh rối rít nhờ cậy Na Uy giúp mình đưa hộp bánh quy đủ hình thù này cho Emil, đây chính là những chiếc bánh thơm ngon anh dành cả buổi chiều để nướng.

—Cảm ơn... nhưng em không cần đâu. —Đôi mắt của Emil giống như hai viên pha lê trong suốt được bao phủ bởi sương giá, không có chút hơi ấm hay cảm xúc nào. Em rất chậm rãi đặt lại hộp quà xinh xắn vào tay Na Uy, sau đó tránh ánh mắt của anh, lẩm bẩm. —Em xin lỗi — gần như không ra tiếng. Rồi em quay người chạy đi, biến mất trong chớp mắt.

Na Uy nhìn chằm chằm vào cánh cửa gỗ đổ nát em để lại, nắm chặt hai món quà trong tay,  mắt nhắm nghiền và lẩm bẩm gì đó. Sự ngây thơ và trẻ con mà Emil vô tình thể hiện lại đan xen với sự trưởng thành, lạnh lùng và xa cách, điều đó thật chẳng tương xứng chút nào. Emil chưa đầy sáu tuổi, em đáng ra phải vui vẻ tận hưởng tiết trời đẹp hiếm có ở Bắc Âu, chia sẻ kẹo cam thảo với bạn bè, dạo chơi khắp bãi cỏ xanh mượt như nhung và đắp người tuyết cùng các bạn. Em lẽ ra phải mỉm cười vô tư, chữa lành thế giới bằng niềm hạnh phúc chỉ thuộc về trẻ con.

Na Uy trút một hơi thở dài. Là hiện thân của một quốc gia, anh chỉ có thể đứng nhìn đứa trẻ non nớt ấy từng bước biến thành một gã người lớn u buồn trong dáng vẻ bé con.

Anh thở chậm rãi, nhanh chóng bình tĩnh lại, cẩn thận đè nén sự hỗn loạn trong lòng. Sau đó anh mở mắt ra, làm bộ mặt lạnh lùng không có nổi chút vui buồn hay tức giận như thường lệ, quay người trở về nhà và lấy từ tủ sách ra một tập hồ sơ. Đó là danh sách những đứa trẻ thuộc chương trình Lebensborn. Tên Emil được khoanh tròn bằng bút mực nước màu xanh da trời, nổi bật giữa những dòng chữ vô hồn.

Dù nhìn danh sách ấy bao nhiêu lần đi chăng nữa thì Na Uy vẫn cảm thấy hơi thở của mình như bị tắc nghẽn. Nguồn sống? Mỗi tờ giấy này đều chứa đựng hình bóng của những đứa trẻ giống với Emil, ngay từ đầu số phận của các em đã tăm tối và bi thương như vậy. Các em không thể có được những mối quan hệ gia đình bình thường trong suốt cuộc đời, cũng chẳng thể có được tình bạn với những người đồng trang lứa vì có tổ tiên là người Đức.

Emil... phải chăng cha của em đã kết luận rằng em không có "chất lượng cao" bởi đôi mắt tím của mình? Liệu hắn đã từng mắng chửi và đánh đập em? Sau chiến tranh, liệu những người trong trại tị nạn có bắt nạt em vì dòng máu lai Đức của mình?

—Cậu bé ấy bình thường có chơi cùng ai không? —Mới tuần trước, anh mang theo một tia hi vọng hỏi người gác cửa.

—Thật tốt khi không có ai bắt nạt nó. Để tôi nói nhỏ cho cậu biết, thằng bé ấy là người Đức, cậu hiểu ý tôi chứ... —Người gác cửa nháy mắt đầy ẩn ý với anh và châm một điếu thuốc rẻ tiền. —Mẹ của nó đã mất lâu rồi, cha nó thì chẳng biết đã ở đâu. Có lẽ hắn ta đã về Đức hoặc chết trong trận chiến. Này, dù sao cũng chẳng có gì khác biệt cả... chẳng phải chúng cũng để yên cho bọn trẻ sao? Vâng, ở đây cũng có vài đứa trẻ giống thằng bé ấy, nhưng hình như cũng đã bị bọn Đức bắt đi hoặc chết rồi.

—Còn Emil thì sao? Chưa ai muốn nhận nuôi em ấy à? —Na Uy nhìn chằm chằm người gác cửa qua làn khói xám nồng nặc.

—Mẹ nó lẽ ra không nên ra đi sớm như vậy. Nhưng bà ấy cũng đã cố gắng chăm sóc nó dù sức khoẻ của bà không được tốt. Cuối cùng, bà qua đời vì một cơn đau tim. Cậu cũng biết sự truy đuổi biến thái của quân Đức mà, và điều đó là không thể tránh khỏi. Một đứa trẻ có thể mắc bệnh di truyền, chưa kể đôi mắt của nó không phải là màu xanh chúng thích... Haizz, lũ Đức đó đúng là lũ quái vật chết tiệt... Có vẻ cậu và thằng bé đó có quan hệ khá tốt với nhau nhỉ? Nếu thế thì cậu đưa nó về nhà luôn đi. Nó sẽ không hạnh phúc ở cái nơi địa ngục này đâu.

Na Uy ngẩn ngơ đắm chìm trong từng lời nói ấy. Anh không thể để mình bị cuốn vào dòng cảm xúc cá nhân, anh còn rất nhiều việc phải làm. Dự án Lebensborn và những "sản phẩm" của nó là một trong những vấn đề nhức nhối mà chính phủ Na Uy cần giải quyết, nhưng khi mọi thứ đang dần được cải thiện hơn thì nó không còn là trọng tâm chính nữa.

Lời đề nghị của người gác cửa khiến anh nhất thời muốn đồng ý ngay lập tức - chuẩn bị quần áo ấm nhất và kẹo cam thảo ngon nhất cho Emil rồi đưa em ấy về sống chung với mình. Anh không chỉ muốn bảo vệ em khỏi bị tra tấn bởi bão tuyết lạnh lẽo, bị hành hạ bởi cái đói và sự kì thị, đối xử tàn nhẫn của người khác. Anh muốn chăm sóc em thật tốt, yêu thương, nâng niu, trân trọng, cho em cả một vũ trụ bé thơ nhuốm màu cổ tích và một tuổi thơ hạnh phúc. Nhưng anh không thể. Anh sợ mình không thể bảo vệ được em, sợ trong một chốc không kiểm soát được, anh sẽ lại đưa ra một quyết định ngu ngốc và làm ảnh hưởng đến em.

Tuyết vẫn tiếp tục rơi dù thời tiết đang ấm dần lên. Quá trình tái thiết sau chiến tranh đang diễn ra một cách có trật tự và ổn thoả, nhưng lại có nhiều người chết vì nhiễm trùng vết thương hơn. Các nơi trú ẩn ngày càng tiếp nhận nhiều người tị nạn, nhưng nguồn cung cấp do chính phủ phân phối lại không tăng. Người lớn hầu như không thể lắp đầy dạ dày mình bằng bánh mì khô và rau rừng. Tuy nhiên, những đứa trẻ mồ côi đang trong độ tuổi dậy thì thì luôn đói khát. Không đủ cái, nhiều đứa trẻ buộc lòng phải lấy những tảng băng chưa tan treo đầy trên hiên nhà nhét vào miệng khiến mặt chúng tê cóng. Sau khi Na Uy báo cáo sự việc, chính phủ cuối cùng đã gửi một số lương thực dự trữ mới cho nơi trú ẩn. Na Uy dựa vào các mối quan hệ của anh để quyên góp thêm tiền, đổi lấy hai xe tải chở khoai tây và bánh mì khô, nó không ngon nhưng ít nhất cũng có thể lắp đầy dạ dày.

Tuyết vẫn rơi vào ngày hàng đến. Trong một động thái hiếm hoi, Na Uy đánh rơi tài liệu và lao đến nơi trú ẩn trên chiếc xe đạp của mình, lặng lẽ nhìn đoàn xe tải sắt chở mấy thùng khoai tây lớn vào nhà bếp. Nhưng hiển nhiên không phải mình anh mới có ý tưởng này, phần lớn người trong trại tị nạn đều lẻn ra ngoài xem cùng. Người lớn bàn chuyện tiết kiệm tiền để mua khoai tây chiên với ít tiêu đen và bơ, đồng thời thở phào hài lòng trước nguồn cung lương thực dồi dào này. Thậm chí có một cậu bé chừng ba, bốn tuổi vấp ngã để nhặt được một mẩu bánh mì, vội vàng phủi tuyết trên bánh rồi ăn ngon lành. Người gác cửa vui vẻ hút một điếu thuốc, lớn giọng tuyên bố với mọi người rằng đã mua được một thùng dầu để chiên khoai tây.

Giữa những tiếng cười hạnh phúc và mừng rỡ của những người tị nạn, một cảm giác tự hào đến mức tự mãn dấy lên trong lòng Na Uy nhưng rất nhanh anh đã đè nén nó. Dù nhận thấy sự nhạy cảm vốn đã bị đóng băng bởi mùa đông khắc nghiệt và chiến tranh đau thương đang dần thức tỉnh trở lại nhưng anh vẫn cố cho rằng mình là một kẻ tham công tiếc việc, thờ ơ trước những tình cảm và luôn nốc thật nhiều cà phê để hoàn thành việc được giao.

—Ngài Bondevick...?

Giọng nói quen thuộc của đứa trẻ khiến Na Uy đang mơ màng cũng tỉnh táo trở lại, sau đó, một bàn tay ửng đỏ thận trọng đưa ra trước mặt anh, lắc nhẹ.

—Ngài Bondevick ơi...

—Ồ, Emil, có chuyện gì sao? —Lukas chớp chớp mắt, từ từ cúi xuống sao cho cao ngang người Emil, nghiêm túc nhìn cậu bé rồi nhẹ nhàng đáp lại.

Emil nhìn chằm chằm vào mắt anh, thản nhiên lắc đầu rồi cẩn thận tháo khăn choàng cổ của mình ra, kiễng chân lên và quấn nó quanh cái cổ trần của Lucas một cách vụng về nhưng nhẹ nhàng và đáng yêu. —Ngài đang run rẩy, ngài mặc ít quần áo quá. Có vẻ như ngài đã không mặc chiếc áo gió dày như mọi hôm. —Giọng em run run và có chút gì đó giống nịnh nọt.

Na Uy vốn đang mê man trước hành động dè dặt hết sức ấm áp của em cũng tỉnh táo lại bởi lời nói ấy. Anh tháo khăn ra rồi cẩn thận quấn nó quanh cổ của Emil, sau đó nắm lấy đôi bàn tay lạnh cóng đến mức ửng đỏ của em mà sưởi ấm, khoé miệng anh cong lên. —Tôi có mang theo áo gió nhưng lại để quên trong giỏ xe đạp. Cứ mang khăn choàng cổ của em đi Emil, nó hợp với em lắm. Nhân tiện, găng tay của em đâu rồi?

—Em... em lỡ làm mất găng tay rồi... —Emil ngập ngừng, giọng nói cứ ngày một nhỏ đi như thể em đang che giấu điều gì đó. —Nhưng em sẽ ổn thôi.

Na Uy lập tức tháo găng ra và nhẹ nhàng đeo chúng cho Emil. Kích thước của chúng hơi quá cỡ so với một cậu bé và gam màu đen tuyền không phù hợp với em cho lắm. Nhưng hơi ấm nơi bàn tay anh vẫn đọng lại trong từng sợi len, dần dần sưởi ấm đôi bàn tay vốn đang tê cứng của em.

—Nhớ giữ ấm nhé! —Na Uy mỉm cười, chỉnh lại chiếc khăn choàng cổ cho Emil trong khi ghé sát tai em và nhẹ nhàng nói. —Đừng để bị cảm lạnh.

Emil sụt sịt và gật đầu.

—Vậy thì em mau về nghỉ ngơi đi, trời lạnh quá! Đã đến lúc tôi quay lại làm việc rồi.

Tuyết bỗng bắt đầu rơi dày đặc, từng chùm trắng tinh rớt xuống từ bầu trời xám ngoét, nhanh chóng đầy ắp trên những cành cây trơ trụi phía trên đầu Emil. Đám đông cũng tản dần đi, chỉ còn vài đứa trẻ là tụ họp lại xì xào gì đó. Giây tiếp theo, một đứa trẻ nghịch ngợm cười nham hiểm chạy đến và đá mạnh vào cái cây gần Emil. Tuyết trên cành rơi ào xuống, giống như một tấm lưới kéo đã nhắm trúng con mồi, trong phút chốc, đầu và vai Emil đã phủ đầy tuyết. Tuy nhiên, em chẳng phát ra bất kì âm thanh nào mà chỉ lặng lẽ đứng đó như một bức tượng điêu khắc vô hồn, và màu đỏ tấy vì lạnh buốt trên má em như điểm nhấn đầy đau thương giữa một bức hoạ tinh khôi màu tuyết.

Na Uy mở to mắt vì bàng hoàng. Anh vội vã chạy lại, nhẹ nhàng phủi hết tuyết trên người em và đắp lên em áo khoác của mình. Rồi anh đưa mắt nhìn những đứa trẻ nấp đằng sau gốc cây với khuôn mặt lạnh giá. Thế là anh nặn vài quả cầu tuyết lớn và tiến về phía chúng.

Nếu phải kể tên khoảnh khắc khiến anh đau lòng nhất sau chiến tranh thì đó sẽ là bây giờ.

Sân của nơi trú ẩn không lớn, anh gần như có thể nghe rõ tiếng cười thoả mãn đầy xấu xa của bọn trẻ. Chỉ đến đến gần chúng thôi, những nắm tuyết trong tay anh sẽ cho chúng biết cái cảm giác bị tuyết lạnh dội thẳng vào người là như thế nào.

Nhưng có ai đó đã ôm lấy anh từ phía sau - Emil.

—Không sao đâu, họ luôn thích chơi xấu như vậy rồi, đừng chống lại họ. —Em thều thào, giọng run run như sắp vỡ tan vì khóc.

—Đó chỉ là... là một trò đùa thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro