Chương 70: Quá Đỗi Thật Thà
Lúc trước thì sống chết chặn cửa không cho vào, bây giờ thì ríu rít nói cười không dứt, Bạch Đường muốn chen vào miệng La thị mà cũng không thể làm được.
"Con đúng là một nha đâu hiểu chuyện, vậy mà lại tặng đúng thứ nhà thẩm cần."
La thị cũng không khách sáo, đặt trứng gà xuống, hai tay kéo một cái, mở giấy gói ra, bên trong là chất vải màu xanh ngọc với hoạ tiết hoa bạc ẩn hiện, vốn dùng để may áo ngoài cho A Duyệt.
"Đúng là dễ nhìn, ánh mắt Đại tỷ nhi thật tốt, thẩm tính làm một cái áo khoác ngắn thôi, màu sắc này cũng tươi quá." La thị đặt tấm vải dưới ánh nắng, trái xem phải soi, khen không dứt miệng.
Bạch Đường ở bên cạnh, quyết định mỉm cười đứng đó, đợi bà nói cho hết chuyện.
La thị ướm tấm vải lên ngực, khoa trương khoát tay, không ngừng hỏi: "Có đẹp không? Con thấy thẩm mặc hợp không?"
"Con thấy hợp với La thẩm nên mới chọn mua đấy, quả nhiên là rất đẹp."
Bạch Đường gượng gạo lên tiếng, lời này thật trái lương tâm.
Dù sao đối phương không phát hiện thì xem như là thành công rồi.
La thị cứ tấm tắc mãi, lại lấy làm kỳ lạ: "Nói gì đi nữa thì ánh mắt của con cũng tốt hơn, Lý thúc của con ấy, cả đời này chưa từng mua loại vải vóc nào hợp ý thẩm như vậy, nếu không phải màu tro thì lại là màu vàng đất."
Bạch Đường nghĩ thầm, vì hai loại trên là loại rẻ nhất trong tiệm vải.
La thị xoè ra y phục trên người: "Đây là cuộn vải mà nhà thẩm tự chọn trên trấn sau Tết, hoàn toàn không tốt bằng cuộn vải con tặng."
"Con chỉ sợ thẩm thẩm không thích."
"Nào có, nào có, trước kia nếu thẩm có nhiều chuyện gì đó, con cũng đừng so đo với thẩm."
La thị khó lắm mới đặt tấm vải xuống, quay lại rót cho Bạch Đường một chén nước: "Con ngồi chơi một lát đi."
Ban đầu Bạch Đường chỉ tính tặng lễ xong thì về, song nghĩ lại, khó lắm mới có cơ hội thế này, thôi thì cứ nghe xem La thị muốn nói đạo lý gì.
"Hơn phân nửa người trong làng đều là người thô kệch, lại thường nhàn rỗi không có chuyện làm, nếu con cứ để bụng trong lòng thì sau cùng cũng chỉ có mình con không thoải mái thôi."
"La thẩm nói phải, con là vãn bối, mọi người đều là thẩm thẩm của con, con nào dám so đo."
"Lúc trước người ta bảo con rộng lượng, hôm nay thẩm thấy quả thật là vậy, thẩm bảo này, con cũng đã mang lễ đến tận cửa nhà thẩm rồi, thì thôi thẩm cũng nói một lời với con, về sau nếu trong thôn có bất kỳ ai muốn gây khó dễ cho con, thẩm nhất định sẽ ta mặt giúp con."
Bạch Đường không ngờ chỉ dùng một tấm vải mà đã thu được lòng La thị.
Phải nói tới Lý thúc là trưởng thôn, vào mỗi dịp cuối năm hoặc đầu năm, hầu như nhà nào trong thôn cũng đến gửi biếu một chút lễ vật, không nhiều thì ít, cho nên gia cảnh Lý thúc cũng thoải mái hơn so với mọi người.
Thoải mái thì thoải mái, nhưng cũng đâu thể thích gì mua đó được.
Lý thúc có một tiểu nhi tử là Tiểu Sơn, từ khi sinh ra đã bị khuyết tật bẩm sinh, bao nhiêu tiền dành dụm trong nhà đều tiêu vào thuốc thang.
Đang lúc nói chuyện thì bên ngoài có người gõ cửa, là trưởng thôn Lý thúc ôm Tiểu Sơn về nhà.
La thị nhanh nhẹn giấu tấm vải đi, ra dấu với Bạch Đường.
Bạch Đường nhanh chóng hiểu ra, lập tức gật đầu, ý bảo sẽ không nói cho Lý thúc.
La thị yên trí, vừa ra ngoài mở cửa vừa nói: "Hai phụ tử đi chơi ở đâu về đấy, cơm canh làm xong cũng nguội mất rồi."
Một bên chân của Tiểu Sơn hơi thọt, lúc còn nhỏ thì không cảm thấy gì, tới khi từ từ tập đi thì lại luôn té ngã.
Hài tử trong thôn đều cứ vấp ngã mà lớn lên, cũng không có mấy ai để tâm đến, luôn miệng nói đợi khi lớn lên sẽ ổn.
Lời này nói suốt ba năm, chờ đến khi phát hiện đùi trái cứ teo tóp hơn so với bên chân phải thì đã quá muộn.
Bạch Đường nhìn tư thế đi kỳ dị của Tiểu Sơn thì liền nhận ra ngay, đây là chứng bại liệt ở trẻ em, ở nơi này e là không chữa được.
Lý thúc chỉ có một hài tử này, thế nên vô cùng phí tài phí sức, bôn ba trị liệu khắp nơi.
Bạch Đường nhiều lần nhịn không nói ra miệng, bệnh đã đến mức này, có tiêu tốn nhiều tiền vào thì cũng không nên.
Nàng cũng biết lời này nếu nói ra miệng, nếu sau này Tiểu Sơn có gì không như ý thì mọi tội lỗi đều đổ lên đầu nàng.
Có đôi khi, lời nói thật nhưng lại thật sự không thể nói.
"Mẫu thân, phụ thân mang con đi leo cây đấy." Ánh mắt của Tiểu Sơn cũng rất sắc bén, lập tức nhìn thấy trứng gà trên bàn. "Mẫu thân, người lên trấn rồi sao?"
"Là của Bạch tỷ tỷ con mang tới, cho con bồi bổ thân thể."
Tiểu Sơn hiếm khi gặp Bạch Đường, quay đầu nhìn nàng, đôi mắt nó tròn xoe sáng ngời, thật sự là một hài tử đáng yêu.
"Bạch tỷ tỷ thật tốt."
Lý thúc đi tới: "Hương thân hương lý cả, sao lại khách sáo thế này?"
"Bạch cô nương nói là đến đây cảm ơn ông đã giúp đỡ phụ thân nó, nhi nữ con đúng là hiểu chuyện mà."
Lý thúc hàn huyên với nàng vài câu, Bạch Đường bèn đứng dậy cáo từ, nói trong nhà đang chờ nàng về ăn cơm, nàng vừa nói vừa đi ra ngoài sân.
Lý thúc đuổi theo nàng: "Có người kể lại là nghe thấy tiếng gà gáy trong nhà con, con cũng biết đấy, gà vịt nuôi trong làng là phải đăng ký vào danh sách."
Bạch Đường chờ ông chủ động hỏi đến, sớm hay muộn thì chuyện này cũng bị lộ ra: "Lý thúc, sau nhà con có nuôi hai con gà ạ."
"Một trống một mái sao?"
"Một trống một mái ạ."
"Còn gì khác không?"
"Có trồng chút rau dại nữa ạ."
Lý thúc lập tức bật cười: "Đứa nhỏ này sao mà thật thà[1] quá vậy, mấy chuyện rau dại này không cần nói đâu, ta cũng không quản lý mấy chuyện này."
[1] Nguyên văn là "thực tâm nhãn" (实心眼), chỉ người suy nghĩ một mặt, lòng dạ thành thật.
"Thôi thôi, người ta cũng nói ông là có hai con gà rồi, nếu mà trong tay ta có dư tiền thì ta vẫn muốn nuôi một con gà mái hoa đấy." La thị đứng bên cạnh lên tiếng ngắt lời, lại nhìn sang Tiểu Sơn mà thở dài.
Lý thúc vì muốn bồi bổ thân thể cho thân mẫu mà mang con gà mái duy nhất trong nhà đi làm thịt nấu canh, ông cảm thấy áy náy với Tiểu Sơn, thế là cũng không truy hỏi gì nữa.
La thị thay Bạch Đường mở cửa, còn kề sát mặt, nói khẽ: "Lão nương Thạch gia có vẻ không thích con lắm, con nhớ để ý một chút."
Bạch Đường ậm ừ một tiếng, mặc dù cả hai chưa xung đột trực diện bao giờ, song nếu Vương thị ưa thích nàng thì không thể không nói với nàng câu nào suốt ba năm qua, cũng sẽ không để Thạch Đầu ca vừa mới trở về đã vội vã đề thân.
Nàng nhìn bằng mắt, nghe bằng tai, dĩ nhiên trong lòng tỏ tường.
Phần lễ vật này vốn là chuyện cần làm, lại còn có được lòng người, nàng biết từ nay về sau La thị hẳn sẽ không còn là chướng ngại vật của nàng.
La thị không phải là đồ đần, chỉ một việc tốt tiện tay mà nàng cũng có thể ra tay hào phóng như vậy, về sau nếu nhà bà lại giúp việc khác, nàng sẽ không bạc đãi họ.
"Đại tỷ, tỷ đi đâu vậy, cả ngày bận bịu đã mệt rồi, tới giờ cơm cũng không thể yên ổn ăn một bữa cơm."
A Duyệt mở cửa cho nàng.
"Mọi người ăn hết chưa?"
"Chưa ạ, mẫu thân bảo hôm nay là ngày tốt, cả nhà nên cùng nhau ăn cơm mới phải."
A Duyệt đã dọn xong bát đũa, Thạch Oa cũng đường đường chính chính mút ngón tay, ngồi ở cạnh bàn.
Người trong nhà cũng tâm lý, cố ý đưa bàn vào trong phòng chính, đặt cạnh mép giường m Bạch Nham.
Bạch Nham hơi nhỏm người dậy: "Đại tỷ nhi, dược hoàn con đưa ta, ta với mẫu thân con đều ăn rồi, đúng là thuốc tốt, ăn xong thì cả người ấm áp, rất là thoải mái."
"Vị đông gia ấy bảo ăn liên tiếp mười ngày thì sẽ có hiệu quả."
Từ thị xới cơm, chén cơm thơm ngon đầu tiên bưng lên trước mặt gia chủ.
"Mẫu thân, để con xới cho." A Duyệt nhận lấy muôi gỗ, lần lượt xới cơm cho mẫu thân, Đại tỷ, đệ đệ, rồi mới xới một chén cơm lớn cho mình.
Nàng ngó đầu vào nồi nhìn thử rồi bảo: "Trong nồi cơm còn nhiều lắm, ăn hết thì xới tiếp."
Truyện được edit và đăng duy nhất ở Wattpad Ve Sa Lai và vesalai.wordpress.com. Vui lòng đọc ở trang chính chủ để ủng hộ Editor.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro