Giữa thế kỷ XX cháy rực... những lá thư tay...
"Trường Sơn ngày 13 tháng 8 năm 1968
Gửi em với vô vàn nhớ thương...
Đêm nay anh trằn trọc mãi mà không thể chìm vào giấc ngủ, anh cũng không biết vì làm sao, nhưng con tim anh như thôi thúc điều gì đó khiến anh phải viết đôi dòng dành cho em. Dạo này Mỹ nó ném bom ác liệt quá em ạ, mỗi ngày không đếm nổi cái chết đã kề cận biết bao nhiêu lần, nhưng mãi rồi cũng thành quen. Chỉ mỗi việc nhớ đến em từng giây, từng khắc là anh không tài nào quen được.
Hôm qua nhận được thư em, anh mừng khôn xiết. Vậy là em của anh đã trở thành một sinh viên Văn khoa rồi đấy. Anh biết ước mơ của em là giảng đường Đại học, là những trang sách thơm mùi giấy mới. Vậy nên em hãy cứ vững tin theo đuổi đam mê của mình, đừng lo lắng cho anh nhiều làm gì mà thêm áp lực. Em hỏi anh rằng liệu anh có tiếc? Anh tiếc chứ em, tương lai chúng ta có quá nhiều điều tươi đẹp, vậy mà phải gác lại lên đường ra tiền tuyến, đối mặt với cái chết như một lẽ thường tình. Nhưng anh sẽ càng tiếc hơn nếu mình không đi theo tiếng gọi của Tổ quốc thân yêu. Anh nhớ em, nhớ những buổi cùng em rong ruổi khắp phố phường Hà Nội trên con xe đạp cũ, nhớ những đêm em ngủ không yên vì tiếng còi báo động, dù giữa trời đông rét căm hay giữa đêm hè nóng nực. Sau hai năm xa em, anh nhận ra chỉ cần con người ta sống có lý tưởng thì mọi khó khăn gian khổ đều có thể vượt qua. Khi nào hòa bình lập lại, khi em được yên giấc mỗi đêm, anh sẽ trở về, lại cùng em rong ruổi trên con xe đạp cũ như ta đã từng. Và khi đó, anh quay lại giảng đường vẫn chưa muộn phải không em?
Dân à, em có còn giữ thói quen ngắm sao không? Đêm nay trời đẹp lắm, ánh trăng vằng vặc treo trên đỉnh đầu làm anh phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ em. Ở nơi xa xôi nghìn trùng, mỗi khi ngước nhìn lên bầu trời đêm, anh lại nhận ra anh và em hóa ra cũng còn chung nhau một ánh trăng bạc ấy. Khoảng cách của hai đứa như gần mà xa, như xa mà lại gần. Đừng buồn nữa em nhé! Chuyện chúng mình, khi nào được về phép, anh sẽ sang thưa chuyện với bố mẹ hai bên. Em có đồng ý không?
Anh mong lá thư này sẽ nhanh tới được tay em. Thương em nhiều.
Anh của em
Đế Nỗ"
-------
-Anh Nỗ về! Anh Dân ơi anh Nỗ về rồi!
Nghe tiếng thằng Thành ngoài đầu xóm reo, Tại Dân vội quên cả mặc thêm áo ấm chạy vụt ra cổng. Đã sáu tháng kể từ lần cuối cùng anh về phép, em ngẩn ngơ nhìn anh trong bộ quân phục đã sờn, nước da sạm đi vì sương gió Trường Sơn mà bật khóc. Có trong mơ em cũng không dám tưởng tượng những điều anh phải đối mặt hàng ngày kinh khủng tới mức nào.
Đế Nỗ nhác thấy bóng Tại Dân trước cổng, nở nụ cười trìu mến, ba bước thành hai vội vã tới bên em. Thoáng chốc em đã được bao bọc bởi cái ôm đầy ấm áp từ anh, vừa xoa xoa mái tóc mềm vừa thủ thỉ với người đang nức nở trong lòng:
-Dân ngoan, đừng khóc. Trời đông mặc phong phanh thế này lỡ bị cảm thì phải biết làm sao?
Là thật! Đế Nỗ của em đã về bên em rồi đây. Anh có biết chăng chiều nào em cũng đứng ở cổng mong ngóng những lá thư anh gửi về rồi lại hụt hẫng tột độ cả tháng nay. Em sợ ở nơi khói lửa mịt mù ấy, một trận không kích, một cơn sốt rét rừng hay chỉ đơn giản là một viên đạn lạc cũng cướp mất Đế Nỗ của em. Cảm ơn Trời rằng đã cho anh trở về.
-Ngoan nào, đừng khóc. -Anh dịu dàng lau đi những giọt nước đọng nơi khóe mi em, mặc cho khuôn mặt em nhem nhuốc vì nước mắt, anh vẫn đặt lên đó một nụ hôn phớt nhẹ. -Em khóc, anh đau...
Ba mươi Tết, Đế Nỗ chở Tại Dân trên con xe đạp cũ ngắm nhìn Thủ đô ngày chuẩn bị vào xuân. Đã lâu lắm rồi em không được hạnh phúc như vậy, trong khoảnh khắc ấy em chỉ mong thời gian ngừng trôi để có thể bên anh lâu thêm chút nữa. Đã bao đêm rồi Tại Dân không thể ngủ yên? Em cũng không biết, nhưng em ám ảnh bởi điều đó lắm. Nếu giữa đêm, em có giật mình thảng thốt bởi cơn ác mộng, ít nhất giờ đây em vẫn còn có anh ở bên, xoa xoa tấm lưng gầy đưa em lại vào giấc ngủ lim dim. Cơ mà em cũng biết, khi anh quay lại chiến trường kia, em sẽ lại phải tự vật lộn với cơn ám ảnh không dứt của mình.
Em không sợ cái chết sẽ tìm đến bản thân, nhưng em sợ cái chết sẽ tìm đến và cướp anh của em đi.
Trong một lá thư nào đó mà Tại Dân vẫn cất kĩ trong cuốn sổ tay, Đế Nỗ nói rằng khi nào về phép anh sẽ thưa chuyện với bố mẹ, và anh thực sự đã làm như vậy.
-Bố mẹ, con và Tại Dân thương nhau. Mong hai bên bố mẹ có thể đồng ý tác thành cho chúng con.
Tại Dân đã sớm cúi đầu, co rúm lại chờ đợi sự phản đối từ bố mẹ Lý và cả bố mẹ La. Em thoáng thấy sự kinh động trong đôi mắt họ, có lẽ với họ loại chuyện này thật khó khăn để chấp nhận, nhất là khi cả hai đều là những đứa con độc nhất. Cả gian nhà rơi vào trạng thái im lặng, bụng em nhộn nhạo như có ngàn cánh bướm bên trong, đôi bàn tay không ngừng đổ mồ hôi lạnh vì lo lắng. Tại Dân không biết liệu Đế Nỗ của em có thấy được sự kinh động trong những đôi mắt kia hay không, em chỉ biết rằng bao nhiêu lâu em cúi đầu xuống là bấy nhiêu lâu đôi bàn tay gầy của em được sưởi ấm bởi đôi bàn tay to lớn đã sớm đầy vết chai sạn của anh.
Liệu rằng bố mẹ có nghĩ hai đứa đang mắc một loại bệnh gì đó nghiêm trọng giống như miệng đời ngoài kia hay nói? Em cũng không biết. Thế giới này thật nực cười, họ tự cho mình cái quyền "gieo mầm văn minh" rồi dùng những lời lẽ cay nghiệt nhất xúc phạm đến những người như em và như anh. Đã qua rồi cái thời bấu víu vào những lý do vớ vẩn như phù thủy hay pháp sư, giờ đây họ nói rằng việc hai người con trai hay hai người con gái yêu nhau là một căn bệnh, một căn bệnh nguy hiểm cần phải chữa ngay lập tức. Khốn thật! Con người được quyền mưu cầu hạnh phúc, nhưng khi những người như em, như anh mưu cầu thì lại bị bọn người đó gạt phắt đi như những kẻ bệnh hoạn.
Trước ngày anh lên đường, anh từng nói với em rằng độc lập tự do là phải giành lại, còn em và anh đến tận cuối cùng chỉ cần có tình yêu.
Con người ta cũng vậy, sống đến tận cùng cũng chỉ cần tình yêu.
-Hai đứa định thế nào?
Không phải một câu chửi mắng hay phản đối, bố Lý chỉ khẽ khàng đặt chén chè xuống bàn nhìn hai đứa con đang ngồi phía đối diện. Tại Dân kinh ngạc ngẩng đầu lên, nhưng em vẫn chẳng thể cất lời. Định thế nào? Chính em cũng không thể biết rằng em và Đế Nỗ "định thế nào".
-Bọn con chưa biết ạ. Chỉ xin hai bên bố mẹ tác thành cho chúng con.
Đế Nỗ vẫn thế, vẫn dùng giọng nói và ánh mắt kiên định thưa chuyện với người lớn trong nhà. Tại Dân len lén nhìn anh, anh của em bây giờ đã trưởng thành thật rồi. Hai năm nắng gió Trường Sơn đã biến anh của em thành một con người hoàn toàn khác, rắn rỏi về ngoại hình, mạnh mẽ trong suy nghĩ, đến cả tình yêu anh dành cho em cũng đổi khác rất nhiều.
Anh vẫn là anh, nhưng cũng chẳng còn là anh.
Em nhớ, lần đầu tiên về phép Đế Nỗ ôm em khóc như một đứa trẻ, chỉ ba tháng thôi nhưng anh ngỡ như cả thế kỉ không thấy được em. Anh nói với em rằng chiến trường kia không phải trò đùa, mỗi ngày anh đều sợ mai kia rồi sẽ không còn được gặp lại em nữa. Lần thứ hai về phép, anh không còn nước mắt ngắn nước mắt dài, anh mang một nhánh lan rừng về làm quà cho em, vui vẻ cùng em tận hưởng hết những ngày hiếm hoi ấy. Lần thứ ba về phép, sau khi giáp mặt trực tiếp với cái chết, Đế Nỗ nhận ra Tại Dân quan trọng đến nhường nào. Sau nhiều ngày chiến đấu, anh sâu sắc cảm nhận được mình đã và đang hành động vì điều gì, vì Tổ Quốc thân yêu, vì miền Nam ruột thịt, vì hậu phương lớn phía sau lưng và đặc biệt là vì em, La Tại Dân.
Anh ra đi bảo vệ Tổ quốc, vì Tổ quốc đó có em.
-Ý ông bà đây thế nào? -Bố Lý lại tiếp tục cuộc trò chuyện thuộc thẩm quyền của những người lớn tuổi. Từ lúc bắt đầu đến tận lúc này đây, ông điềm nhiên đến lạ lùng.
-Hai đứa thực sự thương nhau? -Bố La xác nhận lại lần nữa thông tin mình vừa tiếp nhận, có lẽ ông không nghe rõ hoặc có lẽ ông đã nghe rõ nhưng chưa muốn tin đó là sự thật.
Bố mẹ La từ bé đã chiều chuộng Tại Dân vì em là đứa con trai độc nhất trong nhà. Cô dì chú bác nội ngoại cũng chẳng nỡ nặng lời với em vì em là đứa cháu đích tôn, lại ngoan ngoãn học giỏi. Em tự biết mình là ai nên chưa bao giờ dám làm điều gì mất mặt bố mẹ, dòng họ. Nhưng Tại Dân chỉ xin lần ngoại lệ này mà thôi, em muốn sống cuộc đời mà em hằng ao ước, muốn một lần được chìm đắm vào thứ tình yêu dù có thể là sai trái này. Em sẽ yêu mà không hề hối tiếc.
-Bọn con thực sự thương nhau!
Em không còn cúi đầu, co rúm sợ sệt. Lần đầu tiên em chắc chắn về một điều gì đó đến như vậy. Phải, em đã đặt cược tất cả vào tình yêu này, những cơn ác mộng chập chờn hay những nỗi ám ảnh luôn hiện hữu quanh em là minh chứng rõ ràng nhất cho việc em thương Đế Nỗ nhiều đến nhường nào. Có thể anh sẽ thoáng ngạc nhiên về bộ dạng can đảm kia của em, nhưng anh biết rằng em cũng giống như anh. Em yêu anh, em thương anh, và sẽ vì anh mà làm bất cứ điều gì. Giống như anh xông pha ra nơi tiền tuyến, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ những giấc mơ em luôn ấp ủ. Anh không tiếc tuổi xuân của mình cho quê hương, không tiếc hoài bão còn dang dở cho em được miệt mài nơi giảng đường.
Lý Đế Nỗ không có gì nhiều nhặn, nhưng tất cả những gì anh có đều dành hết cho La Tại Dân.
-Chuyện cưới xin thì sao? -Mẹ Lý cũng lên tiếng khi thấy hai đứa con nhỏ trước mặt ra sức bảo vệ tình yêu vụng dại của mình.
Mẹ Lý thương Dân lắm. Từ bé mẹ đã thương em rồi, khi Đế Nỗ lên đường ra trận, mẹ lại càng thương em hơn. Em cũng thương bố mẹ Lý nhiều, vì dù thế nào đi nữa, em vẫn cảm thấy mình có trách nhiệm thay Đế Nỗ chăm sóc bố mẹ còn ở nhà. Có vậy anh mới vững tay súng chiến đấu giết giặc mà trở về an toàn với gia đình và với em.
Nghe mẹ hỏi, em và anh nhìn nhau ái ngại. Em còn lạ gì thói đời, chuyện em và anh bên nhau người ta đã gièm pha dị nghị. Thương đấy, yêu đấy, nhưng có mấy ai công nhận tình yêu của anh và em? Dù cho bố mẹ hai bên chấp nhận, chẳng thể tổ chức rình rang như những cặp đôi khác, cũng chẳng có gì chứng thực cho mối quan hệ của anh và em.
-Bao giờ thống nhất bọn con sẽ về sống cùng với nhau. -Đế Nỗ thôi nhìn em, có lẽ anh áy náy vì chẳng thể cho em nhiều hơn những thứ em xứng đáng nhận được. -Bọn con chỉ cần bố mẹ chấp thuận thôi ạ.
-Nếu ông bà La đã không có ý kiến gì, thì thôi vậy. -Bố Lý rót thêm chè vào chiếc chén sớm vơi của mình, lại quay sang mẹ Lý. -Bà ra vườn bắt con gà để cúng, nhân lúc đông đủ gia đình hai bên tôi báo cáo với các cụ.
Có lẽ ngày đó là ngày hạnh phúc nhất đời em, còn hơn cả ngày em chính thức trở thành sinh viên Đại học. Anh thấy không, Tại Dân em chỉ cần anh, cần bố mẹ chấp thuận tác thành cho hai đứa, vậy là đủ rồi. Đế Nỗ và Tại Dân đứng bên nhau, ngay sau bố Lý, kính cẩn chắp tay trước bàn thờ tổ tiên, thành tâm cầu khấn cho tình yêu của hai người.
-Hôm nay, ngày mùng hai tháng Giêng năm Kỷ Dậu, được sự đồng ý của gia đình hai bên, chúng con thưa với chư vị tổ tiên chuyện của hai cháu Lý Đế Nỗ và La Tại Dân. Thời buổi loạn lạc, kính mong chư vị tổ tiên tha lỗi cho chúng con không thể bày lễ chu toàn. Kính mong chư vị tổ tiên cũng chấp thuận mà tác thành cho hai cháu, phù hộ hai cháu bình an, mạnh khỏe, khi hòa bình lập lại có thể về ở với nhau trăm năm hạnh phúc.
Em không cần gì cao sang, chỉ mưu cầu điều cơ bản nhất là "hạnh phúc". Tại Dân thương Đế Nỗ, trời biết, đất biết, tổ tiên, bố mẹ hai bên đều biết. Em chẳng còn bận tâm tới miệng đời ngoài kia nói gì, cũng chẳng cần tờ giấy vô tri vô giác làm vật xác nhận. Em chỉ muốn ngày thống nhất đến thật nhanh để anh của em có thể trở về, quay lại giảng đường thực hiện ước mơ dang dở.
Em và anh sẽ cứ thế, lại bình bình ổn ổn ở bên nhau.
-------
-Anh Dân đi bộ đội ạ?
Lần đầu tiên em hiểu được cảm giác của anh trước ngày lên đường ra trận. Bỏ lại sau lưng là gia đình thân yêu, là giàng đường thơm mùi sách mới, em khoác lên mình tấm áo xanh hy vọng, đội mũ tai bèo vượt Trường Sơn. Hóa ra anh của em đã từng như thế, từng háo hức cồn cào ruột gan, cũng từng tiếc nuối những ước mơ còn dang dở.
-Anh đi thanh niên xung phong.
Thằng Thành vẫn ngồi ở đầu xóm, bên cạnh cái hầm trú ẩn cá nhân. Dạo này thằng bé có bạn mới, tên là Lạc, hai đứa trẻ cứ ngồi trông về phía xa, nơi dân quân xã đang tất bật ngụy trang cho mấy khẩu pháo cao xạ. Nhìn chúng hồn nhiên nói về ước mong bắn rơi máy bay Mĩ, em lại nhớ đến em và anh của những ngày đã xa...
"Hà Nội ngày 23 tháng 4 năm 1969
Anh yêu quý của em!
Hôm nay em đã nhận được giấy báo đi thanh niên xung phong anh ạ. Không biết đến bao giờ mới ổn định để viết thư cho anh, nên giờ em phải tranh thủ chút thời gian.
Lúc biết em quyết định đi B, mẹ em và mẹ anh có vẻ buồn lắm. Nhiều bạn bè cũng vậy, họ nói không phải cứ ra chiến trường mới là anh hùng dân tộc, em là sinh viên Văn khoa, chỉ biết cầm bút chứ sao thể cầm súng, ở hậu phương chăm chỉ học hành, sau này viết báo phục vụ bà con. Nhưng anh ơi, em ra đi đâu phải để trở thành anh hùng dân tộc, ngày ấy anh đi anh cũng nghĩ vậy mà phải không anh? Anh ra đi là để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ em. Em cũng ra đi để bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ anh. Em không nói với anh từ đầu vì em sợ anh sẽ không đồng ý rồi giận dỗi em. Em biết anh luôn mong cho em những điều bình an nhất, muốn em được tung cánh bay cao với ước mơ của mình. Nỗ này, anh có biết chăng ước mơ lớn nhất đời em là được ở bên anh đến khi ngừng hơi thở. Còn những ước mơ kia, mình có cả đời này để thực hiện không phải sao anh?
Anh bảo rằng chúng ta xa nhau nhưng vẫn chung một ánh trăng bạc, nỗi nhớ sẽ thôi khắc khoải nếu em nhìn lên bầu trời cao. Em đã thử, nhưng em chỉ thấy ở phía xa xa sáng rực cả góc trời là những đợt rải bom của bọn Mĩ, anh nơi đó chẳng biết có bình an không? Cứ nghĩ thôi là tim em quặn lại đến nỗi gần như không thở được. Anh kể với em nơi ấy khói lửa mịt mù, cái chết kề cận kế bên, bao gian khổ khó khăn vây lấy mình. Anh không muốn em phải chịu khổ, em cứ ở nhà đợi anh về. Cơ mà ai chẳng khổ hả anh? Theo kiểu này hay kiểu khác, ai chẳng khổ. Mỗi khi nghe tin chiến trận đều đều phát trên cái đài cát sét anh tặng em, em lại thấy mình cũng khổ sở lắm anh à. Khổ sở vật lộn với nỗi nhớ anh, với nỗi ám ảnh rằng mình sẽ mất anh mãi mãi vào một ngày nào đó.
Vậy nên em đi, đi để được gần anh của em hơn một chút. Gian khổ khó khăn em không ngại, miễn được chia sẻ phần nào đó những điều kinh khủng mà anh và đồng đội đang oằn mình gánh chịu là em yên lòng rồi. Em bấu víu vào một điều gì đó để có cảm giác mình vẫn còn tồn tại, chỉ khi nào được trải qua những điều anh từng kể, em mới thấy mình gần anh hơn.
Ngày mai em lên tàu anh ạ. Hôm nay em đã chào bố, chào mẹ, chào tạm biệt thầy cô bạn bè. Cái đài cát sét em cũng cho cu Thành rồi. Hành trang em mang theo chỉ giống anh ngày ấy thôi, một vài bộ quần áo, bút, sổ tay để viết thư cho anh và mọi người ở nhà. Thứ giá trị nhất em có là tình yêu dành cho anh, lúc nào cũng cháy rực trong tim này, em có đi tới chân trời góc bể thì nó cũng như vậy. Nên anh không cần sợ em quên mất đâu anh nhé.
Chắc phải mất một thời gian nữa mới có thể ổn định đơn vị. Khi nào tới đó em sẽ viết thư báo cho anh, anh đừng lo lắng cho em nhiều. Biết đâu ta sẽ gặp nhau khi em vừa vào đến Trường Sơn thôi, anh phải chuẩn bị tinh thần để đón em đấy! Mong cầu mọi điều tốt đẹp nhất đến với đôi ta.
Hôn anh.
Em của anh
Dân"
-------
Hôm nay Trường Sơn mưa như trút nước, em ngồi bên ánh lửa nhập nhèm của chiếc đèn dầu, viết những dòng thư gửi tới người em thương.
Tròn ba tháng kể từ ngày em đi, cuối cùng em cũng dần hiểu được anh của em đã phải trải qua những gì. Trong bức thư nào đó mà chẳng biết đã tới được tay anh chưa, em hỏi anh sức mạnh nào đã giúp anh vượt qua những điều kinh khủng kia. Em ngẫm, em nghĩ, cuối cùng em vẫn chẳng hiểu nổi anh làm sao có thể kiên cường bám trụ hơn hai năm qua. Còn em, em chỉ vì anh, vì một ngày nước nhà thống nhất anh sẽ cùng em trở về với bình yên.
-Đúng là sinh viên khoa Văn có khác, ngày nào cũng ghi ghi viết viết!
Lúc em báo với bố mẹ và anh rằng em được phân vào đơn vị chuyên đi rà phá bom mìn, ai cũng lo lắng cho em không ngừng. Bức thư hồi đáp đầu tiên em nhận được từ anh, chỉ nhìn nó thôi em cũng biết anh đã khóc. Tất cả những gì em có là nhiệt huyết hừng hực chảy trong người, là đôi bàn tay quen cầm bút lâu nay viết lên những áng văn hay nhất đời anh. Giờ đây chính đôi tay trần ấy lại rà soát để phá những quả bom cay nghiệt kia, đảm bảo an toàn cho hàng nghìn chuyến xe lên đường vào Nam chiến đấu. Anh sợ chỉ sau một tiếng nổ thôi cũng khiến em bỏ anh đi tới thế giới mới. Anh xin một lần được ích kỷ, trách người đã phân em vào đơn vị đầy nguy hiểm ấy. Em thì lại trách yêu anh rằng ai cũng như anh thì lấy đâu ra người làm nhiệm vụ! Anh khóc, em cũng đau lòng mà...
Từ đó về sau, mỗi bức thư anh gửi tới em, anh đều nhắn: "Đừng chết em nhé."
-Cậu thì không chắc?
Ở đây không có anh, nhưng có ánh trăng bạc, có đồng đội bầu bạn kế bên. Em chỉ hơi nhớ anh thôi, chứ em không buồn nữa. Em quen được Đông Hách, bằng tuổi em và anh, cậu ấy vui tươi và lạc quan như ánh mặt trời. Nhưng cứ khi nào em viết thư cho anh, cậu ấy lại trêu em có tâm tư gì mà viết lắm thế!
-Tôi có, nhưng người yêu tôi không như người yêu cậu ở hậu phương đợi cậu về đâu. Viết nhiều nữa cũng chưa chắc người ấy nhận được. -Đông Hách tựa vào cột nhà, tặc lưỡi.
-Người yêu tôi không ở hậu phương, ở tiền tuyến.
Tại Dân lắc đầu cười với người đồng đội của em. Mải đắm chìm trong tình yêu mà em nhất thời quên mất, hóa ra tình yêu của em và Đế Nỗ lại đặc biệt tới vậy. Khi một người con trai lên đường ra trận, phía sau lưng họ có thể là gia đình, có thể là người mình thương ở hậu phương ngày đêm mong ngóng. Điều đó từng đúng với Đế Nỗ của em, nhưng nó lại chẳng đúng với em một ngày nào cả, giờ đây còn không đúng với cả anh nữa. Ngày em nối bước anh lên đường, chẳng phải đúng mà cũng chẳng phải sai, em và anh đã sát cánh bên nhau, cùng nhau xông pha nơi tiền tuyến khói lửa mịt mù.
-Anh ấy cũng ở trong này, là lính chiến đấy!
Đến cái chết em còn chẳng sợ, thì vài lời dị nghị của miệng đời ngoài kia có là gì với em đâu. Giờ em ở đây, được đồng đội quý mà bao bọc, được dân thương mà cho nơi ăn chốn ở. Em đã trưởng thành thật tốt và anh của em cũng như vậy. Em lớn lên với tình yêu của hai đứa, vậy có gì mà em không dám tự hào? Tại Dân em sẽ nói với tất cả mọi người về anh, người em yêu say đắm, về người đã vì em mà hy sinh cả tương lai xán lạn phía trước. Em mặc kệ người đồng đội của em nghĩ gì, em chỉ biết rằng em yêu anh, và em muốn kể về anh mà thôi.
-Cậu... -Đông Hách mắt tròn mắt dẹt nhìn em, mất một lúc mới nói được câu hoàn chỉnh. -Lý Đế Nỗ! Cậu viết cho Lý Đế Nỗ đúng không?
"Trường Sơn ngày 25 tháng 7 năm 1969
Đế Nỗ, anh có thấy Trái Đất này lắm sự trùng hợp đến thế không? Năm đó là trùng hợp đi nhầm đôi giày của em ở lớp mẫu giáo, thế nên anh mới thương em tới tận bây giờ. Năm nay, dưới cơn mưa mùa hạ giữa núi rừng Trường Sơn, thật trùng hợp làm sao khi người em thương lại là đồng đội của người mà đồng đội em thương."
Chúng ta không dám nhận rằng chúng ta dũng cảm. Chúng ta chỉ dám nhận rằng chúng ta đã yêu không hề hối tiếc.
-------
Đột nhiên em nhớ bố, nhớ mẹ và nhớ anh quá! Em nhớ ngày anh và em cùng nhau ngồi bên bờ hồ ngắm nhìn đường phố của Thủ đô ta, em nhớ ngày anh và em cùng nhau đi mua đào về trưng đón Tết, em cũng nhớ ngày anh và em đứng bên nhau, ngay trước bàn thờ tổ tiên xin được bề trên tác thành chuyện hai đứa.
-Dân! Dân, cậu có nghe tôi nói gì không?
Đêm nay em mê man trong cơn sốt rét rừng, cả người em cứ run bần bật, trán lấm tấm mồ hôi lạnh, đầu óc mụ mị nửa tỉnh nửa mê. Đông Hách và đồng đội cạnh em ai cũng lo lắng, tìm mọi cách giữ em tỉnh táo. À, hóa ra anh của em từng như thế đấy và anh của em đã vượt qua rất kiên cường mà. Em cũng phải cố lên thôi. Em phải cố lên, phải đợi được đến ngày toàn thắng, đợi để về với anh, với bố mẹ, với phố nhỏ của đôi ta chứ anh nhỉ?
Ngày em còn bé, em nhỏ xíu như cái kẹo, lại còn hay ốm vặt. Anh biết điều đó, nên anh luôn dịu dàng với em, chăm sóc em từng ly từng tí một. Khi em lớn, em không còn bé xíu như cái kẹo nữa, nhưng em vẫn hay ốm vặt, có khi chỉ hơi chuyển lạnh một chút thôi là em sẽ sốt li bì cả tuần lễ. Anh vẫn thế, vẫn kiên nhẫn với em, nhiều đêm còn trốn mẹ sang nhà, xoa xoa lưng cho em dễ ngủ rồi mới rón rén quay về. May mà anh đi những hai năm, em dần quên cảm giác ấy, không thì những lúc thế này, em chẳng đủ mạnh mẽ để chịu đựng một mình mất anh ơi.
Trong cơn mê man, em như tưởng tượng được anh đang ở trước mặt mình, nở nụ cười hiền như anh vẫn thường làm với em. Rồi bóng hình anh lại mờ dần, mờ dần và biến mất...
Em không biết thứ rơi đầy mặt em đêm ấy là mồ hồi hay là nước mắt?
Nếu Đế Nỗ ở đây, anh phải tự hào về Tại Dân của anh thật nhiều. Em đã dần tỉnh lại sau cả đêm dài mụ mị mê man, và em biết mình lại phải tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. Em sẽ làm thật tốt, bảo vệ những đoàn xe và những binh đoàn hành quân qua nơi đơn vị em phụ trách. Ở nơi nào đó dọc tuyến đường Trường Sơn này, em cũng mong anh của em được ai đó bảo vệ, an toàn thực hiện thật tốt nhiệm vụ được giao.
-Cả đêm qua cậu cứ gọi tên Lý Đế Nỗ đấy. -Đông Hách nhìn em cười tủm tỉm. -Sau này hai người định thế nào?
-Khi nào thống nhất chúng tôi sẽ về sống với nhau. Thế thôi.
Em từng băn khoăn mãi mỗi khi nghe câu hỏi này. Nhưng giờ đây, em không còn ngần ngại gì nữa, vì em và anh đã có một lời thề trong trái tim mỗi người từ lâu lắm rồi.
"Trường Sơn ngày 25 tháng 8 năm 1969
Cuối cùng em cũng biết sốt rét rừng mà anh hay kể nó như thế nào rồi anh ạ. Tệ thật anh nhỉ? Nhưng anh đừng lo, em của anh mạnh mẽ lắm mà, em bây giờ đã khỏe lại rồi, không sao đâu anh.
Lúc bé, em và anh cùng nhau đi sơ tán, anh có nhớ em đã khóc thét lên khi thấy những xác người bị bom Mỹ oanh tạc chẳng còn nguyên vẹn không anh? Em chưa kể đâu, hồi đầu vào đây em cũng sợ lắm, nhưng như anh nói đấy, nhiều rồi cũng thành quen. Ở cái nơi phải giành giật sự sống từng giây từng phút này, em cuối cùng cũng hiểu vì sao mỗi lần về phép là mỗi lần anh đổi khác. Chiều qua, sau trận rải thảm của máy bay, em cứ nghĩ mình chẳng thể sống nổi nữa, nhưng hóa ra em còn may mắn chán anh ạ. Em vẫn còn sống, vẫn đều đặn viết thư cho anh. Em cũng chẳng mong gì nhiều nhặn hơn thế."
-------
Gần đây Tại Dân thấy là lạ, em không còn thấy Mỹ ném bom nhiều như trước. Chả nhẽ ở mặt trận chính trị có gì mới mà chưa kịp đến tai những người bám rừng bám suối như các em à? Sáng nay, Đông Hách bất cẩn chạm vào cái đèn dầu, làm nó rơi xuống vỡ choang, mảnh thủy tinh văng tung tóe. Cậu lính mới Nhân Tuấn bảo với mấy người khác là có điềm chẳng lành đấy. Nhưng em không tin đâu, ngày nào cũng gặp mặt Thần Chết thì có điều gì mà lành với chả không.
Thư của anh tới tay em thưa dần, em buồn lắm, cứ hễ rảnh hết viết lại lấy thư cũ ra đọc, đọc đến nỗi thuộc hết những dòng tâm tư của anh. Ngày ngày em vẫn đi rà phá bom mìn, khi nào lực lượng vận tải thiếu người, em lại cùng đồng đội gùi gạo, tiếp đạn cho chiến trường phía trước. Hồi còn ở nhà em chẳng nghĩ mình có thể làm được những việc ấy, vậy mà từ khi vào đây, em không ngại việc gì, miễn sao chi viện nhanh nhất cho những người ở tuyến trên thì em sẵn sàng làm hết.
Như anh của em từng nói: chỉ cần sống có lý tưởng, mọi khó khăn gian khổ đều sẽ vượt qua.
"Trường Sơn ngày 15 tháng 9 năm 1969
Anh ở đó có ổn không anh? Dạo này thư anh không tới, em bồn chồn không yên cả ngày dài. Mẹ gửi thư vào bảo ở nhà vẫn ổn, hai đứa chúng mình không cần phải lo. Bố anh và bố em vẫn cứ ra ra vào vào chiến trường thế thôi, dạo này hai người bận rộn lắm. Nếu vậy thì ngày thống nhất sẽ không còn xa đâu anh nhỉ? Rồi anh và em sẽ trở về, lại tiếp tục ước mơ miệt mài trên giảng đường Đại học. Anh thấy chưa, em đã bảo chúng ta còn cả đời để thực hiện những điều đó cơ mà!"
Em ơi đợi anh về
Đợi anh hoài em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có buồn lê thê
-------
-Hách, có thư của tôi không?
Lúc em gánh nước về cũng là lúc em thấy mấy người đồng đội chia nhau vài lá thư vừa được chuyển tới. Đã hai tháng rồi em không nhận thư anh, giống như việc quen với sương gió Trường Sơn, em nghĩ em sẽ dần quen cảm giác thiếu vắng những cánh thư anh. Nhưng hóa ra em đã nhầm. La Tại Dân dù có ở đây thêm hai năm hay hai mươi năm nữa, em mãi mãi chẳng thể chịu nổi cảm giác lạc lõng, chơi vơi trong nỗi nhớ anh vô bờ.
Anh ơi, anh đã làm thế nào để vượt qua trong ngần ấy thời gian hả anh?
-Không có...
Đông Hách là người thân với em nhất, có lẽ vì em và cậu giống nhau về quá nhiều thứ, nên dễ dàng tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn. Cậu biết em ngóng thư anh, nên khi em hỏi cậu cũng chỉ đáp lại với ánh mắt đượm buồn. Hôm nay, người thương của cậu- Minh Hưởng có gửi thư về. Em thắc mắc tại sao anh thì không? Là do đường chuyển thư bị nghẽn, là do anh gửi người quen nào đó chưa kịp tới được tay em, hay là do anh không viết?
Anh của em sẽ không tệ thế đâu, anh thương em nhất mà, em hiểu rõ hơn bất kì ai trên thế gian này về điều đó.
"Trường Sơn ngày 13 tháng 8 năm 1969
Em của anh.
Chiều nay anh vừa nhận thư em rồi. Lần này nhanh thật, mới có mấy ngày thôi mà quân bưu đã chuyển thư tới. Cảm ơn Trời vì em của anh vẫn an toàn.
Em đã quen với nắng gió Trường Sơn chưa? Tháng 7 vừa rồi nắng gay gắt, anh chỉ sợ em không quen rồi đổ bệnh. Làm gì thì làm, nhưng phải giữ gìn sức khỏe em nhé. Còn sức khỏe thì mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao em ạ.
Anh ở đây vẫn ổn, em đừng lo cho anh. Thế giới này kể ra cũng lắm chuyện trùng hợp, anh chỉ kể với anh Minh Hưởng về em thôi, vậy mà không ngờ em lại cùng đơn vị với người thương của anh ấy. Anh ấy bảo đó là duyên, hẹn ngày thống nhất sẽ đến chỗ chúng ta chơi một chuyến. Em của anh chắc sẽ không từ chối đâu em nhỉ?
Hai ngày nay nó tập trung thả bom dọc khu vực đơn vị anh đóng quân, có một lần anh còn giáp mặt với cả lính Lôi Hổ nữa. Nhưng không sao, mọi chuyện vẫn trong tầm kiểm soát của ta, thương vong có nhưng không nhiều. Chỉ là khi tự tay chôn xác đồng đội, anh vẫn chẳng kìm được cảm giác rợn người đau thương ấy mà thôi. Đột nhiên anh nhớ đến em, ngày bé đứng nép sau lưng anh, khóc thét lên khi thấy xác người la liệt sau trận rải thảm của bọn Mỹ. Ở nơi mưa bom bão đạn này, hẳn em cũng lại thấy cảnh đấy rồi em nhỉ? Chiến tranh chẳng có gì tốt đẹp, nó chỉ mang lại mất mát đau thương. Anh biết, anh hiểu. Em từng nói với anh dù con người ta đã sống thật tử tế hay sống thật tồi tệ, chiến tranh cũng không có quyền cướp đi sinh mệnh của họ. Huống hồ chi những người đồng đội bên anh và bên em, những người đã sống cả đời với lý tưởng Cách mạng rực cháy lại phải ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ.
Nhưng em ơi, để đi được đến ngày toàn thắng, hy sinh mất mát là điều đâu ai tránh được. Em có thể sẽ sợ hãi, có thể sẽ đau lòng, những hãy mạnh mẽ lên em nhé. Em hãy cứ tin rằng họ đã hy sinh thật vẻ vang, nguyện vọng của họ là ngày nước nhà thống nhất, non sông nối liền một dải từ Bắc chí Nam, những người ở lại như chúng ta phải thay họ hoàn thành nốt nguyện vọng cao cả đó. Em nhé!
Mẹ gửi thư nhà, hỏi khi nào anh và em được về phép. Em thế nào? Còn anh cũng chưa biết bao giờ mới được gặp lại em, gặp lại bố mẹ. Nếu em có về thì gửi lời hỏi thăm sức khỏe đến bố mẹ giúp anh, anh sẽ về sớm thôi, nhưng tạm thời chưa phải là lúc này em ạ. À, nếu có nhớ anh, em đừng khóc, chỉ cần ngước nhìn lên bầu trời kia thôi. Không còn là ánh trăng cách biệt trên bầu trời Hà Nội và Trường Sơn nữa đâu em. Anh và em giờ đây đã chung nhau một bầu trời rồi đấy. Đêm nào anh cũng ngắm trăng, rồi tưởng tượng ra em đang ở ngay kế bên mình. Nhớ đừng khóc, nước mắt em rơi làm anh đau lòng lắm em ơi.
Anh tin ngày thống nhất sẽ đến nhanh thôi. Anh và em sẽ cùng trở về hòa mình vào cái náo nức của Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi đôi ta sinh ra, lớn lên, trao nhau trọn một tình yêu. Hứa với anh, đừng chết em nhé, đừng bỏ anh lại thế gian này mà tội anh.
Người thương em rất nhiều
Đế Nỗ"
Tin Anh dù vắng vẻ,
Lòng ai dù tái tê
Chẳng mong chi ngày về
Thì Em ơi, cứ đợi.
-------
Em rời quê nhà, rời phố nhỏ nuôi lớn đôi ta vào một ngày mùa xuân ngập nắng. Thấm thoát hè về, thu qua, đông cũng lại đến rồi, vậy mà em vẫn chưa nhận được tin anh.
Người ta bảo em có tâm hồn bay bổng, phóng khoáng, đầy tự do, em nhẹ nhàng như một cơn gió lướt qua chốn trần gian tràn ngập đau thương này, em thánh thiện như một thiên thần, chưa ai thấy em tức giận hay lớn tiếng bao giờ. Anh cũng vậy, anh luôn nói rằng em là người dịu dàng nhất thế gian, là chàng thơ của đời anh. Em đã nghĩ mình thật sự sẽ sống như thế suốt cả cuộc đời dài, vì đâu có việc gì khiến em phải bực mình hay mất kiểm soát. Nhưng em sai rồi anh ơi. Những ngày gần đây em như phát điên lên khi anh chẳng có lấy một mẩu tin nhỏ gửi về. Em hỏi thăm hết người này tới người kia, họ đều không biết anh của em hiện đang ở nơi nào, có bình an hay không.
Tâm hồn em thôi bay bổng, cũng chẳng chạm đất, nó đã tụt xuống tận những hố bom sâu hoắm kia rồi.
Lá thư cuối em nhận được từ anh, em đã thuộc lòng. Em đọc nó nhiều tới nỗi tờ giấy xé vội từ sổ tay anh mềm oặt, thấm đẫm nước mắt của em. Anh bảo em rằng đừng khóc, anh sẽ đau lòng nhiều lắm. Nhưng em biết phải làm gì khác ngoài khóc bây giờ? Mây che mất trăng rồi anh ạ, những cột khói bốc lên ngùn ngùn sau những đợt oanh tạc của máy bay hay những đốm lửa đến cùng âm thanh xé toạc bầu trời đã che mất trăng của em và của anh, đuổi nó đến miền xa thẳm nào đó chẳng thể gọi tên.
Anh có thương em, thì anh hãy hồi đáp cho em một mẩu tin nhỏ nhoi thôi cũng được.
-Anh Hưởng, em không thấy Đế Nỗ nhà em. Anh ấy điều chuyển sang đơn vị khác rồi ạ?
Hôm nay đơn vị anh nghỉ lại ở nơi đơn vị em đóng. Đông Hách gặp Minh Hưởng thì mừng lắm, cười tít mắt, đàn hát chẳng thua gì bên văn công. Còn em... em ngóng anh mãi mà chẳng thấy bóng dáng anh đâu...
-Em không nói với Dân à?
Minh Hưởng tròn mắt nhìn Đông Hách, còn người đồng đội lại nhìn em với ánh mắt đượm buồn như bao lần em hỏi về tin anh. Em không hiểu ánh mắt của hai người họ mang theo ý gì, em cứ đứng đó, nở nụ cười thật tươi. Lúc còn ở nhà, em hay nghĩ đến mấy chuyện tiêu cực lắm, em nghĩ rằng em sẽ mất anh, em sẽ cô đơn giữa thế gian này. Nhưng từ khi em vào đây, em bắt đầu suy nghĩ tích cực hơn. Ai rồi cũng phải đối mặt với cái chết, không là một lần thì là nhiều lần. Anh của em giỏi thế cơ mà, anh của em thương em thế cơ mà, anh của em đã hứa rồi cơ mà.
Anh của em sẽ bình an trở về với em thôi!
-Tại Dân, tôi xin lỗi vì đã giấu cậu chuyện này. -Đông Hách đứng lên, không dám nhìn thẳng vào mắt em mà nói chuyện.
-Đế Nỗ... đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ rồi Tại Dân à...
Em ho sặc sụa mấy tiếng, Đông Hách vội tiến đến định đỡ em. Trời trở lạnh, em lại ốm sốt, sụt sùi suốt tuần nay. Em gầy rộc cả đi, mặt mũi tái nhợt không còn sức sống. Tại Dân lùi lại, tỏ ý đồng đội không cần phải lo cho mình. Đế Nỗ thấy không, xa anh lâu như vậy em đã triệt để học được cách mạnh mẽ rồi đấy.
-... Lúc nào ạ?
-Ngày 31 tháng 8.
Đế Nỗ có biết hôm nay là ngày bao nhiêu rồi không? Hôm nay đã là ngày 24 tháng 12 rồi đấy. Trời lạnh lắm anh ơi, trái tim em cũng lạnh. Anh nói anh thương em nhất mà, vậy anh hãy đến và ôm em vào lòng như ngàn lần anh từng làm đi anh.
Thư nhà em vẫn nhận được đều đều, mẹ anh còn nhờ người gửi cho em cùng đồng đội một ít bánh kẹo từ thành phố vào tận núi rừng Trường Sơn. Em đã không nhận ra điều gì bất thường cho đến hôm nay- ngày em biết tin anh của em đã rời xa em mãi mãi. Mẹ nói mẹ thương em, dặn dò em phải giữ gìn sức khỏe, lạnh phải tìm thêm áo để mặc kẻo lại ốm, đừng vì vội làm việc gì đó mà bỏ bê bản thân. Em nghĩ rằng những con chữ bị nhòe đi là do mưa gió, nhưng hóa ra đó là những giọt nước mắt của mẹ. Vậy chắc ở nhà cũng biết tin rồi, thế mà lại giấu em.
Tại Dân quay lưng đi, tách khỏi mọi người đang đàn hát vui vẻ. Em nằm xuống cái giường tạm bợ đã gắn bó với em gần năm nay, quay mặt vào vách nhà lặng lẽ rơi nước mắt. Lý trí em biết anh của em đã đi rồi, nhưng trái tim em lại không thể chấp nhận được thực tại tàn nhẫn đó. Anh nằm lạnh lẽo nơi binh lửa, không ai còn nhớ tới cái tên Đế Nỗ nữa, vì mỗi ngày có hàng chục thậm chí hàng trăm người hy sinh. Rõ ràng em từng biết tất cả về anh, em yêu anh say đắm, thương anh như biển rộng sao trời, thế mà chính em cũng không biết anh đang ở nơi nao.
-Anh tệ lắm Nỗ ạ...
Em bám víu vào điều gì đó để cảm giác mình còn tồn tại. "Điều gì đó" chính là anh, là những cánh thư anh gửi về cho em dù ít dù nhiều. Anh bảo em đừng chết, đừng bỏ lại anh mà tội. Em đã chết đâu, em vẫn ở đây cơ mà, sao anh lại nhẫn tâm bỏ em đi không một lời từ biệt như thế? Anh hứa sẽ cùng em rong ruổi khắp phố phường Hà Nội, cùng em lên giảng đường Đại học tiếp tục ước mơ, cùng em đi đến ngày toàn thắng mà sống trọn một đời người. Em nghe, em tin, em hạnh phúc xiết bao khi nghĩ về khung cảnh đơn sơ giản dị ấy của đôi chúng mình.
Rồi nỗi ám ảnh của em hóa ra cũng đến hồi kết, một cái kết sớm quá anh ạ. Sẽ chẳng còn gì khiến em phải giật mình tỉnh khỏi cơn ác mộng giữa đêm khuya. Vì ngày cuối cùng của tháng 8 ấy em đã mất anh, mất người em thương mãi mãi!
Mình còn cả đời để ở bên nhau, chỉ trách đời mình ngắn ngủi quá...
-Anh ơi... anh hứa anh sẽ về... em hứa em sẽ đợi. Mà sao anh không về... còn em vẫn cứ đợi?
-------
-Anh bộ đội với anh thanh niên xung phong tìm ai đấy ạ?
Thằng Thành và thằng Lạc ngồi ở đầu xóm ngắm nhìn Thủ đô sống trong những ngày lịch sử. Chúng nó thấy cờ hoa rợp trời, khắp mọi tuyến phố tàu xe tấp nập, ai ai cũng vui mừng vì miền Nam hoàn toàn giải phóng, cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã kết thúc thắng lợi.
-Sao em biết anh không phải bộ đội? -Cậu thanh niên xung phong tiến lại gần hai đứa trẻ.
-Vì em có một anh trai đi thanh niên xung phong và một anh trai đi bộ đội!
Theo lời của thằng Thành, hai người lạ mặt cùng nhau đi sâu vào xóm nhỏ, nằm lọt thỏm giữa Thủ đô. Dừng lại trước cổng hai căn nhà sát vách nhau, thằng Lạc nhanh nhảu dùng cái giọng trẻ con của mình giới thiệu:
-Nhà có sân rộng này là nhà anh Nỗ, còn nhà có dàn hoa giấy này là nhà anh Dân.
Có tình cảm nào chân thành được như tình đồng chí? Ngày ấy chỉ một câu nói vu vơ, vậy mà giờ đây, không quản đường xa, Đông Hách và Minh Hưởng vẫn tìm đến tận Thủ đô để thăm những người đồng đội cũ. Hai người may mắn không bị gì quá nghiêm trọng sau thời gian dài làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc. Chỉ Đông Hách có mảnh bom ghim sâu vào bả vai năm bảy mươi hai là vẫn nằm trong cơ thể. Cậu biết sau này, khi mình đi gần hết cây cầu mang tên "đời người", mảnh bom oan nghiệt kia sẽ hành hạ cậu. Nhưng họ còn trẻ mà, còn trở về sau chiến tranh đã là may mắn lắm rồi.
Đế Nỗ từng viết thư cho Tại Dân, anh nói với em rằng khi chiến tranh ập đến, mất mát hy sinh là không thể tránh khỏi. Em chấp nhận điều đó vào ngày em chấp nhận mình đã mãi mãi mất anh. Và gia đình hai bên chấp nhận điều đó vào ngày họ mất cả anh và cả em. Mùa hè năm 1970, trong một lần làm nhiệm vụ, máy bay Mĩ từ đâu ập tới, rải thảm cả một đoàn đường dài chừng gần mười cây số. Dưới sức ép của bom, một con người nhỏ bé như em chẳng thể nào trụ nổi nữa, em ra đi khi em còn chưa kịp đón sinh nhật tuổi hai mươi của mình. Vậy là cả anh và cả em đều vĩnh viễn nằm lại Trường Sơn khi ta mười chín, độ tuổi lưng chừng.
Lưng chừng như chính cuộc đời của đôi ta.
Anh và em đã sống, đã yêu, vậy mà vẫn còn nhiều hối tiếc. Đến cuối cùng, anh và em cũng chẳng thể trở về với bình yên, với giảng đường, với phố nhỏ. Chiếc xe đạp cũ vẫn dựng nơi góc sân lâu rồi không ai dùng đến, chiếc bàn học cạnh cửa sổ em thường ngồi ngóng anh về cũng đã vắng bóng người, khoảng sân im lìm như thế mà cũng đã được sáu năm ròng.
Ngày nhận giấy báo tử của em, mẹ chúng ta đã khóc hết nước mắt, khóc đến độ ngất lịm đi vì kiệt sức. Vậy là đứa con trai cuối cùng của các mẹ cũng đã vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mà hy sinh. Kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, chao ôi nỗi xót xa đến vô cùng! Em cũng tệ thật anh nhỉ? Chúng ta đều tệ, chúng ta ra đi để bảo vệ hậu phương lớn phía sau, nơi có gia đình ta ở đó. Vậy mà không hẹn ngày về, chưa kịp báo đáp công ơn sinh thành , đôi ta đã đi, đi mãi đến tận cùng nhân gian, hóa thành vì sao sáng trên bầu trời hòa bình của đất nước. Anh và em có công với Tổ Quốc, nhưng lại có lỗi với bố mẹ của chúng ta, phải không anh?
Ai nói chiến tranh sẽ không thể tồn tại tình yêu? Ở những nơi ác liệt nhất, tình yêu vẫn có thể nở rộ rực rỡ như một đóa hoa, thậm chí còn vô cùng mãnh liệt và bền chặt. Ai đã đi qua chiến tranh mới biết tình yêu quý giá tới nhường nào, ai đã bị chiến tranh cướp mất người mình thương mới biết rằng những điều tưởng chừng đơn giản chỉ sau một cái chớp mắt sẽ rời xa tầm với. Có thể họ may mắn như Minh Hưởng và Đông Hách, vượt qua tất cả rồi trở về bên nhau giữa bình yên. Cũng có thể họ như anh và em, lạc nhau đâu đó nơi khói lửa mịt mù, rồi trở về với nhau trên những áng mây lững lờ. Khi con người ta đã yêu, chắc chắn họ sẽ quay về bên nhau, chỉ là không biết sẽ mất bao lâu để có thể làm được việc đó mà thôi.
Giữa thế kỷ XX cháy rực, anh và em đã "sống" nhưng "không cùng nhau".
Đi qua thế kỉ XX cháy rực, anh và em không "sống" nhưng "cùng nhau".
Ngày thống nhất đôi ta hằng mong đợi, chúng ta không ở đó, nhưng tình yêu của chúng ta vẫn luôn luôn ở đó.
_end_
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro