noi voi tuoi 20-6
NÓI VỚI TUỔI HAI MƯƠI
Thiền sư Nhất Hạnh
Sàigòn - Lá Bối - 1966
5b. Thương yêu ( tiếp )
Tình yêu có nghĩa rộng cho nên bản chất của tình yêu không thuần nhất. Tình yêu của con cái đối với cha mẹ chẳng hạn, lúc đã khôn lớn, không thể giống hắn như khi còn ấu thơ. Tôi muốn đàm luận đến tình yêu nam nữ ở đây nhưng tôi ngại em sẽ cho rằng tôi không có thẩm quyền bàn về nó.
Tôi không nhận rằng tôi có thẩm quyền, thực vậy, nhưng tôi nghĩ sẽ ít có ai tự cho là mình có đầy đủ thẩm quyền để nói về luyến ái. Tôi cho rằng ở tuổi em vấn đề luyến ái là một vấn đề lớn có liên hệ tới những vấn đề lớn khác và tôi chắc rằng em cũng đã có quan niệm của em. Tôi chỉ muốn trao đổi với em một ít nhận xét và hiểu biết. Ở tuổi em tình yêu nam nữ là một tiếng gọi lớn có khi lấn át những tiếng gọi khác. Tôi nói lấn át chứ không nói tiêu diệt. Ở tuổi em, em thấy rõ ràng tiếng gọi luyến ái mạnh hơn tiếng gọi của tình yêu cha mẹ. Điều đó không hẳn đã là một sự bội bạc. Ở cái tuổi đó tình nặng hơn hiếu, bởi vì tình là tình mà hiếu chỉ là hiếu, nói khác hơn tình là một thứ tình mới mà hiếu là một thứ tình đã nhạt bớt chất tình và thêm vào chất bổn phận, ân nghĩa. Như tôi đã nói, tình yêu có tác dụng rất lớn có thể chữa lành cho em nhiều thương tích nặng nề và giúp em thực hiện được việc lớn nữa nếu em biết chuẩn bị đón chờ nó, biết cách nhận diện nó, đi đôi với nó, bảo vệ, nuôi dưỡng và hướng dẫn nó. Tôi nghĩ rằng vào tuổi hai mươi người ta có thể chưa có đủ chín chắn và khôn ngoan để nuôi dưỡng và bảo vệ tình yêu nhưng không phải vì thế mà em phải coi tình yêu như một điều cấm ky. Chắc chắn là em sẽ vấp váp, khổ đau; nhưng không sao, nếu em biết rút kinh nghiệm để học tập và xây dựng cho tình yêu.
Tôi cho rằng không có một thứ tình cảm nào mà không có liên hệ đến sinh lý, kể cầm lòng thương xót, kể cả tình mẹ thương con. Chúng ta sinh ra như một hợp thể ngũ quan, vậy những nhu yếu của chúng ta đã được viết sẵn trong bản chất của hợp thể ấy, trong đó có phần sinh lý. Một bà mẹ yêu con, không thể sung sướng được một cách hoàn toàn nếu không được ôm con vào lòng mỗi khi bà muốn. Thấy một đứa trẻ mũm mĩm và ngoan ngoãn, ta cũng ưa gọi nó lại gần, hoặc bế nó. Thấy một đứa bé ngỗ nghịch, dơ bẩn, hôi hám mắt mũi lèm nhèm, ta không có cái ước muốn đó. Ngũ uẩn ta ưa thích những gì ngọt ngào, êm dịu, tươi mát, đằm thắm, đẹp đẽ. Đó là những nhu yếu tương đối gần nhất. Khi nào trí tuệ và tình cảm ta có những nhu yếu khám phá và yêu thương cao cả, thì tiếng gọi của những nhu yếu ấy sẽ thắng tiếng gọi của những nhu yếu gần gũi kia, và ta sẽ chấp nhận sự mệt nhọc, lo âu chịu đựng. Tình yêu nam nữ khởi sự là một nhu yếu gần gũi nhất với hợp thể ngũ uẩn còn mang nặng tính chất hưởng thụ nhưng có thể vươn tới giai đoạn tình cảm và nhận thức rất xa để biến thành cao cả, bất chấp những nhu yếu ban đầu. ở giai đoạn này con người có thể khinh thường sự hưởng thụ và chấp nhận được sự hy sinh, cũng như trong tình yêu tổ quốc và tình yêu danh dự. Khởi đầu, nó là một đam mê có tính cách ngũ uẩn tổng quát: chúng ta ưa chuộng những màu sắc đường nét, những cái duyên, những tài ba, những đức hạnh. Và nằm dưới những ưa chuộng đó là nhu yếu tự nhiên của sự bảo tồn chủng loại. Vậy tình yêu nam nữ bắt gốc trước tiên từ những nhu yếu sinh lý căn bản, gửi những cái rễ lớn trong các môi trường nhu yếu thẩm mỹ, trí tuệ, lý tưởng, ý chí và đạo đức để trưởng thành lớn lao Tính chất của tình yêu sẽ tùy thuộc ở những chiếc rễ nằm trong các môi trường đó. Nếu chiếc rễ ở môi trường sinh lý là chiếc rễ thu hút nhiều chất dinh dưỡng nhất thì cây tình yêu sẽ nặng về sinh lý. Nếu chiếc rễ ở môi trường lý tưởng thu hút nhiều chất dinh dưỡng nhất thì cây tình yêu sẽ nặng về lý tưởng v.v.. Không có trường hợp nào giống trường hợp nào. Chỉ có một vấn đề quan trọng? Tình yêu phải thực là một nhu yếu, Nghĩa là một nhu yếu nhắm tới sự xây đắp bảo vệ và mỹ hóa cho sự sống. Một đam mê làm xáo trộn sự sống, tàn phá sứckhỏe, tàn phá trí tuệ, tàn phá lý tưởng thì không phải thực sự là một nhu yếu của sự sống mà là một sức phá hoại. Đó là nguyên tắc phải theo. Nếu tình yêu mà mang dáng dấp của đau ốm, của u sầu, của sự chết thì đó là triệu chứng của một sức phá đổ. Như tình yêu mà khiến cho ta yêu đời, hăng hái, can đảm, cường tráng, biết hy sinh, thì đó là sự có mặt của sự xây dựng. Em hãy theo tiêu chuẩn đó để chuẩn bị, để nhận diện, đế đối phó, để bồi đắp, yếu tố lý trí có mặt trong tình yêu bởi vì một tình yêu đích thực là một tình yêu gói trọn bản thể em- nghĩa là khi yêu, em đem hết con người của em để đáp lại tiếng gọi của tình yêu, và như thế sắc thân, cảm giác, suy tưởng, ý chí và nhận thức đều có mặt. Nói tóm lại tình yêu phải biểu lộ sự sống vươn lên. Tình yêu chống lại với sự chết, và mạnh hơn sự chết. Tình yêu có quá trình sinh trưởng và hoại diệt của nó nên cũng giống như một cái cây cần được vun bón, tưới tẩm, che chở. Sự khôn ngoan, bản lĩnh và ý thức ở đây rất là cần thiết. Nếu em vụng về thì em sẽ làm đổ vỡ lung tung và em sẽ kết luận rằng yêu là khổ.Thực ra yêu cũng là khổ đấy, nhưng mà hầu hết những cái khổ kia đều do em tạo ra chứ chúng không phải là những cái khổ tất yếu phải có trong bất cứ tình yêu nào. Yêu thương theo nghĩa rộng là không công nhận ranh giới của một cái bản ngã. Tất cả mọi hiện tượng, kể cả con người, đều chỉ là những trung tâm quy tụ của nhũng điều kiện.Ví dụ cái bàn. Cái bàn chứng minh bằng tự thân nó, nơi tự thân nó sự có mặt của gỗ, của cưa, của đinh, của búa, của thời gian, của không gian, của người thợ mộc v.v.. Ngoài những điều kiện đó thì không thể có cái mà ta gọi là bàn. Vậy cái bàn chỉ có thể là cái bàn trong liên hệ nhân duyên với vũ trụ, chứ không thể là một cái bản - ngã - không - liên - hệ - gì - hết với những cái khác. Ý tưởng về bản ngã và ranh giới về bản ngã là nguyên do của sự cô đơn trống trải. Bằng con đường khám phá hoặc bằng con đường thương yêu, ta phá vỡ ý tưởng đó để thể nhập vào vũ trụ trong tương quan tồn tại của các hiện tượng trong nó. Vậy yêu thương, dù là chỉ yêu thương mới có một người, cũng là phá vỡ ranh giới tưởng tượng về một bản ngã để vươn tới nhận thức về sự tồn tại của một trong tất cả và của tất cả trong một. Do đó mà hôn nhân không phải là biện pháp thiết yếu để giải quyết tâm trạng cô đơn. Chỉ có tình yêu, bất cứ tình yêu nào, miễn là tình yêu lành mạnh, mới có thể giải quyết được cô đơn. Và cái cô đơn của con người chỉ có thể biến mất một cách tuyệt đối khi con người thấy mình sống trong hòa điệu lớn của vũ trụ, nghĩa là hiểu biết tất cả và thương yêu tất cả. Hôn nhân không có tình yêu, hoặc hôn nhân chấm dứt tình yêu thì chỉ là một hình phạt, chỉ là tăng thêm sự cô độc. Cho nên chinh phục một người để cùng đi đến hôn nhân, điều nầy rất gần với sự hùn vốn làm ăn, không khác gì đi quảng cáo để tìm người góp cổ phần. Tôi không chống đối gì sự làm đẹp và sự phô trương tài ba cốt để cho người kia say mê mình. Để chinh phục một người khiến cho người đó yêu mình, con trai cũng như con gái có ngàn vạn cách khác nhau, nhất là con gái, vì phái nữ đã được yểm trợ quá đầy đủ trong công tác này. Số lượng của những gian hàng cung cấp mọi thứ làm đẹp cho phụ nữ cũng đủ chứng minh cho điều đó. Tôi không chống đối bất cứ một phương tiện nào miễn là những phương tiện kia không làm tổn thương danh dự và nhân phẩm mình. Nhưng tôi nghĩ rằng những phương tiện ấy không đủ để nuôi dưỡng bảo vệ tình yêu. Như tất cả những cố gắng của em chỉ là để làm xong được giấy hôn thú thì tôi cho là bi thảm quá. Hôn nhân không giải quyết được nhiều chuyện đâu. Hôn nhân, trong trường hợp này, giết chết tình yêu hoặc ảo tưởng tình yêu. Người con gái có thể thấy nhược điểm hiếu sắc của người con trai, và có thể chịu theo thị hiếu thay đổi của người con trai bằng cách chải đầu ba kiểu trong một ngày và thay áo bốn lần trong một buổi chiều. Nhưng liệu em có làm như thế được cả đời không, và liệu em làm như thế có đủ không. Tôi không tin là đủ. Muốn có tình yêu đẹp đẽ và bền chặt những người yêu nhau phải biết xây đựng cho nhau. Nếu không, tình yêu sẽ được giới hạn lại trong sự ưa thích mới lạ về hình thức và trong hưởng thụ đổi chác. Từ điểm này, con người sẽ không vâng theo một quy luật nào nữa và xã hội sẽ rối loạn khi tình yêu được định nghĩa như sự đam mê sắc dục. Hiện tượng này sẽ phát hiện toàn diện khi tình yêu theo nghĩa đẹp nhất của nó vắng mặt hoàn toàn trong lĩnh vực con người. Có người sẽ nói "tôi không cần cái tình yêu hiểu theo nghĩa đẹp đó, tôi không theo một quy luật nào cả". Thực ra, tôi cũng không viết những dòng này với mục đích bảo vệ một quy luật. Nhưng tôi nghĩ có hai điều cần được đàm luận. Điều thứ nhất là nhân danh sự sống tươi đẹp ta phải nhận thức rằng sự đam mê sắc dục không vâng theo một quy luật nào cả sẽ kéo theo sự ốm yếu và thấp kém của tinh thần lẫn thể xác. Điều thứ hai là sống trong xã hội không phải như sống một mình trong rừng sâu: ta phải vâng theo một số quy tắc nào đó để duy trì trật tự và hạnh phúc cho đa số. Vậy có thể có những quy luật khác nhau ở những thời gian và địa phương khác nhau. Tôi thấy cái lối viện ra những mệnh lệnh siêu hình để thay thế, hoặc ít ra là để ủng hộ, cho những quy luật xã hội, hiện thời không còn có hiệu lực nữa. Chi bằng chúng ta xét đoán bằng trí tuệ ta trên nguyên tắc bảo vệ sự sống, bảo vệ ý nghĩa cao đẹp của sự sống, hiện tại và tương lai. Có phải em đồng ý rằng chỉ có một tình yêu trong sáng và lành mạnh mới giúp được em sinh lực và ý chí đi tới không? Có phải em đồng ý rằng thiếu tình yêu chân chính thì sự vương vấn vào sắc dục chỉ đem lại buồn chán, nghi ngờ và lụn bại không?
Không ai cấm em, trong khi yêu, tạo dựng thần tượng. Em nói: đời nầy yêu thì yêu chứ thần tượng thì không. Tôi nghĩ không phải như vậy. Nếu không còn thần tượng thì không còn là yêu. Có lẽ tôi cổ hủ mất rồi, nhưng biết làm sao? Nếu em đồng ý rằng trong khi yêu ta không tránh khỏi sự tạo dựng thần tượng thì em nên bắt đầu tạo dựng ngay thực chất cho thần tượng ấy. Chỉ có một cách làm cho tình yêu bền vững mãi, đó là giữ cho người yêu mãi mãi là nguồn cần thiết và ngọt ngào của mình. Một mình người yêu của em làm việc ấy thì nặng quá: em phải giúp sức người yêu của em. Và phải giúp một cách thật tế nhị. Công việc này chỉ cần kiên nhẫn và sáng suốt là được; trong tình yêu, em rất dễ ảnh hưởng đến người em yêu. Tình yêu sẽ trợ lực em. Mãnh lực của tình yêu rất lớn lao.
Trước hết, em nên hiểu rằng danh vọng, sắc đẹp và tài ba không thể bảo đảm được rằng đối tượng kia sẽ là nguồn cần thiết và ngọt ngào bất tuyệt của mình. Tìm ra được người thích hợp với em không phải là dễ dàng. Em phải biết nguyện vọng, sở thích, tính khí, kiến thức và lý tưởng của người đó, và xem những thứ đó có hợp với em không. Hợp không có nghĩa là giống mà chỉ có nghĩa là không xung khắc, là có thể bổ túc cho nhau. Những thứ đó sẽ là những mối dây liên lạc, hợp nhất, những chất liệu nuôi dưỡng tình yêu. Chính những đeo đuổi, những sở thích và những lo âu chung của hai người sau này sẽ là chất keo sơn gắn bó hai người với nhau, và gắn hai người với những người đồng tâm đồng điệu khác. Chính những thứ đó xua đuổi dần những bóng tối cô đơn vây phủ bản ngã. Lý tưởng chính nó là một thần tượng, do đó người yêu khôn ngoan bao giờ cũng đồng hóa hoặc liên hệ mình với lý tưởng của người mình yêu vì thế sẽ cũng bất diệt như thần tượng. Em sẽ không bao giờ mất người yêu nếu em sốt sắng với lý tưởng của người yêu. Có một người bạn trẻ bảo tôi, giọng đầy phẫn uất: tại sao tình yêu không thể tự nó là nó được mà phải nhờ đến những cái khác, như là ý tưởng, như là Thượng Đế...mới có thể tồn tại? Người bạn trẻ đã ghét cay ghét đắng câu nói của Saint Exupéry "yêu nhau không phải là nhìn nhau mà cùng nhìn vế một hướng". Thực ra tôi không có nói gì giống Exupéry, tôi chỉ nói đến cách bảo vệ nuôi dưỡng tình yêu thôi, nhưng tôi cũng xin trả lời người bạn trẻ: không có cái gì có thể tự nó là nó được; cái gì cũng là hợp thể của nhân và duyên, nghĩa là của điều kiện. Cái này có nhờ cái kia có, cái này không thì cái kia không. Bản thân ta đã có thể tự nó là nó chưa, huống hồ tình yêu là một cái gì phát sinh từ bản thân ta. Không có cái gì có tự thể ; cái gì cũng phải nương trên những cái khác mới có thể có; cái gì cũng chỉ tồn tại trong liên hệ nhân duyên. Tình yêu cũng thế: anh có bổn phận nuôi dưỡng nó, nếu anh không muốn nó chết. Nếu Exupéry nói tình yêu nam nữ chỉ có thể tồn tại qua tình yêu đối với đấng Thượng Đế thì ông mục sư của André Gide trong cuốn La symphonie pastorale lại không nói ngược lại rằng «Lạy Chúa, đôi khi con có cảm tưởng rằng con cần tình yêu của nàng mới có thể yêu được Chúa" hay sao?
Nhất định là tình yêu phải nương vào những điều kiện khác mà hiện hữu.Ngày nào em không bồi đắp cho tình yêu thì ngày đó em làm cho tình yêu ngắn đi, yếu đi. Không phải leo lên chiếc xe đạp và đạp vài vòng thì chiếc xe có thể đi mãi như một chiếc xe gắn máy. Em phải tiếp tục đạp, dù là thong thả. Nếu em không đạp thì khi hết đà, chiếc xe sẽ ngã. Khi đó, tình yêu sẽ cạn như một dòng suối khô cạn và sự phụ bạc có thể là sẽ tới một cách tự nhiên, bởi vì em đã biết tình yêu là một nhu yếu.
Xã hội kết án nhưng xã hội không chịu xem xét những nguyên nhân nào đã đưa tới sự phụ bạc. Hậu quả là một cái gì phải đến sau nguyên nhân; hậu quả không đáng trách, chỉ có nguyên nhân là đáng trách.Tình yêu cũng như bất cứ một hiện tượng tâm lý nào khác, gồm có một chủ thể và một đối tượng. Luật yêu thương đòi hỏi chủ thể một khả năng yêu thương và ở đối tượng những điều kiện để đựợc yêu thương. Đối tượng không đáng yêu hoặc đáng yêu mà không tự bảo tồn được tính cách đáng yêu của mình, hoặc đáng yêu nhưng không chịu phát triển những tính cách đáng yêu của mình để đáp ứng với nhu cầu của chủ thể yêu thương thì đối tượng ằy sẽ tự mình rút lui ra khỏi giới hạn đối tượng và không thể đòi hỏi ở chủ thể một tính cách chung thủy. Lẽ giản dị là muốn được yêu thì phải đáng yêu. Tự hủy bỏ tính cách đáng yêu nơi mình đi tức là tự ý thôi không muốn được yêu thương nữa. Hơn thế, trong khi chủ thể thương yêu thăng hóa tiến bộ mà đối tượng không chịu cố gắng để cùng thăng hóa tiến bộ, nghĩa là để được đẹp thêm, sáng thêm thì chủ thể có thể bỏ xa đối tượng. Trong trường hợp này lỗi cũng tại đối tượng. Không thể đòi hỏi tính cách chung thủy của chủ thể.
Như vậy trách nhiệm hoàn toàn nằm ở đối tượng sao? Không hẳn đâu em. Chủ thể cũng chịu chung một phần trách nhiệm. Yêu thương mà không hiểu được đối tượng thương yêu, không giúp được đối tượng thương yêu tự bảo tồn được tính cách đáng yêu không làm phát sinh được nơi đối tượng một sức mạnh đi tới để thêm đẹp, thêm sáng, để kịp thời lên cao một lần với mình thì chủ thể cũng có lỗi. Bởi vì thương yêu là chịu hết trách nhiệm về người mình yêu thương. Cái lỗi của chủ thể là thương yêu không đúng, không sáng, không đủ chân thành, không đủ mầu nhiệm, không đủ sức mạnh để bảo tồn, nuôi dưỡng và hướng dẫn đối tượng. Và đó chính là chỗ đáng trách của chủ thể.
Nếu cả hai bên đều cố gắng bồi đắp tiến bộ theo luật đó thì thủy chung là một hoa trái đẹp tất nhiên phải có. Còn nếu một bên thiếu cố gắng - cũng có nghĩa là hai bên thiêu cố gắng - thì phụ bạc là điều có thể xảy ra. Cả hai bên đều đáng trách, tuy rằng một bên đáng trách nhiều hơn. Nếu em nắm được nguyên lý đó thì em không còn sợ hãi nữa. Không sợ hãi em, không sợ hãi ai. Không sợ hãi cuộc đời. Em có thể đánh bại được mọi đe dọa.
Tìm được một người mà em cót hể yêu với một tình yêu như thế, em nên biết rằng em đang sung sướng. Em hãy ý thức em đang ở vào một tuổi rất đẹp. Em đang được sống trong lòng tổ quốc có trời có mây, có chim cbướm, có sương mù buổi sớm, có sao trăng đầu hôm. Và em đang yêu, và đang được yêu. Với từng ấy điều kiện mà đâu phải chỉ từng ấy điều kiện- thì dù em đang có bao nhiêu vấn đề đi nữa em cũng là một người sung sướng thực sự rồi mà. Em nên nhắc em và nói cho người yêu của em biết là em đang sung sướng và may mắn hơn rất nhiều kẻ khác. Để em thận trọng đừng vụng dại làm đổ vỡ những gì quý báu em có trong tầm tay em. Thường thường khi mất đi một hạnh phúc người ta mới biết là hạnh phúc đó quý giá. Như hai con mắt chúng ta đây, có phải là lắm khi ta quên rằng chúng quý giá vô cùng hay không. Tôi có nói với em rằng chỉ có người mất thị quan rồi mới thấy tất cả sự quý giá của đôi mắt. Vậy em đang sung sướng. Những hiện tượng hờn giận, ghen tuông chắc chắn sẽ xảy ra, làm sao tránh được. Tôi không khuyênrem tránh chúng một chút nào, bởi vìrnhững hiện tượng ấy chứng minh rằng em đang yêu, và người yêu của em cũng đang yêu em tha thiết. Hãy đón nhận những hờn giận ghen tuông ấy mà phần nhiều đều là do quá yêu và do vô minh nữa gây nên. Phần lớn đều xuất phát từ những nguyên nhân nhỏ như hạt cát, hoặc những nguyên nhân nhỏ hơn hạt cát nữa, như sự hiểu lầm vô cớ, bóng gió. Vậy hãy bình tĩnh đừng để cho chúng trở thành lớn hơn hạt cát. Sau những cái giận nho nhỏ ấy, các em lại càng thương yêu nhau hơn, càng quý chuộng nhau hơn không sao. Nhưng mà đừng vụng về đừng nên làm lớn chuyện những gì nhỏ như hạt cát. Cái khôn ngoan cần thiết nhất là ý thức về sự quý giá của hạnh phúc, của sự may mắn. Có sự khôn ngoan ấy rồi, em trở nên một người yêu chín chắn và tình yêu sẽ bền vững.
Và nếu em đã sung sướng thì em hãy nghĩ đến chúng tôi, đến kẻ khác. Tình yêu của em sẽ nhờ đó mà bền vững hơn lên và chúng tôi cũng sẽ nhờ đó mà sung sướng hơn lên.
Trang đầu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5a | 5b | 6 | Lời cuối
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro