
Chương 16: Những điểm tương đồng (1)
Cuộc tranh cãi với Hữu Tâm không ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng của Hạnh Nguyên. Cô chỉ cảm thấy khó chịu lúc ban đầu, nhưng sau đó nhanh chóng quên đi khi tập trung vào học. Chỗ ngồi được người khác nhường lại vô tình ở vị trí khá đẹp, ngay đối diện cửa sổ. Từ đó có thể nhìn thấy toàn bộ khuôn viên bên dưới, ở giữa là lối đi thẳng đến tòa nhà văn phòng và nhà thi đấu thể thao, xa xa là một chiếc cầu màu đỏ với thiết kế lạ mắt.
Gần 6 giờ tối, Hạnh Nguyên tắt máy tính, thu dọn đồ đạc để rời khỏi thư viện. Trong một khoảnh khắc bất chợt, cô ngước nhìn ra ngoài cửa sổ. Bầu trời đã chuyển sắc khi mặt trời lặn, phủ lên không gian xung quanh một cảnh hoàng hôn rực rỡ.
Mặt trời đang dần buông xuống phía chân trời, ánh sáng vàng cam lan tỏa khắp khuôn viên. Từ khung cửa sổ của thư viện, Hạnh Nguyên có thể nhìn thấy những tia nắng cuối cùng nhuộm vàng từng hàng cây, bãi cỏ, đến sân bóng rổ ngoài trời. Không gian như chững lại, những tia nắng cuối cùng chầm chậm rút lui, để lại một khoảng trời tím biếc.
Hạnh Nguyên không thể rời mắt khỏi cảnh tượng ấy, lòng tràn đầy sự lưu luyến. Không biết từ bao giờ cô đã dành cho hoàng hôn sự chú ý đặc biệt. Dù đã nhìn thấy rất nhiều lần nhưng mỗi lần lại mang đến cho cô cảm giác khác nhau. Nó vừa quen thuộc, vừa hoài niệm lại có gì đó mới mẻ.
Tuy vậy, Hạnh Nguyên chưa từng chủ động nhìn ngắm hoàng hôn, chỉ bằng một cách trùng hợp nào đó, những sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời cô đều diễn ra vào những buổi chiều hoàng hôn rực rỡ nhất. Thế là hoàng hôn trở thành một dấu mốc, một điểm nhấn để cô ghi nhớ mọi chuyện.
Hạnh Nguyên lưu luyến tạm biệt cảnh hoàng hôn ngoài khung cửa sổ. Cô đi bộ sang tòa nhà số 2, nơi Việt Sơn đang có lớp học. Cô tìm một góc ở tầng trệt để ngồi chờ rồi nhắn tin để cập nhật tình hình cho hắn biết. Tin nhắn được gửi đi thành công. Chưa đến vài giây sau, Việt Sơn đã trả lời lại. Hạnh Nguyên khẽ cười, bắt quả tang người nào đó không tập trung trong giờ học.
Để tránh làm phiền Việt Sơn, cô không nhắn thêm mà chỉ đọc lại tin nhắn của cả hai trong những ngày vừa rồi. Đến bây giờ cô vẫn chưa biết lý do vì sao Việt Sơn lại mời mình đi ăn tối. Hạnh Nguyên dừng lại đoạn tin nhắn về những lý do hắn đã đưa ra. Khi đó cô chọn một lý do ít gây đụng chạm nhất, nhưng bây giờ đọc lại thì hình như việc đi ăn mừng cho chuyện chấm dứt với Hữu Tâm lại trở nên khá phù hợp cho hoàn cảnh hiện tại.
Nhưng dù là lý do gì đi nữa thì Hạnh Nguyên vẫn cảm thấy việc trở nên thân thiết với Việt Sơn là một điều gì đó rất kỳ lạ. Cô thường mất rất nhiều thời gian để xây dựng sự gắn kết với một ai đó, phải qua những lần gặp gỡ thường xuyên, những cuộc trò chuyện có phần sâu sắc để rút ngắn khoảng cách một cách từ từ và chậm rãi.
Trong lúc hồi tưởng và so sánh, Hạnh Nguyên chợt nhận ra mình chưa từng đi chơi riêng với một chàng trai nào suốt một quãng thời gian rất dài. Điều này khiến cô sửng sốt, bỗng nhiên không thể nào nhìn nhận cuộc hẹn này một cách bình thường được nữa. Hạnh Nguyên đọc lại những tin nhắn gần đây nhất, không khỏi liên tưởng đến cảnh tượng mình sắp đi hẹn hò với Việt Sơn.
"Đang nghĩ cái gì vậy trời." Hạnh Nguyên lẩm bẩm: "Nhưng nhìn cũng giống đấy chứ."
Dù đã lâu rồi cô không hẹn hò yêu đương với ai nhưng cũng không đến mức ngây thơ khù khờ như người tối cổ. Chính là kiểu trò chuyện này. Những cuộc trò chuyện với Việt Sơn, dù vô tình hay cố ý, cũng tạo ra một không khí có phần đặc biệt.
Cảm giác này khá thú vị và mới mẻ nhưng cô không muốn đặt quá nhiều kỳ vọng. Hạnh Nguyên tự an ủi bản thân. Có lẽ vì ngày thường cô không đi chơi riêng với con trai thường xuyên nên mới phải đắn đo và cân nhắc nhiều thứ. Nếu như chuyện này diễn ra một cách liên tục thì cũng chẳng có gì đặc biệt. Thì ra việc độc thân phần lớn thời gian cũng là điều bất lợi, vô tình khiến bản thân trở nên ảo tưởng và hay suy diễn lung tung.
Ngoài Hữu Tâm và Việt Sơn ra thì Hạnh Nguyên chưa từng hẹn gặp riêng chàng trai nào khác ngoài phạm vi trường học. Vào học kỳ trước cô từng ăn trưa với Đình Phong hai lần để nhờ cậu bạn chia sẻ về dịch vụ tham vấn tâm lý của trường. Ngoài ra, Đức Kiên cũng từng hỏi thăm nhưng cô đã tìm cách từ chối khéo.
Thật lòng thì Hạnh Nguyên hơi sợ Đức Kiên. Giữa hai người không có nhiều chuyện để nói, bầu không khí tẻ nhạt, lạnh lẽo và có phần khó xử. Bình thường đều có Đình Phong đứng giữa trung hòa, nếu không thì giữa cô và Đức Kiên sẽ là một khoảng không vô định. Cô không biết Đức Kiên suy nghĩ như thế nào nhưng cô thì không muốn gặp riêng người anh này cho lắm.
Nghĩ đi nghĩ lại Hạnh Nguyên mới thấy Việt Sơn đặc biệt hơn người khác. Ngày đó cô cứ nghĩ đây là chuyện khá bình thường khi hai người có cùng tâm trạng ở cùng nhau. Thế nhưng sau này khi đã gặp gỡ thêm nhiều người khác thì cô mới ngộ ra thêm nhiều thứ. Thì không phải ai cũng có thể mang đến cảm giác thoái mái một cách tương tự.
Không bao lâu sau, lớp học của Việt Sơn đã kết thúc. Cả hai gặp nhau ở tầng trệt rồi cùng đi bộ ra bãi đậu xe ô tô của trường. Hạnh Nguyên chợt nhớ ra một chuyện:
"Ủa mà tổng cộng thì sem này anh học bao nhiêu môn vậy?"
Đây là điều cô tò mò suốt những ngày qua. Ngoài môn học chung thì cô còn gặp hắn ở trường vào những ngày khác, hoặc là nghe hắn nhắc đến một giờ học nào đó bất kỳ. Việt Sơn rất bận rộn, dường như ngày nào cũng có việc phải lên trường.
"Bốn." Việt Sơn trả lời: "Một môn vào sáng hôm qua, hai môn hôm nay, và một môn vào trưa thứ sáu."
Hạnh Nguyên giật mình. Không rõ là vì Việt Sơn mới vào trường, chưa nắm rõ tình hình nên mới chọn đại, hay là do hắn đã biết nhưng vẫn cố tình chọn cho mình một con đường đầy tính thử thách như hiện tại.
"Bốn môn là nhiều lắm đó. Bình thường mọi người học có ba môn à, gặp môn nào khó quá thì hai thôi."
Việt Sơn không thấy đây là chuyện gì đó quá mức ghê gớm: "Nếu không phải tối đa là bốn thì chắc còn đăng ký thêm nữa."
"Giờ mới để ý hình như môn anh học chung với em không liên quan tới ngành của anh cho lắm. Anh đăng ký là môn tự chọn à?"
Việt Sơn cố gắng nhớ lại lý do vì sao hắn lại chọn một môn trong chuyên ngành của Hạnh Nguyên.
"Có liên quan chứ. Môn này là một nhánh của statistics*, chỉ là ít nặng về lý thuyết so với mấy môn anh hay học mà thiên về ứng dụng thực tế cho ngành em nhiều hơn."
"Em thấy nhiều người hay dùng mấy môn tự chọn này để học những thứ hoàn toàn mới hơn là lại học những môn khác quanh quẩn trong lĩnh vực chính của mình. Bạn bè xung quanh của em ai cũng vậy hết."
Việt Sơn cũng biết điều này, những người hắn từng gặp cũng làm như vậy nhưng quan điểm của hắn lại ở phía đối lập.
"Tiếc là anh không hứng thú với mấy lĩnh vực khác mà chỉ muốn tập trung vào những gì mình muốn phát triển thôi. Nếu như có thể đào sâu thì tốt, không thì nghiên cứu những thứ liên đới xung quanh. Chứ anh không muốn nhảy sang cái gì đó hoàn toàn khác biệt."
Hạnh Nguyên hơi bất ngờ. Hóa ra Việt Sơn lại giống cô ở điểm này. Tư tưởng lớn gặp nhau, có rất nhiều chuyện để nói.
"Ý, em cũng vậy nè. Em cũng chỉ học những môn liên quan tới ngành học chính thôi. Anh không cô đơn đâu."
Việt Sơn yên tâm hơn, ít ra thì cũng còn ai đó giống mình. Không ít lần, hắn đã cảm thấy bản thân không thuộc về thế hệ mình đang sinh sống. Ở độ tuổi của bọn họ, mọi người rất năng động và cởi mở, khả năng thích nghi với sự thay đổi vô cùng cao, kỹ năng và kiến thức vô cùng đa dạng, trải rộng khắp các ngành nghề lĩnh vực. Điều đó khiến hắn phải hoài nghi về bản thân. Liệu việc chỉ muốn tập trung vào một điều gì đó duy nhất có phải là một điều đúng đắn ở thời đại này hay không?
Tất nhiên là ngoài việc học chính thì Việt Sơn cũng có một vài sở thích và dự án cá nhân không hoàn toàn liên quan đến lĩnh vực mình đang theo đuổi. Nhưng với hắn, tất cả đều là phương án dự phòng, hoặc là điều gì đó tạo thêm gia vị cho cuộc sống, không thể nào thay thế sự lựa chọn đầu tiên và quan trọng nhất. Nhiều lúc hắn cảm thấy rất hoang mang về bản thân và thế giới mình đang sinh sống. Nhưng hôm nay gặp được một người cũng có suy nghĩ giống mình thì cũng được an ủi ít nhiều.
"Ừm, nghe xong đỡ lo hơn hẳn. Hồi đó ở bên kia toàn gặp mấy đứa double major mà toàn kiểu STEM* đi kèm với Art*. Sợ thật chứ."
"Em cũng thấy sợ nữa. Với mấy bạn không rõ mình thích gì thì không nói, vì họ chỉ đang trong quá trình khám phá bản thân thôi. Nhưng với những người có thể thành công ở hai lĩnh vực đối lập nhau thì đỉnh thật sự ấy"
Sau chuyện này Hạnh Nguyên lại có thêm một lý do để lấy Việt Sơn ra làm tiêu chuẩn của mình. Một người có cùng quan điểm với cô, theo học một lĩnh vực mà cả hai có thể cùng chia sẻ một góc nhìn tương tự. Hai ngành học có thể không giống nhau hoàn toàn, nhưng ít nhất nó phải có một vài điểm giao nhau, tạo ra một nền tảng cơ bản để có thể dễ dàng tiếp nhận ý kiến và suy nghĩ của đối phương.
Hạnh Nguyên đã từng chứng kiến những gì Kỳ Anh trải qua khi yêu một người ở một thế giới hoàn toàn khác biệt. Sự đối lập này là điều khá lý tưởng trong phim ảnh và ngoài đời thật với nhiều người. Nhưng Hạnh Nguyên lại thích những người có cùng tần số và thế giới quan với mình hơn. Sự khác biệt là điều thú vị để tìm hiểu và phát triển mối quan hệ, nhưng nó không nên ở phía đối lập đến mức đối đầu, khó khăn và gay gắt đến mức không thể nào dung hòa được với nhau.
Riêng về điểm này, Hạnh Nguyên nghĩ mình sẽ thích hợp với những người có cùng ngành học, hoặc nếu khác thì vẫn phải cùng trong nhóm ngành thực tiễn, liên quan nhiều đến tính toán, logic như của Việt Sơn. Cô không dám tưởng tượng đến cảnh mình gặp một ai đó liên quan đến lĩnh vực truyền thông, sáng tạo và có chút showbiz như người yêu cũ của Kỳ Anh. Cô đã từng ở trong những tình huống phải trò chuyện xã giao với những người bạn như thế. Cô không nhớ mình đã vượt qua nó như thế nào, nhưng tất cả đều là sự ngượng ngùng và miễn cưỡng đến từ cả hai bên.
Hạnh Nguyên vẫn còn một điều chưa rõ lắm: "Mà sao anh phải học nhiều quá vậy?"
"Đa số các ngành đều chỉ có 24 môn, ngành của anh đến 36 môn. Chậm hơn mọi người cả một năm. Với lại số tín chỉ chuyển đổi từ trường cũ qua không nhiều như anh kỳ vọng. Học theo tốc độ bình thường không biết bao giờ mới xong."
Ngành học của Việt Sơn bên khối ngành công nghệ và kỹ thuật nên thời gian học lâu hơn so với nhóm kinh tế của Hạnh Nguyên. Thật ra lộ trình học của Việt Sơn mới là quãng thời gian bình thường và tương đồng với các trường công lập khác ở trong nước và ở Mỹ. Chỉ là vì trường đại học này theo hệ đào tạo của Úc nên thời gian rút ngắn hơn. Tuy nhiên thì việc học lâu hơn bạn bè đồng trang lứa, dù với bất kỳ lý do gì đi nữa thì Việt Sơn cũng không thích cho lắm.
Hạnh Nguyên không quen ai học cùng ngành của Việt Sơn nên đến bây giờ cô mới để ý đến chuyện này.
"À đúng rồi ha. Nếu mà anh học rút ngắn như vậy thì không chừng chúng ta sẽ tốt nghiệp chung. Em thì đang học chậm lại để chừa môn mốt đi exchange. Mà chắc là em sẽ tốt nghiệp bên kia rồi. Về đây phải chờ thêm vài tháng mới tới đợt."
"Nếu tốt nghiệp chung được thì tốt. Nhanh nhanh dùm chứ peer pressure mệt lắm."
***
Chú thích:
*Statistics: Thống kê
*STEM là chữ viết tắt bằng tiếng Anh dùng để chỉ các ngành học về:
Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) Mathematics (Toán).
*Art: Nghệ thuật
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro