NÓI CHO TÔI SỰ THẬT
Đường vắng, phố lên đèn, ánh đèn chiều hôm vàng một màu u uất trên mái đầu, gió giằng xé như thét vào tai người đi đường sự lạnh lẽo và sự cô độc thét vào tim người phụ nữ nỗi đau đớn đến tột cùng. Cái buồn trải rộng khắp đường phố.
- Xin bà bán cho con chiếc bánh bao này ạ. – Tôi cúi đầu, bằng tất cả sức lực còn sót lại trên những sợi thanh quản cứng đờ trong cổ họng vì rét, thì thào mà như rên rỉ.
- Của con đây, mười ngàn nhé.
Tôi đón lấy chiếc bánh từ đôi bàn tay nứt nẻ của bà cụ rồi bước đi. Phố rộng nhưng lòng người lại hẹp, trời cao nhưng trời chẳng chứa nỗi lòng người. Ngày mai là sinh nhật của tôi, chắc đó là lý do vì sao tôi lại chọn đi bộ về nhà. Sau một quãng đường dài, cuối cùng tôi cũng về đến khu nhà của mình. Khu nhà tôi nhỏ xíu, lụp xụp và trông bết bát đúng như cái tên mà người ta vẫn thường gọi: Khu ổ chuột. Nơi duy nhất chứa chấp những kẻ cùng cực và thiếu thốn như chúng tôi. Vậy mà trong những mảnh vỡ ký ức của mình, đôi khi tôi lại mơ hồ cảm thấy như bị đâm vào tim, rằng mình đã từng là một thiên kim tiểu thư xinh đẹp, danh giá, mỗi lần xuất hiện đều khiến kẻ khác phải ngoái nhìn. Lúc trước, tôi chơi đàn, không phải quá xuất sắc nhưng cũng có tí thành tích, có chút tiếng tăm. Tôi vẫn nhớ cảm giác đôi bàn tay mình lướt trên phím đàn và âm nhạc nhảy múa. Nhưng chuyện đã từ lâu lắm rồi, lâu đến nỗi nhiều lần tôi còn ngỡ mình bị hoang tưởng. Khi mà tôi nhìn lại vào đôi bàn tay mình, chúng chai sần, hao gầy, nổi lên từng sợi gân xanh đỏ, chắp vá bởi chi chít toàn sẹo, cái mới chồng lên cái cũ, chỉ nhìn thôi cũng phải la ó. Cho tay vào túi áo, tôi trừng mắt để ngăn những giọt nước mắt yếu đuối của mình rơi xuống. Xót xa thật, nhưng đời mà, đôi bàn tay phụ nữ lúc nào chẳng vậy, phải không?
- Bà con ra đây mà xem, xem nó làm gì với tôi đây này.
Một đám đông tụ lại trước căn nhà màu xanh lớn tiếng, xôn xao nhưng tôi chẳng thèm quan tâm. Tôi chỉ chăm chú ngắm nhìn ngôi nhà. Căn nhà màu xanh này thuộc về một cặp vợ chồng mới cưới, hạnh phúc.
"Gâu gâu gâu..." Hồi trước, ở đây có nuôi một con cún. Hôm đầu tiên đôi vợ chồng đến đây cũng dắt theo nó. Chú chó lông vàng lúc nào cũng làm vui cả một xóm với tiếng sủa đáng yêu của mình. Người chồng ôm cô vợ vào lòng âu yếm thì thào: "Cảm ơn em đã đến bên anh, cảm ơn em đã tình nguyện yêu và ở bên anh. Thề nguyện với trời, đời này, kiếp này, anh sẽ cho em một cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Thề với đất, anh nguyện dùng cả tính mạng để bảo vệ em.Thề với lòng, anh sẽ yêu em mãi mãi."
Và tôi cũng thề với bản thân mình, đây là lời ngọt ngào nhất mà tôi từng được nghe. Thật may mắn cho người vợ, chồng cô ta ngọt ngào và yêu cô ta đến như vậy mà.
Tôi lại lê bước với đôi mắt đỏ lựng lên vì buốt tới một ngã ba, ánh nhìn của tôi bắt gặp một cô gái đôi mươi, non nớt cũng không mà già dặn thì chưa tới, chạy lướt qua. Quần áo xộc xệch, bộ dạng thì nửa hớt hải, nửa lén lút nhét vào thùng rác một cái túi đen nhỏ máu dòng dòng. Cô bé vội chạy đi nhưng chưa được bao xa thì đã đổ gục xuống ở cây cột đèn gần đó khóc nấc. Tôi biết cô bé này, mẹ cô bé từng giúp tôi sửa cái thùng thư khi nó bị móp. Nhưng trông cô bé như đang kiệt sức, như đang sa ngã và cô bé khóc tức tưởi. Tôi lại gần chiếc thùng rác, mở nắp và mùi tanh của máu xộc vào khoang mũi. Tôi nhăn mặt, cảnh tượng bên trong như muốn xé toạc tâm trí tôi, trái tim tôi như ngừng thở. Ồ, thì ra là một con chó, không rõ là sống hay đã chết vì máu nhuốm đỏ cả mình nó. Chắc mấy gã say rượu lại tông phải nó đây mà. Hẳn là con bé quý nó lắm. Trông con bé đau khổ như vậy mà. Tôi đưa mắt nhìn về phía cô gái nhỏ. Trông cô như đang cười nhưng cũng như đang khóc, như vừa tăm tối lại vừa như xán lạn. Người ngoài nhìn vào không biết lại tưởng là bị điên mất thôi. Ôi, cô bé tội nghiệp. Ôi, con chó xấu số. Thật đáng thương! Tôi lấy từ trong túi áo chiếc bánh bao vừa mua đặt cạnh con chó.
- Hy vọng mày yên nghỉ.
Rồi con chó lặng thinh trong đáy thùng rác đóng kín. Cho đến khi ra đi cũng không trọn vẹn được ngắm bầu trời một lần.
Lê thê kéo theo một nỗi cô quạnh, tôi ôm lấy mình, bước tiếp. Nhưng càng đi, sống lưng tôi lại càng lạnh đến dựng cả tóc gáy. Chắc là vì hơi lạnh từ căn nhà đó phát ra như mọi người thường đồn nhau.Căn nhà của người phụ nữ điên tự tử. Căn nhà màu trắng đó đã từng là một câu truyện cổ tích của một cô gái trẻ. Vẻ ngoài xinh đẹp, gia đình gia giáo lại còn sở hữu giọng hát ngọt ngào như rót mật vào tai. Tưởng chừng như sinh ra đã ở vạch đích, tiền tài, danh vọng và sắc đẹp chẳng còn là nghĩa lý gì nữa. Tương lai phía trước đã trải sẵn thảm hoa chào đón. Nhưng chẳng biết là vì ngải hay do quỷ như mấy bà mụ trừ tà thường phán mà cô gái bỗng dưng hóa điên rồi treo cổ tự vẫn. Và đó là cách đời mất đi một nhân tài.
Phóc, tiếng bóng chày của lũ trẻ trong xóm lại vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.Chúng thường tụ tập ở bãi đất trống này để chơi. Nhưng hôm nay chỉ có vài ba đứa tập phát bóng thôi. Còn những đứa khác thì vây quanh một đứa trẻ, trông nó có vẻ buồn. Nhớ không nhầm thì hôm trước tôi đã thấy thằng nhóc đó gây gỗ với mẹ của mình, cả hai đều đã khóc rất nhiều. Có lẽ chúng đang an ủi nó đây mà. Thật là dễ thương biết bao!
Và đây là căn nhà cuối cùng, ngôi nhà của tôi. Ồ, cái hộp thư lại hỏng rồi. Vì sao nó lại hỏng mãi như thế nhỉ? Bước vào bên trong căn nhà lụp xụp. Lão chồng tôi đang ngủ. Hầu như hôm nào cũng thế, hôm nào men rượu nhấm chìm ông ấy vào cơn say. Rơi vãi trên nền đất là những mảnh vỡ thủy tinh từ những chai rượu.
Tôi cởi áo khoác ngoài chùm lấy ông rồi vào bếp, nói là bếp nhưng cái bếp đó chỉ vỏn vẹn một cái nồi và một chiếc bếp ga mini mà thôi. Tôi vơ lấy ở cạnh đó một gói mỳ tôm bóc dở cho vào nồi. Tôi muốn nấu cho gã cái gì đó ngon ngon khi lão tỉnh rượu.
Nhưng gã dậy rồi. Vừa dậy gã đã ôm lấy ngay chai rượu, nốc một hơi đến tím tái cả khuôn mặt rồi ném luôn cái chai vào tôi. Mảnh vỡ của thủy tinh găm đầy trên mình nhưng tôi đã không còn đau đớn nữa, cái gọi là quen khiến mọi giác quan tê liệt. Gã thét lên với tôi, gào lên một nỗi nghe khổ lắm rồi chồm tới, túm lấy tóc tôi, nhúi vào chiếc nồi nước đang sôi. Va chạm mạnh, cả bếp ga và chiếc nồi đều đổnhưng may mắn chiếc bếp ga chỉ tắt lịm đi mà không nổ. Chồng tôi sẽ không bị thương. Thật là may quá. Rồi tôi buông thõng hai tay, cười một cái nhẹ, mặc cho gã đánh đập, gãạo hành.
Tăm tối, trên chiếc giường không chăn, không gối,chỉ có vài mảnh áo đắp tạm trên nền đất. Tôi đưa tay ra sau rút mảnh vỡ chai lớn và sắc lẹm đang găm vào sau vai mình ra. Máu đổ nhưng màu nền đất không đổi, lòng tôi cũng vậy, lòng người cũng thế. Và từ đâu đó xa xôi, tôi nghe tiếng chuông đồng hồ vang lên, mười hai giờ đã điểm. Hôm nay là sinh nhật tôi, tôi nhắm mắt, tưởng tượng trước mặt là một chiếc bánh kem màu hồng mà bố mẹ vẫn hay mua cho khi còn nhỏ mà ước thầm. Nắm thật chặt mảnh chai trong tay, tôi giương mắt ngắm nhìn màu máu nhuộm đỏ, lem luốc trên chiếc mảnh vỡ. Ánh đèn đường len vào từ khen hở của vách tường rọi vào, màu đỏ tươi của máu như lấp lánh. Tôi vung tay, bằng hết sức bình sinh gào lên một tiếng thật lớn rồi găm mạnh miếng vỏ chai vào sâu trong cổ họng.
Đoạn băng đường phố như tua ngược trên những giọt nước mắt của người đàn bà khốn khổ. Đám đông tụ tập trước cửa ngôi nhà màu xanh của cặp vợ chồng trẻ cùng con chó lông vàng đáng yêu.
- Mọi người ra đây mà xem! Thằng chồng tôi nó đi với con này ngay trong lúc tôi sinh con. Nó còn mặt dày khoe với bạn đây là vợ nó. Mang nặng đẻ đau suốt chín tháng mười ngày nó không thèm vác mặt đến hỏi lấy một câu. Vậy mà ngày đầu tiên tôi sinh, nó chạy vào viện, nó còn ngửa tay xin tiền của tôi để đem đi chùi đít cho cái con này. Tôi quỳ gối, tôi khóc, tôi van xin nó năm lần bảy lượt, tôi bảo anh ơi, làm ơn đừng có bỏ mẹ con em. Anh ơi, làm ơn! Nhưng một chữ nó cũng không thèm ngấm. Đến bây giờ tôi được ra viện, thì anh dắt con này về nhà, làm gì? Làm gì hả? Đây, trước mặt con anh, anh nói cho tôi nghe xem hả?
Tiếng chó tắt lịm từ khi nào không ai hay biết. Giữa bộn người đang xôn xao chỉ có tiếng nấc và tiếng hét, sự phẫn nộ của người phụ nữ dâng lên đến tột cùng, đôi mắt thâm quầng sưng húp dàn dụa nước mắt nhưng tiếng thét của một bà mẹ không hề nhún nhường. Còn người đàn ông từng thề non, hẹn biển thì lại đang đứng bảo vệ cho một người phụ nữ khác. Bên lề, bà cụ bán bánh bao khốn khổ đứng ôm đứa cháu nhỏ đáng thương vừa chào đời, đầm đìa nước mắt.
Rồi bầu trời bỗng tối đen, chỉ còn bóng người con gái đôi mươi kiệt sức dưới ánh đèn mờ. Giọt nước mắt chảy trên đôi gò má người con gái mang một màu thật đau. Tại sao? Tại sao con khóc? Bụt có hiện lên mà hỏi? Hỏi xem vì ai mà cô bé trao đi hết, từ thể xác cho đến tâm hồn và đến cả chút đạo đức cuối cùng cũng bán rẻ cho cái gọi là yêu. Làm gì có con chó nào trong thùng rác, làm gì có ai mà nhẫn tâm quăng con chó mình yêu quý vào thùng rác, ít nhất cũng đem đi chôn. Vậy ở trong cái túi màu đen đó là sai lầm của tuổi trẻ hay là một sinh linh đáng có được một cuộc sống? Đó là một đứa trẻ, chỉ vậy thôi.
Cô nàng nghệ sĩ xinh đẹp bước ra từ ngôi nhà cổ tích màu trắng đã từng có tất cả, ngoại hình xinh đẹp, tài năng trời phú, tương lai rộng mở nhưng bỗng chốc thế giới hóa điên. Khi cô tham gia vào một cuộc thi giọng hát Y và bắt đầu được mấy gã giám khảo để mắt tới. Và trên cái mác là đánh giá năng lực ngoài giờ mà dẫn cô vào chốn phong lưu. Thực chất ra lại đánh giá năng lực lên giường của cô. Thỏa mãn rồi thì chỉ cần thả vài đồng bạc cắc à các lão nghĩ là to lắm rồi phủi mông mà đi. Bị vấy bẩn, cô không thể giữ được bình tĩnh, cô bộc phát sự giận dữ bằng cách đập vỡ đồ đạc. Cố la hét, cố phẫn nộ để sống. Nhưng rồi dây thòng lọng trên trần cũng được mắc, cô đi vào một đêm mưa trong phòng tập nhạc micro vẫn để mở. Điên ư? Làm gì có một mụ điên nào trên đời, chỉ có những thói đời điên loạn cố đổ vỏ vào một ao nước lã mà thôi. Thật chỉ có điên khi cố ở lại cái thế giới điên loạn này.
Còn cậu bé ở bãi đất trống? Lũ trẻ bây giờ đâu có tốt như vậy. Chúng làm sao mà tốt được với một kẻ không có cha như cái thằng đó. Người đời ai cũng nói vậy mà. Chừng ấy chưa là gì, người ta còn chửi cha, chửi mẹ cái đứa sinh ra nó. Chửi luôn cái "thói ly dỵ" của mẹ nó. Ly hôn là để tìm kiếm một hướng đi mới cho hai con người nhưng ở trong cái xã hội này đó là thói hư. Cuộc sống mà, hãy quen với việc đó đi. Quen với cái miệng, miệng đời, cứ cái gì hơi xa lạ một chút cũng trở thành quả một quả thị to tướng. Thị ngày xưa thì hương thơm ngào ngạt, lan tỏa, thị bây giờ cũng lan tỏa nhiệt tình nhưng còn biết bay. Thị phi!
Đường vắng, phố lên đèn, ánh đèn chiều hôm vàng một màu u uất trên mái đầu, gió giằng xé rồi lại như thét vào tai sự lạnh lẽo và sự cô độc thét vào tim người phụ nữ nỗi đau đớn đến tột cùng. Biết trải nỗi buồn vào tim ai?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro