Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần 03.

Cái fic này sẽ biến thành teenfic mất...

-

Ra khỏi tiệm may rồi, kỳ thực trong lòng La Tại Dân nửa mừng nửa lo. Thế là từ nay, cậu đã có công ăn việc làm, đã có thể kiếm được chút tiền mà sống. Thế mà Dân vẫn cứ lo ngai ngái, cậu sẽ làm sao và làm như thế nào? Cậu chỉ mới bước chân lên thành phố ngót nghét nửa ngày trời, làm sao cậu đi giao báo, giao vải cho người ta? La Tại Dân lớn lên ở quê, cả người ám mùi đất ruộng, đất vườn, lại thêm cả mấy năm oan trái, ngày trước đã sống khom lưng uốn gối, Dân chỉ sợ, bản thân mình đi đến đâu cũng sẽ chỉ trở thành gánh nặng.

Hai người sang đường để Minh Hưởng dẫn cậu về nơi ở của anh ta. Trời nóng oi bức, Lý Minh Hưởng cắm cúi bấm đốt ngón tay, phỏng chừng là đang tính toán cái gì, thi thoảng lại đưa tay áo lên để lau mồ hôi, La Tại Dân vừa bước đi vừa đăm chiêu nghĩ ngợi, chỉ vừa kịp đặt chân đến được mé đường bên kia, cậu đã va phải vai áo một người.

Lý Minh Hưởng nghe thấy tiếng động thì quay ngoắt ngay lại, anh ta trợn trừng mắt rồi nắm cổ La Tại Dân ấn xuống, đoạn rối rít:

"Thưa cậu, chúng tôi vô ý quá, đã đụng phải cậu. Xin lỗi cậu. Thật xin lỗi cậu."

Một giọng già cỗi cất lên, nghe ra chiều rất khó chịu:

"Đi đứng cho cẩn thận vào. Chúng mày không có mắt à?"

La Tại Dân chỉ nhìn thấy ống quần màu trắng phẳng phiu và đôi giày da bóng bẩy sạch sẽ, trái ngược hẳn với đôi bàn chân trần lấm lem cát bụi đường phố của La Tại Dân. Đằng sau người đi đôi giày da là một đôi bàn chân trông nhăn nheo hơn nhiều và có vẻ già cỗi hơn, được xỏ trong một đôi dép cao su. Cậu đoán rằng cái giọng khàn khàn đang nói theo cái kiểu đay nghiến kia là của người đứng sau.

Người đàn ông kia nói những gì, nhiếc những gì cậu không nghe rõ. Lý Minh Hưởng thay cậu xin lỗi, còn bên tai La Tại Dân lại ong lên như thể cậu đang trở về cái ngày đã từ lâu rất lâu trước kia, như thể trước mặt cậu là cái huyện đường ngày ấy, và chung quanh cậu là những kẻ ăn không ngồi rồi đang chỉ chỉ trỏ trỏ, còn Hách thì vất vả nói đỡ cho cậu. Thẳng cho đến lúc Minh Hưởng kéo cậu đi, Dân mới như được kéo ra khỏi vũng lầy vừa trực nuốt chửng cậu. Rồi có một giọng nói khác cất lên, trẻ trung hơn và thái độ cũng êm dịu hơn rất nhiều.

"Hai cậu khoan hẵng đi."

Lý Minh Hưởng dừng bước và La Tại Dân cũng thế.

Cậu đứng lại, ngập ngừng quay đầu, bấy giờ mới mấp máy môi, vì Dân cứ nghĩ, đúng ra cậu là người va phải vai áo người ta thì giờ người ta phải nghe cho bằng được lời xin lỗi từ cái miệng cậu.

"Thưa cậu, tôi thành thật xin lỗi."

La Tại Dân vẫn nhìn xuống đất, đôi bàn tay lẫn đôi bàn chân vặn vào nhau, ngón chân bên nọ đè miết lên ngón chân bên kia.

Đôi giày da của người kia khẽ nhúc nhích, cậu nghe thấy giọng anh ta lầm rầm căn dặn rồi có một tiếng thở rất mạnh, người già hơn quay gót đi đâu đấy.

Rồi người kia nói tiếp:

"Tôi không trách đâu, cậu cứ ngẩng đầu lên."

La Tại Dân rụt rè ngước nhìn lên, rồi ngay khi ánh mắt chạm phải khuôn mặt với những đường nét cương nghị của người kia, cậu lại luống cuống cụp mắt. Người kia khẽ cười, sau đó nói:

"Hai cậu chờ người của tôi thêm vài phút rồi hẵng đi, cũng không cần sợ sệt quá như thế đâu."

Lý Minh Hưởng nói:

"Thưa cậu Lý Đế Nỗ, giời cũng đã tối, nếu cậu còn gì muốn căn dặn anh em chúng tôi, kính mong cậu hãy chóng nói."

Cậu Lý Đế Nỗ... Là cái cậu út nhà họ Lý???

Ý nghĩ ấy thoáng vụt qua đầu, La Tại Dân lập tức trợn tròn mắt rồi ngước nhìn lên một lần nữa, môi run run.

Mới lúc chiều đây, chẳng phải là Lý Minh Hưởng đã dặn rằng nếu nhìn thấy người nhà họ Lý thì nhất quyết là phải tránh xa hay sao?

Đế Nỗ nhìn thấy gương mặt cậu trai thoạt từ sợ sệt bỗng nhiên hoá thành vừa ngỡ ngàng vừa sợ sệt thì chính anh cũng thấy rất ngạc nhiên, xen lẫn với đó là sự tò mò không biết trong đầu cậu đã nghĩ những gì để rồi bây giờ cậu nhìn anh như thế. Đôi mắt của Tại Dân mở to hơn lúc thường, tròng mắt đen láy sinh động, Đế Nỗ thậm chí còn nhìn thấy hình ảnh mình trong đôi mắt cậu.

Anh khẽ nhướng mày, lại thấy La Tại Dân đã cúi đầu.

Lão đầy tớ của nhà anh đã quay lại cùng với một đôi dép mới trên tay. Cái mặt lão cau chặt vào khiến những nếp nhăn càng trở nên đáng sợ hơn.

Lý Đế Nỗ cầm lấy đôi dép trên tay lão, lật trước lật sau để chắc chắn rằng lão đã mua theo đúng lời anh dặn rồi chìa nó ra trước mặt La Tại Dân.

La Tại Dân và Lý Minh Hưởng ngơ ngác ngẩng đầu. Lý Đế Nỗ nói:

"Cho cậu."

Tại Dân nhìn anh bằng một vẻ không dám tin, anh khẽ lắc đôi dép:

"Tôi nói là cho cậu. Trông đi kìa, chân cậu xước tứa máu ra rồi. Nếu cậu không xỏ dép vào, ngày mai cậu không đi lại được nữa đâu."

Tại Dân nghe thấy mình sẽ không đi lại được, tức là sẽ không thể đi giao báo hay đi giao vải, liền luống cuống nhận lấy đôi dép rồi liên mồm cảm ơn.

"Con cảm ơn cậu, con đội ơn cậu."

Lý Đế Nỗ nhìn cậu trai chắc cũng trạc tuổi mình gọi cậu xưng con, đột nhiên anh cũng không biết nên phản ứng như thế nào mới phải. Đế Nỗ đành phủi đi:

"Thôi, giời cũng tối, hai cậu về đi kẻo muộn."

Lý Minh Hưởng kéo Tại Dân về, nói:

"Vậy cậu để chúng tôi trả lại tiền cho cậu."

"Không đáng là bao." Lý Đế Nỗ nói, rồi anh lên xe.

Lão đầy tớ kính cẩn chào cậu út ra về, trước khi quay vào tiệm may vẫn còn gắng mà nói thêm:

"Thôi về đi. Đôi dép không đáng bao nhiêu so với túi tiền cậu Lý Đế Nỗ đâu. Cậu nhà chúng tôi đến gặp một con chó bị bỏ đói cũng sẽ quay lại cho nó ăn, nên cứ về đi. Chỗ này là chỗ người ta làm ăn buôn bán, từ rày về sau thì đừng có lảng vảng ở chỗ này mà cầu tình thương nữa, nghe chưa?"

"Tao nhổ vào."

Lý Minh Hưởng sẵng giọng. Nói là làm, anh ta thực sự nhổ nước bọt vào ngay bậc thềm cái tiệm may. Lão đầy tớ nhảy lên tránh bãi nước bọt rồi chửi ầm lên.

Lý Minh Hưởng không nỡ vứt lại đôi dép mà Đế Nỗ đã tặng cho Dân, vì chính anh ta cũng rõ rằng bọn họ sẽ chẳng có đủ điều kiện để mua lại một đôi dép như thế.

"Lũ giàu mọi rợ."

"Chúng nó sống khiêm tốn đi thì vận nhà chúng nó mạt hay sao? Tôi đã nói cần phải tránh xa cái dòng nhà họ Lý ra rồi. Cậu..."

Lý Minh Hưởng vừa đi vừa chửi, mấy anh phu xe mệt mỏi đứng bên đường chờ khách cũng phải ngoái nhìn Minh Hưởng. Hưởng càng nói càng hăng, càng chửi càng sung. Đương lúc hăng máu nhất, anh quay lại thì thấy mình đã bỏ lại Dân một quãng xa, cậu ta vẫn ôm đôi dép bằng hai tay, lầm lũi bước đi không rõ đang nghĩ gì.

Hà Nội về tối, trên đường cũng chợt đông hơn, các nhà máy, xí nghiệp, các cơ quan đóng cửa, người ta trở về nhà, chả mấy chốc mà đường đã đầy người lên, nếu không đi sát bên nhau thì sẽ lạc đường.

Minh Hưởng kéo Tại Dân vào một con ngõ, giật đôi dép rồi vứt xuống đất:

"Xỏ dép vào. Tươi tỉnh lên. Sắp về đến nhà rồi."

Mãi lâu sau Dân mới chầm chậm xỏ chân vào đôi dép. Rồi cậu cười:

"Tôi còn đang sợ bẩn dép cơ đấy."

Người ta coi tôi là con chó đói, còn tôi thì nâng niu đôi dép người ta bố thí đến nỗi không dám xỏ chân vào.

Dân chẳng nâng niu đôi dép vì Đế Nỗ, lí do của cậu đơn giản hơn, cậu sợ dép bẩn, sợ mình làm đôi dép chóng hỏng, sợ khi dép hỏng thì lại chẳng có gì mang.

Minh Hưởng thở dài:

"Thôi. Đi về. Muộn rồi."

***

Đi qua con phố Mới - theo như lời Lý Minh Hưởng nói - Dân nhìn những người đàn bà đi lại ngang dọc trên con phố, ai cũng mang theo một vẻ mệt mỏi và dường như chán chường thất vọng. Hưởng nói đó là những người muốn tìm việc, và cả những người phụ nữ muốn "bán sữa" của mình.

"Con họ chết khi vừa mới sinh ra. Còn phụ nữ Tây và cả phụ nữ ta vẫn muốn giữ bộ ngực sau sinh nên thuê vú nuôi về."

Đó là lời giải thích của Hưởng.

"Ta trọ ở phố Hàng Chiếu. Cậu cố mà nhớ cả tên phố lẫn đường về, từ bận sau tôi cũng không thể đưa cậu đi được. Có đi lạc thì cũng nhớ tên phố mà hỏi thăm về."

Dân nhẹ tiếng dạ vâng, cố nhớ cho thật kỹ đường. Nhưng ngặt một nỗi, cậu không nhớ nổi gì cả. Đường đi phải rẽ trái rẽ phải nhiều, trời tối lem nhem, ngay cả việc đuổi theo những bước đi nhanh như đang chạy của Hưởng cũng đã khiến cậu bở hơi tai.

Minh Hưởng dẫn Dân vào một dãy trọ nằm sâu trong con phố. Dãy trọ có chừng trên dưới hai chục phòng, thấp lè tè, cũ kỹ, ẩm dột và bong tróc. Dãy trọ tối đèn, có những phòng đóng rất kín, có những phòng thắp độc một ngọn đèn dầu tù mù, nhìn từ ngoài vào chỉ thấy một vùng sáng ẻo lả ngả nghiêng và bóng người in trên vách.

Một vài phòng trọ mở toang cửa, đàn ông đàn bà đứng trên bực thềm mà ghẹo nhau. Rồi với sự xuất hiện của Minh Hưởng cùng Tại Dân, đám người đưa mắt hóng theo như nhìn thấy cảnh lạ kỳ nhất trên đời.

Một người đàn ông trông gầy, cao lêu nghêu nói cộc lốc:

"Này! Mới?"

Minh Hưởng nhìn anh ta một cái, không nói không rằng dẫn thẳng La Tại Dân đến căn nhà nằm ở đằng sau của dãy trọ.

Khác với nơi tồi tàn kia, căn nhà hai tầng khang trang với kiến trúc tân thời rất kệch cỡm, thắp đèn sáng, thi thoảng lại có tiếng người nói cười lanh lảnh.

Minh Hưởng gõ vào cánh cửa đóng kín, nói to:

"Cô Thêu, tôi dẫn thêm người về."

Tiếng nói trong nhà im đi, chừng một vài phút, người đàn bà ra mở cửa.

Đó là một người đàn bà đẹp, bà ta thản nhiên tiếp khách bằng bộ áo ngắn và quần trong. Bà ta nhìn thấy Hưởng và Dân, tay kẹp điếu thuốc lá khẽ gẩy lên vai cậu.

"Có việc gì làm chưa?"

Dân trả lời:

"Thưa đã có."

Rồi bà ta nhìn Hưởng:

"Thế còn đưa về đây làm gì? Chỗ này là chỗ đưa người, mang kẻ đã có việc rồi về đây để làm cảnh, hử?"

Minh Hưởng nói:

"Không thế thì không được. Lại đây tôi nói..." Đoạn, Hưởng phẩy tay ra chiều Dân hãy đi đi, rồi cùng người đàn bà vào lại trong nhà.

La Tại Dân vòng lại về khu dãy trọ, người cao kều khi nãy chạy ra.

"Hưởng nó ở phòng này này."

Anh ta chỉ vào một căn phòng đóng chặt cửa:

"Hưởng nó đi cũng đã lâu, phòng nó trọ cũng không ai động vào, đây cậu cầm cái đèn dầu rồi vào soi xem có cần dọn dẹp gì không thì dọn dẹp lại, sau đó ra quán cơm đằng trước mà ăn. Dân lao động nghèo cả, cơm nước rẻ bèo ấy mà."

Tại Dân gật đầu rồi cầm lấy đèn. Người kia lại hỏi:

"Thế cậu đây tên là gì?"

"Tôi tên là Dân, họ La."

"Ồ, cậu Dân. Tôi là Dương, quen nhau ngay thôi ấy mà. Thôi, câu vào dọn dẹp đi cho sớm trời, xong rồi ra đây, chúng ta ngồi nói chuyện."

La Tại Dân gật đầu rồi cầm đèn bước đến căn phòng được chỉ, dùng tay đẩy cửa, cánh cửa gỗ ép mỏng dính kẽo kẹt mở ra.

Cái đèn rọi sáng căn phòng chỉ to nhỉnh hơn cái chòi canh ao khi xưa của Dân, bàn ghế lẫn giường tủ đều đã phủ một lớp bụi, ngay cả trong không khí cũng âm ẩm bụi bặm.

Minh Hưởng chợt nói làm Dân giật bắn mình:

"Sang tạm bên lão Dương ngồi đi, căn phòng này ngày mai ắt có người dọn. Đi ăn cơm cho chóng rồi đi nghỉ, mai bắt đầu đi làm."

Tại Dân rụt rè hỏi:

"Khi nãy, anh..."

Hưởng phẩy tay:

"Nói chuyện thôi, đừng nghĩ sâu xa, tôi không đốn mạt."

Lý Minh Hưởng là một kẻ có đầu óc, không phải một kẻ tha hoá đạo đức.

"Cậu cứ yên tâm ở đây, ở đây làm rồi sẽ có tiền thôi, nếu số cậu may, đổi đời là dễ như bỡn."

Nếu số cậu may, Dân thầm nghĩ, thì có lẽ hiện giờ cậu vẫn sẽ được ở quê, vẫn sẽ được cùng với Đông Hách ngồi dưới trăng, uống một ít rượu trắng cùng với mấy thứ đồ linh tinh có thể bỏ vào bụng, nói một vài câu chuyện tẻ nhạt, rồi mỗi người sẽ có một gia đình riêng, ấm no đến khi về già... Ước nguyện của cậu đã từng là như thế, cậu chưa bao giờ mong được giàu sang phú quý gì cho cam, chỉ mơ mình biết đọc biết viết, chỉ ước ao được làm thầy đồ, được dạy chữ cho lũ trẻ trong làng.

Dân không mong đổi đời, cậu chỉ mong số mình thôi không còn khổ nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #nomin