Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần 02.

La Tại Dân ngồi yên trong cái quầy giải khát dựng dưới gốc một cây liễu già ngay bên bờ hồ, một giọt mồ hôi nhễu xuống bên tóc mai, cậu đưa tay quệt đi, nhìn chằm chằm vào giọt nước bằng hạt đậu còn nằm yên trên mu bàn tay. Cái nắng đầu giờ chiều nóng như thiêu đốt, trời không có gió oi nồng, hai viên cảnh sát đạp xe đạp chạy vút qua, vừa chạy vừa đưa mắt quét chung quanh để tìm người đáng bắt bớ. Lý Minh Hưởng đẩy đến trước mặt Tại Dân một cốc nước màu đỏ có mấy viên đá lạnh, thứ quà lạ lẫm mà những ngày còn ở quê, cậu chỉ được đứng nhìn mà trông theo bàn tay và cốc nước của những người nhà giàu trong làng thèm nhạt. Dân vẫn còn nhớ, có một lần duy nhất cậu được chạm vào viên đá, ấy là khi cô người ở ở nhà ông chánh Mùi đi mua túi đá cho ông ta mời khách rồi cái túi rách ngay khi cô ta đi mới đến giữa chợ, đám trẻ đổ xô ra nhặt, Đông Hách cũng nhanh chân chạy ra nhặt vào hai viên đá vuông vắn trong veo, chìa cho Dân một viên, Đông Hách nhoẻn miệng cười ngu ngơ, phủi ít đất đã vón lại bám trên viên đá rồi nói:

"Hì, cái này không sợ bẩn đâu, mát lắm, như que kem ấy."

Nhìn mấy viên đá nổi trong cái ly nước xanh tươi, Tại Dân nghĩ đến Đông Hách rồi bỗng vẩn vơ một nỗi buồn nhớ không thể diễn tả, chỉ có cái sống mũi bắt đầu cay và khóe mắt nóng lên là nói rõ nhất cho tấm lòng của Tại Dân lúc này. Trên người cậu vẫn còn mặc bộ đồ mà Đông Hách đem cho, trong túi nâu vẫn còn hai nghìn đồng được Hách dấm dúi nói tao cho trước cái tương lai của mày đấy. Bộ quần áo hơi ngắn vì Hách mua nó theo những gì cậu tưởng tượng về Tại Dân ngày còn ở nhà, La Tại Dân đã cao hơn một chút, cái ống quần chới với không chạm đến mắt cá chân, vải mỏng và xem chừng dễ rách lắm, nhưng đó lại là bộ áo đáng quý nhất trong đời của Dân. Lý Minh Hưởng chợt nói:

"Thế nào, có thấy cái chốn thị thành này sống nổi không?"

Chị hàng nước phẩy cái quạt giấy, cong cớn:

"Gớm chửa, cái chốn này không sống được thì còn cái chốn nào? Còn anh đấy anh Hưởng ạ, mới mùa trước còn hứa hẹn đủ lời, thế mà anh đi đâu mất tăm, tôi còn nghĩ anh đi bờ đi bụi ở đâu rồi đấy."

Minh Hưởng nói:

"Tôi mời đằng ấy đi theo mãi đằng ấy không chịu, sao đấy? Nhớ tôi đấy hả?"

Chị ta bĩu môi:

"Đây chả thèm, còn nợ đây vài đồng đấy, xem xét thế nào mà trả đi, nợ mãi."

Lý Minh Hưởng không nói nữa, chỉ phẩy tay rồi thúc giục La Tại Dân uống nước cho nhanh. La Tại Dân bưng cốc nước lên uống, khẽ đưa mắt nhìn ra con phố lạ lẫm ở bên ngoài. Người đi xe đạp và những người phu kéo xe chạy ngang chạy dọc vội vã trên đường, Tại Dân nhìn những gương mặt đỏ gay, những đôi chân thoăn thoắt như bay trên mặt đường đối nghịch với những áo quần lụa là ngồi trên xe kéo, mái xe kéo trùm mát mẻ và thoải mái, ấy thế mà người ta vẫn cứ chăm chỉ mắng chửi những kẻ làm thuê, những kẻ đang cố nai lưng ra mà kéo cả xe lẫn người.

Lý Minh Hưởng đã nói rằng ở cái chốn phố thị này thì dễ kiếm việc lắm, anh ta có rất nhiều mối làm ăn, chỉ cần anh ta nói một câu, Tại Dân sẽ không bao giờ sợ phải chết đói ở nơi tha phương. Chị hàng nước vẫn cứ cong cớn móc mỉa Minh Hưởng bằng cái giọng lanh lảnh chua ngoa của chị ta, Minh Hưởng chỉ đưa đẩy bằng những câu nói tình ý nửa vời, trên môi người phụ nữ thi thoảng vẫn cứ nhếch lên cười không thể kìm nén. Lý Minh Hưởng có cái miệng nói thật khéo, người phụ nữ từ chỗ nanh nọc mắng mỏ anh ta, trong phút chốc đã cúi đầu rồi mỉm cười e lệ như những cô thiếu nữ vừa kịp lớn ở độ trăng tròn, cái quạt giấy rách tàng che đi một nửa khuôn mặt, chị ta đang làm duyên đấy thôi. Lý Minh Hưởng vừa nói chuyện vừa đưa mắt có ý thúc giục Dân mau uống nước, Tại Dân cũng rất biết điều mà làm theo, cho đến khi đứng dậy, cái cốc nhựa đã chỉ còn trơ đáy. Nói cho đúng, La Tại Dân vẫn chỉ là một thanh niên quê mùa và nhiều lạc hậu, Lý Minh Hưởng khẽ mỉm cười khi anh ta biết rõ ràng rằng một bên má hơi phồng lên kia đang ngậm chặt mấy viên đá ở trong đó. Anh ta đặt lên bàn mấy tờ tiền, chị hàng nước cầm lên đếm thoăn thoắt rồi nói:

"Vẫn thiếu năm đồng đấy nhé."

Hưởng gật đầu rồi quay người đi, Tại Dân cắp theo cái túi nâu, cúi đầu đi trên đường.

Ngày La Tại Dân trở về từ nhà tù, cậu đi trên con đường làng mà không dám ngẩng đầu lên, cái mặc cảm xấu xa đã ăn sâu trong tâm trí của La Tại Dân, nó không bao giờ ăn chầu nuốt chửng ngay lấy cái hồn của cậu mà chỉ như cái bóng ma, mỗi một ngày lại trùm kín lên cuộc sống của cậu, nó giống như cái bóng tối cứ ngập đầy dần và bao bọc lại, ngăn cho tâm hồn người ta thoát ra khỏi mà đi tìm về thế giới tươi tắn ngoài kia. Ngay khi đã đến cái chốn phố thị này rồi, Tại Dân vẫn chỉ cúi đầu mà bước đi, đôi mắt chỉ còn nhìn thấy bóng mình đổ dài trên đường và gáy đã nóng rát.

Bỗng, một bàn tay kéo giật lấy cánh tay của La Tại Dân khiến cho đôi chân cậu ríu vào nhau, lực kéo đột ngột khiến cho hai mắt cậu hoa lên, cái thân gầy chao đảo đáng thương chỉ cho đến khi có thêm bàn tay của Minh Hưởng đỡ lại. Lý Minh Hưởng gắt lên:

"Ngẩng cái đầu lên mà đi! Còn ông nữa, ông già, níu thằng bé lại làm gì?"

Câu sau đó Minh Hưởng nạt người đã kéo Dân lại. Ông già lập cập không buông Tại Dân ra, La Tại Dân nhìn ông, mái tóc đã bạc quá nửa, đôi mắt thao láo ráo hoảnh, phía sau ông ta là manh chiếu cũ nhưng may mắn chưa rách quá nhiều, có cái nghiên mực khô khốc nằm còng queo như mảnh ruộng gặp hạn nứt nở, xấp giấy bản vẫn còn vướng mấy cái lá sấu rụng, cái chap tiền trống không, ấy là một ông thầy số. Ông già lấy cái bút lông gài trên vành tai xuống, nhất quyết kéo La Tại Dân lại nơi ông ta ngồi dưới gốc sấu xanh um, Lý Minh Hưởng không giành giật gì nhưng liên miệng nói:

"Ế sưng ế xỉa chứ gì? Chúng tôi không có tiền đâu, có xem cho không thì xem."

Ông thầy số ngồi vào chiếu, ngước đôi mắt trắng dã lên nhìn Hưởng, bàn tay già nua thoăn thoắt mài mực:

"Tôi xem cho cậu này đây, anh Hưởng ạ. Hôm nay tôi xem không cho."

Tại Dân nói:

"Ơ không, để tôi trả tiền thầy."

Hưởng nhíu mày vì nắng, giọng cộc cằn:

"Dào ôi, trả gì, lão bảo xem miễn phí thì cứ để lão xem, lão xem đúng đấy, đúng đến đoán được cái vận rủi bị bắt giam của tôi cơ mà."

Lão thầy số đổ chút nước vào nghiên mực, ngước lên nhìn Minh Hưởng:

"Mừng anh đã về."

Hưởng nói:

"Vâng, quý hóa quá thưa cụ, thôi cụ xem nhanh nhanh không mất công mất việc của anh em chúng tôi, cả nửa ngày rồi chứ ít gì. Rồi đấy cụ xem, đường xá xa xôi mà kề cà mãi, không được cái việc gì đâu."

Ông thầy số hỏi ngày sinh tháng đẻ của Tại Dân, cậu đọc ra rồi ông ta bấm đốt ngón tay, miệng lẩm nhẩm đọc như người tụng kinh cầu khấn, vẻ mặt xem chừng ngẫm nghĩ lắm.

Lý Minh Hưởng đứng một bên, anh luôn ăn nói cộc cằn nhưng tâm anh ta không hề xấu như cái gai góc anh ta làm ra vẻ ngoài. Thực tế, bên trong anh ta là một con người ấm áp và dịu dàng, nếu không thì anh ta đã chẳng dang tay ra mà cứu lấy cái đời khốn khổ của La Tại Dân trong khi chính đời anh ta cũng đang trầy vẩy không đường hoàng gì. Lý Minh Hưởng luôn làm ra một cái gai góc xấc xược như thế để cảnh cáo những người chung quanh rằng anh ta không dễ bắt nạt. Lý Minh Hưởng nói đó là cách anh ta sống, và anh lo lắng thay cho La Tại Dân, cậu quá hiền lành và không hề có tham vọng gì, đó là điều khiến cậu dễ bị nhấn chìm.

Ông thầy số nói:

"Cậu này có cái số vất vả từ ngày mới đẻ, không có một gia đình đường hoàng."

La Tại Dân tròn mắt nhìn ông, ông ta nói tiếp:

"Tôi kéo cậu vào vì thấy cái vận khí của cậu rất lạ, trên đời này tôi chưa từng gặp."

Nghe ông ta nói thế, Minh Hưởng cũng tò mò ngồi lại gần. La Tại Dân chăm chú nghe, ông ta nói tiếp:

"Thời gian sau này cậu vẫn phải chịu vất vả thêm một chút, nhưng sẽ không lâu, vẫn sẽ có những cái nghiệp xấu đi theo cậu, mà cái nghiệp này là do cùng một người gây ra, cậu phải hết sức cẩn thận, chỉ cần cứng rắn vượt qua thì sẽ gặp được... Đây tôi đã nhìn thấy, cậu sẽ gặp được một người này quan trọng lắm, rồi cậu sẽ hóa vui sướng mà thôi."

Đúng lúc đó, có một người lao chiếc xe đạp đến, tay lính nhảy xuống khỏi xe, nạt nộ:

"Sao đây nào? Tụ tập ở lề đường nhà người ta nhiều thế này để làm cái gì? Đường nhà chúng mày đấy hả? Có cho ai đi không nào? Ông bắt phạt hết chúng mày đi nhé?"

Tại Dân nghe thấy Minh Hưởng lẩm bẩm chửi tục một tiếng rồi anh ta kéo cậu chạy như bay, để lại ông thầy số và viên lính mới chỉ kịp nhảy xuống khỏi cái xe đạp.

Minh Hưởng vừa đi vừa nói:

"Chả xem được cái mẹ gì rõ ràng, này, cậu nghe ông ta nói thôi chứ đừng tin, ai chẳng biết sống ở cái chốn này vất vả, mà vất vả mấy thì kiểu gì cũng gặp được người làm cho cậu hóa vui sướng, ấy là người yêu chứ còn cái gì nữa. May mà lão xem cho không, chứ mất cho lão vài hào thì lại oan ức. Chả được cái việc mẹ gì."

Nói một mình chán chê, Hưởng quay ra nhìn người đằng sau:

"Cậu lên đến đây cùng tôi rồi, đi đứng cứ ngẩng cao lên cho nó an toàn, xe cộ đi qua đi lại thế này không giống như ở quê cậu toàn trâu mới bò đâu, cứ ngẩng đầu cao lên mà đi, ở đây có ai biết cậu từng sống thế nào ở cái chốn khỉ ho kia mà cậu phải sợ?"

La Tại Dân chỉ gật, rồi Minh Hưởng hô lên:

"Đây nhé, công việc đầu tiên."

Nói rồi anh rẽ vào một cái nhà xe, ở đó có một người đàn ông mặc đồ Tây đang đứng chỉ tay điều khiển những kẻ phu xe rất hoành tráng, cái giọng oang oang như để lấy uy, Minh Hưởng xun xoe:

"Tôi chào anh Đông Anh, bao lâu rồi anh nhỉ?"

Người tên Đông Anh giật mình rồi quay ra, nhìn thấy Minh Hưởng, anh ta nhoẻn cười, đôi mắt dài híp lại hơi hẹp, chìa một bàn tay ra bắt lấy bàn tay Minh Hưởng:

"Cậu đã về rồi đấy à? Mừng cho cậu nhé, cái đời này bạc quá thể, cứu người mà lại rước họa vào thân đấy. Cậu vẫn làm việc cho tôi tiếp chứ?"

Hưởng gật đầu:

"Vâng, không làm cho anh Đông Anh thì tôi còn biết đi đâu. À, sẵn đây, tôi có thêm người để giới thiệu cho anh đây, anh ạ, cậu này nhỏ người thế thôi mà được việc, em trai tôi cả đấy."

Đông Anh kéo kính lên để nhìn cho rõ người được Minh Hưởng giới thiệu là em trai, anh ta nhìn La Tại Dân kĩ càng như thể đang săm soi một cái xe kéo sau một ngày dài xem có hỏng hóc ở chỗ nào không để mà còn đòi tiền đền bù. Nhìn rồi, anh ta mới hỏi tên của La Tại Dân, Tại Dân nghiêm túc trả lời. Đông Anh khẽ lắc đầu.

Dáng người của La Tại Dân không thua kém gì Lý Minh Hưởng, thậm chí làn da nâu khiến cho cậu nhìn được việc hơn cả Minh Hưởng, nhưng Đông Anh chỉ cần nhìn qua dáng vẻ là đã biết người này không thể làm được việc kéo xe cho nhà anh ta.

Anh ta trầm ngâm lựa lời rồi nói:

"Cậu Dân này, thực lòng là tôi cũng muốn nhận cậu, nhưng cậu không hề hợp với cái công việc này. Tôi biết sức cậu làm được, nhưng cái nghề này cần nhiều thứ hơn là chỉ cái sức của cậu. Này nhé, cậu cứ nhìn ra đường mà xem, cậu đi kéo xe, khách hàng của cậu không chỉ có người dân An Nam ta mà còn đủ thể loại người khác, cậu quá hiền lành để có thể đi làm việc này đấy, cậu ạ. Các cụ nói rồi: "Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan." Mà giờ ở cái thời nhiễu nhương này, ngày đêm gì thì cũng là giặc cướp rốt ráo, tôi sợ cậu không đối phó nổi."

Đông Anh nói một lèo như thế, nhìn vào đôi mắt trông chờ tràn đầy của thất vọng và chấp nhận của Tại Dân, đôi bàn tay anh khẽ siết mớ giấy tờ trên tay, thở dài một hơi:

"Thôi thì thế này, năm giờ sáng mai cậu lại đây, tôi đang có một chân bán báo còn thiếu, sáng mai cậu phải đến giờ ấy thì may ra tôi xin được cho cậu vào chỗ ấy, cậu mà đến muộn hơn thì không còn việc đâu."

Lý Minh Hưởng và La Tại Dân cùng nhoẻn miệng cười một lúc. Kim Đông Anh thẫn ra nhìn hai gương mặt sáng bừng ấy, phải rồi, thì ra con người ta khi hạnh phúc vẫn có thể nở một nụ cười đẹp đẽ đến thế. Anh nhìn rồi cũng nở ra một nụ cười, đáp lại những cái cúi người cảm ơn liên tiếp của La Tại Dân, Đông Anh chỉ có thể cười thật lớn rồi vỗ vai cậu, nhắc nhở cậu phải đến cho thật đúng giờ thì mới còn việc.

"Được rồi đấy, mai cậu đến đúng giờ là được. Còn Minh Hưởng, cậu được về rồi là tôi mừng, từ mai cậu vẫn đi làm cho tôi đấy nhé. Cậu thạo việc, không có cậu mấy tháng mà tôi lao đao đấy."

Minh Hưởng gật đầu rồi kéo Đông Anh ra một góc nói chuyện gì đó. La Tại Dân chỉ còn lại một mình đứng thẩn thơ, cậu nhìn ra ngoài đường, phía bên kia, mấy tấm áp phích nhiều màu được giăng lên, nét mực còn rất mới, La Tại Dân nhìn mãi, cậu chưa kịp học chữ của người Tây, nhìn những nét chữ mà cậu cho rằng gọn gàng nằm trên tấm biển hiệu hay tờ giấy khổ lớn, Dân chỉ thấy thật thần kì và khao khát đọc được nó, nhưng giờ thì điều kiện ở đâu ra cho mà học? Rồi ngày mai cậu sẽ có cơ may được đi bán báo, một thằng bán báo mà còn không đọc nổi một cái chữ nào trên tờ báo ấy. Dân luôn ước ao để được như những anh chị thanh niên xung phong đọc báo cho người làng nghe ở dưới quê, giọng các anh chị ấy mới hay làm sao, bàn tay cầm tờ giấy báo của các anh chị mới đẹp đẽ và dễ nhìn làm sao. Những ngày ấy, bàn tay của La Tại Dân luôn chai sần và lấm đất ruộng đồng, làm sao cậu dám cầm vào tờ báo, cái biểu tượng của sự văn minh đổi mới?

Lý Minh Hưởng trở ra, hỏi Tại Dân:

"Vậy là mai có thể cậu có việc rồi, nhưng thế là chưa đủ, cậu có muốn làm thêm không? Đi bán báo chỉ cần đi một lúc buổi sáng thôi vì người ta đọc nhật báo vào sáng sớm, người tây lẫn người ta đều thế, nên cậu rảnh buổi chiều và buổi tối, không kiếm thêm thì dễ chết đói."

La Tại Dân gật đầu rồi đi theo Lý Minh Hưởng, cậu đã học cách ngẩng đầu bước đi. La Tại Dân nhìn thấy những cái cây sấu trồng hai bên đường, những ngôi nhà gạch khang trang đứng xếp hàng sát bên nhau, căn nhà nào cũng trưng ra cái hơi thở của phố thị với một sự văn minh lạ lẫm. Thế rồi, cậu giật mình khi nhìn thấy một chiếc xe hơi đen bóng chạy qua, chiếc xe tuýt còi vang cả một góc đường. Đó là lần đầu tiên La Tại Dân được nhìn thấy một chiếc xe bốn bánh chạy phăng phăng trên đường như thế, mùi dầu máy bốc lên khi chiếc xe đi qua ngai ngái, chiếc xe hệt như một con thú bằng kim loại kiêu căng và hoang dã, nó choán hết một nửa con đường, ngạo nghễ và thật giàu có. Chiếc xe đỗ lại ngay nhà xe của Kim Đông Anh, La Tại Dân ngoái hẳn đầu lại để nhìn cái xe.

Lý Minh Hưởng giơ tay kéo Tại Dân đi thẳng khi cánh cửa chiếc xe hơi vừa kịp bật mở. Bằng chất giọng cộc cằn, anh ta nói:

"Thôi, đi nhanh, sắp tối rồi thì không được cái việc gì nữa đâu. Nhìn thấy những người giàu thì em chú ý tránh xa họ ra, chỉ toàn những kẻ thiếu tình thương và không biết cảm thông cho điều gì ngoài tiền bạc. Tiếp nữa, ở cái chốn này mà nghe đến nhà họ Lý thì coi chừng, đó là cái gia đình quyền thế khắp miền ngoài này đấy."

Thì ra nơi đâu thì cũng sẽ có những kẻ giàu có quyền uy sẵn sàng đè bẹp dân đen thấp cổ bé họng.

-

Lý Minh Hưởng vội để đi đến một cái tiệm may.

Những cửa tiệm hàng quán trên thành phố đều gắn biển hiệu riêng, nhưng cái biển hiệu được làm rất kì công, và có một điểm chung rằng những cái biển ấy đều được vẽ trên đó chữ của người Pháp, không có lấy một cái biển nào còn đề chữ Nôm như thể người ta cho rằng đó là lạ lẫm và thiếu hợp thời. La Tại Dân nhìn tấm biển, nhìn bức vẽ có hai người phụ nữ mặc đầm dài đầu đội mũ rộng vành đứng cạnh nhau, không thể đọc ra bất cứ một điều gì. Trước tiệm là một tấm kính rộng để nhìn thẳng vào bên trong, người ta xếp trong đó mấy hình người cao ráo rồi khoác lên mấy cái hình người ấy vài bộ đồ làm mẫu. Minh Hưởng trả lời rằng đó là ma-nơ-canh người Tây làm để trưng quần áo cho người ta dễ tưởng tượng đó thôi.

Thì ra còn có thể làm ra hình dáng con người bằng những khúc gỗ.

Tại Dân ôm túi bước theo Minh Hưởng. Vừa bước vào đến cửa, lão chủ đã rầm rập chạy ra:

"Đâu nào đâu nào, tiệm may này may đồ nữ giới, mấy ông... Ô này cái thằng Minh Hưởng?"

Lão ta đang đà mắng nhiếc thì bỗng khựng lại rồi vỗ bồm bộp vào cánh tay của Minh Hưởng.

"Mày đi đâu mà mất tăm mấy tháng nay thế hả? Không cần việc làm nữa rồi có đúng không? Ông mày đuổi mày thẳng cổ nhé! Bố láo à?"

Minh Hưởng méo mó cười:

"Chuyện này kể ra thật dài thưa ông, tôi cũng khó khăn lắm mới về lại được, chỉ mong ông còn thương tình mà nhận lại anh em chúng tôi vào làm ở tiệm may, anh em chúng tôi xin đội ơn ông nhiều."

Lão chủ đốp ngay:

"Thôi! Tôi lạy bố! Ốc không mang nổi mình ốc mà đèo bòng, anh em gì? Tôi lạ gì bố nữa? Lang thang phiêu bạt hai mấy năm rồi giờ lòi đâu ra thằng em trai thế?"

"Em trai tôi dưới quê thật đấy thôi."

Nói rồi, Minh Hưởng chẹp miệng tỏ ý hờn dỗi:

"Mà thôi đấy, thằng em tôi thạo việc, chúng tôi vừa bước từ tiệm may nhà họ Lý ra đấy, lão Quý bên đấy cũng đáo để ra phết, vừa thấy thằng em tôi là xúm ngay lại mời làm cho lão. Chẳng qua là tôi nhớ cái tình nghĩa bao nhiêu năm nên mới dắt nó lại bên này để hỏi ông, chứ không thì anh em tôi sang bên tiệm nhà họ Lý, lão Quý vẫn nhường chỗ cho chúng tôi cơ mà."

Lão chủ tiệm may Kim Quy nhìn sang bên đường, cùng lúc đó Tại Dân cũng nhìn sang.

Tiệm may nhà họ Lý đứng giữa những cái hàng quán Tây Tàu thì xem ra là đậm chất nước Nam nhất, một người phụ nữ mặc áo nâu bước ra từ tiệm, chiếc xe hơi quen mắt khi nãy xịch đến, người trong tiệm đồng loạt đứng thẳng lưng. Cửa xe mở ra, một bóng áo Tây bước xuống, một người mặc áo kaki chạy ra từ trong tiệm may, hai bàn tay xoa vào nhau, cái miệng cười toe, bóng áo Tây ấy chỉ khẽ gật đầu, cánh cửa tiệm đung đưa được giữ lại cho đứng im, rồi đóng hẳn.

Minh Hưởng kéo tay Tại Dân:

"Đấy, cậu út Lý bên đó đã về, thôi nếu ông không nhận thì để chúng tôi sang bên ấy, thiếu gì nơi làm mà tôi phải chịu mắng xơi xơi như thế."

Nói rồi anh làm như đi thật. Làm gì có cái tiệm may nhà họ Lý nào mời mọc gì La Tại Dân? Lý Minh Hưởng chỉ phịa, nhưng lão chủ tiệm may Kim Quy lại tin sái cổ, lão sợ rằng bên tiệm bên kia – đối thủ làm ăn đã bao đời nay của nhà hắn – sẽ giành được một kẻ làm thạo việc nên cuống cuồng níu Hưởng lại:

"Có gì đâu cậu Hưởng? Tính tôi xưa giờ hơi nóng nảy, miệng tôi thế chứ tâm tôi nào có gì, thôi được rồi, cậu với em trai cậu cứ lại đây mà làm, cái tình nghĩa tôi với cậu bao nhiêu năm nay rồi chứ nào có ít ỏi gì? Cậu với em trai cậu làm được gì nhỉ? Có thể đi giao quần áo vải vóc cho tôi như lúc trước được không?"

La Tại Dân nói:

"Chúng tôi làm được."

Lão chủ vỗ hai tay vào nhau:

"Vậy tốt quá, chiều mai tiệm cần giao năm đơn hàng, cậu Hưởng và cậu...?"

"La Tại Dân, thưa ông."

"Được, cậu Hưởng và cậu Dân đây, ba giờ chiều mai hãy qua đúng giờ, tôi sẽ giao việc cho hai cậu."

Lý Minh Hương tinh quái nháy mắt với La Tại Dân rồi đưa tay bắt lấy bàn tay của chủ tiệm Kim Quy, cái sự tinh quái của anh ta khiến Tại Dân vừa thấy sợ vừa thấy biết ơn.

Dân quay lại nhìn chiếc xe hơi bóng bẩy của người mà Minh Hưởng gọi là cậu út Lý. Phải là một con người như thế nào để sở hữu chiếc xe hơi ấy? La Tại Dân nhớ về bóng lưng cao thẳng tắp tràn ngập uy quyền khi nãy, người như thế liệu có giống lời Minh Hưởng nói hay không? Rằng những kẻ giàu có quyền thế đều lạnh lẽo và không biết cảm thông?





--

Chúc mừng năm mới mọi người!!!

Chúc cho những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với chúng ta!

Và me oi lạnh quáaaaaaa

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #nomin