Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần 01.

Lưu ý nội dung: Toàn bộ nội dung fic là sản phẩm của trí tưởng tượng, dựa trên một số chi tiết kinh điển của những tác phẩm văn học đã thành hàng kiệt tác của nền văn học Việt Nam.

Dừa's universe - không có giá trị kiến thức gì.

-

Dưới gian bếp nhà cụ lý, mấy mụ người làm ngồi nấu bữa cơm chiều, một mụ thái miếng thịt luộc, cố tình thái lẹm đi một miếng nhỏ để nhanh chóng bỏ vào mồm nhai, một mụ ngồi khuấy cái nồi cháo bốc hơi nghì ngụt cho cô con gái út đỏng đảnh kén ăn của cụ, rồi mụ đưa ngay cái muôi cháo lên thổi phù phù lén húp một miếng.

Mụ thái thịt nhìn ráo rác xung quanh, đoạn nói nhỏ:

"Chị biết chửa? Chiều này thằng Dân nó về rồi."

Mụ kia buông muôi cháo, quay ra ngay:

"Thế hử? Thế trông nó sao? Sống chết thế nào? Gớm khổ, kể mà nó chịu nghe cô út thì đã không nên sự."

Nói rồi hai mụ đàn bà châu đầu vào nhau, đôi môi bĩu bĩu nói chuyện gần chuyện xa, đem chuyện thằng Dân cô út nhà cụ lý ra nói nhõn chẳng chừa lại phần nào, tiện còn bình vào đó cái quá khứ của thằng Dân và cái tương lai còn mịt mờ của nó.

Mụ kia đặt thịt lên đĩa, nói:

"Chiều nay nó mới về đấy, người ta bảo nhìn nó đi trên đường tội trạng lắm. Trên người nó là cái bộ áo vá chằng vá đụp đã nhão ra thành cái màu nhờ nhợ đến là bẩn thỉu, cái mặt nó lầm lũi cúi gằm, lưng gù xuống, đôi mắt nó chỉ biết nhìn vào mấy đầu ngón chân trần trụi giẫm trên cái đường đất. Dào ôi cái quê hương đã đẩy nó vào đường cùng vách tận. Quê hương này giờ cũng không chào đón nó về nữa rồi. Nghe thế thì có tội không? Có khổ không?"

Thằng Đông Hách vác một cái vò rượu nếp mới nấu vào trong cất, tình cờ nghe được chuyện ấy, bụng dạ nó cồn cào như có con gì nhảy loạn ở trong.

La Tại Dân đã về rồi.

Đông Hách đặt nhẹ vò rượu vào tít trong một góc bếp, rút cái giẻ trên vai xuống lau kĩ mấy cái vò, đột nhiên, một giọt nước mắt trong veo của nó đáp xuống vỏ vò rượu rồi nhanh chóng trượt dài. Đông Hách không phải đứa mau nước mắt đến thế, nó đưa tay áo quệt vội mắt mũi đã bắt đầu nóng ran kèm nhèm, rồi lại lủi nhanh ra khỏi căn bếp.

Bầu trời đã về chiều sẩm tối, ánh nắng tắt đi và bóng tối bắt đầu lan đầy dần, bắt đầu phủ lên mọi vật của thế gian, nhà cụ lý đã bắt đầu gọi hò nhau đi thắp đèn, nhưng cái nắng nóng những ngày đầu tháng Tám ở vùng quê Bắc Bộ thì không cho phép bầu trời dịu mát đi bao nhiêu. Đông Hách đã làm xong việc của nó rồi, mấy con lợn đứng ụt ịt trong chuồng cũng đã được cho ăn tắm rửa sạch sẽ. Hách nhìn quanh mảnh sân lần cuối, xác định rằng đã không còn việc gì làm thì nó mới chạy đi.

Đông Hách chạy vào căn buồng tối tăm ẩm thấp nó ở để trông con bò cho nhà cụ lý, lôi ra một bộ quần áo mới tinh nó cất dưới đáy cái hòm gỗ đóng rất ẩu, bộ quần áo nhuộm đầy mùi băng phiến nó xin được của cụ lý vẫn sạch sẽ và thơm tho.

Ve kêu ran lên khắp tứ phía, Đông Hách nâng niu bộ quần áo, ngồi bệt xuống cạnh cái chõng nó nằm rồi giấu mặt vào cánh tay mình mà lặng lẽ khóc. Đông Hách không dám khóc to, nó sợ ai đó sẽ nghe thấy.

Hách chờ La Tại Dân đã rất lâu rồi, nó nhớ bạn ra sao, thế gian này sẽ chỉ có mình nó tỏ tường. La Tại Dân là người bầu bạn duy nhất trên đời này mà Đông Hách có, đối với nó, La Tại Dân đáng quý còn hơn cả mấy đồng tiền còm mà cụ lý trả cho nó sau mỗi năm nó cày cuốc đến bục mặt cho nhà cụ.

Hách cứ ngồi như thế, chờ cho đến khi ve tắt mấy đợt kêu, cho đến khi tiếng xôn xao ở nhà trên đã không còn nữa, nó mới đứng dậy, lén đi ra giếng vốc nước rửa chân tay mặt mày, lấy thêm vài đồng rồi ôm bộ quần áo mới đi.

Đông Hách phải đi gặp Tại Dân chứ.

Đông Hách phải nói cho La Tại Dân biết rằng, dù có như thế nào thì Tại Dân vẫn là một con người đáng quý nhất trên đời này, mặc kệ cái quá khứ sứt sẹo ấy đi, Tại Dân phải sống tiếp, và phải sống thật vui, như thế thì mới có đứa phải tức nổ đom đóm mắt lên vì không thể dìm chết được bạn nó.

  *

"Nhưng ngữ như tao thì làm gì được ở cái làng này nữa Hách ơi? Cái vết lầy đó sẽ theo tao suốt cả một đời này đi mất, không, tao không thể làm gì được nữa rồi Hách ơi."

Tại Dân ngồi trong cái lều lúp xúp bé tí cạnh bờ sông, ngọn đèn dầu tù mù leo lét chỉ làm ánh sáng tỏa ra chưa vừa một manh chiếu, có hai cái bát cơm sứt mẻ ở trong, gạo màu không trắng, cơm cũng không dẻo, Dân chỉ ăn được vài ba miếng rồi buông đũa, Đông Hách cũng không ăn được bao nhiêu, vì nó thương bạn nó quá.

La Tại Dân năm nay mười tám rồi, bằng tuổi Đông Hách, nhưng Dân đã mất đi hơn hai năm phải loanh quanh và cô độc, oan ức trong cái nhà ngục của bọn cường hào và thực dân.

Đúng là như thế, La Tại Dân bị cô út nhà cụ lý bỏ tù. Cô không có quyền hạn, nhưng bố cô có quyền. La Tại Dân lớn lên là một thanh niên trông hết mực thư sinh đẹp đẽ, đi ở cho nhà cụ từ năm tám tuổi, sau Đông Hách chỉ vài ba hôm. Hai đứa đều kém tuổi cô út nhà cụ lý. Cô út nhà ông ta lớn lên xinh đẹp phốp pháp trắng trẻo, lại có tiếng nói giọng hát mà cả làng cho là giọng thần giọng tiên, cô ta kiêu ngạo và cho bản thân như thể là một bà hoàng, chưa có gì cô ta muốn mà cô ta lại không có được. Trai tráng trong vùng muốn cô ta lắm, lảng vảng quanh nhà cụ lý từ ngày này sang tháng nọ. Cả cô ta và ông cụ đều cho đó là điều đáng kiêu. Ông cụ chiều con, bất kể là yêu cầu gì của cô, ông ta cũng đều nương theo hết mực.

Cái năm cô ta mười tám thì Dân cũng mười sáu. Mười sáu tuổi, nước da Dân sạm đi vì đi đồng nhiều năm, nhưng vẻ mặt thì lại rắn rỏi và nụ cười khiến cho tất cả thiếu nữ trong làng phải đổ xô ra nhìn ngắm mỗi khi họ rảnh việc. Và cô út thì ham Dân lắm, cô ta bịa nhiều thứ chuyện ra cho Dân làm giúp mình, có những chuyện đụng chạm rất ghê, La Tại Dân sợ nên từ chối. Vậy là sống không yên với cô ta.

Ngày hôm đó, Lý Đông Hách đi đồng về rồi bàng hoàng khi biết La Tại Dân đã bị giải đến cửa quan, nghe người ta đồn là Tại Dân vào buồng cô út rồi sàm sỡ, rồi lấy mất đi của cô ta một chuỗi dây chuyền về cất nhẹm vào trong rương, vẫn còn chứng cớ rành rành, và cô út thì xem chừng vẫn còn hãi sợ lắm, nằm liệt trong buồng không thể ra ngoài. La Tại Dân không thể nói bất cứ điều gì, nhưng Đông Hách vẫn còn nhớ rất rõ ánh mắt trân trân của Dân ngày hôm đó ở cửa quan, nhớ rõ cái nhìn oan trái của Dân với mình khi người ta giải nó đi. Đông Hách biết, rằng La Tại Dân không phải người như thế, nó đã ở với Dân từ thời tấm bé thì nhầm lẫn làm sao? Càng nghĩ về ánh mắt đó của Dân, Lý Đông Hách càng hận và càng giận. Nó sống trong nhà cụ lý đấy, phục vụ ông ta và cô con gái đỏng đảnh của ông ta đấy, nhưng có đôi khi, Đông Hách chỉ muốn cầm lấy con dao mà đòi lại công bằng cho bạn mình.

Hách từng muốn giết chết cả gia đình cụ lý, nhưng như thế, nỗi oan của Tại Dân làm sao có thể giải hết? Đến cuối cùng, Lý Đông Hách vẫn không thể làm gì, vẫn chỉ có thể ngày ngày phục dịch gia đình ông ta trong một nỗi căm hờn sục sôi, và chờ ngày La Tại Dân có thể mạnh khỏe trở về.

Đông Hách nâng cái ca đựng nước lên cho Dân, hỏi nhỏ:

"Rồi giờ tính thế nào?"

La Tại Dân cúi đầu, móc trong túi áo nâu ra mấy tờ tiền được gấp rất gọn, vuốt phẳng chúng ra rồi mân mê mãi:

"Phải bỏ xứ thôi, tao nào có sống ở đây được nữa? Giờ người ta luôn nghĩ cho tao cái thói ăn cắp thả dê, nhục lắm, oan lắm, tao không thể ở."

Mắt mũi Đông Hách chưa gì đã cay xè đi, vùng sáng đèn dầu trước mắt nó đã nhòe đi rộng ra nhiều.

"Ừ, đi đi, nhưng mày đi đâu được hả Dân?"

Tại Dân xòe ra mấy tờ tiền, cố gắng kéo môi lên dù khóe môi run rẩy chỉ chực trễ thấp xuống:

"Tao lên thành phố, tao có tiền mà, mấy năm đi thì cũng có tiền đây, bọn chúng nó không mất nhân tính như thế. Tao quen được một người trong nhà ngục, ngày mai anh ta mới ra tù, mai tao lại đi tìm anh ta, rồi tao và anh ta lên thành phố. Mày có biết không, anh ta kể cho tao nghe nhiều thứ ở thành phố lắm, tao lên đó rồi có thể làm rất nhiều việc, kiếm về thật nhiều tiền, người thành phố người ta sống thoáng lắm. Với cả, lên trên đó, sẽ không ai biết đến cái quá khứ của tao nữa."

Đông Hách cúi gằm mặt, gật đầu lia lịa theo lời Tại Dân nói, không dám ngẩng lên. Nó cố kìm cái giọng đã lạc đi, cổ họng nghẹn đứng như có gì chèn ngang, nói:

"Biết anh ta có đáng tin không mà đi theo?"

La Tại Dân vẫn cố mỉm cười, đưa tay vỗ vai Hách một cái:

"Tin được chứ."

"Anh ta cũng đi tù đó thôi. Mày tưởng ai vào tù cũng phải chịu oan như mày đấy à?"

"Không, anh ta vào vì tội đánh lính tuần. Thằng lính tuần đánh một bà già vì không kịp tránh đường hắn, nên anh ta nhào vào đánh, lúc đó anh ta đang đi kéo xe ngựa. Thế nào mà ông khách Tây ngồi trên xe ngã hỏng bộ áo mới mua, nên kiện anh ta."

Đông Hách nhìn bạn rồi bật cười, La Tại Dân tựa người vào cánh cửa cũng cười lên một tràng dài.

"Khôi hài nhỉ? Chỉ vì bao đồng lo chuyện thiên hạ mà bỏ quên mất đời trong cái ngục tối ấy. Tao cũng thế," Dân ngó ra nhìn mặt trăng treo tròn lẳn phía đằng xa, gió từ bờ sông thổi vào từng đợt mát rượi, xào xạc tiếng ếch nhái và dế rúc lên, "Tao giữ được đời tao rồi, cuối cùng cũng lại đánh mất một thứ gì đó."

Dân cúi xuống nhìn lòng bàn tay chai cứng, khóe môi trễ nải:

"Đánh mất thứ gì đó... Nhiều khi ngồi trong ngục, ngẩng đầu nhìn trăng qua cái ô cửa bé bằng bàn tay, tao tự hỏi tao đã giữ được cho tao cái gì, đánh mất cái gì. Thứ tao giữ được nó mong manh mơ hồ lắm, nhưng thứ tao bị mất thì to lớn đến mức ngày mai tao phải bỏ quê, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn mà đi lang bạt."

Đông Hách ngồi lùi lại gần Tại Dân hơn, vỗ vai Dân rồi nói:

"Thôi thì đi, đi đi, như tao nói đấy, đi rồi sống thật tốt cho tao, đứa nào càng muốn dìm mày thì mày càng phải cho nó thấy mày nổi mãi không thôi."

"Như cọng rơm cọng rác nổi đấy hả?" Dân cười cười.

"Ừ, như cọng rơm cọng rác cũng được, nhưng nhất định phải sống." Đông Hách nhoài người ôm chầm lấy Tại Dân. "Sống đi, dăm năm nữa đem tiền đem bạc đem cả vợ về đây, sống đi, phải sống vì tao còn chờ ở đây."

Tại Dân nhìn chăm chăm vào cái vách chòi, ánh đèn dầu bập bùng như muốn tắt, tiếng gió thổi lá cây xào xạc, tiếng sóng nước đập vào mạn thuyền, tiếng ếch nhái kêu ran, tiếng ve sầu ong ong. Rồi ngày mai, những thứ tiếng đã gắn bó với Dân mười tám năm ròng rã sẽ tắt lụi đi để cho tiếng những máy móc xe cộ thế chỗ, như cách người bạn tù của Dân từng nói, mùi đất mùi cây mùi lúa mới cũng sẽ lùi xa rồi thay vào đó là mùi dầu máy, mùi phố phường bụi bặm, và mùi cuộc đời ngày một gian truân hơn.

Mắt Tại Dân đã ráo hoảnh không còn nhỏ nước mắt được nữa dù rằng lòng đang rất sợ hãi và mông lung, nhưng Dân đã mông lung quá nhiều rồi, nhưng đêm nằm trong nhà ngục tối tăm nghe những kẻ tội trạng khác chửi bới khạc nhổ, cậu nhận ra giờ thì mình đã chai lì với cái khổ cái sợ, giờ đây Dân không còn sợ được nữa, cũng không thể khóc khi lòng đang rối như một đống tơ vò. Cái sự ấy còn bất lực hơn nhiều.

Và Đông Hách thì đã gục hẳn vào vai Dân mà khóc, chưa bao giờ Hách thương Dân như thế, và bởi vì không biết chốn thị thành sẽ có hình ngang tiếng dọc ra sao, nên Hách càng sợ hãi và thương bạn hơn, càng thương, trong lòng nó càng khắc ghi một nỗi hận thù hằn sâu và đang sợ hơn.

-
Hết phần 1.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #nomin