Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

u

Từ khi có xã hội loài người tới nay, lịch sử xã hội  là do bản thân quần chúng xây dựng nên và chính quần chúng là động lực thúc đẩy lịch sử tiến lên không ngừng. Mọi sự kiện lớn lao, mọi thay đổi cách mạng xảy ra trong xã hội nếu không được quần chúng tích cực tham gia, ủng hộ thì không thể thành công được.

Nhưng không phải ngay từ đầu, người ta đã nhận thức được vai trò quyết định ấy của quần chúng. Các giai cấp bóc lột vì lợi ích giai cấp của mình đã xóa nhòa, làm lu mờ vai trò của quần chúng trong lịch sử. Chúng coi quần chúng chỉ là một bầy ngu dại. Cả những nhà hiền triết trước kia, với quan điểm giai cấp của bản thân họ và bị điều kiện lịch sử hạn chế, cũng không thấy được đúng vai trò của quần chúng. Theo họ, quần chúng chỉ là những người tiêu cực, bị động, chịu sự sai khiến của những nhân tài lỗi lạc. Do quan điểm sai lầm ấy, nên lịch sử cũ chỉ miêu tả hoạt động của cá nhân, anh hùng hào kiệt, hoặc vua quan, danh tướng nào đó, còn vai trò của quần chúng thì bị bỏ quên, không nói tới.

Phải trải qua một thời gian dài mấy nghìn năm tới khi chủ nghĩa Mác ra đời thì chân lý "quần chúng sáng tạo ra lịch sử" mới được nêu lên. Phát hiện ấy là cống hiến quan trọng của Mác, nhưng cũng do toàn bộ quá trình phát triển lịch sử khách quan cho phép. Trong quá trình lịch sử ấy, vai trò của quần chúng ngày càng nổi bật lên. Giai cấp tư sản lúc làm cách mạng chống phong kiến buộc phải kêu gọi quần chúng tham gia, cho nên trong cách mạng tư sản, quần chúng đã bắt đầu có ý thức về lực lượng của mình và ý thức đấu tranh chính trị; sau cách mạng tư sản, quần chúng cũng giành được một phần những quyền lợi dân chủ dưới nhiều hình thức, điều đó làm cho người ta không thể không chú ý tới vai trò của họ.

Cùng với nền đại sản xuất công nghiệp tư bản chủ nghĩa ra đời và phát triển, giai cấp công nhân cũng ra đời và ngày càng lớn mạnh. Lao động tập trung và cuộc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi hằng ngày, tính tổ chức, kỷ luật và tính đoàn kết chiến đấu được đời sống trong nhà máy rèn luyện, dần dần làm cho giai cấp công nhân nhận thức được sức mạnh vĩ đại của bản thân mình và do đó cũng nhận thức được vai trò của quần chúng. Mặt khác, xã hội tư bản càng phát triển, mâu thuẫn bộc lộ càng gay gắt; chủ nghĩa tư bản phải đi đến diệt vong và chủ nghĩa xã hội nhất định thắng lợi là điều không tránh khỏi, càng làm cho giai cấp công nhân có ý thức về vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, tích cực hành động để thúc đẩy sự tiến hóa tất yếu của lịch sử.

Chính giai cấp công nhân là giai cấp đầu tiên trong lịch sử loài người, đã nhìn thấy một cách đúng đắn lực lượng vĩ đại của quần chúng, và chỉ có lý luận của chủ nghĩa Mác, lý luận của giai cấp công nhân, mới nói lên được một cách khoa học vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng.

Từ khi có được nhận thức đúng về vai trò của quần chúng và nhận thức ấy được ăn sâu vào hàng trăm triệu con người thì lịch sử biến chuyển nhanh chóng lạ thường, tính tích cực và tính sáng tạo cách mạng của quần chúng được biểu lộ vô cùng mạnh mẽ, thời gian phát triển lịch sử được rút ngắn, nhất là trong những thời kỳ cách mạng, một ngày bằng hai mươi năm bình thường trước kia. Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga lần đầu tiên đưa quần chúng lên địa vị làm chủ vận mệnh của mình. Và chỉ bốn mươi năm sau Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa xã hội đã trở thành một hệ thống thế giới bao gồm hơn 1/3 số dân và hơn 1/5 đất đai của hành tinh chúng ta. Đó là một bước nhảy vọt trong lịch sử, nhanh quá sức tưởng tượng, nếu chúng ta so với trước đây, chủ nghĩa tư bản phải trải qua 150 năm tới 200 năm mới thành một hệ thống thế giới. Và nếu chúng ta chú ý tới việc chủ nghĩa tư bản ra đời chẳng qua chỉ thay thế giai cấp bóc lột này bằng giai cấp bóc lột khác, trong khi đó bản thân chế độ người bóc lột người dựa trên cơ sở chiếm hữu tư nhân vẫn y nguyên, còn chủ nghĩa xã hội phải xóa bỏ chế độ bóc lột và chiếm hữu tư nhân đã xây dựng từ mấy nghìn năm và lập nên chế độ chiếm hữu công cộng trong một thời gian ngắn ngủi như vậy, thì ta càng thấy rõ sức mạnh và sự sáng tạo phi thường của quần chúng một khi tự họ thấy phải đứng lên làm ra lịch sử của mình. V.I. Lênin đã nói: "Cách mạng là ngày hội của những người bị áp bức và bóc lột. Không lúc nào quần chúng nhân dân có thể tỏ ra là người tích cực sáng tạo ra những trật tự xã hội mới như trong thời kỳ cách mạng. Trong những thời kỳ như thế,... thì nhân dân có thể làm được những kỳ công"1*.

Lịch sử Việt Nam ta mấy nghìn năm nay cũng chứng tỏ vai trò quyết định của quần chúng. Nước ta trước kia trong hơn một nghìn năm đã từng bị phong kiến bên ngoài xâm lược và đô hộ và đã từng anh dũng chống xâm lược. Sự nghiệp vẻ vang của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, v.v. chính cũng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Nhưng trong lịch sử nước ta dưới chế độ phong kiến, vai trò của quần chúng bị lu mờ, và chính bản thân quần chúng cũng không nhận thức được sức mạnh của mình. Các triều đại liên tiếp đổi thay; chính quần chúng là người quyết định sự biến đổi ấy, nhưng cuối cùng họ vẫn bị áp bức, bị khinh rẻ, bị coi là những kẻ ngu đần.

Trong thời gian nước ta bị đế quốc Pháp xâm lược, nhiều nhà ái quốc Việt Nam cũng đã kêu gọi quần chúng đứng lên chống Pháp giành độc lập, nhưng họ quan niệm quần chúng chỉ là những người thụ động, họ không hiểu nổi sự nghiệp giải phóng dân tộc muốn thành công là phải do quần chúng tự mình đứng lên làm lấy. Các cuộc vận động ái quốc sở dĩ bị thất bại, một nguyên nhân quan trọng là vì họ không thấy được đúng vai trò và tác dụng quyết định của quần chúng trong thời đại đế quốc chủ nghĩa.

Chỉ từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, dựa trên những nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin và nghiên cứu thực tế lịch sử Việt Nam, những người cộng sản Việt Nam mới đặt lại đúng đắn vai trò của quần chúng. Đảng ta lần đầu tiên trong lịch sử nước ta đã nêu ra: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng tự mình giải phóng lấy mình; không có anh hùng hào kiệt nào có thể cứu vớt được quần chúng, mà chính bản thân quần chúng được giác ngộ, được tổ chức đoàn kết lại dưới sự lãnh đạo của đội tiên phong của giai cấp công nhân là Đảng Cộng sản Đông Dương, mới có thể giải phóng cho mình được. Cương lĩnh cách mạng của Đảng ta năm 1930 đề ra nhiệm vụ đánh đổ đế quốc, phong kiến, thành lập chính quyền xôviết công nông binh, chia ruộng đất cho nông dân, chính là đã nói lên lòng tin tưởng và quyết tâm của Đảng dựa vào quần chúng.

Thực tế đã chứng minh, tuy trình độ phát triển kinh tế nước ta lạc hậu hơn so với nước Pháp đế quốc chủ nghĩa mấy trăm năm, nhưng do chúng ta dựa được vào lực lượng vô cùng vô tận của quần chúng, phát động được tính tích cực cách mạng của quần chúng, chúng ta đã đẩy lịch sử nước ta tiến lên nhảy vọt. Chỉ trong một thời gian không dài lắm, chúng ta đã đánh đổ được chủ nghĩa đế quốc và thế lực phong kiến, giải phóng hoàn toàn miền Bắc và đưa nửa nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, một chế độ xã hội công bằng, hợp lý, tốt đẹp hơn nhiều so với chủ nghĩa tư bản. Nếu không có quan niệm đúng đắn về vai trò của quần chúng, không có sự lãnh đạo của Đảng ta, một đảng gắn bó mật thiết với quần chúng, thì không thể có thắng lợi vĩ đại và nhanh chóng như vậy.

II

Chủ nghĩa Mác - Lênin nhận định lịch sử loài người là lịch sử các phương thức sản xuất nối tiếp nhau, là lịch sử của những người sản xuất, của nhân dân lao động. Nói quần chúng sáng tạo lịch sử căn bản là nói đến quần chúng lao động.

Quần chúng lao động ở các giai đoạn lịch sử có khác nhau, cho nên nội dung khái niệm "quần chúng" cũng biến đổi tùy theo giai đoạn lịch sử.

Trong mấy nghìn năm dưới chế độ phong kiến, quần chúng lao động chủ yếu là nông dân, lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội hồi ấy.

Từ khi đế quốc xâm lược nước ta, trong nước Việt Nam thuộc địa và nửa phong kiến, quần chúng lao động căn bản là công nhân và nông dân, nhưng đông đảo nhất là nông dân (chiếm 90% số dân nước ta). Cho nên trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng lãnh đạo, lực lượng đông đảo nhất để chống đế quốc Pháp và phong kiến phản động không thể ai khác ngoài nông dân.

Khởi nghĩa lập chính quyền Xôviết Nghệ - Tĩnh năm 1930 thực chất là khởi nghĩa của nông dân; trong phong trào dân chủ 1936-193914, lực lượng tham gia đông đảo nhất cũng là nông dân; khởi nghĩa Nam Kỳ, Bắc Sơn15, v.v. căn bản cũng là khởi nghĩa của nông dân; khu giải phóng Việt Bắc và Đội tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân thành lập cũng là dựa vào nông dân và nông thôn; Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 là một cuộc nổi dậy của toàn dân, nhưng lực lượng chủ yếu là nhân dân lao động mà đại bộ phận là nông dân. Kháng chiến trường kỳ của ta 8-9 năm qua, căn bản là chiến tranh du kích của nông dân; nông dân là người đóng góp sức người, sức của nhiều nhất cho kháng chiến.

Chính Đảng ta đã thấy được lực lượng vĩ đại ấy của nông dân nên đã nhận định nông dân cùng với công nhân hợp thành đội quân chủ lực của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của chính đảng vô sản.

Và cũng chỉ có Đảng ta đứng vững trên lập trường và quan điểm của giai cấp công nhân mới nhận rõ tính chất quần chúng rộng rãi của cách mạng dân tộc dân chủ. Nước ta bị đô hộ, dân tộc ta mất độc lập, cho nên mọi người Việt Nam yêu nước, tán thành độc lập dân tộc đều có thể trở thành lực lượng chống đế quốc. Trên cơ sở ấy, chúng ta có khả năng lập mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi bao gồm mọi giai cấp, tầng lớp và cá nhân yêu nước. Việc lập mặt trận là vì lợi ích của cách mạng, của dân tộc mà cũng là vì lợi ích của quần chúng lao động cơ bản. Muốn cho cách mạng thành công, không thể để quần chúng cơ bản bị cô lập, mà trái lại, phải có được càng nhiều đồng minh càng tốt, dù là đồng minh tạm thời, bấp bênh cũng phải hết sức tranh thủ. Kinh nghiệm cũng cho thấy chỉ khi nào lực lượng công nông lớn mạnh lên thì mới thành lập được mặt trận dân tộc thống nhất và mặt trận ấy mới được vững chắc. Trái lại, nếu lực lượng quần chúng công nông không mạnh thì các tầng lớp khác không đi theo, hoặc ngả nghiêng, dao động.

Nhưng cách mạng của chúng ta không chỉ có nội dung dân tộc mà còn có nội dung dân chủ. Yêu cầu của quần chúng, nhất là quần chúng cơ bản là mong muốn được giải phóng khỏi ách đế quốc và phong kiến để cải thiện đời sống của mình. Yêu nước đối với họ có nghĩa là bảo vệ sự sống còn của dân tộc, đồng thời bảo vệ sự sống còn của bản thân, làm sao được cơm no áo ấm. Đối với đại đa số nhân dân ta là nông dân, nguyện vọng thiết tha nhất của họ là có ruộng đất, thoát khỏi đời sống trâu ngựa, sỉ nhục và đói khổ. Nông dân tham gia cách mạng hăng hái với ý thức là nước nhà độc lập thì nhất định nông dân có ruộng. Chính vì để đạt được yêu cầu đó, họ đã đi theo giai cấp vô sản, xây dựng khối liên minh công nông chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, thông qua đảng của nó là Đảng Cộng sản Đông Dương.

Không giải quyết quyền lợi dân chủ thì không bồi dưỡng được lực lượng của quần chúng, nhất là quần chúng cơ bản, không củng cố được mặt trận dân tộc thống nhất. Chúng ta chủ trương cải cách ruộng đất trong kháng chiến, thỏa mãn yêu cầu về ruộng đất của nông dân chính là để bồi dưỡng lực lượng cơ bản của cách mạng và đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi.

Tóm lại, chỉ có đứng trên lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân, chúng ta mới nhận rõ được sức mạnh của quần chúng, mới thấy được công nông là lực lượng chủ yếu của cách mạng dân tộc dân chủ, mới thấy được nội dung dân tộc và nội dung giai cấp của cách mạng dân tộc dân chủ.

III

Hiện nay, miền Bắc nước ta đang từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng mà chúng ta đang thực hiện là một cuộc cách mạng sâu sắc nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử. Phải xóa bỏ nền kinh tế dựa trên cơ sở người bóc lột người; phải cải biến nền kinh tế cá thể, phân tán thành kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa; phải xây dựng và phát triển nền sản xuất xã hội chủ nghĩa để cải thiện không ngừng đời sống của nhân dân lao động và đưa dân tộc ta tiến lên một cuộc đời hạnh phúc, văn minh hơn.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải phát huy tính tích cực và năng lực sáng tạo phi thường của quần chúng lao động là lực lượng sản xuất cơ bản nhất của xã hội. Muốn thế, phải giải phóng tư tưởng cho hàng triệu con người trước đây bị trói buộc trong khuôn khổ chật hẹp của nền kinh tế sản xuất nhỏ, tư hữu, phải cải tạo những tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ của những tầng lớp đã sống bằng nền kinh tế bóc lột. Phải xây dựng tư tưởng mới, tư tưởng xã hội chủ nghĩa, làm cho nó chiếm ưu thế trong xã hội và trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhân dân lao động đứng lên cải tạo xã hội, cải tạo thiên nhiên và cải tạo cả bản thân mình.

Một cuộc cách mạng như vậy nếu không do quần chúng giác ngộ đứng lên làm lấy với một tinh thần cách mạng dũng cảm, thì không thể nào thành công được.

Vì vậy, trước hết quần chúng lao động phải giành lấy chính quyền, dùng chính quyền làm công cụ chủ yếu để cải tạo nền kinh tế cũ, xây dựng nền kinh tế mới, trật tự xã hội mới. Phải làm cho chính quyền thật sự là của quần chúng lao động, do người lao động trực tiếp quản lý bộ máy nhà nước, quản lý cơ cấu kinh tế, văn hóa của xã hội, biến cơ cấu ấy thành những tổ chức cách mạng, thành những phương tiện phục vụ công cuộc lao động sản xuất của quần chúng, phục vụ lợi ích của quần chúng. Nếu nghĩ rằng các tổ chức của bộ máy nhà nước có thể thay thế quần chúng, chỉ đứng bên trên ra lệnh cho quần chúng, thì là sai lầm. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách cũng như phương pháp công tác của các cơ quan nhà nước không phù hợp với lợi ích của quần chúng lao động không những sẽ làm trở ngại cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, mà còn có thể làm tổn hại đến sự nghiệp cách mạng chung của cả nước. Do đó, cán bộ lãnh đạo các cơ quan Đảng và Nhà nước phải thông cảm sâu sắc với quyền lợi thiết thân của quần chúng lao động, kết thành một khối chặt chẽ với quần chúng lao động, xuất phát từ lợi ích, từ sự nghiệp chung của quần chúng lao động mà đề ra những đường lối, chính sách cũng như giải quyết những mâu thuẫn có thể xảy ra giữa lợi ích cơ bản, lâu dài của Nhà nước và lợi ích cục bộ, tạm thời của quần chúng. Có như vậy mới động viên được nhiệt tình cách mạng của quần chúng, đẩy cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến lên mạnh mẽ được.

Quần chúng lao động trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, trước tiên là giai cấp công nhân.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng như ở mọi nước trên thế giới, trước hết phải dựa vào lực lượng của giai cấp công nhân, giai cấp tiến bộ nhất, cách mạng nhất trong quần chúng. Đó là giai cấp tiêu biểu nhất cho chủ nghĩa xã hội, là giai cấp lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không có lập trường, tư tưởng của giai cấp công nhân thì không thể hiểu được chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, xã hội loài người chỉ có hai con đường để phát triển: hoặc là theo con đường tư bản chủ nghĩa, hoặc là theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đại biểu cho chủ nghĩa tư bản là giai cấp tư sản, còn đại biểu cho con đường xã hội chủ nghĩa là giai cấp công nhân.

Giai cấp công nhân làm chủ các xí nghiệp, hầm mỏ, các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, v.v.. Không dựa vào giai cấp công nhân thì không thể có đại công nghiệp với kỹ thuật cao, không có cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, cũng không thể quản lý công nghiệp được tốt, v.v.. Công nghiệp nước ta tuy còn nhỏ bé, nhưng nó đang ngày càng phát triển, và nó phải trở thành lực lượng lãnh đạo toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Có như thế thì nhịp độ của nền kinh tế chung mới phát triển nhanh chóng.

Trước mắt, đối với chúng ta, nông nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nó là cơ sở để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp. Nếu không có một nền nông nghiệp phồn vinh thì công nghiệp của ta hiện nay không thể phát triển thuận lợi được, vì nguyên liệu, lương thực cung cấp cho công nghiệp phần lớn dựa vào nông nghiệp, vì thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chủ yếu là trong nước, trước hết là thị trường nông thôn. Cho nên vấn đề nông dân vẫn là vấn đề đặc biệt quan trọng trong giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong hơn 13 triệu dân miền Bắc, nông dân chiếm 12 triệu, họ là lực lượng đông đảo nhất. Nếu không chú ý đến 12 triệu nông dân, thì sự nghiệp cách mạng không thể trở thành sự nghiệp của quần chúng đông đảo, và như vậy thì cách mạng không thể thành công được. Đối với chúng ta hiện nay, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, mọi việc đều phải xuất phát từ lợi ích của hơn 13 triệu nhân dân, trong đó 12 triệu là nông dân.

Nông dân Việt Nam, nhất là nông dân lao động, sẵn có truyền thống cách mạng. Từ lâu, họ đã đi theo Đảng ta, đoàn kết chặt chẽ với công nhân trong khối liên minh công nông để làm cách mạng. Kháng chiến và cải cách ruộng đất đã nâng cao giác ngộ chính trị, giác ngộ giai cấp cho họ một bước khá quan trọng.

Đời sống của nông dân lao động sau cải cách ruộng đất tuy đã được cải thiện hơn trước nhiều, nhưng hiện nay nói chung vẫn còn thiếu thốn. Ruộng đất bình quân của bần nông chỉ có ba sào, của trung nông bốn sào; vì thế nông dân lao động muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội để được no ấm, sung túc hơn. Cố nhiên vì kinh tế của nông dân là kinh tế sản xuất nhỏ dựa trên chế độ tư hữu, nên họ có đầu óc tư hữu; - một số ít nông dân khá giả muốn tiến lên và làm giàu theo lối kinh doanh tư bản chủ nghĩa, cho nên chúng ta phải chú ý giáo dục họ, ngăn chặn khuynh hướng tự phát tư bản chủ nghĩa của họ. Nhưng mặt tích cực cách mạng của nông dân là chủ yếu. Với cơ sở đảng ngày càng được củng cố, chính quyền nhân dân và các đoàn thể quần chúng ngày càng được vững mạnh, chúng ta có đầy đủ nhân tố tích cực để đưa nông dân vào phong trào đổi công, hợp tác, và trên cơ sở đó tổ chức lại một cách hợp lý sức lao động, cải tiến kỹ thuật canh tác, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp để nâng cao đời sống của nông dân, đồng thời thúc đẩy sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến lên.

Các chính sách của Đảng và Chính phủ nhằm đẩy mạnh sản xuất, như chính sách thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, v.v. phải nhằm phục vụ thích đáng phong trào hợp tác hóa và phong trào sản xuất nông nghiệp. Công nghiệp của ta cần chú ý phục vụ nông nghiệp, cung cấp công cụ cải tiến, phân bón, giải quyết vấn đề thủy lợi cho nông dân. Trên cơ sở sản xuất tăng lên, đời sống được cải thiện, ý thức xã hội chủ nghĩa sẽ ăn sâu hơn trong nông dân lao động, sẽ chiến thắng tư tưởng cá thể, tư hữu của nông dân. Trong khi đề ra chính sách về kinh tế, tài chính và các biện pháp thực hiện mà không chú ý đầy đủ lợi ích của công nhân và nhân dân lao động, thì tức là chúng ta chưa nhận thức được vai trò to lớn của quần chúng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh nông dân là lực lượng đông đảo đang từng bước đi lên con đường hợp tác hóa, thợ thủ công cũng là một lực lượng sản xuất khá quan trọng của nền kinh tế nước ta. Hiện nay, số lượng thợ thủ công là 465.000 người, gấp hơn bốn lần số lượng công nhân các xí nghiệp quốc doanh; sản lượng hàng thủ công chiếm 59% sản lượng của công nghiệp và thủ công nghiệp2*. Một phần quan trọng hàng tiêu dùng của nhân dân do thủ công nghiệp cung cấp. Nhiều mặt hàng sản xuất với kỹ thuật tinh xảo và mang những nét đặc sắc của dân tộc.

Cải tạo nền sản xuất nhỏ của thợ thủ công thành nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa là tuyên truyền thuyết phục họ tự nguyện, tự giác tổ chức lại tiến hành hợp tác hóa và cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng để cung cấp ngày một nhiều cho nhân dân; là sử dụng năng lực sản xuất của thợ thủ công để thực hiện một sự phân công lao động hợp lý trong nền kinh tế quốc dân, một sự phân công và hợp tác sản xuất giữa khu vực quốc doanh và khu vực tập thể. Nhà nước ra sức giúp đỡ các hợp tác xã thủ công về mặt tổ chức quản lý, nhất là về cải tiến kỹ thuật, dần dần biến các xí nghiệp đó thành những xí nghiệp được trang bị máy móc hiện đại để không ngừng mở rộng sản xuất, trên cơ sở đó bảo đảm công việc làm ăn, và cải thiện đời sống cho thợ thủ công.

Trong một nước mà sản xuất nhỏ còn là phổ biến thì tiểu thương có vai trò cần thiết trong sự phân phối làm cho sự tiêu dùng của nhân dân được thuận tiện; nhất là ở nông thôn, nơi cư dân ở phân tán, đường sá vận chuyển khó khăn thì hoạt động của tiểu thương góp phần vào việc giao lưu hàng hóa. Ở miền Bắc nước ta hiện nay, người làm tiểu thương rất đông (gần 20 vạn hộ). Thu nhập của họ không nhiều, có người chỉ kiếm được dưới ba vạn đồng một tháng, nghĩa là ít hơn lương tối thiểu của một người lao động bình thường. Tiểu thương là người lao động, cho nên trong công tác cải tạo tiểu thương, chúng ta không coi họ là đối tượng đấu tranh giống như các nhà công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa. Việc cải tạo tiểu thương phải tiến hành bằng việc chuyển họ sang sản xuất, thu hút họ vào các tổ chức sản xuất nhằm góp phần làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Đối với nông dân và thợ thủ công, phải làm cho họ nhận thấy lợi ích của việc chuyển sang sản xuất, của việc đi vào con đường xã hội chủ nghĩa là con đường bảo đảm đem lại hạnh phúc và ngày mai tươi đẹp cho họ, để họ vui vẻ, tự nguyện đi theo.

Chúng ta làm cách mạng xã hội chủ nghĩa cuối cùng là để phát triển sản xuất nhằm bảo đảm cho mọi người lao động đều có đời sống sung túc chứ không phải như những nhà tư bản chỉ nhằm thu được nhiều lợi nhuận mà không chú ý tới số phận của người lao động. Trong cách mạng dân tộc dân chủ, thợ thủ công và người tiểu thương đã cùng đi với giai cấp công nhân, đã từng góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền và trong những năm kháng chiến cứu nước. Ngày nay, họ là một bộ phận của khối quần chúng lao động trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Vì thế trong quá trình đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải bảo đảm việc làm và đời sống cho thợ thủ công và người tiểu thương, không để cho họ bị thất nghiệp, hoặc gặp nhiều khó khăn sau khi cải tạo.

Lực lượng quần chúng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa còn bao gồm đội ngũ trí thức cách mạng, trí thức của công nông. Cách mạng xã hội chủ nghĩa phải đi liền với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng kỹ thuật, đi liền với sự phát triển toàn diện của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Trong tất cả những sự nghiệp ấy, trí thức có phần đóng góp rất quan trọng. Song, khoa học, kỹ thuật, văn hóa cũng như tất cả nền văn minh hiện đại đều do quần chúng nhân dân làm ra. Chính vì thế mà Đảng ta nêu ra khẩu hiệu: "Trí thức hóa công nông và công nông hóa trí thức". Khẩu hiệu đó chẳng những nhấn mạnh tầm quan trọng của trí thức, mà còn đặt vấn đề phát triển văn hóa trong quần chúng công nông nhằm nhanh chóng nâng cao trình độ hiểu biết của người lao động, đồng thời biến văn hóa, khoa học, kỹ thuật thành tài sản của quần chúng, thành sự nghiệp của bản thân quần chúng và phục vụ lợi ích của chính họ.

Tóm lại, theo quan điểm của chúng ta, cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của quần chúng lao động. Công nhân, nông dân, trí thức cách mạng, những người lao động ở thành thị và nông thôn đều trong một gia đình, đều là thành viên của khối quần chúng lao động. Động viên được tinh thần cách mạng của quần chúng lao động, đồng thời chú ý tới nguyện vọng và quyền lợi thiết thân của họ, thì nhất định sẽ phát huy được sức mạnh to lớn và năng lực sáng tạo phi thường của họ để khắc phục mọi khó khăn, đưa cách mạng tiến lên nhanh chóng. Dựa vào lực lượng của quần chúng, vào phong trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ của nhân dân lao động, cách mạng có thể làm cho các nhà tư sản dân tộc tiếp thụ chính sách cải tạo theo chủ nghĩa xã hội để đứng vào hàng ngũ của người lao động.

Mặt trận dân tộc thống nhất trong cách mạng xã hội chủ nghĩa là mặt trận của các giai cấp lao động và những nhà tư sản dân tộc đã cải tạo thành người lao động. Mặt trận ấy cũng bao gồm toàn thể các dân tộc anh em đang sống bình đẳng trong đại gia đình Tổ quốc Việt Nam, toàn thể các tín đồ tôn giáo và kiều bào ở nước ngoài, tất cả cùng nhau đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng nước nhà giàu mạnh, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Làm yếu mặt trận ấy là gây nguy hại cho công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Nước ta hiện nay tạm thời còn bị chia cắt làm hai miền, có hai chế độ chính trị, kinh tế đối lập nhau.

Miền Bắc đang từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng miền Nam đang sống dưới ách thống trị của Mỹ - Diệm. Nhân dân miền Nam đang tiếp tục làm cách mạng dân tộc dân chủ. Tuy tình hình và điều kiện hiện nay có khác trước, nhưng cách mạng miền Nam vẫn không đi ra ngoài quy luật chung của cách mạng dân tộc dân chủ. Quan điểm của Đảng ta về vai trò của quần chúng trong cách mạng dân tộc dân chủ căn bản vẫn thích hợp với yêu cầu của cách mạng miền Nam.

Hồ Chủ tịch thường dạy: Cách mạng là quần chúng tự mình giải phóng mình. Lực lượng của quần chúng là vô địch. Lịch sử thế giới cũng như lịch sử nước ta đã chứng minh rằng một khi quần chúng đã giác ngộ, được tổ chức lại và kiên quyết vùng dậy thì không có khó khăn nào là không thể vượt qua, không có việc gì là không thể làm nổi.

Hiện nay trên thế giới, dưới sự lãnh đạo của các đảng cộng sản, hàng nghìn triệu người đang dũng cảm đấu tranh cho sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, chính lực lượng vĩ đại ấy đã liên tiếp làm cho bọn đế quốc phải chùn tay, lùi bước. Tương lai nhất định thuộc về nhân dân lao động.

Trong nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng lao động trên tất cả mọi lĩnh vực hoạt động đang nỗ lực thi đua sản xuất, công tác để hoàn thành kế hoạch nhà nước, góp sức mình vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà, và đã đạt được nhiều thành tích rực rỡ.

Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, Đảng ta nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, thấu suốt lập trường của giai cấp công nhân, quyết tâm dựa vào quần chúng, phát động tư tưởng của họ, phát huy hết mọi năng lực sáng tạo vô cùng vô tận của họ thì nhất định sẽ đưa sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà đến thắng lợi vẻ vang.

Theo bản in trong sách: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng,

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #sihh