Tha nhân
Tôi ví "cái tôi" của mình là "đá", còn "các mối quan hệ nhân sinh" là "nước". "Đá" nằm dưới "nước" và chịu đựng "nước" chảy qua, dần dần "đá" sẽ mòn, cũng như cách cái tôi hao mòn khi bị đặt vào giữa các mối quan hệ nhân sinh vậy. Đau khổ thay, cái tôi không đùng một cái mà vỡ tan ra thành từng mảnh, mà nó bị hao mòn theo năm tháng. Vì thế mà ta không thể nhận ra được khi cái tôi của chính mình đang dần hao mòn. Ta cứ thế mà yên trí, cứ thế mà thoải mái, trở thành một cục đá nằm giữa dòng nước mà chẳng hề lo lắng gì, để rồi năm tháng trôi qua hòn đá ấy bị mài mòn tới mức chẳng còn một vết tích nào, giống như cách cái tôi của ta biến mất dần khi tiếp xúc với càng nhiều các mối quan hệ nhân sinh.
Nhưng rồi ta phải đặt hòn đá ở đâu để nó không mòn. Sự thật là đặt ở đâu thì nó cũng mòn mà thôi. Ta đặt giữa cát, ta đặt giữa gió, ta đặt ở bất cứ nơi đâu nó cũng có thể mòn. Họa may bạn cố gắng lắm chắc cũng sẽ tìm được nơi nào đó để đặt hòn đá của bạn mà khiến nó không bị mòn. Nhưng mà khó lắm, có khi mất cả đời cũng chẳng tìm được đâu. Có lẽ cái tôi của con người chính là vậy đấy, nó sẽ hao mòn, và điều đó là không thể tránh khỏi khi ta vẫn luôn bị vây quanh bởi các mối quan hệ nhân sinh.
Thật ra cái tôi của ta được tạo ra cũng từ môi trường mới có được, nếu đặt trong môi trường khác, ta cũng sẽ có những biểu hiện khác, hình thành một cái tôi khác. Tôi biết vậy chứ, tôi rõ điều đó lắm, thế mà cớ sao tôi lại sợ đánh mất chính mình đến thế? Mà bản tính tôi luôn ghét sự hỗn mang hoặc thay đổi, tôi mưu cầu tính giản lược và tuần tự một cách cùng cực. Chính vì sợ hãi sợ hãi sự hỗn mang nên mới ghét con người, vì những biểu hiện của con người là không thể biết trước được.
Đối với động vật nào cũng thể, mặc dù hành vi là để đáp ứng với môi trường, cũng như để đạt được một mục đích nào đó, nhưng tất nhiên ta không lý giải hết được, thành ra ta đặt ra các giả thuyết dành cho các chuỗi hành vi đó. Nhiều khi ta không rõ ràng được hành vi đó chính xác là thuộc về mục đích gì và của giả thuyết nào ta đã đặt ra, nhưng đối với nghiên cứu hành vi động vật thì đặt ra được các giả thuyết là cũng tốt rồi, còn nghiên cứu thần kinh động vật thì tôi không rõ.
Tôi từng thử đơn giản hóa con người như động vật (vì thực chất con người cũng là động vật mà), đặt ra các giả thuyết để lý giải nguyên nhân cho chuỗi hành vi của người đó. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ, đó là tôi đặt ra "các" giả thuyết, chứ không phải là "một", và tôi không biết nên chọn giả thuyết nào để phản ứng với hành vi của người đó cả, lấy ví dụ như khi họ khóc, ta đặt ra giả thuyết "họ khóc vì họ có chuyện gia đình", "họ khóc vì họ bị người yêu bỏ", nhưng cuối cùng ta lại chẳng biết cái nào cả. Thành ra nhiều khi tôi phản ứng lại hành vi của họ lại thành ra bị chệch đi cái mong muốn mà họ muốn tôi phản ứng, dẫn đến việc họ khinh ghét, họ buồn chán đối với tôi.
Con người cũng phức tạp như các động vật khác, nhưng ta lại cảm thấy các động vật khác đỡ "phiền" hơn, có lẽ là vì do ta không phải tiếp xúc với nó hằng ngày, và cũng không phải lo lắng xây dựng mối quan hệ xã hội với nó.
Tôi không có ý chê trách hay thù ghét các mối quan hệ nhân sinh, nhưng tôi vẫn sợ nó lắm. Nghĩ lại thì, có lẽ bản chất của tôi không phải là sợ hãi việc giao thiệp nhiều với người khác sẽ làm mất đi cái tôi của mình, mà chỉ đơn giản là tôi sợ hãi chính cái việc giao thiệp với người khác mà thôi.
Tôi không hiểu được người khác, mà chính vì không hiểu được nên tôi thất bại hết lần này đến lần khác trong việc kết nối với tha nhân. Nhưng người ta hay nói "chuyện gì thì cũng sẽ qua", dù thất bại trong việc kết nối và giao thiệp với người khác, tôi vẫn sống đấy thôi, lại còn sống rất khỏe nữa là đằng khác. Nhưng dù chuyện đã qua, tôi vẫn đau đớn mỗi khi nhớ lại những giây phút tôi thất bại trong việc cố gắng kết nối với nhân gian, bị chối bỏ, bị hiểu lầm, bị trở thành "kẻ ngoài cuộc", sao mà đau đớn không tả xiết. Mỗi lần tôi nhớ đến nó, tôi lại nhận thức rất rõ ràng việc tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc lâu dài khi ở cạnh tha nhân, cho dù khởi đầu có vui vẻ nhưng rồi giữa chừng cũng sẽ lại nhận muôn vàn đau đớn. Tôi nhận ra tôi chưa bao giờ hạnh phúc, chưa bao giờ vui vẻ, chưa bao giờ thật lòng khi đối diện với người khác. Là do tôi hay do họ? Cái cảm xúc không thể chịu nổi là tự tôi mang đến hay là ai mang đến?
Đôi lúc quan sát người khác, tôi lại tự hỏi không hiểu sao người này có thể kết nối với người kia đến thế? Không hiểu sao người này lại cảm thấy hạnh phúc khi ở cạnh một người xa lạ đến thế? Họ không phải chịu sự mệt mỏi và đau đớn khi ở cạnh tha nhân như tôi sao? Thật sự vô lý! Họ có thể hiểu được tha nhân sao? Thật sự vô lý! Liệu họ có thật sự hiểu được, thấu cảm được với người khác? Hay chỉ đơn giản là họ nghĩ rằng họ hiểu được, chứ bản chất thì họ chẳng hiểu gì cả, và họ tự huyễn hoặc là bản thân hiểu được, họ không nhận thức được sự xa lạ giữa người với người, vì vậy nên họ nghĩ rằng họ cảm thấy hạnh phúc khi đang ở bên cạnh người khác vì họ có thể thấu hiểu, nhưng làm gì có! Chỉ đơn giản là họ chưa nhận thức được gì cả thôi.
Con người khi không nhận thức được sự xa lạ giữa người với người, họ hạnh phúc lắm, vì họ nghĩ rằng ôi đối phương như là một thể với mình, tình cảm gắn bó keo sơn không làm sao mà tách rời được. Nhưng rồi họ sẽ nhận ra, và họ PHẢI nhận ra, con người là các cá thể tách rời, họ mang trong mình niềm đau, niềm vui riêng biệt cùng với những suy nghĩ xa lạ so với những người khác. Mỗi con người lại có một ốc đảo trong tâm trí, được dùng để tưởng tượng múa may quay cuồng với khát vọng chạy trốn thực tại, nơi ấy là chốn riêng tư cuối cùng của một con người. Nên tôi không tài nào chấp nhận nổi việc bị thấu hiểu hoàn toàn, hoặc việc phải thấu hiểu hoàn toàn một người nào khác với tôi.
Thấu hiểu tha nhân là chuyện bất khả thi, nhưng một số người lại cho rằng mình có thể hiểu được người khác. Là hiểu được, hay là bạn chỉ đang đóng khung người ta trong góc nhìn và trí tưởng tượng của chính bạn? Rõ ràng việc cho rằng mình thấu hiểu được người khác chỉ là một thứ ảo tưởng của chính bạn, đó là một thái độ, cái thái độ ấy biểu hiện cho việc bạn từ chối chấp nhận sự khác biệt cùng cực giữa người với người. Con người mà chấp nhận ở cạnh nhau, chỉ đơn giản là họ đang "cố" để chấp nhận, đang gồng mình để hòa hợp với đối phương, cố gắng bỏ qua những cảm xúc tiêu cực của bản thân để được chung sống với người khác.
Đôi lúc tôi thấy tự hào về mình, vì giữa những người khác, cảm giác chỉ riêng tôi là nhận thức rõ ràng nhất sự đau đớn khi phải kết nối với nhân gian. Thật sự việc này luôn là một việc đau đớn, chỉ đơn giản là bạn chịu đau quá nhiều nên đã quên mất cảm xúc đó rồi, nhưng tôi thì vẫn thấy đau, cảm xúc ấy vẫn rõ ràng như ban ngày. Tôi tự hào lắm, một niềm tự hào nhỏ mọn đáng khinh bỉ khi vẫn thấy rõ mình đau đớn khi phải tiếp xúc với người khác.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro