Niệm Phật thập yếu - Lời phi lộ
Niệm Phật Thập Yếu
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Lời Phi Lộ
Bản thảo quyển này vừa viết xong, có vài ba đại đức hỏi mượn luân phiên nhau xem, rồi cật vấn:
- Chúng tôi thấy chư vị hoằng dương về Thiền Tông, dường như có ý bài xích Tịnh Độ. Chẳng hạn như trong quyển Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất có câu: "Niệm Phật, tụng kinh đều là vọng tưởng". Còn trong đây lại bảo: 'Môn Tịnh Độ hợp thời cơ, gồm nhiếp ba căn, kiêm thông cả Thiền, Giáo, Luật, Mật'. Xem ra cũng dường như có ý cho Tịnh Độ là độc thắng, sự việc ấy như thế nào?
Đáp: - Không phải thế đâu? Mỗi môn đều có tông chỉ riêng. Các bậc hoằng dương tùy theo chỗ lập pháp của mình, bao nhiêu phương tiện thuyết giáo đều đi về những tông chỉ ấy. Như bên Thiền lấy: 'Chỉ thẳng lòng người, thấy tánh thành Phật' làm tông chỉ. Tịnh Độ môn lấy: 'Một đời vãng sanh, được Bất Thối chuyển' làm tông. Bên Hoa Nghiêm lấy: 'Lìa thế gian nhập pháp giới' làm tông'. Thiên Thai giáo lấy: 'Mở, bày, ngộ vào tri kiến Phật' làm tông. Bên Tam Luận lấy: 'Lìa hai bên, vào Trung Ðạo' làm tông. Pháp Tướng môn lấy: 'Nhiếp muôn pháp về Chân Duy Thức' làm tông. Mật giáo lấy: 'Tam mật tương ưng, tức thân thành Phật' làm tông. Và Luật môn lấy: 'Nhiếp thân ngữ ý vào Thi La Tánh' làm tông.
Cho nên, lời nói bên Thiền ở trên, không phải bác Tịnh Độ, hay bác niệm Phật tụng kinh, mà chính là phá sự chấp kiến về Phật và Pháp của người tu. Nếu niệm Phật và tụng kinh là thấp kém sai lầm, tại sao từ Đức Thích Tôn cho đến chư Bồ Tát, Tổ Sư đều ngợi khen khuyên dạy tụng kinh, niệm Phật? Nên biết, Vĩnh Minh thiền sư, tương truyền là hóa thân của Phật A Di Đà, mỗi ngày đều tụng một bộ Pháp Hoa. Lại, Phổ Am đại sư cũng nhân tụng kinh Hoa Nghiêm mà được ngộ đạo. Sự thuyết giáo bên Tịnh Độ cũng thế, không phải bác phá Thiền Tông, chỉ nói lên chỗ đặc sắc thiết yếu của bản môn, để cho học giả suy xét tìm hiểu sâu rộng thêm, mà tùy thích tùy cơ, chọn đường thú nhập.
Lại, mỗi môn tuy tông chỉ không đồng, nhưng đều là phương tiện dẫn chung về Phật Tánh. Như một đô thành lớn có tám ngõ đi vào, mà nẻo nào cũng tập trung về đô thị ấy. Các tông đại khái chia ra làm hai, là Không môn và Hữu môn. Không môn từ phương tiện lý tánh đi vào. Hữu môn từ phương tiện sự tướng đi vào. Nhưng đi đến chỗ tận cùng thì dung hội tất cả, sự tức lý, lý tức sự, tánh tức tướng, tướng tức tánh, nói cách khác: "Sắc tức là không, không tức là sắc, không và sắc chẳng khác nhau". Cho nên khi xưa có một vị đại sư tham Thiền ngộ đạo, nhưng lại mật tu về Tịnh Độ. Lúc lâm chung, ngài lưu kệ phó chúc cho đại chúng, rồi niệm Phật sắp vãng sanh. Một vị thiền giả bỗng lên tiếng hỏi: "Cực Lạc là cõi hữu vi, sao tôn đức lại cầu về làm chi?" Đại Sư quát bảo: "Ngươi nói vô vi ngoài hữu vi mà có hay sao?" Thiền giả nghe xong chợt tỉnh ngộ. Thế nên Thiền và Tịnh đồng về một mục tiêu. Hữu môn cùng Không môn tuy dường tương hoại mà thật ra tương thành cho nhau vậy.
Đến như nói: 'Tịnh Độ hợp thời cơ, gồm nhiếp ba căn, kiêm thông cả Thiền, Giáo, Luật, Mật', chính là lời khai thị của chư cổ đức như: Liên Trì, Triệt Ngộ, Ngẫu Ích, Kiên Mật. Các đại sư này là những bậc long tượng trong một thời, sau khi tham thiền ngộ đạo, lại xương minh về lý mầu của Tịnh Độ pháp môn. Như Triệt Ngộ đại sư, trong tập Ngữ Lục, đã bảo: 'Một câu A Di Đà, tâm yếu của Phật ta. dọc quán suốt năm thời, ngang gồm thâu tám giáo'. Và Kiên Mật đại sư sau khi quán sát thời cơ, trong Tam Đại Yếu, cũng bảo: "Đời nay tham thiền chẳng nên không kiêm Tịnh Độ, phòng khi chưa chứng đạo bị thối chuyển, há chẳng kinh sợ lạnh lòng? Một câu A Di Đà, nếu không phải là bậc thượng căn, đại triệt, đại ngộ, tất không thể hoàn toàn đề khởi. Nhưng với câu này, kẻ hạ căn tối ngu vẫn chẳng chút chi kém thiếu!" Thế nên, thuốc không quý tiện, lành bệnh là thuốc hay; pháp chẳng thấp cao, hợp cơ là pháp diệu. Tịnh Độ với Thiền Tông thật ra chẳng thấp cao hơn kém. Nhưng luận về căn cơ thì Thiền Tông duy bậc thượng căn mới có thể được lợi ích; còn môn Tịnh Độ thì gồm nhiếp cả ba căn, hạng nào nếu tu cũng đều dễ thành kết quả. Luận về thời tiết thì thời mạt pháp này, người trung, hạ căn nhiều, bậc thượng căn rất ít nếu muốn đi đến thành quả giải thoát một cách chắc chắn, tất phải chú tâm về Tịnh Độ pháp môn. Đây do bởi lòng đại bi của Phật, Tổ, vì quán thấy rõ thời cơ, muốn cho chúng sanh sớm thoát nỗi khổ luân hồi, nên trong các kinh luận đã nhiều phen nhắc nhở. Điều này là một sự kiện rất quan yếu và hết sức xác thật!
Tuy nhiên, như trong kinh nói: chúng sanh sở thích và tánh dục có muôn ngàn sai biệt không đồng, nên chư Phật phải mở vô lượng pháp môn mới có thể thâu nhiếp hết được. Vì vậy Tịnh Độ tuy hợp thời cơ, song chỉ thích ứng một phần, không thể hợp với sở thích của tất cả mọi người, nên cần phải có Thiền Tông và các môn khác, để cho chúng sanh đều nhờ lợi ích, và Phật Pháp được đầy đủ sâu rộng. Cho nên dù đã tùy căn cơ, sở thích của mình mà chọn môn Tịnh Độ, thâm ý bút giả vẫn mong cho Thiền Tông và các môn khác được lan truyền rộng trên đất nước này. Và các môn khác, nếu đem lại cho chúng sanh dù một điểm lợi ích nhỏ nhen nào, bút giả cũng xin hết lòng tùy hỷ. Tóm lại, Hữu môn và Không môn nói chung, Thiền Tông và Tịnh Độ nói riêng, đồng cùng đi về chân tánh, tuy hai mà một, đều nương tựa để hiển tỏ thành tựu lẫn nhau, và cũng đều rất cần có mặt trên xứ Việt Nam, cho đến cả thế giới.
Mấy vị đại đức sau khi nghe xong đều tỏ ý tán đồng. Nhân tiện, bút giả lại trần thuật bài kệ của Tây Trai lão nhơn để kết luận, và chứng tỏ người xưa cũng đã từng đồng quan điểm ấy:
Tức tâm là độ lý không ngoa
Tịnh khác Thiền đâu, vẫn một nhà
Sắc hiển trang nghiêm miền Diệu Hữu
Không kiêm vô ngại cõi hằng sa
Trời Tây sáng đẹp màu châu ngọc
Nguyện Phật bao la đức hải hà
Ngoảnh lại đường tu, ai sớm tỉnh?
Nỗi thương ác đạo mãi vào ra!
Thích Thiền Tâm cẩn chí
Thứ Đệ và Chương Yếu
Thứ đệ trong quyển này, chia thành Chương, Mục, Tiết, Đoạn khác nhau, mỗi Chương có nhiều Mục, mỗi Mục có nhiều Tiết, và mỗi Tiết có nhiều Đoạn.
Về Chương chỉ có mười, ghi số thứ tự La Mã (i-ii-iii) từ Đệ Nhất Yếu đến Đệ Thập Yếu.
Về Mục, ghi số thứ tự theo A-B-C.
Về Tiết, ghi số thứ tự 1-2-3, nhưng lại tiếp tục quán thông từ đầu đến cuối quyển, diễn thành từ số 1 cho đến số 72. Tuy sắp thành Chương, Mục, Tiết, Đoạn, nhưng Tiết mới chính là đơn vị, và thành phần cốt cán của toàn quyển. Và quyển này là sự kết hợp hay thành phần của 72 Tiết chung góp lại.
Về Đoạn, không nêu chữ Đoạn, bởi nó chỉ có tánh cách gây niệm chú ý hoặc sự phân biệt trong mỗi Tiết, nên bút giả đánh dấu bằng ngôi sao (*), đôi khi cũng ghi theo số thứ tự 1-2-3. Nhưng đây chỉ là số ít, không có tánh cách quán xuyến thành số nhiều như thứ tự của Tiết. Và đó là điểm khác biệt.
Niệm Phật Thập Yếu, theo nhan đề là mười điều thiết yếu của môn Niệm Phật hay của người tu pháp Niệm Phật. Mười điều này sẽ diễn thành mười chương theo như trên đã nói.
Mười chương ấy như sau:
1. Niệm Phật phải vì thoát sanh tử.
2. Niệm Phật phải phát lòng Bồ Đề.
3. Niệm Phật phải dứt trừ lòng nghi.
4. Niệm Phật phải quyết định nguyện vãng sanh.
5. Niệm Phật phải hành trì cho thiết thật.
6. Niệm Phật phải đoạn tuyệt phiền não.
7. Niệm Phật phải khắc kỳ cầu chứng nghiệm.
8. Niệm Phật phải bền lâu không gián đoạn.
9. Niệm Phật phải an nhẫn các chướng duyên.
10. Niệm Phật phải dự bị lúc lâm chung.
Lời Sau Cùng
Người xưa bảo: "Trứ thơ nghi tại vãn niên." Đây là ý nói: Viết sách nên đợi lúc tuổi già, vì tuổi càng lớn càng đầy đủ hiểu biết kinh nghiệm, quyển sách viết ra giá trị mới có thể được thành toàn. Bút giả chưa phải tuổi già muộn, chỗ kinh nghiệm cùng sự hiểu biết tất còn nhiều thiếu sót, song vì cấp thiết trong sự lợi tha, lại chẳng biết vô thường sẽ đến ngày nào, nên gắng gượng xin đem chút ngu thành hiến dâng hàng thức giả. Đây tuy nói là trứ tác song hầu hết phần lớn đều rút lời trong kinh Phật, ý kiến của chư cổ đức cùng các bậc thiện tri thức mà góp thành. Nên thiết tưởng cũng có thể đem lại lợi ích phần nào cho bạn đọc.
Khi xưa Sở Thạch đại sư có hai câu thơ:
Nhơn sanh bá tuế thất tuần hy.
Vãng sự hồi quan tận giác phi!
Lời này thốt ra trong lúc Ngài đã thất tuần, ý than: kiếp người tuy nói trăm năm, nhưng sống được bảy mươi tuổi cũng rất ít có, và tuổi đã bảy mươi như Ngài khi quay nhìn việc cũ, thấy mình đều lỗi lầm. Một bậc cao tăng mà còn tự phê kiểm dường ấy, thì hạng người phàm thường sự lầm lỗi biết là bao nhiêu? Cho nên khi bút giả nghĩ mình tội chướng còn dẫy đầy, tự độ chưa xong mà mạo muội nói đến chuyện khuyên nhắc người, đôi lúc cũng hổ thẹn bàng hoàng ngập ngừng không muốn viết. Nhưng nghĩ lại danh từ khuyến hóa thật ra mình chẳng dám đương, nhưng lấy tánh cách người trong biển khổ gắng kêu nhắc đồng bạn cùng vượt qua biển khổ, để mong cho mình nhờ chút ảnh hưởng đó tiêu bớt phần nào tội chướng nên mới không ngần ngại.
Nhớ lại thuở đời nhà Minh bên Trung Hoa, ông La Điện có soạn bài thi "Tỉnh thế" như sau:
Vội vội vàng vàng khổ nhọc cầu,
Mưa mưa nắng nắng trải xuân thu.
Hôm hôm sớm sớm lo sinh kế,
Lãng lãng quên quên thấy bạch đầu.
Thị thị phi phi không kết liễu,
Phiền phiền não não những bi ưu.
Rành rành rõ rõ một đường đạo,
Vạn vạn ngàn ngàn chẳng chịu tu!
Lời văn trên tuy thô sơ, dường như không có đạo lý chi sâu sắc, nhưng đã đem tất cả hành vi và chướng nghiệp trong đời sống của kiếp người mô tả ra rất rõ ràng. Ai có thể tránh khỏi khuôn khổ của bài thi trên đây, và cố gắng tu hành, mới gọi là người đi trên đường giải thoát.
Ông La Điện sở dĩ có lời than trên đây, bởi thấy biển tục dễ chìm, đường tu khó bước. Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật dạy:
Nhơn sanh có hai mươi việc khó:
- Nghèo khổ, bố thí là khó
- Giàu sang, học đạo là khó
- Xả thân, quyết chết là khó
- Xem được kinh Phật là khó
- Nhịn sắc lìa dục là khó
- Sanh gặp đời Phật là khó
- Thấy tốt không cầu là khó
- Bị nhục chẳng giận là khó
- Có thế không ỷ là khó
- Gặp việc vô tâm là khó
- Học rộng nghiên tầm nhiều là khó
- Trừ bỏ ngã mạn là khó
- Không khinh kẻ chưa học là khó
- Tâm hành bình đẳng là khó
- Chẳng nói việc thị phi là khó
- Được gặp thiện tri thức là khó
- Thấy tánh học đạo là khó
- Tùy duyên độ người là khó
- Thấy cảnh không động là khó
- Khéo biết dùng phương tiện là khó.
Trong hai mươi điều trên, nơi đây chỉ xin nói lược qua ít chi tiết. Như nghèo khổ bố thí là khó, bởi nghèo khổ dù muốn bố thí, nhưng ngặt vì có lòng mà thiếu sức, nếu gắng gượng bố thí tất ảnh hưởng đến sự sống của mình, nên mới thành khó. Hoặc như giàu sang học đạo khó, bởi giàu sang tuy có sức bố thí, song lại bị cảnh dục lạc lôi cuốn, khó buông bỏ thân tâm để tu hành. Sanh gặp đời Phật là khó, như Luận Trí Độ nói: Ở thành Xá Vệ gồm chín ức dân mà chỉ có ba ức người được gặp thấy Phật, ba ức người tuy nghe danh tin tưởng nhưng không thấy gặp, và ba ức người hoàn toàn không được nghe biết cũng không được thấy. Đức Phật ở tại xứ này giáo hóa trước sau hai mươi lăm năm, mà còn có ba ức người không thấy gặp nghe biết, thì những kẻ sanh nhằm đời Phật nhưng ở cách xa, hoặc sanh trước hay sau khi Phật ra đời, tất cơ duyên gặp Phật hoặc nghe Phật pháp là điều không phải dễ. Nhưng tuy không gặp Phật mà y theo Phật pháp tu hành, thì cũng như gặp Phật. Nếu không theo lời Phật dạy, dù ở gần Phật, vẫn là cách xa. Như khi xưa Đề Bà Đạt Đa là em họ của Phật, Tỳ Khưu Thiện Tinh làm thị giả cho Phật hai mươi năm, vì không giữ đúng theo đường đạo, nên kết cuộc đều bị đọa địa ngục. Và bà lão ở phía Ðông thành Xá Vệ, sanh đồng năm tháng ngày giờ với Phật, nhưng vì vô duyên nên không muốn thấy gặp Phật. Cho nên được thấy Phật nghe pháp, y theo lời dạy phụng hành, phải là người có nhiều căn lành phước đức nhân duyên. Nay Như Lai đã nhập diệt, các bậc thiện tri thức thay thế Phật ra hoằng dương đạo pháp, nếu thân cận nghe theo lời khuyên dạy tu hành, tất cũng được giải thoát. Nhưng kẻ căn lành sơ bạc, gặp thiện tri thức cũng khó. Dù có duyên được thấy mặt nghe pháp, song nếu không hiểu nghĩa lý, hoặc chấp hình thức bên ngoài mà chẳng chịu tin theo, thì cũng đều vô ích. Theo Kinh Phạm Võng và Hoa Nghiêm, muốn tìm cầu thiện tri thức, đừng câu nệ theo hình thức bên ngoài; như chớ chấp kẻ đó trẻ tuổi, nghèo nàn, địa vị thấp, hoặc dòng dõi hạ tiện, tướng mạo xấu xa, các căn chẳng đủ, mà chỉ cầu người thông hiểu Phật pháp, có thể làm lợi ích cho mình. Lại đối với bậc thiện tri thức chớ nên tìm cầu sự lỗi lầm, bởi vị đó có khi vì mật hạnh tu hành, vì phương tiện hóa độ, hoặc đạo lực tuy cao song tập khí còn chưa dứt, nên mới có hành động như vậy. Nếu chấp nê hình thức, tìm cầu lỗi lầm, tất không được lợi ích trên đường đạo. Khi Phật còn tại thế, ngài Ca Lưu Đà Di có thói quen miệng nhơi qua, nhơi lại như trâu; Tỳ Khưu Ni Liên Hoa Sắc tánh ưa soi gương trang điểm; một vị Tỳ Khưu thích leo lên cây nhảy chuyền; một vị Tỳ Khưu khác nói với ai, ưa lên giọng xưng mi tao lớn lối. Nhưng sự thật bốn vị này đều đã chứng quả A La Hán cả. Bởi kiếp trước một vị làm thân trâu, một vị là kỹ nữ, một vị làm thân khỉ, một vị là dòng quý tộc Bà La Môn, nhiều đời ở trong hoàn cảnh đó, đến nay tuy đắc quả, song tập quán dư thừa hãy còn. Lại như đức Lục Tổ vì thấy người học Phật thời ấy ưa chấp nói theo kinh văn, không nhận ngay Phật tánh, nên mới thị hiện làm kẻ dốt, không biết chữ. Ngọc Lam thiền sư vì muốn tránh duyên để tu hành, nên mới giả làm người điên cuồng, quần áo lôi thôi, ăn nói không chừng độ. Hư Vân hòa thượng vì thấy người thời mạt pháp, phần nhiều thân xuất gia, mà tâm không xuất gia nên tuy đã ngộ đạo mà thường để râu tóc, mật ý chỉ cho "đạo" không phải ở nơi đầu tròn áo vuông. Nhưng đương thời của các vị ấy, cũng có nhiều kẻ chê bai chỉ trích đức Lục Tổ là dốt nát, ngài Ngọc Lam là điên khùng, Hư Vân thượng nhơn là người phạm quy luật Thiền môn. Cho nên nhìn tìm bậc thiện tri thức khó là như thế. Mấy điều này người học Phật cũng nên hiểu, để bớt sự cố chấp và tránh lỗi khinh báng Tăng, Ni. Còn các việc khó kia, có thể suy ra để hiểu.
Tuy nhiên, khó và dễ là pháp đối đãi, trong khó có dễ, trong dễ có khó. Nếu nhận hiểu và quyết tâm thì các việc khó chẳng phải không thể làm được. Như thuở đời Phật Tỳ Bà Thi, có hai vợ chồng ông Kế La Di, nghèo đến đỗi mặc chung một chiếc khố, khi chồng đi làm vợ phải lõa thể đóng cửa ở nhà, vợ thay phiên đi làm thì chồng cũng y như vậy. Nhưng khi nghe chư tăng đi khuyến hóa, bảo bố thí sẽ có phước tránh cảnh nghèo khổ, hai vợ chồng bàn luận nhau đem chiếc khố duy nhứt ấy trao qua cửa sổ bố thí, đành cam cùng chịu lõa thể đóng cửa nằm chết trong nhà. Do sự quyết tâm làm lành đó, khiến cho vị quốc vương hay được, đem y phục tiền của giúp đỡ. Từ đó về sau, mỗi đời sanh ra, hai vợ chồng đều có y phục tùy thân, và sau cùng đều chứng đạo quả. Cho nên tuy nghèo khổ, bố thí là khó, nhưng nếu hiểu cái nhân nghèo nàn do bởi không bố thí, rồi quyết tâm cam chịu thiếu kém khổ cực đem của riêng để tu phước, tất việc bố thí cũng có thể làm. Lại như vua Thuận Trị nhà Thanh, lên ngôi hồi sáu tuổi, hai mươi bốn tuổi từ bỏ vương vị, theo Ngọc Lâm quốc sư đầu Phật xuất gia. Làm một vị hoàng đế giàu sang tột bực, ở lầu rồng, gác phượng ăn hải vị, sơn hào, phi tần có cả hàng ngàn trang tuyệt sắc giai nhơn, quyền lực nắm cả thần dân trong một nước, sự phú quý còn chi hơn? Nhưng nếu nhận rõ sự phước lạc thế gian vô thường như mộng huyễn, cảnh chân như thường tịch mới thật là vui, thì tuy nói giàu sang học đạo là khó, song đã quyết tâm tất cũng có thể thật hành. Ngoài ra, nghèo khổ quá tu hành vẫn thật khó, nhưng nếu có chí cũng chẳng phải không làm được. Như thuở Phật Thích Ca còn ở đời, có một bà lão rất nghèo khổ, ở mướn cho người từ hồi mười ba tuổi, đến tám mươi tuổi cũng còn vất vả, ban ngày làm việc không ngơi nghỉ, đêm nào cũng phải giã gạo đến canh hai, gà gáy sáng đã thức dậy quây quần bên cối xay bột. Hoàn cảnh cực nhọc không rảnh rỗi như thế, muốn tu hành là một sự vạn nan. Nhưng nhờ tôn giả Ca Chiên Diên khuyến hóa, nên mỗi buổi tối sau khi giã gạo xong, bà tắm rửa thay đổi y phục, ngồi tu niệm đến quá nửa đêm mới đi nghỉ. Nhờ sự quyết tâm cố gắng đó, mà sau khi chết bà được sanh lên làm vị thiên tử ở cung trời Dạ Ma.
Kính thưa quý vị! Thân người khó được, pháp Phật khó nghe. Nay quý vị đã được thân người, và có duyên xem đến quyển này, tức là đã gặp được pháp môn thành Phật mầu nhiệm. Dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn, xin quý vị nhận rõ duyên đời khổ mộng, quyết chí tu hành, để hoa sen báu bên trời tây được nở thêm những hàng thượng thiện.
Ngày Phật Đản 2515
Thích Thiền Tâm kính phụng
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro