Niệm Phật phải bền lâu không gián đoạn
Niệm Phật Thập Yếu
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Chương VIII: Đệ Bát Yếu
Niệm Phật Phải Bền Lâu Không Gián Đoạn
Khải Đề:
Nắng lại mưa qua
Chìm nổi vui buồn
Phù thế thương lưu lạc!
Nhớ thuở còn thơ
Cổ thụ bên nhà
Cùng trẻ nô đùa hát.
Rồi hỏi Hoàng Mai
Tìm lối Liên Hoa
Tóc xanh vừa điểm bạc.
Một nén tâm hương
Một chí Tây Phương
Chờ lắng bên trời nghe tiếng nhạc!
Thân người dễ mất
Pháp Phật khó nghe
Tinh tấn khuyên lên đường giải thoát.
Niệm không phải khó
Khó tại bền lâu
Khẩn nguyện cùng sanh về Cực Lạc.
Bền lâu không khó
Khó ở nhứt tâm
Sẽ thấy hoa sen lầu các!
Mục A. Yếu Điểm Của Môn Tịnh Độ
Tiết 53 Phải Nhớ Chí Nguyện Để Tinh Tấn
Niệm Phật muốn giữ cho được tinh tấn bền lâu, phải có lập trường vững chắc. Lập trường đó là: nhớ đến mục đích tu hành của mình. Ví như hàng nông phu, vì mục đích có được lúa hay hoa mầu nhiều để nuôi sống gia đình, nên chịu cực nhọc dãi nắng dầm mưa, cày sâu cuốc bẩm. Hàng sĩ tử vì mục đích thi đỗ cao, để mẹ cha đẹp mặt, vinh hiển với đời, phải thức khuya dậy sớm siêng năng học hành, dù mỏi mệt cũng không nản chí. Người tu cũng thế, công hạnh ngày nay là để đi đến mục đích giải thoát tự độ độ tha ngày sau. Triệt Ngộ đại sư, một bậc thạc đức suốt thông cả Giáo lẫn Tông, đã đưa ra mười sáu chữ, có thể gọi là cương yếu của môn Tịnh Độ. Mười sáu chữ ấy như sau: "Vì sự sanh tử, phát lòng Bồ Ðề, lấy tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật." Chúng ta ở trong nẻo luân hồi bị nhiều nỗi khổ, nên phải kíp cầu thoát vòng sanh tử. Vấn đề khẩn yếu này, trước đã có nói lược qua. Nhưng giải thoát riêng cho mình cũng hãy còn thấp hẹp; cần phải phát tâm cầu đạo Vô Thượng Bồ Đề, để độ mình và chúng sanh đến nơi giải thoát cứu cánh. Khi xưa đức Thích Ca nói pháp bốn mươi chín năm, đàm kinh hơn ba trăm hội, cũng không ngoài tiêu điểm này. Đã vì sự sanh tử phát lòng Bồ Đề rồi, đường lối dễ dàng không hiểm nạn để đưa chúng ta mau đến mục tiêu ấy, không chi hơn "lấy tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật."
Kẻ chưa biết đạo lý cũng đành thôi. Người đã biết đạo lý này, mà không cố gắng dụng công tu hành, há chẳng phụ ân lớn của Phật, và để uổng mai một tánh linh của mình lắm ư! Cho nên chúng ta phải gia công tinh tấn niệm Phật bền lâu, chớ dần dà gián đoạn. Cổ nhơn đã bảo:
Thân này chẳng tính đời nay độ.
Còn đợi khi nào mới độ thân?
Nếu hẹn kiếp sau sẽ tu, có khác chi người mê nói chuyện mộng? Về phương diện thế gian, như kẻ vì cầu sắc dục, phải chịu lội trong sương gió lạnh, băng đồng lướt bụi không kể hiểm nguy, để tìm đến chỗ hẹn hò. Lại như kẻ đánh cờ đánh bạc, vì say mê cầu thắng, mà bỏ cả ăn ngủ, quên cả nóng bức, rét lạnh, có khi dám ngồi luôn đôi ba ngày đêm. Hạng tầm thường vì chút thị dục nhỏ mà còn như thế; người tu vì mục đích cao cả, há lại không bằng những kẻ ấy hay sao? Cho nên khi tu hành mà còn biếng trễ gián đoạn, còn ngại khó mỏi gian lao, còn tham vui mê ngủ, là bởi chúng ta chưa giữ vững lập trường, tâm độ mình và người chưa chí thiết.
Năm tháng qua mau, vô thường không hẹn, thân người dễ mất, pháp Phật khó nghe; hành giả phải nhớ điểm này, đem hai chữ "khổ" và "chết" dán ở đôi mày để thường tự sách tấn.
Tiết 54 Pháp Môn Thoát Sanh Tử Trong Một Đời
Khắp mười phương thế giới, đại khái chỉ có hai phân vức: Tịnh Độ và Uế Độ. Tịnh Độ là các cõi trong sạch trang nghiêm của Phật, một khi sanh về tất dứt hẳng phân đoạn sanh tử, sẽ lần chứng lên quả thánh. Uế Độ, là các cõi từ cảnh giới đến thân tâm của chúng sanh đều ô trược, loài hữu tình ở đó còn phải lên xuống trong sáu nẻo, chịu nỗi khổ luân hồi.
Loài người ở cảnh Ta Bà Uế Độ này, nếu chỉ tu ngũ giới thập thiện và các điều lành khác mà không niệm Phật, thì cùng Phật vô duyên. Vì không duyên với Phật, chủng tử vô lậu trong thức thứ tám thiếu cơ năng dẫn phát, nên dù có tu các nghiệp lành, nhiều lắm cũng chỉ sanh lên cõi trời, không được về Tịnh Độ. Thọ số ở các cõi trời tuy lâu, nhưng vẫn có hạn lượng, khi phước báo hết là dứt một đoạn sống chết, rồi tùy nghiệp thọ sanh nơi khác. Nếu như vẫn còn nghiệp lành thuộc thượng phẩm thập thiện, lại tùy sanh ở các cõi trời thấp hoặc cao. Nghiệp trung phẩm thập thiện, sanh về cõi người. Nghiệp hạ phẩm thập thiện, sanh ở cõi A Tu La. Nếu là nghiệp dữ thuộc hạ phẩm thập ác, thì sa xuống loài bàng sanh. Nghiệp trung phẩm thập ác, sanh ở loài ngạ quỷ. Nghiệp thượng phẩm thập ác, đọa vào địa ngục.
Chúng sanh do ngã chấp làm gốc, từ nơi đó khởi tạo các nghiệp lành dữ thuộc sáu đường, nên tùy theo sự thành thục của mỗi loại chủng tử, phải chịu lên xuống luân hồi. Trong kiếp luân hồi, nghiệp nhiễm dễ tạo, duyên lành khó tu, nên thời gian đọa xuống ác đạo rất lâu dài, sanh lên thiên đạo rất ngắn ít. Đức Phật đã than: "Chúng sanh thường lấy ba ác đạo làm quê nhà!" Vì thế chúng ta có thể đoán định: "Tất cả loài hữu tình, nếu không về Tịnh Độ của chư Phật, tất phải ở Uế Độ. Đã ở Uế Độ, với hoàn cảnh xấu ác nhiều chướng duyên, với căn cơ người thời mạt tất sớm muộn cũng phải đọa ác đạo. Và, muốn sanh về Tịnh Độ của Phật, tất phải niệm Phật."
* Có kẻ gạn hỏi: "Đường lối giải thoát có nhiều môn, hà tất phải niệm Phật?" Điểm này nếu suy nghiệm sẽ tự hiểu, tuy nhiên cũng xin phúc đáp cho rõ hơn:
- Khi xưa đức Như Lai tuy diệt độ, nhưng chánh pháp còn thạnh, chúng sanh nghiệp nhẹ tâm thuần, nên dù tu pháp môn nào, cũng đều có thể thành tựu. Giảm xuống đến thời Tượng Pháp thì cách Phật đã xa, hoàn cảnh và nhơn tâm lần lần phức tạp, trăm ngàn người tu hành, hoặc may mới có một hai người đắc đạo. Huống nay lại đi sâu vào thời mạt pháp, đạo đức suy vi, bậc tu hành chân chánh còn có ít người, nói chi đến việc chứng quả? Bởi thời nay chúng sanh chướng nặng tâm tạp, sự sống và lối tổ chức xã hội khó khăn phiền toái hơn xưa. Lại thêm chiến tranh, đói rách, thiên tai nhơn họa thường thường tiếp diễn, cảnh khiêu dâm bắn giết được cổ xúy, tôn giáo đạo đức bị xem là trò ma túy, chuyện lỗi thời. Với nhiều chướng duyên trong và ngoài ảnh hưởng nhau như thế, nếu tự lực tu hành theo các pháp môn khác, tất nhiên khó bề thành tựu. Vả lại muốn thoát luân hồi, phải dứt trừ kiến hoặc và tư hoặc. Nhưng theo lời cổ đức: "Ngăn được kiến hoặc khó như ngăn chận dòng nước mạnh từ bốn mươi dặm xa chảy lại," huống chi là diệt trừ, và kế đến dứt cả tư hoặc ư? Cho nên trong thời mạt pháp, muốn được giải thoát, chỉ duy có Niệm Phật pháp môn. Bởi môn này đã dùng hết tự lực, còn nhờ thêm tha lực, dù nghiệp hoặc chưa dứt, cũng nhờ sức Phật tiếp dẫn mà được đới nghiệp vãng sanh. Khi đã về Cực Lạc, tất không còn thối chuyển vĩnh viễn thoát luân hồi.
Đức Thế Tôn là bậc bi trí sâu xa, về căn cơ thời mạt pháp và hiệu lực của môn Tịnh Độ, Ngài có huyền ký trước nơi Kinh Đại Tập và Vô Lượng Thọ, như chương thứ nhứt đã nói. Thế thì biết, trong thời mạt pháp, khi hiệu lực hiện chứng của các tông đều yếu kém, để kéo dài pháp vận và cứu độ chúng sanh, chỉ duy có môn Niệm Phật. Các tông khác như Thiền, Giáo, Luật, Mật tuy còn lưu truyền và có nhiều người tu, cũng chỉ ở trong khả năng giáng xuống làm trợ duyên, chớ không thể riêng rẽ sanh hiệu nghiệm trên đường giải thoát. Trong bức thơ gởi cho một vị tăng, Ấn Quang đại sư đã nói: "Ở sâu vào thời mạt pháp này, nếu tu theo các môn khác, nói đến sự gieo căn lành và làm nhân duyên đắc độ về sau thì có, nói đến sự chứng quả giải thoát trong đời hiện tại thì không."
Do những điều đã dẫn giải trên đây, ta có thể kết luận: "Ở vào thời mạt pháp, duy Niệm Phật mới là môn thoát sanh tử trong một đời."
Tiết 55 Niệm Phật Chớ Sợ Cười, Đừng Chờ Hẹn
Có nhiều vị muốn tu học Phật pháp, nhưng lại sợ bị người chê cười là tiêu cực, hủ bại, mê tín. Do đó khi xem kinh thì lén lút không dám công nhiên cho người thấy; hoặc có ăn chay, niệm Phật cũng không dám cho ai hay. Nên biết đạo Phật chẳng những là một tôn giáo, lại là một môn triết học rất cao thâm, các học giả uyên bác Ðông Tây đã có nhiều vị nghiên cứu và thật hành. Phật đạo là con đường sáng suốt đưa người từ hung ác đến thiện lương, từ hàng phàm phu mê mờ đến địa vị thánh nhơn toàn giác. Cho nên người đã có duyên may tu học Phật pháp, nên mừng cho mình được phước lành, và tùy nghi đem ra khuyên nhắc kẻ khác làm theo, chớ không chi phải e ngại. Những kẻ chê tu Phật là tiêu cực, hủ bại, mê tín, chỉ vì họ chưa hiểu biết mà thôi.
Lại trong giới tu học Phật pháp, có những người vừa mới xem qua các kinh điển cao, đã vội tự phụ cho mình là bậc Đại Thừa hành giả, thấy ai ăn chay, niệm Phật liền xem là hạng căn cơ thấp kém, chỉ bắt chước theo các ông già bà cả ngu dốt tối tăm. Nên biết môn Tịnh Độ là pháp Đại Thừa viên đốn. Nói "Đại Thừa", vì pháp này lấy niệm Phật làm nhân, lấy địa vị Toàn Giác làm quả. Nói "viên" vì môn này nhiếp tròn cả năm tông tám giáo, như các bậc cổ đức đã luận phê. Nói "đốn" vì phương tiện này đưa từ hàng cụ phược phàm phu lên ngôi Bất Thối Chuyển, từ bậc sơ học lên quả Vô Thượng Bồ Đề rất thẳng tắt mau lẹ. Cho nên pháp môn này sáu phương chư Phật đều khen ngợi, các vị Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ đều phát nguyện vãng sanh. Xem thường và khinh chê niệm Phật, chẳng những là không hiểu sâu về Tịnh Độ, mà còn mang lỗi khinh chê chư Phật và các bậc Thánh giả đã nói trên. Cho nên niệm Phật là chính mình đã thật hành theo pháp môn viên đốn Đại Thừa, không nên ngại đến sự cười chê của người chưa hiểu biết.
* Muốn cầu giải thoát, đối với sự niệm Phật phải xem là điều rất khẩn yếu, biết được lúc nào là phải thật hành ngay khi ấy, không nên chờ hẹn. Phật đã từng dạy, mạng sống của con người chỉ ngắn ngủi trong hởi thở; vì hơi thở có ra mà không vào, tức đã bước sang kiếp khác. Thế thì năm tháng ngày giờ, cho đến mỗi giây phút, đều có cái chết không chờ hẹn ta ở trong đó; chẳng ai dám quyết đoán mạng sống của mình dài được bao lâu. Cổ thi có câu:
Ngày trước đầu đường còn ruổi ngựa.
Hôm nay trong quách đã nằm yên!
Hoặc câu:
Chớ hẹn đến già rồi niệm Phật.
Đồng hoang mồ trẻ thấy đông người.
Đây là những điều xác thật. Cho nên muốn phòng ngừa cơn vô thường chợt đến, mỗi thời khắc chúng ta phải gắng chăm niệm Phật. Như thế, gặp giây phút cuối cùng mới không bị bối rối tay chân.
Trên đường tu, để ngăn trách về sự giải đãi, đức Phật đã răn dạy: "Thầy Tỳ Khưu thường hay có tám cách biếng trễ. Chẳng hạn, bữa nào đi khất thực đói, liền nghĩ rằng: "Hôm nay, khất thực đói, trong người tất thiếu sức khỏe, để huỡn tu một đêm." Bữa nào khất thực no, liền nghĩ: "Hôm nay ăn no, trong người nặng nề mệt nhọc, thôi tạm xả tu, mai sẽ tiếp tục." Như thế cho đến những khi: sắp làm việc nhiều - lúc làm việc nặng vừa xong - sắp muốn đau - khi đau bịnh vừa mạnh - sắp đi xa - lúc đi xa mới về; trong các trường hợp ấy, lúc nào cũng nại cớ này, cớ khác, rồi bỏ tu để ngủ nghỉ. Trái lại, những vị Tỳ Khưu tinh tấn, trong tám trường hợp đó, luôn luôn nghĩ đến sự vô thường, hằng siêng năng tu tập."
Tâm niệm giải đãi của người xuất gia đã như thế, tất tâm lý biếng trễ của hàng tại gia chắc có lẽ nhiều hơn. Hoằng Nhứt đại sư từng khuyên một người thân hữu niệm Phật. Ông này viết thư gởi đến, than mình mắc bận nhiều công việc, xin để tạm xếp đặt cho ổn thỏa rồi sẽ hay. Đại sư liền biên vào bức thư đó hai câu thi, rồi gởi trả nguyên lại. Hai câu ấy như sau:
Ngay giờ quyết dứt, liền thôi dứt.
Chờ hẹn cho xong, chẳng lúc xong!
Thật thế, chuyện đời đến khi nhắm mắt cũng không rồi công việc.
Khi xưa, có vị Tăng khuyên người bạn là Trương Tổ Lưu niệm Phật. Ông bạn bảo: "Tôi có ba việc làm chưa xong: Một là quan tài ông thân còn để ở nhà mồ chưa chôn, hai là đứa con trai chưa cưới vợ, ba là đứa con gái chưa gả chồng. Chờ ba việc đã xong, tôi sẽ vâng lời." Mấy tháng sau, ông bạn bị bạo bịnh chết. Vị tăng đến tụng kinh cầu siêu, và điếu một bài thi rằng:
Bạn tôi tên là Trương Tổ Lưu
Khuyên ông niệm Phật, hẹn ba điều.
Ba điều chưa vẹn, vô thường bắt
Đáng trách Diêm Vương chẳng nể nhau!
Trong bài thi, ý vị tăng nói: Ông hẹn khi xong ba việc sẽ niệm Phật, nhưng ngặt nỗi vô thường bất ngờ đến, nó có chờ hẹn ông đâu? Xem đấy chúng ta ai dám bảo đảm rằng mình chẳng là ông Trương Tổ Lưu thứ hai? Cho nên người quyết chí tu hành, được hở giây phút nào liền niệm Phật ngay lúc ấy, đừng nên đạp nhầm dấu xe đổ của người xưa mà để hận ngàn thu.
Mục B. Làm Thế Nào Niệm Được Bền Lâu?
Tiết 56 Phải Tuần Tự Tiến Tu
Người tu Tịnh Độ, muốn niệm Phật được bền lâu, phải tùy theo tinh thần, sức khỏe, và hoàn cảnh của mình mà đặt thời hạn, rồi lần lần tăng tiến, chớ nên bước đầu đã vội hành trì quá nhiều. Như người đi quá gấp, tất dễ bị vấp ngã. Kẻ chưa lượng sức mình, mà vội hành trì quá mức, sau có thể vì mệt mỏi chán nản rồi bỏ trôi luôn.
Đại để người tu môn Niệm Phật, nên phân làm định thời và không định thời. Định thời là mỗi ngày đều phải có thời khóa nhứt định, lại nên ghi số là bao nhiêu câu. Không định thời là ngoài các thời khóa, đi đứng nằm ngồi đều niệm thầm, nhưng niệm thả không ghi số. Điểm cốt yếu của sự Niệm Phật là dù niệm chậm hay mau, cũng phải rành rẽ rõ ràng, tâm bắt kịp tiếng niệm, tâm và tiếng dung hòa nhau. Cứ như thế niệm lâu thành thuần thục, sức niệm mau dần, có thể tăng từ một ngàn, hai ba ngàn, một muôn, bốn năm muôn, cho đến mười muôn câu trong mỗi ngày đêm.
Có người bảo: "Tôi đã nhiều lần thí nghiệm qua, dù với cách nào cũng không thể mỗi ngày đêm niệm đến mười muôn câu được. Cho nên lời xưa nói: Mỗi ngày đêm lấy mười muôn câu làm định khóa, đại khái nên hiểu một ước số để khuyến tấn mà thôi."
Lời nói trên, chỉ đề cập đến sự "thí nghiệm" nhưng chưa bàn đến cách "tập luyện". Theo Đạo Nguyên pháp sư, nếu tập luyện cho tinh thuần, mỗi ngày đêm hành giả có thể niệm đến mười muôn câu Phật hiệu, nhưng phải y theo mấy điều kiện như sau:
1. Phải ngồi mà niệm. Tuy đi đứng nằm ngồi đều có thể niệm Phật, nhưng muốn niệm cho mau mà vẫn nghe được rành rẽ rõ ràng, thì nên ngồi mới thích hợp.
2. Nên dùng chuỗi nhẹ và lấy mười câu làm một đơn vị. Bởi nếu niệm mau mà mỗi câu đều lần một hạt chuỗi, e tay lần không kịp, dù có kịp cũng dễ bị chứng đau gân tay và mỏi nhức chả vai.
3. Chỉ niệm bốn chữ A Di Đà Phật, không niệm sáu chữ. Bởi niệm sáu chữ một muôn câu, nếu rút ngắn niệm bốn chữ, có thể lên đến một muôn năm ngàn câu.
4. Phải niệm theo lối Kim Cang trì, nghĩa là chỉ sẽ động môi mà thôi. Nếu niệm thầm hoặc ra tiếng, sợ e niệm không được mau, và khi cổ động cho tiếng phát ra khỏi miệng, phải mất một khoảng thời gian. Niệm ra tiếng một muôn câu, đổi lại niệm theo lối Kim Cang trì, có thể lên đến hai ba muôn câu.
Nếu y theo bốn điều kiện trên đây tập luyện cho tinh thuần, lâu ngày lâu tháng sức niệm càng mau chóng, nhưng vẫn không mất sự rành rẽ, rõ ràng. Như thế luyện cho đến khi nào niệm một ngàn câu chỉ mất năm phút làm mục đích. Thế thì trong một giờ niệm một muôn câu cộng lại tốn năm mươi phút, còn mười phút để thay đổi oai nghi cho khỏi mỏi nhọc hoặc đứng lên lễ Phật, hoặc buông chuỗi, chắp tay, vừa đi nhiễu Phật, vừa nhẹ hô hấp để lấy sức. Cách thức vừa niệm vừa nghỉ ngơi như thế, niệm mười muôn câu duy phí có mười giờ. Trong một ngày đêm hai mươi bốn giờ, trừ ngủ nghỉ sáu giờ, ăn uống, đại tiểu tiện ba giờ, mười giờ để khóa niệm mười muôn câu, cộng lại hết mười chín giờ, hãy còn dư ra năm giờ đồng hồ. Năm giờ ấy, hoặc để làm công chuyện vặt, hoặc tĩnh tọa hay xem kinh vẫn còn thư thả.
Tiết 57 Nên Cầu Tinh Thuần, Đừng Tham Nhiều
Có người niệm Phật không thích lần chuỗi, chỉ ước định mỗi thời khóa là bao nhiêu giờ. Niệm như thế được điểm lợi là dễ dưỡng tâm, mỗi câu Phật hiệu đều rành rẽ thâm nhập. Nhưng nếu không phải là người có tâm lực mạnh, chí kiên quyết, thì sẽ lạc vào khuyết điểm; niệm lực trì trệ khó thành tựu, mau sanh chán mỏi, thường nhìn vào đồng hồ để xem coi gần mãn giờ hay chưa? Còn lần chuỗi mà niệm theo định số, thì sức niệm tinh tấn mau thuần thục, ví như người tuy yếu chân nhưng nhờ nương nơi cây gậy, nên dễ tiến lên núi cao. Song nếu không khéo giữ đúng theo điểm căn bản của sự niệm Phật là: "Câu niệm rành rẽ rõ ràng, tâm cùng tiếng dung hòa nhau," tất lại bị khuyết điểm bởi ham mau, ham nhiều mà thành ra niệm dối! Nên biết lúc hành giả khởi niệm, thì mỗi câu Phật hiệu đều đi sâu vào tạng thức. Khi sức dồn chứa huân tập đã nhiều, tức câu niệm Phật từ nơi tạng thức tự phát hiện ra trong khi thức hoặc lúc ngủ. Đây gọi là cảnh giới "không niệm tự niệm." Nếu bình thường niệm rành rẽ thì nó phát hiện rành rẽ, niệm giả dối không rõ ràng, tức câu Phật hiệu hiện ra không rõ ràng. Điểm thất bại của người niệm Phật là tại chỗ đó, nên phải dè dặt ngay từ lúc đầu. Lời tục thường nói: "Đa hư bất như thiểu thật." Nếu vì ham mau ham nhiều để cầu danh là mình niệm mỗi ngày được mấy muôn câu rồi niệm hư dối không rõ ràng, tâm không bắt kịp tiếng, chẳng thà niệm ít mà chắc còn hơn.
Bút giả có biết một bà Phật tử tu Tịnh Độ. Bà này có lòng tin Tam Bảo, nhưng tánh còn thích rong chơi. Mỗi khi về tối, con cháu mời lại bàn cùng ăn cơm, bà nói: "Thầy dạy tao phát nguyện mỗi ngày niệm Phật mười chuỗi, nếu tao không giữ đúng lời hứa thì có tội với Tam Bảo. Bây hãy chờ một chút cho tao 'làm đủ số', rồi sẽ dùng cơm." Nói đoạn, bà vội mặc áo tràng, niệm Phật lia lịa gấp như chữa lửa, chỉ mười lăm phút là xong việc. Niệm Phật như thế thì làm sao mà vãng sanh được? Chẳng những một bà này, mà còn nhiều Phật tử khác cũng niệm Phật theo lối "làm cho đủ số" đó. Vậy nên biết niệm Phật quý ở nơi phát tâm chân thật, câu niệm chắc chắn rõ ràng, gọi là "lão thật niệm Phật" mới mong có kết quả.
Vào khoảng cuối đời nhà Thanh bên Trung Hoa, ở Hàng Châu có một bà Phật tử đến am Hiếu Từ hỏi Đạo Nguyên hòa thượng: "Con niệm Phật đã lâu, nhưng chưa thấy có chi tiến bộ, không biết tại sao?" Hòa thượng bảo: "Niệm Phật không khó, mà khó ở giữ cho được bền lâu. Chắc có lẽ bà niệm không được đều và bền nên mới như thế." Bà thưa: "Quả đúng như vậy. Con vì mắc gia duyên bận buộc, nên niệm Phật thường hay gián đoạn không được bền. Từ đây xin gát hết mọi duyên, nguyện giữ đúng như lời thầy dạy." Cách ít lâu sau, bà lại đến hỏi: "Từ khi nghe lời chỉ giáo đến nay, con dẹp hết mọi việc ngoài, mỗi ngày niệm Phật đều đều, sao vẫn chưa thấy có hiệu lực?" Hòa thượng dạy tiếp: "Niệm Phật không khó, khó ở bền lâu. Niệm bền lâu không khó, mà khó ở nơi nhứt tâm. Bên ngoài tuy bà gác hết mọi duyên, nhưng trong tâm còn lo đến việc nhà cửa, ruộng vườn, luyến tưởng đến cháu con quyến thuộc. Ý lo lắng chưa dứt, gốc tình ái vẫn còn, làm sao mà được nhứt tâm thấy Phật?" Bà nghe nói liền than: "Thật quả có như vậy! Con duyên ngoài tuy bỏ, nhưng tâm tưởng vẫn còn vấn vương. Từ đây xin trăm việc không quản đến, để nhứt tâm niệm Phật." Sau khi lãnh giáo về nhà, con cháu hoặc người ngoài có bày tỏ hỏi han điều chi, bà đều bảo: "Tôi muốn yên tâm, trăm việc xin không quản đến." Do duyên cớ này, mọi người đều gọi là bà lão Bá Bất Quản. Vài năm sau, bà đến am Hiếu Từ lạy ngài Đạo Nguyên thưa: "Nhờ ơn chỉ dạy, nay con niệm được nhứt tâm và đã thấy Phật. Xin đến lễ tạ giã từ hòa thượng, vì con sắp sẽ vãng sanh."
Bà Bá Bất Quản trên đây, do lãnh ngộ hai nguyên tắc: bền lâu và nhứt tâm mà được kết quả giải thoát. Cho nên người niệm Phật muốn đi đến mức tinh thuần, phải xem từ nhà cửa, ruộng vườn đến thân tình quyến thuộc như cảnh duyên giả tạm, hợp rồi lại tan. Nếu có lòng thương quyến thuộc, trước tiên phải làm sao cho mình được vãng sanh giải thoát, rồi sau sẽ độ người thân, mới là tình thương chân thật. Cho nên muốn niệm Phật, suy ra chẳng những trăm việc không quản, mà ngàn việc, muôn việc đều không quản đến mới được.
Tiết 58 Chớ Để Mất Phần Nhập Phẩm
Người tu khi niệm Phật phát nguyện cầu sanh về Tây Phương, nơi ao thất bảo ở cõi Cực Lạc liền mọc lên một hoa sen. Nếu cứ tiếp tục niệm không gián đoạn, thì hoa sen ấy lần lần to lớn mãi lên. Trái lại tự nhiên hoa cũng héo tàn. Chừng nào phát tâm tinh tấn trở lại, sẽ có một hoa sen khác hóa hiện. Hoa sen đó do sức tu niệm của hành giả hiện thành, tùy nơi công hạnh cao thấp mà có hơn kém, chia thành chín phẩm, từ Hạ Phẩm Hạ Sanh lên đến Thượng Phẩm Thượng Sanh. Tuy nói khái ước có chín phẩm, nhưng vì công hạnh của người tu rất khác biệt, nên thật ra trong ấy bao hàm đến vô lượng phẩm. Chẳng hạn như trong xã hội đại khái có ba giai cấp: quyền quý, trung lưu và bần khổ; nhưng thật ra trong mỗi giai cấp đều có nhiều thứ bậc hơn kém khác nhau. Phẩm sen ở Cực Lạc cũng như thế.
Tu Tịnh Độ tùy nơi căn cơ và hoàn cảnh nên công hạnh của mỗi người thành ra sai biệt. Có những vị mỗi ngày niệm tới số trăm, số ngàn, lên đến số nhiều muôn. Nhưng dù bận việc bao nhiêu, ít nhứt mỗi ngày hành giả phải có mười niệm, bằng không sẽ mất phần "nhập phẩm", nghĩa là không được dự vào chín phẩm sen ở cõi Tây Phương. "Nhập phẩm" là danh từ riêng của người tu Tịnh Độ, nó gợi ý nhắc nhở hành giả đừng quên phần niệm Phật. Mười niệm cũng gọi là Thập Niệm Pháp. Đấy là phương thức của ngài Từ Vân sám chủ, căn cứ theo chương Hạ Phẩm Hạ Sanh của Kinh Quán Vô Lượng Thọ mà chế ra, để dành riêng cho những người quá bận về công việc nước hay nhà có thể niệm Phật và vãng sanh Cực Lạc. Phương pháp này gồm có mười niệm, mỗi niệm là một hơi thở, mật ý đi về chỗ "mượn hơi nhiếp tâm." Người hơi dài có thể mỗi hơi niệm mười mấy câu, kẻ hơi ngắn chỉ bảy, tám câu cũng được. Cứ mỗi hơi niệm Phật gọi là một niệm, mười hơi là mười niệm. Sau khi niệm xong mười hơi, tiếp tục đọc bài kệ hồi hướng:
Nguyện sanh Tây Phương cõi Tịnh Độ.
Mẹ cha là chín phẩm sen lành.
Hoa nở thấy Phật ngộ vô sanh.
Độ khắp tất cả loài hàm thức.
Nguyện xong, lễ Phật ba lạy rồi lui ra. Phương pháp này phát xuất bởi lòng từ bi vô lượng của Phật, Tổ, dù người đa đoan công việc thế mấy, cũng có thể thật hành để bước lên đường giải thoát.
Về chỗ niệm Phật mười hơi, có điểm cần chú ý là cứ để tự nhiên đừng kéo dài hoặc rút ngắn. Nếu chẳng thế tất sẽ mang chứng bịnh "thương khí." Trung Luân pháp sư khi đến Bắc Bình giảng đạo, một hôm có ông lão đến nói: "Tại tôi niệm Phật, nên bây giờ sanh chứng lãng tai và đôi khi không nghe chi hết." Pháp sư hỏi duyên cớ, ông lão đáp: "Có vị đại đức bí mật truyền cho tôi một phương pháp niệm Phật. Vị ấy bảo: "Phép niệm mười hơi, hiện tại các hòa thượng, thượng tọa không ai biết cả, bởi trong ấy có một khẩu quyết mà bây giờ đã thất truyền." Tôi thành khẩn cầu pháp, vị đó dạy mỗi hơi phải niệm suốt một tràng chuỗi, gồm một trăm lẻ tám câu. Tôi y theo lời, cố gắng thật hành, và lỗ tai sanh ra lùng bùng rồi lãng điếc từ khi ấy. Vậy chẳng biết phương pháp niệm như thế có đúng lời Phật dạy chăng?" Ngài Trung Luân nghe xong bác bỏ, trách vị đại đức kia đem pháp Phật biến thành pháp ngoại đạo, diễn nên kết quả hại người. Rồi Ngài từ từ đem nguyên lý Thập Niệm Pháp giảng cho ông lão nghe.
Đây là một câu chuyện mà người niệm Phật phải lưu tâm, để rút lấy phần kinh nghiệm.
Mục C. Tịnh Độ, Môn Giải Thoát Đăc Biệt
Tiết 59 Niệm Phật, Phương Pháp Dễ Tu
Môn Tịnh Độ, đặc biệt với pháp Trì Danh, là đường lối dễ tu, điều này ai cũng có thể biết. Nhưng "dễ tu" lại có nhiều nghĩa, việc này vị tất mọi người đã am tường.
Bởi tu các pháp môn khác, nếu từ Giáo mà đi vào, thì kinh điển mênh mang, nghĩa lý vô cùng sâu sắc. Trước tiên người học Phật phải lãnh hội nghĩa căn bản, rồi từ đó lần lượt ngộ giải những nghĩa sai biệt. Sau đó lại phải dung thông các đạo lý, rút lấy chỗ tinh hoa, và chọn lựa vạch mở đường lối tu tập để trọn đời noi theo. Sự kiện này nếu chẳng phí vài mươi năm công phu khổ nhọc, tất không thể hoàn thành. Nếu từ Luật mà đi vào, thì phải xuất gia, mà giới tướng rộng nhiều, hành giả cần phải rành rẽ về danh, chủng, tánh, tướng của các loại giới pháp. Lại phải có trí huệ để thông hiểu thế nào là nghĩa cùng ngữ, để áp dụng các điểm khai giá, trì, phạm tùy theo xứ sở thời cơ. Cho nên học kinh chưa phải là khó, học luật mà biết quyền biến khéo léo để không rời luật cũng không bị luật buộc ràng mới là khó. Hiểu rành xong về luật, lại phải có tinh thần nhẫn nại, có nghị lực chịu kham khổ, mới đi đến chỗ thành công. Nếu từ Thiền mà đi vào, như túc huệ chưa gieo, căn khí chẳng hợp, muốn đem cơ yếu kém để mong cầu pháp cao mầu, tất sự chia ánh sáng truyền đăng cũng tuyệt phần hy vọng. Cho nên ông Tạ Linh Vận, một danh sĩ học Phật khi xưa đã bảo: "Tu Thiền để thành Phật phải là hàng huệ nghiệp văn nhơn." Lời này vẫn không phải sai lầm hoặc quá đáng.
Riêng về pháp Trì Danh của môn Tịnh Độ, khi đã phát lòng tín nguyện, dù căn cơ nào cũng có thể niệm Phật tu hành. Lại các pháp môn khác duy cậy nhờ tự lực, môn Tịnh Độ đã dùng hết tự lực, còn được thêm phần tha lực. Sức tha lực tức nguyện lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà vô cùng lớn mạnh, dù người chưa sạch nghiệp hoặc, cho đến kẻ tạo nghiệp ác quá nặng biết hồi tâm niệm Phật, cũng được đón rước về Tây Phương. Cổ nhơn đã từng so sánh: "Tu các môn khác khó khăn vất vả như con kiến bò lên non cao. Niệm Phật vãng sanh mau chóng dễ dàng như đi thuyền theo nước xuôi gió thuận." Lời này thật rất xác đáng. Hơn nữa, khi sanh về Cực Lạc rồi, sống trong cảnh đẹp mầu an thuận, thường gần gũi với Phật Bồ Tát, dù tu pháp môn nào cũng đều mau thành tựu, như lăn khúc gỗ tròn từ trên non cao xuống, thế vẫn tiến mãi không tạm dừng.
Tóm lược qua các điều trên, sự dễ tu của môn Tịnh Độ gồm có ba điểm: một là dễ thật hành, hai là dễ vãng sanh, ba là dễ thành Phật. Do sự dễ dàng đó mà kết quả tu chứng xưa nay về môn Tịnh Độ như ngọc chạm, vàng khua tiếng vang thảnh thót, sen cười cúc mỉm mấy phẩm tươi thơm. Trong ấy lịch trình từ phàm phu cho đến khi thành Phật cũng có giai cấp mà cũng không giai cấp. Vì khi được vãng sanh tức đã thoát khỏi sống chết luân hồi, và niệm Phật tức là thành Phật. Như con tằm, nhộng, và bướm vẫn không thể chia phân, nói bướm nguyên là tằm, hay tằm là bướm cũng chẳng xa chi mấy.
Tiết 60 Từ Tán Tâm Sẽ Đi Đến Định Tâm
Miệng niệm Phật, tâm tưởng Phật, hoặc trụ nơi câu niệm Phật, gọi là Định Tâm Niệm Phật. Miệng niệm Phật, tâm không nhớ Phật mà suy nghĩ mông lung việc khác, đó là Tán Tâm Niệm Phật. Tán tâm mà niệm, hiệu lực so với định tâm yếu kém rất nhiều. Vì lẽ ấy, từ xưa đến nay các bậc thiện tri thức đều khuyên người cố gắng định tâm trì niệm, đừng để tán tâm. Cho nên tán tâm niệm Phật không đủ làm gương mẫu.
Tuy nhiên, mỗi tác động bên ngoài đều liên quan đến tiềm thức, tức là thức thứ tám ở bên trong. Nếu tán tâm niệm Phật hoàn toàn không công hiệu, thì sáu chữ hồng danh kia từ đâu phát hiện? Đã có sáu chữ hiện thành, tất phải có hai chuyển lực: một là do chủng tử, từ tiềm thức phát hiện ra ngoài. Hai là sức tác động từ ngoài lại huân tập trở vào bên trong. Cho nên chẳng thể nói tán tâm niệm Phật hoàn toàn không công hiệu, bất quá so với định tâm nó yếu kém hơn nhiều mà thôi. Lối niệm tán tâm từ xưa đến nay không được đề xướng, nhưng hàm ý và công dụng của nó cũng không thể phủ nhận. Vì thế cổ nhơn có lưu một bài kệ rằng:
Di Đà sáu chữ pháp trung vương,
Tạo niệm phân vân chớ ngại màng!
Muôn dặm phù vân che ánh nhật.
Nhơn hoàn khắp xứ ửng dương quang.
Bài kệ này suy ra có điều xác đáng. Bởi hạt giống niệm Phật nơi thức thứ tám khi thành thục, tất dẫn phát thức thứ sáu khiến cho sanh khởi tịnh niệm. Rồi từ thức thứ sáu lại cổ động ra năm thức trước để thành hiện hành. Nhưng vì lúc chủng tử niệm Phật trải qua thức thứ sáu, bởi trần nhiễm của chúng sanh sâu dày, nên bị các niệm khác lấn cướp, tuy có lọt khỏi vòng vây song ảnh hưởng còn lại chẳng bao nhiêu. Ví như ánh mặt trời tuy rực rỡ, nhưng vì bị nhiều lớp mây che, nên khi lọt xuống nhân gian, chỉ còn vẻ ửng sáng. Nhưng ánh sáng thừa ấy sở dĩ có, cũng do công năng ảnh hưởng của mặt trời. Biết được lẽ này, người tu Tịnh Độ đừng quá ngại màng đến tạp tưởng phân vân, chỉ liên tiếp niệm hết câu này sang đến câu khác, chánh niệm còn được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Niệm như thế một lúc lâu, tự nhiên ngựa ý sẽ quay về tàu, vượn lòng lần lần vào động. Niệm một lúc lâu nữa, thì chánh niệm hiển lộ rõ ràng, không cần gạn bỏ điều nhiếp, mà tự nhiên thành tựu. Hiểu được lẽ này thì chỉ quý niệm nhiều, đừng ngại tán tâm. Như nước tuy bợn đục, lóng mãi tất sẽ thành trong. Người tuy tạp niệm nhiều, niệm Phật lâu tất sẽ thành chánh niệm. Nên biết cổ đức khi đi đứng nằm ngồi và tất cả hành động đều niệm Phật. Nếu các vị ấy hoàn toàn dùng định tâm mà niệm, thì lúc đi đường tất phải vấp chạm, hoặc khi tả kinh hay làm việc cũng không thể thành công. Cho nên người xưa cũng có lúc phải phân tâm mà niệm, nhưng vẫn không rời câu niệm Phật, bởi dù có tán tâm vẫn không mất phần ảnh hưởng.
Đến đây, xin thuật một câu chuyện. Lúc nọ, có người đến hỏi một thượng tọa: "Thưa thật với thầy, tôi niệm Phật đã hơn mười năm nay mà vọng niệm vẫn còn nhiều, không biết cách chi trừ diệt. Tôi có đi nhiều nơi cầu hỏi phương pháp với những bậc đã tu trước mình. Vị này đưa kinh nghiệm này, vị kia dạy cách khác, có một đại đức lại khuyên tôi nên nín hơi niệm luôn hai mươi mốt câu rồi nuốt một cái. Tôi đã áp dụng qua đủ mọi phương thức, nhưng chỉ định tâm được lúc đầu, rồi sau có lẽ vì lờn quen nên vọng niệm trở lại như cũ. Không biết thầy có phương pháp nào hữu hiệu để dạy tôi chăng?"
Vị thượng tọa đáp: "Điểm thất bại đó do ông không bền lòng, mà cứ thay đổi đường lối. Nên biết phàm phu chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay gây tạo nghiệp nhiễm vọng quá nhiều đâu thể nhứt thời mà thanh tịnh được! Chỗ cốt yếu là phải dụng tâm cho bền lâu. Tôi xin đưa ra đây hai thí dụ: Ví như một bình nước hôi nhơ dẫy đầy, ông đem nước thơm sạch đổ vào. Vì nước dơ đã đầy, nước sạch tất phải dội ra ngoài, song ít nhứt nó cũng lưu lại trong bình một vài giọt. Nếu ông cứ bền tâm đổ vào mãi, ngày kia bình nước hôi sẽ hóa ra nước sạch thơm. Lại ví như ông đau bịnh dạ dày, uống thuốc chi cũng đều ói mửa ra. Ông cứ bền lòng dùng ngay thuốc trị bịnh dạ dày mà uống, đừng thay đổi thuốc chi khác. Mỗi phen uống tuy có bị ói mửa, nhưng chất thuốc cũng lưu lại ít nhiều, lần lần bệnh của ông sẽ dứt. Bệnh phiền não vọng tưởng của chúng sanh cũng thế, dùng thuốc niệm Phật điều trị tự nhiên là thích đáng, nếu thay đổi mãi làm sao thành công? Như có người dùng phèn lóng nước, nó chưa kịp trong, lại nóng nảy vội quậy lên đổ muối vào, đổ muối chưa kịp trong, lại quậy lên đổ vôi bột vào. Cứ thay đổi mãi như thế, làm sao nước trong cho được? Thế nên vấn đề dứt vọng niệm, không phải do nơi thay đổi nhiều phương pháp, mà ở nơi lựa một phương pháp thích hợp rồi thật hành cho bền lâu là thành tựu." Vị ấy nghe xong gật đầu cho là hữu lý.
Như đã nói, muốn được định tâm, điểm căn bản là phải dụng công cho bền lâu. Tuy nhiên nếu sợ niệm lực tán loạn, cần có phương tiện để tâm dễ yên tịnh, thì nên áp dụng pháp Thập Niệm Ký Số đã trình bày ở trước. Phép này do dùng hết tâm lực ghi nhớ từ một đến mười câu, nên dễ vào tịnh định. Nếu tâm còn rối loạn và không thể dùng phép Thập Niệm Ký Số, thì trong mỗi câu niệm chỉ cần chú tâm ghi giữ cho chắc một chữ "A". Khi chữ A còn thì mấy chữ khác đều còn, nếu mê mờ để cho nó mất, tất năm chữ kia cũng mất. Lại chữ A cũng chính là chữ căn bản, và là mẹ của tất cả chữ. Chú tâm vừa niệm vừa ghi chắc chữ A, lâu lâu tự nhiên tâm và cảnh đều tiêu tan dung hợp thành một khối, lượng rộng lớn dường hư không, Phật và mình cũng đều mất. Lúc bấy giờ đương nhiên chữ A cũng không còn. Nhưng lúc trước nó mất là do bởi tâm xao động rối loạn, lúc này nó không còn chính thuộc về trạng thái dung hóa của thường định. Đây là hiện tượng tâm cảnh đều không, điểm sơ khởi để đi vào Niệm Phật Tam Muội.
Tiết 61 Mười Phương Tịnh Độ Và Đâu Suất Tịnh Độ
Trong mười phương quốc độ, có vô số cõi Phật mầu đẹp tinh sạch trang nghiêm, chẳng hạn như thế giới Tịnh Lưu Ly trong Kinh Dược Sư, thế giới Chúng Hương và Diệu Hỷ trong Kinh Duy Ma Cật. Nhưng tại sao ta không niệm danh hiệu chư Phật để cầu sanh về các Tịnh Độ ở mười phương, lại chỉ phát nguyện sanh về Cực Lạc? - Trong ấy có ba nguyên do:
1. Do sự giới thiệu khuyên dạy của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, bảo nên cầu sanh về cõi Cực Lạc. Theo lời cổ đức, thì ngoài sự kiện cõi Cực Lạc có nhiều duyên nhiệm mầu thích hợp cho việc nhiếp hóa căn cơ ở các cõi Uế Độ, đức Bổn Sư không muốn thuyết minh nhiều về những Tịnh Độ khác, sợ e chúng sanh khởi niệm so sánh phân vân, tâm không qui nhứt. Do việc đủ duyên nhiệm mầu để nhiếp hóa, mà không những riêng ở tại cõi Ta Bà, các chúng sanh ở vô số thế giới trong mười phương đều cầu về Cực Lạc.
2. Do đức A Di Đà Thế Tôn có 48 lời thệ rộng lớn trang nghiêm cõi Tịnh Độ, nguyện tiếp dẫn từ bậc Bồ Tát, cho đến hàng phàm phu nhiều tội ác.
3. Do vì chúng sanh ở cõi này có nhân duyên lớn với Phật A Di Đà và Bồ Tát Quán Thế Âm ở cõi Cực Lạc. Điều minh chứng là khi các Phật tử gặp nhau đều chào mừng bằng câu A Di Đà Phật và lúc bị tai nạn thường niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm.
Bởi những lẽ trên, mà cõi Cực Lạc có những điểm ưu thắng để cầu sanh hơn các Tịnh Độ ở mười phương.
- Về Đâu Suất Tịnh Độ, Phương Luân cư sĩ, một vị uyên bác về Phật học đã trình bày ý kiến của ông như sau:
Tại thế giới này, về phương trên có cung trời Đâu Suất nội viện, do đức Di Lặc Bồ Tát làm chủ. Nơi ấy cũng tốt đẹp trang nghiêm, đức Di Lặc hằng thuyết pháp, chư thượng thiện câu hội tu hành, nên gọi là Đâu Suất Tịnh Độ. Trong Kinh Di Lặc Thượng Sanh và Hạ Sanh, đức Thích Tôn cũng giới thiệu quốc độ ấy rất tinh tường và khuyên nên cầu sanh. Sở dĩ có sự giới thiệu đó, bởi bản ý đức Thích Tôn muốn cho hành giả trước theo Di Lặc Bồ Tát học tập, tương lai lại theo ngài hạ sanh mà được đắc quả trong ba hội Long Hoa. Điều này chính do đức Bổn Sư khuyến tán, nhân đó người tu Phật cũng có nhiều vị cầu về Đâu Suất Tịnh Độ. Hơn nữa, Di Lặc Bồ Tát từng nói luận Du Già Sư Địa, Ngài là thỉ tổ của tông Duy Thức. Thế nên người tu về Duy Thức Tông phần nhiều đều có tâm nguyện cầu sanh Đâu Suất, cho chỗ tu hành tiến đến mức cao thâm. Đối với việc này, người cầu sanh Cực Lạc chỉ có tán thán đức Thích Tôn lòng từ bi vô lượng, khéo mở nhiều phương tiện độ sanh. Lại cũng tán dương những vị cầu về Đâu Suất tâm háo học không chán mỏi, ý nguyện trở xuống cõi trược để hóa độ rất tinh thành. Nhưng Đâu Suất nội viện chưa là cảnh tối thắng, và chẳng phải chỗ thành đạt chắc chắn cho những kẻ căn cơ trung, hạ. Bởi trong ấy có ba sự kiện:
1. Đâu Suất nội viện về y báo chẳng trang nghiêm rộng lớn nhiệm mầu bằng Cực Lạc. Về chánh báo lại cũng kém hơn, vì ở Tây Phương hiện có đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp, vô lượng bậc Nhứt Sanh Bổ Xứ Bồ Tát giúp thêm phần khuyến tấn dắt dìu. Vả lại ở Cực Lạc dân chúng thọ mạng vô biên, là chỗ nương về tốt đẹp an ổn nhứt.
2. Đức Di Lặc không có bản nguyện tiếp dẫn như Phật A Di Đà sanh về Đâu Suất hoàn toàn nhờ tự lực, sợ e khi lâm chung bịnh khổ hôn mê, không nắm vững kết quả.
3. Đâu Suất nội viện rất khó vãng sanh. Như khi xưa Huyền Giác đại sư giới hạnh trang nghiêm, tham thiền ngộ đạo, thông suốt tam tạng đến chỗ sâu mầu. Khi lâm chung Ngài hội hàng đệ tử lại, làm kệ phó chúc xong, bỗng ngửa mặt lên hư không nói: "Lạ này, ta đã phát nguyện sanh về Đâu Suất nội viện, sao nay lại làm vị thiên chủ ở cung trời Dạ Ma?" Đệ tử thưa hỏi, Ngài bảo: "Chẳng phải việc các ngươi hiểu được." Giây lát lại nói: "Trên trời tân khách thật đông nhiều!" Nói xong liền tịch.
Lại sau khi Phật diệt độ chín trăm năm, ở xứ Thiên Trúc có ba vị Bồ Tát huynh đệ với nhau là Vô Trước, Thế Thân và Sư Tử Giác, tu môn Nhật Quang Định, đồng phát nguyện sanh Đâu Suất nội viện. Ba người cùng ước hẹn, ai sanh lên trước phải xuống báo tin cho hay. Sau Sư Tử Giác mãn phần trước, trải qua ba năm tuyệt vô âm tín. Kế đó ngài Thế Thân viên tịch rồi cũng bặt tin luôn. Hai năm sau vào một buổi chiều tối, ngài Vô Trước đang ngồi giảng kinh, bỗng thấy giữa hư không ánh sáng chói lòa, một vị thiên tử áo mão trang nghiêm hiện xuống, tự xưng mình là Thế Thân, bảo đã được sanh lên Đâu Suất nội viện. Ngài Vô Trước hỏi: "Tại sao đến bây giờ mới cho hay?" Thế Thân đáp: "Em vừa sanh lên, được đức Di Lặc xoa đảnh thuyết pháp, nghe pháp xong đi nhiễu ba vòng rồi xuống đây liền. Bởi thời gian tại Đâu Suất một ngày đêm, ở dưới này đến bốn trăm năm, nên thành ra làm cho anh nhọc lòng chờ đợi." Vô Trước lại hỏi: "Còn Sư Tử Giác ở đâu?" - Đáp: "Trong khi em đi nhiễu, nhìn ra thấy Sư Tử Giác lạc vào ngoại viện, đang say mê theo thiên nhạc."
Như ngài Huyền Giác là bậc cao tăng, ngài Sư Tử Giác là hàng Bồ Tát, mà một vị chỉ lên đến cung trời thứ ba, một vị tuy lên được cung trời thứ tư, nhưng lại lạc vào ngoại viện, bị cảnh ngũ dục thắng diệu làm mê. Những bậc cao minh như thế mà còn không đạt được kết quả sanh về Đâu Suất Tịnh Độ, thì kẻ căn cơ dung thường, tất chưa dễ chiếm phần hy vọng. Nhớ lại khi xưa Bạch Lạc Thiên từng đề thi rằng:
Có người đi biển lại thần châu
Nói thấy cung viên hải đảo mầu
Thật đẹp, tiên đồng tay trỏ bảo:
Sẽ chờ Bạch Lạc bước lên lầu.
Đã mến Không môn, chẳng học tiên
Chuyện ni e cũng việc hư truyền
Bồng Lai chẳng phải nơi ta ở
Về chỉ về cung Đâu Suất Thiên.
Bạch Lạc Thiên trước học tiên cầu về Bồng Lai, sau lại bỏ tiên học Phật cầu về Đâu Suất. Đến lúc tuổi già, ông lại niệm Phật cầu sanh về Cực Lạc. Đây có thể gọi là càng suy gẫm lựa chọn, càng đi đến chỗ tinh vi vậy.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro