Tiếng chuông trong gió(3)
Những người phụ nữ tuyệt vời.
Nơi chân trời không chỉ có màu hồng.
***
Chương 1 : Tiếng chuông trong gió. (hồi 3).
***
Kỷ niệm sâu đậm nhất của tôi và BiBi, chính là lần hai đứa gặp cha của tôi.
Vì đây là bộ tiểu thuyết theo thể hồi ký, xin cho phép tôi thỉnh thoảng viết thêm vài dòng để nói về cha của tôi, cũng như vài vấn đề mà tôi có khi còn nhỏ.
Không phải đứa trẻ nào cũng được như tôi, có thể tự hào nhiều đến như vậy về cha của mình. Mặc kệ bọn chúng có cha làm tỷ phú hay tổng thống, cũng không thể nào bằng được cha của tôi, ông là một người có nhân cách vĩ đại.
Khoảng thời gian đó, mỗi năm trung bình tôi chỉ gặp cha vài lần, thường là cách mỗi hai đến ba tháng. Có lý do chính đáng cho việc đó, nó chỉ khiến tôi thêm tự hào chứ không hề có một chút trách móc nào về ông. Cha tôi không hy sinh gia đình cho công việc, mà chính gia đình, chính tôi, mới là sự hy sinh của ông. Cho đến bây giờ điều đó vẫn đúng.
Tôi và cha có những ký hiệu riêng, thường là những dòng mật mã viết trên tường, nơi đối diện chỗ rửa chén quen thuộc của tôi. Chúng cho tôi biết thời gian và địa điểm gặp mặt, những năm đó ngoài tiếng chuông xe đạp và tiếng hét của BiBi ra, chỉ những kí hiệu nguệch ngoạc trên tường đó mới có thể làm loạn nhịp tim của tôi.
Đừng hỏi lý do vì sao những cuộc hẹn đó cần được giữ bí mật kể cả với những người họ hàng, chỉ cần biết việc có thể thu xếp để về thăm tôi mỗi vài tháng, đã là một hành động đầy nỗ lực và rất khó khăn với ông. Và khi đó tôi quyết định đưa BiBi đến cuộc hẹn. Đó là một quyết định quan trọng, rất quan trọng của tôi.
Tất nhiên tôi không cho BiBi biết những vấn đề ở phía sau, chỉ nội việc nghe rằng sắp được gặp cha của tôi, đã đủ khiến cô ấy cuống quýt cả lên. Sau 99 lần từ chối, tới lần thứ 100 thì cô ấy hỏi :" Tui có nên trang điểm hông ?"
Vừa nghe xong câu hỏi thì tôi đã bắt đầu lên cơn đau tim, dây thần kinh bắt đầu giật giật. "Không, đừng, làm ơn đi BiBi, làm ơn đừng trang điểm, cha của tui không thích nhìn thấy son phấn đâu, ổng bị dị ứng với mùi phấn. "
BiBi liền chặc lưỡi tiếc rẻ :
_ Vậy à, tiếc nhỉ, mà ba ông dị ứng có nặng không?
Còn tôi thì vừa lắc vừa gật cái đầu như bị điện giật :
_ Nặng, nặng ghê lắm, gặp, í quên, ngửi cái là xỉu ngay.
Phải nói là tôi đã quá thông minh khi nghĩ ra câu trả lời như vậy. Lo lắng của tôi là vô cùng hợp lý và có căn cứ. Não của cha và tôi có cấu tạo giống nhau, chắc chắn dây thần kinh của ông cũng sẽ đứt phừng phực khi thấy lớp 'sơn' trang điểm của BiBi. Vấn đề là tôi còn trẻ, dây thần kinh còn phục hồi tái tạo được, còn ông thì sợ rằng không thể. Phận làm con, tôi không thể làm hại cha của mình như vậy được. Đó là bất hiếu.
Hôm đó là chủ nhật, đương nhiên phải là chủ nhật rồi, những buổi hẹn của tôi và cha thường hoặc là ngày lễ, hoặc là ngày nghỉ, ông không muốn vì gặp ông mà làm lỡ mất một ngày học của tôi. ( Viết xong câu vừa rồi tôi lại nhớ về mấy trái mận, xin lỗi cha, là do con không tốt, là con đã làm cha thất vọng rồi.)
Tôi thì bình thường, chẳng qua là có tắm rửa sạch sẽ một chút, nếu không thì sẽ phải ngồi nghe cha thở dài cả buổi, ông luôn tự trách bản thân mình vì chứng bệnh sợ tắm của tôi. Ông hay nói rằng : "Giá như hồi đó cha đừng tin tưởng con nhiều như vậy, cha không biết có lần nào con nói câu 'con mới tắm xong' là thật hay không ?
Đáp án là không. Bởi nếu có một lúc nào đó tôi quyết định đi tắm, thì sẽ báo trước cho cha vài ngày, để ông khen ngợi và cỗ vũ cho tôi, như một cách để tôi tiếp thêm can đảm. Ngay đến thời điểm hiện tại, trừ khi bản thân đang trong một mối quan hệ, còn nếu không thì tôi sẽ luôn đóng trong vai "điệp viên không không tắm".
Tôi mất hai phút để bản thân chuẩn bị cho cuộc gặp. Còn BiBi thì cứ quay vòng vòng từ lúc tôi báo tin, khi tôi xuống chỗ nhà xe, BiBi bắt tôi làm cái giá đỡ di động cho cô ấy soi gương, với cái gương trang điểm hình tròn to bằng lòng bàn tay và cái gương chiếu hậu của xe máy, dưới sự chỉ đạo của BiBi, tôi cầm chúng, nghiêng và xoay đủ kiểu, cảm tưởng như mình đang đóng phim, trong vai thầy pháp cầm kính chiếu yêu, còn BiBi là yêu tinh, chính xác hơn là cương thi. May sao lúc đó tôi kìm hãm được để không nói ra, nếu không thì gương vỡ sẽ không bao giờ lành.
BiBi mặc bộ đồ bộ của mẹ, còn rất mới, có thêm một cái áo khoác len dài tay màu tím bên ngoài (tôi có vấn đề với màu tím, lúc đó và nhiều chuyện sau này nữa, cứ coi như gam màu tím có tác dụng làm chậm tốc độ suy nghĩ của tôi), cô ấy thay đôi dép tổ ong bằng đôi dép xỏ ngón, cũng là đồ mới, và trên đầu là cái kẹp tóc con bướm rung rinh. BiBi không đánh phấn nhưng có bôi son, là bôi rất ít rồi cố chùi khiến lớp son thật mỏng, nhìn như không có, chắc là vì không muốn làm cha của tôi 'xỉu'.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết cảm giác chờ đợi một người con gái chuẩn bị trước cuộc hẹn là như thế nào. Ngẫm lại, BiBi chỉ có mấy bộ đồ để lựa chọn, trang điểm cũng ít, soi gương thì có tôi hỗ trợ, vậy mà cũng mất ngót nghét gần nửa tiếng đồng hồ mới xong, khó trách sao những cô gái thời nay lại có thể mất đến vài giờ, thậm chí là cả buổi cho việc chuẩn bị. Tính ra thì tôi nên khen BiBi nhanh nhẹn mới phải.
Hôm đó tôi lại biết thêm được một việc, đó là ngoài lúc chạy quá nhanh ra, thì khi nào BiBi sẽ không bấm cái chuông reng reng kia. Đó là khi cô ấy hồi hộp. Quãng đường từ chung cư đến chỗ mà cha tôi hẹn gặp nếu bình thường thì BiBi sẽ đạp xe chưa tới 5 phút, còn bây giờ thì đã 20 phút trôi qua, và BiBi vẫn liên tục nói "Thôi, để tui chở ông tới rồi tui zề, sợ lắm! " trong khi cái xe nhích từng chút một.
Tôi thì bình thường, không phải là vì tôi không nghĩ về nỗi lo lắng của BiBi, mà là vì tôi luôn tin tưởng tuyệt đối vào cha của mình. Chắc chắn ông sẽ luôn làm mọi việc theo cách đúng và tốt nhất, có ông, trừ khi tới giờ tắm, nếu không thì không có việc gì có thể khiến tôi lo lắng. Vậy nên thay vì khuyên BiBi giữ bình tĩnh, tôi im lặng và để việc đó cho cha của tôi. Một lần nữa, chắc chắn ông sẽ làm tốt hơn tôi.
Chỗ hẹn gặp là một quán lẩu, có cánh cửa đang khép hờ, và bên trong ngoài chủ quán ra thì chỉ có cha của tôi với nồi lẩu vừa sôi tới. Chính chủ quán là người mở cửa, dắt chúng tôi cùng với cái xe đạp vào, rồi khép kín cửa lại. Coi như buổi chiều chủ nhật đó, quán chỉ cần bán cho một bàn ba người chúng tôi là đủ.
Với hai cha con chúng tôi, không có chuyện lâu ngày không gặp thì reo hò vui mừng như trong phim đâu, không có và cũng không muốn. Chỉ là tôi thưa cha, cha gật đầu, tôi giới thiệu BiBi, chờ cô ấy thưa cha tôi, rồi cả hai ngồi xuống. Sau đó với BiBi, đã thấy mặt cha rồi thì tôi hết trách nhiệm, việc tôi cần lo lắng lúc đó chính là phải tập trung suy nghĩ, xem thử thứ tự bỏ các món vào nồi lẩu như thế nào, mới là hợp lý nhất.
Tôi có món quà của tôi và cha cũng có món quà của ông ấy, và tôi thì thích nghĩ rằng đó là phép màu của cha. Đó là nếu có một ai đó tiếp xúc với cha của tôi, bất kỳ trong một hoàn cảnh nào, cũng đều sẽ có cảm giác rất ấm áp, thân cận và tin tưởng. Tưởng tượng như họ đang đi trong bão tuyết, còn cha là căn nhà gỗ có lò sưởi và ấm trà nóng. Khiến họ cảm thấy thoải mái, buông lỏng và tự nhiên đến không ngờ. Ông ấy giống như một bức tranh tĩnh vật, mà ai nhìn vào cũng cảm thấy những lo lắng trong lòng mình lặng xuống, để những thứ tuyệt vời khác trồi lên.
Không nói quá đâu, tôi đã tự mình chứng kiến điều đó rất nhiều lần. Giống như có lần nhà hàng xóm tổ chức tiệc tùng, rồi bỗng nhiên khách mời và chủ nhà gây sự với nhau, đã có vài cái bàn bị lật, tô chén ly tách văng tứ tung, tiếng la hét thì khỏi nói tới.. Thì đúng lúc cha tôi ghé qua, chỉ là để hỏi mượn cái ống bơm. Ông chỉ đứng ở đó, im lặng, nhìn từng người với đôi mắt sâu như nước của ông, có cười nhẹ một chút, và tự nhiên tất cả mọi người im lặng theo, sau đó là kéo nhau đi tìm cái ống bơm.
Đến khi tìm không thấy thì tất cả lại ngồi xuống, nói về vấn đề cái ống bơm, ví dụ như nên mua ở đâu và loại gì thì tốt... Và quên mất đi cơn nóng giận vừa rồi, hôm sau thì có tới mấy người cầm ống bơm đem qua nhà cho cha tôi mượn. Còn ông thì từ sáng sớm đã xì hơi lốp xe, mỗi lần mượn như vậy thì liền bơm nó trước mặt họ, tiếp tục câu chuyện quan trọng về cái ống bơm, rồi lại xì lốp xe sau khi họ đi về, kế tiếp là thong thả đọc sách trong khi chờ tới lượt cho mượn bơm tiếp theo. Bốn lần như vậy, có người là bận đi làm nên phải đến tối mới cầm cái ống bơm qua, người đó còn nhiệt tình bơm xe giúp cha tôi. Ngày hôm đó sau khi lắng nghe các cuộc trò chuyện, tôi đã có thêm rất nhiều kiến thức chuyên môn về ống bơm cũng như cách sử dụng ống bơm.
Cái hay là ở chỗ, ngoài tôi ra thì không ai khác biết về khả năng đó của cha tôi, ông khiến mọi người nghĩ việc xảy ra đó là tự nhiên. Tôi chưa từng thấy cha tranh cãi hay nóng nảy với ai, kể cả khi ông đứng giữa những sự tranh chấp về tiền bạc đất đai của những người họ hàng, họ đều đợi cho đến khi ông đi đâu đó thì mới bắt đầu ném mọi thứ vào nhau.
Mất kiểm soát về hành động hay cảm xúc,..cứ như điều đó không có trong từ điển của ông vậy. Cả tuổi thơ cho đến khi trưởng thành, đừng nói là đánh hay phạt, kể cả một tiếng quát hơi to của ông tôi cũng chưa từng nghe thấy. Đó là đã tôi dùng đến trí nhớ của mình, rồi mới đưa ra kết luận như vậy. Cứ coi như tôi là một đứa trẻ may mắn đi.
Khi tất cả đã ngồi yên ổn trên ghế.
Ông không hỏi tôi điều gì, cũng không hỏi hay cố nhìn vào BiBi, ông chỉ chậm rãi quan sát cách tôi bỏ các thứ vào nồi lẩu, không gật hay lắc đầu, chỉ dùng mắt để hướng dẫn nếu quá trình có gì đó không đúng. Rồi ông chống cằm, nhìn làn khói bay ra, chậm rãi chờ nước sôi, cứ như đó là việc quan trọng nhất. Tôi thì từ nãy đã bật chế độ thiền, còn BiBi thì cũng bắt chước cha nhìn vào nồi lẩu, bỗng tôi nghe thấy tiếng thở dài buông lỏng của cô ấy, là lần đầu tiên tôi nghe thấy âm thanh đó, BiBi cũng đã bị làn khói nồi lẩu kia thôi miên.
Rồi cha mở nắp xoong, nồi nước đã sôi mới, ông lấy vá vớt bỏ một ít bọt ở gần mép, rồi ông nói ra nguyên tắc quan trọng nhất, đúng nhất của việc ăn lẩu, chính xác ở mọi nơi và mọi thời điểm :
_ Hãy ăn những món mà hai đứa con thích, cho đến khi no, hoặc đến khi cạn nước. Đừng gắp cho ta, hãy để ta gắp cho các con.
Sau đó ông múc cho BiBi chén đầu tiên, cũng không nhìn để đợi cô ấy đáp trả, ông xoay cái vá về hướng của tôi rồi nói ra câu thứ hai của ông:
_ Con trai, ta nghĩ con nên tập đi xe đạp, đã đến lúc rồi đó, là con trai thì phải chở con gái, không phải ngược lại.
Vậy đó, ông chỉ nói ra hai câu, và tôi nghe tiếng cười hí hí phát ra bên cạnh, BiBi vừa cười vừa thổi vừa ăn. Đó là lúc bắt đầu của việc tôi trở thành người thừa trong cái bàn này. Còn BiBi thì bật chế độ phát thanh, cười nói tự nhiên rổn rảng bằng cái giọng con trai cố ngọt ngào của cô ấy.
_ Đúng đó chú, nó ăn suốt ngày bắt con chở không à, thứ con trai gì lùn, cho ngồi phía sau rồi mà cũng hông đụng tới cái bàn đạp.
(Đúng là hồi đó tôi dậy thì chậm, lùn thiệt, nhưng bây giờ là 1m 77 nha, viết để mấy bạn đọc là nữ khỏi hiểu nhầm.)
Cha tôi cười tán đồng, mở to mắt tỏ ra ngạc nhiên rồi hơi bĩu môi nhìn về phía tôi, và BiBi sau khi thấy cảnh đó thì càng cười lớn hơn, rồi được nước làm tới. Cô ấy bắt đầu kể chuyện của hai đứa tôi, đúng hơn là kể xấu tôi, theo như lời cô ấy kể thì có lẽ tôi đúng là một người xấu thật. Còn cha tôi thì chăm chú nghe, thỉnh thoảng gật đầu rồi cười nhẹ liên tục.
"Nó ăn suốt ngày chê con đen đó chú."
"Nó mặt cũng có đẹp đẽ gì đâu mà lúc nào cũng chê con xấu, chê miết luôn chú ơi, quýnh hông có chừa."
"Nó nhỏ mà nó ăn hàng kinh luôn đó chú."
"Nó hay hù con lắm chú, bít con sợ mà nó cứ hù quài."
"Trời ơi, nó ghê lắm chú, zô cám cưới nhà người ta, hông quen hông biết mà làm như thiệt zị đó, chụp nguyên dĩa trái cây mà bỏ bụng zị đó. "
"Trời ơi, nó hay bày dại con lắm chú, con có bít gì đâu, toàn là nó dụ con."
"Chú đánh nó đi, chớ mặt nó lỳ lắm chú, đơ đơ ra ai nhìn cũng ghét hết á, hên có con chơi với nó chớ có ai thèm chơi với nó đâu."
"Nó lùn mà nó quỷ lắm chú, có lần nó trét sing gum lên đầu mấy chú tiểu đó chú, hên có con chứ hông là nó bị người ta quýnh cho bầm mình rùi."
BiBi cứ vừa ăn vừa nói, lâu lâu cha tôi lại từ từ múc thêm món gì đó vào chén của BiBi, còn cô ấy thì càng nói càng hăng, kể lại rành mạch như học thuộc lòng những tội của tôi, trong mọi việc thì tôi luôn là kẻ rủ rê cầm đầu, còn cô ấy thì luôn bị ức hiếp. Còn những trận đòn mà BiBi đánh tôi thì không hề được nhắc đến, không một từ nào.
Phải tới hôm đó tôi mới biết BiBi có tài kể chuyện đến như vậy, kể đâu ra đó, có ví dụ dẫn chứng rõ ràng, không hề vấp một chút nào, vừa nói vừa ăn mà không thấy nghẹn. Cũng thỉnh thoảng cô ấy làm như mình tội nghiệp lắm, ví dụ thế này.
"Trời ơi, con đánh nó có chút xíu hà, có đúng cái một hà, mà nó bày đặt giận con, thứ con trai mà giận hờn như con gái vậy đó."
" Trời ơi, con búng con cu nó có một cái mà nó lấy quyên cái mâm nó quýnh con, hên con quýnh ăn nó chớ nếu không là bị nó quýnh rồi. "
Hay thế này.
"Chú hông biết đâu chú, con cả ngày đi gom ve chai cũng mệt lắm chú, mà tối ngủ là không yên với nó, nó kể chuyện ma ghê lắm chú, trời ơi nó hù con ớ hợ , mà mỗi lần con nhắm mắt lại ớ hợ , ma nó bay dòng dòng trong đầu con zì nè, ngủ hông có được, trời ơi nguyên đêm con nằm con sợ quá trời lun, chú nói nó đi chú. Mà hoi, quýnh nó đi chú, nói nó hông có nghe đâu, mặt nó lỳ ghê luôn."
Tôi vẫn bình tĩnh, mặc kệ BiBi vừa cầm đũa vừa miêu tả, tôi thong thả nhận đĩa đồ ăn mới từ ông chủ quán rồi suy nghĩ về thời điểm thích hợp để châm thêm vào nồi. Dù sao thì đây là quán lẩu, đã vào quán lẩu thì việc ăn lẩu là quan trọng nhất, mấy cái khác không quan tâm. Cho đến khi.
"Trời ơi, nó ở dơ lắm chú."
Heeeyyy.
Là tôi kêu, quên dặn BiBi, cái gì nói cũng được nhưng riêng cái đó thì không được nói. Nhưng đã muộn rồi.
Tôi nhớ có lần tôi bị hàng xóm mắng vốn vì tội hái trộm, thật ra tôi không có hái trộm, chỉ là vào đó đọc sách rồi lựa mấy trái ngon ngon để vừa ăn vừa đọc thôi. Rồi họ nhìn đống vỏ và hột nằm đó mà quy kết là tôi hái trộm. Cha tới bảo lãnh tôi về, cả ngày hôm đó ông không hỏi hay nói tôi một tiếng nào, chỉ là canh đúng tám giờ tối, khi tôi vừa học bài xong thì ông nói :
_ Hôm nay vô vườn người ta chơi, chắc cũng đổ mồ hôi nhiều, thôi đi tắm đi con...
Thế là hôm đó tôi buộc phải cắn răng mà đi tắm, còn cha tôi thì vui suốt cả tuần kế tiếp. Thỏa thuận của hai cha con tôi đó là, nếu tôi làm gì sai thì mới phải đi tắm, còn bình thường thì không được nhắc đến khái niệm đó trong nhà. Và hiếm khi tôi làm gì sai lắm, mà có thì cũng không để bị bắt được.
Không có phụ huynh nào như ông ấy, mỗi khi tôi gây chuyện, bị giáo viên gửi giấy mời lên trường là ông hăng hái đi, lúc về thì mặt ông tươi hẳn ra. Còn cô giáo của tôi thì sau lần đầu tiên gặp cha tôi, thì luôn tìm mọi cách để bắt lỗi tôi, tôi nhớ chính xác là có lần vì một lỗi có chút xíu, mà cô giáo liền móc tờ giấy mời từ trong cặp ra đưa cho tôi, là tờ giấy đã viết sẵn tên của tôi và cha bên trên, ngày hôm đó trên đường về nhà tôi cứ suy tư mãi, là cô giáo đã viết sẵn bao nhiêu tờ như vậy trong cặp. Cho đến khi cô giáo bắt đầu gửi đồ ăn để tôi cầm về cho cha thì tôi không nghĩ nữa, lần nào cũng vậy, mỗi lần tôi đi một vòng quanh xóm là mấy cô, mấy chị hàng xóm lại gửi đồ để cầm về cho cha, quen rồi.
Cha tôi là chuyên gia về tâm lý học, lượng sách về ngành tâm lý có trong nhà là bằng chứng tốt nhất về chuyên môn của ông, trong đó cũng có vài quyển là ông đứng tên chủ biên hay đồng tên tác giả, nhưng ông lại không trị được chứng bệnh sợ tắm của tôi. Thậm chí còn biến điều đó thành tâm bệnh của ông. Và lúc này ông bắt đầu thế hiện cái tâm bệnh đó ra ngoài, mỗi lần như vậy tôi lại cảm thấy cắn rứt.
Ông tháo kính ra, xoa mắt xoa trán, bóp hai bên đầu rồi đeo kính lại, rồi thở dài, châm một điếu thuốc rồi liên tục thở dài, sau đó nhìn tôi một cái rồi nhắm mắt lại, chính là lúc ông đang bị giằng xé trong nội tâm, đang tự trách bản thân mình. Thường thì ông sẽ cứ tiếp tục như vậy cho đến hết buổi gặp mặt, nhưng hôm nay thì có thêm BiBi.
"Nhưng chú đừng có lo, cái dụ này để con lo cho, mai mốt nó biết đi xe đạp rùi ớ hợ , nó chở con ngồi sau ớ hợ , nó mà hôi là con quýnh nó rớt xuống xe. Con ghét mấy thứ ở dơ ghê lắm. "
Cha tôi như bừng tỉnh, tôi không nhớ là đã từng thấy biểu lộ cảm xúc như thế này của ông ở một thời điểm nào khác chưa. Và tôi thì chắc chắn không thích loại biểu lộ cảm xúc này của ông. Ông giữ điếu thuốc gần môi chứ không hút, rồi đăm chiêu nhìn tôi, sau đó chuyển sang BiBi, rồi lại quay về 'ngâm cứu' nhìn tôi, cuối cùng là cười một bên mép, một nụ cười cực ngắn và cực 'gian'. Rồi lập tức chuyển sang niềm nở về phía BiBi :
_ BiBi, con kể lại cho chú nghe về..mấy trái mận đó đi.
BiBi hơi khựng lại, quay đầu nhìn tôi ra ý hỏi, rồi lại bắt chước kiểu bĩu môi của cha tôi để tỏ ý không thèm quan tâm tới tôi. Dưới sự hưởng ứng của cha, cô ấy lại lần nữa tươi như hoa mà kể lại câu chuyện đó theo một phiên bản hoàn toàn khác so với trí nhớ của tôi .
_ Trời ơi, trưa nắng mà nó một hai bắt con chở nó đi học... nó cầm cái cây nó quýnh con, rồi nó ép con trèo lên hái mận cho nó ăn... nó khóc thiệt luôn đó chú, mỗi lần ai tới mua mận là nó xì ra...nó lừa người ta đó chú, chớ con có bít cái gì đâu...một mình nó ăn hết...
Câu chuyện kéo dài cho tới lúc tâm trí của tôi bắt đầu bị loạn, nhiều lúc tôi lại nhíu mày để cố suy nghĩ để tự trả lời câu hỏi "Chuyện đó là thật sao ? Mình thật sự tệ đến thế sao ?"
Rồi có những lúc tôi quay thẳng người để nhìn BiBi trong ánh mắt hãi hùng của mình " Đây là BiBi sao ? đây là BiBi vừa rồi mới chở mình đến hay sao ? là BiBi mà mình biết hay sao ? có thứ gì trong cái nồi lẩu kia vậy ? Và tôi bắt cảm thấy hối hận vì đã đưa BiBi đến đây, bởi trước mặt tôi là một diễn thuyết gia, một nghệ sĩ kể chuyện, một cao thủ ngụy tạo bằng chứng.. Chứ không phải là một BiBi ngây thơ trong sáng, thích bấm chuông reng reng mà tôi từng biết.
Nhưng rồi tôi cũng phải cúi đầu mà học cách chấp nhận, cuộc đời là vậy, đừng bao giờ cho rằng mình đã hiểu rõ một ai. Bởi chỉ những khi bị đặt vào tuyệt cảnh, hay bị say nước lẩu..thì họ mới lộ gương mặt thật của mình ra, và với BiBi, với tôi, gương mặt này không kém lúc cô ấy trang điểm bao nhiêu, đều là ước gì mình chưa từng biết đến.
Còn cha tôi, thôi khỏi nói nữa, cứ coi như trong bàn chỉ có mình ông ấy và BiBi đi. Ông lựa những món ngon mà để vào chén của cô ấy, rót nước ngọt cho cô ấy, lúc cô ấy ăn thì ông đăm chiêu tỏ ra đang suy nghĩ về những gì cô ấy nói, thỉnh thoảng lại nhìn sang trách móc tôi. Cố gắng để BiBi thuận lợi nhất trong việc nói xấu tôi trong niềm cảm hứng không ngừng dâng trào của cô ấy.
Và BiBi kết thúc câu chuyện bằng việc uống cạn đáy ly nước ngọt rồi 'khà' một cái.
"Mà thôi không sao đâu chú à, con bị nó hành hạ quen rồi, có gì để con giúp chú quýnh nó cho.."
Cha mỉm cười gật đầu, múc cho BiBi một muỗng nước lẩu, ra hiệu cho BiBi hãy ăn thêm một chút. Rồi ông quay về phía tôi, tháo kính ra, lấy khăn lau rồi đeo lại, sau đó nhướng đôi lông mày nhìn tôi.
Tôi thở dài rồi gật đầu đồng ý. Vừa rồi chính là dấu hiệu thường thấy của việc cha muốn có một cuộc nói chuyện nghiêm túc với tôi. Kể cả khi hai cha con còn ở chung nhà thì chúng tôi cũng không có nhiều những cuộc nói chuyện như vậy. Thường là chỉ những khi ông không cần nhìn hay nghe mà vẫn có thể biết tôi vừa vào nhà, là ngửi thấy.
Yêu cầu cơ bản của một buổi nói chuyện của hai cha con đó là, được quyền giữ im lặng hoặc chủ động kết thúc, nhưng nếu nói ra thì phải suy nghĩ thật kỹ và chịu trách nhiệm với những gì mình nói, và khi có một người có thể đưa ra luận điểm cuối cùng khiến người kia đồng tình, thì thằng con phải đi tắm.(chưa bao giờ tôi chiếm được ưu thế trong một buổi nói chuyện với ông.)
Và cha là người bắt đầu trước, vào thẳng chủ đề chính luôn :
_ Con trai, con nghĩ mình đã không đúng điều gì, trong buổi chiều đi chơi đó.
Rồi ông hít vào một hơi, tỏ ra rộng lượng :
_ Ba đáp án.
Năm 11 tuổi thì tôi học lớp 6, và những buổi trưa ngồi trước cửa nhà giữ xe, là để nghĩ về những bài tập về nhà của người anh họ đang học lớp 9. Tôi hay làm và soạn bài giúp anh ấy như một cách kiếm thêm đồ ăn vặt cũng như giúp bản thân dễ sống hơn trong vai trò người ở ké. Tôi suy nghĩ về câu hỏi của cha và quyết định rằng mình chỉ cần đưa ra hai đáp án là đủ :
_ Con không nên trốn học, và không nên đầu têu việc hái trộm mận.
"Đúng rồi đó chú, là nó hết đó chú, con đâu có nói oan cho nó đâu. Nó thấy con khờ nên dụ con miết thui, không có chú ở đây là con quýnh nó rồi, cái tội dụ con."
BiBi đúng là biết cách để không bỏ lỡ điều gì, đặc biệt là việc kết tội tôi.
Cha mỉm cười tán đồng với BiBi, cố xoa dịu nỗi 'oan ức ' của cô ấy, rồi thở dài, trong ánh mắt thất vọng mà nói với tôi.
_ Ta không nghĩ vậy, đúng là với một đứa trẻ thì việc trốn học là không tốt, nhưng với con thì lại là chuyện tốt, sau này ta hy vọng con sẽ có thêm nhiều trải nghiệm như vậy nữa. Còn về những trái mận, ta nghĩ mình nên khen ngợi con vì đã biết cách chia sẻ với người khác, ở đây là BiBi. Con nên cảm ơn BiBi, và ta cũng vậy.
"Hoi hông cần đâu chú, quýnh nó giùm con là được rồi, mà chú đừng binh nó quá, binh nó là nó hư thêm đó chú, nó hư sẵn rùi."
Cái này là BiBi vừa nhai vừa nói, tôi không thể làm như vậy được, là thật sự đó, thường sau khi nuốt xuống phải mất vài giây sau thì tôi mới bắt đầu nói được.
Cha lại hưởng ứng với BiBi, rồi nhấp một ngụm nước, lần nữa 'rộng lượng ' với tôi :
_ Còn một đáp án nữa, có muốn thử không con trai ?
Bình thường thì chắc chắn tôi sẽ thử tiếp, hồi giờ tôi chỉ có chịu thua, chứ không bao giờ chịu đầu hàng, nhưng tình huống hôm đó thì quá khó khăn đi. Lẩu thì nóng, BiBi thì mặc áo màu tím, tôi thì đang say nước ngọt, giọng của BiBi thì vang liên hồi, mà quan trọng nhất là cha đã thành công tạo ra thế chủ động để gây áp lực lên tôi... Rồi thêm nhiều thứ nữa.. Vậy nên tôi vô thức lắc đầu.
Rồi cha nói, là ông nhìn BiBi, chứ không phải tôi.
"Con đã sai từ lúc bước vào cổng trường. Con có nghĩ vì sao BiBi vẫn ở đó để chờ con hay không ? Vì con là người duy nhất ở đó BiBi biết và tin tưởng. Con thử đoán xem nếu BiBi quyết định hỏi thăm đường để đi về, BiBi sẽ phải hỏi bao nhiêu câu ? gặp bao nhiêu người ? và bao nhiêu trong số họ sẽ nghiêm túc trả lời ?
Nhỡ như họ chỉ hướng ngược lại thì sao ? Nhỡ như họ làm BiBi phải tức giận ? Nhỡ như xe đạp bị hư ?
Cái sai của con là đã để BiBi lại một mình ở một nơi xa lạ, nơi BiBi chẳng quen ai cả, và không phải ai cũng sẵn lòng giúp đỡ BiBi.
Một tiếng đồng hồ đứng chờ con ở cổng trường, không phải là việc dễ dàng với BiBi, con bé dù muốn hay không, đều là bị bắt buộc phải làm như vậy. Con đã quá vô tâm rồi đó.
Con trai, đây không phải lần đầu ta nói với con điều này, và ta hy vọng sẽ không bao giờ phải lặp lại thêm một lần nào nữa. Đây cũng chính là điều duy nhất mà ta luôn cảm thấy lo lắng mỗi khi nghĩ về con.
Hãy học cách để nghĩ và quan tâm đến người khác nhiều hơn, nhiều hơn nữa, và không bao giờ là đủ. "
Tin đi, nguyên văn luôn đó, cha tôi là mẫu nhà văn mà chỉ cần chép lại lời ông nói thôi, thì cũng đủ để đem đi in rồi xuất bản thành sách.
Sau đó, trong không khí im lặng vừa tạo ra, cha bồi thêm một câu nữa với tác dụng "tẩy não " :
"Ví dụ như việc đi tắm, không phải là cho con, mà là để những người khác không phải cảm thấy khó khăn khi tiếp xúc với con." ( tôi luôn nhớ lời của cha, vậy nên cho tới bây giờ tôi luôn không khiến những người khác cảm thấy khó khăn khi tiếp xúc với tôi, bằng cách không tiếp xúc với họ.)
Sau đó cha lần đầu tiên đưa tay xoa tóc BiBi (ông chưa bao giờ xoa đầu tôi, vỗ vai cũng vậy, bởi thường thì với tôi nó sẽ mang tác dụng ngược), và cha đưa ra một cái kết hoành tráng cho buổi nói chuyện :
_ Con gái, ba ngày nữa nó (là tôi) sẽ biết đi xe đạp, hãy để nó chở, và nhớ hãy đội mũ khi đi ngoài nắng, ta tin là con sẽ đẹp lên rất nhanh đó.
"Dạ, con biết rồi."
Trời ơi, trời ơi, cái vẻ mặt của BiBi khi nói chữ "dạ" đó. Giống như một nàng công chúa bị giam cầm từ nhỏ vừa bước ra khỏi lồng giam rồi cảm ơn ân nhân vậy, đáng thương đáng đồng cảm kinh khủng. Cho đến khi cô ấy quay sang cười đểu và bắt chước cha xoa đầu của tôi, một chút cảm xúc vừa trồi lên của bài học vừa rồi đã bị đánh bay đâu mất, nhẽ ra hôm đó tôi cứ ngồi yên trong lớp mới phải.
Cha có hơi coi thường tôi, sau bữa chiều đó chỉ cần hai ngày là tôi đã biết đi xe đạp và có thể chở BiBi, mặc dù lúc đó vẫn chưa thể ngồi ngay ngắn trên yên xe để đạp nhưng tôi không bao giờ để BiBi cầm lái nữa.
Thì ra BiBi cũng giống tôi, khi cầm lái thì đạp rất nhanh nhưng lúc ngồi sau thì lại sợ, bắt tôi phải đi thật chậm, còn cô ấy thì liên tục thò tay ra phía trước bóp cái chuông reng reng. Cho đến bây giờ tôi vẫn giữ thói quen đi thật chậm mỗi khi ngồi trên yên xe đạp. Chỉ là tiếng chuông reng reng kia...
.
Để tôi nói tiếp về buổi chiều chủ nhật đó, từ nãy tới giờ chẳng qua là vì BiBi nói quá nhiều và liên tục nên thấy hơi dài, chứ thật sự thì chỉ mới khoảng 40 phút trôi qua, nồi lẩu cũng đã gần cạn đáy, đã đến lúc cho các món ăn dặm tiếp theo. Nếu chia ra và coi quãng thời gian vừa rồi là một nửa bữa ăn, thì hãy tin khi tôi nói, với tôi đó chính là một nửa dễ chịu và nhẹ nhàng.
Bởi vì phần thời gian còn lại bắt đầu như thế này :
_ Ba ! ( là BiBi nói, vừa nói vừa lấm lét nhìn cha tôi).
_ Cái gì con gái ? ( là ba tôi nói, vừa nói vừa múc ra những miếng cuối trong nồi bỏ vào chén của BiBi.)
Hí hí hí hí...
_ Ba ! ( lại là BiBi).
_ Ba nghe nè ? ( là cha tôi...mà lúc đó tôi cũng không chắc chắn cho lắm. )
Hí hí hí hí....he he he he.
_ Nó có phải con của ba không ? ( BiBi vừa cười vừa nói vừa chỉ thẳng vào mặt tôi.)
_ Ừmmm...ta cũng không biết nữa, con thấy sao ? Con gái ? Có muốn ta nhận nó không? (...tôi cũng không biết đó có phải là phụ huynh của mình nữa hay không luôn..)
_ Há há há...nó là đồ con ghẻ. Nha ba.
Gật đầu ...
...
Bắt đầu từ phút giây đó, tôi không thèm nghe hai cha con họ nói gì nữa, chủ yếu là BiBi nói lại từ đầu những gì từ nãy giờ đã nói, chỉ khác là thay đổi đại từ nhân xưng từ 'chú' thành 'ba'. Và tăng khí thế lên gấp 3 lần, còn độ dễ thương và bịa đặt thì gấp 4.
Còn tôi, sau vài lần hít thở, đã đạt đến trạng thái 'thiền sâu' của mình, không phải lúc nào tôi cũng đạt được trạng thái đó. Lần gần đây nhất mà tôi nhớ, là khi bản thân gặp tai nạn bị gãy chân lòi cả xương đùi ra ngoài, cần đạt trạng thái đó để khỏi ngất xỉu và tự cứu lấy mình.
Vậy nên để tôi nói về các món ăn mới, đó thứ rõ rệt nhất mà tôi còn nhớ.
Cha tôi nấu ăn rất giỏi, cả bếp âu và bếp á, nhiều năm trước, rất nhiều năm trước, tại một đất nước xa lạ, ông từng xin việc làm trong bếp để kiếm tiền trang trải cho việc học của mình, và ông trở thành đầu bếp chính của nhà hàng trước khi lấy bằng tốt nghiệp ở trường. Ông cũng có viết sách về ẩm thực, chủ yếu là ẩm thực Pháp, nhưng chỉ viết bằng tiếng anh và đến nay vẫn chưa có bản dịch thuần việt.
Tôi hay nhìn cha nấu ăn và nếu bữa sau muốn ăn lại những món đó, thì sẽ là do tôi nấu. Khác với những người thầy dạy nấu ăn khác, trước khi dạy tôi cách dùng dao thì ông dạy tôi cách mài dao như thế nào cho đúng, dễ lắm, trong bếp nhà tôi có bốn loại đá mài thông thường, và sáu bước mài cơ bản cho mỗi loại dao.
Làm con của một đầu bếp thì bạn sẽ cực kỳ kén ăn, và làm con nhà nghèo mà kén ăn thì sẽ chết đói. Cha cân bằng cho tôi bằng cách nấu những món đơn giản nhất bằng cách ngon lành nhất. Ví dụ như đậu hũ chiên, là món đầu tiên mà nhà bếp mang ra khi mang nồi lẩu đã cạn đáy đi vô.
Một miếng lớn đậu hũ hình hộp chữ nhật sẽ được cắt thành tám miếng hình gần gần như lập phương. Một đĩa đậu hũ đem ra là có hai miếng lớn, vậy là có 16 miếng nhỏ, tôi 8, cha 8, tôi lấy dưa leo, cha lấy cà chua. Mỗi người đều phải ăn hết phần của mình. Sau khi cắn miếng đầu tiên thì tôi hơi nhíu mày, không được ngon cho lắm, hơi quá lửa với lại chưa thấm dầu dư khi vớt ra, cha cũng nhíu mày, là trách tôi vì đã thiếu lịch sự khi chê món ăn như vậy. Có bốn đĩa mang ra, hai cha con tôi ăn chung một đĩa đó, ba đĩa còn lại là của BiBi.
Cha tôi cực kì cưng chiều con gái mới của ông ấy.
_ Con muốn ăn thêm gì.
_ Dạ con ăn gì cũng được. (Ngọt kinh..)
_ Con ăn được hải sản không ? Tôm chẳng hạn.
_ Dạ được.
_ Mực ?
_ Dạ được.
_ Cua ?
_ Dạ cũng được.
Cha của BiBi thì càng hỏi càng nhiệt tình, còn BiBi thì đó là lần đầu tiên tôi nghe cô ấy 'dạ' liên tục như vậy. Có cho ăn có khác, thứ nịnh bợ, tôi biết BiBi chỉ là vì ham ăn thôi.
Cua rang muối, là loại nhỏ, có ba con chặt làm sáu miếng, giữ càng lại chứ không bẻ riêng. Đầu bếp đã đập nứt phần càng trước khi rang, là giúp BiBi dễ tách vỏ hơn.
Mực to 1 con cắt làm 6 vòng rồi tẩm bột chiên. Không thấy cái đầu mực đâu, hóa ra là ướp muối ớt rồi nướng chung với đĩa tôm mang ra sau cùng. Thật ra mực tươi nướng không phải là lựa chọn thông minh lắm, phải ướp lâu và biết cách nướng để tránh dai, nhớt, hoặc khô. Nhưng mà chú đầu bếp kia đã có tao riêng cái đầu mực với tỏi ớt cho săn lại rồi mới nướng, tính ra cũng không tệ lắm.
Ba dĩa mang ra đều là phần cho 1 người, tính ra ngoài cha của BiBi ra thì vị đầu bếp kia cũng rất chìu cô ấy.
Tôi dị ứng hải sản, nghiêm trọng lắm. Và cha thì kể từ khi biết điều đó thì cũng không ăn hải sản nữa, cứ coi như là đã rất lâu rồi ông mới vào quán và gọi ra ba dĩa hải sản cơ bản đi. Tôi và cha ăn rau và đậu hũ, thỉnh thoảng lén nhìn BiBi ăn hải sản, nói là không thèm thì quả là quá dối lòng, tôi cũng ráng im lặng chờ xem thử xem BiBi có 'vô tình ' mời tôi ăn hay không.
Có, là mời ba của cô ấy, còn tôi thì cô ấy không thèm nhìn luôn, thậm chí còn kéo cái dĩa sát về hướng của cô ấy như sợ tôi ăn ké. Không phải tôi xấu bụng rồi nghi oan cho BiBi đâu, có lúc kia tôi thò đũa sang định gắp miếng dưa leo trên đĩa mực chiên. Thì 'bụp' một cái, là bị BiBi đánh rớt đũa rồi trừng mắt hăm dọa. Khi biết là tôi chỉ muốn xin dưa leo thì BiBi chỉ cười rồi lập tức ăn hết dưa leo trước, rồi tiếp tục kể chuyện cho ba cô ấy nghe.
Không cần phải mời hay cỗ vũ, BiBi ăn vô cùng tự nhiên và ngon lành, nhờ được nạp thêm năng lượng nên độ 'hăng' khi kể chuyện của cô ấy càng tăng. Thậm chí BiBi còn bắt đầu kể những chuyện mà cô ấy chưa từng kể cho tôi. Việc đó khiến lỡ, là chỉ 'lỡ' mà thôi nha, lỡ như tôi là một người xấu bụng, thì hôm nay đã vừa ghen với BiBi, vừa ghen với cha của cô ấy rồi.
Phải tới hôm đó tôi mới biết thêm được vài việc về BiBi, ví dụ như là cô ấy tự nghỉ học chứ không phải bị đuổi, vì trường cấp hai thì quá xa mà BiBi toàn phải đi bộ tới trường. Gần nhà của BiBi cũng có một người chuyển giới khác, là ca sĩ trong đoàn hội chợ, đó là thần tượng của BiBi và cũng là động lực cho giấc mơ ca sĩ của BiBi.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông nội đuổi BiBi ra khỏi nhà, lần thứ mấy chục mới đúng, bởi hễ chỉ cần lên cơn say là ông lại lôi BiBi ra để đánh chửi rồi đuổi đi. Chỉ là lần này BiBi quyết định đi thật. Thậm chí cả việc cho đến nay BiBi đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền BiBi cũng nói cho ba cô ấy biết, là nói nhỏ vào tai nên tôi cũng không biết chính xác, nói xong còn dặn ba đừng cho thằng lùn kia biết ... cơ bản là BiBi nói nhiều kinh khủng, giá có thêm mấy món khác chứ ăn đậu hũ mà phải nghe tới từng đó việc thì quả không tốt cho tiêu hóa của tôi.
Rồi như nguyên tắc của một vở chính kịch cơ bản, buổi chiều hôm đó được đẩy lên đến nút thắt cao trào, đáng ngạc nhiên là ở chỗ, người làm việc đó lại là BiBi.
Khi đang vui vẻ thì BiBi chợt trầm xuống, gắp miếng mực vào chén, đẩy qua đẩy lại chứ không ăn. Tôi nhận ra được thì dĩ nhiên cha ..của BiBi cũng nhận ra được. Và khác khi đối xử với tôi, ông lập tức hỏi thăm.
_ Có chuyện gì vậy, BiBi.?
BiBi lần đầu ngập ngừng :
_ Ba..chú. có thấy con khác người hông ? Là bị kì kì đó, con hỏi thiệt đó, con hông có buồn đâu, con quen rồi.
Cha tôi thở dài, tỏ ra có chút khó xử.
_ Có, đúng là có việc nãy giờ vẫn khiến ta bận tâm. Vừa gặp con ta đã biết, đã thấy, chỉ là ta sợ con ngại nên không hỏi mà thôi.
Ồ ồ ồ, là tôi, là tôi bắt đầu cảm thấy thú vị, miếng đậu hũ ăn cũng có vẻ thấy ngon hơn nhiều.
Còn BiBi thì ánh mắt buồn xuống rất nhanh : " Là chuyện gì vậy chú ?"
Cha hít sâu và thở dài ra, nhìn chăm chú vào BiBi rồi nói :
_ Ta để ý nãy giờ rồi, hình như là con có son môi đúng không, mà sao nhạt dữ vậy, là con gái thì nên son đậm một chút thì sẽ đẹp hơn, nhớ nha, là son đậm chứ không phải màu đậm. Với lại lâu lâu trang điểm một chút cũng được, coi như tập nhiều sẽ quen, rồi giỏi.
Như lựu đạn giật chốt rồi ném đi, BiBi nổ cái 'bùm'.
"Nó, nó, là nó đó ba, là nó không cho con trang điểm, nó nói ba bị dị ứng, trời ơi cái thứ lùn tịt mà nó nói xạo ghê chưa, nó đó ba, nó đó ba, thằng lùn này nè ba.."
Tôi không biết sao quả tạ từ đâu tự nhiên rớt trúng đầu mình, cứ mỗi lần BiBi 'nó' là lại vỗ vào đầu tôi một cái, khi tôi né được thì BiBi một tay chụp đầu, một tay vỗ. Cảm giác như đầu mình là cái trống cơm, còn mấy miếng đậu kia, nguội ngắt ăn chẳng ngon lành gì cả.
Thôi, khúc sau tôi không muốn kể nữa, coi như bị đánh nhiều quá nên chấn thương não rồi mất trí nhớ đi. Chỉ cần biết là sau này ngoài tiếng chuông reng reng ra, BiBi cứ động chút là 'ba của tui, ba của tui, ba của tui..' nghe muốn đau tai luôn. Có lần tôi bực mình chỉ vào phòng chú bảo vệ mà nói "kìa, hỏi quài". BiBi liền xì ii một cái, "đó là ba của ông thì có, tui đang nói tới ba của tui kìa, ba đẹp trai đeo kính cận đó". (,phải công nhận là cha của tôi cũng có chút đẹp trai, tính ra tôi cũng chỉ thừa kế được 50% gen ngoại hình của ông.)
Bó tay, là do tôi sai lầm, tôi đã lầm đưa BiBi gặp cha, rồi mất luôn quyền làm con sau một buổi chiều ăn lẩu.
**
Trương Lang Vương.
Từ trước đến nay tôi chỉ mới chính thức giới thiệu cho cha của tôi hai người, một là BiBi, và hai là người vợ đầu của tôi. Và ông luôn nhớ về họ, khả năng nhớ của tôi là được thừa hưởng từ ông.
Có một lần tôi và cha đi ăn tiệc, lúc này tôi đã trưởng thành còn ông thì đã về hưu, trong bữa tiệc có món mực chiên bột. Ông xin riêng ra một cái đĩa mới, lấy ra sáu khoanh mực, sắp xếp chính xác như khi đầu bếp mang ra vào buổi chiều hôm đó. Tôi biết là ông đang nhớ về BiBi, đứa con gái chính thức trong lòng ông.
Tối hôm đó tôi thấy ông ngồi hút thuốc một mình ngoài sân, cầm một cái hộp quà bọc bằng bìa lịch, gói trong bọc ni lông, chính là món quà mà ông chưa kịp tặng cho BiBi. Tôi không biết bên trong đó là gì, bởi từ khi gói lại, nó chưa từng được khui ra.
Đêm đó tôi thấy ông chỉnh kính của mình rất nhiều, có lẽ là do sương, chúng đọng nhiều trên kính của ông, và nhiều hơn nữa trên mắt ông.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro