Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Những người làm nên thương hiệu hoa Đà Lạt

Nói đến Đà Lạt (Lâm Đồng), người ta nghĩ ngay đến hoa. Danh hiệu "Thành phố ngàn hoa" sẽ không thành nếu không có những nông dân tâm huyết với nghề trồng hoa. Festival hoa là dịp để tôn vinh những nghệ nhân có công xây dựng nên thương hiệu hoa Đà Lạt vang danh trong và ngoài nước.

>> Những người làm nên thương hiệu hoa Đà Lạt (kỳ 3)

>> Những người làm nên thương hiệu hoa Đà Lạt (kỳ 2)

Kỳ 1: "Làm xiếc" trên hoa

Giữa con đường hoa rực rỡ bên hồ Xuân Hương, ánh mắt nhiều du khách đổ dồn vào hàng trăm gốc đào Mười Lời. Phải hơn một tháng nữa, đào Nhật Tân (Hà Nội) mới nở rộ, thế nhưng ở thành phố phương Nam xa xôi này, những cánh đào đang đua nhau khoe sắc. Đây là festival hoa lần thứ 3 và là lễ hội đầu tiên vắng bóng nghệ nhân tạo ra giống hoa đào nở theo ý muốn mang tên ông "Mười Lời".

Như một phép màu

Có thể những cánh hoa đào xuất hiện tại Festival Hoa Đà Lạt năm nay với nhiều du khách thập phương không có gì lạ. Nhưng với người dân thành phố cao nguyên, đó giống như một điều kỳ diệu, bởi không ít người đã lo ngại, sau khi chủ nhân của thung lũng hoa đào ra đi, họ sẽ mất cơ hội ngắm hoa đào mỗi dịp xuân về.

Nửa mùa hoa trước, nghệ nhân Mười Lời (tên thật là Bùi Văn Lời, sinh năm 1935 tại Quảng Nam) vĩnh viễn rời xa thung lũng hoa đào nổi tiếng, rời xa nơi cách đây ngót nửa thế kỷ chàng nông dân xứ Quảng đặt chân tới. Dù không phải là nhà khoa học hay nhà nông học, nhưng trong mắt du khách trong nước và quốc tế, người nông dân ấy là "phù thủy", là "chúa xuân". Từ 200 mầm hoa đào các nghệ nhân làng đào Nhật Tân tặng năm 1997, ông lai ghép thành công với giống mai anh đào Đà Lạt, tạo ra giống hoa đào má đào nổi tiếng. Trong thung lũng hoa gần 6.000 m2 tại trung tâm Đà Lạt, nghệ nhân Mười Lời điều khiển cây ra hoa, đậu quả trái mùa, nghịch vụ. Ngay cả loài hoa khó tính như hoa quỳnh vốn chỉ nở về đêm cũng bị ông "bắt" nở giữa ban ngày...

Những trở ngại về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu... của các loài cây đã được ông xóa bỏ, vì thế ở thung lũng hoa, người ta có thể bắt gặp mận tam hoa - đặc sản của núi rừng Tây Bắc; bưởi da xanh ruột đỏ, đào Nestarin, bơ Hass (Australia); hồng xiêm (sapôchê) Mêhicô; quýt, cam, chanh, khế ngọt không hạt; sung, hồng châu Mỹ, Nhật Bản... Ông cũng thành công trong việc "ghép duyên" cây cỏ trong và ngoài nước mà ông có được từ những chuyến đi thực tế hoặc từ quà tặng của các cán bộ nông nghiệp sau khi công tác nước ngoài. Có những loài mang ba "quốc tịch", chẳng hạn cây hồng Đà Lạt có thân hồng trứng của Pháp, nhưng cành lại nặng trĩu trái hồng đào Fuju (Australia)...

1.000 bông "nhật quỳnh" mừng đại lễ

Theo lời kể của anh Bùi Văn Sang, người con thứ 5 của nghệ nhân Mười Lời, lúc sinh thời, ông mong muốn mang 1.000 bông "nhật quỳnh" (hoa quỳnh nở ban ngày) kết thành hình con rồng lớn, hoặc ghép những gốc đào Mười Lời thành hình Chùa Một Cột để mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông cũng mong mang nhiều cánh đào ra thế giới. Anh Sang khẳng định, với những gì được cha truyền dạy, anh có thể thực hiện được tâm nguyện đó. Với anh, khó nhất là kinh nghiệm vì chỉ có thể trả giá bằng thời gian.

Anh Sáng cũng cho biết, ông Mười Lời luôn đau đáu tâm nguyện giữ gìn và phát triển thung lũng hoa thành điểm dừng chân cho du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Lạt. Vì vậy, dù sức khỏe ngày càng sa sút nhưng ông vẫn cố làm nốt những công việc dang dở. Những cánh hoa đào trong dịp festival hoa lần này còn vương hơi ấm bàn tay chăm sóc của ông.

Tìm đến thung lũng hoa đào bên đường Lê Hồng Phong, chúng tôi nhận thấy hàng trăm loài cây ở khắp vùng miền vẫn xanh tốt, ra hoa, đậu quả như ý chí, nghị lực phi thường của chủ nhân Mười lời. Những người hàng xóm của ông bảo: "Cây sao người vậy". Dù mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng ông vẫn lạc quan, cặm cụi bên những gốc cây đến ngày cuối đời.

Tính đến tối 2/1, hầu hết hoạt động và hoa của festival đã được khai mạc, trưng bày. Phiên chợ hoa với 115 gian hàng kéo dài trên 1 km khai mạc sáng 2/1 thu hút hơn 5.000 người đến ngắm và mua bán. Ước tính, phiên chợ này có khoảng 1.000 chủng loại hoa, đến từ 50 doanh nghiệp, nhà vườn trên cả nước và 55 hộ nông dân Đà Lạt.

Các hoạt động như diễu hành xe Honda 67 trang trí bằng rau củ quả Đà Lạt, triển lãm hoa và cây cảnh quốc tế, hội chợ thương mại quốc tế... cũng thu hút đông đảo du khách. Các không gian hoa luôn trong tình trạng "nguyên hình khuôn khổ, không rách rời, không chắp vá" dù lượng người xem ngày càng nhiều và không có bóng dáng lực lượng an ninh.

Theo Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam, 10 kỷ lục được xác lập và công bố trong Lễ hội hoa Đà Lạt 2010. Đó là Tượng phật Quán Thế Âm bằng hoa lớn nhất Việt Nam; Đôi rồng hoa dài nhất Việt Nam (118m); Bức tranh bằng hoa tươi lớn nhất Việt Nam (dài 2,4m, cao 1,7m và dày 0,3m); Thung lũng hoa đào đầu tiên của miền Nam (nằm trên đường Lê Hồng Phong, của cố nghệ nhân Mười Lời); Showroom hoa tươi bảo quản nghệ thuật lớn nhất Việt Nam (7A/1 đường Mai Anh Đào, thuộc Công ty Rừng hoa Đà Lạt); Mô hình chiếc cúp bằng hoa lớn nhất Việt Nam (cao 4m, ngang 3m); Lễ hội rau đầu tiên ở Việt Nam (diễn ra ngày 19/12/2009 nhân kỷ niệm 115 năm thành lập Đà Lạt); Lễ hội xe hoa đường phố lớn nhất Việt Nam (diễn ra ngày 10/12/2005, trong Festival Hoa Đà Lạt lần 1); Mô hình Tháp Rùa bằng hoa lớn nhất Việt Nam (cao 11m, có hình khối cạnh 4m); và Người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu thành công kỹ thuật bảo quản lâu dài (nghệ nhân Nguyễn Công Hóa, làng hoa Vạn Thành, thành phố Đà Lạt).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #matbao6