Đứng trên đồng cỏ rộng
Lúc bé, nhà Phong còn ở quê. Đó là một ngôi làng nhỏ bé yên bình với những cánh đồng rộng bao la bát ngát. Sau này chuyển lên thành phố rồi, cậu vẫn chẳng thể nào quên đi cảm giác đứng trên những đồng cỏ ấy, dang hai tay rộng lớn như thể ôm chầm được cả bàu trời xanh ngắt vào lòng.
Ở thành phố, muốn kiếm một chỗ đồng trống như thế không phải chuyện dễ dàng. Đâu đâu cũng thấy người, đâu đâu cũng thấy khỏi bụi bay đầy. Thi thoảng, cậu theo chúng bạn đạp xe đi thả diều ở một khu ngoại ô nào đấy. Nhưng tới nơi vẫn chẳng tìm ra được cảm giác thuở xưa. Bầu trời như bị xẻ ra thành nhiều mảnh cho từng người dưới trần thế, chẳng còn là của riêng cậu như những ngày thơ bé.
Mấy đứa bạn thành phố không thể hiểu tâm tư ấy của Phong. Chúng quen với các trung tâm thương mại, với các tòa cao ốc. Nếu bầu trời xanh ngắt là một thứ gì đó rất quan trọng trong ký ức của Phong, thì ánh đèn đường lấp lánh là tuổi thơ của chúng bạn. Có thể vì thế mà trong lớp ai cũng thích trò chuyện với Phong. Càng khác lạ thì càng bí ẩn, mà càng bí ẩn thì càng dễ gây tò mò.
Trong số những người tò mò ấy, Khuê có lẽ là người nồng nhiệt nhất. Từ lúc học chung lớp 10 đến nay, không đếm xuể bao nhiêu lần cô bạn bày tỏ sự thích thú với mảng trời ký ức ấy trong Phong. Trên trường học, khi đạp xe sóng đôi về nhà, lúc cuối tuần học nhóm.
"Ước gì tuổi thơ tớ cũng được tự do đứng trên cánh đồng như cậu, chứ không phải ở nhà ru rú cả ngày."
"Tớ muốn đến quê cậu một lần quá! Cứ tưởng tượng một dải màu xanh ngắt vắt ngang trước mặt là đã phấn khích không chịu nổi rồi!"
"Mà tại sao cậu cứ nhớ hoài, lại mãi không chịu về quê chơi?"
Câu hỏi cuối cùng Phong chỉ trả lời Khuê một lần duy nhất, cho dù cô bạn cứ lặp đi lặp lại chuỗi thắc mắc ấy ngày này qua tháng nọ. Chẳng phải là cậu không muốn về thăm quê, chỉ có điều không phải muốn là được. Họ hàng ngày ấy đã chuyển lên thành phố hết lượt, lúc Phong còn nhỏ thì bố mẹ không cho về vì hai người bận quá, cậu về đó một mình sợ không có ai chăm. Lớn lên chút chút, học phổ thông rồi thì bố mẹ bảo gắng thi đỗ đại học đi, ham hố chơi bời gì nữa?
Chung quy lại, lời đáp cũng nằm quanh bốn chữ "lý do khách quan" mà ra cả.
Phong đã chấp nhận thực tế phũ phàng đó rồi thôi, Khuê lại có vẻ rất kiên trì bám đuôi ý tưởng được một lần đứng trên đồng cỏ rộng. Mỗi lần lớp lên kế hoạch đi chơi, thể nào cũng có ý kiến của cô bạn đưa ra là về quê Phong thăm thú. Cơ mà dù hình ảnh Phong vẽ ra từ ấu thơ của mình đẹp đẽ đến dường nào, bạn bè trong lớp và các bậc phụ huynh cũng ngần ngại khi nghi đến chuyện đi du lịch đến một nơi không phải địa điểm... du lịch. Vậy là gạt bỏ hết cả.
Cho đến một ngày nọ, lớp Phong đổi giáo viên dạy Ngữ Văn mới. Cô giáo trước đây có em bé, đành trao lớp cho thầy giáo trẻ mới về trường đảm nhận trong lúc cô chờ sinh. Nghe tiếng tăm thầy từ lâu, đứa nào trong lớp cũng háo hức. Chủ trương học văn là phải cảm nhận bằng mọi giác quan chứ không chỉ ngồi "cày" ngồi viết trên trang giấy, thầy thường tổ chức những chuyến dã ngoại mỗi cuối tuần để học trò được trải nghiệm thực té cuộc sống ngoài kia. những thứ mà chỉ ngồi cặm cụi bên trang sách chúng nó không tài nào hiểu hết được.
Dĩ nhiên, có cơ hội ngàn vàng như thế, Khuê không dễ dàng bỏ qua.
"Thưa thầy!" Ngay buổi đầu tiên thầy giáo đến dạy, Khuê đã hào hứng giơ tay xin có ý kiến. "Cuối tuần này lớp mình về quê bạn Phong được không ạ?"
Cả lớp cười ồ lên, có lẽ vì thán phục sự kiên trì của cô bạn qua chừng ấy lần thử và bị từ chối. Riêng Phong thì tim bỗng sưng đập mạnh, chợt thoáng qua một cảm giác rằng lần này đề xuất của Khuê sẽ làm nên chuyện.
Để rồi khi thầy giáo gật đầu sau một tràng lập luận cực kỳ tâm huyết của Khuê, Phong chỉ biết nhoẻn cười một cách vô thức. Khuê ngồi ban trên quay lại, thấy khuôn mặt cậu rạng rỡ hẳn thì cũng cười theo, còn đưa tay làm dấu hiệu chữ V chiến thắng.
Về nhà kể cho ba mẹ nghe chuyện ở giờ Ngữ Văn, kết hợp xin phép cuối tuần đi với lớp về quê, Phong lo lắng không được cho phép nên cứ nhấn mạnh mục đích chuyến đi suy cho cùng cũng là phục vụ cho việc học. Bố mẹ nhìn nhau phân vân giây lát, rồi quay sang hỏi cậu:
"Quê mình giờ khác xưa nhiều lắm. Con còn nhớ đường không?"
"Con và các bạn sẽ chuẩn bị kỹ trước khi lên đường. Bố mẹ yên tâm là không lạc đâu ạ!"
Phong tự tin đáp đúng như lời Khuê dặn dò lúc ở trên lớp. Rốt cuộc câu trả lời đó cũng có hiệu quả thực sự, dù lời bố mẹ nói lúc đồng ý cho Phong đi là một lời chừng như hơi khó hiểu:
"Con cứ đi đi. Lớn rồi cũng phải có va vấp, con trai ạ!"
Cuối tuần, Phương dậy thật sớm đạp xe đến trường. Sân trường vắng lặng, mới chỉ ửng vàng lên nhờ những tia nắng mai đầu ngày. Khuê còn đến sớm hơn cả cậu, đang đứng trong nhà xe loay hoay với cái máy ảnh cơ trên tay.
"Mượn đâu mà hay thế?" Phong cất tiếng hỏi:
"Của ông anh họ." Cô bạn ngẩng lên, khuôn mặt rạng ngời. "Lát nữa nhớ chụp cho tớ một tấm hình đứng trên đồng cỏ rộng mà cậu hay nhắc đến nhé!"
Phong gật đầu. Giờ Khuê có nhờ Phong chụp bao nhiêu tấm cũng được nữa là.
Trên chuyến xe buýt bảo đảm học sinh về quê ngày hôm đó, Khuê ngồi ghế kế bên Phong. Ban đầu cô bạn còn líu lo kể về những chuyện dự định mình sẽ làm khi đã đến nơi như là chạy đuổi theo từng cơn gió trên cánh dồng, hít căng lồng ngực mùi hương cỏ non rồi cả... cưỡi trâu tung tăng khắp chốn nữa. Nhưng chuyến đi dài làm ai cũng thấm mệt, Khuê ngủ gục tựa đầu lên vai Phong từ lúc nào không hay. Câu gần như nìn thở, cố căng người ra giữ nguyên tư thế thân mình đểkhông làm đánh động giấc ngủ ngon của cô bạn. Cho đến tận lúc nhà cửa bên đường đã thay thế bằng những cánh đồng lúa xanh mát mắt, cậu mới gõ vào vai Khuê đánh thức:
"Gì thế?" Cô bạn dụi mắt, giọng nghe còn lơ mơ chưa tỉnh ngủ.
"Chắc là cậu không muốn bỏ qua cảnh này đâu."
Phong chỉ tay ra ngoài cửa số. Lâp tức mắt Khuê mở to như muốn thu trọn toàn bộ cảnh vật vào tâm trí bên trong. Cô bạn tay bấm máy chụp ảnh lia lịa, miệng vẫn không quên hỏi Phong một câu quan trọng.
"Đã đến đồng cỏ cậu hay nhắc chưa?"
"Chưa. Đồng cỏ ấy rộng và đẹp hơn nhiều."
Phong tự hào đáp lại. Và cậu vẫn giữ nguyên niềm tự hào đó khi dẫn đầu đoàn lớp mình đi đến nơi đồng cỏ rộng còn lưu giữ trong ký ức tuổi thơ. Dù đã trải qua bao nhiêu năm xa cách, một điều kỳ diệu là đến giờ Phong vẫn nhớ đường đến đó chẳng sai một ly.
Thế rồi tim Phong bị hẫng một nhịp rất lớn khi thấy trước mắt mình không còn là đồng cỏ rộng tự nhiên như lúc trước. Bảng hiệu sân gôn đập vào mắt Phong như một cái giáng thật mạnh vào những gì đẹp đẽ nhất cậu còn để lại trong tâm hồn.
"Chỗ này muốn vào phải trả phí." Thầy giáo lên tiếng, xóa tan bầu im lặng ái ngại mọi người dành cho Phong. "Để khi nào thầy thành đại gia rồi bao vé các em vào. Còn giờ mình đi chỗ khác nhé?"
Vài tiếng cười nhạt nhẽo vang lên. Riêng Phong chẳng gượng vui nổi. Cậu cúi gằm mặt, đi thụt lùi lại về cuối hàng, chợt cảm nhận được một bàn tay từ phía sau nắm lấy tay mình thông cảm. Cậu gạt tay Khuê ra, bỏ đi một mạch.
Từ lúc ấy cho đến hết chuyến đi và những ngày quay lại thành phố sau đó nữa, Phong trầm lặng hẳn. Bạn bè nhìn cậu ái ngại, bố mẹ thì như đã lường trước chuyện này sẽ xảy đến, chỉ lặp lại đúng một câu đã nói với cậu trước chuyến đi:
"Lớn rồi cũng phải có va vấp, con trai ạ!"
Buổi tối cuối tuần sau, đúng bảy ngày từ khi Phong hiểu ra lý do thực sự trước đây bố mẹ không muốn cậu về quê, Khuê tìm đến nhà cậu. Lúc ấy, Phong đang nằm dài ra trên sân thượng nhà mình, cô bạn đến bên cạnh tự lúc nào cũng không hay biết.
Khuê nằm xuống cạnh Phong, hỏi khẽ:
"Còn giận hai bác à?"
"Không. Bố mẹ biết trước tớ sẽ thất vọng khi thấy đồng cỏ bị thay thế bằng sân gôn nên đã ngăn tớ về quê bấy nhiêu năm." Phong đáp mà mắt vẫn nhìn mông lung lên trời. "Tại tớ cố chấp quá thôi."
"Vậy là cậu giận tớ?"
"Cũng không. Tớ đã bảo rồi: Người tớ giận là tớ. Khoe khoang. Cố chấp. Hoang tưởng. Làm bao nhiêu người thất vọng, kể cả cậu nữa."
"Chúng tớ có thất vọng, chúng tớ không giận cậu thì thôi. Cậu tự giận bản thân để làm gì cơ chứ?"
Phong im lặng trước câu hỏi của Khuê.
Bầu trời đêm hôm đó không trăng không sao, chỉ tuyền một màu đen huyền hoặc. Hai đứa nằm bên nhau yên ắng. Được một lúc lâu, rồi Khuê kéo tay Phong ngồi dậy, nhét cái máy ảnh cơ hôm trước vào tay Phong.
"Gì đây?" Phong ngỡ ngàng. "Cậu chưa trả nó nữa hả?"
"Chưa. Tớ muốn cậu thực hiện lời hứa hôm trưa đã: Chụp cho tớ một bức ảnh đứng trên đồng cỏ rộng.
"Đây không phải là đồng cỏ..."
"... Và tớ cũng đâu có ngốc đâu mà không biết điều đó?" Cô bạn cắt lời cậu. "Có điều đây là nơi tớ có thể ôm chầm cả bầu trời vào lòng mà không vướng bận điều gì cả. Từ bé đến lớn, những đứa sinh ra ở thành phố như chúng tớ chỉ có đồng cỏ này mà thôi, cũng như cậu có đồng cỏ riêng thời ấu thơ của cậu vậy."
"Vậy..."
"Vậy nên cậu hãy chụp cho tớ với đồng cỏ rộng này đi. Biết đâu được nếu cậu chụp đẹp, tớ lại chẳng cho phép cậu dùng chung đồng cỏ này với cả lũ chúng tớ thì sao?"
Khuê nhìn Phong nháy mắt, ngẩng mặt lên, dang hai tay rộng lớn như thể ôm chầm cả bầu trời vào trong lòng cô bạn. Phong mím môi, đưa máy ảnh canh chỉnh. Nhìn qua ống kính, bỗng nhiên cậu cảm nhận được ở nơi Khuê một điều gì tương tự như thứ cậu vẫn luôn gìn giữ trong ký ức. Đó là sự hồn nhiên của một đứa trẻ trong lòng không vướng bận bất cứ điều gì. Đó là giấc mơ được có riêng một bầu trời mà không phải sẻ chia với bất cứ người nào khác. Đó chính xác là đồng cỏ rộng của cậu vẫn mơ màng đến.
Thế rồi cậu cũng dang tay lên cùng với Khuê. Cô bạn nhìn qua, cười tươi rói.
Trong một đêm Mùa Hè tiếng ve kêu rả rích, hai người đứng bên nhau trên đồng cỏ rộng. Cùng cảm nhận được rằng cho dù tương lai có về đâu chăng nữa, những tấm ảnh ngày xưa có phai màu hay không, thì khoảnh khắc giờ đây của chúng ta là bất tận. Giữa đồng cỏ mênh mông, tuổi thơ được tìm lại. Và dù có va vấp đến thế nào mai sau, cũng chẳng quên được bao giờ.
_________________
Nghe Kim Cương nói xong tên nhóm nhạc mà nhỏ thần tượng rồi, Quốc nhíu mày suy nghĩ. Đây quả là một nhóm rất nổi tiếng ở thời điểm hiện tại, nhưng hình như họ đã đến Việt Nam vào một đại nhạc hội tổ chức tháng 4 vừa qua rồi, chưa nghe thông tin về một showcase chính thức nào khác cả. Cúp máy với một lời hứa xin được vé sẽ gọi cho Kim Cương sau, rồi Quốc lên mạng tìm kiếm thông tin xem thế nào.
Kết quả nhận được trên Google làm anh phải "À!" lên một tiếng. Hóa ra có một số tin đồn cho rằng nhóm sẽ quay lại vào những tháng cuối cùng của năm. Nhưng nững tin này chưa xác thực, hơn nữa cũng chẳng trang tin nào dám khẳng định là sẽ có hẳn một showcase cho nhóm ở Việt Nam, vậy thì tại sao cô gái này lại sống chết phải có vé cho bằng được?
Sáng hôm sau lên công ty, cố gắng túm cho bằng được một đàn anh "lão làng" về tổ chức sự kiện âm nhạc ngoại quốc, Quốc hỏi đúng cái câu anh đã thắc mắc từ lúc tối đến giờ.
"Tổ chức showcase ở Việt Nam giờ không khả thi đâu chú em. Điều kiện vật chất chưa đủ chuẩn, lại không có nhà tài trợ nào chịu chi đủ để mời về một tên tuổi lớn như vậy. Họa chăng phải là vài ba năm nữa!"
Vậy là sao? Quốc nhíu màu suy nghĩ. Bỗng một cách giải thích có vẻ "hợp lý" nhất lóe lên trong đầu anh. Mọi chuyện khó hiểu diễn ra những ngày gần đây hẳn rằng chỉ có thể lý giải theo cách đó!
Cô gái giọng Sài Gòn đã gọi điện cho anh ấy, thực ra là một nhỏ... khủng lâu năm! Bị ám ảnh thần tượng đến nỗi tự ảo tưởng rằng nhóm nhạc mình thích sắp sang Việt Nam tổ chức showcase! Chỉ có khả năng đó là... hợp lý nhất!
Trong một diễn biến khác, "nhỏ khùng" mà anh nói đang đường hoàng ngồi trong lớp học của mình, đặt tập bản thảo đè lên cuốn sách Hóa học, mê mải đọc truyện tiếp theo của tác giả Bảo Quốc, quên hết cả sự đời.
____________________
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro