Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 16: Mảnh đời

  – Lần đầu, em cũng có cảm giác như anh lúc này vậy!

Hoàng Anh đang ngồi ngẩn ra trên một mỏm đá cao, phía trước là trời mây, dưới chân là vực núi, một màu xanh trải dài trước mắt khiến cho tâm tình đang hỗn loạn của anh cũng dần dần khôi phục lại. Nghe thấy tiếng nói, nhận ra giọng Uyên rồi nhưng anh vẫn quay lại cười với cô một cái, sau đó ngồi xích sang một bên để Uyên lên ngồi cùng mình.

Mỏm đá này cách nhà của trưởng bản không quá xa, Hoàng Anh đã chạy tới đây sau khi mọi công việc hoàn tất. Đâu đó trong đầu anh vẫn còn vang vẳng những tiếng cười vui, những câu nói của người dân tộc mà anh không hiểu được, nhưng từ ánh mắt lấp lánh của họ, anh biết họ đang nói cảm ơn mình. Anh cảm thấy hơi hổ thẹn vì bản thân mình trước khi tới đây đã nghĩ quá giản đơn về cuộc sống, bởi từ đầu những gì anh làm không hẳn xuất phát từ tấm lòng thực sự, chỉ là sự đánh đổi để lấy được mục đích chính của mình mà thôi. Ngay cả Hạnh cũng thế, dù cô nàng có hay đi làm từ thiện thì dường như cũng chưa bao giờ tưởng tượng ra cảnh sống khốn khó ở nơi này. Lúc nãy có một bà cụ lưng còng rạp, chỉ có một hai manh áo mỏng manh và cũ rách khoác trên người, chân trần bám đầy bùn đất, bắn lên tận đầu gối. Bà nói con cháu bà đi nương hết rồi, chỉ có mình bà ở nhà nên tới đây nhận đồ. Bà đã phải gần như bò qua hai quả đồi để tới được đây. Hạnh nghe Thào phiên dịch tới đó thì ôm chầm lấy bà cụ, nước mắt như mưa, sau đó nhất quyết nhờ Thào thuê giúp mình mấy thanh niên trong bản để vác hai bao đồ gồm chăn và áo ấm về nhà cho bà cụ. Lúc anh chạy ra đây, Hạnh vẫn còn đang ngồi cùng Phụng Anh để sắp xếp lại quà để chiều mang cho các em nhỏ ở cụm trường học trong này. Hoàng Anh cảm thấy mình cũng chẳng còn việc gì làm nên đi vòng vòng xung quanh, cuối cùng phát hiện ra chỗ này.

Đợi Uyên leo lên mỏm đá và ngồi xuống cạnh mình rồi, anh mới đáp:

– Anh vừa nhận ra một điều, dù thế nào thì con người ta vẫn cứ phải sống. Dù cuộc đời có vùi dập hay đem lại cho con người ta bất hạnh thế nào, không cho họ một chút hy vọng sống nào, thì người ta vẫn cứ sống, thậm chí còn vươn lên mạnh mẽ. Có những người cả đời chưa từng biết tới đồng tiền là gì, có người cả đời ăn rau rừng, trái dại mà lớn lên, họ vẫn không ngừng đấu tranh để giành lấy sự sống. Thật nhục nhã là có lúc anh còn nghĩ, mất đi tình yêu thì bản thân mình cũng không thể sống nổi...

– Anh vẫn chưa quên chị Trang sao? Cũng mấy tháng rồi. Em nghe nói chị ấy đã lấy chồng. – Uyên nhìn anh, mặc dù cô rất muốn hỏi một chuyện khác nhưng cuối cùng lại cưỡng lại được, đành hỏi anh chuyện cũ.

– Ừ... Nhưng không quên cũng không có nghĩa là vẫn còn yêu thương... – Hoàng Anh lắc đầu, cũng không lảng tránh câu hỏi có phần hơi riêng tư kia.

– Cũng đến lúc anh cần phải tìm bến đỗ mới...

– Anh cũng nghĩ thế... – Anh gật đầu, đưa mắt nhìn về bầu trời xám trước mặt. Một đám mây đen lớn đang từ những đỉnh núi cao phía xa ùn ùn kéo tới.

Có lẽ trời sẽ mưa.

Uyên cũng nhìn về phía trước, gió núi lạnh lẽo làm cô rùng mình, nhưng cô vẫn gan lỳ ngồi lại. Đây là những giây phút hiếm hoi mà cô có thể ngồi gần anh như thế. Thế giới của Hoàng Anh là một thế giới quá xa với cô, cô gần như không có cơ hội được đến gần. Dù có thể cười đùa với cô, nhưng cô lại có cảm giác anh luôn ngăn cho cô không tới gần nội tâm mình. Cô không hiểu tại sao anh lại tỏ ra lạnh nhạt với mình như thế, nhưng với Phụng Anh, bạn cô, anh lại có thể bày tỏ những cảm xúc tự nhiên mà chưa bao giờ cô được thấy, hay với Hạnh, người mà anh vẫn gọi là bạn, lại có thể tùy ý để Hạnh ôm vai bá cổ.

– Thôi về đi em. – Cứ ngồi yên lặng như thế một lúc, rồi Hoàng Anh chống tay đứng dậy, phủi phủi hai tay rồi cũng kéo cô đứng lên. – Trời sắp mưa rồi.

– Vâng. Hình như cũng tới giờ ăn rồi. – Uyên gật đầu, sau đó vội vàng bước theo anh ra về.

Bữa cơm trưa đạm bạc ở nhà trưởng bản nhanh chóng kết thúc, mọi người cũng chỉ uống một chút rượu cho ấm người, sau đó nghỉ trưa chừng một tiếng rồi lại lên đường. Quãng đường tiếp theo lên tới cụm trường bản, dù chỉ cách có hai cây số nhưng mọi người phải đi bộ. Vừa bắt đầu lên đường thì trời đổ mưa lất phất, cũng may Thào đã chuẩn bị mượn sẵn cho mỗi người một đôi ủng cao để tránh bùn đất bắn lên người. Mấy thanh niên, bao gồm cả Hoàng Anh và Mạnh, mỗi người đều phải vác đồ đạc gồm áo ấm, sách vở, báo cũ mà Phụng Anh đã đóng sẵn để mang lên cho các em nhỏ. Hoàng Anh với Mạnh không quen mang vác nên mỗi người chỉ mang được một bao, còn các thanh niên trong bản cùng với Thào, mỗi người dùng dây thừng cột chặt hai bao lại rồi địu ở sau lưng, cứ thế tiến lên con đường lầy lội trước mặt. Ba cô gái thì nhẹ nhàng hơn, chỉ phải mang theo đồ đạc cá nhân của mình thôi.

Phụng Anh khoác lên người chiếc áo gió chống thấm nước màu xanh da trời lên người, nhìn con dốc dựng đứng trước mắt, đột nhiên những hình ảnh về các chuyến đi trước lại ùa về. Đó là con dốc của nhiệt huyết, của tuổi trẻ và của tình người. Không biết bao nhiêu lần, trong màu áo xanh tình nguyện, cô và các bạn đã bò lên những con dốc như thế, trên vai cái chữ vào những bản xa xôi nhất nơi địa đầu Tổ quốc. Có những con dốc cao, đi lên một bước trượt hai bước, thậm chí có đoạn còn phải bò lên, hai tay bám chặt lấy đường, quơ tới bất kỳ gốc cây, cỏ nào trong tầm với để không bị tụt xuống. Có những lúc bàn tay còn quơ phải cả những nắm bùn sình lẫn phân trâu bò, mùi nước đái xộc vào mũi váng tới muốn ngất xỉu. Nhưng khi tới được nơi, nhìn thấy được nụ cười của các em, thấy các em dù trời mưa vẫn vượt qua một chặng đường dài và khó khăn không thua gì mình, dù thầy cô tới muộn vẫn kiên trì đứng đợi, chính những điều đó làm cho những sinh viên vốn quen hơi thành thị như cô phải bật khóc. Trước những đứa trẻ kiên cường ấy, cô thấy mình yếu đuối và nhỏ bé biết bao nhiêu.

Có lẽ, Phụng Anh hay Uyên và Mạnh đã từng trải qua những tình huống như thế này nên ba người còn đỡ chật vật, chỉ có Hoàng Anh và Hạnh thì đúng là khổ không thể tả. Hạnh vừa lên đầu dốc đã trượt một cái, cả người gần như ngã xuống mặt đường. Mọi người thương tình khuyên cô về nhà trưởng bản đợi nhưng Hạnh vẫn gan lỳ đòi đi tiếp. Phụng Anh đành cởi áo khoác của mình để cho Hạnh mặc cho đỡ lạnh, còn chiếc áo khoác bằng dạ đã bị bẩn của Hạnh thì nhét vào balo của cô, sau đó một tay cầm ô, một tay đỡ Hạnh đi qua những đoạn trơn trượt. Hoàng Anh còn vất vả hơn vì phải vác theo một bao đồ. Mặc dù bao đồ anh mang chỉ có áo bông ấm, cũng được coi là nhẹ hơn so với những bao đồ đựng sách vở khác, nhưng trong khi những chàng trai bản bước đi nhẹ tênh như trên đất bằng thì anh gần như là vừa đi vừa thở. Uyên đi bên cạnh anh, che ô cho anh khỏi mưa, có lúc còn đề nghị cùng khiêng với anh một đoạn cho đỡ mệt. Hoàng Anh đi sau cùng, ngẩng đầu nhìn lên phía trước, chỉ thấy lưng Phụng Anh vẫn đang đi bên cạnh Hạnh, bước đi vững vàng, không hiểu sao trong lòng anh lại dâng lên một cỗ cảm xúc vừa buồn, vừa tức giận, vừa khó chịu, lại vừa chán nản. Trong khi Uyên lo lắng và săn sóc anh như thế, thậm chí còn tình nguyện cùng mang đồ với anh, thì Phụng Anh, trừ một lần ngoái đầu lại nhìn anh khi Uyên quay lại, sau đó cũng không để ý tới phía sau thêm một lần nào nữa. Cô có thể nói chuyện với Thào vui vẻ, căn dặn Mạnh đi cẩn thận, nhưng một lời động viên hay nhắc nhở dành cho anh cũng không có. Chẳng lẽ cô thực sự để tâm tới vấn đề giữa Uyên và anh nên muốn tạo khoảng cách, hay cô thực sự không có một chút để ý gì tới anh?

Con đường càng đi lên càng dốc nên Hoàng Anh cũng chẳng có thời gian để nghĩ ngợi nhiều, anh phải tập trung toàn bộ tinh thần để không bị trượt ngã. Hai bên đường toàn là cây rừng và cỏ dại mọc cao, từ đây có thể nhìn thấy những sườn núi cao và dốc ở hai bên, thấy những thung lũng sâu, thấy dòng suối lớn Nậm Thung vòng vèo chảy bên dưới, nhỏ như một con rắn nhỏ đang bơi qua những đám lau sậy xanh um tùm. Thỉnh thoảng sẽ thấy một nóc nhà thấp lè tè nằm chênh vênh giữa đất trời như thách thức cả thiên nhiên hùng vĩ. Hạt mưa vẫn rải rác quanh người. Hoàng Anh có thể cảm nhận được chiếc áo phao khoác ngoài của mình ướt đẫm một tầng nước, nhưng anh không lạnh, chỉ thấy cả người nóng rần rần, không ngừng đổ mồ hôi, đã ướt hết lớp quần áo lót ở trong.

– Chị cố lên, sắp tới rồi, qua hết con dốc này là tới.

Ở đằng trước, Phụng Anh vẫn đang đỡ Hạnh một đường đi lên, miệng thì liên tục động viên cô. Dường như cú ngã lúc nãy làm Hạnh càng di chuyển nặng nề hơn, ngay cả túi đựng máy ảnh cô cũng phải đưa cho Phụng Anh đeo dùm.

– Mọi người không cần phải cố gắng đi nhanh đâu... – Thào quay lại cười, ở đằng trước, mấy người trai bản đã bỏ lại nhóm phía sau một đoạn xa. – Bọn em lên đấy trước, sau đó sẽ quay lại để mang đồ cho cũng được. Dân bản bọn em đi rừng quen rồi, dốc này vẫn chưa tính là gì. Có những vách đá còn dựng đứng, trời mưa mà leo không cẩn thận còn bị trơn ngã xuống là chuyện bình thường. Mọi người lên đúng dịp mưa, chứ không cũng không vất vả thế này. Núi rừng mà, mưa bất chợt lắm, thôi mọi người cố gắng nhé!

Nói xong, Thào lại quay người, tiếp tục đi, những bước chân có phần mau hơn, chỉ thoáng một cái đã đi được một đoạn khá xa.

Lần thứ hai Phụng Anh quay đầu nhìn lại Hoàng Anh và Uyên vẫn đang nhọc nhằn gần như là đi một bước nghỉ vài giây ở phía sau, sau đó nói với Hạnh và Mạnh đang đi ở phía trước:

– Phía trước có một gờ đá, mọi người có cần nghỉ một chút không?

– Thôi, mưa vậy thì cứ đi đi. – Mạnh kéo sụp cái mũ mượn được ở nhà trưởng bản xuống, hổn hển đáp, thở ra cả khói.

– Hai người có cần nghỉ không? – Phụng Anh lại quay về sau, hỏi.

– Có.

– Không.

Người đồng ý nghỉ là Uyên, còn Hoàng Anh thì không. Trong lòng anh đang rất khó chịu, bây giờ lại đồng ý nghỉ lại, chẳng khác nào nói sức khỏe anh thua cả thằng nhóc cao lêu nghêu đi ở phía trước, rồi còn tên người dân tộc trắng trẻo đang đi ở phía trước cách một đoạn khá xa nữa, anh cũng chẳng ngu ngốc tới mức không nhận thấy ánh mắt gã ta nhìn Phụng Anh khác thường tới mức nào, thái độ xum xoe tán tỉnh như thế nào, gần như là làm cho người ta phát ghét.

Không hiểu sao, trong khi Hoàng Anh còn cảm thấy hậm hực và có chút ấm ức trong lòng vì bị người mình quan tâm bỏ rơi thì Phụng Anh lại đưa mắt nhìn anh một cái thật sâu, sau đó cô lại quay lên nói với Mạnh:

– Thôi nghỉ tí đi, mọi người ai cũng mệt cả rồi. Tớ cầm ô nãy giờ không được đổi tay, mỏi rời cả tay rồi đây!

– Ừ, thế mình nghỉ chút thôi. – Mạnh lập tức đồng ý, cố dấn thêm vài bước nữa, sau đó đặt bao đồ trên người xuống một gờ đá cao chừng nửa mét, mặt hơi vuông vức, hơi nghiêng về sau, rộng chừng một tấm chiếu đôi ở bên vệ đường. Có lẽ đây là sản phẩm còn sót lại của quá khứ người ta san núi mở đường đi vào sâu bên trong. Quanh gờ đá là cỏ và cây dại cao hẳn lên, che khuất phần vực sâu nguy hiểm ngay sau gờ đá, chỉ cần sẩy chân một chút cũng có thể nguy hiểm tới tính mạng của bản thân bất cứ lúc nào. Lần trước khi Phụng Anh lên đây, cô cũng đã từng ngồi nghỉ trên phiến đá này, vì vậy không quá khó khăn để cô quyết định ngồi nghỉ lại ở đây, giữa đất trời giá lạnh, giữa những thảm hoa nở rộ trên triền núi, và giữa cơn mưa phùn bất tận của đất trời.

Năm người ngồi túm tụm lại dưới hai cái ô che mưa, lúc này đã được chuyển sang tay hai người đàn ông duy nhất, ba cô gái được nhường ngồi nghỉ, bởi hai bao đồ cũng đã chiếm gần hết vị trí trên bề mặt khối đá rồi nên Hoàng Anh và Mạnh chỉ có thể đứng cầm ô che mưa cho cả bọn nghỉ ngơi mà thôi.

– Chưa bao giờ tớ thấy con đường đi vào bản lại kinh khủng tới mức này... – Mạnh quẹt ngang nước mưa trên mặt, bàn tay đã tê cóng vì để ở ngoài không khí lạnh lẽo một thời gian dài.

– Những bản trước kia chúng ta tới trong chương trình mùa hè xanh đều nằm ở ven đường nhựa, đường sá đi lại cũng tương đối dễ dàng, mà dân bản cũng sống tập trung ở rìa ngoài. Lần này mới là chuyến đi sâu vào trong đầu tiên... – Phụng Anh giải thích.

– Nhưng có đi vào sâu mới biết, dân mình vốn nghèo nhưng vẫn có những nơi còn nghèo hơn, đến cả cuộc đời cũng không có nổi một manh áo ấm. – Hạnh đang cố gắng gạt đi hết lớp bùn đất bắn trên quần, gương mặt tái nhợt của cô cũng dần khôi phục lại vẻ hồng hào như cũ.

– Em có mang theo nước ấm đây, mỗi người uống một ngụm nhỏ đi cho đỡ mệt. – Phụng Anh lấy từ trong ba lô đeo trên lưng ra một bình nước giữ nhiệt nhỏ, cũng không biết cô đã lấy nước nóng vào đó từ bao giờ mà khi mở nắp ra, hơi nóng ở trong vẫn còn bốc lên nghi ngút.

Cô rót nước ra nắp, lần lượt đưa cho mọi người uống. Ngoại trừ bản thân mình ra, Hoàng Anh là người cuối cùng cô đưa nước đến. Hai người bốn mắt nhìn nhau, nhưng chỉ vài giây, sau đó cô dúi ca nước vào tay anh, rồi lại quay đi, không nói một câu gì. Hoàng Anh thầm bực mình vì từ sau bữa cơm tới giờ, hay nói đúng hơn là từ sau khi xuống xe, lúc nào cô cũng lạnh nhạt với anh như thế.

Nhưng lúc này, khi đứng gần Phụng Anh, anh mới nhận ra dường như người cô run lên mỗi khi có một trận gió núi thổi qua. Thì ra sau khi cho Hạnh mượn áo khoác của mình, trên người Phụng Anh chỉ còn lại chiếc áo gió mỏng manh khoác ở bên ngoài để chống bị ướt và chiếc áo len tím cổ tròn cô mặc đi từ hôm qua mà thôi. Trong lòng Hoàng Anh dấy lên một cảm giác khó chịu và bức bối, anh cũng không hiểu tại sao mình lại cảm thấy đau lòng khi thấy cô mỏng manh nhưng vẫn ương ngạnh chống chọi với cái lạnh như thế. Anh cởi áo ngoài của mình ra, rùng mình một cái, sau đó đưa cho cô, nói:

– Em cầm giúp anh cái áo nhé, mang đồ đi lên dốc thế này nóng toát mồ hôi mất.

– Ba lô của cậu ấy chật rồi, để em để vào ba lô của em cho. – Phụng Anh còn chưa kịp đáp, Uyên đã nhanh nhảu cầm lấy cái áo, mở ba lô của mình ra và cố gắng nhét vào cho bằng được.

– Không vừa đâu, em cứ đưa cho Phụng Anh đi, nếu ba lô cô ấy không để được thì mặc tạm trên người cũng không sao. Áo khoác của cô ấy cũng đưa cho Hạnh rồi mà. – Hoàng Anh nhăn nhó trước hành động chen vào bất ngờ của Uyên, càng phát hoảng khi thấy Phụng Anh đang cau mày rõ ràng là rất không vui vẻ.

Chỉ nghe cô lạnh lùng đáp:

– Em cũng đang nóng toát mồ hôi đây chứ lạnh gì. Nếu ba lô của Uyên vừa thì cứ để cậu ấy cầm giúp anh đi. Em cầm theo trên tay không cẩn thận mà ngã là bẩn hết đấy.

Sau đó, Phụng Anh cho chai nước giữ nhiệt vào lại trong ba lô của mình và xốc lên vai, đứng dậy và giục mọi người tiếp tục lên đường.

– Là người ta không vui đấy. – Hạnh thì thầm nói vào tai anh sau khi cả nhóm đã lên được tới cụm trường ở trong này, rõ ràng những biểu hiện đối chọi ngấm ngầm của hai người trong suốt chặng đi không lọt qua được cặp mắt tinh ranh của cô nàng.

Thấy Hoàng Anh trợn mắt muốn phản bác, Hạnh đã lại nhanh nhảu nói tiếp:

– Rõ ràng là ông không vui khi thấy mấy tên nhóc kia lăng xăng quanh cô nàng đúng không? Vậy ông nghĩ nàng ta có vui nổi không khi thấy ông được chính bạn thân của mình chăm sóc, lại còn vô cùng chu đáo và nhẹ nhàng nữa? Nhưng đây chẳng phải là tín hiệu tốt, rõ ràng là nàng đã có tình cảm với ông rồi, nếu không sao phải tỏ thái độ như thế.

– Nhưng chẳng lẽ tôi lại đẩy Uyên ra ư? – Hoàng Anh cau có, vẫn cảm thấy rất khó chịu khi lòng tốt của mình bị từ chối, còn mình thì gần như chết rét khi lên tới đây.

Lúc này, Phụng Anh cùng với Mạnh, Uyên và Thào đang cùng trang trí sơ qua lớp học để chút nữa sẽ làm lễ phát quà và trao học bổng cho các em nhỏ, còn Hoàng Anh và Hạnh thấy chẳng giúp được gì cho họ nên đành đứng sang một bên thì thầm to nhỏ.

– Người đàn ông lịch thiệp và nhã nhặn như ông làm sao có thể làm như thế được. – Hạnh bĩu môi. – Nhưng ít nhất sau này ông cũng phải nói rõ với Uyên về tình cảm của ông, đồng thời giải thích rõ cho nàng của ông biết chứ. Định cứ để không nói lời nào mà chờ mọi chuyện qua đi sao. Phụ nữ bọn tôi vốn rất thù dai đấy nhé!

– Bà là phụ nữ hả, sao tôi không thấy? – Hoàng Anh mắt tròn mắt dẹt quay sang nhìn cô bạn mình một lượt từ đầu xuống chân, rồi lại ngược từ chân lên đầu, giống như đang cố săm soi từng milimet một trên cơ thể cô để tìm ra cái mà anh gọi là "phụ nữ".

Ngay khi Hạnh vừa vung tay lên định ra đòn thì Hoàng Anh lập tức cười rộ lên, sau đó nhảy tránh sang một bên, vội vàng tiến về phía Phụng Anh đang sắp xếp chỗ áo bông ấm mới theo cỡ lớn nhỏ, hoa chân múa tay tỏ ý muốn giúp đỡ cô.

Gọi là cụm trường II nghe có vẻ khoa trương, nhưng thực chất ở đây chỉ có một dãy gồm hai phòng nhỏ lợp mái lá, được dựng lên bằng gỗ rừng, xiêu xiêu vẹo vẹo, vách cũng được làm tạm bợ bằng những cây nứa không biết đã dầm qua bao nhiêu mùa nắng cháy, mưa phùn và sương muối, vách thủng lỗ chỗ, có chỗ toang hoác đủ cho cả một đứa bé chui qua. Trong hai phòng chỉ có vài cái bàn gỗ chân gãy xiêu vẹo, được chắp vá lại chân bằng những ống tre lớn, vài cái ghế đẩu mục và một cái bảng gỗ nhỏ sơn đen đầy vết ăn mòn của thời gian, cũng không biết đã tồn tại bao nhiêu năm tháng, đi qua cuộc đời học sinh của bao nhiêu con người. Học sinh học ở trong cụm này chủ yếu là con em của bản người Mông, học ở cấp tiểu học. Những em học lên cấp hai sẽ phải xuống tận trường trung tâm xã, em nào ở quá xa sẽ được tạo điều kiện ở nội trú ngay trong trường.

Lúc mọi người lên tới cụm trường, các em học sinh đã tới và đang đợi ở một trong hai phòng học, còn có hai cô giáo phụ trách trông coi nữa. So với ở dưới trung tâm xã, tình hình các em nhỏ trên này còn đáng thương hơn nhiều. Vì trời mưa nên tóc đứa nào đứa nấy bết lại, bốc mùi chua loét như cứt mèo, chẳng biết bao lâu rồi chúng chưa gội đầu và tắm nữa? Nhưng có một điều là chúng rất ngoan, khi mọi người đến, cả lũ đang ngồi trong một căn phòng, cùng hát bài hát "Đi học" theo sự bắt nhịp của cô giáo, khi thấy đoàn thanh niên tình nguyện đi vào chúng cũng chỉ hơi nhốn nháo nhìn ra ngoài, vài đứa còn cười nói với nhau bằng tiếng của dân tộc mình, vài đứa khác thì tròn mắt nhìn một cách tò mò, có phần hiếu kỳ.

– Bọn nhỏ này đáng thương lắm anh chị ạ! Có đứa học lớp một, mấy anh em chỉ có một cái quần nhường cho nó đi học. Có hôm nó ị đùn ra quần, cô giáo bảo về nhà thay rồi chẳng thấy nó đến lớp nữa. Đến nhà hỏi mới biết quần bẩn, giặt xong chẳng còn cái mặc nên nó xấu hổ không dám đi học. – Lúc Phụng Anh, Uyên, Mạnh và Thào đang tổ chức trò chơi cho các em học sinh sau khi đã mặc cho chúng những chiếc áo ấm và tổ chức liên hoan bằng vài gói bánh kẹo, còn Hoàng Anh và Hạnh thì đứng trò chuyện cùng một trong hai cô giáo ở đây và nghe cô kể chuyện.

Cô giáo vừa nói tên là Lệ Na, là một cô gái trẻ dân tộc Thái, người địa phương, sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm thì về bản dạy, tính tới nay cũng đã được hơn năm năm. Tính ra Lệ Na vẫn còn kém tuổi Hoàng Anh và Hạnh. Còn một cô giáo nữa tên Pơ Ni, người H'Mông đã bám cụm trường này cả chục năm nay, từ khi xã quyết định lập thêm cụm II cho các em tiểu học ở sâu trong này có điều kiện biết cái chữ để xóa đói giảm nghèo. Trước khi vào đây, cô đã có hơn ba mươi năm gắn bó ngoài trường chính. Nghe nói, cô chính là cô gái người H'Mông đầu tiên biết đọc chữ ở xã này, chính vì vậy cô luôn khát khao được truyền dạy cái chữ cho con em dân tộc mình, hy vọng rằng tương lai của chúng nó sẽ đỡ khổ hơn. Lúc Lệ Na đang nói chuyện với hai vị khách thì cô Pơ Ni đang cố gắng giữ trật tự đám học sinh trong lúc chơi trò chơi.

– Ở đây bọn em cái gì cũng thiếu, nên các anh chị mang cả sách, báo lên cho bọn em đọc là bọn em mừng lắm. Muốn đi mua một cuốn sách mới đọc thì phải xuống tận hiệu sách của huyện, cách đây cũng mấy chục cây ấy. Có khi một năm bọn em mới đi một, hai lần để mua sách về dạy học.

– Các cháu có đủ sách giáo khoa học chứ em? – Hoàng Anh chợt hỏi, anh vừa nảy ra ý định sẽ vận động ban giám đốc hằng năm tặng sách giáo khoa cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất của trường.

– Đến tiền đi học còn không có, tiền đâu mà mua sách giáo khoa chứ anh, toàn là bọn em chắt chiu sách cũ từ năm này qua năm khác, mỗi năm dù có đổi mới nội dung sách thế nào thì bọn em cũng chỉ có thể dạy theo sách cũ thôi. – Lệ Na lắc đầu thở dài. – Tiền học phí của các cháu hoàn toàn được miễn giảm, thế mà có khi cũng chẳng có đứa nào đi học, bọn em lại tới tận nhà vận động từng gia đình một. Như tháng trước, đúng mùa thu, trẻ con bỏ học đi nương hết, em với cô Pơ Ni phải chia nhau đi vào trong bản làm công tác tư tưởng, mà có những đứa đi nương phải mấy ngày mới về, nên thành ra mình cũng phải đi tới mấy lần mới gặp được các em.

Ở bên cạnh, Hạnh vừa nghe, tay vẫn không ngừng bấm máy, ống kính luôn hướng về phía các em nhỏ đang chơi đùa. Lệ Na lại chỉ vào một em nam nhỏ thó chừng chín, mười tuổi, cổ đeo khăn quàng đỏ, mặc bộ quần áo của người H'Mông đã cũ kĩ, còn vài chỗ vá chằng vá đụp đang chơi trò chơi cùng các bạn, có vẻ rất hào hứng, cô kể tiếp:

– Như em nam kia, em ấy tên là Giàng A Sinh, nhà ở nơi xa và cao nhất của bản, tới nhà em ấy phải đi hết hơn hai tiếng đồng hồ, leo lên tận đỉnh núi cao chót vót, thế nhưng ngày nào em ấy cũng có mặt ở lớp sớm nhất. Em ấy nói ngày nào cũng đi học từ bốn giờ sáng. Nhà neo người, chỉ có bà nội, mẹ và dưới có một em trai mới bốn tuổi. Bố em ấy cách đây ba năm đi rừng rồi không thấy về nữa, dân bản cứ kháo nhau là anh ấy bị hổ tha đi mất, cũng không rõ thực hư thế nào. Sinh hiếu học lắm, nhưng nhà thuộc diện nghèo nhất xã, lại neo đơn nên cứ vào mùa đi nương là em ấy lại phải nghỉ học đi cùng mẹ. Mới đây, khi bọn em lên nhà Sinh, ở nhà chỉ có bà nội và đứa em trai nhỏ của Sinh ở nhà. Trời lạnh, bà nội thì ngủ ở trong nhà không biết gì, còn đứa bé bốn tuổi kia thì cởi truồng tồng ngồng, mặc mỗi chiếc áo mỏng được cắt ra từ một mảnh váy của bà hay của mẹ gì đó, nó ngồi trước cửa nhà, ôm cái cột nhà, cứ thế mà ngủ.

Hạnh đang bấm máy, nghe kể tới đoạn này thì lập tức dừng lại, đặt sự tập trung vào câu chuyện của Lệ Na.

– Trời lạnh như thế mà đứa trẻ ấy lại ngủ ngoài cửa sao? Còn không mặc gì nữa? – Hạnh thốt lên có vẻ không tin.

– Mấy hôm đó trời rét, ở trên núi còn có cả băng mỏng, lúc bọn em đến thì người thằng bé đã tím tái cả lại, thở yếu ớt như không thở ấy. Bọn em vội cởi áo bọc nó lại rồi mang nó vào trong nhà, xoa chân xoa tay một hồi nó mới ấm áp trở lại. Bà nội nó thì gọi cả nửa tiếng mới tỉnh dậy được. Lần ấy thật sự hú hồn hú vía, sau đó bọn em phải đi xin áo cũ, áo rách bỏ đi của vài hộ khá giả hơn để mang lên cho họ. Làm cô giáo ở đây như bọn em, đâu chỉ đơn giản là dạy cho dân biết cái chữ đâu, còn phải không ngừng quan tâm, sát sao với cuộc sống của các em nữa, rồi còn phải làm công tác dân vận,... Buổi tối thì bọn em tổ chức dạy xóa mù chữ cho bà con nữa...

Hoàng Anh vừa nghe xong, lập tức làm ra một quyết định, đó là sẽ về xin hỗ trợ từ công ty để tặng những hộ gia đình nghèo trên này một cái Tết ấm no với gạo và một vài nhu yếu phẩm cần thiết. Có Hạnh ủng hộ, chắc chắn dự định này của anh sẽ được thông qua. Còn cậu bé Giàng A Sinh kia nữa, anh cũng sẽ xin cho cậu một phần học bổng đủ để cậu có thể học tới hết cấp ba, và có thể sẽ học lên nữa nếu cậu muốn. Với những mầm non không muốn chết yểu, không ngừng muốn vươn lên, chẳng tội gì người ta không bỏ một chút đầu tư chăm bón vào đó cả, biết đâu sau này, mầm non ấy sẽ trở thành một cây đại thụ chở che cho bao nhiêu mầm xanh khác.

***

– Mệt không?

Sân giếng chỉ có hai người, Hoàng Anh lập tức có cơ hội thể hiện sự ga lăng của mình bằng cách tranh bơm nước cho Phụng Anh rửa chân tay.

Bây giờ là gần bảy giờ tối, cả bọn vừa về tới Cụm trường Tiểu học – Trung học cơ sở trung tâm xã. Mọi người đã được sắp xếp sẽ ngủ lại tại hai phòng học ở đây bằng cách ghép bàn và ghép ghế lại làm chỗ ngủ. Chăn ấm cũng được các thanh niên của Ban chấp hành đoàn xã sắp xếp đâu vào đấy. Mặc dù cả bọn đã chuẩn bị tinh thần buổi tới sẽ mượn bếp nấu của dân bản để nấu mì gói ăn tạm, nhưng không ngờ xã lại mời mọi người cơm ngay ở Ủy ban. Thào có nói qua với Phụng Anh và Huân là chính quyền xã quyết định mua lại một con lợn đen do nhà trường nuôi để làm cơm tiếp đón mọi người. Sau trường có một khu đất nhỏ để các cô giáo nội trú trồng rau, các cô có nhờ thanh niên xã quây cho một cái chuồng, rồi lên núi mua lấy hai con lợn đen của một hộ gia đình người H'Mông để nuôi nhằm tăng gia sản xuất. Vừa nghe thấy vậy Huân và Phụng Anh đều tỏ ra rất áy náy, bởi mọi người làm việc này không phải muốn đổi lấy một bữa ăn như thế. Thào nói đây là tấm lòng của nhân dân trong xã, trong bản, cảm ơn mọi người đã không quản ngại trời mưa, giá lạnh để đem những tấm chăn ấm, áo ấm, những đôi tất ấm về tận đây tặng cho bà con, một bữa cơm này cũng chỉ là muốn cùng đoàn được giao lưu, uống chút rượu cho ấm lòng mà thôi. Lợn cũng đã thịt, cơm rượu cũng đã được sắp sẵn ra rồi, Huân cũng không có lý do để từ chối, cuối cùng anh phải thay mặt cả đoàn nhận lời tham gia bữa cơm giao lưu này.

Vì đoàn của Phụng Anh đi xa nhất nên khi trở về trời cũng đã tối mịt. Mưa đã tạnh nhưng sương cũng đã giăng dầy đặc khắp các chân núi, nẻo đường. Các thành viên khác trong đoàn đều đã về từ sớm, rửa ráy chân tay và hiện đang ở bên nhà văn hóa xã, nơi tổ chức liên hoan. Hạnh, Uyên, Mạnh và Hoàng Anh cũng đã sớm rửa chân tay xong, chỉ còn Phụng Anh, vừa trở về đã lọ mọ đi gặp Huân để bàn bạc tình hình, cũng như lên kế hoạch để sang hôm sau sẽ tổ chức phát học bổng và số áo ấm còn lại cho các em học sinh ở hai trường ngoài trung tâm xã này.

Khi Phụng Anh lọ mọ đi ra giếng rửa chân tay thì mọi người gần như đã xuống tập trung ở bên ủy ban cả, không ngờ Hoàng Anh lại lù lù xuất hiện và hỏi một câu cụt ngủn khiến cô vừa giật mình, vừa cảm thấy kinh ngạc. Đáng lẽ anh đã phải rồng rắn theo hai người con gái suốt ngày thay nhau ở bên cạnh anh là Hạnh và Uyên sang nhà văn hóa rồi chứ, không biết anh thoát khỏi họ bằng cách nào nữa?

Không gian vắng tanh, chỉ có hai người đứng lẻ loi ở đó. Đây là một giếng khoan được đặt hệ thống bơm tay, chỉ cần kéo cần trục bằng gỗ vài lần là sẽ có nước chảy ra. Đây là nguồn nước sinh hoạt chính của toàn bộ các thầy cô cũng như các em học sinh trong trường.

– Mệt chứ, nhưng có cảm giác không bằng lần đầu em tới đây. Lần này mặc dù phải di chuyển nhiều hơn nhưng bù lại tinh thần rất phấn chấn, có lẽ cảm thấy vui vì những gì mình đã làm được.

– Anh cũng thế. Đến giờ còn lâng lâng trước cảm xúc kỳ lạ của ngày hôm nay. – Hoàng Anh cười để lộ hàm răng trắng bóc, dường như những giận hờn vô lý đã tan biến đi hết. So với những gì Phụng Anh đã nỗ lực suốt ngày hôm nay thì bản thân anh lại cứ theo đuổi những tình cảm cá nhân một cách ích kỷ.

– Mà sao anh còn chưa xuống kia với mọi người?

– Điện thoại anh hết pin nên anh muốn đợi sạc một chút. – Anh nói dối, thực tế thì anh không ngừng rời mắt khỏi cô từ lúc cô bận rộn bàn bạc với Huân tới lúc cô một mình đi ra sân giếng tối om ở ngay đầu hồi dãy phòng học bên phải nhà hiệu bộ. Cả ngày nay, bây giờ anh mới có cơ hội được nói chuyện riêng với cô.

Phụng Anh không nói gì, lại cặm cụi kì cọ những vết đất bám đầy trên bắp chân trắng ngần của mình.

– Nói thật là anh cũng không biết phải làm sao với Uyên bây giờ nữa. – Chợt nghe anh thở dài, Phụng Anh ngẩng đầu nhìn anh, rồi lại tiếp tục cúi xuống, không nói gì.

Thấy cô không nói gì, Hoàng Anh cũng không vô duyên tới mức tiếp tục lải nhải. Anh bật đèn pin ở chiếc điện thoại cục gạch của mình để Phụng Anh có thể nhìn thấy những vết bẩn dễ dàng hơn.

– Thực ra anh đâu nhất thiết phải đẩy cậu ấy ra. Uyên có gì không tốt đâu chứ? – Phụng Anh sau một hồi im lặng, lại đột nhiên nói, giọng cô lành lạnh, thản nhiên khiến Hoàng Anh không khỏi hoảng hốt trong lòng.

– Vậy anh có gì không tốt không? – Hoàng Anh hỏi lại.

– Anh cũng rất tốt. – Phụng Anh không hiểu câu hỏi của anh nên đáp lại như một lời an ủi. Cô không thể nói thẳng với anh rằng 'thực ra có vài điểm anh rất tệ'. Ví dụ như không dám thành thật đối diện với tình cảm của mình, ví dụ như luôn lôi cô ra làm trò vui cho mình, hoặc ví dụ như lúc nào cũng muốn làm vừa lòng tất cả mọi người...

Hoàng Anh buông cần bơm nước ra, kéo cô đứng thẳng dậy, giữ chặt cánh tay cô, ép cô phải nhìn vào mắt mình và hỏi:

– Vậy em cũng đâu nhất thiết phải đẩy anh ra?

Phụng Anh nhìn anh, giả vờ như bị anh dọa cho shock đến đứng hình không nói được gì, trong lòng lại thầm thở dài, loanh quanh một hồi, cuối cùng vẫn không tránh thoát được cái chủ đề nhức đầu này.

Cô nhẹ nhàng thoát ra khỏi anh, sau đó hơi lùi lại, rồi mới bình tĩnh trả lời:

– Anh không thể đánh đồng em với Uyên, giữa một người rất yêu anh và một người không thích anh được.

Hoàng Anh cảm thấy như đang rơi trong vực sâu thăm thẳm, đó cũng chính là khoảng cách giữa 'rất yêu' và 'không thích' mà anh có thể cảm nhận được. Ngay cả 'thích', thứ tình cảm nhẹ nhàng mà con người ta sẽ trải qua khi bắt đầu rung động trước người khác cô cũng không có, vậy thì còn bao xa mới tới được tình yêu?

– Em nói thật? – Hoàng Anh buông thõng cánh tay xuống, nhìn cô tràn đầy thất vọng, hỏi lại. – Em thực sự không thích anh, ngay một chút cũng không có?

– Nguyên tắc của em là không hẹn hò với khách hàng của mình. – Phụng Anh gật đầu.

– Anh không hỏi nguyên tắc của em, anh cũng chưa mất đồng nào cho em để em hẹn hò với anh cả. Nguyên tắc của anh cũng là không bao giờ thích một cô gái bám vào sự háo sắc của đàn ông để kiếm tiền...

– Vậy thì anh vui lòng giữ đúng nguyên tắc đó của anh và tránh xa em ra. – Phụng Anh lạnh lùng cắt ngang lời anh, đôi mắt cô ánh lên vẻ sắc lạnh.

– Em đừng lúc nào cũng không chịu nghe người khác nói hết như thế. Anh còn chưa nói hết cơ mà. – Hoàng Anh gào lên, đầy vẻ ấm ức khi bị cô chen ngang họng như thế, giống như một quan tòa lạnh lùng phán xét mà không cho bị cáo có bất kỳ lời thanh minh nào.

Thấy mình đã hơi to tiếng, anh lại lập tức dịu giọng, nhìn vào vẻ mặt vừa xẹt qua một chút ngây ngốc của Phụng Anh, nói tiếp:

– Vốn anh đã coi em là người như thế. Nhưng rồi, gặp lại em, từng ngày từng ngày tiếp xúc với em, anh lại tự nhủ bản thân rằng, em không bán thân, em càng không bám víu vào túi tiền của thằng đàn ông nào, em rất trong sáng, tiền em kiếm được cũng là em bán đi thời gian của mình, hoàn toàn không lợi dụng ai cả. Anh không ngừng chà đạp lên nguyên tắc của mình, cho tới lúc này cũng là vì em. Anh cảm thấy anh thích em, nhưng anh càng muốn lại gần em thì em càng muốn đẩy anh ra. 

– Em xin lỗi. Là em đã nặng lời, em không nên nói với anh như thế. Anh cũng đã yêu, đã trải qua sự thất bại trong tình cảm, chắc anh cũng phải biết rằng tình cảm cần sự gây dựng, vun đắp từ hai người. Anh là người đàn ông tốt, cũng không phải em không có cảm giác gì với anh, nhưng trong cuộc sống của em, tình yêu là một thứ đòi hỏi quá xa xỉ rồi. Em không muốn và cũng không dám nghĩ tới nó.

Cô kéo ống quần xuống, mặc cho chân còn ướt, rồi lại đứng thẳng dậy, lần này cô không nhìn vào mắt anh, chỉ đưa mắt về ánh điện vàng khè, leo lét ở dưới khu Ủy ban xã dưới chân đồi, sau đó nhẹ nhàng nói tiếp:

– Em rất cảm ơn vì anh đã không nghĩ xấu về những việc em làm. Nhưng việc em đã từng đeo bám một người đàn ông khác để sống là sự thật, bán thân mình để lấy sự bao bọc của anh ta cũng là sự thật, dù nói là làm gái bao thì cũng không sai. Quá khứ của em là như thế, và em luôn sẵn sàng đối mặt với nó. Em đã trải qua những chuyện không vui, và em đã quyết định mình sẽ quy y sau khi ra trường.

– Em... – Hoàng Anh sững sờ, sau đó vội vàng nói tiếp – Nếu chỉ là để từ chối anh thì em không cần thiết phải lấy lý do đó...

– Đây là điều em đã dự định từ trước rồi, không liên quan gì tới anh cả. Anh rất tốt, em cũng đã từng ước, giá như chúng ta có thể gặp nhau vào một khoảnh khắc khác sớm hơn, có lẽ chúng ta cũng sẽ có một cái kết khác đi. – Phụng Anh lắc đầu, cô hít vào một ngụm hơi lạnh lẽo, thần trí dường như cũng tỉnh táo hơn, cô quay người, nói tiếp. – Chúng ta cũng đi xuống thôi, đừng để mọi người chờ cơm.

Dù như thế, Hoàng Anh vẫn còn chôn chân tại chỗ, đôi mắt gần như thẫn thờ nhìn theo cô, dường như còn chưa dám tin vào những điều mình vừa nghe được. Bóng người con gái cứ thế mờ dần trong mắt anh, cho đến khi trước mắt Hoàng Anh chỉ còn là bóng đêm mịt mùng, anh mới thất thểu bước theo.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #xinlỗi