Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 11: Về ra mắt

Nhà Hoàng Anh gần biển, một vùng biển vắng chỉ neo vài tàu đánh cá nhỏ và hoàn toàn không có bóng dáng của dịch vụ du lịch, Phụng Anh không biết điều này cho đến khi hai người xuống xe ở một quãng gần nhà anh và cả hai cùng đi bộ về. Suốt thời gian ngồi trên xe, Phụng Anh ngủ gà ngủ gật, mà Hoàng Anh cũng chẳng làm phiền đến cô. Phụng Anh mất ngủ đến gần sáng mới chợp mắt được, trong lòng không khỏi cảm thấy căng thẳng cứ như sáng ra cô sẽ thực sự về ra mắt nhà người yêu mình chứ không phải một màn kịch nữa. Cô nghĩ về đủ mọi thứ, từ việc không biết người nhà Hoàng Anh sẽ đón nhận cô như thế nào, sẽ hỏi han cô những chuyện gì, có phản đối ra mặt như những câu chuyện mẹ chồng nàng dâu tương lai mà cô vẫn đọc trên báo hay không? Nghe nói Hoàng Anh còn có một chị gái đã đi lấy chồng và một em gái đang học đại học. Người ta vẫn nói mẹ chồng nghiêm khắc một thì bà cô em chồng còn ghê gớm gấp mười, xét nét từng ly từng tý một chứ không chừng. Không biết em gái Hoàng Anh có dữ dằn như thế không? Trong lòng Phụng Anh không khỏi thoát khỏi cảm giác hồi hộp. Rồi cô lại nghĩ, thực ra tất cả chỉ là một vở kịch, họ có chào đón cô hay không thì cô cũng đâu cần phải để trong lòng, cũng không phải rồi sẽ về làm dâu và chung sống với họ như những người thân cơ mà.

Là giả!

Là giả thôi!

Phụng Anh tụng mãi trong lòng hai chữ “là giả” đó tới tận hơn ba giờ sáng, cuối cùng vì mệt quá mà cũng chịu chìm vào giấc ngủ.

Sáng ra, dù cô đã khéo léo trang điểm để che đi quầng thâm trên mắt và vẻ mỏi mệt trên gương mặt, nhưng Hoàng Anh vẫn nhận thấy vẻ căng thẳng không tài nào giấu đi được của cô. Vừa lên xe là cô đã tựa đầu vào cửa kính xe và ngủ luôn, Hoàng Anh cũng không đành lòng đánh thức cô. Thành ra suốt chặng đường dài, chỉ có một chàng trai ngồi kiên nhẫn không dám nhúc nhích một ly nào, chỉ vì anh sợ sẽ đánh thức cô gái đang ngủ gục trên vai mình.

Xuống xe ở đường lớn, hai người rẽ vào con đường nhỏ trải đá gồ ghề, Hoàng Anh nói đây là đường tắt, từ đây đi bộ về nhà anh chừng hai cây số. Thời sinh viên, mỗi lần anh về nhà, thường là bố hoặc mẹ sẽ ra đón, sau này, anh sợ bố mẹ tay lái yếu, đi lại trên con đường đá lởm chởm này sẽ không an toàn nên anh thường tự đi bộ về nhà. Có một con đường lớn rải nhựa khác chạy về thôn anh sống cách đây chừng hơn một cây số, nhưng đường đó đi vòng vèo men theo bờ biển nên rất xa. Khi nghe Hoàng Anh nhắc đến biển, Phụng Anh tỏ ra ngạc nhiên. Thì ra anh là con trai vùng biển.

Con đường gồ ghề toàn đá sỏi, hai bên đường mọc đầy cỏ, cao tới tận đầu gối. Giờ Phụng Anh mới để ý, hai bên cánh đồng không phải trồng lúa mà độc chỉ có một loại cây nào đó nhìn có phần giống cỏ mà cô không biết tên. Hoàng Anh giải thích:

– Đây là cói. Toàn bộ vùng này đều là đất bị nhiễm mặn nên khó canh tác lúa. Quê anh có nghề truyền thống là trồng cói và dệt chiếu mà. Trước đây thì nhiều, nhưng giờ chỉ còn một vài nhà làm nghề truyền thống này thôi. Trước đây nhà ông bà nội anh là hộ cung cấp chiếu cói lớn nhất của hợp tác xã đấy. Tới thời bố anh thì không còn giữ được nữa. Hồi trước nhà anh cũng có một vùng ruộng trồng cói lớn lắm, nhưng mà đã bán từ lâu rồi.

Khi cô ngây người ra trước biển cả, anh lại cười nói:

– Biển quê anh không xanh và đẹp như những địa điểm du lịch, nhưng riêng về độ sạch thì khỏi bàn nhé! Anh tắm biển từ bao giờ thì anh chẳng nhớ, hình như bố anh nói lúc anh nhỏ xíu, mới biết bò thì ông đã đem anh ra biển bơi rồi. Có một lần bão về, anh gan lì ra tắm, suýt nữa bị sóng cuốn đi. Lần ấy bố cầm roi đánh cho lằn chân đến để lại cả sẹo. Mẹ thương anh, trách bố thì ông bảo có sẹo mới nhớ đòn đau, nhớ đòn đau mới nhớ lâu bài học này. Mà đúng là miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời, mỗi vết sẹo ở trên cơ thể đều khiến ta nhớ lâu hơn hết thảy những điều mà ta để nó trôi tuột về dĩ vãng.

Phụng Anh không nói gì, chỉ cảm thấy Hoàng Anh nói rất đúng. Ngay cả tâm hồn cũng thế, một khi chịu tổn thương và trở thành nỗi đau nhức nhối, thì nỗi đau ấy cũng giống như vết sẹo ngoài thể xác, nó thường nhắc người ta nhớ rất lâu.

Trên đường đi vào làng, có vài người dân nhận ra Hoàng Anh. Hai bên chào nhau, Phụng Anh cũng chào theo anh. Ai cũng hỏi cô có phải bạn gái của anh không, rồi khen cô xinh đẹp, khen cô ngoan ngoãn. Hôm nay cô mặc khá giản dị, áo len màu xanh xám cổ rộng, áo sơ mi ở trong chỉ để lộ cổ áo, quần jeans và áo dạ dài màu nâu nhạt, đi đôi giày cao cổ đơn giản, tóc buộc cao, cũng không hề trang điểm nhiều, chỉ có một lớp phấn mỏng để che đi vẻ mỏi mệt vì thức cả đêm và một lớp son nhạt để môi cô khỏi nhợt nhạt ra như người bệnh. Với cách ăn mặc giản dị này, Hoàng Anh cảm thấy cô khá xinh xắn và đài các, không còn cái vẻ quyến rũ chết người như mỗi lần cô mặc váy nữa.

Cái mà Hoàng Anh thích nhất ở Phụng Anh không phải là tài năng hay sắc đẹp của cô, mà ở sự tinh tế của cô, luôn biết cách chọn trang phục phù hợp cho mỗi hoàn cảnh. Sáng ra khi tới nhà cô, anh còn hơn lo lắng, lỡ như cô mặc váy về thì chắc bố mẹ anh, những người cả đời sống ở vùng quê này sẽ rất không hài lòng.

Vừa về đến đầu cổng, còn chưa kịp quát con Tô, con chó già của nhà anh nuôi đã hơn mười năm nay đang sủa ăng ẳng, thì anh đã thấy mẹ xuất hiện ở ngưỡng sân, bố anh đang ngồi ở bàn trà ngoài đầu hè và nghe đài phát thanh cũng ngẩng đầu lên. Bà đi ra đón anh, hơi ngỡ ngàng một chút khi nhìn sang cô gái đi phía sau con mình vừa lên tiếng chào, sau đó bà vội vàng cười, nói:

– Sao hai đứa về sớm thế? Mẹ cứ tưởng đến tận trưa mới về.

– Con sợ về muộn xe đông nên đi chuyến sớm nhất luôn. – Hoàng Anh cười giải thích sau khi chào cả hai bố mẹ. – Hương Anh với Thắng chưa về ạ?

– Con Hương thì về từ sáng qua, đang nấu cơm trong nhà ấy. Còn thằng Thắng chắc tí mới về đến nơi, nó tự đi xe máy về để mai hai đứa nó cùng đi lên với nhau luôn. Thôi, dẫn bạn vào nhà nghỉ ngơi đi. Về sớm thế có mệt không? – Mẹ anh hỏi câu cuối thì nhìn Phụng Anh, như thể đang chờ co trả lời.

– Dạ cháu cũng bình thường ạ! – Phụng Anh đáp hơi thiếu tự nhiên, cô cảm thấy sợ khi bị cả hai vị phụ huynh nhìn chằm chằm như thế.

Sau một lúc, cô cũng cảm thấy bố mẹ Hoàng Anh không tỏ ra khó gần như nhiều gia đình khác, hai ông bà gọi Hoàng Anh đưa cô ra bàn uống nước và hỏi han rất nhiệt tình, cho đến khi Hoàng Anh phải lên tiếng giải cứu cho cô:

– Em đi xuống nhà xem giúp Hương nấu ăn đi. Hai đứa cũng bằng tuổi nhau đấy, làm quen nhau luôn.

Hương, em gái của Hoàng Anh, tên đầy đủ là Hương Anh, nhưng ở nhà vẫn gọi hai anh anh em bằng tên đệm cho tiện. Lúc nãy đi ra sau nhà rửa mặt, cô có loáng thoáng thấy bóng một cô gái đang lúi húi trong bếp, nhưng cũng không biết chào hỏi thế nào nên lại thôi.

Nhà của Hoàng Anh là một ngôi nhà mái bằng hai tầng khá mới, so với những ngôi nhà quanh đây thì cũng được coi là rất khang trang. Nhà nằm giữa một vườn cây nhỏ, trong vườn trồng đủ các loại rau và có hai gốc táo quả sai trĩu ở sát tường, gần đường đi. Bố Hoàng Anh cũng chơi cây cảnh, có vài chậu cây đặt ngay bờ gô trước sân, được chăm chút khá kỹ, một cọng cỏ dại mọc ở trên cũng không có. Sau nhà cũng có một cái sân nhỏ, có bể nước và nhà bếp và một nhà kho nhỏ chứa củi. Khi Phụng Anh xin phép bố mẹ anh được đứng dậy và đi ra phía sau thì Hương Anh đang lúi húi nhặt rau bên bể nước. Cô ngập ngừng một chút rồi tiến ra và hỏi:

– Cậu đang làm gì thế? Cho tớ làm với?

Hương Anh hơi bất ngờ và ngẩng đầu lên, sau khi đã nhìn rõ mặt người vừa hỏi mình thì mới mỉm cười đáp:

– À, tớ nhặt rau để ăn sống thôi. Cũng xong hết rồi mà. Cậu cứ đi lên nhà chơi cũng được.

– Anh Hoàng Anh bảo tớ xuống đây, chắc anh ấy đang nói chuyện với hai bác. Không còn gì làm nữa à?

– Tớ đang luộc gà, đợi chín và vớt ra nữa thôi. Hay cậu vào xem giúp tớ xem được chưa nhé, tớ đang dở tay tí. – Hương Anh đáp một cách thân thiện, cũng không tỏ ra khách sáo với cô bạn gái của anh trai mình.

Phụng Anh thầm thở phào trong lòng, bà cô em chồng “giả” này cũng không đáng sợ như trong tưởng tượng của cô.

Được rồi, chỉ là vớt gà thôi, ai mà chẳng làm được.

Phụng Anh thầm khích lệ mình sau đó gật đầu một cái chắc nịch, hùng dũng tiến vào bếp.

Hương Anh nhìn theo bóng Phụng Anh đi khuất vào trong bếp, lại cắm cúi tiếp tục nhặt rau sống. Nhưng chỉ chưa đầy một phút sau, từ trong bếp truyền ra một tiếng la toáng lên, gần như là thất thanh, cùng với đó là tiếng vung nồi va vào nhau loảng xoảng, rồi tất cả lại im bặt. Hương Anh hoảng hồn, vội buông cây xà lách đang bóc dở lá xuống rổ, chạy xộc vào bếp, lo lắng hỏi:

– Sao thế?

– À, không sao, tại tớ vụng về quá! Vớt con gà gần ra khỏi nồi rồi nhưng nó nặng quá lại rơi xuống, giật mình nên tự nhiên kêu thôi. – Phụng Anh quay lại, cười đầy xấu hổ.

– Ừ, thôi để tớ vớt cho, con gà này to đấy. – Hương Anh cười và cầm lấy đôi đũa từ tay Phụng Anh, sau đó lại đưa cho cô cái rá tre, nói. – Cậu cầm giúp tớ cái rá để tớ đặt con gà vào trong đấy cho ráo nước, đợi nguội thì chặt.

Hai người cùng nhau vớt con gà luộc xong thì ra ngoài, quay trở về với rổ rau sống đang nhặt dở chừng của Hương Anh. Vì Hương Anh cũng làm xong rồi nên Phụng Anh không tiện động tay vào nữa. Hơn nữa, cô cũng không thể thừa nhận với Hương Anh rằng cô không biết nhặt rau vì cô chưa từng làm việc này bao giờ được.

Như thế thì quá mất mặt rồi!

– Cậu học trường gì thế? Tớ nghe anh Hoàng Anh nói chúng ta bằng tuổi nhau đấy.

– Thế à? Tớ học Ngân hàng, còn cậu?

– Tớ học Mỹ thuật công nghiệp.

– Ồ, chắc cậu vẽ đẹp lắm.

– Cũng bình thường thôi mà.

– Mà cậu quen ông Hoàng nhà tớ lâu chưa? Mấy lần tớ tới nhà ông ấy chơi chả thấy ông ấy khoe mẽ gì cả. Bình thường mà quen được gái xinh là ông ấy khoe toáng lên rồi.

– Ủa, vậy anh em cậu không ở với nhau à? – Phụng Anh ngạc nhiên.

Hương Anh ngẩng đầu nhìn cô, hơi bất ngờ vì hai người này mang tiếng là đang quen nhau mà Phụng Anh lại chưa từng tới nhà của ông anh cô, quả là kỳ lạ. Những cô gái Hoàng Anh quen trước đây, tức là sau khi chia tay Linh Trang, chỉ cần hẹn hò tới ngày thứ ba là họ đã tò tò theo Hoàng Anh về nhà rồi, và chẳng ngại ngần ngủ lại luôn ở đấy.

Không lẽ ông anh của cô già quá lên lú lẫn rồi, muốn quay trở lại cái thời yêu đương trong sáng tuổi học trò sao?

Hương Anh nghĩ vậy trong lòng, rồi thành thật trả lời Phụng Anh:

– Không, hồi trước có một thời gian tớ sống cùng ông ấy, nhưng sau đó tớ chuyển ra ở ngoài vì anh em tính không hợp nhau. Có thời gian lão cứ đi tới tận đêm, về tới nhà là say khướt, xong vật vã, nôn ọe khắp nơi, tớ dọn mệt lử. Tớ bực nên chuyển ra ngoài. Với lại ra ngoài thì mình hẹn hò bạn bè cũng tiện. Chứ lão anh mắt cú vọ của tớ gia trưởng lắm, mình ra ngoài lăng nhăng thì được, nhưng em gái đi chơi đến 10h chưa về đã gọi điện nhặng xị lên rồi.

– Thế à? Mà cậu tên là Hương Anh nhỉ? Tên tớ là Phụng Anh.

– Thật? – Hương Anh trố mắt, dừng hẳn động tác ngắt lá rau mà ngẩng đầu nhìn cô.

– Ừ. – Phụng Anh gật đầu.

– Trời ạ! Ha ha… – Hương cười váng lên. – Không ngờ cậu và ông Hoàng nhà tớ có duyên phết nhỉ. Một người Phụng, một người Hoàng, Phượng Hoàng được một đôi luôn nhé! Sau này nhà mình sẽ một đống con với cháu tên Anh cho xem. Vui nhỉ?

Phụng Anh cũng chỉ mỉm cười, cô em gái của Hoàng Anh thật sự dễ gần hơn cô tưởng tượng rất nhiều.

Tầm gần một tiếng sau, lúc hai cô gái ngồi ở sân sau trò chuyện một cách tâm đầu ý hợp thì Thắng – người yêu của Hương Anh đã chạy xe từ Hà Nội về đến nơi. Mọi người chào hỏi nhau, sau đó mâm cơm thịnh soạn nhanh chóng được dọn ra. Bà Bình, mẹ Hoàng Anh biết hôm nay các con đều về hết nên đã mua rất nhiều thức ăn. Trong bữa ăn, cả nhà nói chuyện cực kỳ vui vẻ, ông Thịnh uống rượu với hai chàng trai, còn bà Bình thì cứ liên tiếp gắp thức ăn đầy bát cho Phụng Anh, luôn miệng nhắc cô phải ăn cho béo thêm. Phụng Anh chẳng thể từ chối, được gắp cho bao nhiêu đều cố gắng ăn hết, đến cuối bữa thì bụng cô đã căng tròn, cố gắng lắm mới đứng lên được. Sau bữa cơm, hai cô gái dọn mâm bát ra sân sau rửa, còn bà Bình lại tất tả ra vườn bê về một rổ táo ngon cho cả nhà ăn. Không khí vui vẻ của cả gia đình làm Phụng Anh cũng cảm thấy thân quen lên rất nhiều, ít nhất cũng không còn cảm giác lo lắng và bỡ ngỡ như lúc đầu nữa.

– Đây là phòng của Hương, em ngủ ở đây nhé! Anh với Thắng ngủ ở bên phòng anh. Chiều dậy chúng ta sẽ đi dạo chơi một lát.

– Vâng. – Phụng Anh gật đầu và cởi áo khoác ngoài ra.

Trong lúc cởi áo, tay áo len của cô sơ ý cũng bị vén lên theo, để lộ ra một vùng da rộp đỏ dài chừng mười phân, rộng khoảng hai ngón tay. Hoàng Anh sửng sốt, vội chộp lấy, nâng lên hỏi:

– Da em sao thế này? Bị bỏng lúc nào đây?

– Ái đau… – Phụng Anh la lên khe khẽ như sợ bố mẹ anh ở dưới nhà sẽ nghe thấy. – Lúc nãy em vớt con gà, không cẩn thận để nó rơi lại xuống nồi làm bắn nước lên tay thôi. Không sao đâu.

Trước bữa ăn, lúc được Hương Anh nhờ vớt gà, cô hùng dũng kéo cao tay áo và bước vào bếp, mở vung nồi để vớt con gà. Nhưng cái việc cô vẫn nghĩ là “ai mà chả làm được” này rõ ràng khó hơn cô nghĩ rất nhiều, ít nhất là với một người chưa lần nào vớt gà luộc như cô. Loay hoay một hồi, chọc chọc xiên xiên mãi, cuối cùng Phụng Anh cũng nhấc được con gà lên. Nhưng do cầm đũa không chắc nên cô để con gà rơi lại xuống nồi, trộm vía, cũng còn may không phải rơi ra ngoài bếp than đầy tro và trấu ấy. Bị nước bắn lên tay nhưng cô lại không muốn người nhà anh thấy độ lóng ngóng và vụng về của mình nên đành vội vàng kéo áo che đi. Bị tay áo chặt cọ xát suốt buổi trưa, đến lúc này thì phần da bị bỏng đã rộp nước ở mấy chỗ rồi.

– Vậy mà em để yên, chịu đau tới giờ à? – Hoàng Anh cau mày trách cô. – Đợi anh một chút, anh đi lấy thuốc bôi cho em.

– Khoan đã… – Phụng Anh luống cuống gọi anh lại. – Đừng để bố mẹ anh biết nhé! Em không muốn bị nghĩ là lóng ngóng không làm được việc đâu.

– Ừ… – Hoàng Anh ra chiều suy nghĩ sau đó gật đầu, vội vàng đi xuống nhà để tìm thuốc bôi cho cô.

Buổi chiều, sau cả một buổi trưa lăn lộn vật vã trên chiếc giường ấm áp và không ngủ được vì quá no, khoảng hai giờ thì Phụng Anh quyết định trở dậy.

Được rồi, dù chỉ là diễn thì cũng phải diễn cho đạt. Chẳng có cô gái nào lần đầu về ra mắt nhà người yêu lại ngủ tít mít tới tận chiều tối cả!

Dặn lòng mình như thế, cô lọ mọ bước xuống nhà. Căn nhà chìm trong yên ắng, chỉ có tiếng chim khướu hót lanh lảnh nơi đầu hè. Hoàng Anh nói, con khướu này là thú cưng của bố anh, ông chăm sóc nó từng li từng tí, thậm chí hôm nào nó quên không hót là ông lo lắng không thôi, sợ nó bị ốm. Cô đi ra đầu hiên nhà, một cơn gió lạnh làm cô co rúm người lại. Không khí ở miền quê lạnh hơn ở thành phố rất nhiều, nhất là lại gần biển nữa. Phụng Anh bước xuống những bậc thềm, đi ra sân, tiến về phía gốc đào già với những cành vươn dài nơi góc sân, đã bắt đầu xuất hiện những búp nụ, chồi non và còn có cả hoa nở nữa. Bông đào màu phớt hồng, không thắm như đào bích, cũng không nhạt như đào phai, từng cánh hoa rung nhẹ theo từng trận gió từ biển thổi vào.

Đang ngẩn ngơ dưới gốc hoa, chợt cô nghe thấy tiếng bước chân đi vào trong sân, quay đầu nhìn chỉ thấy Hoàng Anh đi từ phía cổng vào, trên tay là một xô màu đỏ, trong đựng gì đó. Thấy cô đang đứng ngắm đào ở góc sân, Hoàng Anh ngạc nhiên hỏi:

– Sao dậy sớm thế? Tay em thế nào rồi?

Phụng Anh kéo tay áo lên, nhìn vết bỏng đã được bôi thuốc trên cổ tay mình, cười đáp:

– Không còn đau rát như lúc trưa nữa, thuốc này tốt thật.

Cô mỉm cười, đứng đó với những cành đầy nụ và hoa nở trên đỉnh đầu, đôi môi màu anh đào và gò má hơi hồng của cô thật phù hợp với khung cảnh khiến cho Hoàng Anh không khỏi ngẩn ngơ.

Anh vội vàng xua đi tà niệm trong đầu, lại nói:

– Thế thì tốt rồi. Anh vừa đi sang chào hỏi mấy nhà cô bác hàng xóm, lại còn được cho mấy con mực tươi mang về. – Anh giơ cái xô về phía trước để cho cô xem.

Phụng Anh nhìn vào, đúng là có mấy con mực to còn tươi nguyên ở trong xô nhựa.

– Mực to quá! – Phụng Anh nói một câu nhạt toẹt, cô chẳng nghĩ ra cái gì để nói cả.

– Em có muốn ra biển dạo chơi một lúc không? Bố mẹ anh chắc còn chưa ngủ dậy, Hương với Thắng thì đèo nhau lên thị trấn mua đồ từ trưa rồi.

– Cũng được ạ! – Phụng Anh gật đầu, cô còn đang mải so sánh một Hoàng Anh đĩnh đạc và phong độ trong bộ đồ công sở với một Hoàng Anh có phần chân phương và mộc mạc khi về nhà này.

Hoàng Anh cười, cũng không nói gì nữa, anh mang xô mực tươi ra sau nhà, cất cẩn thận rồi rửa tay chân, sau đó mới cùng cô đi ra biển.

Biển xám xịt!

Phụng Anh thất vọng đến sững sờ khi thấy trải rộng vô biên trước mắt mình chỉ là một màu xám xịt, buồn thảm của biển cả. Vài con thuyền gỗ nằm nghiêng trên bờ cát, lại có vài con thuyền thấp thoáng xa xa, không khác gì một chiếc lá đơn côi trên mặt nước mênh mông. Sóng biển ào ào xô bờ, bọt nước trắng xóa. Bầu trời cũng một màu xám ảm đạm, thê lương.

Giờ cô mới biết, biển mùa đông thật ra rất lạnh lẽo, chẳng đầy sức sống như cô vẫn nghĩ, như cô đã một lần lên giọng “thuyết giảng” cho Hoàng Anh nghe về hội họa. Cái lạnh không chỉ bởi sóng, bởi nước, bởi gió, mà đó là một cảm giác lạnh vì cô đơn thấu tận tâm can. Thì ra, một bức họa có hồn không chỉ là một bức họa mà người nhìn có thể thấy mọi chuyển động trong đó, nó còn phải là tấm gương để người ta soi vào, nhìn thấy cõi lòng mình đang có gì.

Như lúc này, cô thấy biển thì chợt nhận ra, cảm giác cô đơn bấy lâu nay mình đã quên đi thật ra vẫn ở nguyên vẹn nơi đó, chỉ là cô dùng những gam màu nóng bỏng khác của cuộc sống quanh mình che đi mà thôi.

– Lạnh à? Sao mà ngẩn người ra thế? – Hoàng Anh nhìn cô hỏi.

– À, không… – Phụng Anh lắc đầu nhưng rồi một cái rùng mình vì lạnh của cô đã lật tẩy hết.

– Anh quên không nhắc em mặc thêm áo, ở ngoài này lạnh lắm.

Hoàng Anh định cởi áo khoác ra đưa cho cô nhưng Phụng Anh đã từ chối, cô nói cái lạnh này so với mấy vùng núi cô đã đi qua thì cũng chưa là gì.

– Em hay đi tình nguyện lắm à? – Hoàng Anh tò mò hỏi, hai người đã kiếm được một góc dưới chân một con thuyền mắc cạn và ngồi xuống tránh gió.

– Cũng một năm vài ba chuyến thôi, còn tùy vào tình hình tài chính, nói chung quy mô cũng nhỏ lắm. Em là Trưởng ban đối ngoại nên hầu hết phải lên chương trình và dự thảo thu chi cho các chuyến đi như thế này, rồi còn đi tiền trạm tới các địa phương mà nhóm muốn làm thiện nguyện để biết được địa hình có thuận lợi cho xe tiến vào hay không, hoặc cần phải chuẩn bị những gì cho địa phương đó, rồi làm việc với chính quyền địa phương. Mình làm không khéo thậm chí còn bị hiểu lầm, nhưng hầu hết đều thuận lợi, vì người dân miền núi đã quá quen với màu áo xanh tình nguyện rồi.

– Nghe có vẻ vất vả nhỉ, em không sợ ảnh hưởng tới việc học à? Hồi anh còn là sinh viên, anh chẳng bao giờ tham gia mấy cái tình nguyện kiểu này, anh thích các sự kiện về kinh doanh hơn, hoặc không thì ở nhà chơi game. Giờ thấy bọn em sôi nổi như thế, anh cũng thấy tiếc, và còn tò mò không biết những điều ấy có gì vui mà bọn em lại hào hứng đến thế? – Hoàng Anh nhún vai.

– Nó như chất gây nghiện, nếu đã thử một lần, anh sẽ luôn muốn thử lần thứ hai, rồi cái máu đi tình nguyện nhiễm vào trong máu lúc nào không hay. Có một số người, với họ, chỉ cần được nhìn thấy nụ cười chân thành của cộng đồng cũng là một niềm hạnh phúc.

– Thật sao, em cũng thế à?

– Cứ cho là thế đi. – Phụng Anh nhún vai, cô cúi đầu, thò tay vẽ vài đường lằng ngoằng trên nền cát.

– Uyên cũng nói thế với anh, còn bảo anh nên đi với bọn em chuyến này một lần cho biết…

– Cậu ấy đã rủ, vậy thì anh cứ thử đi xem. Với lại, chẳng lẽ anh không định đại diện nhà tài trợ đi chuyến này sao? – Phụng Anh ngẩng đầu nhìn anh đầy vẻ thắc mắc.

– Anh định để trợ lý của anh đi. Nhưng dường như cô ấy không muốn cho lắm, cô ấy có con nhỏ mà, đi hai ngày thì cũng khá bất tiện. Anh vẫn còn đang suy nghĩ về việc này. Phải rồi, anh sợ nếu không nói cái này thì lại quên mất, cảm ơn em đã đồng ý về quê với anh nhé! Trưa nay anh có ngồi nói chuyện với bố mẹ, thì ra bố anh chưa đồng ý phẫu thuật vì ông sợ tiền viện phí tốn kém. Ông định sửa lại nhà để chuẩn bị cho anh và Hương lập gia đình nên muốn tiết kiệm tiền một chút.

– Bố mẹ anh thật tuyệt vời! – Phụng Anh đưa mắt nhìn ra biển, cô mỉm cười nhưng không hiểu sao trong mắt lại xuất hiện một nỗi buồn xa xăm.

– Ừ… Nhưng anh đã thuyết phục được ông rồi. Chắc ra Tết ông sẽ lên Hà Nội để phẫu thuật. Anh đã nói thật với bố mẹ về việc chúng ta là bạn, bố mẹ có hơi thất vọng một chút, nhưng ông bà nói họ rất vui khi được gặp em đấy.

– Vậy sao? – Phụng Anh giật nảy người, cô cũng không biết đây là tin tốt hay tin xấu nữa.

Tốt ở chỗ, cô không cần phải cố gắng diễn cho tròn vai để làm vừa lòng bố mẹ anh nữa. Mà xấu, vô hình chung, trong mắt người lớn, cô đã bắt tay với anh để lừa họ, đó là điều mà các vị phụ huynh không bao giờ chấp nhận được. Dường như biết cô đang nghĩ gì, Hoàng Anh vội nói thêm:

– Thực ra là mẹ anh đoán được và gặng hỏi anh. Em biết đấy, các vị phụ huynh thường rất tinh tường và nhạy cảm về các mối quan hệ của con mình. Cũng như trước đây, khi anh còn là sinh viên, có lần cũng dẫn một nhóm bạn về nhà, trong đó có một cô là bạn gái của anh. Anh không giới thiệu gì cả, vậy mà bố mẹ anh có thể lập tức nhìn ra trong số các cô gái thuộc nhóm bạn đó, ai là cô gái mà con mình đang hẹn hò. Chúng ta cũng thế thôi, chỉ cần nhìn thôi là bố mẹ anh cũng biết chúng ta có tình cảm với nhau hay không?Anh nói là anh đã thuyết phục em giúp anh vì anh lo lắng cho sức khỏe của bố nên bố mẹ sẽ không giận hay đánh giá gì em đâu. Bố anh còn nói… ờ… – Nói tới đây Hoàng Anh hơi ngập ngừng, dường như anh đang cân nhắc xem có nên nói ra điều này hay không.

Sau khi anh thú nhận, bố anh còn thở dài đầy tiếc nuối và nói, giá như là bạn gái thật thì tốt. Ông có vẻ ưng cô bạn gái này của con trai mình hơn là Linh Trang. Ngày ấy, dù không phản đối gì chuyện của hai người, nhưng ông vẫn thường lăn tăn một điều là Linh Trang dạn dĩ quá, lại là con gái thành phố, không biết liệu có phù hợp với cuộc sống đi làm dâu ở một vùng quê nghèo như thế này hay không? Anh cũng không thể thay đổi được cách nghĩ đó của ông, ông đã quen với cuộc sống nơi miền quê này, những cô con gái lớn lên ở cái vùng biển này vẫn còn giữ được một chút dáng vẻ e ấp như nụ hoa chưa nở, khác với vẻ rực rỡ yêu đời, thẳng thắn và hiện đại như con gái thành phố của Linh Trang.

– Nếu hai bác không trách gì em thì tốt quá, chứ không chắc em xách ba lô mà quay về Hà Nội ngay bây giờ quá!

Phụng Anh cười khì, cô cũng chẳng bận tâm câu nói ngập ngừng của anh. Thế nên Hoàng Anh cũng quyết định không nói ra nữa. Cô gái này thật có lúc khiến người ta không biết phải làm sao?

Phụng Anh là thế, luôn đem tới cho anh thứ cảm giác mâu thuẫn đến cùng cực. Một mặt anh luôn nghĩ tới cô, không ngừng muốn kéo cuộc sống của mình lại cuộc sống của cô, như một trò chơi ú tim, một người càng trốn thì một người càng tìm. Phụng Anh càng cố tình trốn tránh anh thì anh lại càng muốn không ngừng hiện diện trong cuộc sống của cô. Nhưng một mặt khác, anh sợ phải đối diện với những sự thật về cuộc đời cô, về những thăng trầm trong cuộc sống mà cô đã từng trải qua, hay nói cho rõ, anh sợ phải nghe về công việc mà cô đã từng làm, công việc kiếm tiền từ ví của những người đàn ông ham của lạ.

Hoàng Anh chưa từng nghĩ, cuộc đời của anh rồi có lúc sẽ gặp một cô gái như thế, không giống những cô gái làng chơi anh gặp chỉ một đêm, càng không giống những cô gái ngây thơ trong sáng, có một cuộc sống ổn định và lành mạnh, Phụng Anh đứng ở giữa ranh giới của hai kiểu người đó, Hoàng Anh thấy đẩy cô về phía nào cũng không thỏa đáng. Có lẽ trong cuộc sống của anh, cô đã trở thành một nốt lặng, sẽ làm cho anh nhớ mãi, đau đáu, trăn trở mãi không thôi.

Mãi sau này Hoàng Anh mới nhận ra, từ khi cô tấu lên khúc “Phượng Cầu Hoàng”, từ khi anh ngồi trên ghế trong một hội trường rộng lớn, ngây ngốc nhìn cô giống như nhìn một bông hoa đỏ rực giữa làn khói mỏng manh, một sợi dây vô hình đã nối cuộc sống của hai người lại. Sợi dây ấy, phải mất thật lâu anh mới nhận ra, và cũng phải mất thật lâu anh mới kéo căng được nó, kéo được người ở đầu dây bên kia lại gần mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #nd#quynh